Nghiệt oán tóc xanh - Hồng Nương Tử - Chương 00
Tóc như tuyết
(Khởi thảo Nghiệt oán tóc xanh)
Cho dù lịch sử thành đống tro tàn, tình yêu của tôi vẫn trường tồn mãi mãi.
(Tóc như tuyết - Châu Kiệt Luân[1])
[1] Châu Kiệt Luân (1979) là một nhạc sĩ kiêm ca sĩ, nhà sản xuất, diễn viên và đạo diễn nổi tiếng người Đài Loan.
Chớp mắt, chỉ chớp mắt thôi là đời người đã biến đổi bao nhiêu cảnh sắc và series truyện Thất sắc (Bảy màu) cũng đã viết được hơn một nửa. Các bạn độc giả thân mến! Chúng ta sẽ cùng nhau đi hết quãng thời gian hai năm cùng Nghiệt oán tóc xanh.
Bạn có còn nhớ cuốn sách đầu tiên của tôi mà bạn mua về không?
Là cuốn Tấm vải đỏ đậm màu sắc kinh dị?
Là cuốn Lục môn đậm không khí cổ đại?
Là cuốn Quả cam luân hồi đậm chất hài hước?
Hay là cuốn Nghiệt oán tóc xanh đậm chất bi thương?
Lúc bắt đầu viết Nghiệt oán tóc xanh, tôi định viết một cuốn tiểu thuyết kinh dị, nhưng viết đến đoạn giữa ngòi bút cứ thế viết lên một câu chuyện tình vô cùng bi thương.
Tôi nghĩ, cô gái có tên Bình An ấy chính là tôi, là bạn, là cô ấy, cũng là hình bóng bất cứ ai trong mỗi chúng ta.
Không oán không hận mà yêu, không oán không hận mà báo đáp, không oán không hận mà bảo vệ.
Phải mạnh mẽ đến nhường nào mới có thể toàn tâm toàn ý yêu một người không yêu mình mà không chút tuyệt vọng và có thể giả như không bận tâm đến chuyện ấy?
Bình An là một cô gái hết sức bình thường, mọi thứ ở cô đều bình thường, điều đặc biệt ở cô chỉ là cô ấy không ích kỷ. Một người không ích kỷ mới có thể tiếp tục yêu sâu sắc người khiến mình tổn thương mà không một chút oán hận.
Tôi luôn không thích viết tiếp phần sau cho nên các bạn có thể hoàn toàn yên tâm Nghiệt oán tóc xanh không phải là phần tiếp theo của Tấm vải đỏ. Như tôi đã từng chia sẻ trước đây, bộ truyện Thất sắc là tuyển tập những tác phẩm vừa tương đối độc lập vừa ít nhiều liên hệ với nhau. Minh Lãng trong Nghiệt oán tóc xanh chính là Kha Lương trong Tấm vải đỏ, khi anh mất đi Tần Cẩm và phải đối diện với mối thâm tình của Bình An, anh ta nên lựa chọn như thế nào đây?
Nếu bạn đã đọc hết Nghiệt oán tóc xanh, họa chăng bạn sẽ nguyền rủa tôi là kẻ vô tình, hoặc sẽ thắc mắc tại sao tôi không kết thành cho một mối lương duyên đẹp? Nhưng, nếu như bạn đã từng đọc Tấm vải đỏ thì bạn sẽ rõ sự lưỡng lự khó khăn của tôi trong quá trình tôi viết tác phẩm này, tôi nên làm như thế nào và tôi nên cho Minh Lãng lựa chọn ai. Độc giả thân mến, các bạn có thể cho tôi biết câu trả lời trong tim các bạn được không?
Trong con tim của mỗi chúng ta liệu có thể cùng một lúc chứa hai hình bóng? Câu hỏi này cũng là nội dung trọng tâm của cuốn tiểu thuyết các bạn đang cầm trên tay, đồng thời đây cũng là lần đầu tiên tôi viết về một mối quan hệ tình cảm phức tạp như vậy. Tôi nghĩ, những điều tôi mổ xẻ phân tích trong từng tác phẩm sẽ khiến tôi dần dần tiến bộ hơn trong những sáng tác về sau.
Còn nhớ khi tôi viết Tấm vải đỏ, bởi vì nhân vật trong đó quá nhiều nên viết một đoạn ngắn phải mất vài ngày, cuối cùng tôi đã nghĩ ra một cách bất đắc dĩ - loại bỏ đi một số người - mới có thể viết tiếp được tác phẩm.
Khi đó tôi mới bắt đầu viết những tác phẩm dài, cho nên mắc rất nhiều nhầm lẫn và tác phẩm chưa thật trọn vẹn; cho đến hôm nay tôi hi vọng có thể dần dần lấp đầy những khiếm khuyết đó. Có được kết quả như ngày hôm nay tất cả là nhờ vào sự yêu mến, cổ vũ của các bạn độc giả, những người đã từng đọc tác phẩm của tôi, hoặc giả sử mới chỉ nghe qua đã dành cho tôi những tình cảm ưu ái vô cùng quý giá mà không phải tác giả nào cũng có được. Chính sự tin yêu của các bạn đã là nguồn động lực lớn để tôi tiến ngày một xa hơn, bước những bước ngày một vững chãi hơn trên con đường viết lách của mình.
Để đáp lại thiện tình của độc giả, bản thân tôi cũng luôn nỗ lực và hi vọng có thể thai nghén và cho ra đời những đứa con tinh thần thật hay để phục vụ các bạn. Tôi cũng luôn mong rằng khi tác phẩm của tôi đến được tay bạn, bạn sẽ đón nhận nó với một nụ cười rạng rỡ cùng với câu nói: “Đây là cuốn sách của tác giả Hồng Nương Tử - người mà tôi rất yêu quý”.
Độc giả thân mến, chỉ bấy nhiêu thôi đã làm tôi vô cùng cảm kích và mãn nguyện, cho dù mỗi ngày sau đó tôi phải vất vả để không ngừng tìm tòi hình thành những tác phẩm mới thì cũng là điều đáng làm.
Người mà tôi phải cảm ơn nhất khi viết Nghiệt oán tóc xanh là anh Voi Mamut, một tác giả viết văn rất có duyên và vô cùng nghiêm ngặt, mặc dù những lời động viên của anh dành cho tôi chỉ là những lời bóng gió đầy công kích. Dẫu rằng cũng có rất nhiều người và việc tôi đã gặp trên mạng, nhưng có lẽ phải rất nhiều năm sau đó khi nhớ lại thì mới ngộ ra rằng người khiến lòng tôi cảm thấy ấm áp chỉ là thiểu số. Là bởi vì trong cuộc đời của mỗi người có quá nhiều người đến và đi, cho nên con người mới phải đặc biệt quý trọng những tình cảm ấm áp của thế gian ưu ái dành cho mình.
Sáng tác là một việc đơn độc và cô đơn, tác giả không phải là một nghề lấp lánh như nhiều người vẫn tưởng. Nhiều khi chỉ có mình mình cắm cúi viết mà không biết đích đến còn bao xa, cũng không thể xác định rõ những thứ bản thân mình viết ra có được người khác thích hay không? Khi viết những câu chuyện đó thu hoạch lớn nhất chính là bản thân người viết có được sự giao lưu và đối thoại với các nhân vật trong những câu chuyện này.
Trên thực tế, vốn tôi cũng không hi vọng anh chàng Minh Lãng cuối cùng hiểu ra rằng bản thân anh ta đã đem lòng yêu cô gái lương thiện Bình An; bởi trong lòng tôi, Minh Lãng sẽ luôn chung tình, một lòng một dạ, một đời một kiếp với Tần Cẩm. Bởi những ai đã từng đọc Tấm vải đỏ đều biết, Tần Cẩm là một cô gái đáng được yêu như thế nào. Tuy nhiên, viết đến những trang cuối cùng của Nghiệt oán tóc xanh tôi lại cảm thấy không phải tôi muốn ôm lấy Bình An, mà là Minh Lãng muốn ôm trọn cô vào lòng. Thời khắc đó tôi mới thực sự hiểu rằng tác giả không phải là thượng đế của cuốn sách mình viết ra mà chỉ là người ghi lại những câu chuyện mà thôi.
Tôi nguyện tin rằng, thật sự có những con người có được tình yêu và tình bạn thuần khiết như trong sách - những con người từng sống, từng yêu, từng hận hết mình luôn tồn tại trên thế giới này. Tôi nguyện tin rằng, sự ấm áp luôn lan tỏa khắp thế giới này. Tôi không thích viết câu chuyện này một cách quá u ám nhưng bởi vì tôi cảm nhận được ánh sáng và tình yêu của cuộc sống luôn tràn ngập trong tim tôi, vậy nên tôi bằng lòng chia sẻ tất cả, cả trái tim ấm nóng cùng bầu nhiệt huyết của tôi với thế giới này và với tất cả các bạn.
Có rất nhiều người đã từng hỏi tôi là tại sao tôi nhất định phải viết tiểu thuyết kinh dị, tại sao không viết những đề tài khác dễ viết hơn, để thu hút khách hơn?
Kì thực tôi cũng đã thử viết ở các đề tài khác, như tiểu thuyết vượt dòng thời gian như Công chúa xuyên không ta lớn nhất, ngôn tình trường học như Con lợn này biết phép thuật, nhưng tôi rất yêu bộ truyện Thất sắc kinh dị. Đó là những bước chân đầu tiên tôi, tôi gửi trọn tình yêu của mình giống như đứa con đẻ mà tôi rứt ruột sinh ra và tôi nguyện sẽ nỗ lực hết lòng hết dạ, toàn tâm toàn ý vì nó.
Bạn có nguyện cùng tôi bước tiếp và chứng kiến sự trưởng thành, kết thúc của bộ truyện Thất sắc hay không?
Trân trọng kính mời bạn đọc hãy tiếp tục chú ý đến Chuông tím - một trong những tiểu thuyết kinh dị nằm trong bộ truyện Thất Sắc của Hồng Nương Tử, đây là một cuốn tiểu thuyết thử nghiệm viết về kinh dị học đường, tôi muốn viết theo một cách hoàn toàn khác biệt, tuy nhiên thiên cơ bất khả lộ, chỉ có thể nói đây là một cuốn sách rất nhẹ nhàng, vui nhộn, rất đáng đọc mà thôi.
Dẫn truyện
Thành phố này thật hoang vắng và âm u, màn đêm buông xuống với những ngôi sao điểm sáng trên bầu trời, những bóng đèn trên mặt đất được thắp sáng, sự tương phản của ánh sao và ánh đèn cũng không thể theo kịp được tiếng thở dài.
Trong một khu tập thể ở một góc nào đó của thành phố, một đứa bé đang đứng bơ vơ trong hành lang, cái bóng nhỏ bé của nó bị ánh đèn kéo dài ra.
Ðó là một khu tập thể kiểu cũ, những đồ linh tinh như than, vỏ giấy báo, tấm gỗ cũ vất đầy một góc hành lang. Trên bờ tường vàng tối chi chít những nét vẽ bằng phấn, một ông mặt trời, một vài đường thẳng, vừa nhìn đã biết là kiệt tác của những đứa bé nghịch ngợm trong khu nhà này.
Một tiếng gọi dịu dàng cất lên từ trong nhà:
"Vào ăn cơm đi con, hôm nay chắc là bố con không về đâu".
Dưới ánh đèn khuôn mặt người mẹ đẹp dịu dàng, mái tóc óng ả buông sau lưng. Cậu bé ngồi trước bàn, bữa ăn rất thịnh soạn, cậu bé bưng bát cắm cúi ăn, tiếp đó ngẩng đầu hỏi:
“Mẹ, sao mẹ không ăn?"
Người mẹ giơ tay, khẽ lau nước mắt rồi cúi đầu nói một câu:
“Mẹ ăn rồi, mẹ không đói, con gắng ăn nhiều một chút".
Trong lòng bàn tay là giọt nước mắt long lanh, có điều người mẹ cố che giấu.
Đứa bé rất đói, nó cố nhét đầy bụng, người mẹ nhẹ nhàng vừa cười vừa lau miệng cho nó, nói:
“Ăn từ từ thôi con, có ai tranh với con đâu, sau này ăn cơm không được thế này đâu đấy, người khác nhìn thấy sẽ cười con cho xem".
“Mẹ ơi, tại sao bố thường xuyên vắng nhà thế?".
“Việc này... bố rất bận!”. Người mẹ trả lời qua quýt.
“Con lại cứ tưởng bố không cần mẹ con mình nữa". Đứa bé cúi đầu lẩm bẩm.
Bàn tay người mẹ như sững lại:
“Con nghe ai nói vớ vẩn thế, sao bố lại không cần chúng ta chứ".
“Cô Vương và bà Lí hàng xóm đều nói vậy, bố bị hồ li tinh mê hoặc rồi".
"Bốp".
Tiếng bạt tai vang lên, má đứa bé xuất hiện năm đầu ngón tay, sắc mặt người mẹ nhợt nhạt, chậm rãi nhấn mạnh từng từ:
“Không được phép nghe những lời vớ vẩn như vậy, đây là nhà của bố, tại sao bố lại không cần chúng ta chứ".
Lúc này người mẹ đã trở nên ngây dại, vừa gắp thức ăn cho con vừa nói: “Đây là nhà chúng ta, tại sao bố dám không cần chúng ta chứ?". Khuôn mặt người mẹ hiện rõ vẻ bực bội, mắt trợn lên.
Ðúng lúc này, tiếng bước chân gấp gáp vọng tới từ ngoài cửa, từng bước từng bước trên hành lang hướng về phía căn nhà.
Người mẹ ngay lập tức giật mình kinh hãi, cô hoảng sợ luống cuống, bẻ gãy đũa, đầu đũa sắc nhọn chọc vào lòng bàn tay khiến máu trào ra, cô còn chẳng kịp để ý nữa, vội vàng đẩy đứa bé vào gầm giường dặn:
"Bất kể xảy ra chuyện gì, cũng không được chui ra".
Người mẹ đang định đóng cửa thì vướng vào ghế ngã rầm xuống đất.
Bóng người đó xộc vào, cửa bị khóa chặt, đứa bé dưới gầm giường nhìn thấy giày của bố, đang vui mừng muốn ra thì nghe thấy mẹ bị ấn mạnh xuống giường.
Đứa bé thấy bố hằn học gầm lên:
“Mày không cho ông sống yên lành! Mày không chịu li hôn lại còn tới cơ quan làm ầm lên. Được thôi, vậy thì ông và mày sẽ cũng chết, mày nói đi, rốt cuộc mày có chịu li hôn không?”.
Cổ họng người mẹ bị ghì chặt, cô chỉ có thể nói đứt đoạn:
“Cho dù tôi... có chết, cũng sẽ không để... con hồ li tinh kia... sống yên ổn đâu”.
“Á”.
Ông bố hét lên:
“Mày lấy đũa đâm ông hả, không muốn sống à?”.
Người mẹ cố giãy giụa, chiếc dép tuột ra rơi xuống trước mặt đứa bé, đứa bé không dám động đậy.
Người mẹ gằn giọng kiên quyết:
“Nếu chết thì cùng chết!”
Ổng bố cười nham hiểm nói tiếp:
“Vậy mày chết đi! Ông sẽ không để mày chết nhẹ nhàng đâu, mày chẳng phải là liệt nữ sao? Ông đây sẽ khiến mày chết vì bị làm nhục”.
Chỉ thấy tiếng quần áo bị xé rách, tiếng ẩu đả, chiếc giường rung mạnh, lắc lư cùng với tiếng rên rỉ vì đau đớn của người mẹ. Đứa bé bịt miệng, đôi bàn tay nhỏ ép chặt vào miệng mới có thể khiến nó yên lặng.
Một lúc sau, tiếng động trên giường không còn nữa, đứa bé cẩn thận nằm xuống, rướn mắt nhìn lên trên, nó cố nhoài người định xem xem rốt cuộc mẹ nó thế nào.
Đột nhiên, một đầu người từ mép giường rủ xuống, máu tươi trào ra bắn cả vào mặt đứa bé. Trên cái đầu người với mái tóc rối bù kia là đôi mắt mở to, một chiếc đũa gãy cắm vào con ngươi mắt trái.
Sắc mặt người mẹ đã tái nhợt, tai, mồm và cả mũi đều đang chảy máu, chiếc đầu dốc ngược khiến máu tươi theo tóc chảy xuống đất. Mái tóc đó rủ xuống mặt đứa bé, từng sợi tóc trên mái tóc vừa dài vừa đen đó đều đã bị nhuộm thành màu máu, lúc này giống như hàng nghìn lưỡi dao nhọn đâm vào mặt đứa bé. Nỗi hoảng sợ cùng cực khiến con ngươi đứa bé co lại, co nhỏ tới mức chỉ có thể nhìn thấy các tia máu bắn tung tóe.