MỤC LỤC

Lời người dịch

Lưu ý của tác giả

Giới thiệu 

Phần một: Tôi, chúng ta và họ

Chương 1: Tôi chống với chúng ta

Chương 2: Tôi và chúng ta

Chương 3: Thành kiến (chúng ta chống lại họ)  

Chương 4: Vượt thắng thành kiến

Chương 5: Chủ nghĩa quốc gia cực đoan

Phần hai: Bạo động chống lại đối thoại 

Chương 6: Thăm lại bản chất con người

Chương 7: Những nguyên nhân của bạo động 

Chương 8: Những gốc rễ của bạo động 

Chương 9: Đối phó với sợ hãi

Phần ba: Hạnh phúc trong thế giới phiền não

Chương 10: Đương đầu với một thế giới phiền não

Chương 11: Hy vọng, lạc quan và khả năng phục hồi

Chương 12: Hạnh phúc nội tại, hạnh phúc ngoại tại và niềm tin

Chương 13: Những cảm xúc tích cực và việc xây dựng một thế giới mới

Chương 14: Tìm ra tính nhân bản chung của chúng ta 

Chương 15: Sự thấu cảm, bi mẫn và việc tìm kiếm hạnh phúc trong thế giới phiền não

Tác giả và dịch giả

 

Lời người dịch

 

"Tất cả chúng ta là giống nhau" đức Đạt Lai Lạt Ma nói như thế, nhưng giống nhau ở chỗ nào, mọi người đều muốn hạnh phúc và không ai mong đợi khổ đau. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đặt ra vấn đề và trả lời như thế. Nhưng tại sao mọi người đều muốn hạnh phúc và không muốn đau khổ, nhưng thế giới chúng ta lại toàn là đau khổ và đau khổ lại là do con người tạo ra nhiều hơn cả.

Chúng ta mong muốn hạnh phúc, nhưng lại chỉ muốn hạnh phúc dành riêng cho chúng ta, còn những người khác với chúng ta thì sao? Những khổ đau hiện hữu là ở chỗ nào? Chúng ta chỉ muốn hạnh phúc cho chúng ta nhưng bất chấp kẻ khác. Vì họ là khác với chúng ta, dù họ vẫn là những con người, chúng ta biết thế. Nhưng chúng ta đang đi tìm hạnh phúc cho chúng ta, chứ không phải cho họ. Và họ cũng đi tìm hạnh phúc cho họ, chứ không phải hạnh phúc cho chúng ta. Và hạnh phúc của chúng ta và hạnh phúc của họ đối kháng với nhau. Chúng ta triệt phá hạnh phúc của họ, và họ triệt phá hạnh phúc của chúng ta để tìm hạnh phúc cho mọi phía.

Thế là vì đi tìm hạnh phúc mà chúng ta gây khổ đau cho nhau. Đức Đạt Lai Lạt Ma từng nói rằng, nếu nói khổ đau là cái giá của nhân loại thì chúng ta sẽ trở nên dửng dưng với khổ đau của kẻ khác. Nhưng chúng ta cũng thấy rằng ngược lại, họ cũng sẽ dửng dưng với khổ đau của chúng ta. Họ là ai? Chúng ta là ai?

Họ là những con người, chúng ta cũng là những con người. Nhưng có lằn phân cách giữa chúng ta và họ. Họ là những người khác chúng ta và chúng ta là những người khác họ.  

Có thể nói rằng tất cả các tôn giáo dù có thờ đấng tạo hóa hay không, tất cả các chủ nghĩa kể cả chủ nghĩa duy vật đều hiện hữu trên trái đất này để giải quyết vấn đề mà tất cả mọi người đều mong muốn: Hạnh phúc. Và hãy xét lại trong chiều dài lịch sử, tất cả đã mong đem lại hạnh phúc cho nhân loại bằng cách nào?  

Nhưng rồi tất cả các tôn giáo, tất cả các chủ nghĩa lại trở thành những đối tượng để làm đổ vỡ hạnh phúc cho nhau vì cái lằn phân cách ấy.  

Cái lằn phân cách ấy là gì? Là tôn giáo, là chủng tộc, là sắc thái chính trị, là địa lý.

Những cuộc Thập Tự Chinh, những cuộc Thánh Chiến,... trong thời Trung Cổ. Những lời kêu gọi Thánh Chiến trong thời hiện đại,... Các cuộc thế giới chiến tranh,... Những cuộc tàn sát vì chủng tộc như của Hitler đối với người Do Thái, của người Hutu đối với người Tutsi. Và lạ thay có cả vụ tàn sát người đồng chủng như Polpot ở Campuchia,... Bao nhiêu người đã chết vì chiến tranh tôn giáo, bao nhiêu người đã chết vì chủng tộc, bao nhiêu người đã chết vì các cuộc cách mạng tư sản lẫn cách mạng vô sản, hay cách mạng văn hóa,... Bao nhiêu người đã khổ đau vì những thứ ấy? Có phải tất cả đều nhân danh hạnh phúc? Và cho đến bây giờ thứ nào đã đem lại hạnh phúc chân thật cho con người mà không gây khổ đau cho kẻ khác? Dù biết rằng đi tìm hạnh phúc, đi mang lại hạnh phúc, và để hưởng thụ hạnh phúc không phải là vấn đề đơn giản, nhưng có phải vì thế mà dẫm đạp lên hạnh phúc của kẻ khác để mang lại hạnh phúc cho chúng ta, và rồi người khác đi tìm hạnh phúc sẽ làm thế nào?

Làm thế nào để có hạnh phúc khi chúng ta và người ta cùng đi tìm hạnh phúc? Chúng ta và người ta cùng là những con người cùng có cùng mục tiêu đi tìm hạnh phúc. Thế thì mặc dù nói là đi tìm hạnh phúc nhưng chúng ta đang gây thảm họa, phá hoại hạnh phúc của nhau.

Vậy thì bao giờ chúng ta có hạnh phúc khắp nơi trên trái đất này? Chúng ta có thể thấy những từ ngữ như "Tịnh độ nhân gian", "Thiên đàng tại thế", "Thiên đường cộng sản", những mong ước mà trong tôn giáo cũng như những nhà làm chính trị đã đề cập bao giờ chúng ta có được? Thật sự nếu tại nhân gian, tại thế gian, tại trái đất này, nếu chúng ta muốn mang lại hạnh phúc cho chúng ta, nhưng chà đạp hạnh phúc kẻ khác, gây đau khổ cho kẻ khác thì chúng ta sẽ có một chỗ ở Cực lạc, Niết bàn hay Thiên đàng không, hay chúng ta sẽ được hưởng hạnh phúc vạn tuế trên trái đất này không?

Nói bao la thế giới thì chúng ta chẳng biết dựa vào chỗ nào để tìm hạnh phúc, nhưng như bác sĩ Howard C. Cutler, thì ít ra chúng ta cũng có một cơ sở, một điểm khởi đầu để đi tìm hạnh phúc trong thế giới phiền não này, đây là những phương pháp thực tiễn của đức Đạt Lai Lạt Ma đã chỉ ra trong những quyển sách Nghệ Thuật Hạnh Phúc mà cụ thể trong quyển sách này Nghệ Thuật Hạnh Phúc trong Thế Giới Phiền Não.  

Ẩn Tâm Lộ, ngày 30/11/2011

Tuệ Uyển

**

Lưu ý của tác giả

Trong quyển sách này, những cuộc đối thoại rộng rãi với đức Đạt Lai Lạt Ma được thuật lại chi tiết. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã rộng lượng cho phép tôi chọn lựa bất cứ sự biên soạn nào cho quyển sách mà tôi cảm thấy chuyển tải ý tưởng của ngài một cách tác động nhất. Tôi cảm thấy rằng cách bố cục tự thuật thấy trong những trang sách này sẽ dễ đọc nhất và cùng lúc ấy truyền đạt một cảm nhận việc đức Đạt Lai Lạt Ma kết hợp chặt chẽ ý tưởng của ngài trong đời sống hằng ngày của ngài như thế nào. Với sự chấp thuận của ngài, tôi đã xếp đặt quyển sách này thành những chủ đề nội dung, và trong việc làm này, tôi đã phải lựa chọn phối hợp và hòa nhập những dự kiện có thể được rút ra từ những cuộc đối thoại khác nhau. Thông dịch viên của đức Đạt Lai Lạt Ma là tiến sĩ Thupten Jinpa, đã ân cần duyệt lại bản thảo cuối cùng để đoan chắc với tôi là không có những sự sơ xuất làm lệch lạc ý tưởng của đức Đạt Lai Lạt Ma như kết quả của tiến trình nhuận sắc.  

Nhiều trường hợp lịch sử và giai thoại cá nhân đã được trình bày để làm sáng tỏ những ý kiến qua sự thảo luận. Nhằm để duy trì sự bảo mật và bảo vệ sự riêng tư cá nhân, trong mỗi thí dụ (ngoại trừ được chỉ định khác) tôi đã phải thay đổi tên và chuyển dịch chi tiết cũng như những đặc trưng phân biệt để ngăn ngừa sự xác minh những cá nhân đặc thù nào đấy.