Tôi chờ đến một ngày đẹp như hôm nay để nói với em rằng tôi đã hết yêu em. Lựa chọn thời tiết để công bố tình trạng tâm lý của mình là một sự cầu kỳ cần thiết với riêng tôi. Bao giờ tôi cũng tin là trời đẹp làm cho người ta đỡ buồn. Mà tôi thì sợ em buồn. Hơn thế nữa tôi sợ em choáng váng. Nhưng tôi biết em sẽ chịu đựng được, em là người có bản lĩnh. Nếu không cũng chẳng có cách nào hơn. Cách đây ít lâu tôi đã bảo em: - Anh biết em dũng cảm. Không có anh, em không chết nhưng có người sẽ chết nếu không có anh. Câu ấy là một lời mở đầu không mấy tử tế. Nói ra xong tôi ân hận vô cùng, trời mới biết tại sao. Bàn tay tôi vội tìm đến mái tóc dài của em, khuôn mặt em, ngực em… để xóa bớt sự hối hận của tôi. Còn em lúc ấy, em lặng đi một giây, chỉ một giây không hơn, rồi em nói bằng cái giọng nhỏ nhẹ tôi vẫn nghe hàng ngày! - Vâng em không chết đâu. Em chết từ trước khi gặp anh kia. Rồi vẫn nhỏ nhẹ thế, mấy phút sau em nói thêm. - Em cứ tưởng là với anh em sống lại… Em bỏ dở câu nói dở giữa chừng, khẽ nhún vai. Sau đấy tôi và em chúng tôi lại chìm vào những động tác yêu đương thông thường. Tôi hơi phật lòng khi nhớ lại cái nhún vai nhẹ như gió của em, cả cái giọng nhẹ như gió ấy nữa. Chưa một lần nào em kể cho tôi nghe về ngày xưa - cái ngày xưa đã khiến em chết trước khi gặp tôi - Mà tôi cũng chưa một lần đòi em phải kể. Khi gặp nhau, giữa chúng ta chỉ toàn những chuyện của hiện tại, những chuyện nghe lúc nào cũng vu vơ. Đã hai năm chúng ta quen nhau. Hai năm kể từ lần gần gũi đầu tiên sau một cuộc đàn đúm ở nhà người quen. Những cái hôn không kèm theo một lời tỏ tình, dù giả vờ. Hai năm dài thế, vậy mà chỉ trừ những lúc gần gũi nhau, lúc nào chúng ta cũng như hai người lạ. Mối quan hệ khó gọi tên giữa tôi và em đã dài hơn cái thời gian cho phép của một cuộc tình kiểu như vậy đã quá “đát”. Và tôi quyết định chấm dứt mối quan hệ đó để buông mình vào mối quan hệ khác, có tên gọi cụ thể là quan hệ hôn nhân, với một cô bé mắt đen trẻ trung xinh đẹp hơn em. Tôi đã chờ đến một ngày đẹp trời như hôm nay để nói với em rằng, tôi không còn yêu em. Một ngày mùa hạ ở giữa đông, gió nam và lá rơi suốt cả con đường dài. Tôi biết em yêu những chiếc lá rơi, yêu ghê gớm - mà hình như hễ em đã yêu cái gì thì cũng yêu ghê gớm - kể cả tôi. Lòng tôi nhói đau khi nghĩ rằng quả thật em quá yêu tôi. Nhưng em là người có bản lĩnh. Trước tôi em đã yêu ít nhất một người đàn ông, và sau tôi, chắc sẽ có ít nhất một người đàn ông khác. Phụ nữ là thế. Lấy gì bảo đảm rằng một cô gái mới 27 tuổi như em không yêu một lần nữa trong đời. Tôi đã chuẩn bị mọi lời lẽ và đúng như tôi đoán trước, em tỏ ra là người có bản lĩnh. Khi tôi kết thúc bài diễn văn của mình, trong thâm tâm vừa tự nguyền rủa, vừa nhẹ nhõm về những điều mình đã nói, em lặng lẽ mở to mắt, giọng chỉ hơi lạc đi, mà vẫn nhỏ nhẹ: - Em đã chờ tới lúc anh nói ra thế này… Và em kiên quyết không để tôi đưa về, dù là đưa về lần cuối. *** Tôi thức dậy bởi tiếng kèn đám ma, sau mấy tiếng ngừng nghỉ ban đêm, lại rền rĩ vang đến bên tai. Đã bảy giờ sáng mà trời vẫn còn tối om. Ngày đẹp trời trôi qua không dấu vết. Mùa đông trở lại nguyên hình, bởi một cơn mưa dầm đen tối kéo tới lúc nửa đêm, cái thứ mưa tệ hại, sẽ không ngừng nếu không liên miên đủ cả tháng ròng. Tôi sực nhớ rằng em rất sợ mưa, sợ mưa dù rất thích mưa. Có lần em bảo không hiểu sao những ngày kinh khủng nhất trong đời em đều là những ngày mưa. Liệu em có coi ngày mưa này, ngày tôi nói hết yêu em, là một ngày kinh khủng của đời em không? Thế nào là ngày kinh khủng trong đời một người con gái, lại còn không phải là một ngày mà là những ngày kinh khủng? Tiếng kèn đám ma vẫn rền rĩ vẳng tới. Tôi không thể nằm tiếp. Tôi lần dậy, tới bên cửa sổ. Tuy thế, vẫn có thể nhìn thấy chiếc xe tang đỗ bên kia đường, và sau nó một chiếc xe chở khách. Chiếc xe tang lác đác vài vòng hoa trắng. Chiếc xe khách lác đác vài người đeo băng đen. Người ta đang khênh quan tài ra. Trên tấm ván thiên, bó hương và mấy cây nến cháy lập loè trông xa như một bầy đom đóm đỏ. Tiếng kèn não nề rúc lên lần cuối. Rồi cả hai chiếc xe cùng rồ máy chạy thẳng. Thế là xong, anh gù đã được đem đi chôn. Con người tật nguyền ấy đã chọn một ngày đẹp trời như hôm qua để tròng vào cổ chiếc thòng lọng cắt đứt mọi buồn vui của đời mình. Chọn một ngày đẹp trời để chết. Không biết có phải anh ta cũng cầu kỳ như tôi? Đã đến giờ hàng phố thức giấc. Tiếng rao xôi nóng như hụt hơi. Tôi run lên vì lạnh và tự dưng thấy thèm một cái gì đó. Đầu tiên tôi tưởng tôi thèm thuốc lá. Nhưng đến khi điếu thuốc bị rít đến nát bẹt ra, tôi mới vỡ lẽ rằng không phải thế. Đúng ra, tôi thèm khóc. Tôi lê đến bên giường. Chăn lạnh rùng mình. Tôi không thể nằm được nữa. Đốt thêm điếu thuốc, tôi cầu giờ cho một giọt nước mắt lăn ra bên ngoài, cho nhẹ bớt. Nhưng mãi mà vẫn không một giọt nước mắt nào, không thể có. Đã bao nhiêu năm nay tôi quên khóc. Mà bây giờ thì khóc vì lẽ gì? Vì lẽ gì cơ chứ? Vì cuộc chia tay với em hay vì cái chết mà tôi là người không mảy may dính dáng. Khốn nỗi, nếu ai cũng biết một cách thật đúng đắn rằng làm sao mình khóc, thì đã chẳng có chừng ấy nước mắt trên đời. Tôi thuộc những người bao giờ cũng biết mình buồn vui vì lẽ gì. Tôi không hiểu vì sao lúc này tôi thèm khóc đến thế. Một tiếng đồng hồ chậm chạp trôi qua, một tiếng đồng hồ đằng đẵng, đằng đẵng đến kinh hãi. Bao thuốc rỗng không từ lâu, và vẫn không một giọt nước mắt nào. Cuối cùng, tôi quyết định đưa mình ra khỏi cái cảnh cam chịu hạn khủng khiếp này, bằng cách với tay về chiếc cát sét ở đầu giường. Chiếc nút đỏ Play vừa ấn xuống, một giọng nữ lảnh lót bật lên: - Này người ơi, tôi thấy nhớ nhiều… Ngay sau đấy chiếc nút Stop nhảy lên, cắt đứt giữa chừng câu hát. Vô phúc làm sao, đúng vào đoạn cuối của băng, vô phúc hơn nữa, đấy lại là cái băng anh gù tặng em và trong lần đầu gặp nhau cuối cùng, ngày hôm qua, em đặt nó vào trong cát xét của tôi. Hôm qua, tôi đã phá lên cười vì cái băng này - một hỗn hợp không thể tưởng tượng được, bao gồm cả ABBA, “Thiên Thai”, “Diễm xưa”, “Sôpanh”, “Bài không tên số 2”, “Triệu triệu bông hồng”, Cải lương “Cô gái tưới đậu” và cả “Áo mùa đông”… nghĩa là tất cả tinh hoa và không tinh hoa của mọi nền âm nhạc kim cổ Đông Tây, chèn ép nhau trong 90 phút, bài thiếu một câu, bài thiếu một nửa - “Đấy là tất cả những bài hát anh gù thích nhất” - em giải nghĩa cho tôi. Ơn trời, băng chỉ dài có thế, nếu không tôi sẽ phải nghe thêm Bét thô ven lẫn với bài chòi. Mô da đứng cạnh quan họ. Thì ra anh gù không bịa đặt chút nào về sở thích âm nhạc đa dạng của mình, như lời anh ta đã bộc bạch trong quán cà phê. Tim tôi se lại khi nhớ rằng cuộc nói chuyện trong quán cà phê ấy lại là cuộc gặp cuối cùng của tôi với anh gù. Ba ngày trước khi anh ta chết, tôi gặp anh ta trong một quán cà phê ở Hàng Buồm. Một cái quán tối tăm của mậu dịch quốc doanh, khác bao giờ cũng đông vì cà phê ngon và rẻ. Không biết vì sao tôi chỉ quen hẹn em ở đấy. Bao giờ em cũng chờ tôi kiên nhẫn. Bao giờ tôi cũng đủ lý do cho sự đến muộn của mình. Hôm ấy, khi bước chân vào quán, tôi thấy em đã ngồi rất lâu, vì trong cái chén trước mặt em, chỉ còn một chút cà phê màu nâu sậm sóng sánh dưới đáy - thông thường em phải uống cả tiếng mới hết ngần ấy cà phê - Bên cạnh em, một anh gù bé nhỏ say sưa chuyện trò, khuôn mặt anh ta có một vẻ trịnh trọng đặc biệt. Thấy tôi bước vào, anh ta gật đầu như một người quen thân cũ. Dĩ nhiên tôi vội vàng đáp lễ, dù không hiểu trong bụng rằng chàng Quadimodơ bảnh bao này ở đâu ra. Anh gù mặc một bộ quần áo bò hoa, đi giầy thể thao Toyota trắng tinh. Tôi ghìm mình để đừng thốt lên một câu cảm thán cho bộ quần áo và đôi giày tội nghiệp. - Anh Quân bảo rằng anh Quân biết anh - em nói thay lời giới thiệu. - Thật sao? - Tôi nhã nhặn hỏi -mắt trợn lên. - Tôi với anh cùng tuổi, ở cùng phố, nhà tôi đối diện với nhà anh ở bên kia vỉa hè. Tôi biết anh từ nhỏ, nhưng tôi không đi học nên chắc anh không biết tôi - anh gù nghiêm trang một thôi dài. A, vậy thì tôi đã nhớ ra. Anh gù con bà bán nước trước cửa nhà tôi. Có lần tôi thấy bọn trẻ con hát toáng lên ngoài đường “Đẹp trai đi bộ, không bằng mặt rỗ đi Lơ, không bằng thằng gù đi Cúp…” Tôi thuộc loại thứ nhất “đẹp trai đi bộ”, anh gù giàu có hơn tôi rất nhiều. Cách đây mấy năm, anh ta có một cái cúp màu đỏ rực, kèm thêm một cô gái e ấp ngồi đằng sau ôm eo khá chặt. Rồi ít lâu cả hai, cô gái và cái cúp biến mất. Anh gù lo toan buôn bán để sắm chiếc cúp màu ốc bươu, nhưng hình như chưa có cô gái nào lặp lại những động tác yêu kiều của cô gái trước nên chiếc xe vẫn còn, tôi chỉ biết về anh ta đến thế. - Em đang nghe anh Quân nói chuyện về âm nhạc - em nói với tôi, miệng thoáng cười - Anh Quân có một sở thích âm nhạc rất phong phút. Em khác anh Quân ở chỗ không thích nghe cải lương. - Cô không thích nghe cải lương là một thiệt thòi, cải lương dành cho những tâm hồn đa sầu, đa cảm - anh gù nói một cách vô cùng trịnh trọng, cái bướu nhô cao sau vai càng làm tăng thêm tính chất nghiêm trọng trong từng lời nó - Tôi ngày nào cũng đến đây vì mấy cô bán hàng cứ đòi tôi mang những băng cải lương mới nhất. Tôi là người chuyên chơi băng nhạc, băng gì mới nhất ở Hà Nội tôi cũng có. Vừa lúc ấy, một cô bán hàng có tâm hồn đa cảm và một khuôn mặt nhọn trét đầy son phấn ré lên từ phía trong quầy: - Anh Quân gù ơi, vào xem cho em làm sao cái băng Thoại Khanh - Châu Tuấn cứ lạo xạo thế này. Anh gù lật đật đứng dậy, mắt hướng về cô gái vừa gọi. Trời ạ, đôi mắt ướt đẫm si mê. Thế này chiếc cúp màu rêu có nguy cơ đi tong rồi, tôi nghĩ bụng. - Em nói chuyện gì với anh chàng này thế? - Tôi hỏi em lúc anh gù đi khỏi, hình như lúc ấy tôi mừng vì có chuyện để hỏi. - Ôi, nhiều chuyện lắm, anh gù kể cho em từ chuyện ngày bé anh ta chỉ chơi những đồ chơi hỏng và méo mó vì ngay cả đồ chơi cũng phải tàn tật như chủ đến chuyện buôn bán làm ăn, chuyện anh ta thất tình mấy lần, hiện giờ đang yêu say đắm một cô bán hàng ở đây, nhưng cô ấy lại chê anh ta… Tôi phì cười: - Em giỏi thật, mà hình như em với anh gù chuyện trò hợp lắm thì phải: Em im một chút rồi mới trả lời: - Anh gù thèm được trò chuyện, còn em thì đợi anh lâu quá… Hơn nữa, chắc anh gù nhận ra rằng em cũng là người tàn tật, chỉ có điều những cái ấy không thuộc về hình thể bên ngoài. - Thôi nào - tôi ngắt lời em - đừng nói thế, không hiểu sao điều em nói lúc ấy làm tôi hơi khó chịu. - Em dở hơi thật đấy, anh không thấy à? - Em hỏi và cười, hình như nước mắt vòng quanh. - Thôi em ạ, đàn bà đừng có thông minh quá. Tôi bảo. Em là một người đàn bà thông minh. Em biết khi một người đàn ông không tìm được từ ngữ nào tàn tệ hơn để nói với mình, họ sẽ bảo “em thông minh quá” và em lặng lẽ quay nhìn đi nơi khác. Bây giờ tôi thấy tiếc vì đã chia tay sớm, trước khi xảy ra sự cố trong quán cà phê đối với anh gù. Như em kể lại hôm qua, lúc chúng ta đã về anh gù vẫn loay hoay bên chiếc cát sét trong quầy thì một thanh niên say rượu đi tới. Nhân danh là người yêu cô bán hàng mặt nhọn, anh ta chế giễu anh gù là “thằng lố lăng có bướu” và đe doạ sẽ đánh vỡ mặt hoặc vỡ cái bướu trên lưng anh gù nếu anh ta còn đến quán này tán tỉnh cô bán hàng nữa. Đã không một ai lên tiếng can ngăn anh chàng say rượu. Anh gù rời quán như một kẻ chết rồi. Những cái băng cải lương mới nhất vẫn để lại cho những tâm hồn đa sầu đa cảm trong quán. Ngày đầu tiên trong ba ngày cuối cùng của cuộc đời, anh ta ghi lại những bài hát của anh ta vào một chiếc băng video, nhờ người mang hộ đến cho em. Ngày thứ hai anh ta im lặng không nói với ai nửa lời. Anh ta cứ ngồi thế sang ngày thứ ba và chỉ đứng dậy đi lấy một sợi dây vắt lên cái xà của buồng mình… Giá lúc ấy tôi còn trong quán có thể tôi sẽ đánh nhau với anh chàng say rượu… Nhưng bây giờ tất cả đều đã muộn. Ngay cả tôi, tôi cũng không tin lắm vào điều có thể ấy, bởi chính tôi trong thâm tâm cũng không ưa gì cái sự tàn tật của anh gù khi đối diện với anh ta lúc anh ta còn sống. Tôi vốn là kẻ bàng quan. Tôi không giống em. Em! Lúc này em ở đâu. Nếu mỗi kẻ tật nguyền trong cái thời của chúng ta đều có một cách thức như thế để sống hay để chết thì tôi có phải là người đã dồn đuổi em đến bước đường cùng. Nỗi lo âu từng phút đè nặng trong ngực tôi, tôi muốn gào lên, muốn khóc… nhưng vẫn thế, câm lặng và không một giọt nước mắt nào. Cuối cùng, tôi hát to, như một kẻ điên, một kẻ tàn tật từ phía bên trong tâm hồn mình. - Này người ơi, tôi thấy nhớ nhiều!