Buổi tối, Diễm ở thư viện về, bóng Diễm lầm lũi trên lối nhỏ xi măng giữa những đám cỏ. Sương mù dày trắng đục tỏa xuống, Diễm chỉ còn là một cái bóng di động ngả nghiêng. Những ngọn đèn tròn trong campus nhạt nhòa, vàng vọt. Hai dãy cao ốc nội trú yên tĩnh. Mấy cây táo đỏ trồng ở lối đi vào Sparks Hall giờ chỉ còn lại những thân cành trơ trụi khẳng khiu, người làm vườn của trường đã quét dọn những chiếc lá cuối cùng rơi rụng xuống đất tuần trước. Thỉnh thoảng đây đó cũng có một hai bóng lầm lũi đi trong sương mù như Diễm. Trời đêm đã lạnh ngắt. Diễm muốn bỏ tay vào túi áo cho ấm mà kẹt vì cả hai tay phải ôm chồng sách. Có tiếng người kêu sau lưng... Diễm... Diễm. Tiếng nghe lạ hoắc nên Diễm không quay lại, cứ thẳng bước mau về hall. Sửa soạn đẩy cửa thì cánh cửa kính đã mở toang, bất ngờ Diễm chúi người về phía trước. Đúng lúc đúng chỗ có một người lãnh nguyên đống sách của Diễm vào mặt. Anh ta la lên:

Điễm! Em chơi ác quá! Anh đây mà.

-Lại là anh, em tưởng ai!

Diễm kêu lên mừng rỡ, rồi khoảng cách giữa chàng và Diễm rất gần tiện cho Diễm ngã ngay vào lòng chàng. Người chàng thật ấm áp, Diễm đang ở ngoài lạnh vào nên thấy dễ chịu. Sau đó, chàng không xuýt xoa kêu đau nữa, chàng hôn tới tấp lên mắt lên môi Diễm một cách tham lam.

Diễm kêu nho nhỏ:

-Anh ơi, đống sách của em.

Vừa kêu Diễm vừa gỡ tay chàng ra, rồi cúi xuống lượm mấy cuốn sách, chàng cũng cúi xuống phụ Diễm. Chàng dành ôm hết:

-Em học ở thư viện về à? Giọng chàng thật ấm.

Diễm gật đầu. Chàng có vẻ bằng lòng.

-Em siêng thật! Mới bắt đầu niên học mà tối thứ sáu cũng đi học. Hồi nãy kêu cửa không có em, anh tưởng em đã về Olympia rồi. Bài vở đã nhiều rồi sao?

Diễm cười giải thích:

-Chưa nhiều, nhưng đang muốn học thì học, bù lại những lúc lười. Mẹ gọi kêu về, em nói em bận không về được nên mai mẹ sẽ lên. Còn anh - Diễm trách nhẹ - Sao về không cho em hay?

-Sở gởi đi học ở Keyport, bất ngờ quá, định cho em hay nhưng rồi chỉ 2 ngày hôm sau là về nên làm em ngạc nhiên chơi. Nếu mà biết sớm hơn anh không dấu được đâu, vì bồn chồn quá.

-Ngạc nhiên quá đi! Em chưa đứng tim là may.

-Về đây mới hay thời tiết đang đổi mùa. Nam Cali vẫn nóng chang chang. Còn ở đây không có gì thay đổi.

- Sao anh bảo không có gì thay đổi. Mấy tuần trước, lá trở vàng đẹp quá đi, nhìn mấy cây phong đẹp quá. Ngồi học mà em cứ nhìn ra ngoài cửa sổ. Ai bảo em khô khan? Bây giờ anh có biết là anh lầm chưa, anh từng nói con gái học khoa học khô khan lắm. Anh còn nói " ghê" lắm mà cho đến bây giờ em vẫn không hiểu " ghê " là như thế nào.

Chàng thú nhận:

-Anh cứ lầm hoài Diễm ơi. Em ngoan hiền mà cũng bướng bỉnh nữa. Ở em, mỗi ngày là mỗi khám phá. Người như em, anh không bao giờ thấy chán.

-Thật không? Không chán mà bỏ em ở đây một mình!

Chàng tảng lờ câu trách móc nhẹ của người yêu, hỏi sang chuyện khác:

-Em ăn gì chưa?

Chàng hỏi rồi không chờ Diễm trả lời nói ngay:

-Anh đưa em đi ăn. Nào, em muốn cơm Mỹ, cơm Tàu hay cơm Việt? Cho em chọn lựa đó. Để anh đưa em đi. Em thích cái nhà hàng Tây mình hay đi.

Diễm nhõng nhẽo:

-Trời lạnh quá, em chẳng muốn ra đường! Nhất là trong này đang ấm.

Chàng vừa la, vừa ra lệnh:

- Đi ăn mà cũng kêu. Lên phòng mặc thêm áo vào. Rồi ra xe. Ngồi trong xe chứ lội bộ sao mà lạnh. Cứ ít ăn, em chưa học thi mà đã gầy quá rồi!

Diễm nũng nịu:

-Anh... anh chê em hở?

-Ừ, cứ để gầy ốm là không ai thương.

Giọng điệu của chàng giống như mẹ. Chàng như bà mẹ thứ hai. Diễm phụng phịu:

-Anh nói như mẹ.

-Chứ không phải sao. Cứ sợ lạnh nhưng không chịu mặc áo quần đàng hoàng. Rồi làm biếng ăn nữa. Phải ăn nhiều thịt vào... mới có đủ nhiệt ấm người được. Em lại cứ ăn ngọt, rồi đến giờ cơm không ăn được.

Diễm thở dài. Chàng săn sóc em làm chi để những ngày chàng ở xa, em ăn ngủ không được vì nhớ chàng. Thích săn sóc như thế sao không ở gần để mà săn sóc. Anh đi rồi, em cứ ngồi buồn trong giảng đường rộng lớn chẳng nghe thầy giảng chẳng ghi bài.

Ngoài đường trời lạnh buốt. Nhà hàng Pháp ở cuối đường Tyler. Diễm thích lối trang hoàng của nhà hàng này, sang trọng, ấm cúng, khăn trải bàn màu trắng có thêu. Trên bàn chưng hoa hồng đỏ, chỉ một cánh hồng thân dài. Đèn mờ thơ mộng. Nhạc êm dịu. Bồi bàn mặc tuxedọ Chàng cũng thích nhà hàng này, nhưng dạo đi học thì chàng làm gì có tiền để đưa em vào đây thường xuyên, chỉ những hôm vừa lãnh được tiền mượn ở trường thì mới làm sang - và rồi vừa ăn Diễm vừa lẩm cẩm lo ngại cho cái túi tiền của chàng. Chàng hay nói bao giờ anh ra trường đi làm thì dẫn em đi ăn cơm Tây mỗi cuối tuần. Tuy nói là thích đi ăn nhà hàng nhưng vào đây Diễm lại thích ngồi ngắm chàng hơn là ăn, dịp duy nhất ngắm chàng kỹ càng. Ngắm mãi mà lần nào cũng nhất quyết cho là chàng đẹp trai nhất trong thiên hạ. Diễm ngắm khi chàng cười. Diễm ngắm khi chàng ăn, Diễm ngắm khi chàng nói. Chàng không bao giờ ngờ lúc con nhỏ chăm chú nghe chàng nói là lúc con nhỏ say mê ngắm chàng.

Tối nay, Diễm thích ngồi cạnh chàng. Chàng đã xa Diễm một mùa học. Bồi lịch sự đưa hai người vào trong chỉ chỗ ngồi. Thay vì ngồi ghế đối diện, Diễm nói nhỏ với chàng xin chọn cái ghế hình chữ U để Diễm với chàng vẫn là ngồi chung một ghế. Diễm thì thầm... Em muốn dựa vào người anh - và định nói... cho ấm, nhưng rồi lại lười biếng cắt câu nói ở đó. Chàng cười nhẹ không nói gì. Rồi sau đó bỗng nhìn Diễm thật lâu, chàng nói:

Điễm, em còn trẻ!

Đĩ nhiên rồi! Em mới 20.

Chàng ăn nói khác thường quá đi. Diễm cười cười hồn nhiên nói:

-Em lúc nào cũng sẽ trẻ hơn anh. Vì em đẻ sau anh mà. Và cũng tại anh hay lo nữa.

Suốt buổi ăn chàng không nói gì nhiều, Diễm có hỏi gì thì chàng cũng chỉ trả lời cụt ngủn. Gặp chàng, Diễm vui quá nên cứ huyên thuyên kể chuyện trường, chuyện lớp học, chuyện campus. Học thì vui, mà thi cử làm bài ngán quá, giá gì mướn ai thi cho mình hả anh? Chàng nhăn mặt không bằng lòng câu đùa giỡn của Diễm. Chàng la chuyện học hành không giỡn được. Diễm nhún vai dỗi hờn, em nói giỡn mà. Mấy lần chàng kêu tên Diễm nho nhỏ, ngập ngừng muốn nói điều gì nhưng nghĩ sao rồi lại thôi. Chàng ngồi đó mà tâm hồn chàng để ở đâu, thỉnh thoảng Diễm nghịch ngợm sờ mũi chàng để kéo chàng về với hiện tại mà chàng không cười. Cử chỉ đút vào miệng Diễm những muỗng kem dâu ngọt ngào như thể là chàng làm lấy lệ.

Sau buổi ăn thấy còn sớm, Diễm đòi chàng đưa đi coi movie xuất khuya.

-Không, em phải về nghỉ sớm. Anh lắc đầu.

-Em chưa có test mà anh - rồi Diễm nũng nịu - biết bao giờ anh mới về nữa...

Chàng không nói gì. Trời đêm lạnh ngắt, sương mù trắng đục quanh những ngọn đèn đêm. Đường loang loáng ướt, không phải mưa mà là sương đêm. Từ nhà hàng bước ra chỗ đậu xe, hai tay Diễm ôm chặt lấy cánh tay chàng, Diễm nói ra hơi thở:

-Lạnh quá anh nhỉ? Em nghe đài khí tượng nói năm nay sẽ lạnh phá kỷ lục luôn.

Chàng cũng không nói gì. Bước đi vài bước, bỗng chàng xoay người ôm lấy Diễm, hỏi nhỏ vào mắt Diễm:

-Anh hôn em được không?

Từ trước đến giờ có bao giờ chàng xin phép để được hôn Diễm đâu. Rõ lẩn thẩn! Diễm nghĩ bụng, rồi nghịch ngợm quay về hướng khác để tránh nụ hôn, nũng nịu trả lời:

-Không!

Chàng vờ không nghe cứ xoay mặt Diễm, kéo lại thật gần, và hôn tới tấp. Hơi thở chàng nồng nàn, phảng phất mùi rượu... phà vào mặt Diễm. Chàng không hay uống rượu, nhưng đêm nay chàng đã kêu rượu, Diễm nghĩ có lẽ chàng vui mừng vì gặp lại người yêu sau bao ngày xa cách. Lúc đó, Diễm cũng nhâm nhi một chút. Bây giờ, chàng hôn tưởng như chàng sẽ mất Diễm. Tưởng như chàng sẽ không bao giờ được hôn Diễm nữa. Tuy có ngạc nhiên vì cử chỉ của chàng nhưng Diễm lại thích những lần đam mê bất ngờ như thế này nên cũng đã vui sướng ngất ngây ghì chàng hôn đắm đuối. Hai người cứ thế mà hôn nhau ngay ở bãi đậu xe. Chàng có vẻ không quan tâm tới việc người khác nhìn thấy hai người hôn nhau, cũng may là giờ này vắng khách lui tới ăn uống. Với lại nhà hàng Pháp, chỉ toàn là khách dị chủng nên không sợ người Việt thấy. Chàng cứ ghì chặt lấy Diễm không chịu buông thạ Hồi lâu Diễm đẩy nhẹ chàng ra.

-Anh... Diễm kêu nho nhỏ.

-Anh thương em... Diễm, em phải biết là anh thương em.

Diễm bấm nhẹ vào tay chàng âu yếm:

-Em biết!

Trên đường về lúc gần tới đại học xá của Diễm, chàng tự nhiên nhảy mũi lia lịa. Trời không phải tháng tư để bông hoa tiết phấn độc làm chàng nhảy mũi, nhớ lại Diễm mới là người có bệnh cúm dị ứng mà. Diễm vô tình cười trêu:

-Ai đang nhắc anh, không phải em, em đang ngồi cạnh bên anh mà.

Chỉ là một câu nói đùa mà chàng lúng túng thấy rõ, chàng lắp bắp trách:

-Sao... sao em lại nói vậy?

-Thì... khi mình nhảy mũi lại không cảm cúm gì hết thì... chắc là có ai nhắc rồi! Không phải sao?

-Em chỉ nói... bậy! Chàng cười miễn cưỡng, nét mặt đăm chiêu.

Chia tay ở trước phòng dorm, chàng lại hôn Diễm thật dài, thật lâu...

*

Sáng hôm sau, lúc Diễm còn đang ngủ nướng thì có người gõ cửa phòng. Trời ơi! Một sáng nhàn cư của người ta! Diễm không có lớp học sớm. Diễm càu nhàu nhưng rồi cũng ra mở cửa. Tưởng ai, thì ra là người giao hoa đem đến một chục đóa hồng nhung. Ôi! Đó là loại hoa biểu lộ cho tình yêu. Người ta có yêu mình người ta mới tặng hoa hồng. Nhìn vào cái thiệp nhỏ biết là của chàng gửi cho Diễm. Love you forever... Chàng viết.

Chàng biết Diễm mê hồng nhung. Từng nói bao giờ anh đi làm thì em sẽ nhận hoa hồng đều đều.

Nắng lên cao rọi vào phòng ấm áp. Ngoài kia trời mùa thu đã bắt đầu lạnh. Diễm đặt bình hoa lên bàn học. Bình hoa lớn quá nên không cân xứng trên cái bàn nhỏ nơi Diễm thường chỉ có một bình nhỏ cắm một nhánh hoa thôi.

Còn đang nằm ngắm hoa thì phôn reng. Chàng gọi:

Điễm hả?

-Em đây - Em nghĩ là chàng gọi rủ em đi ăn sáng. Nhưng không, bên kia đầu dây bỗng dưng có một sự im lặng lạ lùng. Em chờ đợi rồi tưởng như chàng không còn bên đó nữa. A lô! Anh còn đó không? A lô! Mấy phút sau chàng mới trả lời. Chàng không rủ em đi ăn phở. Chàng không rủ em đi ăn Dennýs. Chàng nói chàng sắp lấy vợ, chàng không thể lấy em. Chàng thở dài...

-Em còn trẻ... Đời em còn dài... Em sẽ gặp một người xứng đáng hơn anh.

Hai năm trời, giờ chỉ còn là một câu nói ngắn ngủi. Đơn giản vậy sao? Lúc đó, Diễm vẫn tưởng chàng nói giỡn dù biết chàng chưa bao giờ đùa giỡn về chuyện hôn nhân. Hai người chưa một lần nghiêm trang hứa hẹn điều gì nhưng trong mấy năm quen nhau đã ngấm ngầm nghĩ là của nhau, sẽ lấy nhau. Việc đơn giản có thế thôi. Chàng, con trai út có bốn bà chị đã lập gia đình. Mẹ chàng già hơn mẹ Diễm nhiều. Bà đã 60 tuổi, và mẹ Diễm chưa tới 40. Dù vậy, hai bà ngồi lại với nhau vẫn có chuyện để nói. Lần nào Diễm ghé chơi, mẹ chàng cũng bắt Diễm ở lại ăn cơm, hình như bà sợ Diễm đói. Có lần chàng nhận xét: Má anh cưng em còn hơn cưng anh, bà lo cho con dâu tương lai của bà dữ quá. Ai đời mẹ chồng lại săn sóc nàng dâu! Diễm cười cười dâu Mỹ mà anh, má anh tân thời lắm, em thật là may mắn đó. Em có tới hai bà mẹ lận, anh đừng bày đặt ăn hiếp em.

Diễm cứ cười khúc khích trong phôn và mắng yêu chàng nói bậy. Diễm chưa thấy đau, như nhổ cái răng khôn mà có thuốc tê nên chưa thấy đau, mãi sau đó khi thuốc tê không còn hiệu nghiệm nữa thì mới biết đau. Quả là sau này, Diễm đã đau thật khi chàng mịt mù bóng chim tăm cá. Không thư từ, không điện thoại. Chuyện quan trọng, chàng không bao giờ nói giỡn, chàng đã nói thật. Diễm ốm liền mấy tháng. Diễm phải bỏ một khóa học. Người mòn mỏi đợi chờ. Trong giấc ngủ mộng mị chập chờn, Diễm cứ nghe tiếng chàng thủ thỉ. Thật gần... Anh thương em, Diễm ơi. Sau đó, bao lần Diễm muốn tìm kiếm chàng, muốn nghe chàng giải thích phân buạ Vì sao? Diễm muốn biết. Chỉ thế thôi, rồi không kéo giữ, không nhỏ lệ, đường chàng, chàng cứ đi. Nhưng Diễm không biết đằng nào mà tìm. Bà mẹ già chắc cũng về sống chung với một trong mấy bà con gái ở tiểu bang khác? Mà nghĩ cho cùng, tìm kiếm để làm gì chứ? Sợ Diễm còn có đủ nghị lực để thấy lại mặt chàng? Và mẹ Diễm, bà thấy đau lòng thắt ruột mà không làm được gì giúp con. Rồi đó cũng là lúc Diễm nghe chàng lấy vợ từ miệng một người thứ bạ Mộng của Diễm đã tan vỡ, mà con đường chàng đi cũng chẳng thơ mộng gì. Mùa thu năm đó cảnh vùng Tây Bắc chưa bao giờ buồn thảm đến như vậy!

*

Mỗi lần nhớ lại những cử chỉ của anh, em cứ se thắt cõi lòng. Thắc mắc sao anh không nói huỵch toẹt những điều anh muốn nói, mà lại luẩn quẩn vòng vo cho em khổ nhiều. Anh thương em lắm mà. Anh từng nói anh chỉ muốn săn sóc một người... suốt đời! Người đó là em. Anh cười khi nói điều đó. Thương em, anh sẽ không bao giờ làm khổ em. Diễm đau xót. Nhưng, anh đã làm khổ em. Anh không giữ lời hứa, anh đi lấy người khác, người ta cấm anh săn sóc em. Trời ơi! Anh đã phụ bạc. Anh đúng là người đểu cáng, nuốt lời - mà sao em vẫn không nghĩ anh là mẫu người đó được. Với tâm trạng hụt hẫng mất mát, em mất thăng bằng. Bạn bè nói em khờ dại quá, mình có thân thì mình phải lo cho mình chứ. Đừng khùng điên khổ sở vì một người đối xử không tốt với mình! Tụi nó thương em nên mới nói như vậy. Huyền Lan lo cho em nhiều nhất. Bỗng dưng từ vụ đau khổ này mà em tìm được một con nhỏ bạn thân. Trời lạnh nó đội mưa ra cái quán mở suốt ngày suốt đêm mua cho em bát cháo gà nấu với legumẹ Đưa cho em viên Tylenol giữa giờ Triết học. Trấn an mẹ nói là có cháu ở gần dì đừng lọ Nghe xong mẹ càng lọ Bà thấu hiểu nỗi đớn đau này. Bà đã khổ một lần. Người đàn ông họ Sở đó là... bố em! Ra đời lớn lên em chưa bao giờ nhìn thấy bố, cũng chưa bao giờ gọi ai là bố, mẹ Ở vậy nuôi con, mặc dầu sắc đẹp của mẹ trên trung bình có nhiều người đàn ông ngắm nghé săn đón. Ngày xưa, mẹ đã từ hôn một người khoa bảng giàu sang để yêu bố làm ông ngoại buồn xấu hổ với bà con láng giềng. Nhưng chuyện tình của em với anh thì khác. Mẹ quí mến anh. Mẹ nói nó hiền. Mỗi lần đến chơi nhà, anh giúp mẹ những việc nặng nhọc như giựt máy cắt cỏ, cắt nguyên đám cỏ trước, đám cỏ sau. Mẹ cảm động coi anh như con trai của mẹ. Tin anh lấy vợ làm mẹ ngạc nhiên. Đoạn kết thay đổi không ngờ. Mẹ giận anh vì thương con, mong chuyện không phải là vậy. Mẹ không ngủ được, nửa đêm cầm phôn gọi con hỏi con có bình an không, báo hại Huyền Lan cũng bị đánh thức dậy rồi mất ngủ luôn.

Lúc đó, Huyền Lan đã dọn vào ở chung với em. Nó săn sóc em từng li từng tí. Nó nói:

-Tao thương mày như em gái - Sao lại là em trong khi nó đẻ sau em vài tháng?

-Tao sẽ nhớ ơn mày.

-Bày đặt hoài. Chỗ bạn bè. Mọi việc rồi sẽ quạ Sau cơn mưa rồi trời sẽ sáng. Rồi sẽ không có gì. Chỉ là một trận gió tình yêu thổi qua làm mình chóng mặt một chút vậy mà. Mình là con gái đẹp, để cho mấy ông con trai chạy theo quỳ lụy khổ sở chớ tội gì mình khổ sở. Con gái Việt xứ này quí như vàng như ngọc. Dại thì thôi!

Nó canh em như canh bò. Nó sợ em làm bậy. Uống thuốc ngủ hay nhảy lầu chăng? Cả hai phương pháp đó đều có người ở đại học xá này thực hiện rồi. Nhỏ Thủy gốc gác ở Vancouver buồn chán chuyện gì mà uống thuốc ngủ năm ngoái? Một thằng Hawaii nhảy lầu chỉ cách đây vài tuần. Con nhỏ uống thuốc ngủ bị bơm ruột được cứu sống. Thằng nhỏ chết tươi vỡ đầu sọ Óc bắn tung tóe, báo chí đăng chán đời vì gãy lớp không biết nói năng với ông bà già làm sao. Cái chết của thằng này cũng dễ sợ như cái chết của văn hào Ernest Hemingway của Mỹ... Ông có 4 vợ: bà thứ nhất hơn ông 8 tuổi, bà thứ nhì hơn ông 4 tuổi, bà thứ ba thua 9 tuổi, bà thứ tư nhỏ hơn nữa, năm ông gần 50 còn mê một cô 19 tuổi. Chuyện tình cảm lung tung quá. Mới ngoài 60 tuổi, ông tự tử chết bằng súng. Hồi trước Diễm nghe nói ông tự tử vì không có tiền trả thuế má ông nợ, mới đây đọc tiểu sử của ông mới hay ông chết đi để lại tới 1.6 triệu cho vợ, đâu phải đã nghèo, so với đầu thập niên 60. Cằm, miệng, và phần dưới má còn dính với thân, phần trên của cái đầu bắn văng tung tóe. Máu, xương, răng, tóc và thịt dính tùm lum trên vách, trên trần, trên thảm. Bà vợ phải bước qua những phần đầu tung tóe khi bước xuống cầu thang để tìm xác ông. Bà đã khóa tủ súng mà lại để quên chìa khóa ở nhà bếp. Những năm sau già cả lụm khụm lú lẫn, bà vẫn còn bứt rứt vì nỗi một lần sơ ý, chỉ một lần! Ông sống ích kỷ, làm khổ mấy bà vợ, mấy cô nhân tình, chết rồi vẫn còn ích kỷ làm khổ những người ở lại!

Nhưng anh ạ, em không có can đảm làm những việc đó. Em cứ tiếp tục sống và khóc lóc thất tình vì anh. Cứ tiếp tục nghe văng vẳng cú điện thoại của bác Khanh gọi méc:

-Cháu biết không... thằng bạn của cháu, cái thằng tên gì nhỉ? Lấy cái con mẹ có 5 đứa con riêng, già khú đế, nó là trai tân, làm đám cưới lớn nữa... mời tới 500 người. Con mẹ này có tiền. Nghe nói ông chồng chết... cũng có thể là đã ly dị - thời buổi này mà cháu, bác không rành chuyện người ta - cái mặt đó không hiền đâu, bác nhìn là bác biết chớ. Cái thằng hiền lành, đứng đắn... vậy mà gặp vợ gì đâu! Duyên số hết cháu ơi, người ở gần không đi lấy lại đi lấy người ở xa.

Nghe bà nói, lòng em se thắt lại, trái tim đau nhói.

Cho đến bây giờ Diễm cũng không hiểu tại sao chàng làm như vậy, chỉ biết một điều, và dù có ai nghĩ khác đi, Diễm vẫn tin là Diễm đã yêu chàng tha thiết và chàng cũng đã yêu Diễm tha thiết như vậy.

Sau này mỗi khi thấy một người đàn ông nào chiều chuộng, săn sóc một người đàn bà, Diễm lại hay nghi ngờ nghĩ... Ông ta sắp tuyên bố gì đây. Xin thân ái ly dị? Xin thông cảm chia tay?

Ôi xứ này! Với bao là chuyện bất ngờ, với bao là điều ngạc nhiên. Hèn gì Diễm cứ đau đầu hoài. Đâu phải tại hồi còn nhỏ chị người làm lau cái sàn nhà láng coóng làm Diễm ngả đầu đập xuống đất, chắc làm đứt một hai sợi dây thần kinh nào đó nên Diễm cứ đau đầu, như lời mẹ giải thích. Và chuyện tình yêu? Phải chăng chỉ toàn là sầu mộng và nước mắt!

Diễm cứ khóc hoài. Chàng đã xa Diễm sáu tháng. Vậy mà lúc nào Diễm cũng nghĩ tới chàng. Khi mình mất người yêu là mình mất đi một cái gì quen thuộc, một điểm tựa, một người bạn để kể lể những khó khăn của đời sống. Nghĩ tới chàng để có cảm tưởng chưa mất chàng. Bám víu kỷ niệm cũ để trốn tránh tương lai. Không dám quen ai để khỏi bị đau khổ lần nữa. Huyền Lan muốn Diễm quên, quên chàng... quên quá khứ, cứ rủ Diễm đi chơi, nhưng Diễm đều chối từ tất cả những buổi dạ vũ. Có vui gì khi Diễm lủi thủi một mình, bạn bè nhìn ái ngại. Ngày nào Diễm với chàng quấn quít như đôi sam. Hội sinh viên VN trong W bầu hai người là đôi tình nhân dễ thương nhất. Người cao ráo thon thon, khuôn mặt trái xoan, mũi cao, Diễm còn được bầu là người có đôi mắt đẹp nhất của W. Chả ai giúp được gì mình, chường cái mặt thiểu não ra chỉ thêm xấu hổ. Diễm nói với Huyền Lan như vậy. Nhưng cô bạn thì nghĩ khác, cô nói:

-Không, mi phải tận mắt nhìn thấy hắn đi với người khác - làm sao mà em thấy được, anh đâu còn ở đây nữa. Mi phải thấy bộ mặt sở khanh của hắn, rồi mi sẽ đau khổ, mi sẽ khóc thảm thương, nhưng có như vậy thì mi mới quên hắn được, để chấp nhận là chuyện không còn gì để nuối tiếc nữa. Phải chịu khó uống thuốc thì mới lành bệnh được. Diễm ơi! Mi còn cả một tương lai trước mặt.

Một tối trời lạnh, ngoài trời sương mù phủ xuống trắng xóa, Diễm đem xấp thư cũ của chàng ra đọc lại. Diễm vẫn thường khen nét chữ của chàng, nét chữ cứng cáp rất đàn ông. Bây giờ nhìn lại nét chữ quen thuộc, trái tim Diễm không khỏi bối rối. Cũng gần 100 lá thư! Đọc xong, Diễm thực hiện đúng như lời Huyền Lan đã khuyên nhủ: Đốt hết đi! Diễm từ từ quăng những lá thư vào trong lò sưởi, từng lá một, nhìn lửa liếm từng lá thự Đốt hết những câu yêu thương, những dòng hẹn ước. Không còn gì nữa cả. Ngọn lửa phất cao rồi tắt lịm, lòng Diễm tái tệ Diễm lặng nhìn. Chỉ còn là đống tro tàn. Đốt thư xong Diễm chợt nhớ nàng còn giữ một hộp băng nhạc chàng đã thâu cho Diễm, mới đầu Diễm định gởi trả, nhưng biết chàng ở đâu mà gởi, với lại tội gì tốn tiền cước phí, cứ liệng quách cho khỏe, thế là Diễm đem thẩy hết vào thùng rác lớn, sáng sớm mai sẽ có người đến mang đi đổ ngay, không còn gì để luyến lưu... Trời ơi, anh có bao giờ yêu em không hả Vĩnh? Không yêu thương mà đi tới đi lui nhà em đến mòn đường nát cỏ!

*

Dòng đời trôi chảy. Mười năm thấm thoát qua đi... Diễm bây giờ đã là một bác sĩ, chồng của Diễm cũng là một bác sĩ trẻ, người bản xứ. Với người chồng dị chủng, Diễm có một hạnh phúc của riêng nàng mà Diễm tưởng chừng sẽ không bao giờ có được, sợ là sẽ không thông cảm nhau, vậy mà họ đã thông cảm nhau. Bố mẹ John giàu có, làm chủ nhiều đất đai ở vùng này, ông bố thuở trước là kiến trúc sư nổi tiếng, bây giờ đã về hưu. Ông bà đi du lịch liên miên, để lại ngôi biệt thự nguy nga rộng lớn trên đảo cho hai vợ chồng John với đứa con nhỏ và những người giúp việc: một chị vú em, một người tài xế, hai anh làm vườn, một chị đầu bếp. Đảo Kettron chỉ cách thị trấn Fort Steilacoom 3 dặm, không có cầu nối với đất liền, mỗi ngày có hai chuyến phà một sáng một chiều ghé quạ Hòn đảo chiều dài 3 dặm, chiều rộng 2 dặm. Có những con nai thong dong đi lại, hồi mới mua đảo chỉ thả có 2, 3 con mà bây giờ sinh sản cả bầy. Mùa hè hoa Poppy dại nở tưng bừng ở cánh đồng. Hoa màu vàng cam, cánh mỏng, cánh lá giống như hoa cẩm chướng. Tòa biệt thự có 32 phòng. Mùa hè thi nhau nở nhiều loại hồng, đủ màu sắc, có cả loại hồng nhung mà Diễm hằng ưa thích, có khu rộng trồng đầy lê, táo. Có hồ nuôi cá đủ loại màu, buổi chiều đi làm về John có thú cho cá ăn, hoa súng trắng hay hồng nhô lên trên mặt nước nở phơi phới xòe ra những cánh. Có suối giả chảy róc rách. Nhiều phòng có cửa sổ kính nhìn ra vịnh. Phòng của John và Diễm cũng nhìn thấy biển nước và bầu trời. Những lúc rảnh Diễm hay mang giá vẽ ra bãi cát vẽ khung cảnh biển vịnh sông nước, những dãy núi thuộc hai đảo đối diện, du thuyền đi quạ John nịnh vợ khen Diễm vẽ cũng được lắm. John là con trai độc nhất. Vì vậy, mẹ anh muốn hai vợ chồng nàng cố giữ hòn đảo này khi ông bà qua đời, vì đó là quà cưới của ông tặng bà mấy chục năm về trước. Vợ chồng Diễm làm ở bệnh viện bên thành phố. Mẹ của Diễm ở Cali với một người dì của Diễm, dì Ba, bà góa bụa, con cái cũng đã lấy chồng lấy vợ hết rồi, sống quanh quẩn gần đấy. Thỉnh thoảng, mẹ Diễm lên ở với Diễm vài tuần hay một tháng, thường là vào mùa hè khi vùng này nhiệt độ Ở khoảng 70, 80, cây cỏ xanh tươi mát mắt. Còn những tháng khác khí hậu ấm áp của Cali thích hợp với mẹ nàng hơn.

Cô bạn Huyền Lan năm xưa giờ cũng đã lập gia đình và có hai con. Hai vợ chồng cô đều là kỹ sư làm cho Boeing. Diễm và Huyền Lan vẫn liên lạc thường xuyên, nếu không muốn nói là tình giao hảo của họ trên cả mức thường xuyên, đó là tình bạn tri kỷ. Không viết thư thì gọi phôn. Mùa hè cứ vài tuần là vợ chồng cô ta từ Seattle lái xe chạy xuống Fort Steilacoom rồi lấy phà qua đảo chơi, có khi lấy hai tuần phép thường niên ở chơi với vợ chồng Diễm. Thường thì hai anh cũng bày đặt câu cá. Rồi nhóm lửa để có bữa ăn ngoài trời. Rồi có khi vợ chồng Diễm thèm ăn cơm Việt Nam là lên rủ Tuấn - Huyền Lan đi ăn tiệm quán VN. John còn ăn được mắm nêm, ăn bò nhúng giấm cuốn bánh tráng rau sống chấm mắm nêm rành lắm. Đôi khi họ cũng đi chơi xa với nhau. Năm tới dự định sẽ đi Âu Châu một chuyến. Ôi chao! Sao Diễm vẫn mơ được nhìn thấy những cánh đồng hoa ở Hòa Lan, vẫn mong được uống ly cà phê, lội bộ ngắm tranh trên vỉa hè nước Pháp. Phải chờ cho John rảnh rang sắp xếp được việc ở bệnh viện thì mới đi được.

Một hôm người đưa thư giao cho John một bưu kiện gửi cho Diễm, đóng dấu vùng North Carolinạ Diễm có bà con bạn bè gì ở bên đó sao lâu nay không nghe nói, John có thắc mắc chút đỉnh rồi không bận tâm lắm. Anh đem bưu kiện về cho vợ. Thư từ cho hai người đều dùng địa chỉ nhà thương, hay hộp thư ở bên phố.

Diễm đốt lò sưởi xong, đứng nhìn xa xa chuyến phà cuối ngày thả John xuống, trời đã trở lạnh. Chiều chạng vạng tối, những con hải âu kêu en éc đang bay lượn ngoài vịnh. Nước thủy triều đang dâng lên. Bãi cát bị nước liếm dần dần rồi trong chốc lát biến mất. Con chim làm tổ ở mái hiên nhà cũng đang vội vã bay về chỗ ngủ. John đưa cái hộp bưu kiện cho vợ rồi đi tắm cho kịp bữa cơm tối, anh đã thấy đói bụng lắm rồi. Anh vừa đi vừa huýt sáo. Diễm mỉm cười khi anh đổi qua một bản nhạc vui tươi. Nhiều khi bản nhạc lời buồn mà anh vẫn hát với giọng vui tươi, xem ra với anh chẳng có chuyện gì buồn cả. Anh đang có hạnh phúc. Anh nhìn đời với lăng kính màu hồng. Anh vẫn nghĩ là anh có hạnh phúc từ ngày gặp và yêu Diễm rồi hai người lấy nhau. Anh rất bằng lòng với cuộc sống này.

Bưu kiện của một người đàn bà. Gửi cho Nguyễn Ngọc Diễm, chứ không phải Diễm Bushell. Diễm mở ra thấy có một cuốn nhật ký và một lá thự Lá thư ngắn gọn:

Thưa bà, chắc bà rất ngạc nhiên khi nhận lá thư này. Chuyện đã mười mấy năm rồi. Tôi chính là người đàn bà đã làm bà khổ, đã cướp lấy người yêu của bà. Chúng tôi sống những năm không có hạnh phúc, Vĩnh chỉ yêu có một mình bà. Bây giờ Vĩnh đã mất rồi, tôi nghĩ cuốn nhật ký của Vĩnh phải giao đến tận tay bà mới phải, để bà hiểu rõ được lòng của Vĩnh. Xin bà tha lỗi việc tôi đã làm xáo trộn đời sống của bà, một lần nữa.

Diễm đọc xong lá thư, dù lá thư đánh máy không có chữ ký của người viết nhưng cũng đủ cho Diễm hiểu chuyện, một giọt nước mắt âm thầm lăn xuống má nàng. Phải, đã mười năm rồi, chuyện đã xưa thật xưa, hiện tại Diễm đang có một đời sống hạnh phúc. Diễm cũng đâu cần cái đáp số cho bài toán ngày nào, Diễm đã làm không ra, Diễm đã bỏ cuộc, đã đầu hàng, đã chịu thua, ngày đó có thắc mắc thật, muốn tìm hiểu nguyên nhân việc Vĩnh đột ngột lấy vợ mà không hiểu nổi. Bây giờ Diễm biết để mà làm gì...

Tiếng củi kêu tí tách trong lò đốt. Ngọn lửa lập lòe trước mắt Diễm. Như là ngọn lửa quen thuộc ngày nào đã thiêu rụi những lá thư tình Vĩnh gửi. Diễm nhìn ngọn lửa. Tiện tay Diễm ném quyển nhật ký và lá thư vào. Không nghĩ ngợi, không bâng khuâng. Từ dòng sông nhỏ, nước tiếp tục chảy, rồi ra biển lớn chứ bao giờ chảy ngược về nguồn. Chuyện gì đã qua, cứ cho nó qua luôn, còn bới lại trong đống tro tàn để tìm lại cái gì nữa chứ. Diễm đứng dậy chùi nước mắt rồi đi xuống phòng ăn vì biết đã tới giờ cơm. Như chẳng có chuyện gì vừa mới xảy ra, như đời sống của nàng chưa hề bị lay động.