Tập 1

Bước chân Tường Vân thoăn thoắt, trên những viên gạch bóng láng của phi trường, cô quá hồi hộp và căng thẳng, bởi ngày mai là ngày Chí Thiện lên phi cơ đi du học, xa cô những ba năm. Ba năm dài cô không được nhìn thấy anh, sẽ có biết bao nhiêu là thương nhớ, nhớ thương, nên gần sáng mới thiếp đi được.

– Sao giờ này Tường Vân vẫn chưa đến, cô ấy hẹn là sẽ đưa tiễn mình mà?

Chí Thiện băn khoăn hỏi người phụ tá của cha mình, song anh ta cũng không khác hơn gì, bù trất cho việc Tường Vân không đến. Đồng hồ chỉ chín giờ. Anh ta đặt tay lên vai Chí Thiện:

– Cậu gọi điện thoại cho cô ấy sau. Muộn rồi, còn nửa giờ nữa máy bay cất cánh, không vào sẽ trễ chuyến đi.

– Anh Chí Thiện!

Tường Vân vừa thở hào hển vừa chạy đến, mái tóc dài của cô xổ tung. Cô toan lao luôn vào cánh cửa cách ly, nhưng người bảo vệ sân bay ngăn cô lại:

– Cô không vào được đâu.

Chí Thiện phóng nhanh ra, anh ôm choàng lấy Tường Vân thổn thức:

– Anh cứ tưởng đi mà không được nhìn thấy em, sao em đến muộn vậy?

– Em bị .... kẹt xe.

– Cậu Chí Thiện, phải vào thôi, trễ mất rồi!

Người quản lý sốt ruột giục, Chí Thiện vội vàng lấy ra cái hộp:

– Tường Vân! Anh tặng cho em cái này.

Hai sợi dây chuyền bạch kim, mặt ngọc đính hai chữ T.V quấn quýt nhau, một sợi anh đeo lên cổ Tường Vân. Còn một sợi, anh bảo:

– Em đeo cho anh đi.

Tường Vân khóc nghẹn ngào tròng sợi dây vào cổ Chí Thiện. Hai người ôm nhau lần nữa, rồi mới buông ra. Chí Thiện quay lưng đi trở vào, vừa đi vừa vẫy tay lại:

– Anh sẽ gọi điện thoại cho em sau khi đặt chân lên đất Mỹ.

Tường Vân nức nở:

– Em đợi tin anh.

Dáng cao to của Chí Thiện khuất sau cánh cửa và mất hút, Tường Vân vẫn còn đứng đó nhìn theo, nước mắt cô tuôn dòng. Ba năm nữa cô mới gặp anh, hơn một ngàn ngày xa cách không còn nhìn thấy nhau. Chí Thiện ơi, em sẽ nhớ anh đến chết mất.

Lúc này bà Tường Vi mới đến, thương cảm ôm vai con gái:

– Về thôi con ạ. Chí Thiện sẽ gọi điện cho con mà.

Tường Vân gục đầu vào vai mẹ:

– Con sẽ nhớ anh ấy lắm mẹ ơi.

– Mẹ biết, nhưng nó cần đi học để lo việc công ty cho bác Chí Thành và cũng đi tìm người anh trai nữa.

Tiếng máy bay cất cánh bay lên cao, vang thành âm thanh rền rĩ, Tường Vân ngước nhìn lên cao, con chim sắt khổng lồ mang Chí Thiện của cô đi. Cô nhớ anh thắt ruột. Mà thôi, đành chịu và chờ mong ngày anh trở về.

Mình đã đặt chân lên đất Mỹ rồi đây. New York. Chí Thiện nhoài người qua khung cửa kính để nhìn đường phố toàn xe ôtô, không có nhiều xe hai bánh như ở Việt Nam, những tòa nhà cao chọc trời và đường thênh thang. Chí Thiện thấy nhớ Tường Vân tha thiết. Một lát về phòng trọ, anh nhất định gọi điện ngay cho Tường Vân.

Xe vừa dừng lại, Chí Thiện mở cửa bước xuống. Ngay lúc đó có một người đi tuôn vào anh, Chí Thiện kêu lên:

– Ôi! Sao lại tông vào tôi?

Cô gái tóc vàng nhìn Chí Thiện rồi vụt reo:

– Anh là người Việt Nam?

Cô ta cũng là người Việt. Chí Thiện quên mất cô ta vừa tông vào mình nên cười đáp lại:

– Phải, tôi vừa mới ở bên Việt Nam sang.

– Chào anh bạn Việt Nam.

Cô vỗ mạnh vào Chí Thiện một cái:

– Sorry!

Rồi bỏ chạy đi, Chí Thiện cười lắc đầu nhìn theo. Nơi xa lạ gặp một người đồng hương, thật đúng như là gặp cố tri vậy. Chí Thiện đưa tay vào túi quần, anh giật nẩy người, điện thoại và ví tay của anh biến mất! Hay là nó rơi trong xe taxi? Hấp tấp, anh mở cửa nhìn vào. Không có! Ôi, mới vừa đặt chân lên đất Mỹ đã gặp phải nữ tặc móc túi rồi!

– Cậu sao vậy?

Người quản lý hỏi, Chí Thiện nhăn nhó:

– Tôi bị móc túi, nhưng không lẽ là cô gái lúc nãy. Tiền tôi không tiếc, nhưng là điện thoại.

Điện thoại đó, Chí Thiện lưu nhiều ảnh chụp của Tường Vân. Tiếc thật!

– Anh taxi, liệu có chuộc lại được điện thoại không?

– Có thể, nhưng anh có nhớ mặt cô ta không?

– Có.

– Bọn móc túi thường lảng vảng khu có nhiều khách nước ngoài đến, hy vọng cậu sẽ chuộc được. Chúc cậu tìm lại món đồ đã mất.

– Cám ơn.

Mất điện thoại, anh sẽ không còn thấy Tường Vân và nụ cười xinh đẹp của cô, có đáng giận không. Cô nữ tặc này, đừng để tôi nhìn thấy cô, tôi sẽ lôi cô đến phòng cảnh sát nhốt đầu cô. Tó ví hả?

Vừa được điện thoại vừa được ví, Chi Lan hớn hở chạy đi một quãng mới mở ví ra xem. Tiền nhiều quá. Hôm nay cô và Trí Thiên trúng mánh lớn rồi.

Đúng là đang đói mà có “quý nhân phò hộ”. Để xem có bao nhiêu tiền! Chi Lan đưa ngón tay lên miệng thấm nước bọt đếm:

– Một, hai, ba ... mười lăm, mười sáu ...

– Tiền đâu mà nhiều dữ vậy?

Trí Thiên lao tới chụp cọc tiền trên tay Chi Lan, mắt anh ta sáng lên tia mừng rỡ:

– Trúng mánh hả?

Chi Lan hất mặt:

– Trúng mánh đậm, nhưng chưa biết được bao nhiêu. Anh đếm xem.

– Để coi ... có hai mươi tờ trăm đô thôi. Bèo!

– Hai ngàn anh chê gì nữa, còn hơn ba bốn ngày nay anh có tìm ra được đồng hả?

– Còn gì nữa không?

– Còn ... cái điện thoại.

Song Chi Lan vụt kêu lên:

– Mà sao anh ta khá giống anh đó anh Thiên. Lúc tó ví anh ta xong, nhìn anh ta, em giật bắn cả người, cứ tưởng là anh.

Trí Thiên đùa:

– Nhưng chắc chắn không phải là anh rồi, vì anh làm gì có nhiều tiền cho em móc túi, có đúng không ... nữ hoàng móc túi?

Chi Lan lườm Trí Thiên:

– Dám gọi em là nữ hoàng móc túi hả? Anh dạy em ngón nghề này chứ ai.

Mà nè! Em lấy được điện thoại nữa, anh ta là người Việt Nam.

– Vậy à!

Chi Lan lấy trong túi áo ra chiếc điện thoại đưa cho Trí Thiên. Trí Thiên mở điện thoại ra xem:

– Chà! Điện thoại này khá đắt tiền, chắc là dân nhà giàu sang Mỹ đây.

Ảnh một cô gái xinh đẹp lồng ngay khung màn hình ngoài, Trí Thiên bấm một cái nữa nơi trang chủ hình ảnh, anh ta há hốc mồm.

– Chí Thiện!

– Anh gọi ai thế?

– Em nói hắn là người Việt?

– Ừ! Hắn kêu lên bằng tiếng Việt khi bị em tông vào, và khi hắn vừa kêu lên là em đã lấy được đồ trong người hắn.

– Nè, em nhìn xem ảnh của hắn và cô gái này, đúng là hắn rất giống anh.

– Thì em đã nói, hắn giống anh, làm cho em phải giật mình kia mà.

– Hắn đang ở đâu, anh muốn gặp!

– Anh điên hả? Đi gặp hắn nhỡ như hắn nhớ mặt em, hắn giữ em lại và gọi cảnh sát, khi không bị bắt ở tù, lảng xẹt.

Trí Thiên ôm quàng qua vai Chi Lan:

– Em từng nói anh có một người em trai song sinh, giống anh như tạc không?

Chi Lan cau mày:

– Chẳng lẽ anh cho rằng em trai anh đã sang đây?

– Cũng có thể.

Đôi hàm răng Trí Thiên cắn lại. Anh nhớ sự cư xử không công bằng của cha, ông luôn yêu thương đứa em đó hơn anh, có lẽ cũng vì anh quá ngang ngược cứng đầu. Lần cuối cùng vào năm mười lăm tuổi khi bị ông đánh cho một trận vì có mối quan hệ với một cô gái làm tiền, anh đã ăn cắp của ông một số tiền lớn, rồi cùng cô gái đó vượt biên bằng đường bộ. Cô gái đó bị cưỡng hiếp giữa biên giới Thái Lan và Malaysia và bị giết chết. Anh trở nên bơ vơ trong trại tập trung ba năm dài. Được bốc sang Mỹ, anh bắt đầu cuộc sống giang hồ. Chẳng lẽ ông trời xui khiến cho anh em gặp lại.

– Đó, hắn đó!

Trí Thiên tròn mắt. Đúng là Chí Thiện, anh em xa nhau có mười năm hơn, song anh vẫn nhớ gương mặt ấy. Nó trẻ đẹp, sang trọng và trí thức nữa. Từ Việt Nam sang Mỹ đi du học ngành quản trị kinh doanh ba năm. Trí Thiên thấy ganh tỵ quá đi thôi. Hóa ra anh bỏ nhà đi hoang mười năm sống cơ cực trong trại tập trung, trốn ra ngoài đi làm công, bị đánh đập ngược đãi, bữa đói bữa no và rồi trở thành tên xã hội đen giang hồ, lại là hành động ngu dại nhất.

– Hắn giống anh thật đó anh Thiên.

– Biết rồi! Em tạm lánh mặt cho anh ra đón đường nó.

– Anh sẽ làm gì?

– Dĩ nhiên là nhận anh em với nó. Đi đi!

Trí Thiên xô vai Chi Lan ra hiệu bảo cô đi đi. Chi Lan gật đầu bước đi. Trí Thiên mới vuốt đầu tóc bùm xùm của mình đi lại chắn đầu Chí Thiện:

– Chào.

Chí Thiện sững người rồi vụt kêu lên:

– Có phải anh Trí Thiên không?

– Mày nhận ra tao à?

– Làm sao không nhận ra anh, khi em và anh rất giống nhau mà.

Mừng quýnh, Chí Thiện ôm choàng Trí Thiên:

– Em không dám nghĩ là gặp anh ở Mỹ.

– Tao từng nhắn tin về là tao đã sang đến nước Mỹ mà.

– Có! Vì vậy ba bảo em sang đây đi học và cũng xem anh ở đâu. Sao nhắn tin về mà anh không cho em và ba biết anh đang ở đâu vậy?

– Biết làm gì?

Trí Thiên vỗ mạnh vai em trai.

– Bộ bây giờ ba giàu lắm sao mà cho mày sang Mỹ đi học vậy?

– Nhờ trời ba đã khá lên. Gặp anh, em mừng quá, em cứ nghĩ đất Mỹ rộng lớn không dễ gì tìm thấy anh.

– Sang đây bao lâu rồi.

– Cũng nửa tháng nay. Anh về nhà trọ với em nghen! À, bây giờ anh ở đâu?

– Khu ổ chuột. Đất Mỹ không phải dễ kiếm tiền, mà kiếm bao nhiêu thì tiêu hết bấy nhiêu.

Chí Thiện ngắm anh trai:

– Trông anh phong trần quá.

– Đâu như mày, mặt búng ra sữa, đúng không?

Chí Thiện cười. Gặp lại anh trai đúng là quá hi hữu, như là nằm mơ nhìn thấy ông bụt vậy.

– Mày có biết tại sao tao đi tìm mày không?

– Không biết.

– Trả cho mày cái này nè.

Trí Thiên đặt điện thoại vào tay Chí Thiện. Chí Thiện mừng rỡ:

– Điện thoại này của em mà, làm sao anh có vậy? Hôm đó có một nữ quái giả vờ va vào em và móc túi em, đúng là nhanh tay lẹ chân.

– Sau này tao sẽ cho mày gặp con nữ quái đó, chắc là mày không báo cảnh sát bỏ tù nó chứ?

– Có quen với anh à?

– Chị dâu của mày đó.

Chí Thiện há hốc mồm.

– Chị dâu của em? Anh Hai.

– Mày có dám nhận anh Hai mày không? Tao không ngại nói cho mày biết, tao sống bằng cái nghề đó đó.

Chí Thiện chua xót:

– Sao ra nông nỗi này hả anh? Sao anh không liên lạc về nhà, ba sẽ gởi tiền cho anh về nước?

– Ông ấy đâu có thương tao. Nếu thương, ổng đâu có đánh tao tàn nhẫn, khiến tao phải bỏ nhà đi bụi.

– Chẳng qua là ba quá nóng giận, chứ thật ra khi anh đi, ba rất thương nhớ anh.

– Vậy à? Vậy thì bảo ông ấy gởi tiền qua cho tao xài đi.

– Ba mà biết em và anh gặp nhau, ba vui lắm. Mình về nhà trọ của em đi.

Chí Thiện đưa Trí Thiên về nhà trọ, căn phòng trọ tuy hẹp nhưng khá ngăn nắp.

– Anh ngồi tạm đó, em pha cà phê anh em mình uống.

Chí Thiện pha cà phê, anh nghĩ đến tin báo về cho cha, chắc chắn ông rất vui. Còn với Tường Vân, anh sẽ báo tin cho cô:

Tường Vân ơi, anh tìm thấy điện thoại rồi.

– Chào chú.

Chi Lan rụt rè chào Chí Thiện:

– Bữa hổm ... tiền của chú, tôi và anh Thiên đã xài hết rồi.

Chí Thiện vui vẻ:

– Không sao! Có hai ngàn thôi mà, điều quan trọng là tôi tìm được điện thoại bị mất.

– Quan trọng với chú lắm hả?

– Có nhiều số điện thoại của bạn bè.

Trí Thiên xen vào chọc:

– Nhất là ảnh và số điện thoại của cô ấy phải không?

Chí Thiện cười thú nhận:

– Vâng, cô ấy rất quan trọng với em. Ba của cô ấy giúp ba mình rất nhiều trong kinh doanh.

– Ông ta giàu lắm à?

– Chủ tịch tập đoàn Tường Trung, chuyên sản xuất hàng xây dựng và trang trí nội thất.

– Chà! Thứ dữ! Vậy là chú lấy cô ấy giống như “chuột sa hũ nếp”.

– Em không nghĩ như vậy. Em và cô ấy quen nhau hơn năm năm nay, cô ấy rất yêu em, và em cũng rất yêu cô ấy.

– Như vậy là tốt rồi.

Giọng Trí Thiên thoáng ganh tỵ. Bao giờ Chí Thiện cũng hơn anh. Là anh em song sinh nhưng hai tính tình khác nhau và cuộc đời dường như cũng chẳng hề giống nhau. Cô ấy xinh xắn, nhà giàu có ... Một ý nghĩ chợt nhuốm lên trong đầu Trí Thiên.

Họ là anh em! Chi Lan thở phào nhẹ nhõm:

– Chú Thiện! Chắc chú không nỡ giao tôi cho công an chứ?

Chí Thiện bật cười:

– Không đâu! Tôi mà gặp anh Trí Thiên cũng là công của chị mà, tôi mang ơn chị không hết nữa là khác. Tôi đã gọi điện thoại nói chuyện với ba, ba nói nếu anh chị muốn về nước, ba sẽ gởi tiền sang cho anh chị về.

Chi Lan mừng rỡ:

– Anh Thiên! Vậy là em và anh có cơ hội về thăm Việt Nam rồi.

Trí Thiên làm vẻ hờ hững:

– Em muốn về Việt Nam lắm sao?

– Muốn chứ! Mình xa Việt Nam có hơn mười năm rồi còn gì nữa.

– Ừ, để xem.

Chi Lan mơ màng:

– Quê hương, dù đi xa bao nhiêu năm đi nữa, quê hương vẫn không bao giờ quên được phải không anh. Đi xa rồi bao nhiêu năm em muốn trở về, nhưng lại không có tiền.

Trí Thiên gạt ngang:

– Rồi em sẽ được trở về mà. Chí Thiện! Ba có nói chừng nào gởi tiền sang không?

– Có lẽ ngày mai anh ạ.

Chi Lan reo lên:

– Vậy là mình sắp có tiền hả anh? Anh dẫn em đi ăn nghen, mua quần áo mới nữa.

Trí Thiên lườm Chi Lan:

– Em thì chỉ nghĩ đến ăn và mua quần áo là giỏi, chẳng làm gì nên thân cả.

Chi Lan phụng phịu:

– Không làm gì nên thân mà người ta giúp anh gặp em trai, người đâu vong ơn.

Chí Thiện bật cười xòa:

– Cám ơn chị lắm, chị Chi Lan.

– Chú sang đây học khi nào về nước vậy?

– Có khóa một năm rưỡi, tôi đăng ký học khóa này, không học ba năm dài quá.

– Công ty của ba bên đó lớn lắm hả?

– Cũng khá. Anh Thiên, hay anh cũng đi học, sau này về giúp ba.

Trí Thiên nhăn mặt:

– Anh già rồi học gì mà học. Nghe nói tới chữ học là anh ngán lên tận cổ.

Chuyện học hành dành cho chú đi.

– Làm người nên có cái nghề. Anh sống lông bông, cả chị nữa, có bao giờ hai người nghĩ lỡ như bị bắt nhốt tù thì sao?

– Anh và Chi Lan vào tù ra khám như ăn cơm bữa, có gì đâu.

Chí Thiện kinh hãi nhìn anh trai. Anh trai của anh nói đến chuyện phạm pháp và ở tù bằng cái giọng thản nhiên. Cuộc sống rõ ràng là không có ngày mai. Anh ôm vai Trí Thiên:

– Anh Hai! Hãy vì em và ba về Việt Nam, đừng sống như nếp cũ có được không anh?

– Được chứ, em bảo ba gởi tiền sang đi!

Chí Thiện cố nén tiếng thở dài. Hình như muốn kéo một con người lầm lỡ đi vào con đường ngay chẳng phải chuyện dễ dàng.

Chi Lan trở mình lắc vai Trí Thiên:

– Anh Thiên! Ba gởi tiền sang, mình mua vé máy bay về đi anh.

Đang buồn ngủ, Trí Thiên gạt tay Chi Lan ra:

– Sao em cứ muốn về Việt Nam thế? Ở đây mỗi tháng ba anh gởi tiền sang cho xài không sướng hơn là về nước sao. Về bên ấy suốt ngày ăn với ngủ, ổng chửi cho mà nghe.

Trong đầu của Trí Thiên không hề có ý nghĩ sẽ mang Chi Lan cùng về với mình. Tại sao anh phải cưu mang cô, anh đang chán cô tận cổ và ngày đêm mơ màng tưởng nhớ đến Tường Vân xinh đẹp, có học, lại là con nhà tỷ phú, tại sao anh không có quyền mơ tưởng đến một cô gái có tất cả điều kiện giúp anh vươn lên. Anh sẽ trở về nước một mình chứ không phải đi với Chi Lan. Tôi và cô bao nhiêu năm ở bên nhau đã quá đủ, phải chia tay. Tương lai của tôi không thể nào có cô, sự có mặt của cô sẽ gợi cho tôi nhớ đến quá khứ không mấy đẹp đẽ và đầy sóng gió của tôi. Còn Chí Thiện nữa, mày phải ...

Trí Thiên kéo Chi Lan vào vòng tay mình:

– Em muốn về nước lắm sao?

Chi Lan mỉm cười:

– Anh còn hỏi nữa, muốn cháy ruột cháy gan luôn.

– Vậy anh xin tiền ba cho em về nước một mình nhé?

– Cái anh này! Em về nước có một mình, ba biết em là ai mà nhận em?

– Thì anh nói với ba, anh cũng muốn theo Chí Thiện học hành lắm.

– Sao anh bảo không muốn học?

– Nói thì như vậy, nhưng cũng nên học, về bên ấy biết làm việc phụ ba anh chứ.

– Ba anh và Chí Thiện nghe được sẽ rất mừng.

– Còn em không mừng à?

– Mừng chứ! Anh giỏi em cũng được nhờ mà. Anh Thiên! Có tiền rồi mình nghĩ đến chuyện có con chứ hả anh?

Trí Thiên chau mày:

– Em muốn có con lắm à?

– Mình sống với nhau bốn năm năm rồi còn gì nữa.

Chi Lan phụng phịu:

– Lần nào em dính bầu anh cũng bắt đi bỏ, em đau lòng và buồn lắm, nhưng nhà cửa không có, hai đứa sống lông bông lêu bêu, nên em đành nghe lời anh.

Trí Thiên vờ cảm động hôn lên má Chi Lan:

– Vậy thì lần này nên có con, bây giờ khác rồi.

Chi Lan mừng rỡ:

– Thật nghen anh?

– Ừ!

Trí Thiên luồn bàn tay vào lần áo trong của Chi Lan vuốt ve. Tôi chẳng dại gì để buộc ràng vào cô, nhưng cô là của tôi, tôi cứ hưởng thụ. Chi Lan khép mắt lại ngây ngất, cô không hề biết anh sẽ bỏ cô và đi không bao giờ trở lại ...

Chưa bao giờ cô có nhiều cảm xúc đến thế, khi anh hôn cô, nụ hôn tình yêu ngọt ngào cho cô cảm xúc đắm đuối ...

Trí Thiên đi lùi lại sau lưng Chí Thiện, anh kéo Chi Lan lại nói nhỏ vào tai cô:

– Em xem thằng nỡm đó túi quần nó căng phồng, nhất định là có nhiều tiền.

Chi Lan lắc đầu:

– Không nên đâu anh! Bây giờ mình đâu có túng hụt như hồi trước mà làm chuyện đó.

– Em điên quá, bỏ nghề lâu quá nên lụt nghề rồi hả. Cơ hội hiếm có mà bỏ qua. Anh sẽ tó cái ví của thằng đó cho em xem. Hỗ trợ cho anh nghen!

– Đừng mà anh!

Mặc cho Chi Lan can gián, Trí Thiên cứ bước tới cặp sát gã đàn ông. Túi quần gã đang căng phồng bởi cái ví. Lúc nãy Trí Thiên đã thấy gã mở ví ra trả tiền mua hàng, toàn những tờ trăm đô xanh lặc. Miếng mồi ngon béo bở và cũng đồng thời một ý nghĩ trong đầu Trí Thiên. Anh không phải không tham tiền, nhưng lần này anh sẽ làm cái việc “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.

Cặp sát hơn nữa, Trí Thiên đã nhanh chóng rút cái ví căng phồng ra và bỏ ngay vào túi áo khoác của Chí Thiện. Chi Lan tròn mắt. Trí Thiên làm gì vậy?

Bất thình lình gã đàn ông bị móc túi đưa tay ra sau túi quần ... xẹp lép. Anh ta hốt hoảng kêu lên:

– Cái ví của tôi! Tôi bị móc túi!

Người đang đứng cạnh anh ta là Chí Thiện, một túi áo khoác ló ra đầu ví.

Chí Thiện bị tóm cổ, lúc này Trí Thiên mới kéo Chi Lan chạy đi.

– Chạy đi mau!

Quýnh quáng, Chi Lan chạy theo Trí Thiên. Ra đến chỗ trống, cô giật tay lại:

– Chí Thiện bị bắt, tại sao anh làm như vậy?

– Thằng Mỹ đó phát hiện mất ngay cái ví, em nghĩ anh làm sao, bỏ vào túi chú ấy phi tang, ai dè chú ấy để cho thằng Mỹ chụp lấy. Thằng Thiện không bị bắt là anh bị bắt, em hiểu chưa.

– Nhưng anh làm như vậy là hại chú Thiện, lúc nãy em cản anh rồi.

Trí Thiên vùng vằng:

– Chuyện gì có em ngăn cản là xem như hư bột hư đường hết trơn. Để xem sao! Tụi mình không về nhà trọ cũ được đâu.

Trí Thiên lại lôi bừa Chi Lan đi. Đám đông phía sau đang vây tròn lấy Chí Thiện, anh cố phân bua:

– Tôi không có móc túi ông này đâu.

– Anh còn ngụy biện nữa hả, không móc túi ăn cắp ví người ta mà ví của người ta nằm trong túi áo khoác của anh. Gian mà không ngoan, mau theo cảnh sát về trụ sở ngay.

Mặc cho Chí Thiện một mực kêu oan, người cảnh sát vẫn lôi anh đi. Chí Thiện cố ngoái đầu ra sau tìm Trí Thiên và Chi Lan, cả hai biến đi đâu mất.

Việc này chỉ có Chi Lan và Trí Thiên làm ra mà thôi.

Gã cảnh sát nhìn vào mặt Chí Thiện, quát:

– Mặt mũi của mày, tao còn lạ gì mày nữa hả mà còn cãi chày cãi cối, vào tù ra khám như cơm bữa, lì như trâu!

– Tôi không phải Trí Thiên, tôi là Chí Thiện, ông xem giấy tờ trong người tôi xem.

Nhưng lần nữa Chí Thiện sững sờ, cái ví trong túi quần anh bị đổi ví của Trí Thiên, giấy chứng minh của Trí Thiên.

Bốp! Một cái tát như trời giáng vào mặt Chí Thiện.

– Giấy tờ mang tên Trí Thiên, mày còn cãi lại nữa hả? Ăn cắp quen tay, lần này tao phải nhốt mày một năm tù đúng mới được.

Chí Thiện điếng người. Ôi, anh làm sao chứng minh anh là Chí Thiện đây?

Chỉ có Trí Thiên, anh đang ở đâu Trí Thiên?

Cánh cửa sắt nhà giam đóng lại, Chí Thiện đau đớn gào lên:

– Tôi là Chí Thiện không phải Trí Thiên.

Không ai nghe anh, tiếng kêu ồn ào mất trật tự làm anh bị đòn đau, những cây dùi cui quất tới tấp vào đầu:

– Đã phạm pháp còn lớn tiếng hả, tao đánh cho đến khi mày không kêu nữa thì thôi.

Chí Thiện gục xuống, đầu cổ mình mẩy của anh thâm tím ...

Thủy Ngọc cẩn thận cởi cây kẹp hoa trên tóc xuống ngắm nghía. Đây là cây kẹp Chí Thiện đã tặng cô. Cô xem nó như báu vật. Anh ấy đã có bạn gái, sao cô không biết, nhưng yêu anh cô cứ yêu có sao đâu. Mà cô cũng có bao giờ gặp lại anh, từ lần cô cứu anh và người bạn gái suýt chết đuối bơi an toàn vào bờ.

Vắt cây kẹp vào mép lá dừa nhà tắm, Thủy Ngọc bắt đầu cởi quần áo để tắm.

Một ngày vất vả làm thuê làm mướn đổ mồ hôi, được về nhà tắm rửa, dội những gáo nước lạnh lên người, đúng là sảng khoái.

Đưa bàn chân lên kỳ cọ, Thủy Ngọc vụt cau mày. Cô nghe như có tiếng thở mạnh và cả tiếng chép miệng. Hoảng kinh, cô buông chân xuống:

– Ai?

Tiếng chân vụt chạy huỳnh huỵch khi bị Thủy Ngọc phát giác, nếu không đang trần truồng, Thủy Ngọc đã tuôn ra ngoài bắt cho được cái kẻ rình trộm khi cô đang tắm. Không còn lòng dạ nào để hưởng sảng khoái mát lạnh, Thủy Ngọc dội cho xà bông trôi xuống, rồi lấy khăn lau người. Cô vội vàng mặc quần áo vào, chạy ra ngoài. Cái kẻ rình trộm biến mất tiêu. “Mai mốt mình không nên tắm tối nữa”. Thủy Ngọc vừa đi vừa lầm thầm, cô chưa kịp bước qua ngưỡng cửa, đã nghe tiếng quát ầm ĩ của dì Năm:

– Mày điệu vừa thôi, chiều về tắm táp cả giờ đồng hồ như vậy đó hả? Mày tưởng mày mang về nhà mấy đồng bạc là nhiều lắm hay sao mà bỏ phế công việc cho một mình tao làm?

Thủy Ngọc cúi đầu:

– Con có nói với dì hôm nay con về muộn một chút mà.

– Thôi, mau phụ làm cơm đi, ở đó phân bua.

– Dạ. Con đi cất quần áo đã.

Đi ngang qua dượng Năm, sao Thủy Ngọc chợt liên tưởng đến hơi thở lúc nãy. Cô nhìn ông, ánh mắt ông Năm sụp xuống ngay như kẻ vừa phạm tội bị bắt quả tang. Có khi nào là dượng? Ánh mắt ông Thường nhìn cô kỳ lạ ....

Thủy Ngọc lắc đầu, cô không muốn nghĩ một người đáng tuổi cha cô lại có ý đồ xấu với cô. Nhưng ai là người nhìn trộm cô ở nhà tắm được che bằng tàu dừa?

Phải chi có mẹ, Thủy Ngọc thèm có mẹ ghê gớm. Mẹ cô bỏ đi từ năm cô mới mười tuổi, cô về sống với ngoại và dì, ngoại mất đi, chỗ dựa cuối cùng không còn nữa, đôi lúc cô ra sau hè ngồi khóc một mình. Ngoại ơi, con nhớ ngoại lắm.

– Thủy Ngọc à! Mày chết trong buồng rồi hả?

Dì Năm lại quát ầm bên ngoài. Thủy Ngọc “dạ” một tiếng lớn:

– Con ra ngay!

Thằng Cu Tý gõ đôi đũa lên nắp nồi cơm “beng beng”:

– Dọn cơm mau lên, con đói lắm rồi.

Ông Năm gắt lại:

– Đói tại sao mày không biết lấy chén đũa ra phụ một tay hả?

Thằng Tý gân cổ cãi lại:

– Nhiệm vụ dọn cơm không phải của con, là của chị Ngọc.

– Đợi nó ra dọn cho!

Ông Năm lườm thằng Tý và đưa tay định cốc lên đầu nó, nó hụp đầu xuống tránh:

– Nè, ba đừng có ký đầu con mà con học ngu nghen.

– Không đợi tao ký mày cũng học ngu lâu rồi con ạ.

– Con học ngu vì con mắc cỡ với bạn bè, có ông cha say xỉn đập phá nhà cửa, đánh đập vợ con. Ba có nên thân gì đâu, mới lúc nãy ba ở ngoài nhà tắm chi vậy? Chị Ngọc đang tắm ở ngoải.

– Thằng chó đẻ! Tao ở ngoài nhà tắm làm gì, tao về ngang đó thôi.

Thấy Ngọc sững sờ. Còn dì Năm dường như không chú ý, gắt um lên:

– Bây giờ muốn ăn cơm hay muốn cãi lộn, đập lộn hả?

Ông Năm đá cái ghế cho ngã lăn cù, bỏ đi ra ngoài.

– Thằng chó đẻ!

Thủy Ngọc nhìn thằngTý. Cô biết nó nói thật, nhưng không tiện hỏi nên lẳng lặng dọn cơm. Bà Năm đã dọn cơm xong lên bàn:

– Ngày nay lãnh lương chưa?

– Dạ, ngày mai lận dì.

– Đưa cho tao phân nửa. Còn phân nửa mày cất đi mà may quần áo mặc.

Thủy Ngọc cảm động, chưa kịp nói lời cám ơn sự quan tâm của dì, bà Năm tiếp:

– Tao nhận lời gả mày cho thằng Ba hớt tóc, cho nó cưới đi, về nhà nó mà ở.

Thủy Ngọc kêu lên sửng sốt:

– Con không ưng anh Ba đâu dì ơi.

– Mày chê nó cái gì?

– Không phải con chê, nhưng con không yêu ảnh.

– Không yêu cưới nhau rồi sẽ yêu, đừng có ở nhà này nữa.

– Dì muốn ... đuổi con đi?

– Mày không nghe thằng Tý nói cạnh nói khóe thằng cha già dịch của nó hay sao? Con gái lớn rồi lấy chồng đi!

Bới cơm vào chén, sao Thủy Ngọc không còn muốn ăn nữa, tủi buồn đầy lòng cô. Dì muốn gả cô đi, để bảo vệ mái ấm của dì, một lý do chánh đáng, làm sao cô từ chối. Chẳng lẽ bỏ nhà đi, ở đâu và làm gì để sống khi cô đã quá quen thuộc việc nhà nông.

– Chào dì ạ.

Vừa nhắc đến Tào Tháo, Tào Tháo đã tới, Thủy Ngọc bỗng dưng thấy khó chịu, cô lua nốt phần cơm còn lại trong chén, cố gắng nuốt vào bụng rồi đứng lên:

– Con no rồi, xin phép dì.

Bà Năm đon đả đón Ba hớt tóc:

– Kéo ghế ngồi đi Ba. Thủy Ngọc, con rót nước mời anh Ba.

Ba hớt tóc vui vẻ:

– Được, để con tự nhiên đi dì. Không cần rót nước cho anh đâu Ngọc.

Ngọc, Ngọc cái đầu của anh! Thủy Ngọc lầm bầm trong cổ họng, sao bỗng dưng theo đuổi tôi vậy? Nhìn cái mặt đầy mụn và tướng đi con gái của anh là tôi phát ghét rồi, trăm ngàn lần tôi cũng không thèm ưng anh.

Rót cho Ba hớt tóc ly nước, Thủy Ngọc định quay đi, bà Năm gọi giật:

– Con đi đâu vậy, ngồi đây nói chuyện với anh Ba chứ!

– Dạ, con ra sau bếp dọn dẹp.

– Khỏi, để đó cho dì.

Giọng bà Năm ngọt lịm chứ không mắng mỏ um sùm nữa. Thủy Ngọc cay đắng với ý nghĩ dì muốn tống cổ cô ra khỏi căn nhà của ngoại càng sớm càng tốt.

– Thủy Ngọc! Anh có cái này cho em nè.

Lại một cây kẹp hoa! Thủy Ngọc hờ hững cầm lấy, cô biết mình sẽ vất ở đâu đó, sẽ không có cây kẹp nào đẹp và quan trọng hơn cây kẹp Chí Thiện tặng cô, dù cho anh đã có bạn gái và có thể đám cưới rồi cũng nên, nhưng hình như anh vẫn ngự trị trong lòng cô mãi mãi.

Ba hớt tóc ba hoa:

– Cây kẹp của em cũ rồi, bỏ đi. Kẹp tóc bằng cây kẹp của anh vừa tặng em, mắc tiền lắm đó.

Thủy Ngọc lạnh lùng:

– Cám ơn, nhưng tôi thích cây kẹp hoa của tôi hơn. Trả lại anh nè!

Cô lùi ra xa:

– Tôi không ưng anh đâu, đừng có theo đuổi tôi thất công.

Nói xong, cô quay lưng đi. Dì Năm tức giận quát lớn:

– Mày nói cái gì vậy Ngọc, quay lại tao bảo!

Thủy Ngọc đứng lại:

– Con xin lỗi dì, nhưng con không có cảm tình với người này, cho nên thà con nói trước cho anh ta đừng hy vọng gì ở con.

– Thằng Ba có gì không tốt mà mày chê nó chứ?

– Con đâu dám chê. Chẳng qua là con không thương, mà không thương thì làm sao là vợ chồng, sống chung với nhau được hả dì?

– Nó nói đúng đó.

Từ ngoài cửa, ông Năm bước vào vỗ tay:

– Người ta nói:

“ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên”. Nó làm ra tiền đưa hết cho bà, sao bà muốn đuổi nó đi ra khỏi nhà vậy?

Rầm. Bà Năm vỗ mạnh bàn, làm cơm canh đổ tung tóe:

– Tôi gả nó đi mau là tại ông đó.

– Tại tôi làm sao?

– Muốn tôi nói cho mang nhục hả? Nói tóm lại, nó không lấy thằng Ba hớt tóc nó phải ra khỏi nhà tôi.

– Nhà này của bà chắc?

Một cái chén bay vào đầu ông Năm, may là ông tránh kịp, cả hai vợ chồng nhào vào đánh nhau, Thủy Ngọc hốt hoảng can ra.

– Dì ơi, dượng ơi, cho con xin!

Rốt cuộc người bị đánh nhiều nhất là Thủy Ngọc. Ba hớt tóc bỏ đi về. Thằng Cu Tý chẳng những không can ra, mà ngồi gõ nồi cơm.

Thân bà thì thấp tủn tùn tun Bà là sư tử Hà Tây.

Bà là đủ chuyện lắm nha Nhà ai đổ sụp hai ông bà cứ đánh nhau.

– Tại sao anh làm như vậy?

Chi Lan nhìn Trí Thiên bằng đôi mắt sắc:

– Tại sao anh phải hại chú Thiện, anh nói đi!

Trí Thiên lầm lì:

– Anh ghét nó, cái gì nó cũng hơn anh.

– Nhưng nhờ ai mà anh có cơm ăn áo mặc sang trọng, không phải kiếm tiền vất vả? Anh có mưu mô gì đây, anh nói đi!.

– Chẳng có mưu mô gì cả, cái bóp căng phồng đầy tiền, nếu tó được làm vua.

Chi Lan mai mỉa:

– Không tó được thì vào tù hay là đổ vấy cho em trai mình.

Chi Lan không thể biết được cái đầu ranh ma của Trí Thiên muốn gì, tại sao anh phải hại Chí Thiện vào tù. Trí Thiên dịu lại, anh ta sà vào ôm vai Chi Lan:

– Em bênh Chí Thiện, từ ngày hôm qua đến nay mắng mỏ anh nhiều rồi, anh nhịn vì anh sai. Nhưng em đừng có ngu ngốc đi thăm nó.

Chi Lan hất tay Trí Thiên ra:

– Tại sao không đi thăm chú Thiện, chẳng lẽ cảnh sát cũng bắt nhốt em luôn hay sao?

– Không phải, nhưng người ta sẽ tìm ra anh. Anh ở tù em mới chịu hay sao, cứ để cảnh sát tưởng người bị bắt đó là ... Trí Thiên đi.

Chi Lan sững người nhìn Trí Thiên:

– Anh có mưu mô gì vậy?

– Mưu mô cái gì đâu.

Trí Thiên lại ôm lấy Chi Lan:

– Vợ chồng mình đi Cali đi.

– Chi?

– Anh muốn đi du lịch. Có tiền rồi cũng nên đi chơi. Với lại, từ hồi nào đến giờ tụi mình lấy nhau là vợ chồng, có đi chơi ở đâu xa đâu.

– Tại sao khi không muốn đi chơi xa?

– Anh muốn cám ơn em đã yêu anh và cưu mang anh, lúc anh rỗng túi từ Thái Lan sang. Sắp tới, nếu về Việt Nam, anh sẽ dẫn em theo về ra mắt ba anh.

Ông già của anh giàu khỏi chê rồi.

Trí Thiên hôn Chi Lan nồng nàn, nụ hôn xóa tan mọi nghi ngờ trong lòng cô.

Trí Thiên chẳng qua là ăn cắp quen tay. Vài hôm Chí Thiện được thả, vì hiểu lầm xin lỗi vài câu là xong. Cô ôm cổ Trí Thiên và hôn lại anh.

– Chừng nào mình đi Cali?

– Chiều đi. Đến Cali cũng vừa lúc trời tối, anh dẫn em đi thăm biển. Biển ở đó đẹp lắm, em tha hồ tắm.

Chi Lan reo lên:

– Thú vị quá hả?

– Vậy em đi chuẩn bị quần áo đi, tụi mình đi hai hôm về, tránh bị cảnh sát phát hiện ra anh và Chí Thiện quá giống nhau.

Dù sao Chi Lan cũng không muốn anh vào tù, tội danh của anh mỗi lúc mỗi nặng, cớm ở trại giam gần như nhẵn mặt của anh luôn, cứ dăm ba tháng lại thấy mặt anh trong tù. Mỗi lần anh đi tù là cô thấy mình như rơi vào địa ngục vậy.

Cô yêu anh biết bao, dù cho anh là hạng người bỏ đi trong xã hội và nếu mất cô, chắc chắn anh sống mà chẳng ra sống.

Thành phố Trí Thiên đưa Chi Lan đến có con sông dài khá thơ mộng, bờ sông chạy dài đến một vùng xanh tươi đẹp đẽ, người dân ở đây gọi là Thung lũng Tình yêu, một khung cảnh hữu tình và lãng mạn thật tuyệt vời.

Chi Lan xuống xe, cô thích thú đi như chạy trên vùng cỏ xanh, nắng chiều nhàn nhạt màu sẫm, soi trên dòng nước chảy lờ đờ thành một màu xanh ngắt, hai bên bờ cỏ xanh um.

Chi Lan kéo Trí Thiên ngồi xuống:

– Đẹp quá hả anh?

Trí Thiên mỉm cười:

– Anh biết là em sẽ thích ngay mà.

Trí Thiên ngồi xuống cỏ, anh kéo Chi Lan ngã trên ngực mình.

– Anh có cảm giác như chúng mình đang đi hưởng tuần trăng mật vậy.

Chi Lan cười khúc khích:

– Thì chúng mình đang hâm hôn vậy.

– Hâm hôn?

– Ừ, là ôn lại kỷ niệm hồi chúng mình mới lấy nhau.

– Hồi đó tụi mình thích nhau là lấy nhau, đâu có làm đám cưới, bây giờ xem như mình cưới nhau đi. Em chờ anh chút nghen.

Trí Thiên vùng dậy đi lại mở cốp xe lấy ra túi giấy, anh bày ra hai cái cốc, một chai rượu và bánh cưới.

Chi Lan ngỡ ngàng kêu lên:

– Anh mua hồi nào mà em không hay?

Trí Thiên nháy mắt:

– Nếu cho em hay thì đâu còn thú vị hay bất ngờ nữa.

Rượu rót đầy ly, Trí Thiên nâng ly rượu lên đưa cho Chi Lan:

– Nào, chúng ta cùng cạn, mừng cho ba năm là vợ chồng với nhau.

Chi Lan ngây ngất:

– Em không nghĩ anh lại là một người tình cảm nhiều như thế.

– Khi có nhiều tiền không phải lo nghĩ về tiền, người ta cũng nên nghĩ cho tình yêu lãng mạn, em thấy có đúng không?

– Ừ, thì có.

Chi Lan nhấp môi, rượu ngon và thơm quá, cô uống cạn ly, ly thứ ba, thứ tư, thứ năm, Trí Thiên ngăn lại:

– Đừng uống nữa, tụi mình xuống sông tắm đi.

Dòng nước sông trong xanh soi nắng chiều, đẹp làm sao. Chi Lan đứng dậy cô đưa tay lên hàng cúc áo, Trí Thiên nhanh nhảu:

– Anh giúp cho!

Anh giúp cô cởi áo ném lên cỏ, cả anh cũng vậy, cả hai cùng đi xuống sông, dòng nước sông mát lạnh. Chi Lan bơi sải tay.

– Anh Thiên, bơi đua không?

– Đua thì đua, coi chừng em bơi không lại anh đâu.

– Đừng có khi dễ đối phương nghe anh bạn.

Chi Lan búng đôi chân dài bơi ra xa. Trí Thiên mím môi đuổi theo và đợi Chi Lan bơi xa hơn nữa anh mới nhoài tới nắm chân cô:

– Anh bắt kịp em rồi nghen.

Chi Lan phụng phịu:

– Anh ăn gian quá, nắm chân người ta.

– Phải như vậy mới bắt kịp em chứ. Vợ phải chịu lép chồng một tí chứ. Chi Lan!

Anh kéo mạnh cô vào vòng tay mình và hôn cô đắm đuối.

– Hôm nay em đáng yêu thật, Chi Lan.

Nụ hôn dài và bất chợt bàn tay như thép nguội của Trí Thiên trên cổ Chi Lan bóp mạnh, ghì mạnh đầu cô xuống sâu dưới nước.

Chi Lan hoảng kinh vùng vẫy:

– A ... anh ...

Cô càng há miệng kêu, nước sông càng chảy vào đầy miệng cô ngộp sặc sụa, bàn tay của Trí Thiên vẫn ấn mạnh xuống tàn bạo. Trong một thoáng cuối cùng, Chi Lan kịp hiểu, Trí Thiên muốn cô chết. Cô nhắm mắt, không vùng vẫy nữa và xuôi tay.

Mặt nước sông êm ả lại như hiền hòa cùng cảnh chiều sắp đi vào đêm, Trí Thiên bơi vào bờ. Anh ta leo lên bờ ngồi thở dốc. Xin lỗi em, khi anh muốn loại bỏ em. Nhưng nếu em còn tồn tại, em sẽ phá hỏng âm mưu của anh. Em hãy trôi đi và đừng oán hận ...

Tối nay trên đình có đám giỗ, bà Năm và thằng Tý đã lên đình, còn mình Thủy Ngọc trong nhà. Ông Năm cũng đi từ lúc chiều. Thủy Ngọc ngồi tẩn mẩn ngắm cây kẹp hoa. Nó là kỷ vật Chí Thiện tặng cho cô, bây giờ anh đang ở Sài Gòn, con đường nào nhỉ? Chắc gì anh nghĩ đến cô như cô từng nghĩ đến anh.

Tình cảm của cô dành cho anh chỉ là tình cảm một chiều, những ngày hè vui vẻ chèo đò đưa anh đi dạo sông Vàm Cỏ chỉ còn là kỷ niệm đẹp.

Em rất muốn quên anh, Chí Thiện ạ. Nhưng quên một người sao khó quá phải không anh? Em vẫn hoài nhớ về anh với bao nhiêu kỷ niệm, nhớ vầng trán rộng thông minh, nhớ ánh mắt sâu lắng và đôi mắt đẹp vô cùng của anh.

Xột xoạt, tiếng cánh cửa bị đẩy vào, làm Thủy Ngọc giật mình quay lại.

– Dượng! Dượng không ở trên đình sao?

– Không!

Giọng ông Năm cộc lốc, gương mặt xanh tái vì uống quá nhiều rượu. Ông hỏi trổng:

– Chưa ngủ sao?

– Con chờ dì về.

– Bà ấy cầu nửa đêm mới về. Tối nay trên đó có hát bội, bà ấy thì mê hát bội rồi.

– Dạ.

Thủy Ngọc cất cây kẹp vào túi áo bỏ đi vào bên trong. Cô hơi lo khi có một mình cô ở nhà. Những lời của thằng Tý nửa như đùa nửa như thật khi nói về ba nó, khiến cô có một chút cảnh giác.

– Ngọc à! Con làm gì vậy?

Tiếng ông Năm vang lên:

– Dượng khó chịu quá, hồi chiều tắm sông hơi lâu, nên chắc bị cảm rồi. Con cạo gió giùm dượng nghen.

Dượng cũng như cha, mình xem ông ấy như cha, hẳn ông cũng phải xem mình như con. Thủy Ngọc tự nhủ mình, cô dạ khẽ một tiếng:

– Để con đi lấy dầu gió với đồ cạo gió.

Ông Năm đóng cửa lại xong mới đi lại bộ ván nằm lên, ca cẩm:

– Già rồi, trong người lúc nào cũng đau nhức, con cạo rồi mát-xa giùm dượng luôn.

– Dạ.

Thủy Ngọc đổ dầu gió lên lưng ông Năm, cô di động đồng xu cạo gió trên lưng của ông, không có chút gió nào.

Chợt ông Năm nằm ngửa lại nắm cườm tay của Thủy Ngọc:

– Con biết là dượng Năm rất thương con chứ, nên dượng nhất định bác chuyện thằng Ba hớt tóc muốn cưới con làm vợ, hớt tóc thì có mấy đồng bạc mà lấy nó.

Thủy Ngọc cố rụt tay ra:

– Dượng buông tay con ra và nằm sấp lại thì con mới cạo gió được chớ.

– Không cần cạo. Thật ra dượng đâu có bệnh, dượng muốn thử lòng con xem con có quan tâm đến dượng không đấy mà.

– Dượng! Con xem dượng như ba của con. Dượng buông tay con ra đi.

– Dượng thương con mà, ngoan đi Ngọc, nằm im cho dượng thương con.

Ông Năm đẩy Thủy Ngọc nằm xuống ván, toan nằm chồm lên người cô.

Hoảng kinh, Thủy Ngọc chòi chân đạp rầm rầm lên ván.

– Dượng! Dượng buông con ra đi!

– Dượng thương con mà.

Vừa nói ông ta vừa đưa tay giật mạnh áo của Thủy Ngọc, làm cho hàng nút bóp chiếc áo cô đang mặc bị tháo tung, bày ra nguyên hiện bộ ngực thiếu nữ căng tròn.

Ông Năm tròn con mắt đỏ ngầu lên sững sờ. Từ lâu núp lén bên nhà tắm tàu dừa, ông ta có được nhìn mãn nhãn như thế này đâu. Cơn dục tình cháy bỏng, ông ta nhào xuống.

– Dượng Năm!

Thủy Ngọc lăn người qua, cô tránh khỏi bàn tay nhám nhúa. Bật người dậy, cô phóng xuống đất chạy lại mở cửa.

– Gì vậy?

Thằng Tý về đến, nó khựng lại nhìn Thủy Ngọc người trần, đầu tóc xổ tung.

Nó hét lên:

– Ba và chị Ngọc làm cái gì vậy hả?

Thủy Ngọc đẩy nó ra, cô chạy báng bổ ra màn đêm tối, cứ chạy, té ngã lồm cồm ngồi dậy, không biết đau là gì, lại đứng lên chạy tiếp, chạy sảng mà không biết mình chạy đi đâu. Cuối cùng bước chân hoảng loạn của cô dừng lại bên bờ sông Vàm Cỏ, có con trăng lưỡi liềm soi chênh chếch trên mặt nước.

Cô khuỵu xuống khóc nức nở. Mẹ ơi! Mẹ đang ở đâu hả mẹ? Con phải sống làm sao đây? Con xem dượng như cha, sao dượng nỡ cư xử với con như thế?

Sương đêm lạnh, Thủy Ngọc có nghe lạnh gì đâu, cô hiểu rằng cô phải ra đi.

Mái nhà của ngoại không còn là chỗ dung thân cho cô nữa rồi.

– Thằng ôn dịch, tao làm cái mả cha mày đấy!

Ông Năm điên tiết vớ cây chổi chà quật mạnh vào người thằng con trai duy nhất của mình. Nó là cái thằng phá bĩnh, luôn chõ mũi chõ miệng vào chuyện của ông. Tối nay nó lại làm con kỳ đà phá hỏng ý đồ của ông. Ông đã đợi ngày này lâu lắm rồi, vậy mà hôm nay để cho con mồi vuột khỏi tầm tay, có đáng giận không?

– Cho mày chết nè!

Thằng Tý nhảy nai lùi ra sau:

– Ba mà đánh con, con sẽ méc mẹ, ba dê chị Thủy Ngọc, ba xé áo chỉ.

– Ừ, mày méc đi! Tao còn bắt mẹ mày cưới nó làm vợ hai cho tao.

– Còn lâu!

Ông Năm quật cây chổi phủ lên đầu thằng Tý. Bị đau, thằng bé đá cái ghế đôn vào chân ông, xong bỏ chạy ngược ra ngoài.

Ông Năm trợn mắt nghiến răng:

– Còn lâu hả? Bữa nay tao đập què giò mày, thử xem mày còn chân đi đặng phá chuyện của tao không?

Chạy vòng quanh sân, thằng Tý tức mình xô đổ ào cái lu nước về phía ông Năm, ông ta đành phải đứng lại. Nhân cơ hội, thằng Tý chạy vụt ra đường. Nó phải chạy lên đình “triệu hồi” má nó về xử tội ba nó, thử xem ông có dám “xăm mình” đánh nó nữa không.

Thằng con chạy mất, ông Năm vất cây chổi rồi cũng phóng ào đi. Chắc chắn thằng quỷ nhỏ trời đánh đó đi lôi vợ ông về, dù sao thì ông cũng hơi ngán ngán mụ sư tử Hà Tây, sẵn sàng choảng lại ông, cho nên dzọt là thượng sách ...

Chi Lan bặm môi cho thân hình mình chìm xuống sông.

Uộn ... uộn ... Chiếc xe của Trí Thiên đi rồi, cô mới dám ngoi đầu lên và bơi vào bờ nhìn theo chiếc xe vừa chạy đi, còn lại là chấm đỏ của đèn signal phía sau. Không thể tưởng tượng được là Trí Thiên muốn giết cô chết. Chi Lan gục xuống trên cỏ ướt khóc nấc lên. Tại sao anh muốn giết cô chết, tại sao anh hại em trai mình vào tù? Vì nguyên nhân gì đây?

Đầu óc Chi Lan rối mù tăm tối. Nỗi đau trong lòng cô quá lớn. Còn đâu phút giây vui vẻ bên nhau, những khi má tựa vai kề, đầu ấp tay gối. Hành động ghê tởm của anh xóa đi sạch mọi ân tình. Có một tin vui mà cô chưa kịp báo tin cho anh, cô đã mang thai. Giờ đây tin vui đó còn ý nghĩa gì nữa đâu. Hết thật rồi.

Tại sao anh nỡ cư xử tàn nhẫn ác độc với tôi như vậy hả. Tôi yêu anh biết bao, yêu những tính xấu của anh, vì tình yêu tôi bỏ qua hết, nhưng con người của anh đúng là không thể thay đổi cho tốt được nữa rồi.

Một cơn gió lạnh đi qua, thân thể ướt nước của Chi Lan lạnh run. Lạnh cả thể xác lẫn cái lạnh của tâm hồn. Cô sẽ làm gì đây và sống làm sao đây? Chắc chắn là cô không thể tìm anh và nói cho anh biết anh không dễ dàng giết chết được cô. Cô vẫn sống nhưng từ nay sống mà cũng như chết rồi vậy.

Khóc đã đời. Chi Lan mới ngồi dậy và lệt bệt đi, cô chưa biết mình đi đâu về đâu, chỗ nào cho cô đến đây?

Phải ba ngày sau, Chi Lan mời về đến New York, cô chưa dám về nhà mà quẩn quanh bên ngoài.

– Ủa! Cô Chi Lan, sao ở đây? Sao trông cô thê thảm bèo nhèo quá vậy?

Người hàng xóm nhận ra Chi Lan, đón cô lại:

– Tôi thấy cậu Thiên mặc quần áo đẹp lắm, mang valy đi. Tôi hỏi, cẩu nói đi về Việt Nam.

Chi Lan sửng sốt:

– Dì nói anh Thiên bảo là đi về Việt Nam?

– Ừ, đi ngày hôm qua. Trả nhà lại cho chủ rồi.

Chi Lan chạy nhanh vào ngõ hẻm. Đúng là căn nhà trọ của cô thay bằng ổ khóa khác. Trí Thiên toan tính gì vậy? Anh về Việt Nam gặp cha mình, mà không cần nói Chí Thiện, là sao vậy?

Chi Lan đứng bất động, không nghĩ ra được điều gì hết. Cô phải vào trại giam xin gặp Chí Thiện.

Chỉ mới có một tuần lễ không gặp mà Chi Lan gần như không nhận ra Chí Thiện, râu lia xồm xoàm. Anh giận dữ khi thấy cô:

– Chị phải bảo anh Trí Thiên trả lại giấy tờ cá nhân cho tôi. Tôi là Chí Thiện, không phải Trí Thiên.

Chi Lan nghẹn ngào:

– Tôi không hiểu gì hết, anh ấy đã về Việt Nam.

– Về Việt Nam? Để làm gì? Tại sao bỗng dưng tôi lại bị bắt và bị cư xử như một tên tội phạm vậy. Chị có bổn phận phải nói với cảnh sát tôi là Chí Thiện du học sinh, chứ không phải Trí Thiên.

– Anh bảo tôi chứng minh làm sao đây? Một tờ giấy lộn trong người cũng không có, tiền cũng không, quần áo và nhà ở càng không có nốt.

Chi Lan khóc nức nở:

– Tôi chẳng làm gì được cho anh cả.

– Chị phải giúp tôi. Gọi điện báo tin về bên nhà cho ba tôi, nói cho ba tôi biết mọi chuyện. Chị hãy làm ngay việc đó cho tôi.

Chi Lan cúi đầu. Một đồng cô cũng không có trong túi, thì làm sao gọi điện về Việt Nam, và liệu bên ấy có tin người trở về nước là Trí Thiên.

Từ giã Chí Thiện, rời trại giam Chi Lan nghe hai chân mình run rẩy, đầu cô ong ong, cô ngã xuống bên đường ngất đi.

Phải giả cho thật giống tiếng của Chí Thiện. Trí Thiên phải đóng cửa lại, tập luyện giọng nói của mình cho giống tiếng Chí Thiện mà anh đã kịp thu âm để sẵn.

– Tường Vân! Anh báo cho em một tin mừng nhé. Khóa học đã rút ngắn lại và anh sẽ về nước, em có mừng không?

Trí Thiên lấy ảnh Tường Vân ra ngắm, cô ấy xinh đẹp đấy chứ. Đưa tấm ảnh lên môi Trí Thiên hôn nhẹ lên ảnh. Anh sẽ là của em, Tường Vân ạ. Một thoáng chùng lòng trong Trí Thiên, giờ này có lẽ thân xác Chi Lan tấp vào đâu đó, không ai kết án anh được. Trí Thiên trong tù và Chí Thiện về nước đoàn tụ gia đình. Chi Lan là một cái xác vô thừa nhận. Dù sao đó cũng là người từng cưu mang lo lắng cho anh, cô yêu thương anh hết lòng, nhưng nghĩa lý gì chứ, nếu còn sống, cô sẽ là người cản bước tiến của anh.

Nhấc điện thoại lên, Trí Thiên đằng hắng khẽ một tiếng và quay số.

– Alô. Tường Vân đây. Anh Chí Thiện hả?

– Vâng, anh đây, em có khỏe không.

Tường Vân ngạc nhiên:

– Giọng nói của anh hôm nay là lạ vậy anh Thiện?

– À, anh bị cảm viêm họng cả tuần nay chưa khỏi. Anh có một tin báo cho em mừng. Khóa học đã kết thúc, hai ngày nữa anh sẽ về đến Việt Nam.

Tường Vân reo lên:

– Nhanh như vậy sao anh, anh đã điện thoại báo tin cho ba hay chưa?

– Chưa. Anh muốn cho em là người đầu tiên biết tin anh về nước. Có vui không em?

– Em bất ngờ và vui lắm.

– Vậy chờ anh nhé. Anh nhớ em lắm Tường Vân ơi.

Tường Vân xúc động:

– Em cũng rất nhớ anh, cũng không nghĩ là anh về sớm như vậy.

– Ờ. Thôi, hôn em nhé. Bây giờ anh gọi điện thoại cho ba.

Trí Thiên bấm máy gọi tiếp:

– Ba! Con là Chí Thiện đây, con báo tin mừng cho ba, khóa học kết thúc và hai ngày nữa con sẽ về nước.

Ông Chí Thành vui mừng:

– Ờ, con về đi. Dạo này công ty của ba cũng đang khó khăn, nếu con không về, ba cũng gọi điện bảo con về à, có Trí Thiên về không con?

– Không đâu ba! Ảnh có vợ bên này mà. Mà ba đừng hỏi con người này làm gì, hết thuốc chữa rồi ba ạ.

– Sao?

– Lại móc túi và bị bắt nhốt vào nhà giam rồi, lần này có lẽ ở tù cả năm lận.

Ông Thành bực mình.

– Đúng là thằng con hư hỏng, nó chẳng bao giờ là người tốt cả.

– Anh ấy đang ở trong tù. Nếu như vợ anh ấy có gọi điện về xin tiền, ba đừng có cho nữa, tật xấu đánh chết cũng không chừa đâu.

– Vậy rồi khi nào con về?

– Dạ, hai ngày nữa, chuyến bay 376 đáp xuống phi trường lúc chín giờ ba ạ.

– Con báo tin cho Tường Vân chưa?

– Dạ rồi. Cô ấy vui lắm ba ạ.

– Tường Vân là đứa con gái tốt, nó luôn yêu thương con và chờ đợi con. Dạo này bác Tường Trung làm ăn gặp nhiều may mắn lắm. Chỉ có ba là xui xẻo, vừa bị cảnh sát môi trường phạt hết mấy trăm triệu, xưởng sản xuất lại gặp khó khăn. Thôi con về đi, cha con mình hàn huyên nhiều.

– Dạ, con gác máy nghen ba.

Trí Thiên tắt máy, anh ta đưa điện thoại lên môi hôn. Chí Thiện, mày đang ở trong tù không ai cho mày liên lạc điện thoại ra ngoài đâu, mà cũng sẽ chẳng có ai tin mày là Chí Thiện. Còn Chi Lan hả, cô ấy chết mất xác rồi và tao sẽ là Chí Thiện. Tường Vân sẽ là vợ tao. Một kế hoạch mà Trí Thiên phải vắt óc gần cả năm để thi hành ...

Chí Thiện sắp trở về. Tường Vân như muốn nhảy tung lên vì mừng. Chí Thiện sẽ lại về bên cô và lần này sẽ cưới nhau. Chí Thiện, em yêu anh và chỉ yêu có mình anh.

Tường Vân hôn lên ảnh Chí Thiện, cô nhớ giọt nước mắt chia tay hôm nào ở phi trường, anh đã đeo vào cổ cô sợi dây chuyền, đó là vật đính ước, một lời hò hẹn cho ngày trở lại tươi đẹp.

Mọi thứ hôm nay dường như tươi mới, màu sắc bừng sáng, Tường Vân chạy nhanh xuống nhà, cô ôm vai mẹ:

– Mẹ ơi! Ngày mốt anh Thiện về đến rồi, khóa học đã kết thúc.

– Vậy à? Vậy thì chúc mừng con. Mà nó cũng nên mau về phụ ba nó. Dạo này bên đó đang gặp nhiều khó khăn, ba con cũng hết lòng giúp đỡ.

– Không hiểu anh ấy có đẹp trai thêm tí nào không mẹ nhỉ?

Bà Tường Vi đùa:

– Xấu trai một tí thì có.

– Ôi! Con không chịu đâu.

– Xấu đẹp gì miễn Chí Thiện yêu con thật lòng thôi chứ.

– Anh ấy mà dám có cô nào hả, con sẽ cho ảnh biết tay con.

– Con làm gì Chí Thiện nào?

– Khóc!

– Nó chẳng bao giờ dám chọc cho con khóc đâu, nó yêu con hơn hết mà.

Tường Vân mỉm cười trước những lời của mẹ. Mẹ là người hiểu cô nhiều nhất, cô xem mẹ như là người bạn thân của mình vậy. Tường Vân đi tung tăng khắp nhà với niềm vui Chí Thiện của cô sắp trở về. Cô nhớ bài thơ anh tặng cô, mà lúc nào cô cũng thuộc nằm lòng.

Nhà Mắt Biếc ở gần trường học Nên sáng ra ngủ banh con ngươi Chủ nhật diện đồ cực ngắn Cưỡi Spacy chạy dạo vòng vòng Mắt Biếc gói tuổi hồn nhiên trong áo Xa nhau rồi đừng ngẩn ngơ nghen em ...

– Ba ơi!

Có tiếng xe ông Tường Trung về nhà. Tường Vân chạy ào ra hớn hở.

– Ba! Anh Chí Thiện của con sắp về nước.

– Vậy à?

Ông Tường Trung vui vẻ vỗ đầu Tường Vân:

– Mừng cho con.

– Nếu anh ấy ngỏ lời cưới con, ba có gả không?

– Có chứ, có con gái lớn trong nhà như có mìn nổ chậm, ba đâu dám giữ.

Biết ba ghẹo mình, Tường Vân giậm chân phụng phịu:

– Ba dám nói con gái yêu của ba là mìn nổ chậm hả, con giận ba luôn.

– Ba đùa thôi mà, chứ thật ra con gái ba là cục ngọc quý báu của ba, chịu chưa?

– Chịu.

Tường Vân sà vào ôm cổ cha:

– Nếu con mà không có anh Thiện, thì cuộc đời không có ý nghĩa gì cả ba ạ.

– Đừng quá quan trọng như vậy chứ con. Ngoài tình yêu trai gái ra, con còn bổn phận với xã hội và cả bổn phận với cha mẹ nữa đó.

– Con đâu có quên, nhưng anh Thiện vẫn là tất cả với con.

– Ba biết. Nó về nước cũng phải, dạo này bác Chí Thành đang gặp nhiều khó khăn mà. Nhưng con yên tâm, bác ấy cũng là bạn thân của ba mà.

Tường Vân cười hôn vào má cha:

– Ba đúng là người cha tốt của con.

Không biết đi đâu, cuối cùng Thủy Ngọc cũng về nhà sau một đêm nằm co ro trong hốc cây ở Củ Chi. Thân cây xù xì có đến hơn trăm năm, gốc cây rỗng gần phân nửa, Thủy Ngọc trốn trong đó, rồi mệt mỏi ngủ cho tới sáng.

Đoàn người đi chợ đánh thức cô. Thủy Ngọc chui ra khỏi hốc cây vuốt lại quần áo, tóc tai rồi mới luộm thuộm đi về nhà.

– Này, chị còn dám về nhà nữa hả?

Thằng Tý ngẩng lên khi thấy Thủy Ngọc. Còn bà Năm thì dường như chỉ chờ cho Thủy Ngọc xuất hiện là nổi trận lôi đình ngay, xông lại cửa:

– Mày đi đi, ở đây không ai chứa mày!

Những chiếc áo và quần bay ra sân và rơi cả lên đầu Thủy Ngọc, cô nuốt nước mắt cúi nhặt lên dồn vào cái túi ni lông, ngước lên nhìn dì Năm của mình:

– Con sẽ đi. Dù gì con cũng cám ơn dì đã nuôi con khôn lớn.

Bà Năm xua tay:

– Không cần cám ơn, mày đi cho khuất mắt tao là được. Nhang khói cho bà ngoại hả, bả là mẹ của tao, tao lo.

Cánh cửa đóng sầm lại, một sự cương quyết từ chối đứa cháu ruột thịt, nhưng sao Thủy Ngọc không hề giận dì. Cô phải đi là đúng thôi, còn ở lại ngày nào thì nguy hiểm cho bản thân cô và cũng khiến mái ấm dì của cô tan vỡ.

Người dượng mặt người mà dạ thú ấy luôn không ngừng tìm cơ hội để cưỡng hiếp cô.

Giờ này có lẽ ông ta lại say xỉn trong cái quán rượu nào đó. Ôm bọc quần áo trong tay, Thủy Ngọc cất bước đi, cô chưa biết mình đi đâu nhưng nhất định phải đi. Đi khỏi làng quê cô từng sống và lớn lên hơn hai mươi năm nay.

Đưa tay vào túi áo, Thủy Ngọc buồn rầu lấy ra nắm tiền ít ỏi mà lúc nãy dì đã quăng ném cho cô. Chiều đang xuống thấp màu nhờ tối ...

Một vật gì đó cồm cộm trong túi áo Thủy Ngọc, cô lấy ra. Đang khóc, cô chợt thấy lòng mình ấm lại. Cây kẹp tóc đã cũ, có mấy năm rồi còn gì nữa. Hôm đó anh mua tặng cô để cám ơn cô, nếu không có cô, anh và người bạn gái suýt nữa thành “ma da” trên sông Vàm Cỏ. Chiếc ghe nhỏ chồng chềnh rồi lật úp, anh bơi được, nhưng còn cô bạn gái không biết bơi, cả hai cố giúp cô gái đó và đưa được vào bờ.

Bây giờ anh đang ở đâu nhỉ?

– Em ơi, đi đâu anh cho quá giang!

Chiếc xe chở đầy gà vịt tấp sát vào Thủy Ngọc, làm cô giật mình nhảy lên lề và ngước nhìn kẻ vừa hỏi mình:

– Anh cho tôi quá giang?

– Phải. Em đi đâu?

– Tôi muốn đi thành phố.

– A! Xe này chở gà, vịt lên thành phố, còn rộng chỗ, anh cho em quá giang đi không lấy tiền xe đâu.

Thủy Ngọc mừng rỡ:

– Cám ơn anh nghen.

– Lên xe đi.

Một gã nhảy xuống xe mở cửa cho Thủy Ngọc leo lên, thành ra Thủy Ngọc lại ngồi giữa hai gã đàn ông, phía sau đàn gà vịt lao xao, mùi tanh tưởi. Thủy Ngọc nhủ thầm:

“Kệ, có người tốt cho mình quá giang còn hơn không”.

– Này, tối rồi, em ăn gì chưa?

– Dạ chưa, nhưng không cần đâu, tôi không đói.

– Lát nữa xe đi ngang Bến Lức, bọn anh mời em ăn cơm.

Xe chạy đi một quãng, bàn tay tên ngồi cạnh đặt lên bắp đùi Thủy Ngọc xoa nhẹ.

– Em tên gì, mấy tuổi vậy?

Bàn tay gã bất giác làm Thủy Ngọc nổi gai cả người. Cô nhớ đến bàn tay người dượng, lúc cô dìu ông ta vào nhà vì say rượu, đã sờ soạng người cô và ánh mắt của gã đàn ông ngồi cạnh sao giống ánh mắt của dượng đầy lửa ...

Hoảng hốt, Thủy Ngọc hất tay gã ra:

– Anh tài xế dừng xe cho tôi xuống đây đi!

– Xuống xe làm gì?

– Tôi không muốn đi xe của ông nữa.

– Sao vậy cô bé? Đêm đã tối, cô ôm quần áo đi, không phải trốn nhà đi, ăn trộm đồ thì cũng là bò lạc.

Thủy Ngọc sừng sộ:

– Này, ông đừng có nói bậy nghen! Ngừng xe cho tôi xuống!

Chiếc xe tấp lại tức thì, nhưng không phải để cho Thủy Ngọc xuống xe, mà gã tài xế lôi cô đi ào ào:

– Buông tôi ra, ông kéo tôi đi đâu vậy?

– Vào rừng cao su. Chúng ta cùng đi làm ... chuyện ấy. Đừng có lo, tụi anh trả tiền em sòng phẳng.

Thủy Ngọc hoảng kinh. Cô gặp bọn người xấu rồi, bằng mọi giá phải thoát, phải chạy trốn. Cô cố vùng ra, gã càng nắm chặt tay cô kéo mạnh đi.

– Ê, mày coi chừng xe! Chừng nào xong, tao hú mày.

Lợi dụng lúc gã đang nói, Thủy Ngọc khom người cắn mạnh vào tay gã, cắn thật mạnh như sẵn sàng rứt thịt da anh ta. Gã rú lên điên tiết:

– Con quỷ! Đau quá ...

Vùng mạnh cái nữa, Thủy Ngọc chạy ngược ra đường, cô nghe tiếng hai gã đàn ông hò hét:

– Bắt lấy nó đừng để nó chạy thoát.

Hoảng sợ, Thủy Ngọc cắm đầu chạy. Két ... Cô chạy băng qua đường, tiếng xe thắng lết bánh đến rợn người, nhưng cũng không còn kịp nữa, Thủy Ngọc nghe một cảm giác đau khủng khiếp, cô ngã sấp trên đường nhựa và ngất đi ...

Hai gã đàn ông trên xe tải hoảng sợ lên xe phóng đi mất.

– Cô tỉnh rồi hả?

Thủy Ngọc hấp háy mắt rồi mở mắt ra. Một gương mặt đàn ông sát vào mặt cô, làm cho cô hét to lên hoảng loạn:

– Đừng, đừng ...

Cô định ngồi dậy song đau quá, tay cô bị dây nhợ gì đó lòng thòng.

– Này! Không ai làm hại cô đâu! Cô nhìn xem tôi là ai!

Thủy Ngọc mở to mắt ra:

– Ông ... đây là đâu vậy?

– Bệnh viện. Cô chạy tông vào xe tôi, may là thắng xe kịp, nếu không cô báo hại rồi. Cô nghe trong người như thế nào rồi?

Xem vẻ ông ta cũng đứng tuổi, dáng vẻ đàng hoàng, không giống hai gã đàn ông kia. Thủy Ngọc ấp úng:

– Đây là bệnh viện à?

– Phải. Nghe trong người sao rồi?

– Đau lắm!

– Cô làm cho tôi hú hồn thật. Bây giờ cô hãy nói nhà của cô ở đâu, để tôi cho họ hay tin đi lo cho cô.

Thủy Ngọc ứa nước mắt:

– Tôi không có nhà.

– Lạ không? Không có nhà rồi cô ở đâu?

– Tôi bị dì của tôi đuổi tôi đi. Tôi định đi thành phố tìm việc làm.

– Cô làm được cái gì mà làm?

– Nấu ăn, giặt giũ, chăm sóc người bệnh, tôi làm được hết, tôi biết một chút về y tế.

– Cô thật sự không có nhà để về sao?

– Dạ.

– Bây giờ như thế này nhé! Tạm thời tôi mang cô về nhà tôi, khi nào cô khỏe thì giúp việc lặt vặt trong nhà. Còn muốn đi làm công nhân tôi giúp cho. Xem vẻ cô còn nhỏ tuổi hơn con trai tôi nữa, yên tâm đi, tôi không lợi dụng cô đâu.

Thủy Ngọc cảm động:

– Ông đáng tuổi cha mẹ tôi, làm sao tôi dám xem ông là người xấu.

– Được rồi! Để tôi bảo tài xế làm thủ tục xuất viện và đưa cô ra xe.

– Cảm ơn ông.

Mình hên hay xui đây? Thủy Ngọc nhắm mắt lại, dù sao cô cũng chẳng có sự lựa chọn nào khác hơn.

“Đây là nhà của ân nhân mình sao? Giàu có dữ vậy sao?”.

Thủy Ngọc há hốc mồm đứng nhìn căn nhà:

– Bác Thành! Nhà này ...

– Nhà của bác đó. Chuẩn bị đón thằng con trai của bác đi học hơn một năm ở Mỹ về, cháu có biết tại sao bác mang cháu về nhà mà không cần nghĩ cháu là người xấu tốt không?

– Dạ không.

– Dĩ nhiên là cháu không biết rồi, bác có đứa con trai rất quậy, do mẹ nó mất sớm không có người dạy dỗ, nhưng cũng dường như - ông Chí Thành đùa - đứa con này như khắc tinh của bác vậy, nó luôn làm bác phải bận lòng vì nó. Lần cuối cùng khi nó quen biết một cô gái làm tiền ở tuổi mười lăm, bác đã đánh nó ...

Ánh mắt ông Thành như chìm vào quá khứ. Chí Thiện ngoan bao nhiêu thì Trí Thiên lại quậy phá bấy nhiêu, ông đã ném ly nước vào chân nó, mảnh thủy tinh găm vào chân đứa con trai cả, máu tươm đầy chân, nhưng nó nhìn ông, đôi mắt xấc xược:

“Không bao giờ ông thay đổi được tôi đâu”.

“Vậy thì mày hãy cút ra khỏi nhà tao, thằng con ngỗ ngược”.

Nó đã đi, mãi hơn mười năm sau ông mới biết tin nó đi sang Mỹ. May là ông trời run rủi cho gặp lại trong biển đời mênh mông, như một điều diệu kỳ.

Ông Chí Thành vụt đổi giọng vui vẻ:

– Thủy Ngọc! Cháu hãy mừng với bác, con trai của bác sắp về rồi.

– Dạ, vâng ạ.

Thủy Ngọc chia sẻ niềm vui với ông Chí Thành, ông nói về Chí Thiện hoan hỉ.

– Nó là đứa con mà bác kỳ vọng nhất. À phải! Để bác bảo người làm thu xếp chỗ ở cho cháu.

Thủy Ngọc đi vào bên trong. Căn nhà sang trọng quá, cô chưa bao giờ nghĩ mình lại lạc loài đến nơi này và gặp người tốt. Cô tự nhủ mình phải ăn ở và làm việc hết lòng, để cám ơn người đã cứu mạng và cưu mang mình.

Thủy Ngọc sờ hết mọi thứ, vuốt ve nâng niu, mình có nằm mơ không đây?

Định mệnh nào xui khiến cô gặp ông Thành và đến nhà anh, có phải chăng là duyên nợ. Chí Thiện ơi! Anh có biết em đang ở trong căn nhà của anh, mà anh thì xa em đến nửa vòng trái đất. Em đang rất xúc động, cứ cấu mãi vào tay mình, có phải chăng em đang nằm mơ, một giấc mơ đẹp tuyệt vời.

Thủy Ngọc vươn tay và hít mạnh không khí vào buồng phổi, cô muốn hét to lên với mọi người:

cô đang tiếp cận anh.

Chí Thiện ơi! Cô nghe mình gọi tên anh thổn thức nghẹn ngào.

Buổi sáng, bà bếp bảo Thủy Ngọc mang bình hoa lay ơn trắng lên lầu, một cơ hội để cô nhìn thấy và gần gũi anh hơn. Cô sẽ đứng lặng người chiêm ngưỡng và sẽ ...

– Thủy Ngọc!

Dì bếp quơ tay lên trước mặt Thủy Ngọc:

– Trên lầu là phòng cậu Ba, cháu mang bình hoa này lên đó. Ngày mai là cậu Ba về tới rồi.

– Dạ, cháu hiểu rồi ạ.

– Này, cẩn thận đó nghen! Cái gì của cậu Ba hãy để nguyên một chỗ hiểu chưa, đừng có táy máy đồ đạc trong phòng.

Thủy Ngọc không buồn lòng chút nào vì lời bà bếp. Cô lễ mễ bưng bình hoa lên lầu đẩy cửa phòng bước vào.

Căn phòng đẹp quá, cô ngây ngất ngắm ảnh anh. Gương mặt anh nằm trong tầm tay cô, cô muốn hôn lên ảnh quá đi mất.

Nhìn quanh, Thủy Ngọc đặt bình hoa lên bàn, cô cầm khung ảnh anh lên và ... ghé môi hôn. Hôn lần nữa và lần nữa. Mặt Thủy Ngọc đỏ lên, cô hơi xấu hổ vì hành động của mình. Sao lại hôn ảnh chứ? Đâu có sao, không có ai nhìn thấy đâu mà sợ. Thủy Ngọc à, mày đang mơ hả? Không đâu, là sự thật đấy. Mày đang ở trong nhà anh và ngày mai là anh trở về, mày sẽ nhìn thấy anh, một Chí Thiện hằng nhớ thương không nguôi.

Chí Thiện, Chí Thiện, em yêu anh. Bàn tay Thủy Ngọc âu yếm sờ lên gương mặt Chí Thiện trong ảnh, cảm giác sao cứ ngất ngây. Thiện! Anh sắp trở về có nghĩa là cô sẽ gặp anh. Một nỗi vui mừng đan xen trong lo lắng. Cô sờ tay lên ảnh anh lần nữa định ghé môi vào hôn ...

– Cô làm gì vậy?

Một câu hỏi vang lên từ ngay ngưỡng cửa, làm Thủy Ngọc giật bắn người suýt chút nữa buông rơi khung ảnh. Cô quýnh quáng đặt ảnh xuống, quay lại kêu lên thảng thốt:

– Chị Tường Vân!

Tường Vân cũng kêu lên kinh ngạc:

– Thủy Ngọc! Sao em ở đây?

– Em ... à, em gặp bác Thành, bác cứu em khỏi tay bọn người xấu và đưa em về đây.

– Vậy à! Hôm nọ chị có nghe nói, ai ngờ lại là em. Em đang dọn dẹp phòng của anh Chí Thiện à?

– Dạ, nghe nói anh ấy sắp về nước phải không chị?

– Ừ, ngày mai về tới rồi. Chị và ảnh dự định sẽ làm đám cưới luôn.

Làm đám cưới luôn, Thủy Ngọc nghe tim mình se lại, cô cười gượng:

– Chúc mừng chị.

Tường Vân cầm khung ảnh lên:

– Ảnh này ảnh chụp hôm đi về quê, đẹp và sinh động quá phải không?

– Dạ.

– Căn phòng này sẽ là căn phòng tân hôn của chị và anh ấy.

Tường Vân bước vào, cô nằm ngã ra giường, ôm chiếc gối vào lòng:

– Anh ấy đi hơn một năm, nhưng sao chị nghe mùi hương của anh ấy còn phảng phất đâu đây vậy.

Thủy Ngọc quay đi. Tường Vân càng chứng tỏ tình yêu của cô dành cho Chí Thiện càng khiến cô thêm buồn. Cô đâu có quyền yêu anh. Ngay cả đến học vấn, địa vị và gia đình cô hoàn thua sút anh, anh ở trên cao, còn cô ở tận cùng dưới thấp. Sao cô mơ yêu một người quá cách xa với mình chứ? Hãy thức tỉnh với sự thật đi Ngọc. Nhưng cũng từ trong sâu thẳm của trái tim Thủy Ngọc phản kháng lại:

Tôi yêu anh ấy bởi vì tôi yêu. Tôi đâu có giành giật anh ấy với Tường Vân, họ là một đôi rất đẹp, đang yêu nhau tha thiết mà. Tôi cầu mong họ hạnh phúc, dù hạnh phúc đó khiến tim tôi đau đớn ...

– À, Ngọc này! Mua hoa cúc trắng chưng trong bình nữa nhé. Anh Chí Thiện rất thích hoa cúc trắng.

Thủy Ngọc cúi đầu dạ khẽ một tiếng. Hoa cúc trắng, một loài hoa thanh bạch cao quý, sao anh có cùng sở thích với cô như vậy hả?

Tường Vân đang mơ màng ngắm khung ảnh của Chí Thiện. Cô nhấc lên đưa ngang tầm mắt mình và hôn vào ảnh, như lúc nãy Thủy Ngọc đã làm. Cô nhớ ngày chia tay tiễn anh đi, nước mắt cô đầm đìa ở sân bay và bây giờ thì anh sắp trở về với cô. Chí Thiện, em nhớ anh quá đi mất.

Mình có giống Chí Thiện không? Trí Thiên đi qua đi lại trước tấm gương to, còn hai giờ đồng hồ nữa thôi là anh phải ra sân bay đi về nước với cái tên Chí Thiện. Trí Thiên là cái tên ở Mỹ, anh ném bỏ nó lại sau lưng. Chí Thiện sẽ chẳng bao giờ về nước. Mày hãy ở trong tù đi!

Trí Thiên cười khoái trá. Đêm qua anh vừa biết một bọn trộm đầu trọc nhận lầm Chí Thiện, đã nện Chí Thiện một trận nên thân trong nhà giam. Mày sung sướng nhiều quá, đã đến lúc mày nên nếm mùi đời đau khổ một chút.

Vừa đi, Trí Thiên vừa nhìn trong gương, tướng đi cũng khá giống Chí Thiện đó chứ, dù gì cũng là anh em song sinh mà. Sẽ không ai phát hiện đâu, ngoại trừ khi nó ra tù, ra tù thì tiền đâu mà về. Ba ơi! Nếu ba có bảo con chuyển tiền sang Mỹ cho nó, thì tiền cũng chảy vào túi của thằng con bị ba đánh đuổi đi mà thôi, đã đến lúc con đòi lại những gì là của con. Hừm ...

Hôm nay Chí Thiện nằm mẹp dí trên sàn nhà giam lạnh lẽo. Tín đầu trọc chẳng chịu buông tha, đi lại đá vào hông Chí Thiện một cái đau điếng:

– Mày nói mày là Chí Thiện, không phải Trí Thiên?

Chí Thiện cố ngóc đầu lên nhưng đau quá anh ngóc không nổi. Tín đầu trọc nắm tóc anh lôi lên:

– Mày nói chuyện cổ tích hả? Làm gì có hai người giống nhau như thế?

– Chúng tôi là anh em song sinh.

– Song sinh. Ha ... ha ...

Tín đầu trọc cười khanh khách giọng khả ố:

– Anh em song sinh cũng chỉ giống nhau mức độ nào đó. Nó sang đây năm năm nay, tao có nghe nó nói anh em song sinh gì đâu. Nếu tin mày được, cảnh sát đã thả mày ra, không để mày suốt ngày kêu la ầm ĩ, mày oan, oan lắm, oan Thị Mầu hay Quan Âm Thị Kính hả?

Lại một cú đá vào ba sườn của Chí Thiện, anh cắn răng oằn oại. Vào tù rồi, con người như không phải là người nữa một con vật không hơn không kém. Chí Thiện không tưởng tượng được có một ngày anh lại sa vào vòng lao lý một cách vô lý hết sức. Nhưng cũng từ trong đầu anh chợt nghĩ ra ... Trí Thiên sẽ là Chí Thiện. Ôi ... Đầu óc anh muốn điên lên vì lo. Ba anh sẽ như thế nào, ông có tin là anh đó không? Ba ơi! Giang sơn dễ đổi, nhưng bản tính con người khó mà thay đổi. Con tin ba sáng suốt nhận định. Còn con thân cá chậu chim lồng mất rồi.

Con làm sao chứng minh con là Chí Thiện không phải Trí Thiên để được tự do đây?

Tín trọc đầu ngạo nghễ:

– Trí Thiên? Mày vào tù năm lần mười lượt, tao xem như đời mày tàn rồi.

Lần này bọn cảnh sát sẽ nhốt mày ít lắm một năm. Con vợ mày ở ngoài cũng sẽ bỏ mày đi lấy chồng khác luôn.

Một năm tù! Một ngày tù bây giờ đối với Chí Thiện dài hơn cả ba năm. Còn Tường Vân, liệu cô có đợi anh hay là cô sẽ ... lầm anh là Trí Thiên. Chí Thiện cố vùng dậy song đôi chân của Tín đầu trọc đạp lên đầu anh như tảng đá ngàn cân đè lên ...

– Anh Chí Thiện!

Thủy Ngọc bật choàng dậy. Cô vừa mơ một giấc mơ dữ, Chí Thiện bị đánh đập dã man, người anh đầy máu.

– Anh Thiện?

Thủy Ngọc hét lên, mở mắt nhìn quanh. Cô đang nằm trong căn phòng sau nhà bếp kia mà. Giấc mơ hãi hùng chỉ là giấc mơ. Hồi đó có nhớ anh thường bảo cô mơ hay đi ngược với sự thật ngoài đời. Liệu có như thế không. Ngày mai anh sẽ về đến nhà và anh sẽ mở to mắt ngạc nhiên kêu lên:

Thủy Ngọc sao lại ở đây?

Nỗi vui mừng đó không đánh tan được nỗi sợ mơ hồ vừa nhuốm lên trong lòng cô chút nào. Tại sao người anh đầy máu?

Đồng hồ chỉ hai giờ sáng. Thủy Ngọc nằm xuống cố dỗ giấc ngủ lại. Anh ấy sẽ về, ngày mai mình sẽ nhận thấy anh ấy, những lời ấy cứ vang lên trong đầu Thủy Ngọc, thành một cảm xúc bồi hồi rạo rực. Nhưng rồi nghĩ đến có một người mong anh hơn cô, Thủy Ngọc tủi buồn vùi mặt xuống gối. Anh ấy không phải là của mình, anh ấy là của Tường Vân, trong giấc mơ, chỉ có trong giấc mơ anh ấy mới là của mình.

...

Đêm nay trong căn phòng ấm áp của mình, Tường Vân ngủ với giấc mơ đẹp ...

– Chí Thiện! Anh Chí Thiện ...

Anh trở về đẹp trai tuấn tú, dang rộng vòng tay đón cô:

– Tường Vân, anh nhớ em quá, áng mây nhỏ của đời anh.

Cô nép vào vòng tay anh khép mắt lại đón nhận nụ hôn nồng nàn.

– Tường Vân!

Nhưng sao anh vụt đẩy mạnh cô ra, xô cô ngã dúi, cô hoảng hốt nhìn anh.

– Anh Chí Thiện.

– Anh không phải Chí Thiện.

– Tại sao anh không phải là Chí Thiện?

Anh không trả lời câu hỏi của cô, mà bỏ đi. Tường Vân vội nhoài người đuổi theo.

– Chí Thiện! Chí Thiện! Anh đi đâu vậy?

Chí Thiện cứ chạy đi, mặc Tường Vân nức nở đuổi theo ...

– Tường Vân! Con mơ thấy gì mà la hét dữ vậy?

Một bàn tay lay mạnh vai Tường Vân, đánh cô thức dậy, gương mặt bà Tường Vi thật gần:

– Con mơ thấy Chí Thiện à?

Tường Vân mở mắt ra nhìn quanh:

– Anh Chí Thiện đâu hả mẹ?

Bà Tường Vi phì cười:

– Con mơ ngủ hả? Chí Thiện chưa có về. Đã tám giờ sáng rồi, mau dậy sửa soạn đi đón Chí Thiện, bác Thành mới gọi điện thoại sang đó.

Tường Vân nhìn qua khung cửa sổ vừa được kéo rèm, nắng buổi sáng chói chang.

Cô vội nhảy xuống giường:

– Trời ơi! Sao đến bây giờ mẹ mới gọi con dậy. Đêm qua con ngủ không được, gần sáng mới thiếp đi, con vừa mơ thấy anh Chí Thiện, ảnh bỏ con đi, con chạy theo nức nở gọi mà ảnh không động lòng chút nào.

– Mơ thôi mà, tại con quá mong nó về.

– Vậy một năm qua ... liệu anh ấy có bỏ con không mẹ?

– Bỏ như thế nào được, nó gọi điện thoại cho con mỗi ngày mà.

Chí Thiện gọi điện thoại cho cô nhưng sao giọng anh là lạ, cô có cảm giác anh là một người khác vậy chứ không phải anh.

– Đi làm vệ sinh nhanh đi con. Mẹ nghe dưới nhà hình như ba con và bác Thành đang nói chuyện với nhau.

– Vậy thì con phải nhanh lên mới được.

Tường Vân chạy ào vào phòng vệ sinh, làm cho bà Tường Vi vừa lắc đầu vừa cười. Hạnh phúc của con gái cũng chính là hạnh phúc của người làm mẹ.

Bác Thành đi rồi, bác đi đón anh ấy đứa con trai yêu thương, có hơn một năm mới được trở về với mái ấm. Có phần nào cho mình đâu, nhưng Thủy Ngọc vẫn cứ hồi hộp đứng ngồi không yên. Giá như cô được đường hoàng đi đón anh nhỉ? Thủy Ngọc ơi! Thủy Ngọc tự đánh vào đầu mình, mày là cái gì trong nhà mà muốn đi đón anh ấy - một osin được bác Thành cứu và cưu mang, ông chủ và người làm. Anh ấy cũng đã có vợ chưa cưới, họ sẽ cưới nhau, mơ mộng khao khát cái gì hả? Tự mắng mình rồi cũng chính cô không sao dằn được cảm xúc, cô sẽ gặp lại anh, yêu một người đâu phải đợi anh ấy biết mình yêu anh ấy.

Đẩy cửa căn phòng cô đã chuẩn bị cho anh, Thủy Ngọc ngồi lên, bàn tay cô vuốt nhẹ lên tấm drap phẳng phiu và mát lạnh. Em âm thầm chuẩn bị cho anh đó Chí Thiện.

– Cháu làm gì vậy Thủy Ngọc?

Ông Chí Thành đẩy cửa nhìn vào, làm Thủy Ngọc hết hồn bật dậy:

– Dạ ....

– Cháu có muốn đi đón Chí Thiện không?

Hai mắt Thủy Ngọc mở to ra, toàn thân cô run lên, cà lăm ngang:

– Bác ... bác cho cháu đi đón anh Chí Thiện?

– Ừ! Nếu cháu muốn đi đón thì sửa soạn nhanh lên. Tường Vân nói cháu từng cứu mạng cả Chí Thiện nữa mà. Đi đón xem, gặp cháu nó còn nhớ cháu không.

Mặt Thủy Ngọc đỏ bừng lên màu hồng sung sướng lẫn hạnh phúc.

– Chắc chắn anh Thiện nhớ cháu mà.

– Vậy đi thay quần áo nhanh lên, bác đợi dưới nhà.

– Dạ.

Thủy Ngọc ù té chạy đi. Sung sướng quá, cô được cho phép đi đón Chí Thiện. Cô tưởng tượng đôi mắt anh tròn to ngạc nhiên nhìn cô. Chỉ cần anh còn nhận ra cô là cô quá ấm lòng. Mặc áo nào đây ta? Tường Vân cho cô khá nhiều quần áo, nhưng cô muốn mặc áo của chính cô, để anh không ngộ nhận ra cô là Tường Vân. Còn nữa, cô sẽ kẹp mái tóc dài bằng cây kẹp hoa anh đã mua tặng cô.

Thủy Ngọc hài lòng nhìn mình trong gương, cô bé nào đó trong gương thì phải, mình cũng xinh và dễ thương như chị Tường Vân vậy. Thủy Ngọc đi xuống nhà, ông Thành cũng vừa ra xe, anh tài xế trợn mắt:

– Cô đi đâu vậy Thủy Ngọc?

– Bác Thành cho tôi đi đón anh Thiện.

– Chà!

Anh tài xế vẻ xem thường Thủy Ngọc:

– Cô đi chỉ chật xe.

– Anh này! Bộ tôi mập lắm sao mà chật xe.

– Không phải tôi nói cô mập, nhưng đi đón anh Thiện, cô liên quan gì đón?

Thủy Ngọc lẩm bẩm trong cổ họng mắng:

Anh mà biết cái gì! Tôi không muốn kể công, nhưng nếu không có tôi, anh Thiện và chị Tường Vân thành con “ma da” sông Vàm Cỏ rồi! Và rồi tôi đã yêu anh ấy tình yêu thầm lặng, anh ấy là giấc mơ đẹp của đời tôi.

Thành phố sáng nay như đẹp hơn lên, một màu nắng tươi hồng, Thủy Ngọc ngồi trong xe mà nôn nao. Lần đầu tiên cô được ngồi trên chiếc xe hơi sang trọng, chạy đi trong đường phố và lát nữa đây cô sẽ gặp anh. Xe ghé nhà Tường Vân, căn biệt thự đồ sộ lộng lẫy nói lên sự giàu có của chủ nhân, chợt dập tắt chút hạnh phúc nhỏ nhoi trong lòng Thủy Ngọc, cô cúi sâu đầu. Đừng nằm mơ nữa Thủy Ngọc.

– Thủy Ngọc! Em cũng đi đón anh Thiện à?

Tường Vân mở cửa xe ngồi vào, cô tíu tít:

– Chừng một giờ nữa thôi, sẽ gặp được anh Chí Thiện. Anh ấy mập hay ốm nhỉ? Ảnh nói với chị ảnh hơi đen, vì mấy hôm trước khi sắp về nước, ngày nào ảnh cũng đi tắm biển. Biển bên Mỹ chứ không phải sông Vàm Cỏ quê em đâu nghe Ngọc.

Thủy Ngọc cười gượng. Tường Vân nôn nao rạo rực vì chị ấy sắp gặp lại người mình yêu. Còn cô, cô có là cái gì của anh đâu. Một lần cứu anh và thoát chết đuối, chỉ như thế thôi.

Tường Vân vẫn huyên thuyên.

– Em biết không, chị đeo sợi dây chuyền này là do ảnh mua tặng chị. Bộ quần áo này cũng là ảnh và chị đi mua đó. Chị muốn ngay phút đầu tiên nhìn thấy chị, sợi dây chuyền và bộ quần áo nhắc cho anh ấy nhớ lúc nào trái tim của chị cũng hướng về anh ấy.

Thủy Ngọc cắn mạnh môi. Tường Vân yêu anh ấy quá sâu sắc, cô có chỗ nào chen vào. Hãy xem anh ấy như người anh, Ngọc nhé.

Ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất sáng nay khá đông. Tường Vân ôm vai Thủy Ngọc:

– Chúng mình lại xem biển báo chuyến bay xem máy bay hạ cánh chưa.

– Dạ.

Biển báo chín giờ hai mươi, có nghĩa là còn mười phút nữa phi cơ sẽ về đến.

Tim cả hai cô gái cùng đập mạnh căng thẳng.

...

Máy bay sắp hạ cánh, tiếng cô tiếp viên phi cơ nhắc nhở hành khách cài lại dây an toàn, Trí Thiên căng thẳng đến không nghe, mồ hôi tay ướt đẫm.

– Anh ơi! Hãy cài dây an toàn lại!

Cô tiếp viên lay vai Trí Thiên, anh mới giật mình ấp úng:

– Vâng.

Qua khung cửa sổ nhỏ, Trí Thiên nhìn xuống bên dưới, anh thấy cả dòng sông chạy dài uốn khúc, những mái nhà san sát và rồi bánh xe của phi cơ chạm nhẹ mặt đất, chạy dài có hơn mười phút mới dừng lại hẳn. Cửa phi cơ mở ra, hành khách lục tục lấy hành lý xuống.

Trí Thiên đứng lên xách chiếc valy của Chí Thiện, anh đặt tay lên ngực mình. Từ bây giờ anh là Chí Thiện không phải Trí Thiên. Chi Lan chết hay sống đó là cuộc đời của cô ấy. Còn em trai tôi:

Chí Thiện, khi mày về Việt Nam thì Tường Vân đã là của tao ...

Hành khách từ bên trong đi ra với xe đẩy hành lý, một người, hai người ...

mười lăm, mười sáu ... Tường Vân lẫn Thủy Ngọc cùng căng mắt hướng vào cánh cửa. Và rồi ...

Chí Thiện đường hoàng bước ra, áo sơ mi trắng, màu áo sơ mi quen thuộc Tường Vân từng yêu thích, anh dừng lại nơi ngưỡng cửa nheo mắt nhìn:

– Anh Chí Thiện!

Niềm vui dâng cao ồ ạt, Tường Vân quên hết cô đang ở đâu, cô lao vào ôm choàng lấy Trí Thiên:

– Anh đã về, em mừng quá.

Cô ấy là Tường Vân. Trí Thiên nhận ra ngay khi anh được ôm choàng lấy, có cả nước mắt thổn thức mừng vui của ngày tái ngộ. Anh đưa tay ra và ... ôm lại Tường Vân:

– Anh rất nhớ em.

– Em cũng nhớ anh lắm.

Ông Chí Thành bước lại:

– Thôi nào ... Chí Thiện, ba mừng con trở về.

– Ba!

Có đến chết, Trí Thiên vẫn nhận ra cha. Gót chân anh hãy còn cái thẹo, ngày đó ông ném cái ly thủy tinh vào chân anh, thằng con ngỗ nghịch, sao anh quên cho được. Tuy nhiên, anh vẫn quay lại ôm ông vui mừng:

– Ba có khỏe không ba?

– Khỏe.

Bên trong, Thủy Ngọc đứng lặng lẽ. Cô chẳng là gì cả, ánh mắt anh nhìn bâng quơ chừng như chẳng nhận ra cô. Thủy Ngọc nhẹ quay lưng đi, nước mắt cô rưng rưng. Dù sao thì em cũng rất vui khi anh trở về, Chí Thiện ạ.

– Trí Thiên, có thăm nuôi!

Người cảnh sát quản trại giam mở cửa buồng giam gọi Chí Thiện, anh mừng rỡ đứng lên. Là ai thăm anh đây? Có khi nào Trí Thiên đã hối hận hại em trai mình nên vào thăm.

Chí Thiện mặc thêm áo vào theo người cảnh sát trại giam đi ra.

– Chú Thiện!

Thiện chứ không phải Thiên! Chí Thiện lặng đi trong phút hạnh phúc nhỏ nhoi:

– Chị Chi Lan. Anh Trí Thiên bảo chị vào thăm tôi có đúng không?

– Không phải!

Chi Lan cúi đầu không dám nhìn Chí Thiện ...

– Anh ấy ... đã về Việt Nam.

– Cái gì?

Chí Thiện sửng sốt:

– Anh Thiên về Việt Nam? Tại sao anh ấy không thăm tôi? Không minh oan cho tôi?

Chi Lan ngồi xuống ghế đau khổ:

– Ngay đến tôi mà ảnh còn muốn tôi phải chết kia mà.

– Tôi không hiểu câu nói của chị?

Chi Lan bưng mặt, nước mắt đau khổ tủi hờn của cô chảy dài qua kẽ tay:

– Tôi đã hiểu vì sao anh ấy đã hại chú ở tù, vì sao ảnh muốn tôi chết khi dìm đầu tôi xuống dòng sông, và ngỡ tôi đã chết chìm, ảnh lên bờ và leo lên xe lái đi.

Chí Thiện bàng hoàng:

– Tại sao anh Trí Thiên làm như vậy?

– Ảnh đã về Việt Nam ngày hôm qua. Chú nói đi, điều gì đã bắt anh ấy có hành động táng tận lương tâm?

– Tôi ...

– Có thể anh ấy sẽ là chú, Chí Thiện ạ.

– Là tôi?

– Hai người giống nhau, dù có thể không là một trăm phần trăm từ giọng nói, tướng đi, nhưng chú sang Mỹ đi học được một năm rưỡi rồi đúng không? Anh ấy có thể nói có chút thay đổi.

Chí Thiện lạnh toát cả người, anh gào lên:

– Không thể nào! Chị Chi Lan! Tôi có thể mất tất cả, nhưng không thể nào mất Tường Vân. Chị hãy đi nói với cảnh sát, tôi là Chí Thiện, không phải Trí Thiên.

Người cảnh sát cầm cây dùi cui đi vào quát:

– Cho thăm gặp người nhà còn quậy nữa hả? Quậy nè! Đi vào!

Những đòn dùi cui dập loạn xạ lên đầu, lên người Chí Thiện, anh vẫn cố gào lên:

– Tôi là Chí Thiện không phải Trí Thiên.

– Lì nè!

Hai người cảnh sát to con như ông hộ pháp lôi Chí Thiện vào bên trong. Chi Lan đau đớn quay đầu chạy đi. Xin lỗi chú, Chí Thiện ơi ...

...

– Này, thằng kia!

Tín đầu trọc đá vào người Chí Thiện khi anh bị vất vào phòng giam:

– Sao mày ngu thế, cứ quậy lên cho bị đòn đau mà vẫn cứ gào to lên mày là Chí Thiện?

Chí Thiện ứa nước mắt:

– Vì tôi là Chí Thiện.

– Mày mà còn kêu to nữa, họ đưa mày sang nhà biệt giam người tâm thần đấy. Liệu hồn! Dù mày có là ai thì cũng nên khôn ngoan ra một chút ...

Tên anh chị cũng bắt đầu hiểu qua cách nói của Chí Thiện, đàng hoàng, hòa nhã có học, chữ viết cũng rất đẹp. Nhưng đã vào tù rồi, đành chịu thôi.

Hắn ngồi xuống bên Chí Thiện:

– Hay tao giúp mày vượt ngục nhé?

Chí Thiện lắc đầu:

– Không! Tôi không làm chuyện chết người đó đâu. Cùng lắm là nửa năm nữa, người ta cũng phải trả tự do cho tôi.

Tín đầu trọc nhún vai:

– Vậy thì mày chờ cái ngày đó đi! Còn tao, tao sẽ vượt ngục. Mày mà kêu lên, bể kế hoạch của tao, tao đấm vỡ mồm mày ra. Rõ chưa?

Gã bỏ đi lại chỗ mình ngồi, mắt lim dim nhìn lên khung cửa có song sắt trên cao, gã đã thủ cây cưa sắt nhỏ xíu và sẽ thoát khỏi nhà giam này.

Chí Thiện thức giấc lúc nửa đêm, toàn thân anh đau như dần, nhưng tiếng xì xào làm anh mở mắt ra. Dưới ánh sáng ngọn đèn vàng bên ngoài hắt vào, anh nhìn thấy mấy tên đàn em của Tín đầu trọc công kênh Tín đầu trọc, anh ta đang cưa cửa.

– Anh Tín.

– Suỵt im mồm!

Một tên đàn em ôm Chí Thiện lại, tọng ngay một miếng giẻ vào miệng anh:

– Mày có vượt ngục hay không mặc mày, nhưng không được làm hỏng kế hoạch của anh Tín.

Chí Thiện cố giãy giụa ... Cánh cửa sắt được cưa ra, từng đứa một chui qua cánh cửa vừa được cưa. Còn một mình Chí Thiện bị trói, mồm nhét giẻ nằm trên sàn gạch.

Bùm ... bùm ... Pháo sáng bắn, cảnh sát nhà giam đã phát hiện trốn trại. Bên ngoài sáng cả một vùng, tiếng chân chạy rầm rập. Chí Thiện nằm im như chết.

Tường Vân, em đừng nhầm lẫn, người đang về với em là Trí Thiên, không phải Chí Thiện, mong em nhận ra, Tường Vân ơi.

Không ai quan tâm đến việc Thủy Ngọc biến mất, cho đến lúc lên xe, ông Thành kêu lên:

– Thủy Ngọc đâu rồi?

Anh tài xế trả lời:

– Cháu thấy cổ đi ra ngoài, không lạc đâu mà sợ, ông tổng ơi.

Trí Thiên muốn hỏi Thủy Ngọc là ai, song anh ta hiểu trong lúc này, tốt nhất là nên im lặng. Tường Vân mỉm cười ngả đầu vào vai Trí Thiên.

– Trông anh rất lạ.

– Vậy à!

Bụng Trí Thiên lo lo:

– Anh thấy anh có lạ gì đâu. Có lạ chăng là chúng mình xa nhau một năm rưỡi nay, anh thấy em rất xinh.

Tường Vân sung sướng nép vào vai Thiên. Anh đã trở về, người đàn ông của cô đã trở về bên cô. Trí Thiên ngắm đường phố khi xe đi qua, anh ta bỏ nhà đi năm mười lăm tuổi, mới đó đã mười năm, trở về mọi thứ như xa lạ và điều khôn ngoan nhất là một Trí Thiên thành công.

– Chí Thiện! Trước khi về, con có đi thăm anh con không?

– Dạ có, phải hơn một năm nữa ảnh mới ra tù ba ạ.

Ông Chí Thành thở dài:

– Thằng con này, không biết bao giờ nó mới nên thân được, bỏ nhà đi hoang từ năm lên mười lăm ...

Ông buông lơi câu nói, cố vui trong ngày vui đoàn tụ. Chí Thiện là đứa con mà ông kỳ vọng nhất, nhưng có lẽ nào ông trút lên vai đứa con ông yêu thương nhất gánh nợ nần, ông không muốn như thế.

Từ phía sau, Trí Thiên chồm lên bóp nhẹ vai ông:

– Ba! Con thấy ba già đi nhiều.

Ông Thành cười gượng gạo:

– Ờ.

– Ba! Ba đừng lo, con đã trở về, nhất định con sẽ giúp ba.

Tường Vân xen vào:

– Phải đó bác, bác có khó khăn gì cứ nói với ba con.

Trí Thiên liếc Tường Vân khi cô nói câu này. Cách ăn mặc của cô và những nữ trang đơn giản trên người cô, song anh ta hiểu đây là con gái một nhà tỷ phú, cô ta không hợm hĩnh kiêu hãnh, ngỡ anh là Chí Thiện, yêu thương anh hết lòng. Anh đã thành công ngay bước đầu làm con người mạo danh.

Xe về đến nhà, một căn nhà bề thế khang trang hơn ngày anh ta còn nhỏ. Trí Thiên cắn mạnh môi. Mình đúng là ngu nhất trên đời, mười lăm năm nay làm cái thằng giang hồ, đói ăn bị cuộc đời vùi dập, thế mà em trai và người cha của anh thì ăn nên làm ra.

Trí Thiên bước xuống xe, ông Chí Thành âu yếm:

– Phòng của con vẫn nguyên, mấy hôm nay Thủy Ngọc dọn dẹp chu đáo sạch sẽ cho con.

Lại là Thủy Ngọc, cô ấy là ai vậy? Trí Thiên vẫn chưa dám hỏi. Tường Vân vui vẻ tiếp lời:

– Anh còn nhớ Thủy Ngọc không?

– Sao?

– Cô ấy được ba mang về và bây giờ đang ở nhà mình, ba xem như con, nên có cho cổ đi học một lớp y tế.

– Vậy à? Tường Vân! Em đi với anh lên phòng của anh đi.

Tường Vân vô tình trêu:

– Anh đừng có nói với em đi Mỹ mới có một năm mấy, anh quên phòng của anh nằm ở đâu nghen.

Trí Thiên ỡm ờ:

– Nếu như anh quên thì sao?

– Đâu có sao, em không tin anh là người mau quên đâu.

Trí Thiên cười xòa khỏa lấp. Tường Vân nắm bàn tay Trí Thiên, cô vụt kêu lên:

– Bàn tay anh sao thế này anh Thiện?

– Sao?

Hỏi chữ “sao” rồi trong lòng Trí Thiên thầm lo lắng. Con ranh này, sao nó cứ làm mình hồi hộp chết đi được.

– Em nhớ hồi đó mấy ngón tay của anh rất thon, dài và đẹp như bàn tay người nhạc sĩ đánh đàn, chứ đâu có thô kệch như vầy.

Trí Thiên rụt bàn tay lại:

– Em đừng có quên khi sang Mỹ du học, dù được ba gởi tiền sang, nhưng chi phí bên đó đắt đỏ, anh phải đi làm thêm kiếm tiền ăn học, cho nên cái gì ai thuê anh cũng làm.

– Như vậy sao! Sao em chẳng nghe anh nói gì qua điện thoại?

– Anh sợ nói cho em biết, em lo rồi nói cho ba anh biết.

– Biết thì bác trai sẽ gởi tiền thêm cho anh.

– Anh cũng muốn sống tự lập.

– Anh dễ thương quá đi.

Tường Vân cầm bàn tay Trí Thiên ấp vào má mình xúc động:

– Em thấy anh có vẻ rất trưởng thành chững chạc, giọng nói cũng hơi khác.

– Vậy à?

Một cái giật mình khẽ nơi Trí Thiên, mà Tường Vân không nhận ra, cô mải ngây ngất với niềm vui anh đã trở về cùng cô, hơn một năm qua thật là dài.

– Tường Vân!

Trí Thiên kéo Tường Vân vào vòng tay mình, anh hôn lên trán cô.

– Hơn năm qua, anh rất nhớ em.

– Em cũng rất nhớ anh.

– Từ nay chúng mình sẽ không bao giờ xa nhau nữa, có đúng không?

– Dạ.

Tiếng dạ của Tường Vân chìm khuất bởi nụ hôn nóng bỏng, vòng tay Trí Thiên khép chặt qua người cô hơn, nụ hôn thật dài sau hai năm xa cách.

– Tường Vân! Đã đến lúc chúng mình nên cưới nhau.

Tường Vân khép mắt lại hạnh phúc. Chúng mình sẽ cưới nhau, cô mong đợi ngày anh trở về và nói lời như thế với mình. Anh đã trở về.

Tường Vân thì thầm:

– Anh là giấc mơ của em. Anh Thiện! Anh còn nhớ bài hát anh hay hát cho em nghe ...

Em có phải cơn mơ của anh.

Một giấc mơ đẹp em là của anh ...

Anh hát tiếp đi, anh Thiện!

– Ôi! Bài hát ấy hả, lâu quá anh quên mất rồi.

– Em thì lại nhớ rất rõ. Em hát nhé!

– Thôi đừng hát! Chúng mình đi vòng quanh cho anh thăm nhà đi, nhất là thăm căn phòng em trang hoàng giùm anh.

Tường Vân đưa Trí Thiên lên phòng, cô đẩy cửa bước vào.

– Đẹp không anh?

Trí Thiên đứng ngây người ra nhìn căn phòng, xinh xắn ấm áp cũng không kém phần lộng lẫy, rèm màu kem, bộ drap giường cũng màu kem, trên bàn là tấm ảnh phóng to chụp anh và Tường Vân, cô đứng vào vai anh tươi cười:

– Anh ... quên mất để anh nhớ xem.

Tường Vân bật cười:

– Anh quên, nhưng còn em lại nhớ rất rõ, ảnh này chúng mình chụp trên Đà Lạt, những ngày xa anh, em cứ hay lấy ảnh này ra xem cho đỡ nhớ anh.

– Vậy hả?

Trí Thiên ôm Tường Vân vào lòng:

– Anh cũng rất nhớ em.

Tường Vân phụng phịu:

– Nhớ em mà anh quên rất nhiều thứ.

– Chứ em xem ... anh đi đã gần hai năm còn gì nữa. Anh nghĩ ... có thể em đã có bạn trai khác.

– Đôi ba hôm chúng mình liên lạc với nhau, làm sao em có ai khác cho được.

À, ngày mai anh và ba đến nhà em nghen, ba mẹ em muốn làm bữa tiệc mừng anh.

– Cũng được! Gặp em rồi bỗng dưng anh càng ... muốn chúng mình cưới nhau gấp hơn. Em có ý nghĩ như thế không?

Tường Vân mỉm cười không đáp. Màu hồng hiện rõ trên má cô nhiều hơn ...

– Anh còn nhớ em không?

Thủy Ngọc rụt rè bước ra. Sao mà cô run đến thế, chắc chắn anh sẽ nhận ra cô mà. Nhưng anh đang tròn mắt nhìn cô, cái nhìn dửng dưng xa lạ:

– Cô là người làm mà tôi nghe nói, ba tôi đã cứu cô và mang cô về đây, có đúng không?

– Nhưng có một điều đặc biệt, hồi đó cách nay ba bốn năm gì đó, anh thuê ghe nhà em đưa chị Tường Vân qua sông, ai dè anh không biết chèo, ra đến giữa sông, ghe lật úp, suýt chút nữa chị Tường Vân chết đuối em và anh cố dìu chị vào bờ và sau đó để cám ơn em anh mua tặng em cây kẹp hoa này nè.

– Vậy à? Lâu quá chuyện đó tôi quên mất tiêu rồi.

Không ngờ là anh đã quên, Thủy Ngọc buồn xo. Hóa ra, chỉ có cô nhớ kỷ niệm đáng ghi nhớ đó. Cô cất cây kẹp vào túi áo. Anh đã quên thì còn nhắc làm gì. Nhưng hình như anh rất khác cái lần đó cô gặp.

Không để ý đến Thủy Ngọc, Trí Thiên đi qua phòng ông Chí Thành.

– Ba!

– À, con vào đi!

Ông Chí Thành vui vẻ:

– Sáng nay con đã đi những đâu với Tường Vân rồi?

– Qua nhà cô ấy và đi một vài chỗ.

– Ờ, nghỉ ngơi đi, khi nào muốn ra công ty làm việc thì làm.

– Con định thưa với ba một chuyện.

– Con nói đi!

– Con muốn tổ chức đám cưới với Tường Vân vào tháng sau. Tường Vân cũng đã đồng ý.

Ông Chí Thành vui mừng:

– Ừ, ba tán thành. Nó cũng đợi con mấy năm nay, nó là một đứa con gái tốt, khi con đi xa nó vẫn đợi chờ con.

Trí Thiên ngập ngừng:

– Ba? Con và Tường Vân xúc tiến hôn nhân, ba có cho là gấp lắm không?

Ông Chí Thành mỉm cười trước câu hỏi của Trí Thiên mà ông cứ ngỡ là Chí Thiện.

– Năm nay con hai mươi bảy, cưới vợ như vậy là vừa rồi, ba còn muốn con và Tường Vân mau đám cưới cho ba có cháu bồng nữa kìa.

– Như vậy con và Tường Vân sẽ đám cưới vào tháng sau.

– Chúc mừng con. Cần gì cứ nói ba giúp cho.

– Ba cho con tổ chức đám cưới long trọng là được. Tường Vân là con nhà giàu thì phải làm đám cưới cho long trọng đúng không ba?

– Đúng rồi.

Giọng ông Thành đượm buồn:

– Ba rất mong anh con trở về. Nếu nó xin cưới vợ, ba cũng sẽ cưới và cho một số tiền, dù hồi này ba làm ăn không thuận lợi lắm.

Trí Thiên vờ nhún vai:

– Hơi nào ba lo cho anh ấy.

– Lo chứ con. Dù sao ... đó cũng là núm ruột mà.

Trí Thiên nhìn cha. Sao anh không có chút cảm động nào. Ông ta lo cho anh? Tôi cóc cần ông lo.

– Ba à! Có phải bên nhà bác Tường Trung có nhiều tiền lắm, đúng không?

– Đúng. Mấy năm nay bác ấy làm ăn gặp nhiều thuận lợi.

Mắt Trí Thiên sáng lên. Anh ta chỉ cần như thế, cưới được Tường Vân, anh như “chuột sa hũ nếp”, tha hồ ...

– Con phải thương yêu và mang hạnh phúc lại cho Tường Vân nghe con.

– Dạ, con biết rồi. Ba! Nếu con và Tường Vân cưới nhau, con cũng muốn lập công ty lắm.

Ông Chí Thành vui mừng:

– Ừ, ba ủng hộ con.

Trong đầu Trí Thiên đang suy nghĩ. Mở công ty anh sẽ làm chủ và lúc đó tha hồ ... cho bõ những ngày vất vả, cơ cực, bị đời ngược đãi vùi dập.

Anh cần có nhiều tiền và sống ... để trả thù những ngày cơ cực nghèo đói.

Ông Chí Thành đặt tay lên vai Trí Thiên, giọng ông đầy tình cảm:

– Chiều nay ba sẽ đi gặp bác Tường Trung và đề cập chuyện đám cưới của con với Tường Vân.

Mắt Trí Thiên sáng lên:

– Cám ơn ba! Ba là người cha tốt của con.

Cả hai cha con vào phòng, Trí Thiên mở tủ lấy ra chai rượu:

– Ba cô uống rượu không ba?

Ông Chí Thành ngạc nhiên:

– Con tập uống rượu từ khi nào vậy? Ba nhớ là con không uống rượu được, uống vào là tim bị ép làm mệt.

Trí Thiên giật mình. Lại thêm một sơ hở! Anh vờ bào chữa:

– Khi sang Mỹ, con tập uống chút chút nên cũng không còn bị làm mệt khi uống rượu nữa.

– Vậy à? Con lại hút thuốc đến vàng cả ngón tay. Chí Thiện, ba có cảm giác con rất thay đổi, nhưng đừng như Trí Thiên, tứ đổ tường cái gì cũng biết nghen con.

Trí Thiên bặm môi. Hễ có dịp là ông luôn xem anh là tấm gương xấu. Được, tôi là con người như vậy đó và chính ông đã đẩy tôi vào con đường đó.

– Ba ghét anh Trí Thiên lắm có đúng không?

– Sao con lại hỏi như vậy? Ba cũng thương nó, con là máu mủ mà, có điều nó hư hỏng sớm quá, bây giờ lại đang ở tù bên đó, ba là người cha bất lực.

– Ba?

Một thoáng cổ họng Trí Thiên nghẹn lại. Người cha anh căm ghét không hẳn là ghét bỏ anh, nhưng sao lòng đố kỵ trong anh không thể nào tan nổi, không được mềm lòng Trí Thiên. Tường Vân là của mi, tiền bạc của cải, hãy cứ mạnh dạn giẫm lên ...

Ông Chí Thành ngồi xuống ghế, ngả đầu ra sau, vẫn giọng nói vô tư:

– Con đã về rồi, ba hy vọng con sẽ giúp ba trong kinh doanh. Có tuổi, bỗng dưng ba thấy rất mệt mỏi.

– Con sẽ cố gắng giúp ba.

Reng ... reng ... Điện thoại reo. Ông Thành cười nhẹ:

– Chắc là Tường Vân gọi cho con đó, con nghe đi.

Đúng là Tường Vân, giọng cô hờn dỗi:

– Sao anh không điện thoại cho em?

– À, anh bận hàn huyên với ba. À, em ghi lại số điện thoại của em cho anh nhé, điện thoại của anh mất rồi.

Một chút câu hỏi trong đầu Tường Vân:

– Tại sao giọng Trí Thiên trầm và khàn, không trong như ngày nào từ Mỹ anh gọi về cho cô, làm cho cô có cảm giác anh là ai đó chứ không phải Chí Thiện ngày nào.

Nhưng làm gì có, đúng là anh mà, có điều, hơi phong trần một chút. Và sao anh có thể quên những điều mà lẽ ra anh phải nhớ nhất chứ.

– Tường Vân! Em còn nghe điện thoại đó không?

– Dạ còn nghe, anh nói đi!

– Ba anh nói ngày mai sang gặp ba em, ba anh sẽ bàn chuyện đám cưới của chúng mình. Em nghĩ như thế nào?

– Thì anh nghĩ như thế nào thì em nghĩ như thế đó.

– Lúc này anh lại rất muốn có em bên anh, em có nghĩ như anh không?

– Có.

Mắt Tường Vân sụp xuống. Cô nghe mặt mình như nóng lên, cô nhớ đôi môi ấm áp của anh trên gương mặt cô, nụ hôn không còn vụng về bỡ ngỡ như ngày anh ra đi. Anh ôm lấy cô, nụ hôn chỉ dám trên má cô, rụt rè:

“Đợi anh nghe Vân”. Sợi dây chuyền của anh tặng, hai năm qua vẫn còn trên cổ cô. Còn anh quà tặng của cô sao không thấy anh đeo, ngày mai cô phải hỏi anh mới được.