Thầy Dân dạy Lý Hóa. Các con của thầy người nào cũng tên Cợ Con trai Cơ mà con gái cũng Cơ, chỉ khác nhau ở chữ lót, và đó là tên ở nhà họ gọi nhau. Chắc thầy đã có dụng ý khi đặt chữ lót cho con nên tên con trai rất là con trai, con gái rất là con gái. Con nhỏ Băng - Cơ là bạn của Quỳnh. Tên nó trùng với tên một bà hoàng hậu trong truyện cổ tích xa xưa xứ Đan Mạch hay Hòa Lan gì đó, mà hồi nhỏ Quỳnh rất mê đọc. Nên Quỳnh cứ đùa gọi nó là Hoàng Hậu Băng Cợ Rồi bạn bè ở trường bắt chước cũng gọi theo như thế.
Bà hoàng hậu này thích ăn quà vặt. Quỳnh cũng vậy, lại ở chung xóm, nên hai đứa thân nhau là phải rồi. Quỳnh hay rủ bà hoàng hậu đi ăn, mới đầu đi bằng chiếc xe đạp mini của Quỳnh, để bà đạp, còn Quỳnh ngồi phía sau ôm eo ếch bà. Chỉ có bà mới leo lên nổi cái dốc cầu Trương Minh Giảng, nghĩ cũng lạ, dù Quỳnh có da có thịt hơn, bây giờ nhớ lại Quỳnh thấy thương bà quá. Sau này bà có cái xe PC, đi ăn xa hơn, Quỳnh cũng lại ngồi phía sau. Hai đứa đi ăn từ những ngày ở Lê Bảo Tịnh, qua Gia Long, rồi lên Văn Khoa, nên đường phố Sàigòn chỗ nào có hàng quán ngon là tụi Quỳnh rành lắm. Buồn cười nhất là năm đệ tứ ở Lê Bảo Tịnh. Thứ tư có lệ mở cổng trường cho các em đệ nhất cấp về sớm, chúng được nghỉ hai giờ sau, nhân dịp đó cả bọn bốn năm đứa chạy qua ăn phở gà Nam Xuyên bên kia đường, trên đường Trương Tấn Bửu này còn có phở gà Lý Quảng. Vừa thổi vừa ăn, ăn mấy miếng gà trước, rồi bánh phở, rồi có thì giờ mới húp nước lèo, bữa nào chạy về trường cũng vừa lúc bác cai kéo gần hết cái cổng sắt. Ông vừa kéo cả bọn vừa lách mình chạy lẹ vào, cảm tưởng là sẽ có ngày bị nhốt ở ngoài, nhưng không bao giờ chuyện đó xảy ra. Ông này gầy gầy người Quảng rất hiền, bọn Quỳnh hay trọ trẹ nhái giọng ông mà ông chỉ cười. Chỉ có sợ cha Hiến với cha Thuấn thôi, gặp mấy cha là xui bữa đó, có nước bị phạt đứng ngoài hành lang cho mấy anh ở khu bên kia ngắm! Chạy lên dãy lầu con gái, mệt quá, đứa nào cũng thở hổn hển, không ra hơi. Trúng giờ thầy Chi dạy Việt văn lại cũng hiền khô, thấy cả bàn đầu trống thầy mặc kệ, cứ việc giảng bài, rồi khi cả bọn chạy vô có làm gián đoạn việc dạy, thầy cũng mặc kệ.
Năm 1969, Gia Long bắt đầu mở lớp đêm, tuyển học sinh xuất sắc từ các trường tư vào. Quỳnh xin vào Gia Long, rủ bà hoàng hậu đi theo, dù bên Lê Bảo Tịnh, bố là giáo sư của trường, bà không phải đóng học phí. Bà hoàng hậu không thích đổi trường, học lớp đêm với hoa mai xanh trên áo để phân biệt với hoa mai đỏ của dân ban ngày bà có chút ít mặc cảm, bà nói không muốn làm một loại con ghẻ, con nuôi. Nhưng ở lại Lê Bảo Tịnh mà không có Quỳnh thì buồn, nên đắn đo vài hôm rồi bà cũng làm đơn xin vào. Cả hai đều được nhận vào lớp đệ tam Gia Long năm đó.
Học được hai tuần thì có một cô bé lớp đệ lục ban ngày viết thư làm quen với Quỳnh. Thuở đó hay có cái trò chơi này, học trò lớp sáng lớp chiều làm quen với nhau. Quỳnh học lớp tối quen cô bé lớp chiều, nó xin được chị em kết nghĩa vườn đào với Quỳnh. Thư làm quen nhét trong hộc bàn. Vậy là một chị lớp sáng nào đó nếu thích cứ việc coi thư của hai chị em Quỳnh. Chị có thể biết bọn Quỳnh mà bọn Quỳnh không biết chị. Con bé em tinh thần này có cái tên rất dễ thương, Thanh Thanh, làm Quỳnh nghĩ đến cái tên Thương Thương, người thơ của thi sĩ Hàn Mặc Tử; dạo đó bọn Quỳnh đứa nào cũng thuộc câu thơ ướt át của ông: "Người đi... một nửa hồn tôi mất, một nửa hồn tôi bỗng dại khờ." Một nửa hồn đã mất, một nửa hồn còn lại cũng không tỉnh táo, thế có kinh khủng không, vì... một người nào đó đã đi!
Con bé từ Đồng Khánh, Huế, đổi vào cuối năm đệ thất. Mấy tháng ở Sàigòn rồi mà nó vẫn than buồn, vẫn chưa có bạn bè, nên nó viết thư cho Quỳnh mỗi ngày, kể đủ thứ chuyện, lại còn quà cáp cho chị, nào ô mai, xí muội, me ngào đường... Quỳnh chạy qua chùa Xá Lợi lén hái hoa ngọc lan đem ép vào thư tặng nó. Khi Thanh Thanh nhận thư vào chiều hôm sau, hoa đã héo nhưng vẫn còn mùi thơm nhè nhẹ. Trò chơi khá vui, tuy có làm bà hoàng hậu "ghen tương" chút đỉnh. Một hôm chắc là hết đề tài, hai đứa khoe với nhau về tóc dài, tóc ngắn, ai để dài hơn ai. Nó còn gởi cho Quỳnh một sợi tóc và hỏi "tóc em dài bằng tóc chị Quỳnh không?". Lúc mở thư có lẽ vì vội để gió thổi bay mất nên Quỳnh không thấy sợi tóc đâu... Quỳnh cười hỏi bà hoàng hậu đang ngồi bên cạnh... bà có thấy sợi tóc không? Bà bĩu môi quay lưng nói... trò chơi lẩm cẩm, rồi bà dỗi hờn ra đứng dưới gốc cây phượng ngoài sân trường. Đứng không lâu bà trở vào làm lành, vì đêm tối, đứng một mình bà sợ ma! Cho tới ngày rời Gia Long , Quỳnh chưa bao giờ gặp đứa em tinh thần đó.
Những ngày tháng ở Gia Long thật vui. Tuy Quỳnh không ở trong ban báo chí, nhưng cũng đóng góp bằng những lần đi bán báo xuân. Cứ trường này qua trường kia bán báo. Qua mấy trường con trai cần mấy tên dạn dĩ, nên Quỳnh cứ bị đẩy đi. Mấy anh rộng rãi lắm, thích chọc mấy chị cho đã rồi thế nào cũng mua, làm bộ khó dễ một chút để không tưởng là mình bị dụ. Lần nào hai đứa cũng bị hỏi tên và bắt ký vào giai phẩm. Về lại Lê Bảo Tịnh bán báo, vào lớp xưa bị tụi bạn cũ "chửi rủa" quá, nói tụi Quỳnh chạy theo chút danh. Chẳng biết có phải vậy không. Nhưng quả là thích Gia Long với những hàng bò bía, bánh lọt ở đường bà Huyện Thanh Quan (dân ăn vặt mà. Mấy ông con trai có bồ Gia Long đãi bồ ăn mấy món này rẻ quá và rồi những ngày gặm bánh mì sẽ ngắn đi) , những con đường tình tứ thơ mộng quanh trường. Bây giờ Quỳnh còn hình dung ra được hàng cây nhãn rừng bên kia đường, mặt trước cổng trường, chỗ các ông đợi người yêu Gia Long.
Thành có một dạo đứng trong đám đó đợi Quỳnh, không phải đưa đón mà chỉ chờ nhìn Quỳnh từ xe trường bước xuống, đi vào cổng trường. Cùng dân Lê Bảo Tịnh với nhau, ngày biết Quỳnh đổi qua Gia Long, anh chàng buồn lắm. Không ai tin là Thành đã để ý Quỳnh từ năm Quỳnh học đệ tứ và còn học bên khu dành cho con gái. Tưởng sẽ có dịp làm quen khi Quỳnh qua dãy con trai, ai dè chỉ học được vài tuần thì Quỳnh chuyển trường . Năm đó Thành đang học lớp 12, vài tháng sau không thấy bóng dáng Thành thấp thoáng trước cổng trường nữa, nghe bạn bè cho biết Thành đã đi lính. Thuở đó cứ thỉnh thoảng là Quỳnh lại nghe người này đi lính, người kia chết trận. Những lúc sau, Quỳnh không nghe về Thành nên đôi lúc có bâng khuâng nghĩ về Thành, mà trái tim không có chút nào rung động. Giá mà nghe Thành chết trận, không biết Quỳnh có bùi ngùi nghĩ tội cho Thành không, như hôm đến nhà nhỏ Tú thấy hình anh nó trên bàn thờ mới hay anh Thái nó chết ở Pleiku đã mấy tháng. Quỳnh hay vô tình đến như thế!
Hai năm sau bà Hoàng Hậu và Quỳnh cùng đậu Tú Tài 1. Thi ở trung tâm Hồ Ngọc Cẩn mà phải vào tận Pétrus Ký coi bảng. Bà Hoàng Hậu cẩn thận đem theo cây thước để dò tên. Bà giải thích:
-Nhỡ cũng có một tên Băng-Cơ nào thì sao? Tao cứ để cây thước dài nhìn thẳng một đường ngày sinh tháng đẻ, nơi sinh, tên bố tên mẹ cho chắc ăn.
Mấy ông con trai lấn dữ quá, không cho tụi Quỳnh chui vào, mãi một lúc sau mới có một tên nhường chọ Sau khi nghe Quỳnh than phiền là con trai Pétrus Ký chẳng ga-lăng chút nào, anh chàng vội giải thích là không phải dân Pétrus Ký đâu, học trò mấy trường khác đến xem bảng cũng giống như bọn chị vậy đó.
Nói chuyện một hồi mới hay, thì ra hắn là dân Pétrus Ký nên bênh dữ! Anh chàng còn nhắc nhở Pétrus Ký với Gia Long lúc nào cũng là đồng minh với nhau mà. Sau năm 75, cả hai trường đều chung số phận bị đổi tên, Pétrus Ký thành Lê Hồng Phong, Gia Long thành Nguyễn thị Minh Khai. Chu văn An cũng bị đổi tên, chỉ có Trưng Vương là may mắn nhưng bây giờ đâu còn là trường con gái nữa, mấy em đực rựa đã vào học chung rồi.
Tết năm đó, ông anh Huy Cơ của bà đưa 2 người bạn Hải Quân về chơi. Trong hai tên Quỳnh chấm anh chàng Phong vì khoa ăn nói và vẻ đẹp trai. Tên kia ít nói hơn, cũng cao ráo không xí trai gì. Mấy ông mặc bộ đồ lính thủy màu tím bạc, màu áo thấp thoáng trong cư xá những chiều mấy ông đến chơi trông thật haỵ Buồn cười là cả hai ông lính thủy này đều thích bà hoàng hậu . Dù chỉ nói để thích, bà vẫn phân vân chưa biết chọn ai. Quỳnh quân sư quạt mo chọn giùm. Chuyện lâu dài thì phải tên Kha vì hắn hiền, có vẻ tin cậy được (?). Không phải Quỳnh cố vấn như vậy để rồi xí phần anh chàng Phong cho mình, vì Quỳnh chủ trương phải lên năm thứ ba đại học mới bắt đầu có bồ. Vả lại cũng chưa có ai làm Quỳnh rung động hết.
Bà Hoàng Hậu bị tấn công mạnh quá, có lẽ thời gian ở trên tàu khá lâu nên mấy ông tranh thủ những lúc được lên bờ chăng? Quỳnh kêu mi làm sao thì làm, hai chiếc tàu sẽ đụng nhau ngoài khơi cho coi. Băng Cơ đạo dòng. Có chú có bác làm Chạ Khi có việc gì không giải quyết được, bà Hoàng Hậu hay nhờ đến Chúa. Một buổi chiều Quỳnh còn đang tơ lơ mơ với giấc ngủ muộn thì bị bà đánh thức. Bà nói bà mới vừa ở Dòng Chúa Cứu Thế về. Nhìn mặt bà, Quỳnh đoán ngay hình như có việc gì quan trọng mới vừa xảy ra. Bà cho biết bà vừa viết tên 2 chàng vào 2 mảnh giấy nhỏ bỏ vào Thánh Kinh, đọc kinh, nhắm mắt chọn một. Chúa đã chọn Kha... Thấy mặt bà nghiêm trang, Quỳnh không dám cười, chỉ gật đầu nói... chuyện quan trọng như vậy nhờ đến Chúa phải rồi. Chơi thân với bà lâu, Quỳnh biết bà ngoan đạo lắm, sáng nào cũng dậy sớm đi lễ, rồi làm gì thì làm.
Vậy đó... mà họ lấy nhau cuối mùa hè năm đó.
Nắng bờ sông như màu trang vở cũ
Thuở học trò em làm khổ ai chưa?
(Thơ Nguyễn tất Nhiên)
Có ai âm thầm đơn phương đau khổ vì bà ngoài ông lính thủy tên Phong? (Nếu quả thật Phong có buồn khổ, thì nỗi buồn khổ đó rất ngắn ngủi, vì trong ngày cưới của Băng Cơ, chính mắt Quỳnh đã thấy Phong chạy theo tán một cô phù dâu dai như... đỉa bám!) Câu trả lời là chưa. Bà chưa làm khổ ai thì đã lên xe hoa mất rồi!
Lễ cưới làm ở nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, chỉ hai tuần sau khi cả đám đi nghe đọc tên kết quả kỳ thi Tú Tài 2, ở trước cổng trường Gia Long; phải đọc tên vì danh sách thí sinh đậu đem dán ở trên tường cứ bị xé mất. Trời đã mưa mấy ngày trước đó, cái sân trước cổng còn lầy lội những vũng nước bùn. Bà Hoàng Hậu chạy qua nhà Quỳnh kêu có đi nghe đọc kết quả thì bà chở đi. Hai đứa đèo nhau trên chiếc xe đạp mini của Quỳnh. Bà kêu bộ Quỳnh biết chắc đậu nên ăn no ngủ kỹ hay sao mà bây giờ Quỳnh nặng ký rồi. Sau đó bà than hai người cãi nhau hôm (bà) thi Vạn Vật, dân ban A mà gãy môn này thì có nước chết, nhưng bà cho biết thêm đậu hay rớt gì cũng làm đám cưới vì ông Kha thúc quá.
Thật là một điều vui: đám bạn bè không tên nào đổ lệ! Thành ra ai cũng đem cái bộ mặt vui vẻ đi dự đám cưới. Có mấy ông Hải Quân làm phụ rể. Họ mặc đồ đại lễ trắng trông họ vừa đẹp vừa oai. Sáu ông phù rể thì phải sáu cô phù dâu. Bạn bè độc thân còn đông đủ cả. Lấy chồng trước bạn bè là có lợi ở chỗ đó. Lẹt đẹt đi sau, bạn bè đi lấy chồng hết rồi, tay bồng tay bế, con đàn con đống nheo nhóc phát sợ, còn đâu mà nhờ. Quỳnh làm phù dâu như đã hứa vì thân lắm đó, chứ má Quỳnh cấm, nói... làm phù dâu hoài... mất duyên đi!) Làm phù dâu được mặc áo đẹp, Quỳnh cũng thích. Cô dâu là cực nhất, vì cô dâu này thuộc loại thích bày vẽ hoa lá cành nữa nên mới mệt. Trước đó nội cái việc dẫn sáu cô phù dâu đi may áo, thử áo, thử giày, mũ, găng tay cũng đủ mệt. Đám cưới của người ta mà mụ nào cũng khó tính, cứ thử tới thử lui, thi cử lại gần kề, giờ giấc không giống nhau, chụp được cô này thì tuột cô kia, trời mùa hè nóng như điên, ve sầu đã bắt đầu kêu rân rân trên mấy cây phượng hoa nở đỏ.
Chú rể quê ở Bình Dương nên rước dâu về Bình Dương. Bà mẹ có vườn cây ăn trái, đầy những bưởi, ổi, dâu, chôm chôm, măng cụt... Mấy cô phù dâu bây giờ mới biết, thích quá, hô là trong nhà nóng nực nên túa ra vườn. Những cây chôm chôm oằn vô số trái mọng chín, nhìn hoa cả mắt -chôm chôm là món ruột của Quỳnh. Cả bọn còn đang đứng ngó ngó thì chị Liên, chị của chú rể, vừa ra đến. Chị bảo:
-Các em cứ tự nhiên ăn cho đã nghen. Có muốn khiêng mang về cũng được luôn.
Chị Liên dạy học ở Lái Thiêu, gần nhà. Chị phụ ba mẹ chị săn sóc vườn cây. Năm đó chị cũng hơn 30 tuổi, chưa có chồng; tụi Quỳnh cứ thắc mắc sao không ai cưới chị. Sau này mới nghe kể lại là mười mấy năm trước chị với người yêu làm lễ hỏi xong thì vị hôn phu của chị chết trận, từ đó chị Ở vậy. Chị vui vẻ, và nét mặt tươi chứ không có vẻ gì sầu muộn vì người yêu chết rồi chị hận đời như lời bà hoàng hậu kể.
Chị vừa nói xong là cả bọn mừng húm. Trời ơi, mấy thuở mà gặp được cây nhà lá vườn như thế này! Con nhỏ Linh Chi tham ăn còn sợ mấy ông phù rể ra theo thấy được rồi dành ăn hết trái cây! Quả là mấy ông có theo ra thật, nhưng không phải ra ăn hết phần của mình như Linh Chi nghĩ. Một ông phụ Linh Chi hái một trái ổi da xanh láng bóng, to gần bằng cái bát, cắn ăn giòn tan. Ông níu cành cho Linh Chi hái, trông anh chị thật dễ thương.
Ý Nhi than thở:
-Chẳng ai nói với tao là ông Kha ở Bình Dương! Ăn chưa sướng miệng thì đã phải đi rồi!
Mùa hè năm đó một số bạn được đi du học. Linh Chi đi Tây Đức, Hoài đi Mỹ, và Ý Nhi đi Thụy-Sĩ.
Quỳnh nói với nó:
-Tao thân với bà Hoàng Hậu như vậy mà còn chưa biết ổng có vườn cây ăn trái, huống chi mày. Mấy lần được cho ăn cứ tưởng là họ mua ở chợ. Thôi... tụi bay cứ đi đi... để rồi mang về những cái hay cái đẹp ở nước ngoài để giúp quê nhà. Để tao với bà Hoàng Hậu ở nhà ăn giùm cho.
Linh Chi hồn nhiên đề nghị:
-Hay mi dặn bà Hoàng Hậu cứ mùa trái cây đóng thùng gửi sang tụi tao một mớ. Chớ không thèm chết! Bôm nho làm sao bằng chôm chôm, dâu da, mãng cầu, măng cụt... Rồi me chua, cóc, ổi, xoài dầm nước cam thảo... nói tới làm thèm quá đi. Hay là... tao không đi nữa.
Con nhỏ bị mắng liền:
-Con khỉ! Nói vậy mà nghe được. Đi du học bốn, năm năm rồi về, chứ đâu phải đi luôn, công thành danh toại về lại quê nhà, chừng đó tha hồ mà ăn. Hay mi tính lấy một anh Tây Đức rồi ở luôn bên đó?
Quỳnh không nghĩ tới chuyện du học vì má Quỳnh không muốn con gái đi học xạ Ước mơ được học ở một ngôi trường rong rêu cổ kính có khu nhà nội trú tường gạch đỏ gụ, có con sông nhỏ thơ mộng lặng lờ chảy qua campus, hai bên hồ là hai hàng lệ liễu buông mình ẻo lã in bóng xuống mặt nước, có đàn vịt bơi lội thảnh thơi... chỉ là ước mơ của những lúc ngồi tán gẫu với bạn bè cho vui vậy thôi. Với lại, Quỳnh thích ăn quà vặt. Học ở nước ngoài chắc là không có phở, bò viên, bánh cuốn Thanh Trì, bún chả, bún bò, bún ốc... mà ăn. Lại không có những tiệm sách báo bằng tiếng Việt để những chiều cuối tuần... đi một vòng Thương Xá Tam Đa, ăn một bụng no nê ở chợ Bến Thành, thì ghé vào đứng coi cọp, rồi mua một hai cuốn mới ra của các tác giả mà Quỳnh ái mộ như Võ Hồng, Võ Phiến, Doãn Quốc Sĩ, và sau đó đạp xe đạp về giữa hai hàng me ngập lá trên đường Lê Thánh Tôn, Trần Qúy Cáp, Trương Minh Giảng, đủ thơ mộng để thả hồn đi hoang.
Cái va-li áo quần của cô dâu nhẹ tênh, Quỳnh phải làm bộ xách cho có lệ, vì sau đám cưới cô dâu về ở với ba má ruột trong lúc chú rể còn lênh đênh trên sóng nước. Nên tuy mang tiếng lấy chồng mà đời sống của bà Hoàng Hậu không thay đổi mấy, hai đứa Quỳnh vẫn ở chung khu phố, vẫn gặp nhau thường xuyên, Quỳnh vẫn còn rủ bả đi ăn vặt, dĩ nhiên. Kha dễ dãi, có biết cũng không phiền hà gì.
Rồi hết hè, cũng chẳng biết học gì, hai đứa bèn rủ nhau vào Văn Khoa. Dân ban A mà nhảy đại vào học văn chương kể ra cũng liều. Rồi cũng học được, thấy đời sống đại học rất vui, sau một năm học với thầy Thụ thuộc nhiều ca dao, tục ngữ, giờ thầy Sâm nghe thầy đọc Ngọc Hân Công Chúa làm thơ khóc chồng mà ứa nước mắt. Nghe một bài thơ buồn thì Quỳnh buồn thế thôi, chứ Quỳnh đâu hiểu được tâm trạng của người vợ lính khi bị mất chồng vào thời buổi chiến tranh, cũng như nỗi lo của Băng-Cơ lúc bấy giờ.
-Hoàng đế Quang-Trung băng hà lúc bà Hoàng Hậu Ngọc Hân còn quá trẻ, mi biết không?
Quỳnh còn nhớ Băng-Cơ đã hỏi nhỏ Quỳnh như vậy.
Tháng ngày trôi qua... rồi bà Hoàng Hậu có bầu... ì ạch vác cái bụng bầu đi học. Thói quen của hai đứa vẫn như xưa, kể cả mục đi ciné và ăn quà vặt (ăn hàng dữ quá nên những ngày mới qua Mỹ, Quỳnh mới khổ vì không có quà bánh mà ăn!). Bả gần ngày đập bầu rồi mà Quỳnh còn rủ bả đi coi phim quỉ ám Exorcist lúc đó đang chiếu ở rạp REX. Quỳnh chuẩn bị xăn tay áo chen lấn mà người ở đâu đông quá, họ xô đẩy giành giựt nhau thấy phát khiếp, hai đứa lại mê coi không chịu về nên đành phải mua vé chợ đen thôi. Lâu lắm mới có một phim quỉ hay như thế! Sợ thì có sợ, cứ ôm mặt rú trong rạp, nhưng khi Quỳnh hỏi thử thôi về đi thì bà lại không chịu về.
Hai ngày sau bà sinh một bé gái kháu khỉnh dễ thương, cái miệng nhỏ nhắn xinh xinh, mắt đen to, mũi cao thon dọc dừa, Quỳnh đùa con bé sau lớn lên cho đi làm người mẫu được. Cô bé được đặt tên Huyền-Cơ (lại Cơ!). Quỳnh cứ nói bà đẻ thêm vài đứa con gái nữa để Quỳnh đặt là Thục-Cơ, Hạ-Cơ... Ông Kha về không kịp. Cũng may cho Quỳnh: ổng mà biết được Quỳnh đã rủ ren vợ con ổng như vậy, chắc ổng cấm không cho Quỳnh chơi với bà Hoàng Hậu nữa.
Từ tháng tư năm đó... đã mười mấy năm rồi... Quỳnh mất liên lạc với người bạn cũ. Cách đây mấy tháng vợ chồng Quỳnh đến nhà chú Huân chơi, tình cờ qua câu chuyện được biết một gia đình chồng là Vũ Nguyên Kha, vợ là Nguyễn thị Băng-Cơ được đi Mỹ theo diện HO -chú thím Huân bảo trợ đâu cũng mấy chục gia đình đến vùng này, làm giấy tờ qua cơ quan thiện nguyện USCC. Lại có con gái cũng tên là Huyền-Cơ nữa. Nên không lầm đâu được. Nhận ra bạn cũ, Quỳnh vội vã chuẩn bị mọi thứ chu đáo để đón gia đình bạn.
Tiểu bang này trời cứ hay mưa, mưa tầm tã ngày này qua ngày khác chỉ trừ những tháng mùa hè làm Quỳnh nhớ đến những ngày nắng của Sàigòn xưa và nhớ đến bà Hoàng Hậu của Quỳnh thật nhiều.
Mai này gặp lại bạn cũ Quỳnh sẽ vui biết mấy, và có biết bao nhiêu chuyện để hỏi. Thời gian qua nhanh chóng quá. Mới ngày nào đây... còn khờ dại rủ nhau đi coi phim quỉ... bây giờ tên nào cũng sắp sửa làm bà nội bà ngoại cả rồi. Hôm viết thư cho Băng-Cơ, ông xã của Quỳnh cứ cười mãi vì Quỳnh vẫn còn xưng mi tao với Băng-Cơ, mới biết là cặp bạn này thân nhau đến cỡ nào. Thật cũng không ngờ có ngày gặp lại.