Tập 1

Quân bồi hồi nhìn qua vuông cửa nhỏ. Anh ngồi trên máy bay đang ở vào độ cao. Qua vuông cửa nhỏ, từng đám mây trắng bay bềnh bồng.

Mình đang trên đường trở về. Ba năm rời quê hương cũng đầy nỗi nhớ. Mẹ ơi, đứa con lãng tử của mẹ sắp về với mẹ, con sẽ không đi nữa. Cuối cùng thì con đã hiểu, khi không có tình yêu, hôn nhân sẽ không có hạnh phúc, sự đòi hỏi thủy chung là điều vô lý. Mẹ hiểu không, cũng có một lúc, con chua xót lấy mình, con là một đứa con mà cha và mẹ nó đều không mong đợi.

Nhắm mắt lại, Quân hình dung ra hình ảnh cuối cùng ...

Hai đứa trẻ đang nô đùa chợt đứng lại vì Quân đang giận dữ, anh hét vào mặt cha mình:

– Như thế này là sao hả ba?

– Ba và mẹ con đã ly hôn. Con lớn rồi con sẽ hiểu, khi hôn nhân không có tình yêu hai người sống với nhau, thì sẽ tự làm khổ cho nhau mà thôi.

– Nói dối, ngụy biện.

Quân quắc mắt nhìn hai đứa trẻ, một đứa cũng khoảng lên mười và đứa bé gái xấp xỉ anh trai của nó. Có nghĩa là ba anh vụng trộm và có những đứa con rơi bên ngoài từ mười năm nay. Ba anh ở Hà Nội và mẹ của anh ở Sài Gòn, mẹ anh có gia đình riêng, chỉ có anh là người thừa.

Bắt gặp cái nhìn dữ tợn của Quân, hai đứa trẻ ào về phía mẹ nó. Ôm chặt mẹ, sợ hãi nhìn Quân. Ánh mắt Quân dịu lại bởi những cái nhìn sợ hãi và ngây thơ.

Chúng vô tội.

Quân đau đớn lùi ra cửa:

– Mẹ vừa tái hôn, ba thì đã có một mái ấm từ hơn mười năm nay, rất lâu rồi chỉ có con trơ trọi. Tại sao lại sinh tôi ra đời chi vậy?

– Con đừng dằn vặt như vậy Quân!

– Ông bảo tôi đừng dằn vặt khi mà tôi thấy tôi chỉ là một người thừa.

– Mái ấm này sẽ là của con nếu như con ở lại.

– Tôi ở lại đây ư? Ông không sợ tôi phá mất mái ấm của ông sao?

– Ba tin là con không nỡ làm như vậy.

– Nếu ở lại đây, tôi sẽ làm điều đó. Tôi đi đây.

– Con đi đâu?

– Đi đâu, tôi cũng không biết mình đi đâu. Ông có cho tôi tiền không?

– Có, con muốn bao nhiêu?

– Hai chục triệu.

– Ba sẽ cho con.

Hai chục triệu dễ dàng có cho Quân. Anh trở lại Sài Gòn, uống đến hai mươi lon bia mới đi đến nhà Trúc Quỳnh.

Cộc ... cộc ...

Trúc Quỳnh mở cửa, cô nhăn mặt vì người Quân nồng mùi rượu.

– Anh uống rượu nhiều lắm hả, từ Hà Nội về hồi nào?

– Hồi bốn giờ. Anh biết là em đi làm chưa về, nên anh đi uống rượu. Quân kéo mạnh Trúc Quỳnh vào mình, anh hôn cô. Trúc Quỳnh đẩy anh ra:

– Anh vào nhà đi đã, anh Trí Hoàn. Quân gắt:

– Đừng có gọi anh là Trí Hoàn, hãy gọi anh là Quân.

– Ừ, anh vào nhà chờ em đi lấy nước pha chanh cho anh uống.

– Em nói anh say hả? Còn lâu.

– Say mà không chịu nhận là say, anh thật là ...

– Anh có nhiều tiền lắm, ông ta vừa cho anh đó, anh cho em phân nửa.

Quân lấy tiền trong túi rứt ra phân nửa đưa cho Trúc Quỳnh:

– Tiền trời ơi của người phụ nữ phá gia cang mẹ anh, em cứ xài cho bằng hết đi. Có cho mẹ anh, bà cũng không thèm đâu. Mà cần gì, bà có mái ấm khác, mới tổ chức cưới và nhận con người khác làm con mình. Quân dúi tiền vào tay Trúc Quỳnh, còn bao nhiêu anh cất vào túi áo mình. Trúc Quỳnh còn đang loay hoay cất mớ tiền, Quân đã kéo cô ngã ập vào người anh. Anh hôn cô mạnh mẽ, bờ môi tham lam như muốn nghiền nát người con gái trong vòng tay mình ...

Máy bay bay thấp xuống, đưa Quân trở về thực tại. Bây giờ qua ô cửa nhỏ, Quân có thể nhìn được sông Sài Gòn thật dài những khu nhà sung túc. Quân biết mình đã trở về ...

Cô tiếp viên thông báo thắt dây an toàn, phi cơ bắt đầu hạ xuống đường băng chạy dài, chạy dài, tiếng động cơ lao xao. Sài Gòn đang trải dài trước mắt Quân.

Sài Gòn ơi ta đã trở về ...

Phủ mùng “tuyn” lên nơi con trai nằm xong, Khải Khải quay sang Trúc Quỳnh âu yếm:

– Em sinh còn non ngày non tháng, không thể ra ngoài được. Nếu không, anh cho em và con cùng ra phi trường đón Quân. Thằng Quân này ...

Trúc Quỳnh mỉm cười đưa ngón tay lên môi Khải, cô nhại giọng của Khảỉ Khải:

– Bỏ nhà đi gần ba năm nay, báo hại dì đi tìm, khóc cạn nước mắt, ai dè nó ở Thái Lan mà vẫn không gọi điện về nhà. Thằng quỷ ...

Khải Khải bật cười:

– Em nhại anh đó hả?

– Anh nói cho em nghe nhiều lần vẫn còn nói, em nghe đến thuộc làu.

Có tiếng ông Thành giục bên ngoài:

– Khải, xong chưa, đi thôi.

Định “dạ” sực nhớ mình nói lớn tiếng, con sẽ thức, Khải Khải hôn nhẹ lên trán Trúc Quỳnh rồi mới chịu đi ra, còn không quên dặn dò:

– Em ngủ đi, chừng nào về anh gọi. Cần gì cứ nói dì Ba làm cho, em đừng có làm, nghe chưa?

– Em nghe rồi.

Khải Khải khép cửa phòng lại thật nhẹ.

Vừa quay mặt, anh đụng ngay mẹ kế:

– Dì! Con xong rồi.

– Chúng ta đi thôi.

Tiếng động cơ xe nổ êm và chiếc xe từ từ lăn ra cổng. Đứng bên cửa sổ trên lầu, Trúc Quỳnh nhìn theo. Hôm nay cả nhà đi đón Quân, đứa con riêng của dì Mẫn bỏ nhà đi gần ba năm nay, ba năm không hề điện thoại hay một lần thư cho mẹ mình. Có lẽ đã mỏi gối chồn chân, nên anh ta mới chịu quay về.

Còn Trí Hoàn, ba năm trước, anh cũng rời bỏ cô không một lời nói, một lý do, anh để lại cho cô bào thai mà có lẽ anh cũng chẳng biết. Đứa bé ấy bây giờ ba tuổi, là con của Khải Khải, anh chẳng mảy may nghi ngờ đứa bé sinh thiếu tháng.

– Mẹ ơi!

Bé Trúc Đào đẩy cửa bước vào, nó đi thẳng lại nôi của em trai. Trúc Quỳnh vội suỵt khẽ:

– Con khẽ thôi nhé em mới vừa ngủ.

– Hồi nãy con muốn đi với ba mà con ngủ quên. Sao mà ba không gọi con dậy?

– À, là mẹ nói ba để con ngủ, phi trường gần tết đông người về lắm, con chạy lung tung lỡ đi lạc.

– Con ghét mẹ, con muốn đi đón chú Quân.

Trúc Quỳnh vỗ về:

– Một lát chú cũng về đến mà. Con uống sữa chưa, mẹ nói dì Ba pha sữa cho con nghen?

– Không thèm, con giận mẹ luôn.

Trúc Quỳnh phì cười ôm con. Con bé có gương mặt giống Trí Hoàn, dì Mẫn lại cho rằng bé giống bà, nên cưng chiều bé.

Điều bí mật này, Trúc Quỳnh hiểu cô sẽ mang nó trong lòng và chỉ mỗi mình cô biết. Anh không thể trách em, Quân ạ. Anh đã bỏ đi em sau đêm chúng mình gần nhất, bỏ đi mất như một tên sở khanh hèn nhát. Nếu không gặp Khải Khải, Trúc Quỳnh không hiểu mình sống ra sao. Khải Khải không đẹp trai, năm nay anh ba mươi tuổi, chưa hề có bạn gái, ứng xử nói năng không nhanh nhẹn, trước con gái là mặt đỏ, lúng ta lúng túng, anh nói rằng anh yêu cô từ sau cái nhìn đầu tiên. Một cuộc hôn nhân vội vã sau khi quen một tháng. Ba năm nay anh là người cha tốt, một người chồng thương vợ hết mực, bến đỗ bình yên cho Trúc Quỳnh.

Ngoài phi trường, trên bảng đề chuyến bay đến chuyến bay 527 đã về đến.

Khải Khải quay sang bà Mẫn vui vẻ:

– Dì! Máy bay Quân đi đã đáp xuống rồi, nhiều lắm nửa giờ nữa là sẽ thấy Quân.

– Ừ, dì sẽ ...

Ông Thành cắt lời vợ:

– Đừng có mắng nó, nó lại bỏ đi nữa đó. Tôi không muốn nó nói tại bà tái giá đó.

Bà Mẫn nhăn mặt:

– Sao ông nói như vậy? Thôi được tôi sẽ không mắng nó. Ba năm nay nó bỏ đi, ông nói tôi không nhớ nó sao, cho nên nhìn bé Trúc Đào là tôi nhớ nó.

– Thôi, không nói nữa. Nói là bà lại khóc.

Đoàn người từ cánh cửa bên trong bắt đầu lục đục đi ra. Khải Khải kêu lên:

– Dì! Quân kìa!

– Quân!

Dì Mẫn vừa mừng vừa giận, chỉ gọi được một tiếng Quân là bà khóc òa lên:

– Mẹ!

Quân bước nhanh ra, anh thả cái ba lô trên vai xuống, ôm choàng lấy mẹ mình xúc động:

– Mẹ!

– Con còn nhớ có mẹ sao Quân?

– Mẹ! Con xin lỗi.

– Con đáng bị đánh đòn lắm.

Bà Mẫn vỗ mạnh vào vai Quân. Một tay vò tóc Quân như khi Quân còn bé.

Ông Thành mỉm cười:

– Thôi nào, tránh ra nhường chỗ cho người ta ra kìa, có gì về nhà nói.

Quân buông bà Mẫn ra, quay sang ông Thành:

– Dượng!

– Ờ, con gọi dượng. Vậy thì đã về nhà rồi đừng có đi nữa. Thôi, ra xe đi Khải, con mang ba lô hộ giùm Quân.

Khải Khải nhấc ba lô lên. Quân giành lại:

– Anh để cho em.

– Chú nói chuyện với dì đi. Mấy năm nay dì rất nhớ chú. Còn ba lô hành lý có cái này thôi hả?

– Dạ.

– Để anh xách ra xe cho.

Tất cả đi ra xe. Quân ôm vai mẹ:

– Con đã hiểu mẹ không có lỗi gì cả. Tại ba con có lỗi trước. Trước khi đi, con đã ra Hà Nội và gặp ba. Ba có đến hai mặt con với người đàn bà đó, một đứa mười hai và một đứa chín tuổi.

Bà Mẫn lau nước mắt:

– Con hiểu cho mẹ như vậy là tốt. Ba năm nay con bỏ đi, dượng và Khải Khải luôn lo lắng cho mẹ, chưa bao giờ Khải Khải cư xử phân biệt mẹ chỉ là mẹ kế.

Quân vỗ vai Khải Khải:

– Anh Khải! Cám ơn nghen.

Khải Khải cười:

– Chú cám ơn cái gì? Có dì, dì chăm sóc cho cha con của anh. Dì cũng là mẹ của anh.

– Anh có vợ được mấy con rồi?

Mặt Khải Khải bừng sáng lên tia hạnh phúc rạng ngời, khi được nhắc đến vợ con của mình:

– Anh có hai đứa con rồi, một trai một gái. Lúc em đi một tháng thì anh cưới vợ. Con gái lớn hơn ba tuổi, còn thằng nhỏ được hai tháng tuổi thôi.

Quân lại vỗ nhẹ lên vai Khải:

– Chúc mừng anh có một gia đình hạnh phúc.

Tất cả lên xe, Khải lái xe. Quân ngồi băng trước với Khải, ông Thành ngồi phía sau với bà Mẫn. Quân bồi hồi nhìn đường phố:

– Mọi thứ thay đổi nhiều khác hơn với ba năm trước.

Khải gật đầu:

– Ừ, thành phố thay đổi nhiều lắm, cả đến con hẻm nhà chúng ta ...

Khải còn nói gì nữa đó, nhưng Quân không để ý, đầu óc anh đang chìm đắm vào quá khứ có cay đắng lẫn ngọt ngào. Những cay đắng, phẫn nộ, tức giận đã khiến anh làm gã bụi đời hơn ba năm qua.

Giờ đây sao chợt làm anh nhớ quá. Trúc Quỳnh! Chắc hẳn em cho anh là tên sở khanh, hút nhụy hoa rồi xa chạy cao bay không một lần quay lại. Cái đêm anh say rượu đó và cùng Trúc Quỳnh đi đến điểm cuối cùng của tình yêu. Khi quyết định đi với bạn bè sang Thái Lan, trong đầu anh không hề nghĩ đến Trúc Quỳnh. Anh chán thành phố, chán tất cả, bởi anh là một đứa con ra đời không được vun đúc trong mái ấm tình yêu. Từ một sự chán chường, anh đến với Quỳnh như tìm một cái phao. Bây giờ em như thế nào rồi Quỳnh? Chắc là em hận anh, một tên sở khanh đốn mạt phải không? Bây giờ sao anh bỗng thật nhớ em, nhớ em ...

Quân còn nhớ sau khi phá tan hoang nhà ông Thành, đi ra Hà Nội tìm cha ...

Người mở cửa cho anh vào nhà là một phụ nữ trẻ.

– Cậu tìm ai?

– Tôi muốn tìm ba tôi, ông Đổng sự Trung.

– À, ông ấy đi công tác, chiều mới về. Cậu có nhắn với nhà tôi không?

“Nhà tôi”? Quân cau mày:

– Bà vừa gọi ba tôi là gì?

Đến phiên người phụ nữ cau mày:

– Cậu là Quân phải không?

– Bà biết tôi?

– Biết! Ba và mẹ cậu ly hôn là tại tôi. Nhưng lỗi là do ba của cậu, ông ấy nói chưa có vợ, tôi ở với ông ấy mười bốn năm nay, có hai mặt con, dĩ nhiên tôi phải giành cha cho hai đứa con của tôi chứ.

Quân nhìn lên bức ảnh treo trên tường mà lúc mới vào, anh không chú ý, ảnh của ba anh chụp cùng hai đứa trẻ và người phụ nữ đang đứng trước mặt anh, họ tươi cười vui vẻ và hạnh phúc.

Một nỗi cay đắng trong lòng Quân. Thì ra ba của anh có một mái ấm khi ra Hà Nội công tác, và mẹ của anh bước thêm bước nữa. Còn anh, anh là cái gì đây?

Ba năm, Quân không điện thoại cho người mình yêu, anh đi theo nhóm bạn rủ rê anh đi Thái Lan làm việc ở khu tam giác. Ba năm, anh sống một đời phóng túng, rượu, cờ bạc và gái điếm. Một ngày anh chợt nhớ mẹ và quyết định quay về, nhưng trước nhất anh cần gặp Trúc Quỳnh.

Chồm người tới trước, Quân vỗ lên vai Khải Khải:

– Anh dừng xe cho em xuống. Em muốn đi tìm một người bạn.

– Con về nhà rồi muốn đi đâu không được sao Quân?

– Con gặp người bạn đã, quan trọng lắm mẹ ạ. Chiều con sẽ về nhà mà.

Bà Mẫn giận dỗi:

– Có còn nhớ đường về nhà, hay là lại đi mất tăm như ba năm trước?

– Con nhớ mà mẹ. 33/16 đường 20, phường ...

– Thôi thôi, có đi gặp bạn thì gặp, rồi nhớ về nhà. Đừng có quên lời hứa chiều nay con đãi cả nhà đi ăn nhà hàng là được rồi.

– Con nhớ mà mẹ. Anh Khải dừng xe lại đi!

Khải Khải vừa dừng xe là Quân nhảy phóc xuống, sau khi không quên hôn một cái thật kêu vào má bà Mẫn:

– Chiều con về.

Phóng qua đường lẫn trong dòng xe cộ đông đảo, Quân đi như chạy ...

Con đường hẻm bây giờ lạ quá, khang trang hơn hồi trước, nhưng cây bàng vẫn còn. Ngày Quân đi nó nhỏ xíu, vậy mà bây giờ cao tỏa tán lớn che mát cả căn nhà. Quân hồi hộp nhìn qua cổng rào gọi lớn:

– Làm ơn cho hỏi.

Một người đi ra, Quân kêu lên:

– Phải Tý không em?

Gã con trai cao kều như tre miễu, mặt lấm tấm mụn ngớ người ra nhìn Quân.

Quân cười tươi:

– Không nhận ra anh sao, anh Trí Hoàn đây mà.

– Ôi! Anh Trí Hoàn.

Tý mở cửa:

– Em suýt nhìn anh không ra. Bây giờ em lớn rồi, đâu có ai gọi em là Cu Tý.

– Ừ, em tên Giang. Cũng như tên ở nhà anh tên Quân vậy.

– Mấy năm nay anh đi đâu?

– Anh đi Thái Lan. Anh vào nhà được không?

– Anh vào đi. Chị Trúc Quỳnh của em đi lấy chồng rồi, bây giờ chỉ có hai đứa con.

Không gian đang sáng rực như bỗng tối sầm sụp đổ dưới chân Quân. Trúc Quỳnh đã đi lấy chồng. Cô không đợi anh, cũng không thể trách cô được.

– Anh Quân sang Thái Lan, vợ con gì chưa?

Tý hỏi, Quân giật mình cười gượng?

– Chưa. Chị Quỳnh em đi lấy chồng ở đâu vậy?

– Dạ, ở ngay trong thành phố, chồng của chỉ làm nghề lái xe chở hàng. Anh ấy hiền lắm, lớn hơn chị Quỳnh cả con giáp. À, để em đi lấy nước cho anh uống.

– Thôi, anh mới về nước cũng chưa về nhà đã đến đây. Anh tìm thăm Trúc Quỳnh, cô đã đi lấy chồng, vậy anh kiếu từ.

– Vâng!

Tý không giữ Quân lại mà tiễn ra tận cửa. Quân đi giữa cái nắng của thành phố. Sài Gòn cũng như Thái Lan, những xe hai bánh đầy cứng trên đường. Ngày trở về sau ba năm đi xa, nỗi muộn phiền chợt dâng trong lòng.

Cô ấy đã đi lấy chồng ... Ngày nào đó đôi ta bên nhau nồng say, mà giờ đây chia ly hai phương trời xa. Anh mong em sống vui và luôn hạnh phúc, hạnh phúc nhé em.

Trúc Quỳnh ngạc nhiên khi nhìn chỉ có ba người xuống xe:

– Ủa! Sao không có chú Quân hả anh?

– Ừ, đi giữa đường đòi xuống xe, nói là đi thăm một người bạn quan trọng, chiều mới về.

– Trúc Quỳnh mỉm cười:

– Bạn gái chứ gì.

– Có thể.

Bé Trúc Đào chạy ra mừng, nó đưa tay đòi Khải Khải bế:

– Con giận ba, ba bỏ con.

Khải mỉm cười:

– Sân bay đông lắm, con gái ơi.

– Chú Quân đâu hả ba?

– Chiều mới về. Con gái của ba ăn cơm chưa nè?

– Rồi, bữa nay cơm ngon lắm, có gà rô ti.

– Con gái ba ăn mấy chén?

– Ba chén.

Khải trợn mắt:

– Nhiều dữ vậy?

– Con ăn cho mau lớn.

Khải Khải hôn vào má con. Đối với anh không có gì quý hơn con cái, Bé Trúc Đào là viên ngọc, còn thằng Khoa là báu vật. Anh hay đùa với Trúc Quỳnh như thế.

Trúc Quỳnh quay sang ông Thành và bà Mẫn:

– Ba và dì thay quần áo đi, cơm xong hết rồi.

Ông Thành gật đầu:

– Ừ, ba cũng nghe đói. Bé Trúc Đào không hôn ông nội bà nội hả?

– Dạ có.

Bé Trúc Đào tuột xuống tay Khải Khải, nó chạy đến bên ông Thành, hôn ông một cái vào má, bà Mẫn một cái nữa. Bà Mẫn chợt ngẩn người ra nhìn bé Trúc Đào, có một sự giống nhau giữa bé Trúc Đào và Quân một cách kỳ lạ. Mọi người vẫn vô tình, không ai chú ý đến cái nhìn của bà Mẫn ...

Cơm dọn ra, bé Trúc Đào đòi ngồi gần bà Mẫn, nó đòi bà xé thịt gà ra nhỏ cho nó. Ông Thành vờ ganh tị:

– Bé Trúc Đào! Con thương bà nội hơn ông nội phải không?

– Dạ, hổng có. Ông nội ăn thịt gà, con đút cho ông nội ăn nghen!

– Thôi, con ăn đi.

Trong phòng có tiếng thằng Khoa cựa mình khóc. Trúc Quỳnh đứng lên đi vào phòng. Cô vừa khuất lưng sau cánh cửa, Quân đi vào nhà với túi trái cây.

– Mẹ!

– Con mua gì nhiều vậy? Về nhà ngay lúc ăn cơm, ăn luôn nghe?

Khải Khải lấy ghế cho Quân:

– Dì cứ ngồi đó, con đi lấy chén đũa cho Quân. Uống miếng bia nghen Quân?

Quân gật đầu:

– Cũng được.

Anh ngồi xuống ghế và chợt nhìn bé Trúc Đào:

– Con của anh Khải Khải phải không?

– Nó đấy. Mẹ nó vừa vào trong, thằng kia cựa mình khóc.

– Khải Khải mang đũa và chén ra:

– Ăn bữa cơm gia đình đi. Sao, gặp cô bạn gái gì đó chưa?

Quân cười buồn:

– Cổ đi lấy chồng rồi anh ạ.

– Ừ, thì chắc tại chú. Ngay cho tới đi, chú còn không thèm gọi điện thoại về.

Con gái người ta như cái hoa sớm nở tối tàn, làm sao bắt người ta đợi chú được.

Bé Trúc Đào nhìn Quân len lén rồi dặc tay Khải Khải:

– Ai vậy ba?

– Chú Quân đó. Con chào chú đi.

– Con chào chú!

Quân mỉm cười:

– Chào con. Con xinh quá. Nào nói cho chú nghe, con tên gì?

– Dạ, con tên là Trúc Đào.

– Bắt tay cái nào, bé Trúc Đào.

– Tay của con mỡ không hà.

Quân xoa đầu nó. Đôi mắt con bé giống một người, đã rất lâu rồi anh xa cô và bây giờ cô lấy chồng rồi còn đâu ...

Có tiếng chân dép và một bóng dáng xuất hiện, bé Trúc Đào nhai thịt gà ngồm ngoàm:

– Mẹ ơi! Có chú Quân ...

Quân ngước mặt lên, Trúc Quỳnh nhìn ra, hai chân của cô gần như sụp xuống. Trí Hoàn!

– Suýt chút nữa là Quân bật dậy:

– Trúc Quỳnh!

Ông Thành ngạc nhiên:

– Hai đứa quen nhau à?

Trúc Quỳnh đứng chết sững. Cô không dám nghĩ Quân là Trí Hoàn, Trí Hoàn là Quân, định mệnh nào sao éo le nghiệt ngã như thế. Mặt cô xanh tái thất thần.

Khải Khải vội bật dậy lao tới bên Trúc Quỳnh:

– Em sao vậy Quỳnh?

– Qua phút sững sờ, Trúc Quỳnh cố bình tĩnh lại:

– Bỗng dưng ... em chóng mặt quá.

– Anh nói em rồi ... - Khải Khải cằn nhằn - Ban đêm cứ cho con bú, em ngồi cả giờ, chóng mặt là phải. Anh đưa em vào phòng.

Khải Khải đưa Trúc Quỳnh vào phòng. Quân ăn không còn biết ngon nữa, những hạt cơm trong miệng anh thành nhạt đắng. Trúc Quỳnh là vợ của Khải Khải. Tuy anh và Khải Khải không cùng dòng máu, thì cũng là anh em.

– Quân! Con làm sao vậy?

Quân giật mình:

– Con có làm sao đâu, con đang ăn đây mà.

– Hình như con và Trúc Quỳnh có quen nhau?

– Cũng có, hồi còn đi học đấy mà.

Quân lùa vội cho hết chén cơm:

– Con no rồi không ăn nữa.

– Mẹ đã dọn phòng cho con, phòng bên trái có đồ đạc và ba lô của con đó.

– Con biết rồi, cám ơn mẹ.

Về phòng đóng cửa lại, Quân để nguyên quần áo gieo người lên giường. Sao oái oăm như vậy chứ? Trúc Quỳnh lại là vợ của Khải Khải. Họ kết hôn đã ba năm, có nghĩa là lúc anh rời Sài Gòn, không có lý nào ... anh thừa biết khi quen anh, chưa bao giờ Trúc Quỳnh có quen với Khải Khải.

Quân nằm lịm người trong bóng tối, không buồn mở cửa sổ hay tụt đôi giày ra khỏi chân mình. Bao nhiêu câu hỏi như giày xéo, xé nát tâm hồn Quân. Anh nói là không trách Trúc Quỳnh khi cô đi lấy chồng kia mà, anh đã bỏ cô khi hút nhụy hoa xong, hẳn là cô rất hận anh.

– Quân! Mẹ vào được không?

– Bà Mẫn gõ nhẹ tay lên cửa. Quân thở dài, ngồi dậy đi lại mở cửa:

– Con có chuyện không vui à?

– Dạ, nhưng không sao đâu mẹ. Con trở về, bạn bè không còn mấy đứa nên hơi buồn.

– Lúc nãy con ăn ít, hay là mẹ nấu cho con tô mì nghen?

– Dạ thôi. Cám ơn mẹ.

Quân có vẻ cảm động, mấy năm trời đâu có ai săn sóc cho anh, chỉ có mẹ.

Anh ôm vai bà:

– Mẹ tha lỗi cho con. Thật ra, con hiểu ba con mới là người có lỗi trước.

– Con hiểu cho mẹ là được, và quay về nhà là mẹ vui. Thật ra, dượng của con vẫn luôn mong con về nhà.

– À ... - Quân đổi giọng vui vẻ - Con có mua một ít hàng vải và quần áo bên Thái cho mẹ, cũng có quà cho dượng và anh Khải nữa, để con lấy.

Quân lấy một áo màu tím than áp lên người bà Mẫn:

– Mẹ mặc màu này hợp lắm.

Gương mặt bà Mẫn rạng ra. Quân chịu về nhà là bà vui lắm:

– Mẹ à! Nhà này cũng không rộng lắm, con muốn ra ngoài ở, mẹ cho phép con nghen?

– Đang vui, bà Mẫn sa sầm mặt:

– Sao con cứ muốn sống xa mẹ không vậy?

– Con đâu có muốn, nhưng mà ...

– Con ngại khi phải sống trong nhà của dượng chứ gì? Con mà đi là dượng nói con còn đố kị với dượng. Cuộc đời mẹ, phải thật sự mà nói, mới có ý nghĩa khi đi bước nữa. Ngày trước ba của con đi miệt mài, đôi ba tháng mới về, về dăm ba hôm lại đi, cuộc sống ghẻ lạnh, mẹ từng khóc biết bao nhiêu. Vậy mà khi mẹ đi bước nữa, con lại bỏ mẹ đi. Thật ra, không phải là yêu đương mơ mộng gì ở tuổi này, mà là tình bạn tuổi đi già với nhau. Ở lại nghen con?

Quân nghẹn ngào vùi đầu vào ngực mẹ. Nếu ở lại, anh chưa hiểu mình cư xử như thế nào khi đối diện với Trúc Quỳnh nữa. Nên đi hay ở lại?

Mới sáng sớm, cổ họng Quân khát đắng, anh đi xuống bếp định tìm nước uống. Khải Khải đang rửa bình sữa cho con, anh quay lại khi thấy Quân, cười mỉm:

– Đêm qua ngủ có ngon không? Anh cứ sợ thằng cu của anh khóc, chú ngủ không được.

Quân lắc đầu cười gượng:

– Đâu có. Em ngủ say như chết.

– Ừ, hôm qua nhóc của anh chẳng hiểu sao nó quậy phá, không chịu ngủ. À, chú về nhà rồi định làm gì đây?

– Em biết về máy tính nên định xin làm ở công ty viễn thông.

– Ừ, cũng được đó. Chú đừng đi nữa nghen. Dì khóc hết nước mắt ba năm nay đó.

– Ba ơi!

Bé Trúc Đào mặc đầm trắng thật xinh, hai bím tóc thắt nơ đỏ, đứng lúc lắc đầu gọi:

– Con ăn xong rồi, ba đưa con đi học.

– Ừ, ba ra ngay.

Quân quay nhìn bé Trúc Đào. Anh chợt bàng hoàng nhận ra một nét thật quen thuộc trên gương mặt con bé, nó giống bà Mẫn và anh ... vẫn thường bị bên nội mình mắng “con gái giống cha giàu ba họ, con trai giống mẹ khó ba đời”.

Một ý nghĩ đi qua đầu. Bất giác làm Quân lạnh cả sống lưng:

– Chú rửa mặt đi anh thấy dì mua cho chú bàn chải đánh răng và cả khăn mặt để trong toa-lét ấy.

Quân có nghe gì đâu, anh mãi nhìn bé Trúc Đào. Thấy Quân nhìn mình, nó dạn dĩ chào Quân:

– Con chào chú. Chú thấy con xinh không?

– À! - Quân cười lúng túng - Con xinh lắm. Bé Trúc Đào mấy tuổi mà đi học?

– Con ba tuổi.

– Bé Trúc Đào đưa ba ngón tay ra:

– Mẹ nói con tuổi con heo con, heo con ăn no ủn ỉn đi ngủ.Thôi, chào chú, con đi học.

Nó chạy lạch bạch theo Khải, Quân ngẩn người nhìn theo, gần như quên cả cơn khát mới lúc nãy làm cho anh đắng cả cổ họng. Lắc mạnh đầu, Quân cố xua tan những ý nghĩ không hay trong đầu.

Sáng sớm, Khải đưa con đến nhà trẻ, xong là đi lái xe chở hàng. Ông bà Thành đến cửa hàng tạp hóa buôn bán. Dì Ba đi chợ, ở nhà Trúc Quỳnh và đứa con nhỏ. Đinh ninh Quân cũng đi ra ngoài, nên Trúc Quỳnh mở cửa phòng bếp.

Từ ngày hôm qua cho đến tối, cô không dám rời khỏi phòng, Trúc Quỳnh sợ đối mặt với Quân. Anh đã bỏ mặc cô, mọi quan hệ giữa cô và anh chấm dứt.

Nhưng vừa bước ra và đi xuống nhà, Trúc Quỳnh muốn quay ngược lên, nhưng không còn kịp nữa. Quân từ phòng khách đi tới, dù muốn dù không thì mặt đã chạm mặt. Trúc Quỳnh vội vàng quay người đi lên, cô đi như chạy trên những bậc cầu thang.

– Trúc Quỳnh!

Chỉ cần phóng mấy bước chân dài là Quân chặn đầu được Trúc Quỳnh. Anh nhìn cô, cô nhìn lại anh, cái nhìn lạnh lẽo:

– Chú muốn gì?

– Câu đầu tiên sau ba năm gặp lại, em hỏi anh muốn gì sao?

– Giữa tôi và chú xin hãy xem như là không quen, những gì giữa tôi và chú, chính chú đã vứt bỏ nó đi rồi.

– Ngày đó, thật sự anh có lỗi với em. Nhưng anh lúc đó không làm chủ được mình và rồi anh theo bạn bè đi Thái Lan, ba năm đó đôi lúc anh muốn liên lạc với em ...

– Nhưng anh đã không làm, anh còn dám gặp tôi hay sao? Làm ơn dang ra đi!

Trúc Quỳnh gạt Quân ra, cô đi nhanh về phòng đóng mạnh cửa lại. Chốt chặt cửa, cô đứng tựa lưng vào cánh cửa, mà không hay cái đóng mạnh cửa làm bé Khoa giật mình, song nó lại ngủ tiếp.

Tại sao anh còn về, khi mà tôi đã cố quên anh? Anh có biết phải khó khăn lắm tôi mới quên được anh, tôi tự ép mình phải quên anh. Khải Khải là người tốt, tôi từng lừa dối anh ấy và không có quyền lừa dối anh ấy nữa. Những giọt nước mắt thầm lặng rơi trên má Trúc Quỳnh. Có ai hay đêm qua lòng cô trải qua cơn bão dữ. Làm ơn cho tôi bình yên, tôi muốn là người mẹ tốt, người vợ tốt ...

Bước qua cánh cửa quán bar rượu, Khải Khải lắc đầu. Quân đang ngồi một mình, trước mặt là một đống vỏ lon bia. Khải Khải bước vào:

– Mấy ngày nay chú đi đâu sao không về nhà? Dì trông chú về đó.

– Em đi làm và ở luôn chỗ làm.

– Ừ, chú không có xe, đi làm ở luôn chỗ làm cũng tiện, nhưng dì thì không vui. Hay là anh mua giúp chú xe Honda, xe tay ga Trung Quốc bây giờ cũng không mắc lắm, chừng mười mấy triệu là mua được.

Quân đẩy một lon bia đến trước mặt Khải:

– Uống đi anh! Bộ hồi này anh có tiền nhiều lắm sao?

– Cũng có chút đỉnh, nhưng ông già thì có nhiều, ông nói chú muốn xe nào, ổng cho tiền.

– Thôi! Em có mẹ, chỉ biết làm buồn lòng bà, bây giờ còn báo ông già nữa sao?

– Báo cái gì mà báo! Ba của anh xem chú như con ruột của ổng, dì không vui là ông cũng không vui. Bữa nay chú không làm việc hay sao mà đi uống rượu vậy?

– Em nghỉ làm rồi. Anh biết tính em mà, có chịu để người ta đè đầu cưỡi cổ mình đâu. Hắn muốn bóc lột em hả, đừng hòng. Nhưng mà không sao, cũng có một chỗ nhận em, không thất nghiệp đâu mà sợ.

– Chú cần tìm công việc ổn định rồi lấy vợ đi cho dì mừng.

– Quân cười khẽ, trút nốt phần bia còn lại cho kỳ hết, rồi bóp lại cho méo mó.

– Em hoang đàng quá phải không anh? Giống như con ngựa bất kham vậy.

– Chú có chuyện buồn, đúng không?

Quân cười lớn:

– Lúc nào mà em chẳng vậy. Mà sao anh biết em ở quán này?

– Cái Hiền ở xóm nhà mình, nói là chú hay vào quán này.

– Cái Hiền? Quân nhăn mày như cố nhớ. Chịu, anh không nhớ nổi. Cái Hiền chữ cái có nghĩa cô ta là dân Bắc kỳ và con gái Bắc kỳ thì ... đanh đá chịu không nổi.

Quân vơ một lon bia nữa, còn lon bia cuối cùng nãy giờ Khải vẫn không bật nắp. Quân bật nắp lon bia:

– Anh uống đi anh Khải, em gọi nữa.

– Quân vẫy tay gọi cô phục vụ từ trong quầy đi ra:

– Mang thêm mấy lon bia nữa đi.

Khải Khải ngăn lại:

– Anh không uống đâu, anh còn lái xe. Chú không nên uống bia như là uống nước.

– Em chưa say đâu mà. Mới mười lon mà ăn nhằm gì?

– Có lấy bia ra không? - Hiền nhìn Quân rồi nhìn Khải - Uống rượu gì như người ta đổ nước. Cô nào nữa vô phước lắm mới gặp anh.

Quân trừng mắt:

– Cô đi tiếp thị bán bia mà dám nói như vậy đó hả? Tên chủ nào ngu ngốc mướn cô. A, cô nói giọng Bắc, cô tên gì vậy?

– Hiền! Anh hỏi tên tôi làm gì? Anh Khải, làm ơn bảo em của anh với!

– Bảo bảo cái gì, nhiều chuyện!

– Này! - Hiền trừng mắt lại - Tại sao dám mắng tôi nhiều chuyện? Đồ vô duyên!

– Tôi mắng cô nhiều chuyện đó. Mặt mũi cô cũng xinh, tướng tá đẹp đẽ, con gái Bắc kỳ ... chua như me.

– Nè, đừng có “vơ đũa cả nắm” nghen! Có chua, người ta cũng chưa mang anh đi luộc.

Khải nhăn mặt:

– Mới bữa hổm gây nhau trong xóm, bây giờ lại cãi nhau trong quán, làm ơn cho xin đi mà.

– Hiền bực dọc:

– Chứ anh xem, anh ta nói năng như vậy, Phật trên bàn cũng nhảy xuống chứ đừng nói là ...

– Ừ, cho anh xin đi.

Khải Khải giành lon bia trong tay Quân:

– Anh đưa chú về. Chiều nay sinh nhật bé Trúc Đào, chú về nhà đi.

– Sinh nhật Trúc Đào?

– Ừ, nó sinh ngày ba tháng bảy năm hai ngàn lẻ sáu. Hôm nay nó tròn bốn tuổi.

Quân ngẩn người ra, điều anh không muốn nghĩ đến lại phải nghĩ đến. Đêm anh biến Trúc Quỳnh là của anh, làm sao anh quên. Ba tháng bảy, hai ngàn lẻ sáu này bé Trúc Đào ra đời. Quân vụt chụp tay Khải:

– Anh đám cưới ngày nào anh Khải?

Khải mỉm cười:

– Ngày nào à? Anh không có quên đâu. Hôm đó là ngày mùng một tháng giêng, trước tết một tuần lễ.

– Anh quen ... chị Quỳnh bao lâu?

– Chưa được một tháng thì cưới. Cũng chưa kịp hiểu nhau nhiều, vậy mà ba năm nay chưa lần nào anh chị cãi nhau cả.

Gương mặt Khải Khải rạng ngời. Còn mặt mũi Quân tối sầm. Quân chộp lon bia xuống tiếp. Hiền nhìn Quân:

– Đồ hủ hèm! - Cô bỏ đi luôn vào trong.

Lon bia cạn hai bàn tay Quân tưởng chừng bóp nát cả lon bia ...

Chiếc bánh kem hai tầng và ba ngọn nến nhỏ vừa được thắp sáng lên. Bé Trúc Đào xinh xắn trong bộ áo đầm trắng. Bà Mẫn cười âu yếm:

– Con thổi nến đi! À, mà cầu nguyện đi đã.

– Cầu nguyện gì hả bà?

– Cầu nguyện ba mẹ con mạnh giỏi, em Khoa mạnh giỏi.

Bé Trúc Đào lém lỉnh:

– Ông bà nội mạnh giỏi nữa chứ!

Chợt thấy Quân bước vào cửa, tay ôm hộp quà to, bé Trúc Đào reo lên:

– Chú Quân về. Cầu nguyện cho chú Quân mạnh giỏi luôn nữa hả bà?

– Ừ, con cầu nguyện đi.

Bé Trúc Đào đưa hai tay lên ngực, mắt nó nhắm lại bắt chước bà Mẫn như mỗi lần bà chắp tay đứng trước bàn thờ Phật. Nó cất giọng ngây thơ:

– Ông bà nội mạnh giỏi, ba mẹ mạnh giỏi, em Khoa mạnh giỏi không khóc đêm. Còn chú Quân cũng mạnh giỏi luôn.

Cả nhà đều phì cười. Duy có Trúc Quỳnh và Quân, ánh mắt cả hai thoáng chạm nhau rồi vội vàng cụp xuống. Quân bước thẳng vào, anh đặt gói quà lên bàn:

– Quà này của chú Quân. Cám ơn con vừa chúc chú Quân mạnh giỏi, chú Quân chúc con ngày càng xinh đẹp và học giỏi.

Ông Thành mỉm cười:

– Mau cảm ơn chú Quân đi bé Đào.

– Dạ, con cám ơn chú Quân!

Đôi môi con bé cong lại nũng nịu sao mà giống Quân đến thế. Quân nhìn sửng con bé. Không kềm được lòng, anh ôm nó:

– Chú Quân phụ với con thổi nến nghen!

Mặt Quân kề sát vào mặt bé Trúc Đào. Cả hai giống như cha và con. Đến phiên bà Mẫn sững sờ, có thể nào có sự trùng hợp kỳ lạ như vậy không?

Những ngọn nến tắt giữa tiếng vỗ tay của ông Thành và Khải Khải. Khải Khải bưng ly nước lên:

– Con thay mặt bé Trúc Đào mời ba, mời dì và Quân nữa. Cùng nâng ly uống mừng sinh nhật bé Trúc Đào.

Ông Thành hoan hỉ:

– Ừ. Cùng nâng ly lên! Bé Trúc Đào, ông nội chúc con mau chóng lớn học giỏi và xinh đẹp nữa.

– Con cám ơn nội.

Con bé thông minh quá và cũng đáng yêu quá, liệu nó có phải là máu thịt của mình không? Và nếu như nó là máu thịt của mình, mình phải làm gì đây? Tim Quân bồi hồi, anh cần phải gặp Quỳnh và hỏi cho ra lẽ. Tiệc sinh nhật bé Trúc Đào có ông Thành và Khải Khải vui. Còn hai người ... Trúc Quỳnh gượng vui, cô không muốn đối diện với Quân chút nào hết. Một cuộc chiến ngầm đang âm ỉ cháy ... và bùng nổ vào buổi sáng, khi trong nhà có mình Quân và Trúc Quỳnh.

Cộc ... Cộc ...

Quân gõ tay lên cửa phòng Trúc Quỳnh. Trúc Quỳnh sợ hãi nằm im, cô gần như nín thở, lạy trời cho bé Khoa đừng khóc trong lúc này.

Cộc ... cộc ... Quân gõ mạnh tay hơn:

– Trúc Quỳnh, mở cửa đi!

Im lặng. Không thể nào Trúc Quỳnh không nghe gõ cửa hay là không nghe tiếng anh gọi cô. Quân đi vòng ra ban-công. Cửa sổ phòng Trúc Quỳnh mở cửa, Quân kéo nó ra rộng hơn và nhảy vào. Tiếng động làm Trúc Quỳnh tốc mền đang trùm kín mít cả đầu và cổ của mình ra. Cô thảng thốt nhìn Quân, rồi bật dậy giận dữ:

– Tại sao anh dám?

– Bởi vì anh gọi cửa mà em không mở.

– Không mở cửa là tôi không muốn gặp anh. Anh đi ra đi!

– Anh hỏi em câu này thôi, chỉ một câu thôi rồi anh sẽ đi.

– Tôi sẽ không trả lời bất kỳ câu hỏi nào của anh. Đi!

– Em phải trả lời. Suốt đêm qua anh không ngủ được. Nằm đợi sáng, mọi người đi khỏi nhà, anh cần gặp em. Hãy trả lời cho anh:

– Bé Trúc Đào là con ai?

Trúc Quỳnh tái mặt. Cô sợ đối diện với Quân và nhất là câu hỏi này. Một câu hỏi mà ba năm nay cô sống gian dối, lương tâm cô đau khổ và ray rứt.

– Bé Trúc Đào là con của anh có đúng không?

Trúc Quỳnh hoảng sợ, người cô lùi ra sau. Nhưng gương mặt của cô từ tái sang đỏ và tức giận:

– Không phải!

– Thật chứ?

– Thật!

– Em có nhìn nhận nó giống anh không?

Trúc Quỳnh lạnh lùng sau phút trấn tĩnh lại mình, cô cười lạt:

– Tại sao con của anh Khải mà lại giống anh. Buồn cười! Làm ơn đi ra khỏi phòng tôi!

Trúc Quỳnh đi lại toan kéo cửa, Quân lao tới, anh đứng chận ngay cửa, gằn giọng:

– Không buồn cười chút nào. Em có nghĩ anh Khải có thể chưa nhận ra bé Trúc Đào giống anh, nhưng còn mẹ của anh và dượng, tại sao họ không nhận ra, dù là thật khách quan đi nữa. Được, em phủ nhận, vậy thì anh đi thử ADN vậy.

Trúc Quỳnh hoảng sợ thực sự. Đồng thời cơn giận uất bao nhiêu năm ẩn giấu tận đáy lòng, lúc này bùng lên ngun ngút, cô nhào vào đánh Quân:

– Tôi cấm anh, anh không có quyền gì cả.

Quân vừa đỡ vừa nắm chặt hai tay Trúc Quỳnh lại, anh nhìn vào mắt cô:

– Đúng là anh không có quyền vì anh đã bỏ em đi bặt tăm. Có thể là em mang thai và không bấu víu vào đâu được, nên bằng lòng lấy anh Khải. Em nói như vậy đi. Anh thề là không quấy rối em, cũng không về nhà này nữa. Nói đi em!

Toàn thân Trúc Quỳnh mềm nhũn, cô không còn ghìm lấy mình được nữa, nên bật khóc òa:

– Anh đã nghĩ được như vậy, tại sao còn bắt tôi nói ra sự thật? Anh Khải chưa bao giờ hỏi tôi, tại sao bé Trúc Đào mới bảy tháng sinh non mà lại khỏe mạnh. Anh vẫn một mực yêu quý nó, hãnh diện vì có một đứa con gái xinh xắn thông minh và đáng yêu. Tôi đã nói ra sự thật rồi đó, anh hãy đi đi.

Quân buông tay từ từ thả Trúc Quỳnh ra. Linh cảm của anh không sai. Bé Trúc Đào là con gái của anh, anh không có quyền nhìn con, vì anh là tên sở khanh hèn nhát, sau khi hút nhụy hoa là bỏ đi. Quân đứng tựa lưng vào cánh cửa, mắt trừng trừng nhìn Quỳnh.

Trúc Quỳnh gạt nước mắt:

– Xin anh đừng làm xáo trộn cuộc sống mẹ con tôi nữa, anh hãy đi nếu như còn một chút lương tâm.

“Nếu như anh còn một chút lương tâm”. Lời lẽ ấy nhẹ nhàng nhưng sao như lưỡi dao bén cứa vào da thịt. Quân đau đớn, anh đưa tay lên nắm cửa xoay núm cửa kéo mạnh nó ra và lao bổ ra ngoài. Quân chạy như người điên bị rượt đuổi.

Sau lưng anh Trúc Quỳnh gục xuống, úp mặt lên nền gạch lạnh mà khóc. Trên nôi, bé Khoa cũng cựa mình khóc oa oa ...

– Quán sắp đóng cửa rồi, làm ơn tính tiền và đi giùm. Tất cả là năm trăm bốn chục ngàn, anh Quân có nghe tôi nói không?

Bích Hiền lay mạnh vai Quân, kéo anh phải ngồi ngay người lên. Quân ngóc đầu lên nhăn mặt:

– Mấy giờ rồi mà đóng cửa quán? Người ta nói “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” nhưng còn cô lúc nào cũng muốn đuổi khách ra khỏi quán. Đồ ...

Bắc kỳ khó ưa.

– Này!

Bích Hiền trợn mắt, cô là người Bắc, nhưng cô ghét ai gọi cô là Bắc kỳ. Gã say rượu này tới số, nên anh ta dám hỗn hào đụng vào ... chị Hai. Được, cô sẽ cho anh ta một bài học để biết thế nào là lễ độ.

Bích Hiền dựng Quân ngồi thẳng người, cô xẵng giọng:

– Anh nói ai khó ưa hả?

– Cô!

– Không phải! Lúc nãy anh nói là ... Bắc kỳ.

– Thì cô là con gái Bắc.

– Không được gọi tôi như vậy, anh nghe rõ chưa?

Tức mình, Quân hất tay Bích Hiền ra, quát lại:

– Cóc có rõ! Tôi có miệng, nói gì là miệng của tôi.

– Nhưng lời nói của anh đụng chạm đến tôi, đụng chạm đến con gái Bắc.

– Quá! Làm gì phát ngôn dữ dằn vậy? Một mình cô đủ sụm bà chè người ta rồi, cô dùng đến cả đoàn con gái Bắc, tôi vạch đất chun luôn.

– Ừ, mau vạch đất mà chun đi. Còn không muốn nhủi xuống đất trốn như con bọ hung, thì đừng có Bắc kỳ này, Bắc kỳ nọ.

– Hung dữ quá trời.

Quân chắp hai tay lên đầu xá dài:

– Xin lỗi, xin lỗi ... em không thấy núi Thái Sơn trước mặt.

Cái kiểu nói của anh không có thành ý chút nào - giễu cợt bông lơn. Bích Hiền tức điên cả người. Nhưng chẳng lẽ ... đánh nhau trong quán, cô sẽ bị đuổi việc mất thôi. Nên Bích Hiền chỉ còn biết nhìn Quân bằng cái nhìn tóe lửa:

– Mau trả tiền đi, rồi đi về cho người ta đóng cửa quán.

– Ok!

Quân móc túi lấy tờ năm trăm thảy lên bàn, xong chệnh choạng đi ra cửa, Bích Hiền vội đuổi theo:

– Nè, chưa đủ, còn bốn chục ngàn nữa.

– Hết tiền rồi, ngày mai trả.

Quân đi thẳng. Những bước chân lầm lũi xiêu vẹo Bích Hiền nhìn tờ năm trăm rồi nhìn theo Quân. Đồ hư hỏng! Cái hũ hèm! Ngày nào cũng uống rượu, mai mốt bị xơ gan cổ chướng chết đi cho rồi.

Về đâu? Quân đi trên đường, anh không muốn về nhà trọ, chỉ có một mình anh. Bao nhiêu năm làm kẻ lang bạt hư hỏng và khi quay về, anh chẳng có gì hết. Sao bỗng dưng thèm một mái ấm, một vòng tay một đứa con ... Quân ngồi luôn bên vệ đường gục mặt xuống đôi cánh tay. Bích Hiền đi ra. Gần một giờ đêm. Cô đứng bên vệ đường chờ xe quen đến đón. Một dáng người ngồi gục đầu, hình như anh ta khóc ... “hức hức” ...

Bích Hiền cau mày bước lại gần hơn, cô giật mình khi nhận ra Quân:

– Sao còn ngồi đây? Trời đất! Làm trò hề vậy?

Quân ngước đầu lên:

– Cô thấy đàn ông khóc bao giờ chưa?

– Mới thấy lần đầu.

– Giống tên hề quá hả?

– Ừ!

– Cô thật là ác độc, cô sẽ ở giá suốt đời.

Bích Hiền sửng sốt. Cô mắng anh ta đúng, ai đời đàn ông nát rượu, còn ngồi khóc ngoài đường. Là tên hề chưa hẳn xấu, vậy mà anh ta nguyền rủa cô sẽ ở giá suốt đời.

Cô mím môi đanh đá.

– Tôi ở giá đấy. Năm nay tôi mới hai mươi hai. Còn anh sắp già rồi vẫn không có cô nào thèm anh, anh sẽ là lão già bị gà đá, chó tha. Còn tôi, có ở giá đi nữa, anh xin ... xách dép cho tôi cũng không đáng.

Quân kêu lên:

– Ơ hay! Sao mồm mép của cô kinh khủng dữ vậy hả?

– Như vậy mới xứng với anh.

– Tôi chỉ mắng cô độc ác, không ai thèm rớ. Còn cô mắng tôi nào là gà đá, chó tha, không đáng xách dép cho cô. Kiêu hãnh gớm quá nhỉ? Kinh khủng, kinh khủng!

– Này, không biết nói tiếng Bắc thì nói cái giọng Nam kỳ của anh đi, đừng có nửa nạt nửa mỡ như vậy, nghe thối cả nhỉ.

– Tôi cứ nói, gọi công an bắt đi.

– Đồ lảng xẹt, đồ vô duyên, đồ gà mổ, chó cắn.

Mắng Quân một hơi xong nhìn thấy xe quen đến đón mình. Bích Hiền vội chạy ào đi, mồm miệng của cô lúc này đúng là ghê gớm:

– Chú Tư! Chạy nhanh đi, có một thằng cha đã điên còn say rượu nữa.

– Nó có làm gì cô không?

– Chưa. Chạy xe đi chú Tư.

– Sao giống cậu Quân con trai bà Mẫn quá vậy.

– Chạy đi mà, chú Tư.

Chiếc xe vọt lên, Quân mới phóng tới. Con gà mái hung dữ kia, hãy đợi đấy!

Chiếc xe chở Bích Hiền lao đi vun vút trên đường phố vào khuya thưa thớt bóng người.

Lại là hắn. Bích Hiền quay người đi. Hôm nay cô không cãi vả với người này, chỉ thêm bực mình, hắn lại mắng cô là con gái Bắc hung dữ.

Quân chọn bàn trong cùng. Anh thích quán này vì ngoài sự yên tĩnh, anh còn được quyền ngồi ... cho đến khi quán đóng cửa. Đã trở thành quen thuộc với anh từ ngày trở về. Quân không muốn về nhà mẹ, anh sợ nước mắt của mẹ và cả sợ gặp Trúc Quỳnh, dù trái tim của anh không ngớt thét gào, anh nhớ đứa con gái của mình. Ánh mắt con ngây thơ xanh biêng biếc. Anh đã đánh mất tất cả. Còn lại một cuộc sống chán chường, mà công việc không thể nào lấp đi được những trống vắng trong lòng anh.

– Anh Quân, uống gì?

Không phải Bích Hiền, cô ta đứng trong quầy. Cô ta là kình địch của Quân.

Quân lắc đầu ... làm khó:

– Gọi cô Bích Hiền ra đây, cổ biết tôi uống gì sẽ mang ra. Còn nếu cổ không mang rượu ra được, tôi muốn gặp ông chủ quán, cô nghe rõ chưa?

– Dạ!

Cô phục vụ quay vào và Bích Hiền ... hầm hầm đi ra:

– Tại sao phải là tôi vậy?

– Hôm nay chưa chọc giận cô mà mặt mũi ... cô như thế, khách uống rượu không ngon đâu.

Bích Hiền dịu lại:

– Tôi không muốn gây gổ hay đối đầu với anh, anh hiểu chưa? Đừng có bắt tôi phải mắng mỏ.

– Được, tôi cũng không chọc tổ ong vò vẽ, cô cũng đừng có kiểu ong chỉ muốn bay ra ngoài tổ chứ.

– Anh nói như vậy là sao?

– Cái gì của tôi, mẹ tôi cũng biết. Cô có biết tôi rất sợ nước mắt của mẹ tôi.

– Bà đi tìm anh, còn anh là đứa con bất hiếu luôn làm khổ mẹ mình.

– Đủ rồi nghen, sao mở miệng ra là mắng chửi vậy hả?

– Vậy anh là đứa con có hiếu với mẹ của anh?

– Tôi có hiếu hay bất hiếu không liên quan đến cô.

– Anh có biết ba năm anh đi mất, mẹ anh cứ nhắc đến anh là khóc. Bà luôn tự trách mình tại bà bước đi bước nữa. Nhưng bước nữa của bà tốt đẹp mà, bác Thành và anh Khải Khải cư xử chân tình. Anh có được như anh Khải Khải lo cho dì Mẫn chưa?

Rầm! Quân vỗ mạnh bàn.

– Đừng có nhắc đến Khải Khải.

– Sao vậy? Quá thua sút người ta nên xấu hổ à?

Quân giận dữ toan đưa tay lên tát vào mặt Bích Hiền. Cô cũng vênh mặt lên chờ cái tát của anh. Song ... Quân thở dài và buông tay xuống:

– Cô không hiểu chuyện gì thì đừng có xía miệng vào. Đi chỗ khác! Có cô tôi uống rượu chẳng biết ngon gì cả.

Bích Hiền lườm Quân một cái rõ dài, rồi mới chịu quay đầu đi. Kỳ lạ, cô với anh ta đối mặt cứ như là nước với lửa vậy, chẳng ai nhường nhịn ai. Cô thương dì Mẫn nên gặp mặt gã bất hiếu là cứ muốn mắng vào mặt gã.

Quân khui lon bia lầm lì uống, uống như người ta uống nước lã:

– Quân!

Một bóng dáng nhỏ nhắn đứng trước mặt Quân, và chỉ gọi một tiếng “Quân”.

nghẹn ngào là khóc. Quân nhăn mặt:

– Mẹ lại khóc nữa rồi, con đã làm gì đâu?

– Không làm gì mà con đi mịt mù, ba năm bỏ mẹ đi chưa đủ, trở về nhà, con hứa cưới vợ ở nhà với mẹ ....

– Mẹ đã có dượng và anh Khải. Anh Khải lo cho mẹ còn hơn con, mẹ cứ xem những người đó là người thân của mẹ đi.

– Mẹ đã xem họ là người thân của mẹ. Nếu không, mẹ đâu có vui vẻ gì để sống. Con là con của mẹ, con ở đâu mẹ cũng không biết, người ta nói ngày nào cũng thấy con ở quán rượu. Tại sao vậy? Con không về nhà có phải vì con không chấp nhận mẹ đi bước nữa?

– Con nói không phải rồi mà. Bé Trúc Đào hồi này ngoan chứ mẹ? Mẹ có tấm ảnh nào hôm sinh nhật của nó không, cho con một tấm.

– Con về nhà xem ảnh, có ai không cho con về nhà đâu.

– Mẹ đừng băn khoăn tại sao con không về nhà, có được không?

– Được! Mẹ hỏi con, con hãy thành thật trả lời mẹ.

– Mẹ muốn hỏi chuyện gì?

– Ở nhà, Trúc Quỳnh cứ như người mất hồn, đôi khi thằng Khoa khóc lạc cả giọng, nó vẫn ngồi yên. Còn con thì sống dật dờ bên ngoài. Mẹ muốn biết có phải bé Trúc Đào là con của con?

Quân giật bắn người:

– Mẹ!

– Có đúng không?

– Con ... mẹ đã biết thì đừng bắt con về nhà.

– Con không về nhà, mẹ không biết giải thích như thế nào với dượng con và Khải Khải cả.

– Mẹ không thấy là con đang chết cả cõi lòng hay sao? Người con gái mình yêu và con của mình là vợ và là con của anh Khải. Con không có quyền giành lại, vì con đã bỏ Trúc Quỳnh. Thật ra, con có nghĩ đến Quỳnh. Nhưng ba năm trên đất Thái, một cư dân sống lậu, con thấy cảnh sát là lủi trốn, con không làm ra tiền, thân con còn chưa xong thì làm sao nghĩ đến cô ấy. Còn cô ấy, khi biết mình mang thai thì hoảng loạn và vớ lấy anh Khải như người chết đuối giữa biển vớ được phao cứu sinh.

Bà Mẫn ngồi như hóa đá chết lặng. Những gì bà nghi ngờ đã thành sự thật.

Quân nghẹn ngào:

– Mẹ muốn con làm sao đây? Con đau khổ lắm mẹ ạ. Mẹ hãy mặc con đi.

Có người mẹ nào thản nhiên trước đau khổ của con. Nhưng giúp Quân mạnh dạn lên bằng cách nào, thật lòng bà Mẫn chưa nghĩ ra. Bà ôm nỗi đau, nặng trĩu trên đường về nhà.

Đêm nay Quân về nhà trọ sớm anh cần phải tỉnh và không sa đà nữa. Nước mắt của mẹ đã cảnh tỉnh anh, hãy là một đứa con tốt, mẹ già rồi như trái chín trên cây.

Quân đi lầm lũi về nhà:

– Anh Quân!

Từ trong bóng tối, Trúc Quỳnh bước ra, cô nghẹn ngào nhìn Quân. Quân sửng sốt:

– Quỳnh!

– Dì nói bây giờ đêm nào anh cũng say, có hôm còn muốn quậy quán người ta.

Quân cay đắng:

– Vì những điều đó mà Quỳnh đi tìm tôi?

– Anh đừng làm cho dì Mẫn phải khóc nữa, có được không?

– Quỳnh cứ yên tâm và đi về đi, đừng bận lòng vì tôi.

– Làm sao em không bận lòng, khi mà trong trái tim em chưa bao giờ quên anh cả.

Quân lạnh cả người. Anh từng muốn nghe câu nói này, nhưng sao lúc này đây khi lúc Quỳnh nói cô còn yêu anh, anh lại nghe lạnh khắp châu thân. Anh nhìn cô đăm đăm.

– Anh Quân! Thật sự em cố gắng phấn đấu, em đã là vợ anh Khải, nhưng khi nằm bên anh ấy, anh ấy ôm em, em mới hiểu rõ lòng mình nhất, anh Khải mãi mãi là cái phao cứu sinh, em mang ơn cứu tử. Còn tình yêu em chỉ dành cho anh.

Quân bịt hai tai:

– Em đừng nói nữa có được không? Và đi về đi!

– Anh đừng có uống rượu nữa, anh có làm được điều này không?

– Có, anh sẽ cố gắng. Mẹ anh cũng đã biết bé Trúc Đào là con ai, nhưng không sao đâu, mẹ anh là người biết lý lẽ mà. Em yên tâm và đi về đi.

Quân mở cửa nhà trọ đi thẳng vào và đóng ập cửa lại. Phải cố gắng lắm, anh mới ghìm được lòng, là không ôm Trúc Quỳnh vào vòng tay mình. Ôi! Anh khao khát được ôm chặt cô biết bao nhiêu, không thể nào. Trái tim anh thét gào:

cô ấy còn yêu mày đấy Quân. Không thể, không thể. Quân đau khổ gục mặt vào đôi bàn tay ...

Xe vừa dừng trước cổng là Khải Khải ôm bé Khoa lao ra:

– Em đi đâu mà đến giờ này mới chịu về nhà hả Quỳnh? Thằng Khoa nó khóc quá, dì dỗ nó cũng không nín.

Trúc Quỳnh cúi gằm mặt và đưa tay bế con, cô không muốn Khải Khải biết cô khóc. Cô đã làm cái việc không nên làm, đi tìm Quân và nói là cô chưa bao giờ hết yêu Quân cả. Tại sao mình làm như thế? Nhưng dường như làm như thế, cô có cảm giác như giải tỏa được tâm trạng u uất của mình.

Khải Khải bước theo vợ, chưa bao giờ anh thấy Trúc Quỳnh như thế này.

Hình như cô vừa khóc, tâm hồn bấn loạn. Ba năm vợ chồng, có bao giờ cô ra ngoài khi đã khuya và trở về nhà với vẻ bơ phờ. Anh đi sát vào cô:

– Có chuyện gì vậy em?

– Có chuyện gì đâu.

Trúc Quỳnh vờ cười:

– Nhỏ bạn của em ... vợ chồng nó ... đánh lộn, em đến can thiệp khuyên giải giùm.

Khải Khải thở phào:

– Vậy mà điện thoại em không bắt, lại đi đến gần mười hai giờ đêm, bé Khoa khóc, ba và dì cũng lo.

Lúc này Trúc Quỳnh mới giật mình. Đúng là ông Thành và dì Mẫn cũng ngồi chờ ở phòng khách. Ông Thành lo lắng:

– Có chuyện gì vậy Quỳnh? Con làm cho cả nhà lo lắng đó.

Biết lỗi, Trúc Quỳnh ấp úng:

– Con xin lỗi.

– Thôi vào trong dỗ cho thằng Khoa ngủ đi.

Trúc Quỳnh đi nhanh vào phòng, lúc này sao cô chỉ muốn một mình. Sự có mặt của Khải Khải và chăm sóc quá ân cần của anh, bỗng làm cô khó chịu. Cô để bé Khoa lên nôi ru cho nó ngủ.

– Em đi thay quần áo đi, anh đưa nôi con ngủ cho.

Không nói gì, Trúc Quỳnh đứng lên đi lấy quần áo. Đi luôn vào phòng tắm đóng cửa lại. Cô nhìn mình trong gương, đôi mắt sưng sưng, mặt bơ phờ. Cô đã đợi Quân hơn ba tiếng đồng hồ trong nước mắt và chỉ nói được bấy nhiêu đó.

Không phải vì dì Mẫn, mà tận đáy lòng mình, Trúc Quỳnh hiểu, cô nhớ Quân và khi biết anh sống bê tha, trái tim của cô không thể nào yên ổn. Cô cần gặp anh.

Lẽ ra, anh nên ôm em thật chặt, siết mạnh em vào lòng cho em một cảm giác ngộp thở, em mong điều đó xảy ra, chứ không phải là anh xua đuổi em. Anh có biết sự đau khổ của em bây giờ còn đầy hơn nữa.

Từ phòng tắm ra, bé Khoa đã ngủ, Trúc Quỳnh vẫn bế con lên. Cô sợ nằm bên Khải, sợ anh đọc được ý nghĩ của cô, cô sợ Khải Khải ôm cô. Ôi! Mình điên mất rồi.

– Con ngủ rồi, em bế nó làm gì? Đi ngủ đi, khuya lắm rồi!

– Con ... khóc nhiều lắm hả?

– Cũng không nhiều lắm. Anh lo là lo cho em, sợ xảy ra chuyện gì ngoài đường.

– Em có sao đâu.

Trúc Quỳnh áp mặt lên mái tóc mềm của con, mong làm dịu đi cơn bão dữ trong lòng. Khải Khải ôm gối quay mặt vào tường:

– Ngủ đi em. Anh buồn ngủ quá.

Trúc Quỳnh vẫn ngồi, bóng đêm choàng quanh cô. Đêm yên ắng nhưng tâm hồn của cô thì không hề bình yên.

– Bà nội ơi! Chú Quân kìa! Bé Trúc Đào một tay nắm tay bà Mẫn, chân nhảy nhót, nó reo lên khi thấy Quân:

– Chú Quân!

Quân xoa đầu nó:

– Hôm nay cô giáo dạy con hát bài gì, bé Đào?

– Dạ, bài “Cháu lên ba, cháu đi mẫu giáo” ạ.

– Con ngoan quá!

Quân thụp người hôn vào má con. Anh chỉ có thể gặp con, ôm con và hôn con khi đến trường đón nó. Đó là cách duy nhất. Như thấu hiểu trái tim của Quân, bà Mẫn dịu dàng. Mỗi chiều Quân đi đón con như thế này, hơn là sa đà ở quán rượu. Một bên là con của chồng và một bên là con riêng của mình. Quân sai lầm bỏ người yêu, đó là lỗi lầm của Quân. Bà chỉ mong Quân sống đàng hoàng, lấy vợ sinh con.

– Mẹ! Mình đến quán đằng kia uống nước nghen mẹ?

Bà Mẫn gật đầu:

– Cũng được.

Bé Trúc Đào nói líu lo, hai tay nó nắm lấy Quân một bên, bà Mẫn một bên, chân nhảy lò cò, đầu lúc lắc hai bím tóc thắt nơ màu đỏ.

– Nội ơi! Mình đi ăn kem hả?

Quân cười:

– Con có thích không?

– Dạ, thích. Con thích ăn kem bảy màu. Bữa nay con múc kem ăn giỏi lắm, hổng có làm đổ, cũng không ăn dính miệng như con mèo ngao đâu.

Quân phì cười:

– Ai nói con là con mèo ngao?

– Mẹ nói. Con mèo ngao nó kêu vầy nè, ngao ngao ... meo meo ...

Quân cười phá lên, chưa bao giờ anh thấy vui đến thế, lời của trẻ con ngây thơ ngộ nghĩnh. Anh chỉ muốn thơm vào đôi má phinh phính của con. Con gái yêu của ba, khi nào thì ba mới được con gọi ba là ba đây? Ngày xưa, nếu biết có con, ba đã lập tức trở về, bây giờ thì quá muộn rồi. Cười vui vẻ rồi Quân chợt muốn khóc. Con của tôi, tại sao tôi không có quyền nhận con của mình?

Đi ăn kem về đến nhà, chưa kịp cởi đôi giày dưới chân, bé Trúc Đào chạy lên lầu:

– Thưa mẹ, con đi học mới về.

Quay sang bé Khoa đang nằm chơi, nó thơm vào má em bé tinh nghịch.

– Thưa em Khoa, chị Hai đi học mới về.

Trúc Quỳnh phì cười:

– Ai lại thưa em mình như thế hả con?

– Mẹ! Chừng nào em Khoa lớn, con nói chú Quân dắt cả em Khoa đi ăn kem bảy màu, mẹ há?

Nụ cười tắt trên môi Trúc Quỳnh:

– Chú Quân dắt con đi ăn kem lúc nào?

– Dạ, mới tức thời. Có bà nội nữa. Chú Quân hôn con hoài, râu của chú đâm vào má con đau thí mồ.

Nó cười hồn nhiên và đả đớt với thằng Khoa:

– Em Khoa ơi, lớn mau đi hén.

Trúc Quỳnh nhìn con, cô thèm được hồn nhiên như con, được gần Quân, nhìn thấy Quân. Điều mơ ước đó chỉ có trong tim, bởi vì cô đã là gái có chồng, như cá đã cắn câu, như con chim sáo đã vào lồng.

– Tính tiền đi! Quân vẫy cô phục vụ lại bàn tính tiền. Hôm nay anh uống có hai lon bia rồi không uống nữa. Mỗi chiều, anh gặp được con, nghe nó nói líu lo, Quân tự nhủ anh không có quyền sa đà, phải sống cho đàng hoàng lại.

Bích Hiền ngạc nhiên đi lại bàn tính tiền. Cô đưa tờ giấy tính tiền cho Quân.

Không nói gì, Quân để tờ năm chục ngàn lên cái dĩa:

– Khỏi thối.

– Cám ơn. Hôm nay mặt trời mọc hướng Tây rồi chắc?

Quân đứng lên. Hôm nay anh không muốn “đấu đá” với Bích Hiền nữa. Cô ta có chua như giấm đi nữa, anh cũng không chấp. Quân đi, Bích Hiền gọi giật:

– Này!

Quân đứng lại:

– Gì nữa, không đủ à?

– Không. Nhưng anh có nghe tôi nói hôm nay mặt trời mọc hướng Tây không hả?

– Có nghe, song tâm trạng của tôi hôm nay đang vui, nên cô có nói gì đi nữa thì tôi xem như nước đổ lá môn. Ok?

Giọng Quân giễu cợt:

– Hôm nay tôi muốn hòa bình chứ không muốn xảy ra chiến tranh đâu nhé.

Bye!

Quân phóng ra cửa. Bích Hiền tức điên người, cô thấy ghét con người này quá chừng. Có lúc anh ta trầm lắng đến tội nghiệp. Cô hiểu anh ta có tâm sự gì đó thật khổ đau, không thể chia sẻ hay giải tỏa được. Lúc đó cô quan tâm lo lắng cho anh. Hôm nay vẻ mặt anh thật vui, hẳn là có chuyện vui, muốn có hòa bình chứ không muốn có chiến tranh. Bất chợt Bích Hiền mỉm cười, không còn muốn giận Quân nữa.

Tít tít ... Điện thoại reo. Chưa kịp dọn bàn, Bích Hiền giật mình vì tiếng điện thoại reo. Và cái bàn như rung theo, độ rung của điện thoại, điện thoại của Quân. Anh làm gì lật đật lưởi đưởi đến bỏ quên điện thoại? Cất giùm anh ta. Lát nữa chắc chắn sẽ quay lại lấy thôi.

Hết giờ làm việc vẫn không thấy Quân, hôm nay Bích Hiền về ca mười giờ tối, nên cô quyết định ghé nhà Quân trả điện thoại. Cô sẽ nói chấp nhận lời đề nghị của anh, hòa bình không cạnh khóe, nói móc nhau nữa ...

Quân đang vui, chiều nay anh đưa con đi công viên, bé Trúc Đào hát cho anh nghe đến mấy bài. Anh nhại giọng hát ngây thơ trong vắt của con:

– Kìa con bướm vàng, kìa còn bướm vàng, xòe đôi cánh ...

Đang hát, Quân giật mình vì từ lúc nào, Trúc Quỳnh đứng ngay cửa. Trái tim của cô vừa bồi hồi vừa xao xuyến. Cô biết anh hát bài hát của con. Dĩ nhiên là cô biết mỗi chiều anh đều đón con, dù bà Mẫn cố giấu. Nước mắt cô trào bàng hoàng.

– Trúc Quỳnh!

Quân thảng thốt đứng ngây người ra:

– Em đến đây làm gì?

– Em biết ... mỗi chiều anh đều đi gặp con.

– Ừ, buổi chiều anh rảnh và thường đi uống rượu, anh muốn bỏ thói quen đó.

– Em có lỗi với anh.

– Em đừng nói vậy. Thật ra, anh mới là người có lỗi. Anh đi thăm con vì nhớ con chứ không phải muốn giành bé Trúc Đào của em đâu. Em yên tâm.

– Không!

Trúc Quỳnh đi nhanh vào, bất chợt cô ôm choàng lấy Quân:

– Em không trách anh gì cả. Ngày ấy giá như em đợi anh. Nhưng lúc đó em thực sự bấn loạn khi biết mình mang thai, em đã leo lên bàn chuẩn bị cho người ta bỏ giọt máu vừa tượng hình, nhưng rồi em lại hy vọng anh về. Anh tàn nhẫn thật, bặt tăm bặt tích, cuối cùng em đành vớ lấy anh Khải như người chết đuối vớ cái phao.

Quân thở dài, từ từ gỡ tay Trúc Quỳnh:

– Chuyện đã qua, bây giờ em có một mái ấm, anh Khải là người tốt, dù có thể anh ấy không mấy đẹp trai hay nhanh nhẹn tài hoa như người ta, nhưng anh biết anh ấy yêu em hết lòng.

– Yêu em mà làm gì, khi trong lòng em chỉ có cảm khái, đó là người tốt, nhưng mỗi chuyện gì quan trọng, đối đầu với khó khăn cần giải quyết, em là người đứng ra giải quyết. Lấy một người thua mình về học vấn, chỉ có tấm lòng, tấm lòng của anh ấy không đủ cho em hạnh phúc, anh có hiểu không?

Quân cười buồn lùi ra xa:

– Em lấy anh sẽ còn tệ hơn nữa đấy. Anh là cái thằng lông bông, tốt nghiệp ngành xây dựng, không đi làm gì cả. Sống theo cái tùy thích. Em xem căn phòng trọ của anh, chỉ có cái bàn, một cái ghế cho anh làm việc. Còn ngủ thì dưới nền gạch, ăn cơm hộp và nát rượu nữa.

– Anh đâu phải là người vô công rỗi nghề, nếu như anh có một mái ấm, em tin là anh sẽ tạo lập được sự nghiệp.

– Được. Vì con, anh sẽ sống đàng hoàng, để sau này lớn lên nó không tủi có một người tạo nó mà chẳng ra gì. Sau này em không cần bận tâm lo cho anh.

Còn với bé Trúc Đào mỗi chiều rỗi rảnh, anh xin phép được đưa nó đi chơi.

– Anh có thấy như vậy là sống trong đau khổ không? Tại sao chúng mình không vượt qua? Anh Quân, hay là em dẫn bé Trúc Đào cùng anh bỏ Sài Gòn này đi, có được không anh?

Quân sững sờ, anh không ngờ là Trúc Quỳnh đề nghị như thế, anh lúng túng:

– Làm sao cho được hả Quỳnh? Em còn bé Khoa. Còn anh với anh Khải dẫu không là anh em, nhưng cũng như anh em. Không được đâu!

– Anh không còn yêu em nữa sao?

– Yêu hay không còn yêu nữa, cũng không thay đổi được gì hết.

– Anh Quân, đừng từ chối em!

Trúc Quỳnh lại lao vào ôm Quân. Anh cố đẩy cô ra, cô lại càng ôm anh chặt cứng.

– Trúc Quỳnh, buông anh ra!

– Em yêu anh.

Có vật gì đó rơi trên nền gạch. Quân giật mình nhìn ra:

– Bích Hiền!

Bích Hiền cúi nhặt điện thoại lên. Gương mặt cô vừa lạnh lẽo vừa khinh bỉ:

– Tôi đã hiểu tại sao lâu nay anh thành một tên sa đọa nát rượu và tại sao chiều nay anh vui vẻ. Đồ tồi! Tiếc là tôi đã lệch lạc tình cảm, nên quan tâm đến anh. Làm ơn ra nhận điện thoại, tôi không tự ý đi tìm anh vì tình cảm đâu, mà tôi đi trả cái này.

Quân chưa kịp đi ra. Bích Hiền ném điện thoại vào người Quân, may là anh chụp kịp. Vừa trụ người, Bích Hiền quay ngoắt đi. Quân hoảng hốt:

– Bích Hiền, khoan đã!

Bích Hiền đứng lại như chiếc xe hãm phanh:

– Khoan cái gì? Anh sợ tôi đi mách dì Mẫn hay anh Khải Khải à? Yên tâm đi, tôi không phải kẻ hay xen vào chuyện của người khác. Còn anh đừng để tôi khinh bỉ anh hơn nữa.

Bích Hiền bỏ chạy đi. Cô không hiểu sao mình lại tức giận và có cảm giác đau khổ nữa. Đồ tồi, đồ xấu xa, hai kẻ bẩn thỉu, sao hai người có thể đến với nhau mà không kể đạo lý?

– Trúc Quỳnh về đi và đừng bao giờ đến đây nữa!

Quân đứng ngay cửa lời lẽ cương quyết:

– Quỳnh có nghĩ nếu như chuyện đó đến tai anh Khải, mọi chuyện sẽ như thế nào không?

Trúc Quỳnh lắc đầu bướng bỉnh:

– Em không sợ, chúng ta đi với nhau, như thế là xong.

– Quỳnh không sợ, nhưng tôi sợ, mẹ của tôi là mẹ kế của anh Khải. Ba tôi ruồng rẫy mẹ tôi, dối lừa gây đau khổ cho mẹ tôi, dượng Thành và anh Khải mới là những người cho mẹ tôi niềm vui. Nếu không có họ, bao năm nay mẹ tôi sống như thế nào đây? Tôi không thể là người sống giẫm chân lên đạo nghĩa.

– Bây giờ anh vì mẹ anh hơn là vì hạnh phúc của chúng ta?

– Phải. Cả chúng ta cũng không thể nào sống giẫm chân lên đạo lý làm người. Quỳnh đi về đi.

– Em sẽ nói với anh Khải, bé Đào là con của anh và em cũng không hề yêu anh ấy.

Quân kêu lên giận dữ:

– Quỳnh không có quyền phá tan mái ấm đang có, hãy nghĩ đến bé Khoa một chút.

Trúc Quỳnh nấc khóc:

– Vì con, em phải sống một đời không biết như thế nào là tình yêu sao?

– Quỳnh không về, thì tôi đi.

Quân quay người đi ra ngoài, chạy thật nhanh. Anh không thể ở lại, anh sẽ mềm lòng trước những giọt nước mắt của người yêu cũ. Sự mềm lòng của anh sẽ đáng quyền rủa. Lấy điện thoại, Quân bấm số:

– Con là Quân đây! Mẹ hãy đến nhà bảo Trúc Quỳnh đi về giùm con.

Chiều nay Quân không đi gặp bé Trúc Đào, anh hiểu rằng tốt nhất, anh không nên xuất hiện nữa, dễ gây hiểu lầm và gieo hy vọng cho Trúc Quỳnh.

Chọn bàn trong cùng, Quân gọi bia, không phải Bích Hiền mang bia cho anh, mà cô lo phục vụ những bàn khác. Quân vẫy tay:

– Bích Hiền!

Bích Hiền có nghe, song cô làm lơ mà bảo cô bạn:

– Đến xem anh ta cần gì?

Cô phục vụ đến bàn Quân ngồi:

– Anh Quân, cần gì không?

– Không. Gọi cô Bích Hiền giùm.

– Bích Hiền không đến đâu.

– Sao vậy?

– Em không biết, cô ấy nói anh là người xấu, không muốn quen, đến quán thì mang ơn và không đến cũng được.

Quân cười buồn xua tay:

– Thôi được rồi, không cần gì đâu, cô đi làm nhiệm vụ của cô đi.

Quân uống hai lon bia rồi rời quán. Bích Hiền nhìn theo. Một con người đáng khinh, con người không đáng cho cô quen. Nghĩ như thế, song trong lòng cô buồn bực, như mình đánh mất vật gì đó quý giá.

Mười một giờ, Bích Hiền thay quần áo đồng phục ra đi về. Cô còn đang đứng lóng ngóng đợi xe thì ...

– Bích Hiền!

Quân từ phía sau đi ra, anh đứng chặn Bích Hiền lại:

– Ghê tởm tôi lắm phải không?

Bích Hiền mím môi, cố ghìm cơn giận cho đừng bật ra lời lẽ chua ngoa:

– Biết ghê tởm thì dừng lại đi.

– Tôi có tiến đến bao giờ đâu mà bảo dừng?

– Không tiến mà chị ấy đến nhà vào buổi tối. Anh thừa biết chị ấy là ai mà.

– Là ai?

– Anh còn hỏi đố tôi nữa hả? Chị ấy là vợ anh Khải Khải, họ đã có hai mặt con, một đằng là em trai, dẫu cho anh và anh Khải không cùng huyết thống đi nữa, nhưng như thế là loạn luân đó, rõ chưa?

– Rõ. Hiền biết rõ, vậy Hiền có biết chuyện hồi xưa không?

– Chuyện hồi xưa là chuyện gì?

– Tôi và Trúc Quỳnh từng yêu nhau.

– Yêu nhau và bây giờ bất chấp tất cả để đến với nhau à?

– Không phải. Có điều bé Trúc Đào rất đáng yêu, Hiền có công nhận như thế không?

Đang nói chuyện này xọ qua chuyện kia. Bích Hiền trừng mắt:

– Đồ lảng xẹt! Anh đừng nói là yêu con gái xinh đẹp của người ta, rồi muốn kéo mẹ của nó về với anh nghen. Xấu!

– Chưa biết đầu đuôi gì hết sao ham mắng người ta quá vậy hả?

– Mắng mấy người xong, tôi còn không muốn nhìn thấy mấy người nữa kìa.

Con chó chợ còn sạch hơn mấy người nữa kìa.

Quân quát:

– Cô vừa phải thôi nha! Người gì đâu nanh nọc đanh đá chanh thua thấy phát sợ vậy. Cô dám nói tôi bẩn còn hơn con chó chợ, con gái gì ghê gớm vậy hả?

– Tôi ghê gớm như vậy đó, anh là người có học, tại sao tư cách của anh không bằng nửa anh Khải vậy hả?

Quân lắc đầu:

– Tôi có nói cô cũng không hiểu, nhưng những lời của cô, tôi hiểu tôi phải làm sao. Có lẽ tôi lại quay về Thái Lan. Lần này mẹ tôi hiểu tôi, bà sẽ không khóc nữa đâu.

Bích Hiền cau mày, cô thấy mất bình tĩnh trước câu nói của Quân:

– Anh đi Thái Lan nữa?

– Ừ!

– Đi trốn chạy?

– Xem như vậy đi. Đó là cách tốt nhất để cô ấy quay về với gia đình mình, quên tôi.

– Anh là đồ ác độc.

– Nữa! Mới mắng xấu xa, bây giờ mắng ác độc dường như cô không mắng mỏ tôi thì cô khó chịu lắm sao?

– Phải đó.

– Đi biến mất khỏi mắt cô để cô nhìn con chó chợ còn hơn phải nhìn tôi. Bây giờ về chưa?

– Về, tôi đang đợi xe.

– Đi bộ nói chuyện đi.

– Không sợ tôi mắng mỏ lời lẽ khó nghe hay sao?

– Muốn mắng cứ mắng, mai mốt tôi đi, có muốn nghe mắng cũng chẳng ai mắng.

– Bộ thích nghe mắng lắm sao?

– Dĩ nhiên là không. Hiền cô thấy bé Trúc Đào đáng yêu không?

– Có, con bé rất xinh. Nói thật, nếu nó giống anh Khải, nó không xinh đẹp, mà tôi thấy nó rất giống dì Mẫn.

– Vậy à! Vậy tôi có giống mẹ tôi không? Bên nội tôi mắng:

“con trai giống mẹ khó ba đời”. Có lẽ vì họ ghét mẹ tôi đã không tha thứ cho ba tôi và còn đi lấy dượng Thành, đó cũng là nguyên nhân bỏ nhà đi bụi của tôi.

Bích Hiền nhìn sửng Quân dưới ánh điện đường. Quân nói như thế là sao, bé Trúc Đào giống dì Mẫn và Quân giống mẹ mình. Có nghĩa bé Đào cũng giống Quân và bé Đào là ...

– Sao nhìn tôi dữ vậy?

– Tôi đang suy nghĩ một chuyện.

– Đặt dấu hỏi thì đúng hơn phải không? Đừng suy nghĩ, tôi sẽ đi trong nay mai mà.

Quân cười khẽ:

– Rồi ngày mai tôi sẽ đi. Vì sao ai nỡ hỏi làm chi. Để tôi là kẻ qua sa mạc, tạm lánh ngày hè đi qua.

– Anh Quân! Bé Trúc Đào là ... là con của anh?

– Đã bảo đừng suy nghĩ mà.

– Anh nói một chuyện bắt người ta suy nghĩ, sau đó bảo đừng suy nghĩ, người gì đâu kỳ cục vậy?

– Mâu thuẫn quá phải không? Hay là đón xe đi về, tôi đi bộ một mình vậy.

Thọc tay vào túi quần, Quân đi nhanh. Tức mình, Bích Hiền giậm mạnh chân xuống đường và chạy đuổi theo:

– Đồ mâu thuẫn! Anh mới rủ tôi đi bộ, đi mấy bước anh bỏ tôi bảo hãy đón xe, con người gì đâu đáng ghét quá vậy?

Cô quật cái ba lô vải cá nhân vào lưng Quân, anh đứng lại cười:

– Con gái con đứa ... hung dữ. Mai mốt có cưới vợ, tôi sẽ xin chừa ... con gái Bắc.

– Quỷ tha ma bắt anh đi.

Hai người vừa đi vừa chạy quên mất con đường mình đang đi. Con đường dẫn về nhà Bích Hiền, nhà của cô trong hẻm cách nhà Khải Khải năm căn.

Trúc Quỳnh chưa ngủ, bây giờ cô sợ nằm bên Khải Khải, trái tim của cô chỉ toàn hình bóng Quân. Anh từ chối đi xây dựng mái ấm với cô, cô chưa từ bỏ ý định thuyết phục anh đâu.

Chợt, Trúc Quỳnh mở to mắt, cô nghiêng mình ra ban-công cho nhìn rõ hơn.

Quân, anh đi cùng với Bích Hiền. Đây có phải là nguyên nhân khiến anh từ chối lời đề nghị của cô?

Trúc Quỳnh đi vội xuống nhà, mở cửa và lao ra:

– Anh Quân!

Quân giật mình quay lại:

– Trúc Quỳnh!

Một phản ứng thật nhanh mà Quân không dám nghĩ tại sao anh lại làm như thế, anh choàng tay qua vai Bích Hiền và hỏi Trúc Quỳnh:

– Giờ này ... mà chị chưa ngủ sao?

Chị? Mặt mũi Trúc Quỳnh tối sầm. Quân và Bích Hiền, anh ôm Bích Hiền trước mặt cô. Đây là câu trả lời anh dành cho cô. Cô bước đến gần hơn nhìn Bích Hiền:

– Là sao vậy?

Bích Hiền cũng nhanh nhạy hòa đồng vào vở kịch Quân vừa dựng:

– Anh Quân là bạn trai của em. Ngày nào ảnh cũng đến quán của em uống bia, sắp tới ảnh ... rủ em đi Thái Lan nữa đó.

Trúc Quỳnh nhìn Bích Hiền ... tóe lửa:

– Anh Quân, có đúng như vậy không?

– Chị không tin à?

– Không tin.

– Tùy chị.

Quân kéo Bích Hiền vào gần mình hơn và bất chợt anh hôn lên môi Bích Hiền. Bích Hiền ú ớ muốn xô Quân ra. Anh càng ôm chặt cô, đôi môi ấm và mạnh mẽ của anh cuốn lấy môi cô ...

– Đồ xấu xa!

Kéo cả hai ra, Trúc Quỳnh dang tay tát vào mặt Quân một cái, cô khóc òa lên rồi bỏ chạy vào nhà. Quân đứng chết trân. Anh đang làm việc đúng là điên khùng, nhưng anh lại không hối hận chút nào.

– Bích Hiền, xin lỗi.

– Anh đi về đi.

Đến phiên Bích Hiền đi như chạy. Sao cái cảm giác của nụ hôn vẫn còn ấm trên môi cô. Nụ hôn kịch của một màn kịch để đoạn tuyệt quá khứ, chứ không phải là nụ hôn thật lòng đâu, con nhỏ ngốc Bích Hiền.

– Hức hức ... - Trúc Quỳnh gieo mạnh người trên ghế và bật khóc, khóc không kìm nén, không giữ gìn. Tiếng khóc đánh thức Khải Khải, anh trở mình thức giấc:

– Gì vậy Quỳnh, em làm sao vậy?

Khải Khải ngồi bật dậy ngay, anh lo lắng:

– Quỳnh! Em đau làm sao mà khóc vậy?

Làm sao Trúc Quỳnh nói ra được nguyên nhân làm cho cô đau lòng. Đến khóc nấc từng cơn như là chị ai xẻ thịt banh da, cô thực sự đau khổ, nỗi đau do Quân gây ra. Không nghe cô trả lời mà cứ khóc, Khải Khải càng lo lắng hơn nữa, anh quỳ sụp xuống đưa tay xoa bụng cô như ngày đưa cô đi sinh, cô từng đau đớn và khóc như thế.

– Em đau làm sao, hay là anh đưa em đi bệnh viện nghen?

– Không, không cần đi bệnh viện.

– Em đau làm sao phải nói cho anh biết chứ? Em cứ khóc như thế này, anh lo lắm.

– Anh có thể bỏ mặc em và ly dị em được không?

Khải Khải há hốc mồm như người từ trên trời rơi xuống đất:

– Làm sao anh bỏ mặc em cho được? Nhưng tại sao em muốn ly dị?

– Anh hãy ly dị em đi.

Đứng bên ngoài nãy giờ, bà Mẫn tức giận đẩy cửa bước vào:

– Con có thể nói ra những lời như vậy sao Quỳnh? Ly dị, con bỏ bé Khoa?

– Nếu không ly dị, con là người lừa dối anh Khải, con không muốn sống như vậy nữa.

– Dì không bảo con lừa dối Khải Khải, nhưng dì muốn con muốn làm gì cũng phải nghĩ đến hai đứa con của con. Con đã lớn, muốn làm cái gì cũng phải suy nghĩ đến hậu quả chứ.

Bà Mẫn bỏ đi ra ngoài. Khải Khải cứ đứng nhìn ra cửa rồi nhìn Trúc Quỳnh.

Anh không hiểu tại sao Trúc Quỳnh như thế, và dì Mẫn, lần đầu tiên bà xẵng giọng nặng lời với Quỳnh. Là như thế nào vậy?

– Quỳnh! Chuyện gì vậy em hãy nói cho anh nghe đi.

– Bé Trúc Đào ... không phải con của anh.

– Không phải, em đừng có nói bậy! Bé Trúc Đào làm sao không phải là con của anh cho được.

– Nó là con của một người, người ấy không biết em mang thai, nên bỏ đi mịt mù. Ba năm, người ấy quay trở lại, em biết người ấy rất đau khổ, và phải dựng màn kịch yêu đương với cô gái khác. Anh Khải, hãy cho phép em ly hôn đi.

– Vậy còn bé Khoa, em tính sao?

– Nếu anh muốn nuôi bé Khoa, nó mới chính là con anh, em để lại cho anh.

– Em có biết bé Khoa còn nhỏ và đang bú mẹ không?

– Em biết. Nhưng nếu em không sống được với anh ấy, cả đời em sống không còn ý nghĩa gì nữa hết.

Khải Khải té ngồi trên nền gạch lạnh. Lời lẽ của Trúc Quỳnh thật tàn nhẫn, băm nát trái tim anh ra từng mảnh. Nếu không sống với người ấy, cả đời Trúc Quỳnh sống không còn ý nghĩa gì hết. Hóa ra trong trái tim của cô chưa từng có anh. Ngày ấy cô chịu lấy anh ... cuộc hôn nhân vội vã khi anh quen cô chưa quá một tháng. Ôi, anh là thằng ngốc.

Suy nghĩ rồi Khải Khải như phát điên lên, anh mở mạnh cửa chạy xuống nhà và lao ra đường. Tại sao như thế, tại sao lại cư xử nhẫn tâm với tôi. Tại sao?

Chưa bao giờ ông Thành thấy tức giận điên người đến như thế. Không thể nào chấp nhận được một đứa con dâu như Trúc Quỳnh. Quá quắt thật! Còn thằng con trai khờ khạo của ông, lâu nay chỉ biết có vợ và con. Bây giờ đi thì thôi, về nhà là uống rượu, ngủ say vùi.

Ông bưng một thau nước đầy đổ hết vào mặt người Khải Khải:

– Thằng ngu đần, mày cho là uống rượu say về nhà là giải quyết xong công việc. Hãy tỉnh táo mà đối diện với sự thật. Dậy đi.

Khải Khải giật bắn người ngồi dậy ngơ ngác:

– Chuyện gì vậy?

Ông Thành tức giận:

– Mày chịu tỉnh chưa hả, hay là còn muốn say để trốn tránh sự thật?

– Con tỉnh thì giải quyết được gì hả ba? Trúc Quỳnh bỏ con mà đi rồi. Cô ấy muốn ly hôn với con.

– Thì cứ cho nó ly hôn đi, con cần gì thứ đàn bà hư hỏng đó.

– Con muốn Trúc Quỳnh có thời gian suy nghĩ lại. Không ai yêu cô ấy hơn con, cũng chưa bao giờ con xem bé Trúc Đào là người dưng cả. Con phải làm sao đây ba?

Khải Khải khóc, chưa bao giờ ông Thành thấy con trai mình đau khổ và bạc nhược yếu hèn như vậy. Tức giận, ông chụp cây chổi lông gà đánh túi bụi vào người Khải. Khải Khải không chống lại, mà ngồi chịu đựng. Đau lòng, bà Mẫn lao vào giật cây roi trong tay ông:

– Ông muốn đánh cho nó chết hay sao hả?

– Tôi đánh cho tỉnh ra. Bà trả cây roi lại cho tôi.

– Nếu có đánh, ông nên đánh tôi đi. Tôi là người mẹ mà không biết dạy con, lẽ ra tôi bảo Quân nên ở lại luôn bên Thái Lan.

Khải Khải sửng sốt:

– Dì! Dì đâu có lỗi gì trong vụ của con.

Đúng là Khải Khải khờ thật. Anh chỉ biết sang nhà mẹ vợ năn nỉ Trúc Quỳnh. Còn Trúc Quỳnh thì chặt dạ đòi ly hôn. Câu nói của Khải làm cho bà Mẫn khóc vùi. Bà biết khuyên can như thế nào bây giờ. Khải Khải chợt vùng dậy:

– Con đi tìm Trúc Quỳnh đây.

Không để cho ai kịp ngăn mình, Khải lao ra đường. Ông Thành chán nản gieo người xuống ghế.

– Nó điên mất rồi.

Bà Mẫn nghẹn ngào:

– Quân đòi đi Thái Lan. Tôi biết lần này nó đi là sẽ không về nữa. Thôi, tôi cũng đành để nó đi.

– Nó đi Thái Lan giải quyết được cái gì hả?

– Ít ra thời gian nào đó Trúc Quỳnh thấy nó sai, sẽ quay về.

– Loại đàn bà này tôi không cần nó quay về. Sống gian dối hai mặt.

Hai người già cùng bế tắc, khi mà tất cả đều như điên vì tình.

Trúc Quỳnh đi tìm Quân, cô nói miên man:

– Em biết anh không thể nào đi với Bích Hiền, làm sao anh yêu nhanh chóng như thế. Anh muốn em sống với anh Khải. Thà anh đừng trở về, em cứ sống một đời an phận. Nhưng anh trở về, em không thể nào làm vợ tốt của anh Khải được nữa. Chúng ta hãy đi với nhau, ba người chúng ta:

bé Trúc Đào, anh và em đi xa, đến một nơi không ai biết mình, em và anh chắc chắn sẽ hạnh phúc.

– Em đừng có nói nữa! - Quân hét lên - Em có biết là chúng ta không thể nào trở lại với nhau. Em hãy quay về nhà và lo cho các con đi.

– Tại sao không thể trở lại với nhau? Ngày nào anh cũng đến trường đón bé Đào. Nó giống anh, ai cũng nhìn thấy mà.

– Giống anh thì sao? Anh đã hết yêu em rồi, em hãy nhìn vào một sự thật như thế.

– Không phải, anh nói dối! Anh vẫn còn yêu em.

– Em quá chủ quan. Người anh yêu bây giờ là Bích Hiền, nay mai ổn định, anh sẽ cưới cô ấy.

– Anh nói láo.

– Em tin hay không là quyền của em. Anh xin em đừng có đi tìm anh và làm ... phiền anh nữa.

– Em làm phiền anh?

Toàn thân Trúc Quỳnh run lên bởi lời nói tàn nhẫn:

– Anh không còn yêu em nữa?

– Phải. Em đã là vợ của anh Khải. Em muốn biến anh là loại người xấu xa, đi phá hoại hạnh phúc của anh mình hay sao?

Trúc Quỳnh lùi lại. Từng lời nói khiến trái tim cô tan nát. Sao cô không chịu tỉnh lại, giữa cô và Quân mọi thứ đã chấm hết sao? Không thể nào. Cô lắc đầu nguầy nguậy:

– Em sẽ nói anh Khải ly hôn mà, chúng mình không có tội lỗi gì cả khi yêu nhau.

Quân bịt kín hai tai, tim anh đau như xé. Anh có muốn làm Trúc Quỳnh đau khổ đâu, nhưng tại sao cô không bình tâm để hiểu lý lẽ. Đúng là anh còn yêu cô, nhưng trở lại thì không thể nào.

– Em đi về đi Quỳnh. Anh xin em ... anh van em đấy.

Từ ngoài cửa, nãy giờ Bích Hiền đã đến. Cô không thể nào đứng ngoài cuộc nữa, mà phải cứu nguy cho Quân. Cô bước vào, không quên giậm mạnh chân lên nền gạch và tằng hắng.

– E hèm ...

Quân mở mắt ra, chưa kịp phản ứng, Bích Hiền lôi anh ra xa, cô gắt:

– Anh hứa với em làm sao anh Quân?

Quân há hốc mồm:

– Anh hứa?

– Sao anh mau quên quá vậy? Chúng mình sẽ cưới nhau, anh từng nói như vậy có đúng không?

Quân gật đầu lia lịa:

– Có có.

– Là anh nói đó nghen.

Quay sang Trúc Quỳnh, Bích Hiền giở giọng chanh chua:

– Chị nghe anh Quân nói là anh ấy sẽ cưới tôi không?

– Không đúng. Hai người chỉ đóng kịch.

– Vậy là chị không tin. Anh Quân, một lần nữa, anh có dám hôn em trước mặt chị Trúc Quỳnh không?

Quân đáp yếu xìu:

– Có.

– Vậy thì hôn em đi.

Bích Hiền choàng tay lên cổ Quân. Mặt cô áp sát vào mặt anh, mắt ra hiệu cho anh. “Em giúp anh thì hãy đóng kịch cho giỏi đi”. Hiểu ý, Quân ôm lấy Bích Hiền và hôn cô. Nụ hôn thật lâu. Trúc Quỳnh hét lên:

– Đừng có đóng kịch nữa!

Mặc! Bích Hiền ôm cứng Quân, cô chủ động hôn anh. Trúc Quỳnh kéo mạnh Quân ra:

– Anh Quân! Anh ...

Bích Hiền kéo Quân về phía mình, cô đứng giữa hai người.

– Chị thấy chúng tôi hôn nhau nóng bỏng chứ? Người đàn ông có thể nào họ yêu một lúc hai ba người phụ nữ? Chị hãy động não một chút, nếu yêu chị thật sự, anh Quân không bỏ chị đi biền biệt. Anh ta từng sống sa đọa ở Thái Lan, quên chị mất rồi. Sao chị vẫn ảo tưởng là anh Quân còn yêu chị?

– Vậy còn cô, biết anh Quân có nhiều phụ nữ, sao còn muốn yêu và lấy anh ấy?

– Yêu anh ấy, tôi yêu cái tốt lẫn cái xấu, tôi không quan trọng dĩ vãng anh ấy từng với ai, mà quan trọng hiện tại anh ấy yêu tôi và là của tôi. Chị nghe rõ chưa?

Trái tim Trúc Quỳnh tan nát. Quân không còn yêu cô nữa, anh từng bỏ bê cô, chung chạ nhiều phụ nữ và bây giờ anh còn hôn một cô gái khác trước mặt cô.

Không ồn ào la hét nữa, Trúc Quỳnh quay lưng đi, Quân lo lắng toan đuổi theo, Bích Hiền níu áo anh lại:

– Anh đi đâu?

– Anh đuổi theo cô ấy. Anh sợ cô ấy tuyệt vọng làm chuyện bậy bạ.

– Anh không được đi. Nếu như anh đi theo chị ấy, những gì em muốn giúp anh sẽ như mang đi đổ sông đổ biển hết.

– Nhưng ...

– Em sẽ đi theo chị ấy, được chưa?

Bích Hiền đuổi theo Trúc Quỳnh. Trúc Quỳnh đi lang thang, nhưng bước chân vô hồn đau khổ.

Mặc luồng gió lạnh, mặc mưa to.

Đánh vào thân thể run như sậy ...

Nhưng Trúc Quỳnh rẽ về nhà, người đón cô đầu tiên là bé Trúc Đào:

– Mẹ ơi! Em Khoa khóc, em hổng chịu uống sữa.

Lúc này Trúc Quỳnh mới như sực nhớ đến con. Cô vội đi vào, bế con lên, cô hôn lên gương mặt con. Hãy tha lỗi cho mẹ. Nước mắt cô chan hòa với nước mắt con. Bé Khoa vừa bú vừa thỉnh thoảng “hức hức” lên như tủi thân.

Ngoài đường, Bích Hiền lặng lẽ quay bước. Tay cô bất chợt đặt lên môi, đây là lần thứ hai cô và Quân hôn nhau, chắc chắn là Quân như một cái máy, nụ hôn không có mảy may xúc cảm. Nhưng còn cô, Bích Hiền không phủ nhận cô đã hôn. Quân bằng cảm xúc.

– Mình lại đi yêu anh chàng hư hỏng này sao? Mày điên rồi Hiền ơi!

Vừa trông thấy Bích Hiền là Quân vội lao ra:

– Cô ấy sao rồi?

– Đã về nhà.

Quân thở phào:

– Cám ơn em. Anh chỉ sợ cô ấy làm chuyện dại dột, nhưng không biết có chịu tin không nữa, có lẽ anh nên đi Thái.

– Tại sao cứ muốn đi không vậy? Có khi nào anh nghĩ việc chạy trốn của anh không làm cho chị ấy cư xử như ngày xưa, là trở về với anh Khải, mà chỉ sẽ ... ly hôn và chờ anh về.

Quân sững sờ ấp úng:

– Không thể nào.

– Tại sao không thể, có chuyện gì mà không thể xảy ra?

– Vậy nên làm sao?

– Cái này tự anh giải quyết, em không phải nhà quân sư có thể giúp anh giải quyết ổn thỏa.

– Cô ấy sẽ chờ anh. Còn anh, dù cho cô ấy có chờ anh cả đời, anh cũng không thể nào giẫm lên đạo nghĩa sống với cô ấy.

– Em tán thành câu nói của anh.

Quân chỉ nghĩ được đến đây là tắt tịt, còn phải làm sao thì anh không biết phải làm sao. Chợt vỗ mạnh trán, Quân kêu lên một tiếng làm Bích Hiền giật thót cả người, cô quát lại anh:

– Gì vậy, ai yếu tim chắc bị anh làm giật mình chết quá.

– Im im, nghe anh nói!

– Thì nói đi!

– Em phải hứa là ... giúp anh và không được chửi mắng anh, giúp thì phải giúp cho trót có đúng không?

– Nói đi, đừng có rào đón nữa!

– Không được mắng anh nghen?

– Ừ. Hứa đó.

– Tụi mình ... đám cưới đi.

– Cái gì?

Bích Hiền nhảy nhổm:

– Anh nói điên gì vậy, có tin là em đánh anh một cái vỡ cả xương quai hàm không hả?

– Nữa rồi! Cái tật hung dữ không bỏ, mới “ừ” hứa đó là đã muốn giở giọng “bà chằn”.

Bích Hiền trừng mắt:

– Anh nói như vậy mà bảo em ngồi yên, anh có biết hôn nhân là chuyện đại sự, quan trọng như sinh và tử không?

– Biết! Cứu nguy cứu khổ đi.

– Cứu nguy cứu khổ kiểu này, em làm không được. Anh đâu có yêu em, mà em ... cũng đâu có yêu anh.

– Hôn anh như vậy mà bảo là không yêu sao?

– Vậy tim của anh, ngăn nào dành cho em hả?

– Chưa, nhưng mà anh sẽ ... cố gắng.

Bích Hiền lườm Quân:

– Yêu mà phải cố gắng?

– Nếu như vậy, anh chỉ còn mỗi cách là đi Thái Lan và không bao giờ trở về.

Cách giải quyết này cũng vô trách nhiệm, nhưng còn cách nào để Trúc Quỳnh trở về với anh Khải đây.

Quân sẽ đi Thái Lan, Bích Hiền biết Quân sẽ đi, dù lòng anh không muốn rời xa mảnh đất quê hương chút nào hết, và còn cô khi không còn nhìn thấy anh, ngày ngày “đấu khẩu” với anh, cô sẽ buồn chết đi được, cuộc đời sẽ “hiu quạnh” biết là chừng nào.

Cô hất mặt nhìn anh:

– Anh đề nghị thì cũng phải để em suy nghĩ chứ, có đâu mà như kề dao vào cổ. Bắt người ta phải ừ liền ngay tại chỗ vậy?

– Em suy nghĩ trong bao lâu?

– Nửa tháng.

– Gì dữ vậy?

– Chuyện đại sự phải có thời gian chứ. Muốn lợi cho anh, thì em cũng phải nghĩ lợi cho em chứ.

Bích Hiền nhấn mạnh hai chữ “đại sự” khiến Quân đành chỉ biết nhìn cô.

Anh và cô đang nói chuyện đại sự chuyện quan trọng đời người, mà giữa cả hai không hề có tình yêu, chẳng phải thiệt thòi cho cô.

Quân cười gượng:

– Chỉ cần anh Khải và Trúc Quỳnh hòa thuận, anh sẽ không dám làm phiền em nữa.

Bích Hiền vờ đi ra cửa nhìn ra đường. Kỳ thật có một cái gì đó thật buồn và như nghèn nghẹn dâng trong lòng cô. Đồ đáng ghét, anh đã và đang làm phiền tôi nhiều rồi đó.

– Con sẽ cưới Bích Hiền. Bà Mẫn lo lắng nhìn Quân:

– Con có thật lòng yêu nó không mà cưới? Đừng có làm khổ con gái người ta nghen con.

– Mẹ không cần lo cho con mà. Mẹ không muốn cưới Bích Hiền, hay là con đi Thái Lan nhé?

Quân biết chuyện mình dọa đi Thái Lan, là mẹ không nhúng tay vào nữa. Và quả thật bà Mẫn dịu lại:

– Mẹ sợ con làm khổ Bích Hiền. Đó là đứa con gái tốt, nhà nghèo, sống với dì. Dì của nó cũng đông con, nó ngoan hiền, dịu dàng ...

Suýt chút nữa là Quân cười phá lên. Bích Hiền mà dịu dàng ngoan hiền chắc anh đi bằng đầu gối, chứ không đi bằng hai chân. Nhưng thôi, cô giúp anh vô vụ lợi, vô điều kiện kia mà. Suy cho cùng cô đang là “người ơn” của anh. Quân đưa hai tay lên đầu:

– Mẹ khen Bích Hiền, vậy con là đứa xấu lắm hay sao?

– Không ai rõ con hơn mẹ, cho nên mẹ nhắc nhở con thôi. Con mà làm khổ nó, mẹ từ con luôn.

– Được rồi, con hứa.

Quân lấy trong túi quần ra xấp tiền.

– Mẹ cầm lấy mua nữ trang và những gì cần lo cho đám cưới, mẹ giúp giùm con.

– Ở đâu mà con có nhiều tiền vậy?

– Con bán ... mà có nói mẹ cũng không hiểu đâu, mẹ nên biết đây là đồng tiền lương thiện, con bán công trình nghiên cứu phần mềm của con, mẹ tin chưa?

– Mẹ tin. Nhưng nếu con cần tiền, con có thể ... gọi điện thoại xin ba con.

Quân gạt ngang:

– Bao nhiêu đây đủ rồi.

– Con định ngày nào cưới?

– Mười tám đi, có được không mẹ?

– Mười tám là sao?

– Hôm nay ngày mười, mười tám cưới, còn tám ngày nữa.

– Con lấy vợ gì như chạy giặc thế?

– Không phải chạy giặc sao mẹ? Con muốn đâu đó cho rạch ròi, Trúc Quỳnh quay về với anh Khải. Giữa con và anh Khải, con không muốn xảy ra chuyện gì ảnh hưởng đến mẹ và dượng.

– Mẹ hiểu rồi.

– Con đi về đây. Có chuyện gì mẹ hãy gọi điện thoại cho con.

Quân vừa đứng lên, một bóng đen lao vào anh và Khải Khải chưa kịp nói đã vung tay đấm thẳng vào mặt Quân:

– Thằng khốn nạn!

Quân tránh được cú đấm. Anh khóa hai tay Khải Khải lại:

– Em chưa bao giờ làm chuyện gì có lỗi với anh cả. Nếu có chăng là trong quá khứ, em với Trúc Quỳnh đã có lúc lỡ lầm vượt qua vòng lễ giáo. Em sẽ cưới Bích Hiền. Còn anh, anh hãy mở rộng lòng và chinh phục Trúc Quỳnh.

Khải Khải cau mày:

– Chú cưới Bích Hiền?

– Phải.

– Có yêu người ta không mà cưới, hay là lại làm khổ người ta?

– Anh hỏi em như mẹ, sao không ai tin em vậy? Nhưng mà thôi, em cần Bích Hiền tin em thôi. Còn anh nên về lo cho gia đình của anh đi.

Quân đẩy Khải Khải ra, quay sang bà Mẫn:

– Mẹ về chuẩn bị sính lễ cưới giùm con. Ngày mai, con và mẹ cùng sang nhà gặp dì của Hiền, nghen mẹ.

Quân bỏ đi. Khải Khải nhìn bà Mẫn:

– Có thật không dì?

– Có. Nó đưa tiền cho dì nè.

Khải Khải đi nhanh ra xe. Lúc này con người anh không còn điềm đạm nữa, mà cứ như giẫm phải lửa nóng. Anh xộc vào nhà Trúc Quỳnh, gặp thằng Giang, anh đi luôn vào:

– Anh muốn gặp chị em.

– Ba!

Nghe tiếng Khải Khải, bé Trúc Đào chạy nhanh ra, nó hét to tiếng “ba” và ôm choàng Khải Khải:

– Ba rước con với em Khoa về nhà nội hả ba?

– Ừ, mẹ của con đâu?

– Mẹ đang dỗ em Khoa.

– Con ra chơi với cậu Giang, ba nói chuyện với mẹ một chút nhé.

– Dạ.

Khải Khải bước ngập ngừng vào phòng, Trúc Quỳnh vẫn ngồi bên nôi con, gương mặt cô không một phản ứng, người cô mong là Quân chứ không phải Khải.

Khải Khải bước đến nôi con, anh đưa tay bế nó lên:

– Con trai của ba, con có ngoan không nào?

Mắt bé Khoa tròn xoe nhìn Khải rồi nhoẻn nụ cười phô hai cái nướu đỏ hồng. Xúc động, Khải hôn con:

– Mình về nhà nghen Quỳnh, bé Trúc Đào nhớ ông bà nội của nó.

Trúc Quỳnh lắc đầu:

– Em không về đâu.

– Tại sao vậy, em còn mong Quân đi tìm em hay sao?

– Mẹ anh ấy là vợ của ba anh, em biết vì chuyện khó xử này mà anh Quân có muốn quay lại với em cũng khó. Song em tin là tình yêu sẽ trên hết, anh Quân sẽ đi tìm em.

Khải Khải giận dữ:

– Em nghĩ là Quân đi tìm em? Em đúng là quá ảo tưởng, sống trên mây. Anh cho em biết Quân sắp cưới vợ.

– Trúc Quỳnh bật dậy:

– Anh nói láo, làm sao anh Quân cưới vợ được?

– Quân cưới Bích Hiền, hai đứa nó gặp nhau là gây nhau, nhưng giờ là phải lòng nhau, sẽ cưới nhau, em nghe chưa? Ngày mai, ba của anh và dì Mẫn sang nhà dì Bích Hiền bàn chuyện cưới hỏi.

Trúc Quỳnh gào lên, cô bưng hai tai:

– Không thể nào, anh nói dối.

– Cho đến khi nào thì em mới chịu tỉnh lại? Em đừng thử thách lòng kiên nhẫn của anh, lòng kiên nhẫn và độ lượng của anh chỉ có giới hạn nào đó.

– Anh không cần kiên nhẫn, cũng không cần tha thứ cho em. Em từng dối gạt anh và bây giờ trái tim của em cũng không có chút nào dành cho anh. Anh hãy bỏ em đi.

– Làm sao anh bỏ em khi em là mẹ của con trai anh, con cần em và anh cần em.

Khải Khải cố thuyết phục Trúc Quỳnh. Anh ôm cô vào lòng và hôn lên má cô. Trúc Quỳnh nguẫy người tránh nụ hôn của Khải.

– Anh buông em ra đi!

– Anh yêu em mà Trúc Quỳnh.

– Anh làm gì vậy anh Khải? Có hai đứa nhỏ mà anh làm gì vậy?

Khải Khải quay lại bảo bé Đào:

– Bé Đào! Con đẩy xe của em Khoa ra ngoài chơi đi.

Bé Đào “dạ” một tiếng. Nó ngoan ngoãn đẩy xe của bé Khoa ra cửa, không quên vừa nựng em trai vừa nói đả đớt:

– Chị đẩy em ra ngoài chơi, Khoa há.

Con bé vừa đi ra là Khải Khải đóng sầm cửa lại. Trúc Quỳnh lùi lại:

– Anh muốn gì, Khải Khải?

– Anh là chồng của em, tại sao em hỏi anh muốn gì? Em bế con về nhà mẹ ruột ở, em nói vào mặt anh, em còn yêu Quân, em có bao giờ nghĩ đến cảm giác của anh không? Ba năm nay anh đã làm lỗi lầm gì với em?

– Đúng là anh không có lỗi với em, chỉ có em là có lỗi với anh.

– Vậy thì em hãy nói là anh tha thứ cho em.

– Vâng, em nói. Nhưng em không thể lừa dối anh, là ba năm nay em đã rất cố gắng làm tròn bổn phận làm mẹ, em đã rất cố gắng.

– Vậy thì chúng ta sẽ làm lại hết, nghen em.

Khải Khải bước tới, anh ôm choàng lấy Trúc Quỳnh và bế cô lại giường.

Hiểu là Khải Khải muốn gì, Trúc Quỳnh vùng dậy, cô nhảy xuống giường:

– Anh đừng ép em.

– Chồng muốn vợ là ép em hay sao?

– Em không thể nào chiều theo ý anh được, em xin lỗi.

– Anh không cần em xin lỗi anh. Ba năm nay em là vợ anh và sau này nữa, em cũng sẽ là vợ anh không có gì thay đổi hết. Em không muốn về nhà ba, vì ngại gặp Quân thì anh bảo nó không được về nữa.

– Anh đừng ép em mà. Hãy cho em một thời gian để em bình bĩnh lại.

Khải Khải lầm lì tiến tới, còn Trúc Quỳnh cứ thụt lùi, cho đến khi cô không còn lùi được nữa, đành đứng lại. Khải Khải ôm choàng lấy cô, anh hôn cô.

Một sự ghê tởm chợt dấy lên trong lòng Trúc Quỳnh. Cô vùng mạnh người:

– Anh đừng ép em.

Khải Khải cởi áo Trúc Quỳnh. Trúc Quỳnh mím môi, cô chụp lấy cái điện thoại và đánh mạnh vào mặt Khải.

– Ối!

Khải buông Trúc Quỳnh ra ôm lấy mặt. Cú đánh mạnh tối tăm mặt mày, và chỉ đợi có như vậy, Trúc Quỳnh chạy ngay lại cửa, kéo cửa chạy thoát ra ngoài.

Khải Khải xoa lên mặt, lòng anh bức bối và giận dữ. Anh bước ra ngoài. Chỉ có bé Trúc Đào, con bé nhìn Khải Khải:

– Mặt ba làm sao vậy?

– Đâu có sao.

– Mình về nhà hả ba?

– Ừ, ở đây đâu phải nhà của con.

Anh đã hết kiên nhẫn để tha thứ cho Trúc Quỳnh nữa rồi. Anh cố gắng giữ sợi dây cho đừng căng đứt. Nhưng chính Trúc Quỳnh lại là người giật đứt sợi dây. Để cho cô sống theo ý của cô đi. Ôm con, mà phải cố gắng lắm, Khải Khải mới không khóc, nước mắt đau khổ của anh ướt mi.

– Ba ơi! Sao ba khóc vậy?

– Ba đâu có khóc. Tại ... bụi rơi vào mắt ba.

– Con thổi bụi cho ba nghen.

Hai bàn tay nhỏ xíu áp vào hai má Khải Khải. Bé Trúc Đào thổi mạnh vào mắt Khải:

– Còn bụi nữa không ba?

Đau lòng, Khải ôm choàng bé Trúc Đào, thổn thức:

– Bé Đào này! Con thương ba nhiều hay thương mẹ nhiều?

– Con thương ba nhiều hơn, ba đi lái xe cực khổ.

– Ôi! Con của tôi.

Lời nói của con, tuy nó không phải là máu thịt của anh, nhưng lại khiến anh ấm lòng. Hãy mặc cho ai tệ bạc, anh phải sống vì những đứa con của mình.

– Dì Mẫn! Trúc Quỳnh lao vào nhà. Bà Mẫn vui mừng:

– Con về nhà rồi hả, còn hai đứa nhỏ đâu?

– Không, con không mang nó về. Con muốn hỏi dì, có phải anh Quân sắp cưới Bích Hiền?

– Phải. Năm nay nó cũng hai sáu hai bảy rồi, cũng nên cưới vợ và tạo lập sự nghiệp chứ?

– Dì tán thành?

– Bích Hiền là đứa tốt.

– Vậy còn bé Trúc Đào?

– Con không nuôi nó thì giao cho dì. Con đã là vợ Khải Khải, con phải hiểu có những việc không phải con muốn quay đầu là được. Thật ra, Khải Khải là người đàn ông rộng lượng, biết Trúc Đào không phải con của nó, nó vẫn yêu thương bé Đào, con còn muốn gì nữa hả Quỳnh?

Trúc Quỳnh đau khổ bưng mặt:

– Con hiểu rõ một điều, con chưa bao giờ yêu anh Khải. Con yêu anh Quân.

Khi anh Quân trở về, con hiểu là trong trái tim của con không có hình bóng anh Khải.

– Con chỉ nghĩ cho con. Con muốn sống với Quân, song con có nghĩ Quân không còn tình cảm với con nữa, cho nên nó đi cưới vợ.

– Hóa ra, vì con mà anh Quân gấp gáp cưới vợ?

– Cũng không hẳn như vậy. Nếu Quân không cưới vợ, nó cũng không bao giờ trở lại với con, con hãy bằng lòng với cái mình đang có.

– Bằng lòng với cái mình đang có?

– Phải. Dì mong con hiểu một điều, người phụ nữ khi đã có chồng, hãy sống cho con cái và cho người là chồng mình.

Mãi nói chuyện, không ai hay Khải Khải đã về. Anh ôm con đứng chết lặng nơi ngạch cửa. “Trong trái tim của con chưa bao giờ có hình bóng anh Khải”.

Tàn nhẫn! Chút hy vọng mong manh vá víu lại mái ấm đã tan tành trong tim Khải. Anh nên ly hôn trả tự do cho Trúc Quỳnh. Còn những đứa con ... Tim Khải tan nát. Hai con bé nhỏ của ba, ba phải làm sao đây?

Khải Khải quay ngược ra xe, mặc cho bé Trúc Đào kêu lên:

– Ba ơi! Sao mình không vào nhà hả ba?

– Con muốn vào nhà?

– Dạ.

– Vậy con vào nhà đi.

Khải Khải mở cửa xe bế bé Trúc Đào xuống. Còn phần thằng Khoa, anh vẫn để nó nằm trong nôi nhỏ và cho xe de lùi ra, lái đi.

– Ba ơi! Ba đi đâu vậy?

Không có câu trả lời. Xe của Khải Khải phóng vù đi.

– Bé Đào! Ai đưa con về nhà?

– Ba. Ba bế con xuống xe. Xong, ba lái xe đi mất. Ba đi đâu vậy hả mẹ?

Khải Khải đi đâu? Lẽ nào anh đã nghe những lời của cô nói với dì Mẫn? Có thể nên anh bỏ đi, nhưng Khải Khải đi mà mang theo cả bé Khoa. Lần đầu tiên, Trúc Quỳnh chợt tỉnh cơn mê, cơn mê muội làm cho cô lú lẫn, lúc nào cũng sống cho quá khứ tình yêu ngọt ngào, quên người đàn ông bên cô và cho tất cả cuộc đời của anh.

Trúc Quỳnh chạy ra đường:

– Anh Khải ơi! Trả con lại cho em ...

Khải Khải không về thật, suốt một đêm và cả ngày hôm sau ...

– Cô đừng có khóc hay ngồi chờ như ma ám ở nhà của tôi nữa. Chính cô đã làm cho đất bằng dậy sóng. Hãy ra khỏi nhà tôi. Khải Khải không về nữa, cô đừng có hòng về nhà này nữa.

Ông Thành xô đùa Trúc Quỳnh, cô con dâu mà ngày nào ông quý trọng, hôm nay ông chỉ muốn đập cho cô một trận nên thân.

Trúc Quỳnh quỳ bên ngoài cánh cổng. Vâng, chính cô đã làm hạnh phúc ấm êm tan vỡ, chỉ mong là Khải Khải quay về.

Ngày thứ tư Khải Khải vẫn không quay về. Quân đi tìm khắp nơi, trên các nẻo đường và cả bệnh viện. Không có. Khải Khải đi đâu?

– Em nghĩ giùm anh xem, anh Khải đi đâu, Bích Hiền? Em thân với anh Khải hơn anh mà.

Chịu. Bích Hiền đi đến nhà người quen đủ mặt hết, ở đâu cô cũng nhận được cái lắc đầu. Không có. Khải Khải ít nói, sống khép kín, phản ứng chậm chạp, vậy có khi nào đi ... tự tử. Nếu đi tự tử, anh là thứ đồ ngốc nhất trên đời. Bé Khoa còn nhỏ, sao anh nỡ nhẫn tâm mang nó đi xa mẹ?

– Ngày nào mày cũng đi là sao vậy Hiền, vậy còn chuyện mẹ Quân sang xin hỏi cưới thì sao?

Dì Hòa bực mình hỏi Hiền, cô nhăn mặt:

– Dì à! Bên nhà anh Quân đang gặp chuyện, anh Khải bế thằng Khoa đi mất tiêu, bên nhà ảnh đang lo, nên chuyện đám cưới phải hoãn lại.

– Gì thì gì, đánh tiếng hỏi cưới con gái người ta rồi không đi cưới, mai mốt ai dám cưới mày?

– Có sao đâu dì ơi.

– Mày không sao, nhưng tao và dượng của mày thì có sao đó. Còn cả đàn em mày nữa kìa, đừng có làm con chim đầu đàn mang xui xẻo đến cho những đứa em của mày, phụ bạc công ơn nuôi dưỡng của tao và dượng mày.

Bích Hiền bắt đầu sợ đối diện với dì, chuyện nhà Quân rối rắm, cô rối rắm theo anh. Nhưng suy cho cùng, cô kết hôn với Quân là để “cứu nguy” cho anh.

Bây giờ có lẽ không cần cứu nguy nữa. Và muốn hay không thì Trúc Quỳnh cũng tỉnh cơn mê muội chết người.

Khải Khải! Anh đang ở đâu, hãy về nhà cứu vãn lại hạnh phúc gia đình. Hãy lần nữa mở rộng tấm lòng được không anh?

Nhưng Khải Khải không về nữa ...

– Bây giờ con đã tỉnh ngộ rồi phải không? Mẹ nói rồi, cái kẻ con gọi là dì, là con hồ ly, bộ mặt đạo đức giả, nó và ba con là bạn, nhưng bây giờ nó là cái gì, con thì một cũng dì, hai cũng dì.

Bà Lệ Quyên cười chua chát:

– Còn con của nó, cái đứa con trai đó ăn ốc bắt con đổ vỏ, con nhớ chưa?

Bà Lệ Quyên biết cách kích động vào lòng thù hằn của Khải Khải:

– Vì con đàn bà đó mà mẹ và ba con ly hôn, bây giờ con của nó lại phá hoại hạnh phúc của con, mẹ không cho phép con về nhà đó nữa. Cháu nội của mẹ, mẹ sẽ nuôi nó. Mẹ con chúng ta đùm bọc nhau.

Khải Khải ngồi ôm con, thằng Khoa cựa mình khóc, anh vẫn ngồi yên. Bà Lệ Quyên gạt tay Khải để bế nó:

– Con giấu biệt con của con đi, đó là sự trừng phạt, nó không thể nào vui vẻ được bên tình nhân của nó.

“Bên tình nhân của nó” ... Tim Khải Khải thắt lại đau đớn. Anh quá khờ khạo, cưới một cô vợ mang thai với người đàn ông khác mà vẫn tưởng là con mình. Vậy mà Trúc Quỳnh có nghĩ đến tấm lòng vị tha của anh đâu. Cô tàn nhẫn hắt vào mặt anh bằng lời lẽ độc ác, từ chối quan hệ vợ chồng. Trúc Quỳnh ơi, anh hận em, anh sẽ làm cho em đau đớn như là anh đang đau đớn vậy.

Thằng Khoa khóc nằng nặc, nó đòi mẹ, bà Lệ Quyên đẩy nó cho người làm:

– Dỗ cho nó nín đi! Tao không thương nó được, nhưng tao cần giữ nó ở đây trừng phạt con đàn bà hư hỏng đó.

Quay sang Khải Khải, bà Lệ Quyên vỗ về:

– Con đừng buồn. Tạm thời con cứ nghỉ ngơi không cần làm gì hết. Rồi mẹ sẽ giới thiệu cho con một người, bà ấy sẽ giúp đỡ con.

Khải Khải ngả người ra sau, mắt nhắm lại. Anh hận Trúc Quỳnh và Quân.

Quân là cái kẻ không đội trời chung với anh, có một ngày, anh sẽ trở về, một sự trừng phạt đích đáng sẽ dành cho họ.

Còn bà Mẫn nữa, xưa nay anh đối xử như bát nước đầy, nhưng bà ta mới đích thị là con hồ ly, phá hoại mái ấm nhà anh. Tất cả những kẻ thù của tôi, hãy chờ đó, Khải Khải sẽ là một con người hoàn toàn khác, không còn là gã ngu khờ dại dột nữa.

Một năm sau ...

– Khải Khải! Anh vào đây.

Tuyết Cầm đi ra gọi Khải, Khải Khải lầm lì đi vào:

– Bà chủ dặn tôi chuyện gì? Hay là bà muốn đi đâu để tôi chuẩn bị xe?

Tuyết Cầm nhăn mặt:

– Sao anh cứ một bà chủ, hai bà chủ vậy hả? Bộ tôi già lắm sao.

– Dạ, đâu có. Bà còn trẻ lắm chứ. Nhưng bà là bà chủ của tôi, tôi phải gọi bằng bà.

– Gọi tôi là cô thôi. Anh bước qua cửa này, tôi nhờ cái coi, làm gì mà anh né dữ vậy?

– Dạ.

Khải Khải vừa bước qua cánh cửa. Anh đỏ mặt vì Tuyết Cầm mặc quần áo lót, lưng quay lại, chiếc áo ngực không gài dây. Tuyết Cầm nói như ra lệnh:

– Anh gài dây áo giùm tôi coi.

– Dạ.

Toàn thân Khải ớn lạnh, anh không ngờ Tuyết Cầm lại nhờ anh cái việc kỳ cục.

– Mau lên đi Khải, làm gì đứng đó!

Khải Khải lại “dạ” nữa, hai tay anh run rẩy cầm hai mép áo cố móc lại, nhưng run quá thành ra gài không vào.

– Anh làm sao vậy?

Bất chợt Tuyết Cầm quay phắt lại, chiếc áo che phần ngực rơi xuống chân, còn lại trước mặt Khải Khải là con người trần trụi. Khải Khải đỏ mặt lùi ra sau, Tuyết Cầm tinh nghịch:

– Thế nào, tôi có đẹp không?

– Đẹp ...

– Anh không biết cách khen phụ nữ, lấy lòng họ hay sao, gì mà cộc lốc một tiếng “đẹp” như thế chứ?

– Tôi ...

Khải Khải còn đang lúng túng, Tuyết Cầm kéo anh lại, vòng tay lên cổ anh lả lơi:

– Đã có hai con mà còn ngốc như thế hay sao? Hèn nào anh chẳng bị gạt sao được. Tôi không gạt anh đâu. Con tôi đã lớn, chúng ở riêng và bây giờ là ... tôi thích anh.

Tuyết Cầm giật tung cúc áo chiếc áo sơ mi Khải Khải đang mặc, mắt cô sáng lên trước thân hình vạm vỡ của Khải. Cô đưa tay vuốt ve lên vòm ngực nở nang rám nắng.

– Cô Tuyết Cầm, tôi ...

– Anh cũng nói là anh thích tôi đi, tôi rất phóng khoáng, thích thì nói thích và khi nào không thích nữa là chia tay, không ai ràng buộc ai.

Kéo Khải Khải sát vào mình hơn, Tuyết Cầm chủ động hôn anh, Khải Khải đờ người ra, một sự cám dỗ chết người và anh không muốn từ chối. Anh nhớ ngày nào Trúc Quỳnh từ chối anh, lòng căm giận của anh lúc này bùng lên, trả thù ...

Chưa bao giờ Bích Hiền và bé Trúc Đào lại tâm đầu ý hợp như vậy, cả hai cứ thì thào với nhau sau lưng Quân.

Bích Hiền thì thầm:

– Nói nhỏ thôi, cho một mình cô nghe, không cho ba Quân nghe.

– Dạ.

Bé Trúc Đào ngước lên nhìn Quân. Anh vẫn chăm chú vào màn hình máy vi tính, không hay biết có hai người đang “nói xấu” anh. Bé Đào làm vẻ quan trọng, tuy nhiên nó vẫn giữ thái độ và giọng nói thì thầm:

– Ba con nói, cô Bích Hiền bây giờ là cô Tấm chứ hổng phải cô Cám.

Bích Hiền nhíu mày:

– Là sao, cô không hiểu?

– Ba nói bây giờ cô hiền như maxơ, đáng yêu, còn hồi đó ba mà nói một tiếng là cô ... như con bò tót nhảy vào họng người ta. Mà cô ơi, cô bự chảng như vầy nè, làm sao nhảy tót vô cổ họng ba con cho được hả cô? Ba con đâu phải con cá sấu hung dữ?

Bích Hiền mím môi liếc về phía Quân. Cha chả! Dám nói xấu người ta là con bò tót hung dữ. Cô gằn lại:

– Ba con nói cô Bích Hiền như vậy, đúng không?

– Dạ, ba còn nói con gái tuổi cọp nhưng không phải con cọp, là con sư tử mới đúng.

– Con ngồi đây nghen. Hừm, nói xấu hả?

Bích Hiền đi xăm xăm lại chỗ của Quân, cô vỗ mạnh lên vai anh:

– Anh đúng là tên bạc bẽo vô ơn.

Quân nhăn mặt xoa vai:

– Làm gì như muốn ...

– Nhảy tót vô họng anh chứ gì? Anh nói với bé Đào như vậy mà, đúng không?

– Thì có, nhưng anh khen em lúc này ngoan hiền.

– Cám ơn, anh khen tôi báo hại chiều nay tôi về nhà ăn thêm một chén cơm đầy nữa.

Quân phì cười:

– Con gái ăn nhiều quá, mập không đẹp đâu.

– Tôi đẹp xấu gì, bộ liên quan đến anh hả?

– Tôi tôi hoài, mới khen đêm qua, bây giờ trở lại cái thói ... sư tử.

– Tôi là sư tử thì đừng có quen với tôi nữa.

Quân nhún vai:

– Tiếc là anh bị cô sư tử này làm cho ăn cũng không yên mà ngủ cũng chẳng được.

Bích Hiền nạt khẽ:

– Ai làm gì anh mà ăn ngủ không yên, vớ vẩn muốn kiếm chuyện thì ... coi chừng đó.

– Thấy không, em luôn đe nẹt anh.

– Anh nói như vậy còn hơn cả nhảy tọt vào cổ họng người ta, vậy mà nói người ta nhảy vào cổ họng anh. Đồ khó ưa!

– Con gái mắng khó ưa thì nên hiểu như thế nào nhỉ?

– Đừng có giả vờ nghen, anh là chúa ranh ma, gian xảo.

Quân nhăn nhó:

– Nói oan cho anh quá trời. Anh luôn thành thật với em, có một điều cái gì anh cũng dám nói ra, duy có ba chữ là anh chưa dám nói.

– Ba chữ gì?

– Anh yêu em!

– Này này ...

– Anh biết là em không tin anh mà.

– Tin anh sao được mà tin, dạo này lên chức làm ông trưởng phòng, con gái ngõ trước đón, ngõ sau cũng đầy nhóc.

– Nói oan cho anh quá trời.

– Thề là không có đi.

– Ừ, anh thề. Tại mấy cổ theo anh, nhưng trái tim của anh chỉ có mỗi một cô nàng ... sư tử.

– Láo, ma tin cho!

– Bộ em là sư tử hả?

Nói đi nói lại, mồm mép Bích Hiền cũng không sao “đấu” lại Quân. Tức mình, cô đánh vào đầu anh. Anh nắm tay cô lại:

– Không được đánh, đầu anh để thờ đó.

– Thờ ai?

– Ba mẹ và vợ tương lai.

– Vợ tương lai của anh là ai?

– Em.

Nắm chặt tay cô, hai mắt Quân nhìn vào mắt cô, anh hỏi nhỏ:

– Không tin anh hả?

– Buông ra, không có giỡn đâu nghen.

– Anh cũng đâu có giỡn, anh nói chuyện nghiêm túc mà. Nhìn thẳng vào mắt anh xem.

Bích Hiền chớp nhẹ mắt nhìn vào mắt Quân, mắt anh thật nồng nàn. Lúng túng, cô sụp mắt xuống.

– Bích Hiền!

– Dạ.

Tiếng “dạ” ngọt ngào. Quân xúc động nâng cằm cô lên, mặt anh sáp vào mặt cô:

– Ba và cô làm gì vậy?

Bé Trúc Đào nắm áo cả hai, nó giương đôi mắt ngây thơ và cũng đầy tò mò nhìn hai người. Bích Hiền đỏ mặt xô Quân ra.

– Trả lời bé Đào đi!

– Vâng.

Quân mỉm cười thụp người ôm bé Trúc Đào:

– Con biết ba làm gì không? Ba nói ba yêu cô Bích Hiền.

– Yêu giống như thương vậy hả ba?

– Ừ!

– Hay quá! Cô Hiền, cô yêu ba của con đi nghen?

– Dạy hư con nè.

Bích Hiền nhéo vào vai Quân một cái đau điếng. Quân nhăn nhó:

– Chưa cưới nhau mà em ăn hiếp anh quá chừng, chừng cưới nhau ...

– Nói bậy hoài, em bỏ đi về đó.

Hăm dọa đi về chứ Bích Hiền biết đời nào Quân cho cô đi về. Hôm nay Quân nói yêu cô rồi đó, một tình yêu không cần giả vờ như ngày xưa nữa.

Quân choàng tay qua vai Bích Hiền:

– Em ơi đừng đi về. Hiền này, tụi mình cưới nhau nghen?

– Lần này anh mà không thực hiện lời nói, dì của em sẽ đánh anh gãy giò.

– Anh gãy giò ai đưa em đi chơi đây?

– Đồ quỷ! Lúc nào cũng đùa được!

– Em có biết cười là mười thang thuốc bổ không?

– Đi thôi. Em và bé Đào đói bụng rồi nè.

Bích Hiền kéo Quân đi, cô ngước lên nhìn đám mây cao trôi bềnh bồng:

– Chiều đẹp quá hả anh Quân?

– Ừ!

– Chẳng lãng mạn gì cả, không hiểu sao em lại yêu anh nữa.

Quân chớp nhẹ mắt. Cô ấy đã thú nhận rồi đó, cô nói bằng giọng tự nhiên nhẹ nhàng như đùa và như một lời mắng mỏ. Quân cảm động quá đi mất, anh choàng tay qua vai cô:

– Khi yêu một người, mình yêu cả ưu điểm và khuyết điểm của người đó chứ, phải không? Anh không lãng mạn, nhưng trải qua cuộc sống, anh hiểu cần trân trọng tình cảm, hạnh phúc sẽ đến với mình.

Bích Hiền mỉm cười nép vào vai Quân. Chợt cô kêu lên:

– Anh Quân, nhìn kìa!

– Gì?

Theo hướng tay của Bích Hiền, Quân nhìn theo, anh sững sờ:

– Khải Khải ... Bích Hiền, em đi với bé Đào, anh chạy theo anh Khải.

Quân chạy len trong đám người đông đảo trên đường phố, anh tông phải vào nhiều người:

– Xin lỗi.

Nhiều tiếng càu nhàu, Quân vẫn phóng tới, anh bắt kịp và chụp lấy tay ...

– Anh Khải Khải!

Một ánh mắt lạnh lùng nhìn Quân, bàn tay Khải Khải phủi bàn tay Quân.

Không nói gì, Khải Khải bỏ đi. Quân lại đuổi theo.

– Anh Khải!

– Đừng có đi theo tôi nữa.

– Tại sao không đi theo anh. Năm xưa em bỏ nhà đi, anh từng trách em. Vậy sao một năm qua, anh nỡ bế bé Khoa bỏ nhà đi biệt tăm biệt tích vậy?

– Tôi đi cho Trúc Quỳnh trở lại với chú, trong trái tim cô ấy không hề có tôi.

– Anh lầm rồi. Chưa bao giờ em có ý trở về với Trúc Quỳnh cả.

– Nhưng cô ấy yêu chú, tôi không muốn trở về và sống dằn vặt trong đau khổ.

– Anh có biết việc anh mang bé Khoa đi là một sự trừng phạt quá nặng nề với Trúc Quỳnh? Dượng không cho chị ấy vào nhà. Trúc Quỳnh sống mà như đã chết rồi.

– Tôi không phải là người gây đau khổ cho cô ấy, mà tôi là nạn nhân, là nạn nhân của chú với cô ấy, chú rõ chưa?

Khải Khải quay lưng đi. Tức mình, Quân níu áo lại:

– Anh nên mang bé Khoa trả cho Trúc Quỳnh nếu như anh còn lương tâm.

Khải Khải cười nhạt:

– Lương tâm của tôi đi vắng rồi, đúng hơn là bị chú và Trúc Quỳnh mang đi.

Tôi từng quý trọng cô ấy, xem bé Trúc Đào như con mình, chưa bao giờ tôi thắc mắc vì sao ra đời thiếu tháng, bé Đào vẫn mạnh khỏe. Nhưng hai người đã làm sụp đổ niềm tin trong lòng tôi.

– Thực sự em không cố ý.

– Chú gieo hy vọng cho cô ấy bằng cách ngày nào cũng đến trường học đón bé Đào. Những chuyện ấy khi bỏ nhà đi, tôi không còn muốn nhớ lại nữa. Chú tránh ra đi. Từ nay chúng ta không anh em gì cả.

– Vậy còn dượng, sao anh không về hay gọi điện thoại cho dượng yên tâm?

Khải Khải phủi mạnh tay Quân:

– Đừng làm phiền tôi nữa.

Khải Khải băng qua đường ngồi vào chiếc xe bóng lộn. Quân ngẩn người nhìn theo. Khải Khải thay đổi hoàn toàn, từ cách ăn mặc đến lời nói. Một năm qua có lẽ anh vẫn sống ở Sài Gòn này chăng?

Quân vùng đuổi theo Khải, đón một chiếc xe ôm, anh leo lên:

– Làm ơn chạy theo chiếc xe màu trắng phía trước.

Khải Khải lái xe đi một đoạn đường dài mới quẹo vào khu đô thị mới. Khu phố của những người giàu, anh đỗ xe lại. Chiếc cổng sắt tự động mở ra cho Khải Khải lái xe vào. Quân đến lúc cánh cửa tự động vừa đóng lại và từ bên trong, một người phụ nữ lớn tuổi, ăn mặc sang trọng ra đón, hai người ôm hôn nhau ngưỡng cửa. Quân sững sờ, như thế là sao?

Quân gọi lớn:

– Anh Khải!

Song Khải Khải đi vào nhà, đồng thời hai con chó Berger to như con bê từ trong phóng ra sủa ầm ĩ. Chúng chồm chồm và gầm gừ như sẵn sàng xé xác Quân ra từng mảnh. Quân lùi ra xa:

– Anh Khải, hãy ra nói chuyện với em đi!

Cánh cửa vẫn đóng, cô giúp việc đi ra:

– Ông chủ Khải nói chú không đi, ông chủ sẽ thả chó ra xé xác chú, lúc đó ráng chịu nghen.

Quân chống tay lên hông, anh không thể tưởng tượng có một Khải Khải như thế.

Quân đi lủi thủi, lúc này anh mới nhớ đến Bích Hiền và bé Trúc Đào, anh gọi điện thoại cho cô:

– Em đang ở đâu vậy?

Giọng Bích Hiền dỗi hờn:

– Em về nhà, chứ ở ngoài đường đợi anh hả?

– Anh xin lỗi.

– Em biết anh luôn làm lỗi rồi xin lỗi, ai thèm bắt lỗi anh.

– Một lát về nhà, anh nói cho nghe.

Quân tắt máy điện thoại. Bây giờ anh không thấy giận trách Trúc Quỳnh nữa, mà giận Khải Khải, sao tệ bạc như vậy. Dù gì đi nữa cũng không nên trừng phạt Trúc Quỳnh quá nặng nề, bắt mẹ xa con, một hành động tàn nhẫn ác độc.

Nói như thế nào với Trúc Quỳnh, là anh đã gặp Khải Khải đang chung sống với một người phụ nữ khác.

Lắc đầu, Quân đón xe về nhà.

– Sao hả anh Quân, anh có gặp được anh Khải, mà có đúng là anh ấy không?

– Là anh ấy, anh theo về đến nhà, anh gọi anh ấy không chịu gặp anh, còn xua chó Berger ra sủa.

Bích Hiền cau mày:

– Sao bây giờ anh ấy lại như vậy?

– Giọng nói của anh ấy đầy thù hằn, anh ấy hận anh và Trúc Quỳnh.

– Vậy mình tính như thế nào hả anh?

– Tính như thế nào, chính Quân cũng đang hỏi mình. Một năm qua, anh biết Trúc Quỳnh đã ăn năn, cô sống dật dờ, nước mắt và đau khổ. Còn anh thì tránh gặp mặt cô. Tại sao đang rất yêu thương vợ con, Khải Khải lại thay đổi thành một con người hoàn toàn khác hẳn, không hiểu nổi.

– Hai đứa nói chuyện gì vậy, có phải đã gặp thằng Khải không?

Ông Thành xuất hiện bất thình lình sau lưng. Bích Hiền không dám trả lời, cô đưa mắt nhìn Quân. Quân gật đầu:

– Dạ, con đã gặp anh Khải.

– Nó đang ở đâu, sao không bảo nó về nhà?

– Anh ấy không muốn gặp con, còn xua chó Berger ra cắn con.

– Cái thằng khốn nạn, con mau dắt dượng đến đó.

– Dạ.

Quân hy vọng khi gặp cha. Khải Khải ít nhiều cũng nghe lời khuyên của cha mình.

Nhưng ... đích thân Khải Khải ra mở cửa, gương mặt lạnh lùng:

– Tôi biết ngay là chú dắt ba tôi đến đây. Được, ba là ba của con, con mời ba vào nhà.

Ông Thành bước qua cánh cửa vào nhà. Căn nhà tráng lệ sang trọng, rồi ông nhìn Khải, có cảm giác đó không phải là con trai của ông chút nào. Ông nghiêm mặt nhìn Khải Khải:

– Tại sao con không về nhà? Còn thằng Khoa đâu?

– Con không về nhà, ba biết tại sao rồi. Còn bé Khoa, ba khỏi cần lo, nó là con của con, nó sống tốt.

– Nếu muốn đi, con đi một mình con thôi, tại sao còn mang theo thằng Khoa, bé Đào nhớ em, khóc đêm khóc ngày. Còn Trúc Quỳnh ...

Khải Khải gạt ngang:

– Ba đừng nhắc tên người này với con, con quên người này rồi và cũng đã lấy vợ.

– Con lấy vợ khi chưa ly hôn với Trúc Quỳnh được sao?

Không trả lời, Khải Khải quay người vào trong gọi lớn:

– Em ơi, ra đây chào ba đi!

Từ bên trong, người phụ nữ luống tuổi đi ra:

– Đây là ba anh hả?

– Phải, ba anh đó. Còn người kia ... không có liên quan gì đến anh cả.

Ông Thành tức giận:

– Con nói như vậy sao Khải?

– Ba nói xem, người này quan hệ gì với con nào?

– Ba không muốn nghe con hỏi đố ba, mà hãy bồng bé Khoa ra. Con muốn về hay không cũng được. Còn bé Khoa, nó phải về nhà. Con trừng phạt Trúc Quỳnh bao nhiêu đó đủ rồi.

Như không nghe lời ông Thành, Khải thản nhiên:

– Vợ con chào ba, ba nên nói với cô ấy một câu cho có lịch sự, hơn là ba quát tháo con.

– Mày nói người này là vợ mày?

– Phải. Cô ấy cho con tiền bạc, hạnh phúc, con đã sống với cô ấy ngay khi bỏ nhà đi.

Ông Thành giận run:

– Mày lấy một người ... giống chị Hai của mày như thế sao?

– Này ba, ba nên ăn nói có lịch sự một chút.

– Đồ khốn kiếp!

Ông Thành vung tay tát vào mặt Khải. Tại sao nó lại thay đổi thành một con người hoàn toàn khác, không thể hiểu nổi.

– Ông không có quyền đánh nó.

Từ bên trong một người đi ra, ông Thành bàng hoàng:

– Má thằng Khải ... Lệ Quyên.

– Đúng, tôi là má thằng Khải, ông tưởng là tôi đã chết rồi sao?

– Bà còn sống sao không về nhà?

– Về nhà?

Bà Lệ Quyên cười gằn:

– Nhà đó còn là nhà của tôi sao? Tại vì sao tôi tự tử, ông biết rõ mà.

– Ngày ấy, thật ra bà đã hiểu lầm tôi và Mẫn. Cô ấy bị chồng phụ bạc, tôi quan tâm đến cô ấy với một tình bạn.

– Tình bạn, có đáng tin không khi mà hai năm sau, từ ngày người ta phát hiện đôi dép của tôi trên sông và họ cho là tôi tự tử chết, hai năm sau ngày tôi chết, ông và Mẫn là vợ chồng, tình bạn như thế sao?

Ông Thành nghẹn ngào, từ thế chủ động đến đây gọi Khải về, ông bị dồn vào thế bị động. Đúng là năm năm trước, ông quan tâm đến bà Mẫn gây hiểu lầm cho vợ mình, rồi một ngày người ta phát hiện đôi dép bà trôi trên bờ sông, ông đinh ninh bà đã chết. Hai năm sau, ông cưới bà Mẫn, Quân phản đối bỏ nhà đi Thái Lan và bây giờ ...

– Ông đi về đi. Tôi đã cưới vợ cho thằng Khải. Từ nay nó không còn là con trai của ông nữa. Làm sao mà nó có thể sống chung một gia đình với kẻ làm tan nát gia đình nó. Con trai bà ta từng lấy vợ nó có con, nó làm thân tu hú nuôi quà quạ. Đủ rồi ông Thành, hãy đi về đi.

Không dừng được, Quân xen vào:

– Thưa dì, chuyện con và Trúc Quỳnh là chuyện ngày trước khi anh Khải quen cô ấy. Khi con bỏ đi, Trúc Quỳnh mới lấy anh Khải.

Bà Lệ Quyên bĩu môi khinh bỉ:

– Đồ sở khanh, lấy con gái người ta rồi bỏ đi biệt tăm biệt tích, mẹ của cậu dạy cậu như vậy đó hả? Rồi trở về phá gia cang người khác, đúng là mẹ nào con nấy.

Quân nghe mặt mình nóng lên, bà Lệ Quyên là bậc trưởng thượng, bà muốn nhục mạ anh như thế nào cũng được. Song bà không có quyền miệt thị mẹ mình. Quân, trừng mắt:

– Xin dì ăn nói giữ lời một chút.

– Nên nhớ cậu đang đứng trong nhà của tôi, không muốn nghe những lời trái tai thì mau ra khỏi nhà tôi. Mời!

– Dì ...

– Đi cho mau đi!

Khải Khải xô vai Quân, rồi quay sang ông Thành:

– Ba hãy về mà lo cho gia đình ba, hơn là tìm đến đây. Về phần Trúc Quỳnh, con trả tự do cho cô ta. Về đi ba!

Khải đi ra cửa, như sẵn sàng tiễn những người khách không mời mà đến.

Ông Thành nghẹn ngào đến đi nhanh ra cửa mà không có lời nói nào. Quân đành phải đi theo ông:

– Dượng ...

– Con đưa dượng về đi, không cần lôi Khải Khải về nữa, vì nó sẽ không về đâu. Thật ra, dượng và mẹ con ngày xưa luôn ở tình bạn tốt đẹp, cho đến khi tưởng bà ấy đã mất. Hai năm sau, dượng mới ngỏ lời nói mẹ con. Mẹ của con không hề là người phá hoại hạnh phúc của người khác, do là dượng cư xử không đúng cách, con bỏ nhà đi, rồi bây giờ ...

Giọng ông Thành tắt nghẹn, Quân thương cảm ôm vai ông:

– Bây giờ con hiểu rồi, dượng ạ.

– Con hiểu, nhưng đến phiên Khải Khải oán hận dượng.

– Ngày nào đó ảnh cũng hiểu dượng và thông cảm cho dượng.

– Dượng cũng mong như vậy.

Lưng của ông Thành như còng xuống nhiều hơn, cùng với nỗi đau ...

Vừa thấy Trúc Quỳnh là bé Đào reo lên:

– Mẹ ơi! ông nội đi đón ba Khải với em Khoa. Em Khoa sẽ về nhà hả mẹ?

Trúc Quỳnh sửng sốt:

– Nội con đi gặp ba Khải?

– Dạ, là ba của con.

Trúc Quỳnh quay phắt sang bà Mẫn:

– Có đúng không dì?

Bà Mẫn gật nhẹ. Bà không dám nói Khải Khải đang sống cùng người phụ nữ khác, chắc chắn Trúc Quỳnh sẽ đau lòng.

Cái gật đầu của bà Mẫn lại khiến Trúc Quỳnh vui mừng:

– Anh Khải đang ở đâu hả dì? Con muốn đến đó đón bé Khoa, con nhớ nó quá.

– Dì không biết, con đợi ...

Tiếng xe đỗ ngay ngưỡng cửa, Quân đưa ông Thành về đến, chỉ có hai người. Trúc Quỳnh ngơ ngác:

– Ba! Không phải ba đi đón bé Khoa về giùm con sao?

– Con nên ... quên đi. Khải Khải không trả bé Khoa lại cho con đâu.

– Tại sao không trả, nó là con của con mà?

Quân lảng tránh ánh mắt của Trúc Quỳnh. Anh không biết nói như thế nào với cô nữa. Trúc Quỳnh đón ông Thành lại:

– Ba! Ba nói cho con nghe đi.

– Nó sẽ ly hôn với con. Ba không muốn trách con, vì lỗi lầm này do con gây ra.

Trúc Quỳnh nghẹn ngào:

– Đúng là lỗi lầm này do con gây ra, nhưng một năm qua suy nghĩ, con đã tỉnh lại rồi. Tại sao còn muốn trừng phạt con? Anh Khải đang ở đâu, cho con biết chỗ anh ấy ở đi.

– Con đến chỉ thêm đau lòng.

– Anh Khải đang sống với ai đó phải không ba?

Ông Thành im lặng. Trúc Quỳnh đã hiểu, lỗi lầm này do chính cô gây ra, cô phải chịu sự trừng phạt, nhưng cướp đi quyền làm mẹ của cô, tàn nhẫn quá.

Trúc Quỳnh đau khổ quỳ thụp xuống:

– Con nhớ bé Khoa lắm. Anh Khải có thể bỏ con. Nhưng còn bé Khoa, con cần nó ba ơi.

Ông Thành quay đi, ông không thể nói gì hết. Quân ái ngại bước lại đỡ Trúc Quỳnh lên:

– Đúng là Quỳnh có quyền đòi con, nhưng tôi nghĩ anh Khải không dễ dàng trả bé Khoa lại đâu.

– Không, anh ấy không có quyền, một năm qua tôi sống quay quắt đau khổ, còn muốn trừng phạt tôi như thế nào, tôi xin nhận lấy hết.

Quân nghe mũi mình cay nồng, bi kịch ngày hôm nay là do ai đây?

Trúc Quỳnh níu tay Quân khẩn khoản:

– Anh Quân hãy đưa tôi đến đó, tôi xin anh.

Trúc Quỳnh khóc nấc lên. Quân nghe lòng mình đau như cắt, có nên đưa Quỳnh đến đó. Chắc chắn Khải Khải sẽ làm cho cô đau đớn hơn nữa. Nhưng với tính cách của Trúc Quỳnh, Quân biết cô sẽ không đời nào chịu bỏ qua, khi mà nỗi nhớ con mỗi ngày như quắt quay thiêu đốt cô:

– Anh Quân! Em nghĩ là anh ... nên đưa chị Trúc Quỳnh đến gặp anh Khải, muốn hay không mọi việc cần phải giải quyết.

Bích Hiền nói có lý chứ không phải là không có lý. Mọi việc cần giải quyết.

Quân kéo Trúc Quỳnh đứng lên:

– Tôi đưa Quỳnh đi.

Trúc Quỳnh mừng rỡ:

– Cám ơn anh. Bích Hiền, em đi với chị luôn nghen?

– Dạ. Hay là cho bé Đào đi theo luôn nghen anh Quân?

Quân do dự rồi gật đầu:

– Cũng được.

Bà Mẫn lo lắng:

– Có chuyện gì bình tĩnh giải quyết nghen Quân, đừng nóng nảy mà hư chuyện.

Quân trấn an:

– Không sao đâu mẹ.

Mọi người đón xe taxi. Cô người làm đứng bên trong cánh cửa nói với ra chứ không chịu mở cửa.

– Ông chủ Khải nói phiền phức quá, ổng không có rảnh tiếp đâu.

Trúc Quỳnh tha thiết:

– Tôi là mẹ bé Khoa, chị làm ơn mở cửa giùm đi.

Cô người làm bỏ đi vào trong, tiếp theo là hai con chó Berger được thả ra.

Thấy có nhiều người, hai con chó hung hãn sủa ầm ĩ ...

Bé Đào sợ khóc ré lên.

– Con sợ quá mẹ ơi. Mình về nhà đi mẹ.

Trúc Quỳnh hét lớn lên:

– Anh Khải, mau ra đây đi!

Khải Khải đứng trên lầu nhìn xuống. Đang ôm Trúc Quỳnh, bé Đào reo lên.

– Ba! Ba biểu hai con chó hung dữ của ba vào nhà đi.

Khải Khải bỏ đi vào, nhìn thấy bé Đào là cơn giận của Khải khải bùng lên.

Anh từng xem nó như con của anh, yêu thương chăm sóc xem như báu vật, từ lúc nó mới lọt lòng mẹ. Nhưng thật chua chát, nó không phải con của anh và lời nói nào lại vang lên “trong trái tim Quỳnh chưa bao giờ có anh”. Được!

Khải đi xuống nhà, gọi người làm nhốt chó lại, anh mở cửa ra:

– Ba!

Bé Đào sà vào toan ôm Khải, anh phủi nó ra:

– Tao không phải ba mày.

Quân cau mày:

– Anh có thể cư xử với trẻ con như vậy sao anh Khải?

Khải Khải lạnh lùng:

– Nó là con của mày, mày là kẻ ăn ốc và tao là thằng ngu đi đổ vỏ.

– Xin anh đừng nói khó nghe như vậy.

– Tao có bảo mày nghe đâu, tự mày dẫn xác đến, hết dẫn ba tao đến đây, bây giờ lại đến cả bầy như là bầy chó.

Mặt Quân nóng lên. Nhớ lời mẹ, anh cố dằn cơn giận xuống. Nhưng Bích Hiền, con người cô thấy trái tai gai mắt khó mà im lặng, cô xông lại trước mặt Khải Khải, quắc mắt:

– Anh nói ai là bầy chó? Không ngờ anh ăn nói hàm hồ, anh không còn là một anh Khải Khải chân chất mà tôi quen.

Khải Khải cười lạt:

– Mỗi một người cần thay đổi theo hoàn cảnh. Anh khuyên em đừng có dính vào chuyện này, vì không phải chuyện của em. Em là người tốt đừng bao giờ đi với người xấu. Còn anh, anh cần thay đổi, bởi vì mẹ nó và cả nó đã làm tan nát gia đình anh.

– Anh quá cố chấp, mà cho dù anh không thể tha thứ cho chị Trúc Quỳnh, cũng không nên mang bé Khoa đi xa mẹ lúc nó mới mấy tháng tuổi.

– Anh cần mang con của anh đi tránh xa những người xấu. Anh đã nói rõ, em đừng có xen vào. Nếu không, anh sẽ không tử tế với em đâu.

– Em không cần anh tử tế với em, mà anh cần trả bé Khoa cho chị Quỳnh.

Nếu không, em sẽ là người xúi giục chị ấy đưa anh ra tòa.

– Cái gì, đưa ra tòa?

Khải Khải cười phá lên:

– Đưa ra tòa đi!

Khải Khải quá thay đổi. Trúc Quỳnh nhìn Khải, cô không dám nghĩ đó là người đàn ông cô từng quen, khù khờ phản ứng chậm chạp, lại là người vô tình vô nghĩa. Cô nghẹn ngào:

– Anh Khải! Nếu anh còn nghĩ đến tình vợ chồng của chúng ta ba năm chung sống bên nhau, xin anh trả bé Khoa lại cho em.

Khải Khải quay phắt qua nhìn Trúc Quỳnh:

– Cô còn dám nói tình vợ chồng ba năm chung sống với nhau à? Chính cô đã phá vỡ nó khi cô lừa dối tôi. Cô nói với dì Mẫn trái tim của cô chưa bao giờ có tôi, có đúng không?

Trúc Quỳnh cúi mặt nức nở:

– Em đã sai, em không dám cầu xin anh tha thứ. Em chỉ xin anh trả bé Khoa lại cho em.

– Con trai của tôi không thể nào có người mẹ xấu xa như cô, cô hiểu chưa?

– Em xin anh.

Trúc Quỳnh quỳ dưới chân Khải:

– Em nhớ con lắm, xin anh ...

Khải Khải quay ngoắt người đi:

– Khải Khải ngày xưa đã chết rồi, đừng ai hòng lay chuyển tôi. Hãy đi về đi!

Tức giận, Quân kéo Trúc Quỳnh lên:

– Quỳnh không cần van xin, cứ đưa ra tòa, không có pháp luật nào không cho mẹ nuôi con cả.

Khải Khải lại cười:

– Trúc Quỳnh! Một năm qua cô làm gì để nuôi con nào? Hay là đưa con gái cho cha đẻ nó nuôi nó, cô làm gì để có tiền nuôi đứa con trai mà cô muốn bắt nó?

– Em sẽ làm đủ mọi thứ.

– Tốt nhất cô không cần làm gì cả, mà hãy đám cưới với người yêu cũ của cô. Mấy người về hết đi.

Khải gọi người nhà:

– Đuổi hết mấy người này ra khỏi nhà. Họ không đi, lôi họ đi. Còn không chịu, cứ thả chó Berger ra.

Quân lắc đầu:

– Anh không cần đoạn tình đoạn nghĩa như vậy, mà anh nên suy nghĩ, đừng mang chuyện người lớn vào. Bởi vì sau khi ngỡ mẹ anh không còn sống nữa, ba anh mới tái hôn với mẹ tôi.

Mắt Khải vằn lên giận dữ:

– Tao đã muốn quên chuyện này, mày còn nhắc lại. Tại ai mà mẹ tao đi tự vẫn? May là bà không chết, nên ngày hôm nay tao mới rõ những người lâu nay tao thương đều là những kẻ xấu xa. Cút!

Khải xô đùa Quân và Bích Hiền ra cửa. Thái độ hung dữ của anh làm bé Đào sợ hãi khóc òa lên:

– Mẹ ơi, con sợ lắm.

Trúc Quỳnh đau lòng ôm chặt nó, tuy nhiên có tự nhủ mình, sẽ không chịu thua Khải, anh phải trả con lại cho con.

Những người khách không mời mà đến, bị toán người làm trong nhà Khải đẩy ra ngoài đường. Cánh cửa sắt nặng nề đóng lại, hai con chó Berger được thả ra. Trúc Quỳnh đau khổ đứng chôn chân, cô chịu sự trừng phạt của Khải Khải, mong anh bớt giận và trả bé Khoa lại cho cô.

Nhưng trong lòng Khải đã tràn ngập thù hận.