- Tay trái giữ ngay chính giữa, tay phải cuộn lại cho tròn, cho thật khít, bằng không thì bột chảy ra, nhân bánh sẽ bể.

Ngoại ngồi trên cánh phản trong nhà bếp, chung quanh là một bầy con gái, trước mặt mỗi cô bé là hai chồng lá chuối xanh mượt, nửa hình bán nguyệt, nửa hình lục giác dài. Mợ ngồi bên trái với thau bột nếp nhồi bằng nước đường và mâm nhân đậu xanh bóc võ viên tròn như trái quất. Dì ngồi bên phải với thau bột nhồi bằng nước ấm và mâm nhân dừa xào đường trộn đậu phọng rang giã nhỏ. Ngoại đang dạy cả bầy cháu gái gói bánh ích. Chúng tôi là một lũ trẻ nhỏ ham chơi đùa, Ngoại vẩn thường nhắc nhở tất cả:

- Con gái, nếp nhà, phải lo học làm các thứ bánh trái, nấu nướng thức ăn, thêu thùa may vá, dù trong nhà có kẻ ăn người làm, mình cũng phải biết cách ăn ở để dạy dỗ kẻo chúng khinh nhờn.

Ngoại. goá chồng từ thời xuân sắc. Một đời tần tảo nuôi bầy con thơ dai.. Từ công việc đồng áng bên ngoài cho đến việc chăm sóc nhà cửa bên trong, tính toán chi thu, trả công người làm…Mỗi năm, cần bao nhiêu gia. lúa thóc để ăn hàng ngày cho đến chi dùng trong các lần giỗ Tết, bao nhiêu lít đậu, lít mè, con heo, lứa cá, mỗi thứ đều tính toán thật chính xác, chi ly.

Tháng tư, đầu mùa mưa, cũng là ngày giỗ ông. Ngoại hay kể chuyện ông thuở sinh tiền, ông thích mặc quần áo bà ba lụa trắng, đi guốc dông, sáng lập hội tài tử, vào những tối sáng trăng, cùng chúng bạn bè xuống nhà thuỷ tạ hoà đàn, ngón độc huyền của ông như “ nước chảy mây trôi “… Đến năm đầu thời kháng chiến Ông bị quân giặc mang ra bắn trước sân nhà, không bản án, không cáo trạng, chỉ vì ông để tóc dài búi tó như tín đồ Đạo Hòa Hảo và trong nhà thờ trần nâu. Ngoại ôm con đỏ ra xin xác chồng về chôn cất. Từ đó, mang hết áo luạ ngà nhuộm nâu, tập ăn trầu, thu xếp nhà cưa? lui về cạnh nhà bố mẹ chồng dựng mái lá nuôi con. Tuổi chưa đầy năm cậu mất cha, mẹ tôi vừa tròn mười sáu. Ngoại còn giữ lại đôi guốc mộc, cái gối kê đấu bằng gỗ mun, mấy trang giấy lụa bút tích của ông mối mọt ăn thâm thủng nhưng Ngoại không nở rời. Mấy bà cô dì trong họ thường bảo chúng tôi:

- Ngoại con lúc đương thời là hoa khôi trong làng đó, bao nhiêu người đi hỏi cưới, nhưng Ngoại chỉ ưng lấy Ông con.

Ngày Ngoại theo chồng, để lại bao nhiêu chàng si tình ngơ ngẩn. Đến khi mất chồng, cũng đã bao nhiêu người đến ngấm nghé, Ngoại nhất quyết thờ chồng, chỉ mặc áo nâu, đầu quấn khăn rằn đen, lo chăm sóc ruộng vườn, nuôi dạy bầy con.

Quê Ngoại là thiên đường tuổi thơ diệu vợi, hàng năm vào những ngày giỗ Tết chúng tôi xôn xao đợi chờ. Từ tỉnh lộ đi bộ vào nhà chừng ba cây số, nhưng tuổi nhỏ xa xôi tưởng như nghin dặm. Mỗi lần về thăm, Ngoại bảo Dì mang xuồng ra đón tận bến sông. Ngày nước ròng, con rạch thu nhỏ lại, phơi hai bờ bùn đen, bọn trẻ con thường mang mảnh ván ra sông chạy chùi, chúng tôi nhìn thấy thật thèm thuồng, nhưng Mẹ và Ngoại cấm không cho xuống bờ cùng chơi vì sợ miểng chai, gai nhọn nằm lẩn lộn trong bùn cắt thịt đứt da.

Nắng tháng hai, mưa tháng tư, mỗi năm tháng chất đầy kỷ niệm. Những ngày tung tăng theo Dì ra vườn cắt lá chuối về gói bánh tét, bánh ích đám giỗ, Dì lấy cho cái áo bà ba cũ rách mặc vào, vì sợ mũ chuối dính áo mới sẽ biến thành màu nâu, không tẩy được. Môĩ buội chuối chỉ dùng liềm cắt hai tàu lá, mang ra phơi nắng cho dẽo, dùng dao rọc lấy sống lá phơi cho héo lại để dành chẻ dây cột bánh tét, thân lá xếp lai. từng xấp mười tấm, môĩ tấm mang về xé nhỏ thành từng manh dài chừng ba tấc, manh lớn hình chử nhật thì gói bánh Tét, manh nhở dài chừng hai tấc thì danh theo hình lục lăng dài dùng làm lá bao bánh ích, nhỏ thì danh theo hình bán nguyệt để làm lớp gói bên trong của bánh ích. Thuở nhỏ, công việc chính của chúng tôi là ngồi lau từng manh lá, chờ Dì danh góc cho tròn, mang lá vụn ra góc hè chơi trò nấu cơm, bán hàng, cùng mấy anh chị em con Dì con Cậu. Đến tuổi lớn hơn thì được Ngoại dạy và cho thực tập gói bánh.

Bánh ích gói bằng hai lớp lá chuối, lớp bên trong dùng lá hình bán nguyệt, cuộn lại hình quặng, Mợ Hai nhồi bột nếp trong thau thật to, ngắt một ít bột, đặt nhân bánh vào giữa viên lại cho tròn, cho vào quặng lá chúng tôi đang chờ, tay Mợ thật nhanh, thật đều, Ngoại dạy chúng tôi dùng tay xếp một bên lá nằm xuống, ngón cái giữ lai., sau đó xếp cạnh đối diện, phải giữ cho bốn cạnh thật đều hình tháp, bốn góc cân đối, đỉnh cao vừa vặn, đặt bánh vào lớp lá bao bên ngoài hình lục giác, cạnh trên phủ xuống nằm bên trong, cạnh dưới xếp lên bọc bên ngoài, chận ngón tay và xếp hai bên lá lại thành hình tam giác cho đều, bẻ lên hai bên. Bánh sau khi gói xong, hấp chín chờ cho nguội, mang xếp vào thúng theo từng loai. bánh ngọt hay bánh trắng và làm dấu để khi mang ra đãi họ hàng không phải phân vân bới tìm. Cái hạnh phúc rộn ràng của chúng tôi bấy giờ là tranh nhau lời khen cuả NgoạI:” con gái tinh ý, khéo tay học nhanh và làm gọn gàng. ”

Bên cạnh bánh ích, bánh tét là thứ không thể vắng trong các lễ giỗ, Ngoại thường gói nhiều loại bánh tét, bánh tét nhân đậu mỡ, nhân đậu ngọt, nhân dừa xào đường, và nhân chuối là món chùng tôi ưa thích nhất… Trước khi học gói bánh tét, Ngoại dạy cho cách cột bánh. Bánh cột bằng dây chuối, lúc cắt lá, rọc lấy sống mang ra phơi nắng cho dẻo, chẻ thành sợi., thật mịn, thật đều, nhỏ quá dây sẽ đứt, to quá cột vào đòn bánh không đẹp, trông thô kệch. Lúc cột dây không được xiết quá chặt, bánh không chín dều, nhưng xiết không chặt thì bánh sẽ nong nước, nhảo nhè nhảo nhét. Bánh nấu chín mang vào treo trên sào tre trong nhà bếp, chờ đến lúc mang ra cúng kiến và đãi họ hàng, Ngoại lại dạy thêm cho cách cắt bánh tét, cắt bằng dao khoanh bánh sẽ méo mó, phải bóc hết lá ra, dùng chính lá gói bánh lót xuống dĩa, bằng không khi đặt vào bánh sẽ dính, dây cột bánh gỡ ra một sợi dài, dùng dây nầy để cắt, khoanh bánh sẽ tròn trịa, nếp và nhân thật cân đối, không trộn lẫn nhau, bánh chín đều, đó là con gái nhà, khéo léo, thành công.

Nếp dùng gói bánh tét Ngoại cẩn thận nhặt từng hạt thóc, ngâm nước qua đêm, dậu trắng phải chọn loại hạt nở đều, dừa khô không được khô quá. Tùy theo loại nhân, nhân đậu ngọt, nhân đậu mỡ hay các loại nhân khác mà dùng nếp xào với nước cốt dừa, hay dùng nếp ngâm trộn với dừa khô nạo nhỏ. Mỗi đòn bánh dài gần hai tấc, dùng một chén nếp đầy vun, đã xào hay ngâm sẳn trộn với muối, dừa, đậu trắng, lá chuối xếp chồng lên nhau, nếp trải mỏng, nhân xếp vào giữa, hai tay phải thật nhanh lúc cuộn nếp lại thành hình ống, bẻ hai đầu bánh cho vuông vắn, dùng dây cột bánh, mỗi nuột dây cách nhau chừng hơn một phân tây, bánh cột xong cho vào thùng lớn, bánh nhân đậu mỡ xếp bên dưới, đậu ngọt kế tiếp, bánh nhân chuối là lớp trên cùng. Bánh tét thường phải nấu cả ngày, củi đun là loại xấu, gốc mắc, cành to quăn queo, không thể chẻ được, nhưng củi nầy lại cho ra than thật hồng, thật nóng, thuở nhỏ, chúng tôi hay quanh quẩn bên cạnh khều than ra nướng khoai, nướng bắp… đôi khi, Ngoại nướng bánh phồng nếp, bánh tráng dừa, mang cả mạch nha trộn mè ra kéo thành kẹo bánh tráng làm quà vặt cho trẻ con.

Bên cạnh bánh tét, bánh ích còn có bánh nước tro, là thứ gói bằng lá trẹ Nếp dùng để gói loại bánh nầy Ngoại mang ra ngâm trong nước tro đốt từ cây đước ( là một thứ cây tạp sau khi đốt thành tro, cho vào hủ nhỏ, đổ nước vào, sau đó lọc lấy phần nước trong, chỉ có nước tro nầy mới có đủ độ mặn để ngâm nếp). Thường phải ngâm mấy ngày, xả lai. nước lạnh cho nếp thật sạch và thật mềm. Dùng lá tre tàu để gói bánh, hình ống như bánh tét, hình vuông như bánh chưng, hình tháp như bánh ích hay bánh ú. Khi nấu bánh, Ngoại dùng một loại măng của cây tre gai thả vào nước làm màu nhuộm. Bánh nước tro là một thách thức cho chúng tôi, lá tre rất dòn, lúc gói phải nhẹ tay, cột bánh phải nâng niu, lá rách, nếp trộn nhân, bánh vỡ, măng tre phải đúng lứa không đốn măng quá già, bánh đen, quá non bánh trắng…Ngoại thường nhắc nhở lúc gói cũng như khi ngồi canh bánh, lửa đều, thêm nước nóng, không để nếp sượng, bánh thành công khi mở ra phải trong như hổ phách, ăn vào miệng vừa dẽo vừa dòn, nếp quyện vào nhau không nhìn thấy hột, nhân bánh nhìn thấy nằm ngay ngắn, vừa vặn bên trong…

Bao nhiêu là kinh nghiệm, Ngoại mang ra dặn dò cùng bầy cháu ăn chưa biết no, lo chưa tới. Bao nhiêu là thứ bánh trái mộc mạc của quê Ngoại xa xôi trong trí nhớ, bao nhiêu lời cân nhắc chi ly, như mực in, như dao khắc…Hình ảnh Ngoại ngồi bên khai trầu, ngọn đèn dầu lung linh, hay đứng bên cây cầu dừa cạnh bờ sông lúc đưa con cháu xuống xuồng về tỉnh lỵ. Bóng Ngoại gầy gò đứng thắp nhang trước bàn thông thiên bên cội mai vàng nở rộ mỗi dịp Tết về. Hình ảnh nối liền với nếp cũ với thiên đàng tuổi thơ, với quê hương chắt chiu thương nhớ…

Chúng tôi, bầy cháu Ngoại ở xa, mỗi lần về thăm như ngày là hội hè, bao nhiêu thứ bánh trái làm sẳn, bao nhiêu tình thân yêu. Sống bên Nội, chúng tôi quen với chợ búa hàng ngày, dù có được rong chơi thì cũng chỉ quanh quẩn dăm ba nhà lân cận. Về quê Ngoại, thuở nhỏ là cả môt thiên đường nở hoa, nhà Ngoại cách liên tỉnh lộ Long Xuyên Cần Thơ có mấy cây số đường mòn, dăm ba cây cầu tre, những ngày đầu mùa mưa, đất sét lầy lội, mỗi lần đi qua cầu là một lần sợ hãi, hai bên đầu cầu mỗi nhịp là một thân cây gòn trơn bóng, nhịp giữa nối nhau bằng hai cây tre nhỏ đong đưa kẻo kẹt theo từng bước chân qua, hai chị em cứ đứng nhìn nước chảy xiết dưới chân cầu, không chịu đi ngang, Mẹ phãi bế từng đứa một sang bờ.

Lúc Dì chưa theo chồng, cứ mỗi lần giỗ tết về thăm, Ngoại thường bảo Dì bơi xuồng đưa Mẹ con ra tỉnh lộ, con rạch nhỏ, tháng nước ròng, bông Tra rụng theo dòng trôi mênh mang, Mẹ dạy hai chị em đếm bông cho quên đường dài

- Bông màu vàng cho Ba, bông màu hồng cam cho Mẹ, một bông nho nhỏ, hai bông to to, ba bông dật dờ, bốn bông bay bỗng… tuổi thơ lồng lộng. ..

Ngoại chuốc cho mấy chiếc dầm con con, hai đứa tranh nhau bơi theo Dì và Mẹ,

vừa bơi vừa vớt lá rong xanh, vớt được trái mã đề tranh nhau cắn vỡ ra lấy hột, hột nhỏ như trái sung, nhơn nhớt như trái bông sún, bao nhiêu là kho tàng tuổi thơ trôi theo dòng sông nhỏ, mãi chơi quên mất cả chuyện bơi theo mái dầm, Dì và Mẹ phải bơi nhanh cho kịp con nước, lúc Dì trở về ngược nước và vắng Mẹ con sẽ buồn nhớ biết bao.

Mỗi lần được về thăm quê Ngoại là một lần xôn xao, nắm níu, dù chỉ cách nhau có mười cây số đường dài, nhưng thuở xưa chưa có phương tiện giao thông, khoảng đường dài như quan san cách trở. Thuở ban đầu Ba Mẹ còn thường bơi xuồng vê thăm, đến lúc sinh các con, thêm bận bịu bán buôn, Mẹ ngoài những ngày giỗ chính và ngày mùng hai Tết, rất ít khi về. Cho đến lúc các con lớn lên, lúc nào cũng thèm thuồng, hình ảnh quê Ngoại gắn liền với những trò chơi thơ ấu, hái lá, bán hàng, cút bắt, nhảy dây… con đường trước sân nhà lót một hàng tán đá xanh vuông vắn, từ thềm nhà xuống mãi tận bến sông, thuở nhỏ chân chim, con đường nầy như một trò chơi chạy nhảy, với đôi bàn chân bước ngắn, mỗi viên gạch lót dài là mỗi bước phiêu du, một chân trời mới lạ, mê mãi, một hai…

Bên hông nhà, vườn trầu xanh mượt lá, mỗi chiều theo cậu mang gàu ra múc nước sông lên tưới mấy nọc trầu, Ngoại căn dặn mỗi gốc trầu phải đếm bao nhiêu gàu nước, và mỗi dây trầu chỉ được hái hai lá vàng mợ Trầu hái xong, mang ra rữa sạch, giũ cho hết nước và xếp vào khaỵ Tôi vừa tưới nước, hái trầu vừa thắc mắc:

- Ngoại à, tại sao chỉ hái trầu buổi chiều vậy?

Ngoại nhặt lá trầu vàng tươi, ngắt bỏ đuôi nhọn, chẻ một lát cau dầy ruột trắng tinh, têm trầu với ít vôi màu đỏ thắm, cho vào miệng nhai, nhổ nước vào ống, nhả bã trầu, từ tốn trả lời:

- Chuyện kể lại, có cô dâu mới về nhà chồng, buổi sáng tinh mơ ra vườn hái trầu vào mời chào, chẳng may, khi phu quân ăn vào ngã lăn ra chết, làng bắt tội giết chồng, thị kêu oan, lúc quan Huyện xét tìm tội trạng, hỏi chuyện, thị kể lại đầu đuôi, quan bèn ra vườn trầu tìm kiếm mới thấy dưới nọc trầu có dấu rắn bò ngang, theo dấu nhìn vào lá trầu vàng còn đọng sương mai, quan nghiệm rằng:

- Đúng như Quan nghĩ, thị không cố ý thuốc chồng, đêm qua rắn độc bò ngang vườn trầu uống sương đọng trên lá, nhả nọc lại, thị vô tình hái nhầm lá có nọc rắn, chồng ăn phải, trúng độc mà chết.

Nhờ Quan sáng suốt, thị được minh oan. Quan dạy dân sau nầy không nên hái trầu đọng sương, và nhất là phải rữa cho sạch trước khi ăn. Lâu ngày thành thói quen, dân làng hái trầu vào buổi chiều, rữa và giũ cho sạch, sớm mai mang ra nhúng nước trầu sẽ tươi tắn lại như lúc mới hái thôi.

Câu chuyện hái trầu chỉ là một trong kho tàng cổ tích Ngoại thường kể, những tối chong đèn quay quần bên bộ ván gõ, Ngoại kể chuyện anh hùng thuở xưa, chuyện bà Triệu cởi voi đánh giặc, chuyện Nữ tướng Bùi thị Xuân quấn vải quanh mình để lúc chết thân thể không phơi bày, chuyện Đinh Bộ Lĩnh tập trận cờ lau, hay gương hiếu đạo Mục Liên cõng Mẹ vượt chín tầng đia. ngục, thành tích rằm tháng bảy là ngày xoá tội vong nhân…Nhưng thật gần và thật luyến lưu, chuyện ông tôi thuở sinh tiền và hội bạn tài tử, những cuộc hoà đàn đêm thanh, hay hát hò đối đáp, những câu hò tình tứ, những bản vắn điệu ngũ cung ai hoài, hay bài vọng cổ mênh mang. Thỉng thoảng, chúng tôi lại xin Ngoại hát ru, ngững câu ca dao ngọt ngào, những câu tục ngữ thân quen, tiếng võng đưa nhịp nhàng, trong trí nhớ nhỏ nhoi cuả tôi, Ngoại như quyển sách chứa bao nhiêu điều huyền diệu…

Những ngày lớn hơn, mùa hè về thăm, nằn nì đòi Cậu dẩn ra chòm mã đá xem trâu, con trâu già của bà Năm cột gần bụi tre, cặp sừng cong vút, hơi thở phì phò, tôi chỉ dám thập thò đứng từ xa len lén nhìn, chuyện ngồi lưng trâu thổi sáo, chuyện mục đồng cờ lau, chuyện giết giặc cứu nước chỉ nằm trong sách vỡ học trò, Làm sao có can đảm leo lên lưng con trâu cổ bóng ngời mà học đòi làm mục đồng ngồi trâu thổi sáo? ngay cả lúc nhất định đòi Cậu dạy cho thổi sáo, học bao nhiêu lần, nhưng thổi lên như… thổi lửa. Chả bù với tiếng sáo của Cậu, những đêm sáng trăng thanh âm bay thật cao, thật xa, bên kia sông nước, trên ngọn trúc lao xao, dưới bóng dừa thì thào…

Ngôi miếu cổ xây bằng đá xanh nằm bên vàm sông, trong miếu thờ lủ khủ mấy ông Tà bằng đá, thân hình như quả trứng tròn trơn bóng, trước miếu lau lách um tùm, bên cạnh cây gừa già, tàng lá che ra tận nữa bờ sông, rễ mọc thòng xuống bùn đen, lê thê như tóc thiếu nử ngồi hong trong sân nhà ngày nắng hanh. Con sông nhỏ, nước chảy dật dờ, cây gừa tuổi già hơn tuổi Mẹ, gốc to đến mấy người ôm, chúng tôi thường rũ nhau trốn ngũ trưa, dùng cành lá che nhà trên nhánh ba, dùng rễ gừa làm màn, mỗi nhánh cây theo tháng năm lớn lên là một lần tuổi thơ vụt thoát. Chán trò trên cây, lại cút bắt dưới nước, tập bơi bằng hai trái dừa điếc đóng hai đầu cành tre, cái miễu ông Tà cũng được chúng tôi thăm viếng thường xuyên. Huyền thoại linh ứng cuả ông Tà không đủ ngăn sự tinh nghịch cuả trẻ con, chúng tôi chẳng biết ông Tà thường bắt trẻ con nóng đầu, hay hành hạ mấy đứa con trai nghịch ngợm vì tội đái bậy vào thân ông, chỉ thấy mấy cục trứng đá trơn nhẳn nhụi lây lất nằm trong miếu rong rêu, thế là mấy chị em rũ nhau mang hết xuống sông dùng xơ dừa kỳ cọ cho đến sạch bóng, còn bảo ông Tà ở dơ quá, người đầy đất bùn. Mấy anh chị con Cậu sợ hãi chạy vào mách Mẹ, Ngoại lại lễ mễ mang bánh trái, đèn nhang ra cúng tạ lỗi và xin cho trẻ con nhỏ dạ non lòng.

Những năm lớn lên, về Ngoại không còn những trò chơi thơ ấu. Con gái nếp nhà, phải chăm lo công việc may vá, thêu thùa, bánh trái, nấu ăn. Những ngày giỗ chạp, những ngày cưới hỏi, Ngoại mang bầy cháu gái ra truyền lại kinh nghiệm chăm chút trong ngoài, bánh mứt mỗi thức mỗi mùa. Dù là con gái thị thành nhưng không thể quên được nề nếp, dù không chính tay làm cũng phải biết cách tổ chức xếp đặt để chỉ bảo cho kẻ ở ngườI ăn. Mỗi lần trong họ hàng có đám tiệc, Ngoại lại mang bầy cháu trai gái đến phụ giúp, các anh thì lo việc dọn bàn ghế, các cô thì lo bếp núc trong nhà. Đám cưới ở nhà quê là nơi hẹn hò gặp gỡ, nơi trai thanh gái lịch có dịp làm quen, cũng là nơi mấy bà mẹ chồng tương lai thường vào tuần tra trong đội ngũ con gái, nhìn quanh chọn lựa, xem từ hình dung đến cung cách, giã vờ chuyện nọ trò kia. . , bao nhiêu mánh khoé Ngoại thường nhắc chúng tôi coi chừng, dù không có ý định lấy chồng cũng không nên có lý do cho người khác chê cười dòng dõi tông môn.

Ngày người chị họ theo chồng, đứa cháu đầu tiên sang nhà khác, Ngoại dặn đôi câu, đêm lạy chào xuất giá, Ngoại cẩn thận xếp một hộp kim chỉ để vá may, một hộp bánh phòng khi đói lòng, những gì cận kề học hỏi… vượt cạn, biển đông…

Tết, năm Ngoại bảy mươi, họ hàng đến chúc mừng, mỗi người một câu, nào phúc lộc, nào sức khoẻ, con đông, cháu đầy. Ngoại ngồi lặng lẽ, con cháu về, nhưng chưa đủ, còn một nửa bầy, thật xa, cách một biển khơi, nửa vòng địa cầu… Quê hương tuổi nhỏ gói theo bầy cháu Ngoại tha phương, những lần giỗ Tết hiu hắt, khoanh bánh tét gói bằng giấy nhôm tuy không có mùi lá mới, nhưng gói thật tròn cái nếp cũ bấy lâu.