Không cần xem số tử vi, người ta bảo tôi có sao đào hoa chiếu mệnh. Không phải lỗi tại tôi. Khi tôi còn nhỏ, có lần mẹ tôi bảo: Thằng bé cười trông giống như thiên thần. Thì đứa bé nào chẳng là thần tiên trong mắt mẹ mình. Nhưng sau này, nàng cũng nói như thế...

Tôi không biết mình có nụ cười như thế nào. Trên dung mạo con người có những dáng vẻ mà người ta không bao giờ nhìn thấy khi tự ngắm mình trong gương. Chỉ biết rằng nhờ đó mà thời thơ ấu tôi được nuông chiều như trứng mỏng và lớn lên, tôi để ý đến cô gái nào thì liền đi vào lòng họ dễ dàng như đi qua những cánh cửa đã mở. Bọn con trai đã gọi tôi là chuyên gia bắn tỉa. Trong trường, những cô gái nào xinh xinh và hơi nổi một chút đều trở thành cái đích để thách đố và bao giờ tôi cũng thắng vẻ vang.

Đối với Khánh thì khác. Khánh không phải là trò chơi của tôi. Khi đã học đến lớp mười hai, Khánh chưa hề biết ăn mặc điểm trang gì, vẫn luôn thu mình trong chiếc áo dài may vụng, làm khuất hết mọi đường cong trên cơ thể. Vậy mà con trai cả trường đều nhìn Khánh: mái tóc dài, đôi má xanh xao và nhất là đôi mắt của Đức mẹ Maria. Mỗi buổi sáng, khi Khánh ôm cặp vở từ cổng trường vào, đi qua dãy hành lang, tụi con trai chúng tôi vẫn thường kiếm cớ đi ngược chiều để nhìn. Cô bé thản nhiên đi qua, nghênh nghếch cặp mắt lơ đãng nhìn phớt qua chúng tôi, và cả bọn tôi đều như sắp bay lên trời. Câu chuyện bắt đầu từ ngày lễ hội ở trường tôi. Đêm ấy có dạ vũ học trò. Hơn một nửa lớp tôi đều có học nhảy. Tôi nhảy dễ dàng như cá bơi trong nước, các cô bạn trong vũ hội đều thích đi với tôi. Lệ thường thì con gái phải ngồi đợi con trai đưa tay mời, còn ở đây hết cô này đến cô kia đăng ký nhảy với Cường. Anh Cường, đến bài bebop anh đi với em nhạ Cường ơi đưa mình đi valsẹ Ê Cường, nhảy cha cha với tao. Trong khi đó Khánh đứng nhìn ngoài lề. Hôm nay nàng mặc một chiếc áo đầm dài kín tay, kín cổ màu trắng. Khuôn mặt nàng cũng trắng đến trong suốt. Đang bận khiêu vũ với hết cô này đến cô khác nhưng mắt tôi vẫn theo nàng. Và tôi thấy trong mắt nàng ngọn lửa của tuổi trẻ ham vui.

Ê Cường, tao thách mày lôi được Khánh vào đây đi. Thằng bạn tôi bảo. Tôi giả vờ không quan tâm: Khánh nào? Khánh nữ tu chứ còn Khánh nào, nó đang đứng kia kìa. Chán chết đi được. Xạo, dóc vừa thôi, không dám mời thì có. Vậy mà lúc nào cũng tự hào trăm trận trăm thắng. Máu hiếu thắng bốc lên, tôi lao đến bên Khánh. Người chiến binh dạn dĩ là tôi lúc nào cũng thấy hơi run khi đến gần nàng, mặc dù tôi đã bắt gặp ngọn lửa trong đôi mắt nữ tu kia.

Khánh lùi lại: Cám ơn, tôi không biết nhảy. Lẽ nào tôi thua hay sao? Tôi nắm đại lấy tay nàng. Nhạc trên sàn đang chơi bài Unchained melodỵ Một giai điệu tuyệt vời. Đây là một bản slow rất dễ đi, anh sẽ tập cho em. Tôi gọi nàng bằng em ngon ơ rồi kéo tay Khánh ra sàn. Nhưng nàng lùi lại: Tôi không muốn nhảy. Tôi mặc kệ, cứ kéo bừa nàng đi. Thật bất ngờ, nàng xô tôi ra chạy biến. Tôi nhìn theo: Khánh đang nhổ nước bọt xuống sân trường, ghê tởm. Tôi đứng chết sững trước tiếng cười của bạn bè. Và, lặng lẽ một mạch ra về trong tiếng hát đang đuổi theo từ sàn nhảy: I need your love... God speeds your love to me...

Mọi người bảo tôi là thằng lì, khi thấy sau đó tôi vẫn theo đuổi Khánh, có phần ráo riết và công khai hơn trước. Chỉ có Hà bảo tôi: Nhìn khuôn mặt Cường mình thấy sờ sợ thế nào ấy? Tại sao? Mặt Cường đẹp và lạnh, và ẩn giấu quá nhiều thứ mà mình không hiểu được. Đó là khuôn mặt của bá tước Môngtơ Kristộ Tôi giật mình. Hà “tồ” sắc sảo đến thế sao?

Lúc ấy, cả ba chúng tôi - tôi, Hà và Khánh - đã ra Huế học đại học. Hà và Khánh ở một căn phòng khá xinh trong một biệt thự bỏ trống. Đó là một căn nhà chưa dùng thuộc quyền cơ quan của ba Hà, đang đóng trụ sở tại Đà Nẵng. Còn tôi ở ký túc xá, cùng với mấy thằng bạn ở trung học lên. Hà con nhà giàu nhưng rất giản dị và tốt bụng. Buổi chiều thứ bảy, cô hay làm bánh xèo mời bọn con trai đồng hương chúng tôi đến ăn. Cô biết chúng tôi đói dài dài vì mấy xuất cơm ở căng tin.

Bọn con trai ngạc nhiên vì chiều thứ bảy nào tôi cũng đến. Tôi cứ vác mặt đến như thể cái bản mặt ấy chẳng hề bị xúc phạm nặng nề đến thế, một năm về trước. Làm thân với Khánh rất khó. Hầu như Khánh rất lặng lẽ, xa cách. Bọn con trai không ai dám chạm tay chạm chân vào cô bé, dù chỉ chạm vào đầu ngón taỵ Hà dễ gần hơn, tính khí cô như đàn ông, lúc nào cũng bô bô, hai tay chống nạnh. Tôi nói: “Tao không hiểu sau này thằng cha nào có can đảm làm chồng của mày”. Hà đưa tay túm lấy mớ tóc của tôi, lôi thẳng lên làm tôi đau nhói: “Tất nhiên mày không tưởng tượng được, vì chồng tao sau này sẽ bản lĩnh hơn và vượt xa mày mọi mặt”...

ở xa nhà, tôi không đi dạy kèm như các bạn tôi mà đi phụ tá cho một trung tâm khiêu vũ. Dạo này phong trào khiêu vũ đang được phục hồi. Tôi dụ Hà đi học nhảy. Hà tính hiếu động nên thích lắm. Đi bước nữ nhưng Hà đi đùng đùng quá cả bước nam. Mỗi lần đưa Hà nhảy một bản bebop hay tango, tôi phải nín cười. Nó cầm tay tôi như người ta cầm một cục gỗ, vặn lui vặn tới không mảy may xót thương.

“Sao Khánh không đi tập với Hà?”. Tôi vờ vô tình hỏi. “Con bé ấy chán lắm, nó bị bố mẹ hù dọa từ thuở nhỏ, lúc nào cũng xem đàn ông là quỷ dữ, cầm tay, hôn nhau là sẽ bi... đọa địa ngục. Bước vào đây khiêu vũ, cầm tay con trai, nó sẽ... tụt huyết áp mà chết”. Tôi nhớ lại ngọn lửa trong mắt Khánh, đêm vũ hội. Kỷ niệm đêm vũ hội làm tôi bất giác nghiến răng. “Nhảy múa, ca hát, yêu đương mà đọa địa ngục sao? Xuẩn ngốc hết chỗ nói!”.

Cuối cùng Khánh đi học thật. Cô bé học nhưng đứng trầm ngâm ngoài lề. Tôi bảo cô ta đứng vào vị trí. Vừa cầm lấy tay, cô quay lưng chạy biến. Tôi nghiêm mặt, quát: “Đến đây là để học, không phải để đùa giỡn. Một là học, hai là ra khỏi lớp”. Trò liều mạng không ngờ có kết quả. Cô gái kiêu sa nổi tiếng không thèm để mắt đến đàn ông con trai, bỗng nhiên líu ríu đứng vào hàng như một cô học trò ngoan. Bất chợt tôi phát hiện ra nàng: trong cái vỏ kiêu kỳ này là một tâm hồn bị thuần phục, luôn phục tùng những giáo điều, những lời răn, những người bề trên. Hôm nay, trong lớp học, tôi là người chỉ huy nàng...

Cơn mưa tháng năm đến bất chợt. Hôm nay cả lớp tôi đi chơi vũ trường. Người con gái năm xưa tôi mơ chạm vào tay áo cũng không được, thì nay đang ở trong tay tôi. Và dàn nhạc cũng chơi bài Unchained melodỵ “I need your love, God speeds your love to me... ”. Môi tôi mím chặt khi cùng Khánh đi những bước slow dìu dặt. Đèn sàn nhảy dịu lại rồi mờ đi như ánh trăng, những đốm sáng xoay vòng rơi rơi mơ mộng. Tôi thì thầm bên tai Khánh: “Khánh ơi, anh yêu em”. Tiếng nhạc ở vũ trường rất lớn, át cả tiếng tôi, Khánh mở to mắt, ngơ ngác mơ hồ, nửa như muốn phản đối, nửa như hoài nghi không tin ở tai mình. Tôi cười thầm trong bụng và lại nhằm lúc tiếng trống nổi lên thật mạnh để lập lại câu nói ấy. Câu nói muôn đời của những người con trai, không bao giờ mới hơn, nhưng cũng không bao giờ cũ. Tôi khoái trá uống trong mắt Khánh những tia hạnh phúc ảo, một thứ hạnh phúc giữa hư và thực.

Tôi và Khánh luôn luôn nhảy với nhau. Tôi tạo cho nàng một thứ hội chứng nghiện mà Khánh vô tình không nhận ra. Rồi bẵng đi một dạo tôi không mời Khánh nữa. Có một cô gái mới xuất hiện trong lớp. Kể về đường nét, cô ta đẹp hơn Khánh, môi dày, đôi chân dài luôn khiêu khích dưới chiếc váy ngắn màu đen. Tôi đi với cô ta hết bản này đến bản khác, và dù ở vị trí nào trên sàn tôi cũng nhìn thấy Khánh, thấy đôi mắt ngơ ngác, đờ đẫn của nàng. Tôi là người khéo thu xếp. Đến một bản slow, tôi bảo cô gái chân dài: “Em mệt rồi, hãy ngồi nghỉ một lát”. Cô nàng túm chặt lấy tay tôi: “Không, em không mệt”. Tôi vuốt má nàng: “Bản này dễ nhảy quá, chẳng đáng cho em khoe tài”. Rót cho cô bé một cốc nước ngọt, rồi tôi đi vòng qua phía Khánh. Khánh quay đi, nhìn sang phía khác, nhưng cuối cùng cũng chịu đưa tay cho tôi nắm. Tôi đưa nàng đi. Những đốm sáng xoay vòng trên tóc, trên áo Khánh. Mắt nàng thổn thức. Tôi thấy rõ nỗi thương giận trào dâng trong lòng nàng, và bất giác tim tôi cũng đập rộn ràng. Tôi nói nhỏ bên tai Khánh: “Khánh ơi, cho anh hôn lên trán em”. Khánh nguẩy đầu: “Không!”. “Em có biết hôn lên trán có nghĩa gì không?”. “Không”. “Là tôn thờ một đời”. Vẻ lạnh lùng đóng kín trên mặt Khánh tan đi như băng mùa xuân. Nàng nhìn tôi, mắt rớm lệ. Tôi hôn lên trán nàng. Phảng phất mùi thơm con gái. Má Khánh áp vào tai tôi. Vậy là tôi đã được nàng... Tôi hỏi nàng, giọng run run: “Em không sợ địa ngục nữa sao?”. Nàng ngước lên, mắt nàng sáng dịu dàng. “Anh biết không, khi anh khiêu vũ bên em, anh cười giống như thiên thần. Ở đâu có thiên thần thì không thể là địa ngục”.

Đó là lần cuối cùng tôi nhảy với Khánh. Từ đó trở đi, tất cả mọi lần đi vũ trường, tôi đều đi với Lan, cô gái có cặp chân dài mà mỗi lần kháo chuyện trong đám con trai với nhau, tôi thường gọi là “Ngựa bất kham”. Cô ta cứ quấn lấy tôi như bạch tuộc, làm tôi vừa khoái vừa phát ngán.

Khánh không nhảy với ai cả. Nàng ngồi thu lu trong chiếc ghế bành, trong bóng sáng mờ của vũ trường, vừa nghĩ cách từ chối lời mời của những bạn trai khác, vừa dõi mắt nhìn theo tôi đang tung tăng bên cô bạn mới. Đôi giày nhảy của tôi sẽ còn giày đạp lên trái tim nàng như thế nữa, nếu như bàn tay Hà không chộp lấy cổ áo tôi và lôi ra hành lang. Khánh đang ngồi một mình, tóc xõa dài, chiếc áo

đầm đơn giản rũ xếp nếp, hai mắt nàng buồn bã đỏ hoe.

Tôi hỏi, tỉnh bơ: “Có chuyện gì vậy?” Hà bỏ đi, còn Khánh chỉ khóc. Tôi vừa thương nàng vừa khoái trá không kể xiết.

“Em không giận anh thế này nếu... nếu anh không từng hôn lên trán em”. Khánh nói trong nước mắt. Tôi vờ nhíu mày. Tôi nhớ lại. “Nghĩa là em muốn nói anh đã hứa tôn thờ em suốt đời chứ gì?”. Ngửa mặt lên trời, tôi cười ngất. “Em chẳng hiểu gì cả. Tất cả những gì trên sàn nhảy đều là ảo. Vũ điệu cũng như rượu, làm người ta choáng váng saỵ Không có ai lại truy cứu những điều người ta nói khi đang uống rượu hay khiêu vũ”.

Câu nói của tôi lạnh lẽo và tỉnh táo đến nỗi Khánh ngưng hẳn khóc. Tôi có cảm giác tóc gáy nàng đang dựng lên. Và tôi thích thú. Từ đó trở đi, Khánh không bao giờ có mặt ở vũ trường nữa.

Tháng bảy, trời mưa. Khánh đi học dưới mưa, lầm lũi. Bây giờ nàng gầy đi nhiều, đôi mắt quầng xanh. Tôi cũng gầy đi. Con ngựa bất kham quấn quýt bên mình tôi nhưng không bao giờ chui vào giấc mộng của tôi. Trong cõi mộng đó chỉ có Khánh. Tôi nhảy bebop với nàng và trong lúc đưa nàng quay, tôi cào vào hai cánh tay trần của nàng, để lại những vết xước đỏ hồng. Những giấc mơ làm tôi gầy nhom. Tôi tự hành hạ mình, như đã hành hạ Khánh. Bây giờ tôi đang theo nàng, dưới mưa, đầu trần, thân chỉ mặc bộ quần áo ướt sũng. Khánh thu thân mình gầy xanh trong chiếc áo mưa tím. “Anh có buông tha tôi ra không?”. Tôi như không nghe thấy gì. Tai tôi ù ù vì tiếng mưa. Hơi lạnh thấm vào cơ thể tôi. “Tôi không thể sống mà không có Khánh”. Hai hàm răng tôi va cầm cập vào nhau. Khánh quay lại, bịt tai, thét lên trong mưa: “Đủ rồi, tôi đã hiểu. Lan hay tôi thì cũng đều là trò chơi của anh. Mọi trò chơi đều dễ dàng bị thay thế”. Tôi nắm chặt lấy tay nàng, tôi cũng thét lên át cả tiếng mưa: “Em lầm rồi, anh hoàn toàn nói thực. Lúc này anh không khiêu vũ và anh không saỵ Anh không thể sống mà không có em”. Khánh giậm chân, bỏ chạy. Tôi chỉ rảo bước cũng đuổi kịp nàng. “Em xem này, anh ướt từ đầu đến chân, anh sẽ chết rét, sẽ chết sốt để em biết anh không nói dối”. Khánh vẫn đi, đến trường rồi sao nàng không vào, cứ đi qua, đi mãi. Và tôi cũng đi mãi theo nàng... mưa lạnh thế mà sao dìu dặt thế. Một cây số, hai cây số đường trong mưa. Nếu cái thân thể cứng đờ của tôi gục xuống nơi đây, tôi sẽ cảm giác như mình đang khuỵu xuống trên sàn nhảy êm ái, kiệt sức tàn hơi vì một cơn say không hề ảo. Nhưng tôi không gục xuống... Khánh cuối cùng đã quay lại, dang rộng cánh áo mưa dơi đang mặc phủ qua người tôi. Vừa run, tôi vừa đi sát bên nàng, chung một chiếc áo mưa. Tôi vòng tay qua thân thể nàng, tròn trĩnh và dịu dàng. Khánh khóc. Lúc nào em cũng chỉ biết khóc thôi sao? “Em khổ lắm. Chỉ vì anh không thể tha thứ cho em, phải không? Nếu anh thù ghét em thì hãy nói đi!”. Tôi không đáp. Giờ phút này tôi không thù ghét nàng. Tôi ôm choàng lấy nàng. Mưa êm ái rơi đều trên chiếc áo mưa màu tím đang xoe tròn quanh chúng tôi. Mưa ơi mưa ơi, hãy mưa hoài đi cho đến ngày tận thế.

Mùa xuân, Hà bảo tôi: “Ông giỏi thật. Ông làm cho con Khánh nó vứt bỏ hết mọi điều cấm, điều răn mà cha mẹ nó đã mất công nhồi nhét từ tấm bé. Trông nó bây giờ đến phát chán, cứ như là âm binh được điều khiển trong tay ông”. Tôi cười không nói. Bất giác Hà ngẩn người nhìn tôi. “Sao vậy?” Hà thật thà: “Tôi rất thích thấy ông cười. Cứ như là mặt trời bỗng sáng lên vậy. Khi ông không cười, tôi thấy ớn cái vẻ mặt bá tước Mông tơ Krixtô của ông quá”. Tôi gõ lên đầu Hà. Hà bỗng trừng mắt nhìn tôi: “Ông hứa với tôi, đừng làm khổ nó”. Tôi trừng mắt nhìn lại Hà: “Tại sao tôi phải hứa với cổ”.

Khánh đi học về. Nhìn thấy tôi, mắt cô bé ánh lên một vầng sáng như khi cầu nguyện. Tôi bảo nhỏ vào tai Khánh: “Đi uống cà phê với anh”. Khánh lắc đầu, chỉ chỉ vào sau lưng Hà đang đứng pha nước. “Em định tiếp tục làm cao với anh cho đến bao giờ?” “Không phải em làm cao. Nhưng quán tối quá, em thấy sợ”. “Vậy chủ nhật anh đến thăm riêng em ở đây”. Khánh đứng sững nhìn tôi, không phản đối cũng không gật đầu. Tôi nhìn nàng mỉm cười và ánh mắt nàng chợt can đảm: nàng đã nhìn thấy thiên đường trong nụ cười của tôi.

Ngày chủ nhật Hà về Đà Nẵng thăm nhà. Tôi đến với Khánh. Tôi bước qua cổng, trái tim nóng mà đầu lạnh căm. Từ trong phòng Khánh văng vẳng ra tiếng nhạc “I need your love - God speeds your love to me... ” Quái gở thật, tại sao lúc nào cũng là câu hát này? Ngang phòng bà bảo vệ, tôi rẽ vào. “Cậu đến thăm cô Khánh?” Tôi gật đầu. Mắt bà nhìn tôi trân trối: “Mười giờ đêm là tôi đóng cửa ngõ đó”. “Cô khỏi lọ Nếu cửa ngõ đóng thì cháu ở lại luôn”. “Này, tôi không có nói chơi đâu nghe”. “Thì cháu cũng có nói chơi đâu!” Tôi ngang nhiên đi lên phòng Khánh. Khánh đang chờ tôi. Nàng nghe nhạc cho đỡ sốt ruột. Hai con người tuổi hai mươi, một căn phòng vắng và trời chiều thật dịu dàng. Khánh ở trong tay tôi, ấm và mềm, hơi thở nàng nóng trên má tôi. Tôi lấy hai ngón tay vạch mi mắt đang nhắm nghiền của nàng. Bên trong mi mắt nàng hồng hồng... Bất giác, không hiểu sao tôi bật cười, cười như điên.

Khánh sợ. Nàng mở mắt, cầm lấy hai bàn tay tôi, dịu dàng: “Anh làm sao thế?”. “Chẳng sao cả”. Tôi với tay tắt đèn. Khánh giữ tay tôi lại: “Đừng, anh”. “Tại sao? Em định còn làm cao với anh đến bao giờ?”. “Không phải em làm cao, mà là... ”. Nàng cương quyết vùng vẫy giữa vòng tay tôi. Tôi buông Khánh ra. “Em đừng hiểu lầm anh. Xem kìa, trăng đẹp quá. Anh chỉ muốn tắt đèn để ngắm trăng thôi”. Khánh ngẩng lên nhìn qua cửa sổ. “Sao em không thấy?” “Vì ánh đèn. Này anh tắt đèn đi, em hãy nhìn”. Bóng tối trùm lên căn phòng. Và chỉ có bóng tối. Bỗng một cây đèn pin chiếu qua cửa kính. Bà bảo vệ xuất hiện như một hung thần. Tiếng la làng của bà dễ chừng đến cả một thành phố cũng phải thức giấc.

Khi Hà trở về thì mọi chuyện vỡ tan tành. Khánh bỏ về quê giữa mùa thi tốt nghiệp. Hà nhiếc mắng tôi. Tôi nhiếc lại Hà: “Việc gì đến cô”. Hà đùng đùng quay qua trách móc bà bảo vệ “Chúng nó chỉ tắt đèn để ngắm trăng, vậy mà cô đổ oan cho tụi nó. Bây giờ con Khánh còn mặt mũi nào đến lớp nữa”. Bà bảo vệ thối lui một bước, rồi chống nạnh tay, phun ra từng tiếng: “Thưa cô! Tôi nể cô lắm chứ không thì tôi đã tống cổ hết cả lũ ra khỏi nhà này. Ngắm trăng à? Hay thật! Hôm đó là tối ba mươi tôi vừa thắp hương xong ngoảnh lên thấy tối thui lui. Có trăng đâu mà ngắm. Nam nữ trong phòng tắt đèn làm cái gì?”. Hà ngồi phịch xuống, chỉ tay vào mặt tôi: “Tao đã biết mày ngay từ đầu”. Tôi lì lợm nhìn Hà: “Thật à? Sợ rằng chưa biết đủ đâu”.

Hà dong Khánh từ quê ra bốn hôm trước ngày thị Khánh đến lớp chỉ một hôm. Những tiếng cười khúc khích vang lên sau lưng nàng. “Chiều nay tụi bây xem phim người tình không? Hay hết cỡ”. “Hay cái con khỉ, nghe nói có nhiều cảnh “ngắm trăng" lắm". “Thời đại bùng nổ của sex mà, xi nê có lắm cảnh “ngắm trăng” mới haỵ Khánh cúi gục, rã rời bước đi. Chỉ có Hà thương Khánh. Tôi cũng thương nàng, nhưng tôi không thể bỏ cuộc chơi khốc liệt của tôi. Hà lôi tôi về phòng. Khánh nằm trong đó, mắt nhắm, tóc xõa rối tung. “Khánh ơi, tao ra ngoài hành lang không cho ai vào đâu, tụi mày nói gì thì nói đi”. Tôi lại gần giường Khánh. Khánh thấy tôi, ứa nước mắt. Tôi quay đi không dám nhìn nàng. Nhìn nàng thêm nữa tôi sẽ mềm lòng mất. Nàng run rẩy nắm tay tôi, ép chặt nó vào lồng ngực gầy mỏng. “Lạy Chúa tôi, em lo lắng cho anh quá. Em cứ sợ anh không chịu nổi”. Tôi quay lại: “Anh việc gì phải sợ”. “Nhưng em sợ lắm. Bây giờ em chẳng còn gì. Ở dưới đáy vực. Bây giờ em chỉ còn anh”. Hai cánh tay nàng run rẩy kéo tôi lại sát bên nàng, run rẩy áp chặt mình vào thân thể tôi. “Em không tiếc gì nữa, chẳng còn gì mà giữ nữa. Em trao gửi tất cả cho anh, anh hãy nâng đỡ em đi, hãy cứu em”. Mắt nàng dại đi, môi sưng lên và ướt. Tôi đã chờ phút này từ lâu. Đây là phút sự kiêu kỳ của nàng sụp đổ tan tành. Nhưng đâu có dễ gì tôi lại nhận sự dâng hiến của nàng. Cái tôi chờ không phải là thân xác nàng, mà là sự nô lệ. Tôi cười nhạt: “Bây giờ lại muốn ngắm trăng à?”. Nghe đến cái từ mỉa mai đó, Khánh rúm lại khổ sở. “Em nghe đây, sẽ chẳng có chuyện yêu đương gì giữa em và người mà em đã nhổ nước bọt. Nước bọt em thơm lắm, bốn năm nay anh hít hà vẫn còn thơm”. Khánh kêu lên, kinh hoàng như thấy ma hiện: “Trời ơi, Hà bảo rằng anh là thằng Cường đểu, nhưng em không tin”. “Đích thực anh đã chơi đểu với em, em gái ạ. Điều anh muốn là nhìn thấy em chết như một con gián. Điều anh muốn là xỏ dây vào mũi em mà dắt như dắt trâu. Bây giờ công việc của anh xong rồi, từ biệt em”. Tôi cười và quay lưng bước đi. Khánh kêu to, nghẹn hơi sau lưng tôi: “Cầu Chúa tha thứ cho anh. Anh rót mật vào tai tôi, rồi anh xô tôi xuống vực”.

Tôi không nghe. Tôi đã xong mọi việc với nàng. Lan chân dài đang chờ tôi. Tuần sau đó, Lan cuỗm của mẹ một số tiền. Tôi lấy xe máy chở nàng qua đèo Hải Vân đi chơi tận Hội An. Được ba hôm, Lan kêu van cuồng cẳng. Hội An không có sàn nhảy. Chúng tôi phóng ra Đà Nẵng. Nằm ở khách sạn, tôi thấy tẻ ngắt, dường như tôi đang ở trong một cuộc chạy trốn chứ không có vẻ gì trong tuần du ngoạn yêu đương. Lan dạo phố Đà Nẵng về, núng nính trong bộ váy Jean cũn cỡn có đường lai xé tua ra như rách. Tôi hất hàm: “Có cái váy nào xơ hơn vậy không?” Lan nhoẻn cười: “Váy xơ, nhưng cái trong váy không xơ đâu nghen”. Bỗng nhiên tôi thở dài: “Anh muốn về”. “Sao vậy?”. Tôi đùa: “Tự nhiên thấy ớn. Chỉ lo bị người ta ghép tội dụ dỗ em”. “Tầm bậy. Em dụ dỗ anh thì có”.

Đêm hôm ấy, nằm bên Lan, tôi mơ thấy Khánh. Tôi thấy tôi trở về, và nàng chạy ùa vào cánh tay tôi, trong chiếc áo đầm trắng dài tay, kín cổ với những nếp váy mềm mại. Tôi ôm lấy nàng, như chưa hề có bao điều căm hận. Chúng tôi nhảy với nhau một bản Slow, chính bản Unchained melody ngày nào. Hôm nay bài hát không gợi lên trong tôi bao tình cảm quái dị như xưa nữa. Giai điệu ấy nhẹ nhàng, da diết và âu yếm vô cùng. Dưới chân hai chúng tôi là mây trắng. Tôi hôn lên trán nàng. Và nàng bảo tôi có nụ cười như thiên thần. Ở đâu có thiên thần, thì không thể nào là địa ngục...

Khi tỉnh dậy tôi hiểu là mối căm giận trong tôi đã giải hết. Bây giờ trong lòng tôi chỉ có tình yêu. Sáng sớm mai, về đến Huế tôi đi thẳng đến chỗ Khánh. Tôi biết nàng không còn tin tôi. Nhưng tôi tin sẽ có một cơn mưa như ngày nào. Mưa sẽ xóa đi bao nỗi đau, nỗi hận. Và, mưa sẽ che chở cho chúng tôi đi bên nhau cho tới ngày tận thế.

Khi mở cửa, Khánh đang ngồi đó nhìn tôi. Vẻ mặt nàng trong sáng hiền hậu, nhìn tôi độ lượng không chút trách hờn. Nhưng sao khuôn mặt nàng bất động như thể đang được đóng ghim vào tường. Tôi muốn ngất đi. Lần đầu tiên trong đời một người con trai, tôi quỵ xuống, chới với tìm một bàn tay nâng đỡ.

Lời kể của Hà

Ngồi ngoài hành lang, tôi vừa chờ Cường và Khánh, vừa nhìn xa xôi ra bãi cỏ trước mặt. Tôi biết Cường nhẫn tâm, nhưng vẫn mong rằng cuối cùng Khánh sẽ tìm được chút bình an trong vòng tay người nó yêu. Bất chợt tôi nhớ tới lời của một nhân vật trong phim chưởng: “Hỏi trên thế gian, tình là vật gì?”. ừ, yêu là cái gì mà Khánh chết điêu chết đứng vì nó. Hai mươi bốn tuổi đầu, tôi chưa biết cái khổ sổ, đọa đày của Khánh mà cũng chưa biết thế nào là hạnh phúc. Chàng trai nào cũng dành thiện cảm cho tôi, và chỉ thiện cảm mà thôi...

Cường về, tôi vào phòng. Khuôn mặt Khánh như bị biến dạng. Mới cách chưa đầy nửa giờ mà sao nó như biến hẳn thành con người khác. Nó không khóc, không nói, đứng dậy đi rất bình thường, một vẻ bình thường đầy kinh dị. Hai giờ sau nó trở về, tay xách một giỏ nhỏ, trong đó có một chai thủy tinh đựng một thứ chất lỏng màu vàng vàng. Acid sulfuric - Khánh vừa đặt xuống đất vừa nói, giọng nó khàn đục và điềm tĩnh. "Mày định làm gì với cái của nợ ấy?" Khánh kể lại cuộc gặp gỡ cuối cùng với Cường. Nó nói thong thả, chậm rãi, như thể kể chuyện của người khác. Tôi khóc. Tôi phẫn nộ muốn phát điên. Khánh bảo tôi:

- Tao đã nghĩ kỹ rồi. Tao có bổn phận phải hủy diệt cái nụ cười thiên thần của hắn. Để sau này không còn đứa con gái nào bị nụ cười mê hoặc của hắn dẫn xuống địa ngục.

Tao sẽ giúp mày một tay - Tôi hăm hở bảo Khánh. "Vậy mày đến đây, đến đây". Khánh loay hoay tìm cách lôi cái chai ác nghiệt ra khỏi giỏ. Bình tĩnh thế nhưng tay nó vẫn run. Tôi vội đưa cho nó cặp găng taỵ Khánh đeo găng tay vào, chợt như có điều gì đó, vứt mạnh đôi găng tay, ôm mặt.

Tối hôm đó, tôi canh chừng nó như canh tù. Vậy mà sáng hôm sau, vừa tỉnh dậy đã phải đưa nó đi bệnh viện cấp cứu. Khánh uống hai mươi viên thuốc ngủ. Bác sĩ cho súc ruột. Ba ngày sau, Khánh mở mắt. Da thịt nó trong vắt dường như ánh sáng có thể xuyên quạ "Mày cứu tao làm gì? Không ai cứu nổi một người không còn sống". "Dự định phục thù hùng dũng thế, quên rồi sao?". "Tao không thể. Lúc run sợ cho đôi tay của tao, cũng là lúc bất giác tao run sợ cho Cường. Khi tao hình dung ra luồng Acid đang tạt đến, cũng chính là lúc tao thấy mình lao tới che cho y". Tôi giậm chân: "Thật khốn khổ cho một lũ đàn bà con gái". Khánh cầm tay tôi khẩn khoản: "Hà ơi, nhục nhã đến cùng, mà tao vẫn gắng sống, vì trong tao lúc nào cũng có Cường bên cạnh. Nhưng bây giờ thì hết rồi. Thì ra bao lâu nay tao không hề có Cường". Tôi nổi quạu: "Mày ngu quá, Khánh ơi. Nó chỉ là một thằng dã man, mày đã dâng cho nó cả một kho tàng, vậy mà nó vẫn khăng khăng đòi mày một xu nợ". "Nợ là do tao gây ra, dù chỉ một xu tao cũng phải trả. Tao có ý nghĩ này, chắc chắn mày sẽ chửi tao, nhưng tao cứ nói. Tao muốn mày thương lấy Cường. Hãy vì tao mà xóa bỏ đi hỏa ngục trong lòng hắn". Tôi giãy nảy: "Điên à? Tao đâu phải Thúy Vân. Trò trao duyên cũ rích như quả đất". Khánh vật nài: "Mày rất tốt, lòng tốt của mày sẽ cứu rỗi tâm hồn Cường. Tao nói nghiêm túc đấy".

Tôi không ngờ đó là di chúc của Khánh. Sáng hôm sau, Khánh lao mình từ trên lầu tư bệnh viện. Nó nằm sãi tay, xõa tóc bên gốc cây hồng đang nở hoa. Máu từ miệng Khánh ứa ra. Sao máu tươi mà đen thẫm như màu ân hận. Khánh ơi, ngày xưa mày vẫn thường nói những ai tự tử sẽ không được lên nước trời. Bây giờ mày không sợ mất thiên đàng nữa sao?

Khi Cường trở về thì Khánh chỉ còn trong bức ảnh treo trên vách phòng tôi. Tôi thắp nhang cho Khánh. Không cần tôi báo tin, nhìn khói nhang, Cường đã hiểu. Hắn sụp xuống. Tôi kể lại những ngày cuối của Khánh. Dạn tay hơn Khánh nên không cần găng tay tôi cũng lôi được chai acid ra. Tôi đổ xuống nền gạch hoa trước mặt Cường. Nền gạch kêu lên răng rắc rồi nứt ra những vết rạn. Cường cúi nhìn. Tôi biết trước mắt Cường, những vết nứt ấy đang rộng ra, sâu hút, thăm thẳm như đường dẫn tới âm ty.

Từ ngày đó không ai thấy Cường mỉm cười nữa.

Một năm sau, tôi kết hôn với Cường.

Ai cũng ngạc nhiên khi thấy một người con trai đào hoa và bảnh trai như Cường lại cưới một cô gái bậm trợn và dung mạo tầm thường như tôi. Nhiều người bảo dường như là quy luật, những chàng trai đa tình, sau khi dạo khắp hương sắc vườn người, thường không lấy được những người vợ đẹp. Có người ác khẩu lại nói rằng thằng Cường đểu quả là khôn, sau khi hưởng hết sự ngây thơ của Khánh, lại được thêm gia thế và tài tháo vát của Hà.

Chỉ có mình tôi, tôi hiểu. Di sản của Khánh để lại quả là nặng nề. Đã nhiều năm qua, tôi mãi là một người vợ tận tụy tìm đủ cách để giúp chồng có lại nụ cười đã mất. Tôi tự biết mình chỉ là ngôi đền gạch thô chứa đựng tượng thờ của Khánh, trong đó Cường tự nguyện giam mình để mãi mãi ăn năn.

Hết