Câu chuyện bắt đầu vào một ngày mùa Thu năm 1936, tại Thượng Hải. Nhân vật chính của câu chuyện, Lục Y Bình, vừa tròn 19 tuổi.
Trời lại mưa. Tôi ngồi bên cửa sổ, tựa cằm nhìn từng giọt mưa rơi đều đều từ mái hiên xuống vũng bùn ngoài sân, nghe đơn điệu và buồn tẻ như chính cuộc đời tôi. Đời tôi vô vị quá! Nếu không có mẹ, nếu không phải vì mẹ, thì sự tồn tại của tôi trên thế gian này chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Nhớ tới vẻ mặt xanh xao của mẹ lúc nãy, tôi thấy lòng nhói đau. Mấy hôm nay, trời trở lạnh, mẹ lại ho và than nhức đầu. Ôi, người mẹ tội nghiệp của tôi! Cả cuộc đời của mẹ là những chuỗi ngày đầy nhẫn nhục và nước mắt.
Mẹ tôi vốn là một tiểu thơ con nhà khuê các. Một ngày nọ, trên đường sang nhà bà dì chơi, bà nghe có tiếng vó ngựa rầm rập chạy tới. Chưa kịp tránh đường, thì bà đã bị một con ngựa đá ngã chúi xuống đất. Mẹ tôi chưa kịp hoàn hồn, ngước lên, thì đã bắt gặp cái nhìn đăm đăm của người đàn ông bận quân phục đang ngồi trên lưng ngựa, trông rất oai phong, lẫm liệt. Ông ta cất giọng sang sảng hỏi tên bà. Bà sợ hãi, ấp úng xưng tên. Chỉ có vậy, rồi người đàn ông kia thúc ngựa bỏ đi. Ba ngày sau, một đội binh rầm rộ kéo đến nhà ông bà ngoại tôi, mang theo sính lễ rềnh rang, nói là mẹ tôi đã được chọn làm người thiếp thứ tám của “Hắc Báo” Lục Chấn Hoa. Thời ấy, nghe đến tên “Hắc Báo”, không ai không khiếp vía. Ông là một vị Tư Lệnh rất quyền thế, oai danh vang dội khắp ba tỉnh Đông Bắc. Ông đi đến đâu, hễ thấy cô gái nào ưng ý, là mang sính lễ đến xin cưới ngay, mặc cho nhà gái có đồng ý hay không. Thế là ông bà ngoại tôi đành nuốt nước mắt tiễn con gái lên xe hoa.
Thật tội nghiệp cho mẹ! Chắc hẳn mẹ cũng đã từng yêu, nhưng bà không bao giờ có cơ hội được chung sống suốt đời với người mình thương.
“Y Bình, con còn chưa đi à?”
Tôi giật mình, quay lại. Mẹ đã đứng sau lưng tôi tự lúc nào.
“Y Bình, con lại giận cha con à?”
Chỉ nhìn thoáng qua nét mặt của tôi, mẹ đã đoán ngay được tâm sự của tôi. Trên đời này không có ai hiểu tôi hơn bà.
Tôi đáp, giọng hờn dỗi:
“Con không thể nào hiểu được tại sao cha lại vô tình đối với mẹ con mình như vậy!”
Mẹ vuốt tóc tôi:
“Y Bình, bao nhiêu năm làm vợ chồng với cha con, mẹ vẫn chưa thể hiểu được ông ấy, nhưng có một điều mẹ chắc chắn rằng cha của con không phải là một con người bình thường. Con không nên dùng ánh mắt của một người bình thường để nhìn cha con!”
Tôi không thể nào hiểu được mẹ. Cha đối với mẹ bạc bẽo như vậy, mà mẹ lúc nào cũng nói tốt cho chạ Tôi thở dài đứng dậy đi tìm chiếc dù.
“Thôi, con đi nghe mẹ!”
Mẹ theo tôi ra cửa, còn không quên dặn dò:
“Y Bình à, sang bên đó, nhớ phải nhẫn nhịn, đừng gây sự với người ta, nghe con! Nhớ nói với cha con là tiền nhà đã hai tháng rồi chưa trả, không thể khất nữa.”
“Con biết rồi, mẹ! Con nhất định sẽ mang tiền về cho mẹ mà!” Tôi trấn an mẹ. Mẹ thì lúc nào cũng muốn nhịn. Chính vì mẹ nhịn quá, nên mẹ con chúng tôi mới bị người đàn bà kia bày kế khiến cha đuổi chúng tôi ra khỏi nhà.
Tôi cầm dù lầm lũi đi trong mưa. Mưa lớn quá, làm trắng xóa cả mặt đường tráng nhựa. Từng cơn gió thổi vút qua khiến tôi phải ngả nghiêng theo chiếc dù. Nhưng mặc cho tôi cố gắng cách nào, mưa vẫn hất vào mặt, vào tóc và chiếc váy xanh duy nhất của tôi. Đang đi, bỗng có vật gì đâm vào ngón chân tôi, đau điếng. Thì ra là mấy hạt cát quỷ quái chui vào chiếc dày đã há mõm của tôi. Tôi càu nhàu một chút, rồi lại tiếp tục đi. Cái lạnh bắt đầu thấm vào người. Tôi rùng mình cắn răng tính toán số tiền mà hôm nay tôi nhất định phải xin xỏ cho được cái người mà tôi gọi bằng “cha” kia: một trăm đồng tiền nhà, năm chục đồng tiền mua gạo và thức ăn, năm chục đồng mua quần áo và giày mới, tổng cộng là hai trăm đồng.
Người và tóc ướt đẫm nước mưa, tôi bước vào nhà cha tôi, một ngôi biệt thự to lớn và sang trọng. Hơi ấm từ chiếc lò sưởi tỏa ra khiến tôi thấy dễ chịu đôi chút. Mộng Bình, đứa em gái cùng cha khác mẹ của tôi, đang uốn éo nhảy theo điệu nhạc xập xình từ chiếc máy phát ra. Thấy giày tôi lấm đầy bùn, nó nhăn mặt:
“Coi chừng làm giơ thảm của người ta hết!”
Vừa lúc đó, Như Bình từ trên lầu chạy xuống. Trong gia đình này, Như Bình là người duy nhất hoan nghênh tôi. Tuy không ưa gì nó – hay có lẽ tôi nghen tỵ với nó thì đúng hơn - tôi cũng phải công nhận nó và Mộng Bình là hai thái cực đối lập: một đứa thì chanh chua, đanh đá, một đứa thì dịu dàng, đôn hậu.
“Chị Y Bình! Chị mới tới à? Sao quần áo của chị ướt hết vậy? Vào phòng em thay đồ đi! Em có rất nhiều chuyện muốn nói với chị đó!”
Vừa nói, Như Bình vừa níu tay tôi lên lầu, để lộ bảy chiếc vòng vàng nơi cổ tay trắng nõn. Một mối ghen tỵ chợt nhen nhúm trong lòng. Tôi rụt tay lại, lạnh lùng nói:
“Em có em gái, có anh trai, cần gì nói chuyện với chị!”
Có lẽ vì nghe tiếng ồn ào, dì Cầm cũng từ trong bếp chạy ra. Trông thấy tôi, bà nguýt một cái. Rồi nhìn thấy con chó lẩn quẩn quanh chân tôi, bà vẫy nó lại:
Hễ mỗi lần tôi đến đây là dì Cầm luôn tìm cách nói xiên nói xỏ tôi. Thật ra, tôi thấy khinh thường bà hơn là ghét bà. Tôi không hiểu tại sao trên đời lại có loại người đàn bà nhỏ nhen, ích kỷ, và thâm độc như vậy.
Một tiếng quát từ trên lầu cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi:
“Ồn ào quá! Có im hết ngay không?”
Mộng Bình lập tức tắt chiếc máy nhạc. Mọi người trong phòng chợt nín bặt, đưa mắt về phía cầu thang. Cha bước xuống từng bậc cấp, dáng điệu khoan thai trong chiếc áo dài the thâm ủi thẳng nếp, đôi mày đen, dài và rậm hơi chau lại, miệng vẫn lập bập cái dọc tẩu đã mấy chục năm không hề rời ông. Tôi nghe nói, xưa kia, “Hắc Báo” có ba vật tùy thân lúc nào cũng ở bên ông: vật thứ nhất là cái dọc tẩu này, vật thứ hai là cái roi ngựa, và vật thứ ba là một khẩu súng lục. Thế nhưng, bây giờ, cha không còn là một vị Tư Lệnh oai phong, quyền thế ngày nào nữa – thời vàng son của cha đã đi vào dĩ vãng- cha chỉ còn biết ngậm dọc tẩu để giải sầu.
Cha đến trước mặt tôi. Mặc dù cha đã già và không còn cái vẻ oai hùng của một vị Tư Lệnh một thời khét tiếng, nhưng từ phong thái của cha vẫn toát ra một vẻ oai nghiêm, khiến tôi thấy nể sợ. Cho nên, mặc dù không ưa gì cha, tôi cũng không dám thất lễ, đành miễn cưỡng gật đầu chào:
“Thưa chạ”
Cha nhìn tôi với ánh mắt thờ ơ, hình như còn có vẻ hơi khó chịu vì vẻ mặt ủ dột của tôi.
“Thì ra, con ở đây à? Mẹ con khỏe chứ?”
May quá, cha vẫn còn nhớ tới người mẹ khốn khổ của tôi!
“Dạ… mấy hôm nay trời lạnh quá, bệnh nhức đầu của mẹ lại trở cơn.” Tôi lí nhí đáp.
“Có bệnh sao không đi khám bác sĩ?”
Ơ, câu hỏi nghe buồn cười! Tiền đâu mà đi khám bác sĩ? Mỗi tháng đến đây xin chút tiền sinh hoạt đã bị coi như ăn mày rồi! Tôi cố giữ giọng hòa nhã, nói:
“Thưa cha, mẹ bảo con đến xin cha chút tiền. Tiền nhà đã hai tháng rồi chưa trả, trong nhà cũng đã hết gạo rồi.”
“à, thì ra, hôm nay con đến đây lấy tiền!” Cha nói, giọng lộ vẻ thất vọng.
Tôi cắn môi, cố nén nỗi bất bình. Chứ cha còn bảo tôi đến đây với mục đích gì khác nữa? Bao nhiêu năm nay, quan hệ giữa tôi và cha chỉ vỏn vẹn có mấy đồng tiền này, không hơn không kém. Cha đâu có bao giờ quan tâm, ngó ngàng gì đến tôi? Năm năm nay, cha không hề đặt chân đến nhà tôi, cũng không hề quan tâm đến sự sống chết của mẹ tôi.
Cha quay sang hỏi dì Cầm:
“Tuyết Cầm, tiền sinh hoạt của mẹ con nó, bà đã chuẩn bị chưa?”
Dì Cầm sai Như Bình:
“Như Bình, lên lầu lấy hai mươi đồng cho mẹ!”
Nghe vậy, tôi hốt hoảng kêu lên:
“Cha! Hai mươi đồng làm sao đủ!”
Rồi chợt nhận ra thái độ hấp tấp của mình, tôi nhỏ giọng:
“Con cần ít nhất là hai trăm đồng. Tiền nhà đã hai tháng rồi chưa trả. Trong nhà cũng đã hết gạo rồi. Con cũng cần may mấy bộ đồ mới cho mùa đông, và mua giày mới nữa. Cha coi, đôi giày của con đã há mõm ra rồi nè, không thể mang được nữa!”
Dì Cầm biễu môi, kéo dài giọng:
“Hai- trăm- đồng? Cô cần nhiều tiền như vậy để làm gì? Bộ cô tưởng tiền tự nhiên ở trên trời rơi xuống sao? Cô đừng có quên nhé: khi xưa gia đình ta chạy nạn đến Thượng Hải này, phần lớn của cải của cha cô đã bỏ lại ở Đông Bắc. Cha cô bây giờ đã già rồi, đâu có làm gì ra tiền? Cô phải nghĩ cho cha cô chứ? Vả lại, bên cô chỉ có hai mẹ con, tiêu xài đâu có bao nhiêu. Bên đây, chúng tôi còn cả đám người phải nuôi đấy!”
Tôi thấy ghét cay ghét đắng bà dì chua ngoa, nhưng bây giờ không phải là lúc gây gỗ với bà tạ Mục đích của tôi hôm nay đến là để xin tiền. Tôi cố nài nỉ:
“Thưa cha, xin cha hiểu chọ Nếu tháng này còn không đóng tiền nhà, hai mẹ con con sẽ bị đuổi ra khỏi nhà. Không lẽ cha nỡ để mẹ con con lang thang đầu đường xó chợ hay sao? Nói ra, thật không ai tin con là con nhà họ Lục!”
Dì Cầm vẫn không tha cho tôi:
“Chà, lại rinh cả nhà họ Lục ra mà nói nữa! Tôi nghĩ, nếu không phải vì tiền, chắc cô cũng chẳng thèm để chữ “Lục” này ở trong lòng đâu!”
Tôi giận dữ nhìn trừng trừng vào bà ta:
“Con không phải hỏi dì để lấy tiền. Con đang nói chuyện với cha của con!”
Quay sang cha, tôi hỏi:
“Thưa cha, có được không?”
Cha có vẻ bất bình vì thái độ của tôi đối với dì Cầm. Ông đáp:
“Dì của con nói đúng: tiền không phải tự nhiên từ trên trời rơi xuống đâu. Con phải nghĩ đến chỗ khó khăn của chạ Tháng này, cha chỉ có bấy nhiêu, có lấy thì lấy, không lấy thì thôi!”
Tôi kêu lên, nghẹn lời:
“Cha! Nếu như cha có tiền để mua cho Như Bình mấy chiếc vòng vàng mới, thay thảm mới, có tiền mua xe hơi, mướn tài xế riêng, nuôi ngựa riêng, thì sao cha lại không có hai trăm đồng cho mẹ con con? Con và mẹ cũng là người thân của cha mà?”
Mặt cha biến sắc, cái dọc tẩu rời khỏi môi.
“Mày nói vậy là ý gì? Không ai dám nói chuyện với tao như vậy! Tiền của tao, tao muốn làm gì thì làm, cho ai thì cho! Vả lại, tao là cha mày, chứ đâu phải là con nợ của mày? Hừ, mẹ con mày đều như nhau cả, đều là những con nợ dai như đỉa!”
Thoạt đầu, nhìn những đường gân xanh nổi lên trên mặt cha, tôi biết mình đã đi sai nước cờ, coi bộ lần này chắc không xin được hai trăm đồng về cho mẹ rồi! Tôi toan chuộc lại lỗi lầm, nhưng khi nghe cha gọi mẹ là một con nợ, cơn giận trong tôi chợt bùng nổ, máu nóng dồn ứ lên mặt. Tôi chỉ biết tôi cần phải nói ra hết tất cả uất ức đã dồn nén bao nhiêu năm.
“Cha! Bộ cha tưởng con thích ngửa tay xin tiền cha lắm sao? Nuôi dưỡng con cái là trách nhiệm của cha mà! Cha nghĩ lại coi, nếu khi xưa cha không dùng quyền lực ức hiếp mẹ con, thì ngày nay đâu có hai con nợ đáng ghét này? Nhân tính của cha ở đâu? Bao nhiêu năm nay, cha có coi mẹ con còn ở trên đời không? Cha không thương con đã đành, nhưng còn mẹ? Mẹ cũng đã từng được cha yêu mà?”
Tôi nói luôn một tràng. Cơn giận đến quá mau, không thể nào kìm lại được. Tôi vừa dứt lời, thì đã bắt gặp đôi mắt toé lửa của cha - đôi mắt làm tôi nghĩ ngay đến biệt hiệu “Hắc Báo Tử”.
“Mày nói gì? Mày có dám nói lại không?” Cha lừ lừ tiến đến gần tôi, như muốn ăn tươi nuốt sống tôi.
Tôi biết mình đã cưỡi lên lưng cọp, không thể quay lại nữa. Tôi đánh liều:
“Con nói: con đã đầu thai lộn rồi! Tại sao con lại là con của Lục Chấn Hoa? Nếu như con sanh ra ở một gia đình khác, thì hôm nay cũng không đến nỗi phải ngửa tay xin cha mình miếng cơm ăn. Nếu khi xưa cha đừng sanh ra con, thì đó là một sự may mắn đối với cha, và cũng đối với con nữa!”
Cha chộp lấy vai tôi, lắc mạnh. Giọng cha run lên:
“Mày… mày tưởng mày là ai, mà dám hỗn láo với tao như vậy, hả?” Nhìn lên lầu, cha quát lớn: “Nhĩ Hào, lấy cái roi ngựa xuống đây!”
Roi ngựa! Cha đòi roi ngựa làm gì? Không lẽ cha muốn trói chết tôi sao? Tôi thoáng thấy sợ.
Nhĩ Hào, anh của Như Bình, từ trên lầu chạy xuống. Nó nhìn tôi, rồi lại nhìn chạ Chỉ với cái nhìn của Nhĩ Hào, tôi đã linh tính một đại họa sắp giáng xuống đầu tôi.
“Thưa cha, xin cha đừng nóng. Chị Y Bình không biết chuyện, cha mắng chị ấy là được rồi, đâu cần phải dùng đến roi!” Nhĩ Hào sợ sệt nói.
Cha hét:
“Mày dám dạy cả tao à? Vào thư phòng, lấy cái roi ngựa xuống đây, mau lên!”
Nhĩ Hào quay lên lầu và trở xuống với cái roi ngựa trong taỵ Nó đưa cả hai tay dâng cái roi ngựa cho chạ Cha giật phắt cái roi trong tay nó, quấn một vòng vào tay, rồi chỉ ngay vào mặt tôi:
“Hôm nay, nếu như tao không dạy dỗ mày, thì mày không biết “Hắc Báo” là ai cả!”
Cha lại chỉ vào Nhĩ Hào và Như Bình, cảnh cáo:
“Tất cả tránh ra hết! Đứa nào dám xin cho nó, tao đánh luôn!”
Thì ra, cha định dùng roi ngựa đánh tôi! Tự nhiên, tôi nổi giận. Bản tính tự kiêu làm cho tôi quên đi sợ hãi, quên luôn mục đích của tôi là đến xin tiền, quên luôn người đứng trước mặt tôi là “Hắc Báo” mà ai cũng khiếp sợ.
“Cha không được đụng đến con! Cha không có quyền đánh con, không có quyền dạy con! Xưa nay, cha đâu có coi con là con gái của cha! Bao nhiêu năm nay, cha sống bên một người đàn bà khác, đóng vai người chủ của một gia đình khác, đâu có ngó ngàng gì tới con?”
Tôi vừa dứt lời, thì… vút, sợi dây thừng quất ngay vào mặt tôi, đau rát. Tôi chưa kịp phản ứng thì… vút, ngọn roi thứ hai quất vào má bên kia của tôi, khiến tôi ngã chúi xuống đất. Tiếp đó, từng cơn mưa roi liên tục rớt xuống người tôi. Tôi oằn người trên nền đất, ra sức đưa hai tay chống đỡ. Mỗi ngọn roi cha quất xuống là tôi tưởng như da thịt của tôi đều rách nát ra, cái đau xoáy tận lên óc. Rồi từ đau chuyển thành hận, tôi gào lên:
“Cha đã đánh chết tình cha con của chúng ta! Con hận cha! Được, cha cứ đánh chết con đi! Nếu hôm nay cha không đánh chết con, cha sẽ hối hận! Con sẽ ghi nhớ suốt đời!”
Cha càng ra sức thẳng tay quật sợi roi vào lưng, vào người tôi.
“Mày không có suốt đời để mà nhớ! Hôm nay tao nhất định phải đánh chết mày!”
Tôi cắn răn chịu đau. Bản tính lì lợm khiến tôi không thể khuất phục. Tôi không biết mình đã lãnh hết mấy chục roi của chạ Tôi tưởng chắc cha sẽ đánh tôi đến chết thật, nhưng tôi cũng không còn muốn sống nữa!
Đánh mãi một lúc hình như đã mỏi tay, cha mới dừng roi lại, hổn hển thở. Toàn thân tôi đau đớn tột cùng. Da thịt tôi cháy bỏng. Những vết roi hằn trên hai cánh tay tôi rướm máu. Nhưng thể xác tôi đau đớn chừng nào, thì lòng tôi lại càng đau đớn gấp bội phần. Người cha mà tôi hằng kính trọng, thì ra là một con quỷ không có nhân tính. “Hắc Báo”, một anh hùng mà tôi hằng kiêu hãnh, thì ra chỉ có thể dùng roi với con gái của mình! Nghĩ đến câu nói của mẹ: “Cha của con không phải là một con người bình thường; con không nên dùng con mắt của người thường để nhìn cha con”, tôi thấy chua chát làm sao! Mẹ Ơi, vậy thì, bây giờ, con phải dùng con mắt gì để nhìn cha đây? Chỉ vì hai trăm đồng, mà cha đã dùng roi ngựa đánh con một cách tàn nhẫn, không thương tiếc. Mà nào con có tội tình gì đâu? Nếu có tội chăng, thì chính là vì con bất hạnh, sinh ra là con gái của cha!
Thế giới trước mắt tôi hoàn toàn sụp đổ. Trong lòng tôi tràn đầy một nỗi thất vọng ê chề. Tôi ngước lên nhìn chạ Cha đăm đăm nhìn vào mắt tôi, rồi đột nhiên, ông loạng choạng như muốn ngã. Sợi roi tuột khỏi tay ông, rơi ịch xuống ngay trước mặt tôi. Tôi nhìn cha, khó hiểu. Mà cả cuộc đời tôi, cha vốn luôn luôn là một cái dấu hỏi lớn. Tất cả những việc làm của cha, đều quá khó hiểu đối với tôi.
Mấy phút im lặng trôi qua, cha mới từ từ lên tiếng:
“Tuyết Cầm, đi lấy hai trăm đồng ra đây!”
Dì Cầm không dám hó hé, chạy ngay lên lầu lấy nắm giấy bạc đưa cho cha.
“May quá, tôi gom hết tiền bạc trong nhà, chỉ vừa đủ chừng này thôi.”
Cha đến trước mặt tôi, đưa xấp tiền cho tôi, rồi ra lệnh, nhưng trong lệnh truyền của cha lần này hình như đượm một vẻ hòa nhã khác thường:
“Y Bình, hãy đem hai trăm đồng này về cho mẹ con đi! Nhớ tìm bác sĩ trị hết bệnh cho mẹ con, và cũng nhớ mua mấy bộ đồ mới mà mặc!”
Như một cái máy, tôi cầm lấy xấp tiền trong tay chạ Nội tâm tôi xung đột dữ dội. Hai trăm đồng đối với cha chẳng có nghĩa lý gì cả, nhưng đối với mẹ con tôi, nó là cả một cứu tinh. Nghĩ đến vẻ mặt xanh xao của mẹ, lòng tôi thoáng chút dao động. Trận đòn vừa rồi đổi lấy hai trăm đồng này cũng đáng lắm! Nhưng nhìn nét mặt hả hê của dì Cầm, lòng tự ái trong tôi lại trỗi lên. Cũng chính vì mấy đồng tiền này mà tôi phải chịu nhục mỗi tháng đến đây để nhìn cái bản mặt đáng ghét của bà dì, để nghe bà ta nói xiên nói xỏ. Cũng chính vì mấy đồng tiền này mà cha đã dùng roi ngựa đánh tôi. Một chút lòng kính trọng và nể sợ mà tôi dành cho cha giờ đã hoàn toàn tan biến mất, thay vào đó, ngọn lửa thù hận - vốn nhen nhúm trong lòng bao lâu nay - giờ bắt đầu bén lửa, ngùn ngụt bốc cháy trong tim tôi. Tôi nhìn thẳng vào cha, lạnh lùng nói:
“Kể từ hôm nay, tôi không còn là con của ông nữa! ông tưởng rằng hai trăm đồng của ông có thể mua được mối sỉ nhục mà tôi đã gánh chịu hôm nay sao? ông lầm rồi! Tôi thề sẽ không bao giờ xài tiền của ông nữa! Hôm nay, ông không đánh chết tôi, ông sẽ hối hận!”
Nhìn thẳng vào bản mặt đáng ghét của dì Cầm, tôi gằn từng tiếng:
“Tôi thù ghét mỗi một người trong nhà này! Tôi sẽ cười khi nhìn các người khóc! Tôi sẽ báo thù!”
Nói rồi, tôi vung nắm tiền lên trời. Nhìn đống giấy bạc rơi lã chã xuống mặt bà dì, tôi mở một nụ cười ngạo nghễ. Lần đầu tiên trong đời, tôi ý thức được thế nào là cảm giác mãn nguyện của một kẻ chiến thắng.