Chu Văn An (tức Chu An) là một nhà giáo và nhà văn nổi tiếng đời Trần. Cụ đỗ cao nhưng không ra làm quan, mà mở trường dạy học tại quê nhà (nay thuộc ngoại thành Hà Nội) nhằm truyền bá đạo lí và đào tạo nhân tài cho đất nước. Trường Cụ rất đông học trò, có nhiều người trở thành những nhân vật nổi tiếng.Đời vua Trần Minh Tông, Cụ được nhà vua vời lên kinh đô Thăng Long (tức thủ đô Hà Nội ngày nay), coi việc học ở trường Quốc tử giám và dạy hoàng tử. Đến đời vua Trần Dụ Tông, vốn là học trò của cuj, việc triều chính ngày một suy đốn. Cụ dâng sớ xin chém bảy tên gian thần nhà vua đang tin dùng. Không được chấp thuận, Cụ bèn từ chức xin về. Kể từ đó, Cụ chuyên chú dạy học và nghiên cứu nghề thuốc chữa bệnh cho nhân dân.Năm ấy, còn ba ngày nữa là đến ngày mừng thọ Cụ tròn sáu mươi tuổi. Anh trưởng tràng đã ngót năm mươi, khăn áo chỉnh tề, đến nhà thầy. Noi gương thầy, anh cũng không ra làm quan mà ở làng làm thuốc. Anh đến nhà thầy cùng với một người bạn đồng môn. Người này ăn mặc sang trọng, đi ngựa và có quân lính theo hầu, nhưng biết tính thầy nên đã để ngựa và quân lính ngoài cổng làng. Đó chính là quan hành khiển Phạm Sư Mạnh, chức quan to nhất trong triều. Hai anh em đồng môn dắt nhau qua cổng nhà thầy, đứng giữa sân vái vào, miệng chào to, kính cẩn:- Lạy thầy ạ ! Có anh em chúng con đến hầu thầy !Cụ người gầy nhưng quắc thước, nghiêm nghị xỏ đôi guốc gộc tre, bước ra thềm. Cụ nhận ra học trò yêu nên vẻ mặt chợt tươi lên:- Các anh sang sớm thế ! Vào đây !Trong nhà bày biện rất đơn sơ. Sáu bộ ghế ngựa kê sát tường hậu và hai bên vách. Chính giữa là bàn thờ tổ tiên. Trước bàn thờ kê một cái sập trên bày một bộ đồ trà và một cái điếu thuốc lào bằng gốc trúc rất đẹp. Cụ thường ngồi trên sập này để dạy học.Cụ cho phép hai học trò cùng ngồi sập với mình, nhưng họ không dám. Họ xin ngồi ở ghế ngựa. Phạm Sư Mạnh kính cẩn trả lời các câu hỏi của thầy. Cụ hỏi thăm sức khoẻ các học trò hiện làm quan trong triều. Cụ chỉ hỏi về sức khoẻ, nhưng Phạm Sư Mạnh hiểu thầy quan tâm nhiều mặt khác, nên ông cố nói cặn kẽ về việc làm của từng người, cách nuôi dạy con cái, cách cư xử với kẻ ăn người ở.Quan hành khiển vừa hầu chuyện thầy vừa nghĩ đến trách nhiệm quan trọng của mình trong chuyến này mà lo. Số là vua Trần Dụ Tông sai ông về xin ý thầy trước để ngày mừng thọ, nhà vua về mừng thầy như mọi người học trò khác.Cụ mở tráp lấy một cuốn sách đưa cho người trưởng tràng bảo:- Thầy đã soạn xong cuốn sách này. Anh đem về chép lấy mấy bản cho các anh cùng làm nghề thuốc xem.Trưởng tràng trân trọng đón cuốn sách từ tay thầy. Cụ cũng là người dạy trưởng tràng làm thuốc, cho nên Cụ cho sách cũng là cho cả những điều thu hoạch quý báu qua mỗi bận xem bệnh kê đơn.Trong lúc trưởng tràng sung sướng được thầy cho sách thì Phạm Sư Mạnh rất lo. Quan hành khiển đắn đo chẳng biết thưa với thầy thế nào cả. Tính thầy cứng cỏi, dứt khoát như thế. Cụ thường dặn học trò phải giữ cho đúng nhân cách: "Thầy dạy các anh thành người chứ không phải thành quan. Các anh giữ không đúng thì đừng gặp thầy nữa.". Nay nhà vua đã không nghe sớ của Cụ xin chém bảy người mà vẫn tin dùng, Cụ bỏ quan về có nghĩa là Cụ coi như không có người học trò đang ngồi trên ngai vàng kia nữa.Bây giờ vua ngỏ ý muốn về mừng thọ thầy và nhân dịp này mời Cụ lại lên kinh coi việc học ở trường Quốc tử giám như xưa. Việc ấy xem ra khó lắm, chắc Cụ chả chịu.Về sau, Phạm Sư Mạnh đành phải trình lại thành thật với thầy mệnh vua uỷ thác. Cụ bình thản, cười:- Thầy làm nghề dạy học. Dạy ở trường Giám, dạy ở đây hay ở đâu nữa, cũng vậy thôi. Còn việc đức vua rời cung thì không nên.Đến hôm mừng thọ, các môn sinh đến nhà thầy, thấy cửa nhà dọn dẹp sạch sẽ, cửa trong cửa ngoài mở rộng, Cụ đội khăn ngay ngắn, mặc áo chùng thâm ngồi trên sập. Họ dâng biếu thầy những cuốn sách quý do chính họ đã bỏ nhiều tâm sức, sưu tầm chép lại nghiêm túc trên giấy dó loại quý nhất. Cụ cảm ơn và đột nhiên nói:- Thầy cảm ơn các anh. Bây giờ ai thực yêu mến thầy, hãy theo thầy đi tạ một người mà thầy mang ơn rất lớn.Các môn sinh dạ ran. Thế là thầy đi trước, trò theo sau: các anh có tuổi đi ngay sau thầy, người ít tuổi hơn nhường bước, cuối cùng là mấy chú tóc còn để trái đào. Cụ dẫn học trò sang thôn Đoài, đến một ngôi nhà tranh nhưng sáng sủa. Ở hiên trước, một ông già trên tám mươi, tóc râu bạc phơ đang ngồi sưởi nắng. Cụ bước vào sân, chắp tay cung kính vái và nói to:- Lạy thầy ! Hôm nay con đem các môn sinh đến tạ Ơn thầy.Ông già tóc bạc ngước lên, nghiêng đầu nghe. Ông già đã nặng tai. Cụ lại nói to câu nói vừa rồi một lần nữa. Thì ra đây là thầy đồ xưa kia đã khai tâm (dạy vỡ lòng) cho Cụ.Tiếp sau Cụ, các môn sinh lại lần lượt theo lứa tuổi vài tạ Ông đồ già. Hôm ấy, họ lại được học thêm một bài học thấm thía về nghĩa thầy trò.