NGÀN CÁNH HẠC
I

Ngay cả khi đã tới đường Kamakura và đền Engakuji, chàng cũng không biết là có nên hay không nên đến dự buổi trà đạo. Dầu sao cũng đã trễ giờ hẹn rồi.
Mỗi lần Kurimoto Chikako tổ chức trà đạo tại túp lều dùng cho các buổi trà đạo ở phía trong ngôi đền Engakuji, chàng đều được nhận lời mời. Dù vậy, chưa một lần nào chàng đến dự kể từ ngày cha chàng mất. Đối với chàng, những lần được mời như vậy chỉ có ý nghĩa của sự tưởng nhớ đến cha chàng mà người ta dành cho chàng vậy thôi.
Lần này, trong giấy mời gửi cho chàng còn có thêm một đoạn tái bút như sau: "Nữ chủ nhân muốn chàng xem mặt một thiếu nữ vốn là một học trò về môn trà đạo của mình." Khi đọc những dòng tái bút đó, Kikuji nghĩ đến cái bớt của Chikako.
Có lẽ dạo chàng mới độ tám, hay chín tuổi thì phải. Một lần cha mang theo chàng đến thăm Chikako và họ gặp cô ta trong phòng điểm tâm. Chiếc kimono của cô ta bỏ ngỏ. Cô ta đang ngồi cắt những sợi lông mọc trên cái bớt nơi ngực bằng một chiếc kéo nhỏ. Cái bớt lớn bằng bàn tay che tới nửa ngực bên trái xuống tuốt đến chỗ trũng giữa hai vú. Mớ lông mọc trên cái bớt màu tím than dường như khá rậm và cô ta đang cắt bớt đi.
- Anh có dẫn theo thằng nhỏ đó à?
Với vẻ kinh ngạc, cô ta túm vội hai vạt áo kimono phía trên cổ khép lại; rồi, có lẽ vì sự vội vã chỉ làm cho cô ta trở nên hở hang hơn, cô ta quay ngoắt đi và cẩn thận buộc lại dải lưng của chiếc kimono.
Sự ngạc nhiên đến với Kikuji nhiều hơn là đến với cha Kikuji.
Bởi lẽ người tớ gái đã đón cha con chàng ở cửa, thì Chikako phải biết là có cha Kikuji tới thăm chứ.
Cha Kikuji không vào phòng ăn điểm tâm. Thay vì vậy, ông ngồi ở phòng bên nơi Chikako thường dạy học trò về môn trà đạo.
- Tôi có thể dùng trà được không? - Cha Kikuji hỏi vẻ lơ đãng.
Ông ngước nhìn giỏ hoa treo nơi nóc nhà.
- Được chứ ạ. - Tuy nói thế, nhưng Chikako vẫn không nhúc nhích.
Trên mảnh báo trải dưới gối cô ta, Kikuji nhận thấy những sợi lông trông giống những sợi râu.
Dù lúc bấy giờ là ban ngày, lũ chuột vẫn chạy loạn xạ trên nền nhà bị lõm hẳn xuống. Sát ngay hàng hiên là một cây anh đào nở đầy hoa.
Cuối cùng, cô ta bước đến bên lò nấu trà, lúc ấy trông Chikako có vẻ bận rộn.
Khoảng mười ngày sau, Kikuji nghe mẹ chàng nói với cha chàng, như thể là một bí mật ghê gớm đến độ chàng không nên biết đến để làm gì, đó là việc Chikako không lấy chồng chỉ vì cái bớt của cô ta. Trong đôi mắt của mẹ có vẻ thương cảm lắm.
- Thế à? - Cha Kikuji gật gù với vẻ ngạc nhiên công khai. - Nhưng mà thế thì đã sao, nếu chồng cô ta thấy cái bớt đó? Nhất là nếu hắn biết trước khi hắn cưới cô ta?
- Đó cũng là điều tôi nói với cô ta. Nhưng mà đàn bà là đàn bà.
- Tôi không tin là cô ta lại có thể nói với một người đàn ông là cô ta có một cái bớt to tướng ngay ở vú.
- Nhưng mà cô ấy đâu còn trẻ gì nữa.
- Không vì vậy mà dễ dàng đâu. Khi một người đàn ông có một cái bớt như vậy, hắn vẫn có thể lấy vợ mà chỉ việc phá lên cười khi bị khám phá ra là mình có một cái bớt ở vú.
- Thế bà có trông từ cái bớt của cô ta bao giờ không?
- Cái nhà ông này! Lẽ cố nhiên là tôi chưa được trông thấy cái bớt đó.
Như vậy hai người chỉ mới nói chuyện về vụ ấy thôi?
- Cô ta đến đây dạy tôi môn trà đạo và chúng tôi nói rất nhiều thứ chuyện. Tôi chắc chắn cô ấy đã cảm thấy như là đang thú tội vậy.
Cha Kikuji lặng thinh.
- Giả thử bây giờ cô ấy lấy chồng. Liệu người đàn ông sẽ nghĩ gì?
- Có thể hắn sẽ cảm thấy ghê tởm. Nhưng hắn cũng có thể tìm thấy ở đó một cái gì lôi cuốn chứ, chẳng hạn coi đó là một bí mật.
- Mỗi khuyết điểm đều có những cái tốt của nó. Tóm lại, đây không hẳn là một điều đáng bận tâm.
- Tôi có bảo với cô ta rằng điều đó không có gì đáng ngại hết.
- Nhưng cô ta bảo tiếc thay cái bớt đó lại nằm ngay ở vú.
- Thế à?
- Vấn đề nan giải nhất là nếu cô ta có một đứa con. Đối với người chồng thì có thể không hề gì, nhưng còn đứa nhỏ?
- Bộ cái bớt sẽ ngăn sữa không xuống được sao?
- Không phải chuyện đó. Không phải đâu, sự phiền nhất là khi đứa nhỏ bú mẹ nó sẽ nhìn thấy cái bớt. Tôi không nghĩ đến vấn đề đó nhưng đối với một người hiện đang có một cái bớt như vậy, tự nhiên họ phải nghĩ đến những chuyện đó. Ngay từ khi được sinh ra, nó bú sữa ở chỗ đố; rồi ngay từ khi nó biết nhìn, nó đã nhìn thấy cái bớt xấu xí nơi vú của mẹ nó. Cái ấn tượng đầu tiên của nó về cuộc sống, cái ấn tượng đầu tiên về mẹ nó, có thể là cái bớt xấu xí kia và từ đó có thể cái ấn tượng này sẽ ám ảnh đứa bé suốt đời.
- Thật à? Nhưng đó không phải là những âu lo do tưởng tượng mà ra đấy chứ?
- Tôi nghĩ là người ta có thể nuôi đứa bé bằng sữa bò, hoặc giả mướn cho nó một chị vú.
- Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là liệu có sữa cho nó bú hay không, chứ không phải là việc có cái bớt hay không.
- Tôi sợ là không chỉ như vậy thôi đâu. Khi tôi nghe cô tâm sự như thế, tôi đã khóc. Như thế đó. Tôi khó có thể cho thằng Kikuji bú sữa ở cái vú có cái bớt như vậy.
- Thật à?
Khi chứng kiến sự thật trên, một mối căm phẫn xâm chiếm Kikuji, chàng cảm thấy giận cha chàng vì ông đã tỏ ra thản nhiên coi như không có chàng ở đó, dù chính Kikuji cũng đã nhìn thấy tận mắt cái bớt của người đàn bà.
Bây giờ, vì vậy, gần hai mươi năm qua rồi, mỗi lần nghĩ đến sự bối rối của cha, chàng vẫn không khỏi mỉm cười.
Dạo chàng lên mười hay khoảng tuổi đó, chàng thường nghĩ đến những câu nói của mẹ và bỗng cảm thấy khó chịu thế nào với ý nghĩ nếu một đứa em trai hay em gái cùng cha khác mẹ với chàng bú sữa nơi chiếc vú có cái bớt to tướng kia.
Đó không phải là một mối sợ vì có một đứa em trai hay em gái được sinh ở ngoài gia đình và là một kẻ lạ đối với chàng. Đó thực ra là mối sợ đối với người em trai hay em gái đó thì đúng hơn. Kikuji bị ám ảnh bởi ý nghĩ một đứa trẻ được nuôi bằng sữa từ bầu vú có cái bớt đầy những lông lá như thế kia thì có thể trở nên một quái vật.
Chikako có vẻ không có con cái gì cả. Người ta có thể có con nếu người ta muốn, ngờ rằng cha chàng không muốn có con với cô ta.
Sự liên kết giữa cái bớt và đứa con đã làm mẹ chàng buồn, có thể vì lẽ đó cha chàng đã đi đến thuyết phục Chikako khiến cho cô bỏ ý định có một đứa con với cha chàng. Dù thế nào đi chăng nữa thì Chikako đã không hề sản xuất ra một mống nào, ngay cả khi cha chàng còn sống hay sau khi ông đã nằm xuống.
Có lẽ Chikako đã tâm sự với mẹ chàng như thế sau khi Kikuji trông thấy cái bớt của cô ta vì cô ta sợ rằng thế nào chính Kikuji cũng sẽ nói về cái bớt đó.
Chikako không lấy chồng. Phải chăng cái bớt đó đã ám ảnh cả cuộc đời khiến cô bị lệ thuộc vào nó?
Kikuji không bao giờ quên được cái bớt đó. Đôi khi chàng tưởng tượng như chính cuộc sống của chàng cũng bị vướng mắc trong cái ấn tượng về nó.
Khi chàng nhận được tấm giấy mời của Chikako nói, sở dĩ cô ta tổ chức buổi trà đạo là cốt để có lí do giới thiệu chàng với một thiếu nữ, cái bớt lại hiện ra trước mắt chàng, và vì cuộc giới thiệu do Chikako dàn cảnh, chàng tự hỏi liệu thiếu nữ kia có một làn da hoàn toàn không một vết tàn nhang nào không.
Liệu cha chàng có khi nào dùng ngón tay của ông để xiết mạnh cái bớt? Liệu có khi nào ông cắn vào đó? Đó là những ý nghĩ tưởng tượng của Kikuji.
Ngay cả bây giờ, khi chàng băng qua sân đền và nghe tiếng chim kêu chiêm chiếp, những ý nghĩ đó lại đến với chàng.
Khoảng hai hay ba mươi năm sau cái chết của cha chàng, Chikako đã có cái tính cách của giống đực phần nào. Bây giờ cô ta là một thứ người hoàn toàn không có cảm giác gì về tình dục cả.
Tại buổi trà đạo hôm nay, có thể cô ta sẽ rất bận rộn. Có lẽ chuyện cái cái bớt ở vú đã nhạt phai trong trí cô ta. Kikuji nở một nụ cười nhẹ nhõm và liền sau đó có hai thiếu nữ bước vội vã vượt lên trước chàng.
Chàng dừng lại để cho họ qua.
- Các cô có biết, đến cái lều mà cô Kurimoto tổ chức trà đạo hôm nay, đi về phía này phải không? - Chàng lên tiếng hỏi.
- Dạ thưa phải ạ. - Cả hai thiếu nữ cùng trả lời một lúc.
Kikuji biết rõ hướng nào phải đi rồi và chàng có thể đoán, qua cung cách ăn mặc của các cô, là họ cũng trên đường đi dự buổi trà đạo như chàng. Chàng hỏi thăm họ chẳng qua là để tự xác định với chính mình là chàng đang đi đến chỗ tổ chức trà đạo đây thôi.
Một trong hai thiếu nữ khá đẹp. Nàng mang theo một gói đồ trong chiếc khăn màu hồng có điểm ngàn cánh hạc trắng.


II

Khi Kikuji đến nơi, hai thiếu nữ đang thay tất mới để đi trong nhà.Chàng nhìn vào trong nhà. Phòng chính khá rộng, khoảng độ tám thước vuông.
Dù vậy, khách đến quỳ xung quanh phòng khá đông. Dường như chỉ toàn khách đàn bà, những người đàn bà mặc kimono màu sáng.
Chikako nhận thấy chàng ngay lập tức. Như thể ngạc nhiên vì sự có mặt của chàng, cô ta đứng dậy tiếp chàng.
- Vào đây, mời cậu vào đây. Thật quý hóa quá! Xin mời cậu vào, cậu cứ vào thẳng đi được mà. - Cô ta chỉ chỉ vào chiếc cửa xếp ở cuối phòng đối diện với hàng hiên chỗ Kikuji đứng.
Kikuji thẹn đỏ mặt. Chàng cảm thấy tất cả mọi con mắt đều đổ dồn về phía chàng.
- Toàn phụ nữ à?
- Trước khi cậu đến cũng có một ông ghé qua, nhưng ông ta đi rồi. Cậu là nhân vật sáng chói ở đây đây.
- Không hẳn sáng đâu.
- Ồ, hẳn là thế, cậu có đủ mọi thứ năng lực. Một cái bình hoa tím.
Kikuji xua tay tỏ ý muốn ngồi ở một chỗ ít bị để ý.
Thiếu nữ thu vén mấy chiếc tất rải rác vào trong chiếc khăn có in hình ngàn cánh hạc. Nàng đứng dậy nhường chỗ cho chàng đi qua.
Phòng đợi chứa đầy những hộp kẹo, đồ sứ uống trà do Chikako mang lại và những gói đồ của khách. Tại một góc nhà, người tớ gái đang lau chùi một món đồ.
Chikako bước vào.
- Sao, cậu nghĩ sao về cô gái? Xinh đấy chứ, phải không?
- Cái cô với chiếc khăn có in hình ngàn cánh hạc ấy à?
- Cái khăn nào? Làm sao tôi biết được cái khăn nào? Cái cô tôi muốn nói hồi nãy đứng đây mà, cái cô đèm đẹp đó. Cô ta là con gái nhà Inamura.
Kikuji gật gù vẻ mơ hồ.
- Khăn tay. Cậu để ý cái không đâu. Người ta không nên quá tỉ mỉ. Tôi cứ ngỡ là hai người đi với nhau. Tôi đã vội mừng.
- Cô ta nói cái gì vậy?
Cậu gặp cô ta trên đường tới đây. Đó là một điềm báo lành cho mối liên hệ giữa hai người. Cha cậu cũng quen biết với Inamura.
- Thật à?
- Gia đình đó có một tiệm bán tơ lụa ở Yokohama. Cô ta hoàn toàn không biết tí gì về cái gọi là tân thời. Lát nữa cậu có thể nhìn thấy cô ta kĩ hơn.
Giọng nói của Chikako hơi to, Kikuji ngượng ngùng, e ngại tiếng nói của cô ta có thể bị nghe thấy xuyên qua bức bình phong căng giây ngăn với phòng họp bên kia. Đột nhiên, cô ta ghé sát mặt chàng.
- Tuy nhiên có một vấn đề hơi phức tạp. - Cô ta hạ thấp giọng xuống. - Bà Ota có mặt ở đây, với cả cô con gái của bà nữa. - Cô ta quan sát phản ứng của Kikuji. - Tôi không hề mời bà ta. Nhưng từ lâu đã có cái lệ là ai cũng có thể tham dự vào các buổi trà đạo nếu họ là chỗ quen biết. Hôm nọ còn có mấy người Mỹ tới dự nữa. Tôi rất tiếc, song biết làm sao khi bà đến dự. Cố nhiên bà ta không biết gì chuyện cậu và cô gái nhà Inamura hết.
- Về chuyện tôi và cô gái nhà Inamura? Nhưng mà tôi... - Kikuji định nói là chàng không đến đây để sửa soạn cho một buổi xem mắt người vợ tương lai. Bắp thịt cổ chàng trở nên cứng lại.
- Nhưng bà Ota chính là người sẽ phải cảm thấy khó chịu. Cậu có thể coi như không có gì đã xảy ra hết.
Lối gạt bỏ vấn đề của Chikako làm chàng khó chịu.
Sự thân thiết giữa Chikako và cha chàng rõ ràng là đã xảy ra trong một thời gian khá ngắn ngủi. Trong thời gian cuối cùng của đời ông, dù sao Chikako đã tỏ ra rất hữu ích cho gia đình chàng. Cô ta thường đến đằng nhà chàng để giúp việc trong bếp mỗi khi có tổ chức trà đạo và ngay cả khi có khách thường đến chơi nhà và ở lại dùng cơm.
Ý tưởng là mẹ chàng có thể ghen tuông với một cô Chikako không cảm giác tình dục dường như khôi hài, chỉ còn đáng nở một nụ cười khẩy. Hẳn là mẹ chàng biết chuyện cha chàng đã nhìn thấy cái bớt của Chikako, và trận bão đã qua; chính Chikako, như thể cả cô ta cũng đã quên hết mọi sự, lại trở thành bạn thân của mẹ chàng.
Có một thời kỳ Kikuji cũng đối xử với cô ta bằng thái độ hơi coi thường. Và chàng đã trút cơn giận trẻ con của mình lên cô ta, nên tính nết bất thường khó chịu của những ngày thơ ấu dường như nhạt phai.
Có lẽ đó là một cuộc sống thích hợp với Chikako: biến mất trong tình trạng không cảm giác tình dục và trở nên một thứ bất động thuận tiện. Với gia đình Kikuji, cô ta đã thành công một cách khiêm tốn với tư cách một người dạy về môn trà đạo.
Chính Kikuji cũng cảm thấy có đôi chút cảm tình với cô ta khi cha chàng mất, chàng có cảm tưởng cô ta đã quên đi người đàn bà trong cô sau một thời gian ngắn ngủi làm nhân tình của cha chàng.
Ngoài việc coi cô ta như một người bạn, mẹ Kikuji còn liên lạc với cô ta cốt để nhờ dò xét giùm bà về vấn đề bà Ota nữa.
Sau cái chết của ông Ota, một người bạn cùng chia sẻ với mình trong các buổi trà đạo, cha Kikuji đã lãnh trách nhiệm coi sóc bộ sưu tầm đồ sứ uống trà của ông Ota và ông bị lôi cuốn đến gần người góa phụ vợ bạn vì thế.
Chikako vội vã báo tin cho mẹ chàng hay.
Lẽ cố nhiên Chikako trở thành đồng minh của mẹ chàng - quả là một thứ đồng minh quá tận tâm. Cô ta theo dõi cha chàng, cô ta cũng thường tới đe dọa bà Ota. Dường như, tất cả sự ghen tuông của chính cô ta được dịp bùng nổ.
Người mẹ trầm lặng, bình tĩnh của Kikuji, lui lại phía sau sự can thiệp dữ dội trên, lo lắng nhiều hơn về việc người ta có thể nghĩ ra sao đó về chuyện cha chàng ngoại tình.
Ngay cả trước mặt Kikuji, Chikako không ngần ngại hạ nhục bà Ota và khi mẹ chàng tỏ ý không bằng lòng, Chikako dám nói ngay là không có gì trở ngại nếu Kikuji nghe được những điều đó.
- Lần trước cũng vậy, khi tôi đến nhà con mụ để bảo cho con mụ biết, cũng thường có một đứa nhỏ có mặt nghe thấy hết mọi sự. Không phải chính tôi đã nghe thấy tiếng khịt mũi ở phòng bên cạnh đó sao?
- Một đứa con gái phải không? - Mẹ Kikuji cau mày.
- Phải. Mười một tuổi, bà Ota nói vậy thì phải. Quả thật là có cái gì không ổn với mụ đàn bà đó. Tôi nghĩ đúng ra mụ ta phải la con nhỏ về cái tội nghe lén chuyện người lớn, vậy mà mụ ta đã làm gì, chị biết không? Mụ ta đứng lên, sang bồng đứa nhỏ qua phòng bên này, ôm nó trong lòng, ngay trước mặt tôi, vậy đó. Tôi nghĩ là mụ ta cần một diễn viên phụ để nâng đỡ mụ trong khi mụ khóc nức nở!
- Nhưng mà chị có nghĩ như vậy kể cũng hơi buồn cho đứa bé không?
- Chính vì vậy mà chúng ta phải dùng đứa nhỏ để giữ mụ ta lại.
Con bé biết đủ mọi chuyện. Dầu sao tôi cũng phải thừa nhận đó là một con bé dễ thương. Khuôn mặt nó tròn trĩnh. - Chikako nhìn Kikuji. - Hay là chúng ta nhờ bé Kikuji nói với cha nó.
- Đừng rải chất độc ra xa quá, tôi yêu cầu chị đó. - Ngay cả mẹ Kikuji cũng phải phản đối. Chị để chất độc ngấm vào người chị, đó mới là tất cả cái sự rắc rối. Chị hãy tập trung lại, nhổ cái chất độc đó ra đi. Coi xem chị gầy biết chừng nào, còn mụ ta thì một ngày một phỗng ra, một đẫy thêm đấy thôi. Quả thật có cái gì đó không ổn với mụ ta, mụ nghĩ nếu mụ khóc lóc, mọi người sẽ hiểu mụ chắc. Và ngay tại căn phòng mà mụ ấy tiếp anh Mitani, mụ cũng chưng cả bức hình của chồng mụ nữa. Tôi lấy làm ngạc nhiên tại sao anh Mitani không bảo cho mụ biết về vụ đó.
Và rồi sau cái chết của cha Kikuji, chính bà Ota kia đến túp lều Chikako tổ chức trà đạo, lại còn mang theo đứa con gái nữa.
Kikuji cảm thấy ớn lạnh.
Chikako nói là cô ta không mời bà Ota hôm nay. Dầu vậy, đó là một điểm đáng ngạc nhiên: hai người đàn bà vẫn thường gặp nhau sau cái chết của cha chàng. Có lẽ ngay cả cô con gái cũng là học trò của Chikako thì phải.
- Nếu cậu cảm thấy không thích, tôi có thể yêu cầu bà rút lui. - Chikako nhìn sâu vào mắt chàng.
- Đối với tôi thì không can gì. Cố nhiên, nếu bà ấy muốn đi.
- Nếu bà ta là một người biết nghĩ đến những điều phải, bà ta đã không đem sự bất hòa đến cho cha mẹ cậu.
- Cô con gái cũng cùng đi với bà ta à? - Kikuji chưa bao giờ trông thấy người con gái.
Kể ra cũng có vẻ không thích hợp thế nào trong việc gặp cô gái với chiếc khăn có in hình ngàn cánh hạc ngay trước mặt bà Ota. Và chàng lại càng ngại ngùng hơn với ý nghĩ gặp mặt người con gái hôm nay.
Nhưng giọng nói của Chikako đã vang lên bên tai chàng. Bà ta hẳn biết là mình có đến đây. Mình khó có thể bỏ đi nữa. Chàng đứng dậy.
Chàng vào phòng họp bằng lối cửa ở góc phòng và đến ngồi tít tận cuối phòng.
Chikako theo sát sau chàng.
- Đây là cậu Mitani. - Giọng nói của cô ta gần như có vẻ trịnh trọng.
Kikuji cúi đầu chào mọi người và khi chàng ngẩng đầu lên, chàng nhìn thấy cô gái một cách rõ ràng. Có một cái gì đó gần như chuếnh choáng, thoạt đầu chàng không tài nào phân biệt được các bà các cô ngồi trong phòng với những bộ kimono màu sáng rỡ. Bây giờ chàng nhận ra bà Ota ngồi đối diện ngay trước mặt chàng.
- Cậu Kikuji. - Đó là giọng nói của bà Ota. Mọi người trong phòng đều nghe rõ tiếng nói đầy sự cảm mến chân thực của người đàn bà. - Lâu rồi tôi không viết thư vào trong ấy để thăm hỏi cậu gì cả. Từ sau lần cuối cùng gặp cậu cho đến nay cũng đã khá lâu rồi đấy - Bà ta hích vào tay áo cô con gái, giục nàng cúi chào Kikuji.
Người thiếu nữ thẹn đỏ mặt, cúi nhìn xuống sàn nhà.
Đối với Kikuji, thái độ đó có vẻ lố bịch. Chàng không thể nào dò ra được một chút gì gọi là hận thù trong cung cách của bà Ota: Bà ta có vẻ tha thiết dịu dàng, bà đã để lộ niềm vui khôn xiết đối với cuộc gặp gỡ bất thường này. Người ta có thể kết luận là bà ta đã không có vẻ gì dè dặt hay e ngại trong buổi họp mặt hôm nay.
Người con gái ngồi cứng đơ, đầu cúi xuống.
Cuối cùng chợt nhận ra sự lạc lõng vây quanh mình, bà Ota cũng đỏ mặt lên vì thẹn. Tuy nhiên, bà ta vẫn nhìn Kikuji, như thể bà ta muốn chạy bổ đến bên chàng, hoặc như thể bà ta đang có điều gì cần nói với chàng lắm.
- Cậu đang học về môn trà đạo, phải không ạ?
- Tôi chả biết tí gì hết về cái đó.
- Thật vậy sao? Nhưng trong huyết quản của cậu đã mang sẵn cái tinh thần ấy. - Sự xúc động dường như vượt quá sức chịu đựng của người đàn bà.
Từ sau đám tang cha chàng, Kikuji chưa hề gặp lại bà ta.
Bà ta dường như không thay đổi là bao từ bốn năm nay.
Chiếc cổ trắng khá dài vẫn như thế và đôi vai đầy đặn cân đối với chiếc cổ thanh tú - kể ra đó cũng là một dáng vóc khá trẻ so với số tuổi của người đàn bà. Miệng và chiếc mũi nhỏ rất phù hợp với cặp mắt. Nếu để ý hơn một chút, người ta sẽ nhận thấy chiếc mũi nhỏ của bà ta rất đều và gọn. Khi bà ta nói, môi dưới hơi trề ra một chút như người đang bĩu môi.
Người con gái được thừa hưởng chiếc cổ dài và đôi vai đầy đặn của bà mẹ. Miệng nàng rộng hơn, tuy nhiên, môi nàng luôn mím chặt lại. Có vẻ gì gần như khôi hài xung quanh chiếc miệng nhỏ nhắn của bà mẹ bên cạnh chiếc miệng của người con.
Một vẻ u buồn thể hiện trong đôi mắt của thiếu nữ, vẻ u buồn nặng nề hơn là vẻ u buồn trong đôi mắt người mẹ.
Chikako cời than trong lò.
- Cô Inamura, cô vui lòng pha trà cho cậu Mitani. Hình như cô chưa hề thực tập bao giờ.
Cô gái với ngàn cánh hạc đứng lên.
Kikuji để ý thấy nàng ngồi bên cạnh bà Ota.
Tuy vậy chàng đã tránh nhìn nàng khi chàng nhìn về phía hai mẹ con bà Ota.
Cố nhiên khi Chikako mời cô gái đứng lên pha trà là cốt ý để chàng quan sát nàng kĩ.
Khi nàng đến bên lò than, nàng quay sang hỏi Chikako.
- Em phải dùng cái chén nào bây giờ?
- Để tôi coi. Dùng cái chén Oribe 1 được đó, - Chikako trả lời. - Cái chén đó trước kia là của cha cậu Mitani. Ông rất thích cái chén đó và chính ông cho tôi đấy.
Kikuji nhớ chiếc chén uống trà mà Chikako vừa đặt xuống trước mặt người thiếu nữ. Quả thực chiếc chén này ngày trước là của cha chàng và chính bà Ota là người đã cho ông chiếc chén đó.
Bà sẽ cảm thấy ra sao, khi nhìn thấy tại buổi trà đạo chiếc chén uống trà đã từng được bà nâng niu rồi đã được chuyển từ tay cha Kikuji đến tay Chikako?
Kikuji chưng hửng trước sự thiếu tế nhị của Chikako.
Nhưng người ta có thể kết luận là bà Ota cũng đã chứng tỏ một chút khéo léo.
Trước mặt chàng, cô gái nhà Inamura bỗng trở nên đẹp lạ thường, nàng bỗng nổi bật lên trên những mẩu chuyện nhỏ nhen của những người đàn bà đứng tuổi đang vây quanh chàng kia.


III

Với vẻ hồn nhiên, nàng đi đi lại lại trong suốt buổi lễ không một chút do dự và cuối cùng chính tay nàng đặt chén trà xuống trước mặt Kikuji.
Sau khi uống trà xong, Kikuji nhìn vào chiếc chén. Đó là một chiếc chén Oribe màu đen, lấm tấm điểm trắng ở một bên chén, với hình vẽ cành cây non màu đen, hình cong cong.
- Cậu hẳn nhớ cái chén này, - Chikako lên tiếng từ đầu phòng bên kia.
Kikuji trả lời thoái thác rồi đặt chiếc chén xuống.
- Hình vẽ trên đó gợi cho người xem cái cảm giác về núi non. - Chikako nói. - Một trong những chiếc chén tốt nhất để dùng vào dịp đầu xuân - cha cậu thường dùng nó luôn. Mang nó ra dùng hôm nay kể cũng hơi trái mùa một chút, nhưng tôi nghĩ là để cho cậu Kikuji...
- Việc cha tôi chỉ làm chủ chiếc chén trong một thời gian ngắn ngủi thì có gì là lạ đâu? Cái chén đó đã có tới bốn trăm tuổi, tóm lại lịch sử của Momoyama và của chính Rikyu 2. Những vị tổ sư của môn trà đạo đã coi sóc giữ gìn chiếc chén đó và truyền lại qua các thế kỉ. Cha tôi chỉ giữ một vai trò nhỏ bé trong đó thôi. - Như vậy, Kikuji cố gắng quên đi cái liên hệ mà chiếc chén gợi lên trong đầu chàng.
Chiếc chén đã được truyền đi từ ông Ota sang người vợ, từ người vợ đó được giao cho cha Kikuji, rồi từ tay người cha Kikuji, chiếc chén cuối cùng về tay Chikako; hai người đàn ông, Ota và cha Kikuji đã chết và đây còn lại hai người đàn bà.
Có một cái gì đó hơi dị thường xung quanh sự có mặt của chiếc chén uống trà.
Bây giờ đây, người góa phụ của Ota và con gái của ông ta, Chikako và cô gái nhà Inamura và cả những thiếu nữ khác đều nâng chén trà lên và kề môi uống.
- Tôi có thể dùng trà trong chiếc chén Oribe được không? - Bà Ota đột nhiên hỏi. - Lần trước cô cho tôi dùng chiếc chén khác.
Kikuji giật nẩy mình. Liệu người đàn bà có điên không, hay là bà ta không biết xấu hổ là gì?
Chàng bỗng cảm Sew Rikyu (1521 - 1591), vị tổ sư của môn trà đạo.thương hại người con gái vẫn ngồi lặng thinh cúi đầu gằm xuống.
Cô gái nhà Inamura đến bên bà Ota dâng trà cho bà. Mọi người đều nhìn nàng một cách chăm chú. Có lẽ nàng vô tình không biết mảy may gì về lịch sử của chiếc chén Oribe màu đen này. Nàng cử động nhịp nhàng với những động tác có tính chất thực tập.
Đây là một buổi thực tập trà đạo giản dị, tuyệt đối không có một lời chỉ trích nào. Phong độ của nàng, từ vai xuống đến gối, chứng tỏ sự nề nếp và chỉnh tề.
Bóng chùm lá non bên ngoài in hình lên tấm cửa có căng giây.
Một bóng lá non chiếu nhẹ trên bờ vai và trên cánh tay áo kimono màu xám của nàng. Mái tóc nàng dường như sáng lung linh.
Ánh sáng có vẻ hơi sáng quá với một túp lều dùng cho các buổi trà đạo, tuy nhiên cũng chính là ánh sáng đó làm cho tuổi trẻ của thiếu nữ nổi bật hơn. Chiếc khăn kê trà màu đỏ, gợi cho người ta có cảm giác êm dịu nhiều hơn là tươi mát, như thể một bông hoa đỏ đang nở trên tay thiếu nữ.
Chàng tưởng như ngàn cánh hạc nhỏ và trắng tung bay quấn quýt xung quanh người nàng.
Bà Ota nâng chiếc chén Oribe màu đen trong lòng bàn tay. - Màu xanh của trà tương phản với màu đen, như những khoảng màu xanh xuất hiện vào dịp đầu xuân vậy. - Song ngay cả bà, bà cũng chẳng hề nhắc đến sự kiện chiếc chén đã có lần thuộc quyền sở hữu của chồng bà.
Sau đó là buổi xem xét cho có lệ những đồ dùng trong các cuộc trà đạo. Bọn con gái biết rất ít về những thứ đó, nên phần lớn đều hài lòng với những câu giải thích của Chikako.
Chiếc bình đựng nước và đồ dùng để khuấy trà trước kia cũng thuộc về cha Kikuji. Song cả Kikuji lẫn Chikako không đề cập đến sự kiện này.
Khi Kikuji đang nhìn bọn con gái lần lượt ra về, bà Ota đến bên chàng.
- Tôi sợ là tôi đã tỏ ra quá vụng về. Có lẽ tôi làm cậu phiền lòng, song khi tôi trông thấy cậu thì như thể những ngày xa xưa hiện về rõ rệt hơn bất cứ thứ gì khác.
- Ồ?
- Cậu bây giờ trông chững chạc quá. - Trông bà ta như sắp khóc. - Vâng, mẹ cậu. Tôi cũng định dự đám tang của bà, nhưng rồi không hiểu sao tôi không đến được.
Kikuji cảm thấy khó chịu.
- Cha cậu rồi đến mẹ cậu. Chắc cậu cảm thấy đơn độc lắm.
- Vâng, có lẽ thế.
- Cậu chưa định về bây giờ sao?
- Thực ra...
- Có bao nhiêu điều mình cần nói với nhau, một ngày nào đó tôi mong được gặp cậu.
- Cậu Kikuji. - Chikako gọi vọng từ phòng bên cạnh.
Bà Ota đứng dậy với vẻ tiếc nuối. Cô con gái của bà đã ra ngoài và đang đứng đợi mẹ ở ngoài vườn.
Cả hai mẹ con ra về sau khi cúi đầu chào Kikuji. Trong đôi mắt người thiếu nữ có tia nhìn chống đối.
Chikako đang cùng với người tớ gái và hai hay ba người học viên mà cô ta thương nhất lau chùi lại phòng bên cạnh.
- Cái nhà bà Ota nói gì thế?
- Chẳng có gì đặc biệt cả. Không có gì hết.
- Cậu phải thận trọng với mụ ta mới được. Trông bề ngoài có vẻ nhu mì dịu dàng như vậy - mụ ta khéo tự thu xếp để làm ra vẻ chẳng bao giờ có thể làm hại một ai. Nhưng cậu không bao giờ có thể đoán được mụ đang nghĩ gì trong đầu đâu.
- Tôi đoán hình như bà ta đến dự trà đạo do cô tổ chức luôn thì phải? - Kikuji hỏi với đôi chút mỉa mai. - Bà ta bắt đầu lại từ khi nào vậy?
Để tránh độc dược của Chikako, chàng đứng lên đi ra ngoài vườn.
Chikako đi theo chàng.
- Cậu thấy cô gái thế nào? Đẹp đấy chứ hả?
- Rất đẹp. Nhưng có lẽ nàng sẽ còn đẹp hơn nếu tôi gặp nàng mà không có các người dòm ngó xung quanh - cô, bà Ota và cái bóng ma của cha tôi.
- Tại sao những điều đó lại làm cậu bận tâm cho được? Bà Ota không dính líu gì đến cô gái nhà Inamura hết.
- Đối với tôi dường như đó là một việc không đẹp đối với cô gái.
- Tại sao? Nếu vì sự có mặt của bà Ota làm cậu bực dọc, thì tôi xin lỗi, nhưng cậu nên nhớ là tôi không hề mời bà ta. Và cậu nên nghĩ đến cô Inamura một cách biệt lập mới phải.
- Tôi phải đi bây giờ. - Chàng ngừng lại. Nếu chàng tiếp tục bước song song với Chikako, chắc chắn cô ta khó mà buông tha cho chàng về.
Khi còn lại một mình, chàng nhận thấy cây đỗ quyên trên sườn núi đã đâm nụ. Chàng thở ra thật dài.
Chàng cảm thấy tự coi thường vì đã để Chikako dẫn dắt chàng hơi xa; tuy nhiên cái ấn tượng về cô gái trong chiếc khăn choàng có vẽ hình ngàn cánh hạc thật tươi mát và trong sạch.
Có lẽ chính nhờ nàng mà cuộc gặp gỡ giữa chàng và hai người đàn bà cũ của cha chàng đã không còn làm chàng bực dọc như chàng tưởng.
Hai người đàn bà vẫn còn đó để nói về cha chàng và mẹ chàng đã nằm xuống. Chàng cảm thấy một cái gì gần như là sự giận dữ.
Cái bớt xấu xí lại hiện ra trong tâm trí chàng.
Một cơn gió chiều thoảng qua, mơn man những chiếc lá non.
Kikuji bước chậm rãi, chiếc mũ cầm nơi tay.
Từ xa chàng nhận ra bóng dáng bà Ota trong bóng mát của chiếc cổng chính dẫn vào ngôi đền.
Chàng tìm đường tránh mặt. Chàng có thể qua lối cổng khác để rời ngôi đình bằng cách rẽ phải hay rẽ trái. Nhưng chàng vẫn bước đều về phía cổng chính.
Bà Ota vừa trông thấy chàng liền bước lại. Đôi má bà ửng hồng.
- Tôi có ý đợi cậu. Tôi muốn gặp lại cậu, có lẽ tôi có vẻ kỳ cục, nhưng tôi cần nói vài điều với cậu. Nếu chúng ta từ biệt tại nhà cô Kurimoto, tôi sợ là không có dịp gặp lại cậu nữa.
- Thế còn con gái bà đâu rồi?
- Fumiko đi trước với một cô bạn.
- Chắc cô biết bà đợi tôi?
Bà Ota nhìn vào mắt Kikuji:
- Phải.
- Tôi sợ cô không tán thành lắm việc này đâu. Tôi thấy tội cho cô ta trong buổi trà đạo vừa qua. Rõ ràng là cô ấy không muốn gặp mặt tôi. - Câu nói vừa có vẻ cộc cằn vừa có vẻ thận trọng. Nhưng bà Ota trả lời thẳng thắn.
- Với Fumiko, gặp mặt cậu là một điều khổ tâm cho nó.
- Bởi vì chính cha tôi đã làm cho cô ấy đau khổ.
Kikuji có ý nói chính bà Ota cũng đã làm cho chàng khổ tâm.
- Không phải vậy đâu. Cha cậu đối xử với con bé rất tử tế. Có dịp, tôi sẽ kể cậu nghe về chuyện này. Thoạt đầu, con bé không tỏ ra mấy thân thiện, mặc dù cha cậu đã cố gắng đối xử tốt với nó. Nhưng rồi con bé cũng thay đổi vào lúc chiến tranh sắp chấm dứt với những cuộc oanh tạc dữ dội. Tôi không hiểu tại sao. Con bé đã làm hết mình những gì mà nó có thể làm để giúp cha cậu. Cố nhiên dạo đó nó còn nhỏ. Cái mà nó có thể làm là đi tìm mua gà, cá và những thứ tương tự cho cha cậu. Nó khá cương nghị nên một khi nó quyết định làm cái gì nó không màng đến sự hiểm nguy. Ngay cả khi xảy ra những vụ oanh tạc, nó dám về cả những vùng quê để tìm mua gạo. Cha cậu đã tỏ ra rất ngạc nhiên về thái độ thay đổi đột ngột đó của con nhỏ. Tôi cũng rất xúc động đến độ tôi suýt cảm thấy lòng tự ái bị thương tổn. Đồng thời, tôi cũng cảm thấy như mình đang bị quở mắng.
Kikuji thầm hỏi: liệu mẹ chàng có cùng được hưởng sự tử tế mà cô gái họ Ota đã dành cho cha chàng. Những món tặng phẩm đáng giá mà cha chàng thỉnh thoảng đem về nhà, phải chăng đó chính là những món mà Fumiko đã mua được?
- Tôi cũng không hiểu tại sao Fumiko lại đổi thay như vậy. Có thể là vì, giữa thời chiến, người ta không biết được hôm nay hay ngày mai sẽ chết bất ngờ. Tôi nghĩ là con bé tội nghiệp cho tôi, nên nó sốt sắng giúp đỡ cả cha cậu nữa.
Trong cơn rối loạn của cuộc bại trận, có lẽ cô gái đã hiểu mẹ cô tha thiết một cách tuyệt vọng với cha Kikuji như thế nào. Thực tế phũ phàng của những ngày tao loạn đã khiến cô quên đi cái quá khứ thuộc về cha ruột mình để chỉ nhìn thấy cái thực tại vây quanh người mẹ góa bụa.
- Cậu có để ý nhẫn Fumiko đeo nơi tay không?
- Không.
- Cha cậu đã cho nó cái nhẫn đó. Ngay cả khi cha cậu sống với tôi ông vẫn thường về nhà mỗi khi có báo động oanh tạc. Thường Fumiko hay theo tiễn cha cậu về mặc dù không ai trong chúng tôi đưa đề nghị đó ra. Nó bảo nếu để cha cậu về một mình, nhỡ chẳng may có cái gì xảy ra thì sao. Một đêm, sau khi đưa cha cậu về, nó không trở lại nhà như mọi lần. Tôi hy vọng là nó sẽ ngủ đêm lại nhà cậu, nhưng tôi cũng sợ là cả hai người đều bị trúng bom. Thế rồi buổi sáng hôm sau nó về nhà và cho biết, nó tiễn cha cậu về đến cổng rồi trải qua một đêm trong hầm trú ẩn. Để tỏ ý cảm ơn con bé, cha cậu đã cho nó chiếc nhẫn trong kỳ viếng thăm kế đó. Tôi chắc là nó bối rối nếu để cậu nhìn thấy chiếc nhẫn đó.
Kikuji cảm thấy khó chịu vô cùng. Thật là kỳ cục khi bà Ota có vẻ như mong mỏi mối thiện cảm mà chàng đã dành cho bà như một điều tự nhiên phải có. Tuy vậy, chàng vẫn không tỏ một thái độ coi thường hay bực dọc. Ở người thiếu phụ đứng tuổi toát ra một vẻ nồng nàn khiến chàng như bị đẩy ra khỏi sự thận trọng cố hữu.
Khi Fumiko thực hiện, một cách tuyệt vọng những gì nàng có thể làm được để giúp cha chàng, có phải nàng đã từng theo dõi mẹ nàng mà vẫn không thể nào hiểu được bà?
Kikuji có cảm tưởng là khi bà Ota nói về cô con gái bà cũng chính là lúc bà nói về mối tình cảm giữa bà với cha chàng. Dường như bà có vẻ biện hộ điều gì với tất cả niềm đam mê bà đã có và cuối cùng, cuộc biện hộ dường như cũng không phân biệt sự khác nhau giữa cha chàng và chàng. Có một mối nhớ nhung sâu đậm và nồng nàn trong giọng nói của bà Ota, như thể bà đang nói chuyện với cha Kikuji vậy.
Niềm oán hận mà mẹ con Kikuji dành cho bà Ota tuy đã phai nhạt đi ít nhiều, nhưng chưa hoàn toàn mất hẳn. Chàng cũng sợ là khi chàng tỏ ra hết sức thận trọng chàng vẫn có thể tìm thấy ngay trong chính chàng hình bóng người cha đã từng được bà Ota yêu thương. Chàng không ngăn nổi sự tưởng tượng thuộc về cha chàng trong quá khứ, như chính chàng đã quen thuộc, từ lâu rồi, với thân thể của người đàn bà đang đứng trước mặt. Chàng hỏi:
- Bà thường đến nhà cô Kurimoto? Trước kia chắc bà đã quen biết khá nhiều với cô ta chứ?
Bà Ota cúi đầu, đáp:
- Sau khi cha cậu chết, tôi có nhận được một lá thư của cô ta.
Lúc đó tôi nhớ cha cậu kinh khủng và tôi cảm thấy cô đơn vô cùng.
- Thế cô Fumiko có đến thăm cô Kurimoto cùng với bà không?
- Fumiko à? Tôi đem nó đi chỉ để cho nó có bạn thôi.
Hai người băng qua những con đường mòn, đi ngang qua nhà ga Kamakura ở phía Bắc và lúc này họ đang tiến lên ngọn đồi đối diện với đền Engakuji.


IV

Bà Ota năm nay ít nhất cũng bốn mươi lăm tuổi, tính ra bà hơn Kikuji đến hai mươi tuổi, nhưng bà đã làm cho Kikuji quên hẳn tuổi bà khi hai người yêu nhau. Chàng có cảm tưởng như chàng ôm trong tay một người đàn bà trẻ hơn chàng.
Cùng chia sẻ niềm hạnh phúc với một người đàn bà đã từng trải, Kikuji không hề cảm thấy bối rối vì mặc cảm thiếu kinh nghiệm yêu đương của mình.
Chàng có cảm tưởng như đây là lần đầu tiên chàng biết đàn bà và cũng lần đầu tiên chàng biết đến người đàn ông trong chàng. Quả thực là một sự thức tỉnh lạ lùng. Trước kia, chàng không ngờ một người đàn bà có thể mềm mại và dễ thụ cảm đến độ đó, tính chất đó đã được bộc lộ sau đó khi hai người gần nhau, đồng thời nó đã mê hoặc chàng vào trong một vùng đầy thương yêu nồng nàn.
Thường Kikuji cảm thấy ghê sợ sau mỗi lần gần gũi đàn bà: nhưng bây giờ, sau phút ân ái, chàng ý thức về một việc nghỉ ngơi êm đềm. Chàng cũng thường đột ngột bỏ đi sau đó, nhưng hôm nay chàng cảm thấy như là lần đầu tiên chàng được gần gũi da thịt đàn bà ấm áp và chàng không ngần ngại buông thả mình trong cảm giác đó. Mãi đến hôm nay chàng mới nhận thấy tận cơn sóng trong mắt của người đàn bà. Trầm mình trong sóng đó, chàng cảm thấy mãn nguyện như sau khi chiến thắng, kẻ chinh phục được tên nô lệ rửa chân cho mình.
Và có cảm giác về một thứ tình mẫu tử nơi người đàn bà nữa.
- Cô Kurimoto có một cái bớt lớn. Bà biết không?
Kikuji nói trong lúc đầu chàng ngẩng lên. Chàng đã vô tình mang câu chuyện về cái bớt của Kurimoto vào buổi tối hôm nay. Có lẽ vì một sự chậm trễ của ý thức, nên chàng không ngờ rằng mình có vẻ như muốn nói xấu Kurimoto. Chàng giơ tay trỏ vào ngực:
- Cái bớt nằm ở chỗ này, ngay trên vú.
Một cái gì đã đến trong chàng khiến chàng nói lên điều đó. Một cái gì đó đến trong chàng ngoài ý muốn, để tạo dịp cho chàng nguyền rủa người đàn bà có cái bớt ở vú. Hoặc giả điều đó chỉ có ý giấu giếm một nỗi e thẹn dịu dàng trong chàng vì chàng đã từng muốn nhìn tận mắt thân thể của Kurimoto, để xem cái bớt thật sự nằm ở đâu thôi.
- Thật tởm!
Vừa nói bà Ota vừa khép nhanh chiếc kimono lại. Tuy nhiên, bà cũng tỏ ra không chấp nhận cái bớt của Kurimoto. Bà nói thản nhiên:
- Tôi không biết là cô ta có cái bớt đó. Làm sao cậu có thể nhìn thấy nó bên dưới chiếc áo kimono chứ?
- Có, tôi thấy được.
- Không! Làm sao cậu có thể nhìn thấy được chứ?
- Bà có thể thấy nó nếu nó ở đây, tôi tưởng tượng được.
- Thôi đi. Có phải cậu đang tìm xem tôi có cái bớt như vậy không, phải không?
- Không phải vậy. Nhưng tôi đang tự hỏi liệu bà có cái bớt như vậy, bà sẽ cảm thấy ra sao?
- Nhưng tại sao cậu lại đi nói đến chuyện đó? Điều đó có can hệ gì đâu?
Mặc dù có vẻ phản đối câu chuyện Kikuji đang đề cập tới nhưng thái độ của bà ta thật thản nhiên. Độc dược mà Kikuji tung ra, dường như không gây ra một phản ứng nào. Chính độc dược đó đã ngấm lại chàng.
- Tôi nghĩ là nó can hệ. Tôi chỉ nhìn thấy cái bớt đó một lần, dạo đó tôi mới tám hay chín tuổi gì đó và bây giờ tôi có thể tưởng tượng thấy nó.
- Tại sao vậy?
- Chính bà cũng đã từng sống trong sự nguyền rủa cái bớt đó của Kurimoto. Chứ không phải cô Kurimoto đến gặp bà dễ dàng giật lại cha tôi, nhưng lại làm ra vẻ tranh đấu giùm cho mẹ con tôi đấy chắc?
Bà ta gật gù và dịch ra xa Kikuji. Kikuji kéo bà lại gần, xiết chặt trong vòng tay.
- Cô Kurimoto có mặc cảm về cái bớt của mình. Điều đó làm cho cô ta đáng ghê tởm hơn.
- Cậu có ý nghĩ gì mà quái gở vậy?
- Và có lẽ vì vậy mà cô ta không nghĩ đến việc trả thù cha tôi.
- Tại sao lại trả thù?
- Cô ta nghĩ là cha tôi coi thường cô ta cũng chỉ vì cái bớt đó. Có thể cô ta cũng tự an ủi rằng cha tôi bỏ rơi cô ta chính vì cái bớt đó.
- Thôi, đừng nói về cái chuyện ghê tởm đó nữa.
Tuy nói vậy, bà Ota chưa hình dung ra được cái bớt kia ra sao, nên lại tiếp tục:
- Tôi không tin là cô Kurimoto còn bận tâm về chuyện đó nữa đâu. Sự đau khổ chắc đã nhạt từ lâu rồi.
- Liệu sự đau khổ nhạt đi có còn để lại một dấu vết nào?
- Cậu đôi khi có vẻ thương cảm về chuyện đó lắm?
Bà Ota nói, nửa người còn đang mơ mộng.
Kikuji lên tiếng nói về một chuyện mà chàng đã quyết định không nói ra dù với giá nào.
- Bà còn nhớ cô gái ngồi bên trái bà trong buổi trà đạo trưa nay không?
- Có, cô Yukiko, thuộc giòng họ nhà Inamura.
- Cô Kurimoto mời tôi đến hôm nay không ngoài mục đích để xem mắt nàng.
Bà Ota nhìn sững Kikuji với đôi mắt mở lớn không chớp.
- Không thể như thế được. Đúng là một lối mai mối. Tôi không bao giờ ngờ được.
- Thực ra đây chưa phải là một cuộc mai mối.
- Với tôi, đó chính là một cuộc mai mối. Như vậy cậu vừa trở về nhà sau một cuộc xem mắt vợ tương lai.
Một giọt nước mắt lăn xuống gò má bà Ota rồi nhỏ lên mặt gối.
Đôi vai run rẩy, bà nức nở.
- Thật bậy. Bậy. Tại sao cậu không nói cho tôi rõ từ trước?
Nói xong bà úp mặt xuống mặt gối.
Kikuji không ngờ phản ứng của bà Ota lại đột ngột đến thế.
- Nếu bà cho việc chúng tôi làm là bậy thì nó là bậy, mặc dù tôi có làm cái việc xem mắt người ta hay không. - Chàng có vẻ thành thật. - Tôi không thấy giữa hai việc đó có một liên hệ nào với nhau cả.
Tuy nói vậy, chàng cũng bắt gặp lại hình ảnh của cô gái nhà Inamura. Chàng có thể hình dung ra chiếc khăn màu hồng của nàng với hình vẽ bầy hạc trắng trên đó.
Hình ảnh người đàn bà đang khóc trở nên xấu xí tệ. Đôi vai đầy đặn của bà ta run lên.
- Trời ơi, thật bậy, làm thế nào mà tôi đã làm cái việc đó? Tôi thật tội lỗi.
Nếu Kikuji tỏ ra hối hận thì chàng đã có cái cảm giác ghê tởm về sự chung đụng thể xác với bà Ota. Dầu sao, ngoài vấn đề xem mắt vợ tương lai của Kikuji thì bà ta cũng đã từng là tình nhân của cha chàng. Nhưng chàng không cảm thấy ân hận, cũng không cảm thấy ghê tởm.
Chàng không hiểu sự việc đã xảy ra ra sao và nó đã xảy ra một cách hết sức tự nhiên. Có lẽ bà Ota đang ân hận vì đã quyến rũ chàng, dù bà không thực tâm định quyến rũ chàng và Kikuji cũng không cảm thấy là chàng bị quyến rũ. Không có vấn đề kháng cự về phía chàng cũng như về phía người đàn bà. Chàng có thể nói là chàng không cảm thấy có một sự ghê tởm nào hết ở đây.
Họ đưa nhau đến một cái quán trên ngọn đồi đối diện với đền Engakuji dùng cơm chung, vì bà Ota còn đang tiếp tục nói về cha chàng. Kikuji không có bổn phận phải nghe. Thế mà chàng vẫn im lặng ngồi nghe bà ta kể về cha chàng trong một cảm giác xa lạ; dường như không để ý thái độ đó của chàng, bà Ota vẫn nói như biện minh cho niềm thiết tha của mình dành cho dĩ vãng. Trong khi lắng nghe bà Ota nói, Kikuji chợt cảm thấy lòng mình trở nên khoan dung. Một mối cảm tình đầy che chở vây tỏa lấy người thanh niên.
Chàng nghĩ về hạnh phúc mà cha chàng đã được hưởng.
Có lẽ đây chính là căn nguyên của sự lầm lỡ. Cái lúc từ biệt bà Ota đã qua và trong một phút yếu lòng, Kikuji đã buông xuôi. Mặc dù trong tận đáy lòng, chàng vẫn cảm thấy có một bóng tối dày đặc. Chàng đã nói hộ cho Korimoto và cô gái nhà Inamura một cách độc địa.
Chỉ vì sự độc địa đó quá hiệu quả đấy thôi. Đột nhiên chàng cảm thấy hối hận, và sự hối hận đó đã kéo theo nó lòng ghê tởm và một ngọn sóng hung bạo ích kỉ chợt bủa vây lấy chàng, thúc đẩy chàng phải nói lên một điều gì tàn nhẫn hơn.
Người đàn bà lên tiếng:
- Thôi, bỏ qua đi. Điều đó chẳng nghĩa lý gì. Không có gì hết cả.
- Bà còn nhớ cha tôi không?
- Hả? Cậu nói cái gì vậy?
Bà Ota ngó chàng với vẻ ngạc nhiên qua đôi mắt đỏ hoe vì khóc; Kikuji vẫn có thể nhận ra nỗi chán chường của người đàn bà.
- Nếu cậu hỏi vậy, tôi không có gì để trả lời cả. Nhưng hiện giờ tôi là một người đàn bà rất đau khổ.
- Bà không việc gì phải giấu tôi. - Kikuji mở phăng chiếc kimono của bà Ota ra. - Nếu bà có một cái bớt, bà sẽ không bao giờ quên sự hiện diện của nó cả. Cái ấn tượng...
Kikuji chợt kìm hãm lại những lời chàng định nói.
- Cậu không nên nhìn tôi như vậy...tôi không còn trẻ nữa. - Kikuji ghì chặt bà ta như thể muốn ăn tươi nuốt sống người đàn bà.
Con sóng cũ trở lại, con sóng của người đàn bà.
Và chàng thiếp đi trong cảm giác êm đềm.
Nửa thức nửa ngủ, chàng nghe tiếng chim kêu chiêm chiếp.
Dường như chàng đã thức dậy lần đầu tiên do tiếng gọi của chim muông.
Lớp sương mai thấm ướt hàng cây nơi hàng hiên. Kikuji có cảm tưởng những ngõ ngách trong đầu mình vừa được rửa sạch. Chàng không nghĩ gì cả.
Bà Ota nằm ngủ, lưng xoay lại phía chàng. Chàng thầm hỏi bà ta xoay lưng lại phía chàng từ hồi nào. Chàng nằm chống khuỷu tay lên nệm ngó xuống khuôn mặt người tình cũ của cha trong bóng tranh tối tranh sáng.


V

Khoảng hai tuần lễ sau, con gái bà Ota đến tìm Kikuji tại nhà chàng.
Kikuji sai người hầu gái đưa nàng vào phòng khách. Cố gắng kìm hãm sự hồi hộp, chàng mở tủ đựng cốc tách và mang ra hộp kẹo. Liệu cô Ota tới đây một mình hay có cả bà mẹ đứng đợi ở ngoài vì không thể vào nhà?
Người thiếu nữ đứng dậy khi chàng mở cửa phòng khách, đầu nàng cúi xuống và Kikuji nhìn thấy chiếc môi dưới hơi trề của nàng mím lại một vẻ cương quyết.
- Xin lỗi đã để cô đợi lâu.
Vừa nói, Kikuji vừa mở cánh cửa kính trông ra vườn. Khi đi qua phía sau lưng người thiếu nữ, chàng bắt gặp một mùi hương tàn tiết ra từ đóa thược dược trắng cắm trong lọ hoa. Đôi vai đầy của nàng hơi nghiêng về phía trước.
- Xin mời cô ngồi.
Kikuji cũng kiếm một chỗ ngồi xuống. Chàng cảm thấy lạ lùng khi bắt gặp hình ảnh người mẹ nơi người con gái.
- Lẽ ra tôi phải gọi dây nói trước cho anh mới phải.
Đầu nàng vẫn cúi xuống.
- Không sao. Tuy nhiên, tôi ngạc nhiên là cô lại có thể tìm ra nhà tôi.
Nàng gật đầu.
Rồi Kikuji nhớ ra: trong thời kì thành phố bị oanh tạc nàng đã có lần tiễn cha chàng về gần đến cổng nhà chàng. Chàng đã được bà Ota thuật cho nghe về chuyện này tại đền Engakuji.
Vừa chợt có ý định thuật lại chuyện này, chàng đã kìm hãm lại ngay. Chàng đưa mắt nhìn thiếu nữ.
Sự nồng nàn của bà Ota chợt trở lại trong chàng như một dòng nước ấm. Bà ta đã đầu hàng một cách dịu dàng mọi sự, chàng vẫn còn nhớ và chàng đã cảm thấy an bình.
Chính vì cảm giác an bình đó, giờ đây chàng cảm thấy sự thận trọng trở nên mờ nhạt trong chàng. Người con gái không nhìn lại chàng.
- Tôi... - Nàng lên tiếng phá tan sự im lặng giữa hai người và nàng ngước nhìn chàng. - Tôi có việc cần phải nói với anh. Về mẹ tôi.
Kikuji nín thở.
- Tôi mong anh tha thứ cho bà.
- Tha thứ cho bà? - Kikuji linh cảm người mẹ đã nói hết về chàng cho cô con gái nghe. - Nếu có người nào được tha thứ thì người đó chính là tôi mới phải.
- Tôi muốn anh tha thứ cho mẹ tôi thay cho cha anh luôn thể.
- Liệu cha tôi có phải là người cần được tha thứ? Nhưng mẹ tôi không còn sống nữa, vậy thì ai làm cái việc tha thứ đó bây giờ?
- Chính vì lỗi mẹ tôi mà cha anh mất sớm như vậy. Cả mẹ anh nữa. Tôi đã bảo với mẹ tôi như vậy.
- Cô thật giàu tưởng tượng. Cô không nên tàn nhẫn với bác gái như vậy.
- Lẽ ra mẹ tôi là người chết trước mới đúng.
Nàng nói như thể chính nàng cũng bị xấu hổ nữa.
Kikuji nhận thấy nàng đang nói về mối liên hệ giữa chàng và mẹ nàng. Cả hai làm cho chàng đau đớn và xấu hổ biết chừng nào!
- Tôi muốn anh tha lỗi cho mẹ tôi, - người con gái lại nói, lần này trong giọng nói của nàng chứa đựng một sự biện hộ khẩn thiết.
- Thực ra đây không phải là vấn đề tha lỗi hay không tha lỗi. - Kikuji nói với thái độ quả quyết. - Tôi là kẻ chịu ơn mẹ cô.
- Mẹ tôi tệ lắm. Bà không xứng đáng chút nào, và anh cũng nên chấm dứt ngay với bà. Anh không có gì phải bận tâm về bà hết. - Những lời nói tuôn ra và giọng thiếu nữ run run. - Tôi van anh đó.
Bây giờ Kikuji hiểu ý nghĩa của sự tha thứ mẹ nàng yêu cầu chàng dành cho người mẹ. Điều đó cũng có nghĩa là chàng không nên tiếp tục gặp gỡ bà Ota nữa.
- Cũng đừng gọi dây nói cho bà.
Khuôn mặt thiếu nữ ửng hồng khi nàng nói câu trên. Nàng ngẩng đầu lên và nhìn thẳng vào mặt Kikuji, như thể cố gắng kìm chế sự ngượng ngập. Những giọt nước mắt long lanh trong đôi mắt mở lớn và đen, đầy vẻ thành thật. Đôi mắt dần thay thế cho sự tranh đấu tuyệt vọng. Kikuji nói:
- Tôi hiểu. Tôi rất ân hận.
- Van anh, tôi xin anh, - cùng với sự thẹn thùng mỗi lúc một tăng, cả chiếc cổ trắng và dài của nàng cũng dần ửng hồng lên.
Trong bộ âu phục, cổ nàng đẹp hẳn lên với một xâu chuỗi quanh cổ.
- Mẹ tôi hẹn anh trong dây nói và rồi đã không giữ lời. Tôi đã ngăn bà lại. Khi bà cố gắng ra khỏi nhà, tôi đã ôm chặt lấy bà và không để bà đi đến chỗ hẹn.
Giọng nàng bây giờ có vẻ hơi bình tĩnh.
Kikuji đã gọi dây nói cho bà Ota vào ngày thứ ba sau khi gặp mặt nhau. Bà đã tỏ ra vui mừng, nhưng sau đó bà lại không đến phòng trà nơi hai người đã hẹn gặp nhau qua dây nói.
Ngoài một lần gọi dây nói đó, Kikuji đã không hề tìm gặp lại bà Ota lần nào.
- Sau đó tôi cảm thấy tội nghiệp giùm cho mẹ tôi nhưng trước lúc đó, tôi lại cảm thấy tuyệt vọng khi cố giữ bà ở nhà. Bà cũng yêu cầu tôi từ chối giùm bà buổi hẹn. Nhưng khi tôi gọi dây nói cho anh, tôi không nói được gì cả. Mẹ tôi nhìn sững ống nói, nước mắt đầm đìa. Bà cảm thấy anh đang chờ đợi ở đầu dây bên kia, tôi biết rõ bà lắm. Bà vẫn như vậy hoài.
Cả hai im lặng một lát. Rồi Kikuji lên tiếng trước:
- Tại sao cô lại chấp nhận để bác gái chờ tôi sau buổi trà đạo của Kurimoto?
- Bởi vì tôi muốn hiểu là mẹ tôi không tệ quá như anh có thể nghĩ.
- Bác gái không tệ mà còn ngược lại là đằng khác.
Người con gái cúi mặt xuống. Bên chiếc mũi cao và thẳng, chàng có thể nhìn thấy chiếc miệng nhỏ và môi dưới của nàng trề ra như thể nàng đang bĩu môi. Khuôn mặt tròn dịu dàng làm chàng nhớ đến người mẹ.
- Tôi biết bà Ota có người con gái và tôi thường ao ước được nói chuyện với nàng về cha tôi.
Nàng gật đầu:
- Tôi cũng thường ao ước một điều như anh.
Kikuji nghĩ nếu được nói chuyện về cha chàng một cách thoải mái và không bận rộn về bà Ota thì sung sướng biết bao.
Nhưng vì chàng không còn có thể "không phải bận rộn" để chàng có thể tha thứ cho bà Ota và cùng một lúc cảm thấy chàng đang tha thứ cho cái liên hệ giữa bà và cha chàng. Liệu chàng có nhận từ đây là một sự kiện lạ lùng?
Có lẽ vì sợ là mình đã ở lại khá lâu, người thiếu nữ đứng dậy.
Kikuji tiễn nàng ra đến cổng.
- Tôi hy vọng là chúng mình sẽ có dịp nói chuyện về cha tôi vào một ngày nào đó. Và về mẹ cô, cùng tất cả vẻ đẹp mà bà có.
Kikuji lo sợ là chàng đã tự diễn tả tâm tình của mình một cách hơi quá đáng. Tuy vậy, chàng vẫn không chối nhận là chàng đã thành thật.
- Nhưng anh sắp lập gia đình mà.
- Tôi sắp lập gia đình?
- Phải. Mẹ tôi bảo vậy. Anh đã xem mắt cô Inamura Yukiko, mẹ tôi nói thế.
- Không phải như vậy đâu.
Từ chiếc cống đi xuống là triền dốc của ngọn đồi. Con phố uốn khúc ở lưng chừng đồi, từ đó người ta chỉ có thể nhìn từ những ngọn cây trong khu vườn của Kikuji.
Hình ảnh người con gái với chiếc khăn có in hình ngàn cánh hạc trở lại trong tâm trí chàng. Fumiko dừng lại và ngỏ lời từ biệt.
Kikuji quay trở vào nhà.

--------------------------------
1Một loại đồ sứ đời Seto, thế kỉ XVI.
2Sew Rikyu (1521 - 1591), vị tổ sư của môn trà đạo.