Chương 1

Với bộ cánh quần Jean bó sát, áo sơ mi hơi rộng, tay ngắn màu xanh, Kiều Linh cũng cảm nhận mình hơi lạc lõng trong buổi tiệc tối nay. Song, ngoài mặt cô phớt tỉnh, trong lòng thì nói thầm:

“cần gì phải áo quần rườm rà kiểu cọ chứ?

Như vầy cũng tươm tất và lịch sự chán! Mà quan trọng nhất là thiệp mời. Mình được mời đàng hoàng chứ bộ. Khách mời, chẳng phải rất vinh dự đó sao?”.

Cô giữ một dáng đi nhẹ nhàng nhưng đĩnh đạc và nét mặt duyên dáng, tự tin chậm rãi bước vào phòng tiệc. Căn phòng rộng của một nhà hàng, những chiếc ghế bọc vải có buộc nơ vàng ánh, ánh đèn trắng vàng xen nhau trên chùm đèn pha lê thật sang trọng và ấm cúng. Làm nền cho không khí phòng tiệc là âm điệu khá sôi động của một bản nhạc nước ngoài, những tiếng cười nói lao xao của gần năm mươi người, hầu hết đều trẻ tuổi. Thêm vào đó là hương nước hoa, phấn sáp hòa quyện vào mùi thức ăn thành ra cái mùi vị nồng nồng tưởng như đặc sánh lại.

Có vẻ thực đơn thức ăn tự chọn khá phong phú. Kiều Linh chọn chỗ ngồi và có người bắt chuyện với cô ngay sau đó. Một nữ thư ký làm việc cho công ty liên doanh nước ngoài. Kiều Linh cho biết mình được trưởng phòng cử đi thay vì bà có việc gia đình đột xuất.

Cô nói mà cảm thấy thú vị là ở đây sẽ chẳng có ai biết cô đang bắt đầu lâm nguy cơ mất việc.

Ngồi một lúc nghe chủ tiệc tuyên bố lý do, nói vài lời xã giao bóng bẩy, ai nấy không còn bận tâm mấy đến chủ nhân. Họ trò chuyện với nhau. Quen thân thì nói cười thoải mái, còn vừa mới biết thì ý tứ, từ tốn. Rồi đi lấy thức ăn, đồ uống.

Kiều Linh cũng không khác họ. Cô đến bên bàn cầm một cái dĩa và bắt đầu chọn thức ăn. Chà chà! Những miếng thịt tẩm bột chiên mới hấp dẫn làm sao:

– Em cứ để cho anh! Anh làm được mà!

Giọng đàn ông quen thuộc làm Kiều Linh chú ý và day qua. Đúng là Vĩnh Toán! Anh ta đứng bên cạnh một cô gái, hình như cô ta cũng lấy thức ăn như Kiều Linh nhưng Vĩnh Toán tình nguyện phục vụ.

Anh ta vẫn vậy, ăn mặc chải chuốt, nụ cười quyến rũ có lẽ không bao giờ tắt trên miệng và mái tóc bồng, lợi thế thu hút phụ nữ của anh ta thì rõ ràng đã được chải sấy ở một hiệu tóc không tệ.

Kiều Linh liếc nhanh sang cô gái, vóc người vừa phải, tròn trịa. Trang phục đẹp, đeo nữ trang khá nhiều trên cổ và hai tay. Cô ta đẹp nhưng nét đẹp sắc sảo nếu không nói là dữ dằn. Kiều Linh có thể nhận thấy Vĩnh Toán đang lấy lòng cô ta.

Toán nhận ra Kiều Linh. Anh ta có vẻ bất ngờ lắm. Làm ngơ ư? Vờ như chưa hề quen biết? Có lẽ không ổn.

– Ồ ... Kiều Linh! Cô ... cũng đến đây à?

Kiều Linh thầm hài lòng vì Vĩnh Toán đã chủ động chào mình dù là bất đắc dĩ.

– Chào anh Toán! Lâu quá mới gặp anh.

Cô gái đi cùng Vĩnh Toán tò mò nhìn Kiều Linh rồi ngước lên ý hỏi anh ta người phụ nữ này là ai?

Vĩnh Toán cười với cô ta:

– À, để anh giới thiệu nhé! Cô Kiều Linh đây là đồng hương của anh ... Còn đây – Anh ta nói với Kiều Linh - Đây là bạn gái của tôi, tên Thúy Lan.

– Hân hạnh chào chị!

Nụ cười điểm nhẹ trên môi Thúy Lan:

– Chào cô! Nói vậy cô cùng quê với anh Toán? Nhà có gần nhau không?

Kiều Linh không nhìn thẳng Vĩnh Toán, nhưng biết chắc anh ta đang bồn chồn, lo lắng. Nếu bây giờ mà cô nói rằng không phải vậy, cô và anh ta từng hẹn hò với nhau thì ... anh ta tiêu đời.

Tuy nhiên cô không chút hứng thú. Hơi so vai, cô đáp:

– Khi còn ở quê, thi thoảng tôi mới gặp anh Toán ở chợ. Chỉ là đồng hương đơn thuần thôi, thậm chí tôi còn chưa biết nhà anh Toán ở đâu nữa.

Vĩnh Toán người nhẹ nhõm hẳn đi. Anh ta xuề xòa:

– Tôi không ngờ lại gặp cô ở đây ...

Kiều Linh so vai:

– Thật ra tôi không thích những buổi tiệc như vầy cho lắm. Tối nay tôi đến đây thay cho trưởng phòng của tôi.

Thúy Lan nhận xét:

– Ừ! Tôi cũng thấy cô chẳng có nét gì hợp với khung cảnh và không khí ở đây cả.

Kiều Linh hiểu Thúy Lan muốn nói gì. Cô chỉ cười nhẹ, tiếp tục lấy thức ăn đồ uống.

Vĩnh Toán và Thúy Lan cũng gắp thức ăn. Kiều Linh đoán đầy chính là cô gái mà sau khi quen biết, Vĩnh Toán quyết định chia tay Kiều Linh. Giai đoạn đó gia đình Kiều Linh xảy ra nhiều việc nên cô chẳng còn mấy thời gian và tâm trí mà nghĩ đến thay đổi của Vĩnh Toán. Rồi thời gian sau đó, anh ta biệt tăm.

Gần đây cô mới nghe nói, anh ta làm cho một công ty nào đó ... Vài đứa bạn cũ bảo nhau rằng anh ta đang cố gắng chiếm lấy cảm tình của con gái ông chủ công ty. Thì ra cô chủ đó chính là Thúy Lan! Nếu như anh ta theo đuổi Thúy Lan cũng phải. Cô ta trẻ trung, xinh đẹp và hấp dẫn. Nghe nói bọn đàn ông có đến chín mươi phần trăm thích mẫu phụ nữ tròn trịa, nở nang. Kiều Linh len lẻn nhìn theo Thúy Lan ... Vĩnh Toán kè kè bên cô ta. Nếu không phải bưng dĩa thức ăn chắc là ôm ngang eo hay vuốt ve mông cô ta rồi. Phải công nhận cô ta quá hấp dẫn. Kiều Linh là nữ mà còn ... mê, huống hồ bọn đàn ông.

Chợt Kiều Linh nghe giọng Thúy Lan vặn vẹo Vĩnh Toán:

– Anh nói thật? Đúng là cô ta không hề quen thân với anh?_ – Sao tự nhiên em lại nghi ngờ anh chứ? Anh nói thật mà. Nếu như em vẫn không tin thì anh xin thề ...

– Được rồi, được rồi! - Thúy Lan vội chận ngang:

– Sao mà anh khẩn trương vậy? Em đâu có bắt anh phải thề này nọ. Nhưng mà ... nhớ nghen! Anh mà xé rào với cô ta hay bất cứ cô nào khác thì chết với em à!

Kiều Linh cười một mình. Trời đất ạ! Cô nàng mê hắn ở điểm nào nhỉ. Đẹp trai ư? Đúng là hắn thuộc túyp đàn ông đẹp mã. Quan trọng hơn là nhân cách, có thể cô nàng Thúy Lan cũng như Kiều Linh, lầm tưởng hắn là người đàn ông chân thành. “Ừ, cứ chờ xem đi Thúy Lan! Không sớm thì muộn, thế nào cô cũng được nhìn thấy bộ mặt thật của anh ta thôi. Tôi cuộc đó”.

Để tránh bị một người đàn ông nào đó sẽ mời khiêu vũ, Kiều Linh bỏ ra ngoài hành lang:

Thoạt tiên hơi ngầy ngật vì không khí tự nhiên oi nồng hơn trong phòng máy lạnh. Cô đứng sát khung kiếng nhìn xuống lòng đường với dòng xe cộ tấp nập ngược xuôi, đèn pha loang loáng ...

– E hèm!

Ai đó hắng giọng sát phía sau khiến Kiều Linh giật mình quay phắt lại! Như có phép thuật, Vĩnh Toán xuất hiện tự lúc nào, đứng sừng sững sau lưng cô. Cô hơi nhíu mày, hình như tự nãy giờ Vĩnh Toán luôn dõi mắt về phía cô và ... theo ra đây không ngoài mục đích để gặp cô.

Im lặng ... Kiều Linh đã định lên tiếng trước nhưng kịp suy nghĩ nên im lặng.

Nếu như anh ta chủ động gặp cô thì việc gì cô phải nôn nóng? Cô quay người tiếp tục nhìn xuống đường.

Vĩnh Toán bước lên đứng song song với cô. Im lặng vài phút, anh ta nói:

– Đã bao lâu rồi ai chúng ta mới gặp lại nhau nhỉ?

Kiều Linh cười mũi:

– Có quan trọng gì đâu!

Giọng Vĩnh Toán có hơi hướm khó chịu:

– Tại sao em lại đến đây?

Kiều Linh quay qua:

– Vậy tại sao anh đến đây?

– Đương nhiên tôi được mời.

– Tôi cũng không phải là khách không mời mà đến. Và chắc chắn một điều tôi đến đây đâu phải vì anh.

Cô xoay người dợm bước đi.

– Chờ chút Kiều Linh? - Vĩnh Toán gọi giật:

– Em sống ra sao?

Kiều Linh dửng dưng:

– Tốt hơn là anh đừng bận tâm những chuyện không hề liên quan đến mình há! Cuộc gặp gỡ hôm nay hoàn toàn ngẫu nhiên. Anh đừng lo, tôi chưa khi nào mong muốn sẽ được gặp lại anh đâu.

Nói xong, Kiều Linh bước đi thật nhanh, cứ như nếu chậm chạp cô sẽ bị anh ta giữ lại vậy.

Khi Vĩnh Toán quay vào phòng tiệc thì Kiều Linh không còn ở đó nữa.

Thúy Lan hỏi Vĩnh Toán:

– Nãy giờ anh đi đâu vậy?

– À, anh hơi đau bụng nên đi toa lét.

– Bây giờ ổn chưa?

– Ừ, không sao rồi!

Nhận thấy Thúy Lan có vẻ đăm chiêu, Vĩnh Toán hỏi:

– Em đang nghĩ gì vậy?

Thúy Lan tủm tỉm:

– Cô bạn đồng hương của anh ...

– Cô ta thế nào?

– Anh không nhận thấy cô ta cũng có nét đẹp đó sao? Tiếc là quê quá chừng.

– Gốc dân ở tỉnh thì quê mùa là đương nhiên rồi! - Vĩnh Toán nói ngay.

– Ừ, đúng là cô ta quê mùa! Nhưng không thể thừa nhận cô ta cũng có khá nhiều điểm dễ thu hút đàn ông. Vĩnh Toán à! Em hơi ngạc nhiên đó.

– Ngạc nhiên? Về cái gì?

Thúy Lan véo tai Vĩnh Toán:

– Anh giả vờ ngây thơ hả. Nói đi! Vì sao anh đã không xiêu lòng trước cô ta?

– Ui trời! Em hỏi gì lạ vậy? Chẳng lẽ anh phải có cảm tình và thích tất cả các cô gái ở quê anh? Thôi nào, em đừng có nghĩ bậy bạ như vậy nữa.

– Coi anh kìa! - Thúy Lan bật cười:

– Gì mà khẩn trương vậy chứ?

Khẩn trương ư? Hình như sự khẩn trương ấy lộ rõ trên nét mặt Vĩnh Toán nên Thúy Lan nhận thấy. Mà điều này khiến cho Vĩnh Toán thầm lo âu. Phải tuyệt đối làm cho Thúy Lan tin tưởng. Nếu như nghi ngờ trong cô từ mơ hồ trở nên rõ nét rồi lớn dần lên thì nguy hiểm vô cùng.

Mà để Thúy Lan tin tưởng không mảy may nghi ngờ thì phải làm sao đây?

Hừm! Có lẽ trước tiên là làm cho Kiều Linh không còn xuất hiện lần thứ hai để Thúy Lan nhìn thấy nữa.

Thế là trong đầu Vĩnh Toán hình thành một kế hoạch. Kế hoạch táo bạo đến mức liều lĩnh. Ban đầu có đắn đo nhưng rồi sau đó anh ta tặc lưỡi nhủ thầm:

“Không có gan thì làm sao giàu được”?

Ra đầu hẻm, Kiều Linh ghé tủ thuốc của bà Hai mua một cây kẹo.

Trao kẹo cho cô và nhận đồng tiền kim loại nhỏ xíu, bà Hai hỏi nhỏ:

– Con lại bị mất việc nữa rồi hả Linh?

Kiều Linh ngạc nhiên:

– Ủa, sao bác Hai biết hay vậy?

Bà Hai hạ giọng:

– Còn ai ngoài mợ Năm của con đi ca cẩm với mọi người! - Rồi bà tỏ ra ái ngại:

– Sao lại vậy nữa hả Linh?

Kiều Linh so vai:

– Chắc là vì con xui xẻo bác Hai à! Thời bây giờ mấy công ty làm ăn thua lỗ dẫn tới phá sản không phải ít. Đi theo nó là hàng trăm nhân viên lâm vào cảnh thất nghiệp. Con cũng nằm trong số đó bác Hai ạ!

Bà Hai chép miệng:

– Khổ ghê chưa? Vậy rồi hổm rày con xin được chỗ nào chưa?

Kiều Linh khẽ lắc đầu. Bà Hai lại chép miệng rồi mỉm cười khích lệ:

– Cố lên.

Kiều Linh chào bà Hai, rảo bước đến nhà chờ xe bus. Nếu bà Hai không động viên thì cô cũng phải cố gắng thôi. Cứ như vầy cô giỏi lắm chỉ chịu đựng thêm vài ngày. Khi vừa mất việc, mặc dù chưa đến kỳ hạn phải đưa tiền sinh hoạt hàng tháng nhưng bà mợ dâu chanh chua của Kiều Linh đã bắt đầu nói xa nói gần. Nồi niêu, xoong chảo và chén dĩa bỗng nhiên cứ khua vang mỗi ngày.

Xe bus đến, Kiều Linh bước lên. Chưa ý thức sẽ đi đâu. Phía sau cô có hơn mười hành khách. Cô ngồi xuống băng ghế đơn bên phải, đầu nghĩ xem nên tiếp tục tìm công việc gì? Ở đâu?

– Cô ơi! Tới bến cuối rồi, cô xuống đi chứ!

Kiều Linh giật mình, thì ra từ lúc lên xe cô cứ ngồi đắm chìm vào suy tưởng ... Bên ngoài trời đã tối từ lâu. Cô nhìn đồng hồ tay ... hơn tám giờ tối rồi.

Cô xuống xe, tần ngần nhìn quanh. Nơi này hình như hơi xa trung tâm thành phố.

Kiều Linh chậm chạp rời bến xe bus, cô là người khách cuối cùng.

Con đường phía trước mờ tối. Có lẽ đèn cao áp bị hư. Mà cũng có thể vì tắt bớt để tiết kiệm điện. Kiều Linh đứng lại, tại sao vừa rồi mình không hỏi phục vụ xe bus xem ở đây là đường gì nhỉ? Tệ quá! Bây giờ thì không còn kịp nữa.

Hình như ở đằng kia là cổng ngõ một ngôi nhà ...

Kiều Linh định bụng sẽ tới trước cánh cổng đó. Nếu có biển số nhà thì cô dễ dàng xác định phương hướng tìm đường quay về trung tâm thành phố. Và cô băng qua vùng tối dài gần trăm mét.

Chợt ... huỵch.

Bóng đen to lớn lù lù trước mặt Kiều Linh làm cô giật mình, tim đập loạn xa.

Cô muốn la lên nhưng không hiểu sao, lưỡi cứng đơ.

Một mùi ẩm mốc xộc vào mũi cùng với màn đen bao trùm và Kiều Linh nghe mình bị nhấc bổng lên. Cô vùng vẫy ...

Cố gắng trong lúc sợ hài hoảng loạn của Kiều Linh là vô ích, có lẽ không chỉ một tên. Bọn chúng giữ chặt cô, bịt miệng cô lại. Những bước chân thình thịch vội vã rồi chúng càu nhàu với nhau:

– Mẹ kiếp! Nó mạnh như con voi vậy. Hay là bọn mình “làm” nó đi, coi thử còn giãy lung tung nữa không?

– Im miệng đi! Mày đừng quên anh ta đã dặn tụi mình chỉ việc đem cô ta quẳng đi. Sống hay chết là tùy số mạng cô ta.

– Nhưng nếu tụi mình làm thịt con nhỏ này, thằng cha Toán cũng đâu có biết!

– Một giọng ồm ồm khác:

– Tao thấy con nhỏ này coi bộ ....

– Đã biểu im thì mày im đi! Đồ ngu! Mày biết một mà không biết hai. Bây giờ làm thịt nó rủi đổ bể thì tiêu đời. Chờ tới mai mày lãnh tiền công, tha hồ chọn gái đẹp. Đi nhanh lên mấy thằng ông nội!

Có lẽ tới ba hay bốn tên. Bọn chúng dồn hết sức khống chế Kiều Linh. Cô hết phương giãy giụa. Một lúc sau có tiếng động của đồ vật gì đó Kiều Linh bị thúc ngồi bó gối lại. Cô nghe mình rơi tõm vào một cái ống trơn nhầy hôi hám.

Một tên nói với giọng nhẹ nhõm:

– Xong rồi! Nếu may mắn còn sống thì cô ả cũng không dám tới tìm thằng cha Toán nữa đâu. Nam à! Mau đậy nắp lại đi!

– Chết cha! Hình như có người tới.

– Thì đậy mau lên rồi chạy.

Có người thật. Ánh đèn pin chiếu loang loáng ngay chỗ bọn bắt cóc đang cuống quít chuẩn bị bỏ chạy.

– Nè! Mấy người kia, làm gì ở đó hả?

Cả bọn bảo nhau bỏ chạy.

Im lặng! Im lặng nhưng ngột ngạt và sợ hãi bao trùm. Kiều Linh vùng vẫy, hai tay bị trói chặt sau lưng. Đầu vẫn bị trùm kín. Cô muốn tức thở vì mùi hôi, ý nghĩ bị nhét vào bô rác khiến cô bủn rủn.

Ánh đên yếu ớt lọt vào.

Kiều Linh cố hết sức la to:

– Có ai không? Làm ơn cứu tôi với! Cứu tôi với! Bớ người ta ...

Kiều Linh có cảm tưởng những tiếng kêu của mình trở nên vô vọng, tắt lịm trong khoảng không khí đặc quánh.

Cố gắng cuối cùng của Kiều Linh là dùng chân đạp mạnh vào phía trước.

Hực! Kết quả cô té sấp xuống, trán đau thấu trời:

Ấy nhưng phép mầu đã xảy ra! Kiều Linh thấy ánh đèn chiếu vào, giọng phụ nữ thất thanh:

– Ui trời đất ơi! Chuyện gì vậy nè trời.

Ít phút sau, có lẽ vậy, Kiều Linh được đưa ra ngoài. Đúng là cô bị cho vào pô rác, khắp người từ đầu tới chân đều dơ hết.

Người phụ nữ tốt bụng đưa Kiều Linh về nhà mình, chuẩn bị nước cho cô tắm gội, soạn bồ đồ sạch đưa cô thay. Chị cũng bị vấy bẩn nhưng không đáng ngại.

Chị giới thiệu:

– Tôi tên Xuân, chắc chắn cô nhỏ tuổi hơn tôi há. Vậy cứ kêu tôi là chị Xuân.

Cô đi tắm trước đi, lát nữa chị em mình nói chuyện tiếp.

– Dạ .... em cảm ơn chị.

Chị Xuân phẩy tay:

– Ơn nghĩa gì chứ?

Căn nhà của chị nhỏ gọn, đồ đạc không có gì nhiều. Đứng giữa nhà người ta sẽ có cảm giác dễ chịu vui thích vì những tấm lịch ảnh in hình phong cảnh, hoa lá và người đẹp được dán liền nhau, che lấp mảng tường gạch chưa xây tô.

Sau khi cả hai chị em đã sạch sẽ, Xuân dọn cơm mời Kiều Linh.

Nghe Kiều Linh giới thiệu tên mình, Xuân nói:

– Cái tên rất xứng với cô, đẹp lắm.

– Cảm ơn chị!

– Ăn cơm với tôi nghen. Hôm nay tôi đi làm, không ghé chợ được nên thức ăn đạm bạc vầy thôi. Cô ăn tạm hén.

Kiều Linh xuýt xoa:

– Cá chiên, rau muống luộc. Ngon quá đó chớ chị Xuân.

– Vậy thì ăn tự nhiên nghen. Trước lạ sau quen, tánh tôi không ưa màu mè.

Nói thiệt là tôi thấy cô rất dễ mến. Tôi mong hai chúng ta sẽ còn gặp nhau.

– Dạ .... chắc chắn là vậy rồi. Chị Xuân là ân nhân cứu mạng em. Suốt đời này em ghi nhớ ...

Xuân xua tay:

– Coi như tôi đã nhận lời cảm ơn của cô rồi đó nghen. Từ bây giờ cô đừng có nhắc hai tiếng ơn nghĩa nữa, kỳ lắm.

– Dạ ....

– Nè, chuyện vừa nãy là sao vậy? - Xuân hỏi thẳng:

– Cô làm gì khiến bọn người đó oán đến độ hãm hại gần chết hả?

Kiều Linh cắn môi:

– Em cũng hổng hiểu vì sao người ta lại hại em nữa. Nhưng mà ...

Cô nhớ lại ... bọn người kia có nhắc đến tên Toán. Tiếp đó chúng còn bảo nhau cô bị như vầy chắc đủ sợ để không dám tìm gặp Toán nữa.

Sau một lúc cân nhắc, Kiều Linh mạnh dạn tâm sự với Xuân về hoàn cảnh của mình, về những gì đã xảy ra thời gian gần đây và sự việc lúc nãy cùng với nghi ngờ của mình.

Nghe xong, Xuân gật gù:

– Như vậy chắc chắn hắn ta là thủ phạm rồi. Bây giờ cô tính sao?

Kiều Linh rầu rầu:

– Nói thật với chị, với em thì điều quan trọng nhất bây giờ là tìm một công việc mới. Khi nào ổn định rồi em sẽ đi hỏi tội anh ta. Anh ta phái trả giá cho hành động độc ác của mình.

Xuân đồng tình:

– Phải đó, phải làm cho loại người như hắn sống không bằng chết mới hả hê.

Cô đã vạch ra kế hoạch hỏi tội chưa?

Kiều Linh nhẹ lắc đầu:

– Như em vừa nói với chị đó. Hỏi tội thì còn rất nhiều cơ hội. À, chị đang đi làm công việc gì? Hay là chị giới thiệu giúp em tìm việc được không chị Xuân?

Xuân vuốt vuốt mớ tóc lòa xòa bên tai:

– Nói thiệt với cô, công việc hiện tại của tôi vất vả lắm. Nó không hợp với cô đâu.

Kiều Linh xìu mặt:

– Em biết rồi! Tại mới vừa quen biết nên chị ngại giúp em chứ gì?

– Ây dà! Cô nhỏ nói vậy không sợ tôi phiền lòng sao? Giúp cô tìm một việc làm thì có gì phải ngại chứ? Nhưng thiệt tình tôi thấy cô không thể làm một công nhân bình thường như tôi được.

Kiều Linh thở dài. Cô lớn lên trong cảnh thiếu thốn, vất vả. Nhưng đúng là cô chưa đến nỗi phải hứng chịu sự nhọc nhằn, sức lực tay chân.

– Suốt mấy ngày qua em đi tìm việc muốn nhừ hai chân luôn? Hổng biết nay mai sẽ ra sao nữa.

Xuân trầm ngâm:

– Khi nghe cô kể hoàn cảnh của mình, tôi đã nhớ tới một người ...

– Ai vậy? - Kiều Linh hỏi và đầu chợt hình dung một đại gia nào đó ... Bất giác cô khẽ rùng mình.

Xuân đứng lên dọn dẹp mớ chén dĩa rồi bày bình trà với hai cái tách nhỏ ra chiếc bàn gỗ:

– Cũng muộn rồi, cô ở lại đây ngủ đi.

– Như vậy có phiền chị không?

Xuân cười cười:

– Nếu gọi là phiền thì đã phiền từ lúc cô vừa xuất hiện rồi.

Kiều Linh rụt rè:

– Chị vừa nói là chị nhớ tới một người? Là ai vậy chị?

Xuân rót trà:

– Thì cô uống trà đã. Tôi cũng vừa có ý này, để nói cô nghe thử há.

– Dạ ....

– Tôi thì chưa gặp bà ta, nhưng nghe nói về bà ta rất rõ ràng.

Kiều Linh ngơ ngác:

– Bà nào vậy chị?

– À, người phụ nữ luôn sẵn lòng giúp bạn cùng giới bị đàn ông lường gạt hoặc ruồng rẫy. Nhưng nghe nói điều kiện bà ta đặt ra cho đối tượng được giúp rất gắt gao. Hay là cô đến gõ cửa bà ta thử coi.

Kiều Linh gãi đầu. Người đàn bà nào mà tốt bụng quá vậy. Sẵn lòng giúp đỡ dù không có mối quan hệ nào ư?

Không thể không tò mò, Kiều Linh năn nỉ chị Xuân nói rõ hơn về người đàn bà kia ... Bà tên Mỹ Đức, nhà giàu khủng khiếp, có công ty gì đó rất to. Cô gái nào không may bị đàn ông ruồng rẫy mà tìm đến nhờ, bà Mỹ Đức sẽ giúp họ.

Đương nhiên bà có điều kiện, nếu các cô chấp nhận thì bà mới giúp.

Điều kiện của bà ấy là gì hả chị?

Xuân lắc đầu:

– Chuyện đó chỉ có người trong cuộc mới biết. Đó là bí mật của hai người họ. Cô nghĩ sao? Thử coi há.

Kiều Linh ngồi yên.

– Chuyện cô vừa nghe Xuân kể có vẻ cải lương quá! Nhưng Xuân quả quyết với Kiều Linh tất cả đều là sự thật trăm phần trăm. Linh quyết định tìm gặp người đàn bà lạ lùng ấy xem thực hư thế nào ...

Sáng hôm sau Xuân đưa Kiều Linh ra bến xe bus. Dưới ánh nắng ban mai cô mới nhận ra căn nhà nhỏ của Xuân nằm trong một xóm lao động đông đúc.

Xuân nói tối qua chị định sang nhà bà dì xin vài thứ lặt vặt thì gặp Kiều Linh. Trên đoạn đường này có khu vực đặt những bô rác nhỏ. Công nhân vệ sinh sẽ đến chuyển rác vào lúc giữa đêm về sáng.

Kiều Linh lắc đầu thật mạnh. Cô muốn xua đi những hình ảnh đêm qua ra khỏi đâu. Không! Ngay từ đầu cô đã không nhìn thấy gì. Chỉ nghe thấy, ngửi thấy mà thôi. Chỉ bao nhiêu đó cô chắc cũng đủ ám ảnh cô suốt đời.

Hai chị em gái mới quen còn đi chung một đoạn trên xe bus. Xuân sẽ xuống trước ở ngã tư rẽ vào khu công nghiệp. Kiều Linh thì tiếp tục quay vào trung tâm thành phố.

Kiều Linh nói với Xuân:

– Nếu bây giờ em lại bị dẫn tới chỗ đó rồi bị nhét vô ngồi bó rọ như tối qua chắc là xỉu quá.

Xuân nạt nhỏ:

– Chuyện đã qua rồi cô còn tưởng lại làm gì? - Vỗ vỗ bàn tay Kiều Linh đang nắm tờ giấy ghi địa chỉ của bà Mỹ Đức, Xuân nói thêm:

– Cứ vậy há! Cô về, đến gặp bà Mỹ Đức ngay đi. Kết quả thế nào rồi báo tôi hay. Còn đồ đạc của cô cứ để đây. Khi nào rảnh hẵng tới lấy.

Áo quần và túi xách của Kiều Linh đều bị dơ bẩn hết, Xuân giữ lại giặt cho cô. Bây giờ cô quay về với bộ đồ trên người là của Xuân.

Cũng may, ở đâu lại có sự ngẫu nhiên thú vị:

vóc người tương đương nhau nên Kiều Linh mặc đồ của Xuân mà vẫn thấy thoải mái.

Nhưng khi quay về nhà, bà mợ dâu nhận ra ngay sự khác lạ nơi Kiều Linh.

Bà hỏi lạnh lùng:

– Đêm qua ở đâu? Tới giờ này mới về nhà? Lại còn ... mặc áo quần của ai vậy hả?

Kiều Linh cắn môi, giá như mợ dâu của cô dùng từ mày để nói chuyện với cô cũng vẫn hay hơn kiểu nói trống không như vầy.

Cô cố nhỏ nhẹ:

– Dạ, hôm qua con tới nhà một chị bạn nhờ chỉ tìm giùm việc làm. Vì hơi trễ nên con ngủ lại đó, sáng mới về.

Bà Năm nhếch môi:

– Vậy sao? Nhờ vả chắc là có kết quả rồi hả? Lần này thì đi làm ở đâu?

Hít thở một hơi thật sâu, Kiều Linh nói mạnh dạn:

– Mợ yên tâm đi! Chắc chắn con sẽ tìm được việc làm tốt. Con sẽ không để cậu mợ lo lắng nữa đâu.

Bà Năm khinh khỉnh:

– Nói vậy tức là cô vẫn chưa tìm được việc làm. Chưa gì thì đừng có tuyên bố dõng dạc quá. Để mai mốt rút lại không kịp đâu.

Đứng trước hai cánh cổng cao chắc chắn và đóng kín, Kiều Linh hết nhìn vào ngôi biệt thự bên trong lại nhìn xuống hai mũi giày rồi đi tới đi lui.

Kể từ lúc cầm địa chỉ trong tay, Kiều Linh đã nuôi quyết tâm gặp bà Mỹ Đức cầu xin sự giúp đỡ của bà. Ấy vậy mà bây giờ cô lại thấy chẳng còn mấy tự tin.

Ngôi biệt thự to lớn lộng lẫy kia và người đàn bà giàu có mà cô chưn hề biết mặt ... Cô thì là cái gì chứ? Bà ta sẽ mời cô ngồi, lắng nghe cô kể rồi gật đầu cái rụp giúp cô như mẹ giúp con gái mình ư? Buồn cười quá! Ngông cuồng quá!

Hình như khi lâm vào cảnh khốn khó người ta càng mơ tưởng nhiều hơn.

Nhưng mơ tưởng này thì quá hão huyền! Thôi! Hãy quay về đối diện với thực tế đi Kiều Linh à.

Kiều Linh không nhìn thấy chiếc xe hơi màu sữa sang trọng từ từ đậu lại sát dưới lề đường. Người đàn bà ngồi phía sau nheo mắt nhìn cô gái đứng trước cổng. Vài phút sau bà mới ra hiệu bảo tài xế xuống mở cửa băng sau cho mình:

– Cậu chờ chút nhé!

Bà nói với tài xế rồi chậm rãi tới gần Kiều Linh. Vẫn chưa rõ mặt vì cô day lưng về phía bà. Bà tới gần hơn, còn cách vài bước.

– E hèm! Này cô gái ...

Kiều Linh giật mình quay lại. Người đàn bà trước mặt cô thật sang trọng quí phái. Chiếc áo dài lụa màu cánh gián với hoa văn dạng sơn thủy. Mái tóc búi cao thanh thoát không phải là vì giá trị, đúng là giá trị, nhưng quả thật đôi hoa tai kim cương và chuỗi ngọc trai trên cổ bà thật sự là điểm nhấn, tôn thêm sự sang trọng, tao nhã của bà.

Bà Mỹ Đức đây chắc?

Kiều Linh nghiêng người:

– Dạ, cháu chào bà ạ.

– Cô ... À, cô đứng trước cổng nhà tôi là đợi ai chăng?

Kiều Linh ngập ngừng:

– Thưa ... có phải bà là bà Mỹ Đức?

– Cô cần gặp tôi à?

– Dạ, có người giớị. thiệu về bà và khuyên cháu hãy tìm tới nhờ bà giúp đỡ nên ...

– Chắc là câu chuyện dài, mời cô vào nhà rồi nói rõ đầu đuôi há.

Klầu Linh ngẩn ngơ, bà ấy mời cô thật.

Anh tài xể nhanh nhảu mở cổng.

Kiều Linh theo chân bà Mỹ Đức vào trong biệt thự, đi trên con đường lát đá, hai bên rực rỡ sắc hoa sam đỏ trắng vàng cam ...

Vì hồi hộp căng thẳng nên Kiều Linh chẳng dám nghiêng ngó ngắm nhìn xung quanh.

Ngay khi bà Mỹ Đức còn ở dưới sân, những người giúp việc đã nhìn thấy và mau chóng mở cửa đón bà.

Có hai người, một phụ nữ trạc bốn mươi và người kia nhỏ hơn một chút.

– Bà chủ mới về ạ!

– Bà chủ đã về ...

Hai người chào bằng thái độ lễ phép và vui mừng như với người thân ruột thịt.

Bà Mỹ Đức vui vẻ:

– Ừ, hôm nay tôi về sớm một chút. Bé Tám với Út Diệu ra xe xách mấy túi đồ vô đi.

Hai người giúp việc dạ và quay đi.

Như sực nhớ, bà Mỹ Đức gọi giật:

– Út Diệu à! Con đem nước uống lên cho bà mời khách nghen.

Nhìn Kiều Linh, bà hỏi:

– Cô uống gì?

Kiều Linh lúng túng:

– Dạ, con không khát ạ!

Chị giúp việc trẻ tuổi hơn, tên Út Diệu cười với Kiều Linh:

– Một ly nước trái cây sẽ tốt lắm cô ạ.

Bà Mỹ Đức cười điềm đạm:

– Đã tìm tới đây thì đừng khách sáo nữa.

Bà ra hiệu, Út Diệu lui vào trong.

Chờ Út Diệu đi khỏi, bà bảo Kiều Linh ngồi. Ở chiếc ghế salon đối diện, bà Mỹ Đức ngắm Kiều Linh một chút rồi nói mình đang chờ nghe chuyện của Kiều Linh.

Kiều Linh mím môi, hai bàn tay xoắn vào nhau. Khó nói quá! Nhưng đã bước chân đến tận đây, còn đường nào để lui?

Rụt rè, e ngại. Kiều Linh kể cho bà Mỹ Đức nghe chuyện của mình. Cô đã quên Vĩnh Toán, nhưng sự việc vừa rồi khiến cô tức giận. Cô hy vọng bà Mỹ Đức giúp đỡ. Mục đích hàng đầu bây giờ của cô là trả thù Vĩnh Toán.

Bà Mỹ Đức ngồi nghe bằng thái độ khép kín. Không một lời xuýt xoa thông cảm hay phẫn nộ cho Kiều Linh. Khó mà biết bà ta nghĩ gì.

Câu chuyện gần kết thúc thì ngưng lại vài phút. Út Diệu đem nước uống lên.

Nước ép trái cây cho Kiều Linh và nước khoáng cho bà Mỹ Đức.

Nhấp vài ngụm nước khoáng, bà Mỹ Đức nói chậm rãi:

– Những gì cháu nghe được về tôi là hoàn toàn chính xác! Nhưng trong lúc này chắc chắn là tôi và cháu, cả hai chúng ta đều chưa tin nhau nhiều. Điều đó là tất nhiên thôi. Với mọi người tôi từng giúp đỡ, ngay sau khi nghe kể, tôi phải tiến hành xác minh lại. Tuy nhiên với cháu thì ... có thể ngoại lệ. Việc xác minh tôi sẽ tiến hành sau. Bây giờ trước khi nói điều kiện của mình, tôi cần hỏi thêm cháu vài điều. Cháu trả lời chứ?

– Dạ, xin bà cứ hỏi ạ!

Tựa hẳn người vào lưng ghế, bà Mỹ Đức nheo nheo mắt:

– Cháu có chắc mình chỉ theo đuổi một mục tiêu duy nhất là trả đũa thằng nhóc đó không?

Kiều Linh gật đầu không do dự:

– Dạ! Cháu chắc chắn như vậy.

– Hãy khẳng định lại lý do đi. Vì sao cháu quyết tâm trả thù?

– Bà nghe qua, chắc bà có thể tưởng tượng lúc đó con đã hoảng như thế nào.

Bóng tối bao trùm và mùi hôi khủng khiếp ... nếu như không nhờ chị Xuân phát hiện kịp thời thì có lẽ con chết rồi.

Bà Mỹ Đức phát cử chỉ ngăn lại:

– Dù sao thì mọi chuyện đã qua rồi. Đừng nhắc tới từ chết chóc nữa. Tôi cũng hiểu phần nào dã tâm của thằng nhãi đó. Còn trẻ tuổi mà nó liều lĩnh như vậy. Mai này lớn hơn chút nữa thì còn tàn bạo tới mức nào nữa. - Đoạn bà nhíu mày:

– Vừa nãy cháu nói cô gái thằng ranh đó đang theo đuổi tên là gì?

– Dạ tên Thúy Lan ạ!

– Thúy Lan? Gia đình cô ta có công ty gì nhỉ?

Kiều Linh lắc đầu nhè nhẹ:

– Thật ra con không mấy quan tâm tới Vĩnh Toán và Thúy Lan nên không biết nhà cô ta có công ty gì. Cho đến lúc sáng này con mới dò hỏi và nghe nói công ty đó tên là Sao Sáng. Hình như họ đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản thì phải.

Bà Mỹ Đức thoáng cau mày:

– Địa chỉ công ty Sao Sáng đó ở đâu?

Kiều Linh đọc địa chỉ. Bà Mỹ Đức im lặng giây lâu. Sự im lặng và gương mặt vẫn khép kín làm Kiều Linh thấy căng thẳng.

Không có khái niệm thời gian ...

Cuối cùng bà Mỹ Đức ngồi thẳng người lên, bảo Kiều Linh bằng giọng thân tình hơn:

– Nào uống nước đi chứ! Kiều Linh?

– Dạ ....

Chờ cô uống xong vài ngụm nước trái cây bà Mỹ Đức lại hỏi:

– Cháu bảo chuyên môn của cháu là kế toán phải không?

– Dạ đúng vậy ạ!

– Tốt lắm! Chắc chắn sẽ giúp tôi được ít nhiều. Giờ nghe điều kiện của tôi nhé! Tôi nhận lời giúp Kiều Linh. Vĩnh Toán sẽ có kết cuộc như ý của cháu.

Tuy nhiên ... để có được kết quả đó không thể trong một sớm một chiều.

– Dạ, con hiểu ạ!

– Và con cũng cần hiểu thêm một điều, đó là con đang bước vào một cuộc sống có phần nghiệt ngã.

– Dạ, con chấp nhận nó. Miễn sao ...

Bà Mỹ Đức gật gù:

– Có ý chí lắm! Mong rằng con chấp nhận những điều kiện của tôi.

– Xin bà cứ nói ...

– Thứ nhất, con phải trở thành người trong nhà này. Mọi sinh hoạt và làm việc đều phải nghe tôi kể cả một số sở thích nữa. Con sẽ làm ... con nuôi của tôi.

Kiều Linh tròn mắt, làm con nuôi của bà Mỹ Đức ư? Bất ngờ quá! Bất ngờ đến mức cô không biết mình vui hay buồn nữa.

– Tôi nói rõ là chuyện con nuôi và những gì con nhận được chỉ diễn ra cho tới lúc con trả được hận. Ngay sau khi con đạt được mục đích thì hãy quay về nơi trước đây con đã sống. Quan hệ giữa chúng ta lúc ấy cũng chám dứt. Có thể trong thời gian hợp tác, con sẽ giúp tôi được nhiều việc. Song sau đó con vẫn phải ra đi mà không nhận một chút gì cả! Con cứ từ từ suy nghĩ cân nhắc rồi trả lời.

Kiều Linh im lặng. Cô lờ mờ nhận ra sự thật về lòng tốt của bà Mỹ Đức.

Hình như trong chuyện này bà cũng có lợi. Nếu không vậy thì bà không thể dùng từ “hợp tác” được. Thông thường, khi hợp tác hai bên đều có lợi.

– Thưa bà chủ, con có vài điều thắc mắc ...

– Con hỏi đi.

– Tại sao con phải làm con nuôi của bà? Phải chăng các cô gái khác đến đây nhờ sự giúp đỡ của bà cũng đều chấp nhận điều kiện này ạ?

Bà Mỹ Đức điềm đạm:

– Đáng lẽ tôi không trả lời đủ hai câu hỏi của con. Bởi vì chuyện của những cô gái trước đây đều không liên quan tới con. Biết càng ít chuyện người khác càng tốt.

– Dạ, con xin lỗi!

– Không sao! - Bà Mỹ Đức mỉm cười:

– Không phải tất cả đều được đề nghị làm con nuôi của nhà này đâu. Con sẽ thuận lợi cho việc trả thù Vĩnh Toán hơn khi đã trở thành con nuôi của tôi. Sao, còn thắc mắc gì nữa không?

Kiều Linh lắc đầu.

Bà Mỹ Đức đứng lên:

– Được? Như vậy con có thể đến đây vào ngày mai, hoặc ngày hôm nay cũng được. Chúng ta sẽ bắt đầu bằng việc đi mua sắm.

Kiều Linh đứng lên theo:

– Dạ .... chiều nay con đến, thưa bà.

Bà Mỹ Đức cười đôn hậu:

– Từ bây giờ hãy gọi tiếng mẹ đi nào! Mẹ sẽ giúp con hoàn thành tâm nguyện và mẹ mong con cũng không làm mẹ thất vọng.

Một cảm xúc rất lạ bất chợt ào đến trong Kiều Linh. Gần hai mươi năm trời cô mới nghe đến từ “mẹ”. Như là mẹ cô vừa quay về sau một chuyến đi xa dài ngày.

– Dạ, mẹ ....

Bà Mỹ Đức ngắm cô rồi khẽ lắc đầu, chép miệng:

– Con phải thay đổi hoàn toàn mới được. Chứ như vầy thì ... thường quá.

Kiều Linh thừa nhận bà nói đúng. Chiếc áo sơ mi rộng màu xanh nhạt, quần jean bạc màu, đôi giày xăng đan đế thấp ... cô quá tầm thường và lạc lõng giữa ngôi biệt thự sang trọng này. Có thể hai người giúp việc của bà Mỹ Đức cũng nghĩ là cô đến xin việc làm ...

Kiều Linh quay về nhà thu xếp đồ đạc. Cô bây giờ mang một tâm trạng khó tả, không vui, chẳng buồn. Một chút nôn nao hòa lẫn lo âu và ẩn chút tủi hờn.

Nhà vắng. Vào giờ này cậu Năm đi làm còn bà mợ dâu thì chắc chắn là đang bận gom tiền cho vay ngày ngoài chợ, đó là nghề chính của bà. Mợ dâu Kiều Linh nắm quyền tài chính trong nhà. Cậu Năm hầu như chẳng dám có ý kiến dù ở bất cứ vấn đề lớn nhỏ nào. Nơi đâu không biết chứ tại nhà cậu Năm của Kiều Linh thì câu nói “có tiền là có quyền” hoàn toàn đúng.

Dù sao Kiều Linh vẫn mang ơn mợ dâu vì bà đã nuôi mình, dẫu là nuôi trong sự cay nghiệt, lạnh lùng.

Tài sản của Kiều Linh chỉ là mấy bộ áo quần, một ít đồ dùng lặt vặt và rương sách vở.

“Thưa cậu mợ, con thật có lỗi khi bỏ đi mà không gặp cậu mợ để chào từ biệt. Vì một công việc quan trọng nên con phải đi.

Con rất cảm ơn cậu mợ thời gian qua đã cưu mang, chăm sóc con. Con cũng rất áy náy vì mình vẫn chưa thể trả được ơn sâu nặng của cậu mợ. Xin cậu mợ rộng lòng tha thứ cho con. Con cũng mong cậu mợ vui khỏe và đừng lo cho con.

Con sẽ ổn, sẽ sống tốt.

Kiều Linh”.

Đặt tờ giấy xuống mặt bàn sa lon rồi lấy gạt tàn dằn lên, Kiều Linh nhìn căn phòng khách nhỏ lần nữa. Có lẽ lâu lắm, còn lâu lắm cô mới trở lại đây. Tạm biệt!

Kiều Linh không thể không cảm thấy bùi ngùi. Cô đã gắn bó với nơi này gần hai chục năm. Hai chục năm tuy hiếm có được phút giây vui vẻ. Nhưng bây giờ trước khi rời xa cô vẫn cảm thấy buồn vô hạn ...

Như thỏa thuận với bà Mỹ Đức. Kiều Linh được bà cho tài xế tới đón về.

Anh tài xế tên Hân, lầm lì như người máy. Ở anh ta dường như chỉ có thái độ kính cẩn đối với bà Mỹ Đức và lễ phép chừng mực dành cho Kiều Linh. Nghe nói Hân đã làm việc gần mười năm.

Sợ người quen trong khu phố nhìn thấy rồi xì xầm bàn tán sẽ không hay nên Kiều Linh bảo Hân đón cô ở đầu ngã tư, phía bên tay trái hơn trăm mét! Tự cô ì ạch bê rương sách và hai túi xách tới.

Hân đứng bên cạnh xe hơi, vừa thấy cô xuất hiện liền rảo bước tới đỡ lấy rương sách từ tay cô.

Vẻ lạnh lùng máy móc tạm dẹp bỏ, Hân tỏ ra ái ngại:

– Nặng quá! Phải cô để tôi lái xe tới ngay đầu hẻm có hay hơn không?

Xoa xoa hai bàn tay mỏi nhừ, Kiều Linh thật thà đáp:

– Nói thật với anh Hân là từ nhỏ tới giờ em chưa từng quen biết một người giàu có nào cả. Vì vậy, nếu để láng giềng nhìn thấy cảnh này thì rất khó xử cho em.

– Tôi hiểu rồi.

Hân mở cốp xe đặt rương sách và hai túi xách hành lý của Kiều Linh vào rồi nhanh nhẹn mở cửa băng sau mời cô lên.

Qua kính chiếu hậu, Kiều Linh giật mình, cô dự định hỏi thăm Hân vài chuyện, nhưng bây giờ gương mặt anh ta trở về với nét lầm lì, máy móc.

Xe lăn bánh, Kiều Linh thở nhẹ. Cô biết từ lúc này cuộc đời mình cũng bước sang ngả rẽ mới với nhiếu thử thách và khắc nghiệt mới.

Dù sao cô vẫn tó mò muốn biết đôi điều về bà Mỹ Đức:

– Anh Hân à!

– Dạ, thưa cô ...

Kiều Linh hơi nhột nhạt, có lẽ phải một thời gian nữa cô mới quen với cảnh được người khác lễ phép như vậy.

– Em muốn hỏi anh vài điều.

– Dạ, nếu như trong phạm vi cho phép, tôi sẽ trả lời cô.

– Lúc sáng nay tới nhà bà chủ, em thấy ... vắng vẻ quá. Không biết có tất cả mấy người hở anh Hân?

Hân nói đều đều:

– Những người hiện đang sống trong nhà bà chủ thì cô đều gặp rồi đó. Ngoài bà chủ ra còn có tôi, chị Bé Tám và Út Diệu.

Kiều Linh buồn rầu nghĩ thầm:

“Có những người thật giàu sang dư dả. Một mình sử dụng nhà rộng mấy trăm mét vuông. Đồ dùng tiện nghi không thiếu thứ gì. Tại sao trong khi đó quá nhiều kẻ nghèo, thậm chí chỗ trú thân của họ chỉ là mái tôn dột nát rộng hơn hai mét vuông”.

Lần thứ hai trở lại, Kiều Linh được bà Mỹ Đức ra đón tận cổng với nụ cười hồn hậu trên môi.

– Chào con gái. Vậy là từ lúc này con chính thức trở thành người trong nhà này.

– Dạ, con cám ơn ... mẹ!

Bà Mỹ Đức vỗ vai Kiều Linh:

– Nào, mẹ sẽ đưa con lên phòng. Lúc trưa mẹ đã bảo Bé Tám chuẩn bị cho con.

Phòng dành cho Kiều Linh ở lầu một, có cửa hướng ra vườn để mỗi sáng mở ra vừa ngắm sắc hoa rực rỡ vừa hít vào lồng ngực bầu không khí thơm nồng hương hoa.

Phải nói là bất ngờ, Kiều Linh đã vào một thiên đường! Căn phòng rộng hơn bốn chục mét là phòng ngủ kiêm luôn làm việc và thư giãn, có máy vi tính, ti vi, dàn máy nghe nhạc, karaoke. Kế bên là phòng tập thể dục và phòng vệ sinh được thiết kế lắp đặt toàn thiết bị cao cấp.

Bà Mỹ Đức hỏi cô:

– Con thấy thế nào? Mẹ hi vọng con thích màu tường, màu rèm cửa cũng như các thứ khác. Nếu như không hợp ý thích của con thì mẹ cho đổi ngay.

– Dạ không ạ? - Kiều Linh sung sướng:

– Tất cả đều quá tuyệt vời. Nhất là tông màu xanh này. Nó là màu con yêu thích đó ạ.

– Vậy thì may quá! Con nghỉ ngơi nhé. Đồ dùng thư thả sắp xếp cũng được.

Khoảng nửa giờ sau chúng ta ra ngoài.

Còn lại một mình, Kiều Linh ngồi xuống mép giường. Cô vẫn chưa hết ngẩn ngơ. Hình như vẫn còn phép lạ xảy ra giữa đời thường. Chỉ một thời gian ngắn, rất ngắn mà cô đã bước vào một môi trường khác, hoàn toàn xa lạ trước kia cô chưa bao giờ dám nghĩ nó sẽ xảy ra với mình.

Từ sâu thẳm trong Kiều Linh chợt vang lên một tiếng nói:

– Đừng rời xa thực tế Kiều Linh á. Tất cả những cái này chỉ ở bên cạnh cô cho tới lúc cô trả thù Vĩnh Toán xong mà thôi.

Kiều Linh nhếch nụ cười. Tất cả chẳng khác gì hư vô, mộng ảo. Nhưng như vậy cũng tốt. Mai này cô sẽ ra đi với hai bàn tay trắng nhưng bù lại, Vĩnh Toán tiêu đời. Vậy là tuyệt lắm rồi!