Mới bốn giờ sáng, bà Múi đã thức giấc và không tài nào ru lại giấc ngủ. Đêm qua bà chỉ ngủ được có mấy tiếng. Bữa nay là ngày vợ chồng bà gả đứa con gái duy nhất đi lấy chồng. Hai người anh của nó đã lấy vợ, từ lâu bà không còn lo về chuyện vợ con cho hai đứa con này. Bà thấy vui không tài nào tả xiết. Bà không nhớ là bà đã từng vui đến mức này ngay cả đến ngày cưới của bà hơn ba mươi năm về trước. Ngày đó, bà còn trẻ quá, còn con nít quá. Hai gia đình thân thiết với nhau, bà hay đến nhà bố mẹ chồng tương lai chơi với mấy cô con gái của họ, ở lại ăn cơm, ngủ trưa, thức dậy, ăn một ly sâm bổ lượng mát lạnh, rồi mới về nhà, đó là chuyện thường tình. Nên khi cha mẹ bà bảo lấy chồng, vô làm dâu nhà bác An Hinh, bà chẳng thấy sợ hãi, bồn chồn gì cả. An Hùng thì có lạ gì với bà, cũng ở lứa tuổi với bà. Bà mới có 18 tuổi. Linh Chi con gái bà bây giờ đã gần 30 tuổi rồi. Nó ở với thằng bồ đã bao nhiêu năm mãi tới nay mới chịu lấy nhau, dù bà có thúc trăm lần nó vẫn cứ nói là phải có thời gian để tìm hiểu. Gia đình bên thằng đó cũng chịu đi cưới hỏi đàng hoàng. Bà con, bạn bè cũng sẽ có một bữa tiệc vui vẻ, gia đình hai họ cũng nở mặt. Bà cứ sợ nó cho không nhà người ta. Vì lối sống của nó, bà đã buồn lo về nó rất nhiều.
Có tiếng chim chóc hót rộn rã sau nhà. Bên ngoài trời còn tối, bà nhìn đồng hồ, vẫn còn sớm. Bên cạnh, người chồng vẫn an giấc ngủ. Bà chưa vội xuống giường. Mà bà miên man hồi tưởng chuyện đã qua. Đã nhiều năm lắm rồi...
Ông bố tuổi con chuột, đứa con tuổi con mèo. Tử vi nói hai cha con kỵ nhau. Có lẽ vì ông bố đau ốm hoài từ lúc con bé Linh Chi được sinh ra, có lần nặng gần chết, nên ông bà mới đem con cho vợ chồng người bạn thân nuôi dùm, cặp này người Việt nên con bé được nuôi nấng như người Việt. Vài tháng ông bố từ Chợ Lớn xuống Mỹ Tho thăm con. Chỉ có ông là đi nhiều nhất. Ông nghĩ tại ông mà con Linh Chi không được ở gần cha mẹ, cô chú, anh chị em ruột, anh chị em họ của nó. Năm 79, ông đến thăm con gặp lúc vợ chồng người bạn đang cãi nhau. Người bạn sẵn đó mới nói:
− Linh Chi, con lấy áo quần đi theo ba con lên Saigon đi!
Ý hẳn là người bạn không muốn ông ở lại lâu thấy cảnh vợ chồng họ cãi nhau. Ông nghe vậy mừng quá, sợ Ông bạn đổi ý nên hối con. Đi thôi con, khỏi phải lấy áo quần, nhà chị em đông thiếu gì áo quần mà mặc. Cha con vội vã ra xe.
Lúc Linh Chi mới về nhà cứ bị anh chị em chọc vì nó được giáo dục trong gia đình Việt có lối ăn uống, nói năng khác. Nó thích ăn cơm có canh, có nước mắm pha chanh, bỏ đường. Thích những loại bún. Nhà cha mẹ nuôi ở gần chợ Mỹ Tho. Theo mẹ nuôi đi chợ, nó thích ăn quà vặt ở những hàng quán trong chợ. Nó học trường Việt và nói tiếng Việt. Nó không nghe và hiểu được tiếng Tàu. Chỉ biết sơ sơ kêu bà ngoại là á chè, bà nội là á nề, ông nội là ta, bác trai là bạc, chú là sùng, ba là bà bá, mẹ là mê...
Đám anh em ruột, anh em họ trong nhà chọc nó:
− Con nuôi lượm về, chứ Tàu gì mà chẳng nói được tiếng Tàu!
Sợ con buồn ông phải giải thích nó quả thật là con ruột thịt trong nhà mà vì tuổi tác kỵ nhau nó phải sống xa gia đình. Chứ ai cũng yêu thương nó cả.
Rồi ông bố cắt nghĩa cho con hiểu:
− Tên con là do ta con (ông nội) đặt. Đó là tên một loại cỏ làm thuốc quý chỉ mọc trên núi cao. Ông nội con là thầy thuốc bắc nên mới đặt cho con cái tên đó. Chứ á nề (bà nội) muốn gọi con là Bí zuen, Bích Vân, là mây xanh.
Nó nhoẻn miệng cười. Té ra Linh Chi là tên Tàu, vậy mà lâu nay nó cứ tưởng đó là một tên đẹp của tiếng Việt Nam. Đám bạn trong trường không biết nó là một con bé Tàu. Nó cũng không khai ra nó là Tàu. Nó học sử Việt và cũng khoái chí thấy "quân mình" đánh đuổi "giặc" là quân nhà Nguyên, nhà Thanh của Tàu...chạy có cờ!
Ít lâu sau nhà nước cho phép Hoa Kiều ra đi bán chính thức, cả đại gia đình chạy được qua Mỹ. Cha mẹ nuôi mất luôn đứa con nuôi!
Nói chuyện về bà: Cha bà họ Tống, lúc bà được sinh ra, cha bà đang giao dịch làm ăn ở bên Đài Loan chưa về, mẹ bà không rành tiếng Việt, họ hỏi căn cước mẹ bà, mẹ bà đưa ra. Họ bèn ghi họ mẹ của bà thành họ bà, là Liên. Bà có tên nhà là Mai chứ không phải Múi. Họ để lộn là Liên Múi. Đi học trường Tàu đâu có hỏi giấy tờ, bà dùng Tống Mai. Qua Hồng Kông, lên Cao Ủy làm giấy tờ, chồng bà mới ngạc nhiên. Ủa! Không phải là Tống Mai sao? Liên Múi nào? Nhưng bà không muốn đổi lại vì cha mẹ bà còn ở VN, chừng ổng bả muốn bà bảo lãnh thì giấy tờ không phải lộn xộn.
Đám cưới rình rang không cần làm hôn thú. Sống ở VN thuở đó thì đâu cần tờ hôn thú, chỉ sau 75 thì cần giấy thông hành để đi lại.
Gia đình bên chồng Múi có 12 người con sống theo lối đại gia đình. Con trai, con gái, lấy vợ, lấy chồng gì cũng ở chung với nhau. 18 tuổi, Múi về làm dâu cũng ở chung. Mỗi sáng thức dậy Múi ra cửa tiệm thuốc bắc của gia đình chồng phụ đứng bán hàng. Tiệm An Hưng rộng lớn chiếm ba căn phố nằm trên một con đường tấp nập. Dân cư toàn là người Tàu. Một bà chị dâu có con nhỏ nên ở nhà quản lý đám người làm lo cơm nước và dọn dẹp nhà cửa. Bà này thích lau nhà, Múi còn nhớ cái sàn gạch bông lúc nào cũng láng coóng. Nhà đông người, ăn nhiều đợt, bao giờ cũng có người làm đứng ngoài chạy lăng xăng lấy cái này cái nọ. Tiền đem về cứ bỏ vào tủ sắt, ai muốn xài bao nhiêu thì xài, cứ mở tủ lấy, nhiều khi cả chục ngàn để đi Cấp, đi Đà Lạt chơi, không sổ sách gì hết, bà già cũng chẳng nói. Nhà cũng có nhiều xe nhiều loại, muốn dùng chiếc nào thì dùng. Đời sống vợ chồng trẻ chẳng biết lo. Cả hai đều chỉ ở khoảng trên dưới 20. Hôm nào không thích đứng tiệm thì đi chơi, thế thôi. Ông bà già chạy cho cái quốc tịch Đài Loan nên đám con trai chẳng người nào phải đi lính. Có tiền là mọi việc đều xong. Mà thời đó lại dễ kiếm tiền. Đám anh em chừng có con cũng không biết lo. Đẻ con ra, đã có người trông. Mạnh cặp nào cặp nấy đẻ. Nhà mỗi ngày mỗi đông, khi đông thì gạ mua thêm những căn kế cận để ở cho rộng. Với giá cao nên ai cũng muốn bán nhà cho mình. Trong nhà ngoài cửa tiếng Tàu xí xố nói suốt ngày.
Anh em nhà này rất thương yêu nhau. Nhưng khi qua đảo thì lối sống đại gia đình này bị phiền phức. Hai vợ chồng Múi chẳng có cắc nào trong túi, cần gì thì phải xin bà già, mà ở đảo thì bả đâu có làm gì ra tiền, nên mỗi lần xin cũng áy náy. Rồi đời sống càng túng quẩn hơn. Các con đau ốm. Chị em đông bắt đầu hơn thua xào xáo nhau vì tiền. Rồi mạnh ai nấy tách ra riêng để dễ đi định cư.
Hùng mới đầu không chịu đi ra riêng. Rồi vì sinh tồn cũng phải chấp nhận ra riêng. Không ai bảo lãnh nổi một đại gia đình như vậy. Từ hồi nào tới giờ chàng có ngày nào rời xa gia đình, lúc nào cũng anh em quấn quít bên nhau, ngay cả lúc có vợ rồi. Cha mẹ là trên hết nên ngay cả việc chọn vợ, chàng cũng nghe lời cha mẹ, cha mẹ đi hỏi cưới Múi thì chàng cũng chịu dù đang có người yêu mà bà mẹ lại không thích cô này. Chàng trắng trẻo, to lớn, đẹp trai, cha mẹ có tiền nên lấy An Hùng, ai cũng nói Múi có phước. Hùng yêu thương vợ, nhưng lại có lối đối xử thẳng thừng, quyết định gì là làm, nhiều khi không thèm hỏi ý kiến vợ. Nhưng thời đó, Múi cũng đâu có những ý kiến nào. Ý kiến chính là của cha mẹ chồng. Múi cũng không lấy thế làm buồn.
Nhưng bây giờ thì khác. Mười mấy năm ở riêng nơi tiểu bang này, Hùng làm hãng gỗ đầu tắt mặt tối, thứ bảy, chủ nhật cũng đi làm, Múi vô công chức ngon lành, vợ chồng mua xe van để đi, tậu nhà để ở, apartment cho mướn, gặp lúc ông già ở bên Dallas đau nặng, Hùng chán xứ này ở buồn không muốn đi làm nữa, bán cổ phần hãng gỗ, bán nhà đặng qua bên đó ở gần gia đình. Múi bỏ giốp thì tiếc, sợ bỏ rồi không kiếm lại được, mà đã chắc gì đời sống ở bên đó khá hơn, trong khi mới qua lại phải lệ thuộc gia đình nhà chồng lần nữa. Không có bằng cấp dễ gì kiếm được việc ngon, lại chắc gì có bảo hiểm, nói chi bảo hiểm tốt như bây giờ. Cứ tính tới tính lui mà đêm nào cũng mất ngủ, mặt xanh dờn, mí mắt thâm quầng. Nhưng vợ thì phải theo chồng. Chẳng lẽ chồng một nơi, vợ một nơi. "Sở hụi" cho hai nơi cũng chịu sao thấu.
Thêm nữa, Múi buồn vì đứa con gái mới ra High School mà đã có bồ làm hãng gỗ, bỏ nhà theo ở luôn với thằng đó vì không muốn qua Texas. Mới đầu tính là đi như vậy thì sẽ dứt khoát được thằng bồ của nó, ai dè! Con bé này lớn lên ở Mỹ chịu ảnh hưởng bạn bè Mỹ, sống kiểu Mỹ rồi, mình làm cha mẹ cũng điên cái đầu thôi! Người cô của nó từ Texas bay qua, dụ con bé trở về, nó nói là để cho thằng đó đi theo thì nó mới chịu về. Rồi hôm đó, lái xe đi Dallas cũng có thằng đó đi theo phụ lái xe. Vợ chồng bà buồn buồn, bây giờ con cái đặt mình ngồi đâu thì mình ngồi đó, chứ nói gì!
Một lần nữa bỏ tất cả, lập nghiệp lại, rồi thời gian qua, những khó khăn lúc đầu cũng qua.
Cha mẹ chồng bây giờ không còn giàu có như thời ở VN. Một dạo ông bà già có mở tiệm vàng, thằng thợ bạc thương đứa con gái út trong nhà, con nhỏ đi lấy chồng, thằng thợ bạc buồn tình cũng nghỉ làm, ông bà không kiếm được thợ khác, phải đóng cửa tiệm. Ông bà già mới quay sang mở tiệm tạp hóa, bán thuốc bắc, sở trường của họ từ VN, rồi dần dần làm ăn phát đạt. Cha mẹ chồng khi thấy đã lớn tuổi thì giao cơ sở làm ăn cho đám con trai, trong đó có chồng bà. Những tiểu gia đình này không còn sống chung trong một mái nhà lớn nữa mà ở những nhà riêng của họ cũng gần nhau, đi bộ qua lại được, hay nhìn thấy nhà nhau được. Cuối tuần họ thường tụ tập lại nhà của một người nào, nấu nướng ăn uống và coi phim bộ ngồi đến chán chê. Linh Chi vẫn không quen cảnh đông đảo ồn ào của đại gia đình -thuở ở với cha mẹ nuôi trong nhà chỉ có bốn người kể cả chị người làm - Nó nói tưởng như ngày nào nhà cũng có khách! Bây giờ thì chỉ còn ông bà nội, cha mẹ, các bác, các chú quanh quẩn bên nhau. Chứ những anh chị em họ cùng trang lứa với nó thì cũng có lối sống riêng tư như nó rồi.
Bây giờ con gái bà sắp lấy chồng, không phải sống chung với ai cả ngoài người chồng của nó. Dù căn nhà 4 phòng ngủ của tụi nó rất rộng, chồng vợ phải ...tìm nhau trong căn nhà đó! Bà vẫn nghĩ nhà rộng như vậy mà chỉ có hai người ở, phí quá. Nhưng rồi thế hệ của bà khác với thế hệ của con bà. Hai người con trai của bà sống tự lập, không nhờ vả vào gia đình. Điều này nhiều khi làm ông bà buồn, vì cho là chúng không cần ông bà. Đứa muốn đi học thì tìm cách có tiền để đi học, làm sau giờ học, buổi tối, cuối tuần. Tự đóng học phí, mua sách vở. Đứa không muốn đi học thì đi làm, nghề tay chân, rồi nhờ khéo léo, học hỏi, kiên nhẫn, rồi cũng leo dần lên một địa vị đáng kể trong hãng xưởng nó làm. Không đứa nào xin xỏ này nọ. Ngay cả đứa con gái. Đám cưới, chúng cũng tự lo hết. Lo tiền nong, lo đặt nhà hàng, lo áo quần, lo mời bà con, bạn bè. Lo nhà ở. Ngày xưa, ông lấy vợ mà vẫn không biết lo, ngày cưới còn ham đi coi đá banh đá bóng, còn bà cứ tửng tửng bước vô đại gia đình nhà chồng như đi chơi nhà bạn gái. Bạn bè của bà cũng đã bước vô những đại gia đình như vậy. Nhưng họ vừa bước vô nhà lạ vừa khóc như mưa. Sống với những người không quen biết. Ông bà, cha mẹ chồng, anh chồng, chị chồng, cô em chồng...Bà may mắn hơn họ nhiều.
Linh Chi lấy chồng không vô ở chung với ai cả mà về nhà riêng của nó và của chồng nó.
Vầng thái dương cũng vừa ló dạng. Có tiếng lục đục ở phòng bên. Bà xuống giường, mỉm cười. Hôm nay, bà gả con gái đi lấy chồng.