Tôi chào thầy: "Thưa thầy, em mới đến!" rồi liếc cả dẫy xe đạp nghiêng ngả dựa nhau. Vẫn chưa đến, cái xe sườn ngang màu đen ấy vẫn chưa đến. Tôi lại liếc vào phòng học, trong cái phòng bé tí ban ngày cũng phải bật đèn ấy, mấy đứa con gái đang lơ láo nhìn tôi.

Hôm nay là ngày cuối cùng của lớp học thêm toán. Ba ngày nữa chúng tôi sẽ thi đại học, một buổi học cuối cùng như thế này là để tổng kết lại những kỹ năng giải toán đã học trong cả năm, để thầy dặn dò lũ học trò: phải cẩn thận, phải bình tĩnh; và nhất là không được chủ quan. . . Dưới mắt ông thầy nội dung buổi học chỉ là như vậy, thế nên thầy có vẻ không để ý đến cái vẻ nháo nhác của tôi mỗi khi cánh cửa động đậy, và tôi lúc bồn chồn, lúc lơ đãng nhìn qua cửa sổ, ngoài đấy, mấy đứa nhỏ đang đánh khăng, thỉnh thoảng, một người đạp xe ngang, loạng choạng trước cái đám trẻ con không còn đẻ^ ý gì ngoài hai khúc cây, cứ lao thẳng ra giữa lối. Người lớn hét lên vài tiếng, trẻ con mãi chơi vội vàng trả đũa vài tiếng. . . rồi thôi.

Thầy nhìn đồng hồ: "Giờ này sao Thụy, Kha chưa tới?" Mấy đứa con gái dự đoán một cách vô nghĩa: "Chắc đi trễ đó thầy!". Cả lớp chỉ mình tôi ngồi im, cái thái độ lộ liễu này có lẽ đã làm thầy nghi ngờ, thầy nhìn tôi, cười cười: "Không lẽ tụi nó dám nghĩ bữa nay sao?", tôi cũng cười cười: "Dám lắm chứ thầy!". Nói xong câu đó, tôi thấy mình thật ác miệng với mình.

Thầy bảo: "Đợi chút vậy!" rồi ra trước cửa đứng hút thuốc. Mấy đức con gái, đẩy qua đẩy lại vật gì đó, có vài tiếng mặc cả: "Tui viết dở lắm!" hay "Viết chút thôi à nhe!", tôi đoán là lưu bút và biết rằng mình thế là không thoát ra được cái trò này. Được khoảng ba phút, Phương bảo: "Giang viết trước đi!", tôi cười: "Tôi viết chắc không vui nổi, được không?" rồi mở cuốn lưu bút xem thử người ta đã viết những gì. Trang đầu là một cái ảnh màu, có lẽ là chụp ở chùa Vĩnh Nghiêm, Phương mơ màng nhìn về 1 cõi xa xăm nào đấy; cạnh ảnh là 1 bản lý lịch trích ngang: Tên, tuổi, nhà ở đâu, thích ăn gì, yêu màu gì, ghét điều gì, mơ ước sau này ra sao. . . Đương nhiên là Phương cũng như ai, thích ăn quà vặt, yêu hoa hồng, yêu màu tím, ghét thói giả dối. . . Tôi cười, Phương hỏi dò: "Cười cái gì?" Tôi bảo: "Không có gì đâu! Giang cười vì sao Phương yêu màu tím mà không có cái áo nào màu tím?".

Vài trang sau, người ta xưng ta, mị . . như những cô gái Huế chính hiệu, tôi hỏi: "Phương, Giang viết vào đây có phải xưng là ta, mi không... ?", nó bảo: "nhiều chuyện! Viết đi!". Tôi viết: "Phương! Ngày hôm nay là xong, Giang nghĩ tụi mình khó gặp lại. Chúc Phương thi đậu!". Phương đọc, không vui, bảo tôi: "Ngắn quá! Viết "lý lịch" vào đây đi!". Tôi ngượng vì cái trò này, bảo: "Phương viết, Giang đọc cho!". Phương viết tên tuổi, hỏi tôi: "Số nhà?", tôi đọc số nhà; hỏi: "Sở thích", tôi đọc: "gì cũng thích!"; hỏi:"yêu màu gì?", tôi đọc: "Ghét màu hoa phượng". Phương sựng lại: "Yêu cơ mà!", tôi bảo:"Thì yêu tất, ghét mày hoa phượng thôi!". Phương lắc đầu, vẻ chán nản . . ., ghi được vài câu nữa thì thôi không hỏi nữa, tôi nghĩ, Phương đưa tôi lưu bút làm gì, ngày thường có khi Phương lơ tôi mà!

. . .Thầy bảo: "Thôi, học!", tôi nhìn đồng hồ, đã 25 phút rồi. Ngoài kia, trời tự dưng vần vũ, một trận gió đột ngột luồn qua cửa, thổi tốc những trang vở, mọi người lại kêu lên: "Chắc mưa!". Tôi thấy vô vọng và muốn khóc, hôm nay là ngày cuối, tôi đạp xe từ ngoại thành giữa trưa nắng vào đây học, chẳng lẽ Thụy không biết điều này sao? Tôi lật vở, thật khó mà phân biệt được trang nào tôi viết trang nào Thụy viết. Thụy đã bảo: "Sao Giang không viết chữ cuả Giang? Chữ của Thụy xấu hơn mà!", tôi nhớ hôm ấy Kha phá bĩnh: "Đúng đấy, chữ tôi đẹp hơn chữ nó, Giang bắt chước chữ tôi đi!" . . .Hôm nay, tôi mở vở, ghi ngày tháng ở một góc, viết bằng chữ "nguyên gốc" của mình, khác hẳn, trong lòng giận dữ, bảo: "Không nghĩ tới nữa!"

3h15, trời mưa, mấy đứa rên rỉ: "chết rồi!". Tôi cũng nghĩ: "Thế là xong rồi!", mưa thế này, có đi trễ cũng không đến được nữa. Thầy đứng ở đầu bàn, cạnh tôi, nhìn ra cửa, bảo: "Tụi này kỳ thật, chắc tối nó mới ghé thầy!". Tôi không nói gì thêm, chỉ cười, cái cười có lẽ thảm lắm, nên thầy nhìn tôi cười, tôi có cảm giác rằng thầy đang nhớ lại hình như xưa kia mình cũng đã từng có một buổi học cuối cùng đầy chờ đợi như thế này, cũng mưa gió, cũng lo lắng cuả những ngày gẫn thi cử. Thầy bảo, mắt mơ màng qua kính cận: "Ngày xưa, buổi trước hôm thi, thầy không ăn, không ngủ nổi vì sợ!"

. . .Trời không tạnh nổi, tôi thưa thầy về, thầy nói:"Em cầm áo mưa cuả cô về không, kẻo bệnh!" Tôi cười:"Em không bệnh được đâu thầy!". Phố vắng vẻ, mưa tạt ướt hết cái áo mới tôi mặc cho hôm nay, đường Cống Quỳnh nước đã ngập đầy, tôi lội qua quãng nước ấy xong, tự nhiên thấy nhẹ nhõm hẳn, như tâm trạng của một con hổ sau khi quẹt ngang đám lá. Ba ngày nữa tôi sẽ vào phòng thi, ba ngày nữa, những chuyện như thế này sẽ thu lại còn tí hon rồi biến mất, và tôi tự an ủi mình: "Ngày cuối cùng như thế mà lại tối!", rồi đi. ..

6.1992

Hết