Hodji Sadyk sinh năm 1913 tại thành phố Kanibandam. Cha ông là một thợ thủ công. Sau khi tốt nghiệp một trường trung học âm nhạc, ông thử khả năng văn chương của mình và vào năm 1936, bắt đầu nghề phóng viên.
Các tác phẩm đầu tiên của ông xuất hiện vào thập niên 1930. Thông thường ông viết trong các thể loại tiểu phẩm châm biếm hay truyện ngắn hài, nhiều truyện trong số đó đả phá thẳng vào các tàn dư lỗi thời lạc hậu của quá khứ trong đời sống và kiến thức của nhân dân. Hodji Sadyk là cựu chiến binh của thế chiến thứ hai.
"Đối với một người đàn ông thực thụ, bốn mươi nghề thì không đủ”, “Quyền lực nằm ở kiến thức chứ không nằm ở sự giàu có tiền tài”, “Học hỏi thì tốt hơn là giàu sang”, “Một nghề nghiệp không khẩn cầu thức ăn mà nó nuôi dưỡng bạn”. Một lô một lốc những câu tục ngữ hay ho như thế! Cá nhân tôi, trong thời thơ ấu đã học tất cả chúng, vì người cha quá cố của tôi tin tưởng ở mọi câu tục ngữ ấy.
“Học hỏi thì tốt hơn là giàu sang, chắc chắn thế”, ông hay nói, “nhưng nếu con không noi theo nó để trở thành một người có học thức vậy thì hãy chọn một cái nghề. Nếu con muốn là một người thành thực, hãy tinh thông một nghề này hay một nghề khác.
Quyền lực nằm ở kiến thức chứ không phải ở sự giàu có. Do đó, nếu con có thể, hãy thử học vài nghề - trở thành một người làm nhiều nghề nếu con có thể. Người ta nói rằng bốn mươi nghề thì không đủ cho một người đàn ông thực thụ, và một nghề nghiệp không khẩn cầu thức ăn mà nó nuôi dưỡng con”. “Tốt lắm, vậy con sẽ bắt đầu từ đâu?” một ngày nọ tôi hỏi cha tôi.
“Nghề của cha con là sự truyền thừa tốt đẹp nhất mà cha có thể ban cho con”, cha đáp, “do đó đầu tiên cha sẽ dạy con trở thành một người đầu bếp, và chúng ta bắt đầu từ đó”.
Thẳng thắn mà nói, tôi không quá hãnh diện về công việc của cha tôi. Một điều gì đó luôn luôn xảy đến một cách sai lầm.
Trước tiên, bạn không thể làm hài lòng tất cả khẩu vị của mọi người. Nếu bạn bỏ ít muối quá, tất cả những gì mà bạn nhận được sẽ là những lời phàn nàn, và nếu bạn bỏ nhiều quá, bạn cũng nhận được như thế... Tóm lại, những công việc không đếm xuể phải tiến hành trước khi bạn tiến tới bất cứ chỗ nào gần một củ cà rốt hay một củ hành. Đơn giản nấu ăn phải mất quá nhiều thời gian mới trở thành một nghề thích hợp cho một người trẻ tuổi như tôi, hoặc đó là những gì tôi nghĩ trong thời kỳ ấy.
Trong những ngày đó, tôi muốn là một người đi xiếc trên dây hay một nhạc công chơi đàn zurna (một thứ đàn của Tajikistan tương tự đàn mandoline hay đàn bonjo - ND). Tôi nghĩ bọn họ là những người có nghề nghiệp tốt nhất quanh đây - không ưu tư hay lo lắng... không có gì cả ngoại trừ những giờ phút vui đùa. Một lượng khán giả cả ngàn người, những tràng vỗ tay cuồng nhiệt, và lời mời trình diễn ở một nơi nào đó trong mỗi cuộc lễ hội.
Tôi làm việc bên cạnh cha tôi trong vòng ba năm và học được món cơm trộn rau thịt ngon lành đến nỗi không ai ăn mà cảm thấy đủ cả. “Thật là khoái khẩu”, người ta bảo cha tôi, “ông có một người thợ học nghề giỏi giang đấy”. Tôi cũng như cha tôi đều cảm thấy ấm lòng trước lời khen của họ.
“Tốt, con trai ạ”, sau cùng ông bảo tôi, “viên gạch đầu tiên đã được lót nền cho tuổi trưởng thành của con, do đó bây giờ con phải đi bước kế tiếp. Cha sẽ gởi con đến Dekhkonboil, người thợ thủ công, để học cách chế tạo guồng quay tơ, sau đó đến thợ mộc Gadoboi, Naim họa sĩ, Salim thợ đẽo đá, Sangin thợ hớt tóc, Gulmamad người bán thịt... ”
Và cứ như thế, ông tiếp tục cho đến khi ông kê ra chính xác bốn mươi nghề nghiệp.
Trong khi lắng nghe ông, tôi nghĩ rằng nếu tôi học cách chơi đàn zurna, thì đó sẽ là nghề thứ bốn mốt của tôi. “Mày quả là một thằng nhóc tài giỏi Sharaf à!”. Tôi tự nghĩ trong sự ngưỡng mộ. Tuy vậy có một điều khiến tôi bận tâm: Làm sao tôi có thì giờ học hết tất cả những nghề nghiệp ấy? Tôi phải mất ba năm để học thành một phụ bếp. Nếu mỗi nghề tiếp theo sau đó cũng lâu như vậy thì sẽ là 120 năm. Lúc ấy tôi mười tám tuổi, do đó vào lúc tôi đã học xong mọi nghề, tôi sẽ là 138 tuổi. Dĩ nhiên được sống lâu là một ân huệ lớn, nhưng rồi liệu tôi có tìm ra thì giờ để làm việc không nếu tôi cứ luôn đi học việc hết ở người này qua người khác? Liệu cả đời tôi không gồm có gì cả ngoài việc học sao? Và ai có thể nói được là tôi sống lâu hay không?
Sau cùng tôi quyết định theo học hai nghề một năm. Dù sao đi nữa không điều gì ngăn cấm tôi thử nghiệm. “Do bấy giờ mày đã có một chương trình, hãy kiên quyết lên!”. Tôi nghiêm khắc tự bảo mình.
Bạn của cha tôi, Dekhkonbol, người thợ thủ công, vui mừng nhận tôi làm thợ học việc. Ông cũng được gọi là thầy phù thủy vì khả năng làm việc nhanh chóng và khéo léo của ông. Ông cố truyền thụ những phẩm chất này cho tôi cũng tốt như thế, đối xử với tôi như con trai của ông, đặc biệt sau khi cha tôi mất. Vợ Ông, dì Gulsham, luôn gọi tôi là “con trai” và để dành các miếng thơm ngon nhất cho tôi ở bữa ăn tối. Bản thân thầy tôi thì nghĩ tôi là một kẻ truyền nhân có giá trị.
“Nếu con chỉ việc buông bỏ thói quen ngu ngốc của con đi thì một ngày kia con sẽ trở thành một bậc thầy về nghề thủ công”.
Thói quen ngu ngốc của tôi gồm có như sau: Ngay sau khi ông rời khỏi cửa tiệm, tôi sẽ đóng cửa ngay lập tức và chạy tới người đi xiếc trên dây hay có một bài học với Sultan, người chơi đàn zurna, vì tôi đang học chơi đàn zurna trong cùng thời gian ấy. Rủi ro lớn cho tôi là Dekhkonbol, người thợ thủ công, lại căm ghét đàn zurnạ Ông đã nói với tôi vô số lần rằng tốt hơn ông không cho phép tôi đến bất cứ chỗ nào gần với người chơi đàn zurna ấy bằng không ông sẽ lột da tôi. Nhưng những lời cảnh cáo của ông đi vào tai bên này và lọt qua tai bên kia. Tuy nhiên một ngày nọ Ông đi đến cửa tiệm hoàn toàn buồn bã.
“Ngày hôm nay đừng có loanh quanh bất cứ nơi đâu. Ta phải rời khỏi nhà và con phải coi sóc cửa tiệm”.
“Vâng, thưa thầy”.
“Con sẽ không quên đó chứ?”.
“Không, thưa thầy”.
Do đó ông và vợ Ông ra đi, và tôi tự nhủ, “tốt, mình cho là mình sẽ đến Sultan, người chơi đàn zurna, thực tập đôi chút để nâng cao tinh thần, đoạn trở về làm việc. Những cái guồng quay khốn kiếp cứ đợi đấy!”.
Nói là làm, và khi tôi nhấc cây đàn zurna lên chơi, tôi quên hết mọi thứ khác trên đời.
Nguyên cả ba ngày, Sultan, người chơi đàn zurna và tôi đi lang thang từ nhà hàng xóm này qua nhà hàng xóm khác, chơi nhạc ở các đám cưới và các lễ hội gia đình. Vào ngày thứ tư, chúng tôi thấy mình ở một khu vực xa thành phố, do đó chúng tôi đi từ đầu này qua đầu kia của khu vực, nhưng chẳng có dấu hiệu của bất cứ sinh hoạt nào.
“Đợi một phút!”. Sultan, người chơi đàn zurna thình lình kêu lên, “trông như thể có một điều gì đó xảy ra phía bên kia những cánh cổng ở đây vậy. Họ đã mở rộng cổng để mời khách đi vào. Hãy nhìn tất cả những người đứng quanh đây. Mau lên, đồ lười! Chạy nhanh tới đó! Ta sẽ ở ngay phía sau mày!”.
Và tôi vui vẻ chạy tới phía trước, đoạn dừng lại bên một đám đông và bắt đầu chơi đàn mà không để ý rằng những người đang đứng ở đó buồn bã và khóc lóc. Tôi vừa mới xong khúc nhạc đầu tiên thì tôi nhìn lên và trông thấy thầy Dekhkonbol, nhà phù thủy, đang đứng trước mặt tôi. Hung dữ như một con sư tử, ông nghiến răng lại và trong cơn thịnh nộ, tước cây đàn zurna khỏi tay tôi và đập nó vào gốc cây. Đoạn ông bóp tai tôi mạnh đến nỗi chúng như muốn kêu lên. Tôi ngã nhào xuống ngay chỗ tôi đứng. Tôi chỉ nhớ có ai đó nói: “Bọn vô tích sự này thậm chí cũng không thể nói ra được sự khác biệt giữa một đám cưới và một đám tang!”.
Và như thế tôi đã chia tay với Dekhkonbol người thợ thủ công và Sultan người chơi đàn zurna.
Kế đó số phận đã dẫn dắt tôi đến Sangin, người thợ hớt tóc, một ông già không bao giờ hài lòng bất cứ điều gì, luôn nóng nảy, và thường xuyên làu bàu. Một sai lầm nhẹ nhất cũng khiến ông cằn nhằn và than thở trong suốt hai ngày hai đêm.
Sau khi tôi đã làm việc được vài tháng, tôi phải cắt tóc cho một ông già. Tôi vừa mới đặt một tay lên đầu ông thì ông bắt đầu la rống lên như một con lợn bị chọc tiết và rên rỉ:
“Mày đang làm cái gì đó, cắt tóc tao hay lột da tao vậy?”.
Sangin, người thợ tóc, tước con dao cạo khỏi tay tôi, đẩy tôi ra cửa, đá đít tôi và nói: “Cút ra đường, thằng nhóc! Mày chẳng là gì cả ngoài một tên chơi đàn zurna ngu ngốc với một cục đá thay cho gối. Một cái đồ xấu nết như mày sẽ không bao giờ là một người đàn ông thực thụ”.
“Tốt, không bao giờ nói ra được một lời nào tốt hơn thế”, tôi tự nhủ, “nhưng tôi vẫn muốn là một người chơi đàn zurna lang thang hơn làm một người như ông”.
Tôi đến Naim, người họa sĩ. Ông kiên nhẫn lắng nghe hoàn cảnh của tôi nhưng chỉ nói: “Là một họa sĩ, con phải có một tài năng, một trí khôn sắc sảo và nhiều nhẫn nại. Con phải yêu nghề của con hơn bất cứ điều gì khác trên đời”.
“Con bảo đảm là con sẽ yêu nghề, thưa thầy”, tôi đáp, “và ông cha quá cố của con luôn khen ngợi trí khôn sắc sảo của con. Ông bảo con rằng nếu một họa sĩ lỗi lạc như Naim nhận lời dạy hội họa cho con, con sẽ là một họa sĩ tài năng”.
“Trong trường hợp đó thì ta đồng ý”, Naim, nhà họa sĩ nói.
Ban đầu ông rất hài lòng về tôi. Nhưng chỉ hai tháng trôi qua thì tôi bắt đầu hối tiếc cái ngày tôi quyết định làm người nối nghiệp ông. Bởi vì công việc của ông thực sự khó khăn: Một cơ thể phải đi qua bảy lần toát mồ hôi lạnh và cơn đau bất tận vào lúc phải vẽ chỉ một bông hoa đơn giản. Và ông thầy họa sĩ thậm chí còn phàn nàn tệ hơn cả ông thầy hớt tóc. Nếu một cái khung bị trầy hay sơn quá dày theo ý kiến ông, bạn sẽ nghĩ là cuộc phán xét cuối cùng đã đổ ụp vào chúng tôi.
“Nếu bây giờ ông ấy cứ làm phiền mình như vậy thì trong vài năm tới sẽ như cái gì đây?”, tôi nghĩ, “vào lúc này ông chỉ để cho mình pha màu, nhưng khi mình vẽ cho chính mình, chắc chắn đôi tai mình sẽ lại bị đóng đinh. Không, tốt hơn mình sẽ rút khỏi chỗ này trước khi quá muộn!”.
“Tha lỗi cho con, thưa thầy đáng kính. Con đã lầm. Con sẽ không bao giờ trở thành họa sĩ”, một ngày đẹp trời tôi nói với ông, “xin vui lòng cho phép con rời khỏi nhiệm vụ”.
Những lời lẽ chua cay của ông khiến tôi bực mình. “Ông hãy đợi đấy”, tôi tự nhủ, tôi sẽ làm được một việc tốt đẹp và cho ông đủ lý do để mà kinh ngạc”.
Sau đó tôi chạy tới yêu cầu Salim, thợ đẽo đá, nhận tôi làm thợ học nghề. Nhưng may mắn lại không đến với tôi, vì Salim thợ đẽo đá, đã chết vài ngày trước khi tôi đến. Ông là một thợ cắt đá giỏi, nổi tiếng khắp vùng. Vận hên của tôi xảy ra không tốt cho lắm... Lúc đó tôi chợt nhớ đến cây đàn zurna và bỗng mấy ngón tay tôi thèm được chơi đàn lại, vì trở thành nhạc công là giấc mơ thời trai trẻ của tôi.
“Tốt, cơn gió độc hại nào đã đưa mày tới đây?” - Sultan, người chơi đàn zurna hỏi, tiếp tôi một cách lạnh lùng, “mày vẫn còn vô tích sự chớ hả?”. Ông hỏi và nói thêm rằng ông đã tìm được một công việc ở nhà hát múa rối, bởi vì ông không còn muốn đi lang thang vất vưởng như một kẻ ăn xin nữa.
“Nhưng tao có thể thấy rằng mày vẫn còn đeo đuổi cung cách cũ”, ông nói, “mày vẫn còn khởi sự việc này trong khi bám vào việc khác và cố gắng khéo léo hơn mày trước kia. Bộ mày không thấy là sự khôn ngoan của bảy nghề thì rẻ hơn là kinh nghiệm của một nghề, đặc biệt nếu là bậc thầy của nghề mình hay sao? Nhưng không quá muộn cho mày đâu. Hãy đến nông trang tập thể và mày có thể dễ dàng kiếm được một công việc như là một thợ trét vữa hay thợ làm vườn đấy”.
Hãy nghĩ về điều đó! Ông đề nghị rằng tôi, một người với một trình độ làm việc của năm hay sáu nghề khác nhau, đi đến nông trang tập thể và kiếm công việc của một thợ trét vữa hay thợ làm vườn. “Kể cho tôi một chuyện buồn cười, tôi tự nhủ, “một người giỏi giang như ông, người chơi đàn zurna già nua kia! Ông hãy đợi đấy! Và một ngày kia tôi sẽ là một nghệ nhân bậc thầy mà những người như vậy trong đời ông chưa bao giờ được gặp! Một ngày kia ông sẽ nghe nói về tôi”.
Tôi đã biết rằng tôi phải nên làm gì. Ngày hôm qua tôi ăn mừng lễ kỷ niệm lần thứ hai mươi lăm của tôi như là một đầu bếp. Hai mươi lăm năm qua, tôi quay lại nhà bếp và không rời khỏi nơi ấy từ đó đến naỵ Do đó ngày hôm qua người ta có một cuộc liên hoan lớn và tôi được trao một giải thưởng cho một phần tư thế kỷ đã phục vụ tuyệt hảo. Thậm chí tôi còn nhận một huân chương! Tôi - Sharaf Sharapov - tưởng tượng thử coi!
Nếu bây giờ mà có Sultan, người chơi đàn zurna, Naim, họa sĩ và Sangin, thợ hớt tóc có thể nhìn thấy được tôi! Và cha tôi và Dekhkonbol, thợ thủ công chắc chắn sẽ hãnh diện về tôi! Có lẽ họ sẽ gọi tôi là Sharaf, thầy phù thủy như mọi người đều gọi.
Mới đây, tôi gởi con trai tôi đến Moscow để theo học tại đại học kỹ thuật nấu ăn và đây là những gì tôi bảo nó: “Học hành chăm chỉ vào, con trai ạ, và hãy học tất cả những nghề mà con có thể học được. Người ta nói rằng hãy là một người có học thức hơn là một người giàu có. Và hãy nhớ rằng, đối với một người đàn ông thực thụ, bốn mươi nghề không phải là đã đủ!”