- 1 -
ười giờ sáng. Con đường nhựa đen bóng như bắt đầu chảy mỡ dưới cái nắng của mùa hè oi ả. Không khí chỉ hơi thoáng mát chút xíu nhờ những cơn gió nhẹ và ngắn kéo về từ vùng Wichita Mountain ở hướng tây nam làm lung lay những cánh hoa màu vàng mọc đầy hai bên vệ đường. Đây là loại hướng dương dại mang tên Helianthus ciliaris hay còn gọi Texas Blue Weed hoặc yerba parda. Vùng này hướng dương dại tự do mọc dọc theo hàng rào, hai bên đường đi và nhiều nơi mọc thành những cánh đồng hoang nữa. Loại hướng dương này có người còn gọi là hoa cúc dại. Nó không cao như hướng dương được trồng để lấy hột song lại có màu vàng tươi hơn loại hướng dương được trồng. Tôi chậm chạp leo lên dốc. Có thể đối với mọi người con dốc không cao lắm và cũng không dài lắm. Có thể đối với những người thường xuyên đi về thì con dốc cũng không có gì đặc biệt đáng cho họ chú ý. Có thể đối với dân cư ngụ lâu đời ở đây, con dốc cũng bình thường như bao con dốc của thành phố ba ngàn dân, nằm ở độ cao vài trăm mét so với mặt biển và dân da vàng chỉ chừng một trăm. Tuy nhiên đối với tôi lại khác. Con dốc vô danh này có sức thu hút mạnh bởi vì tôi chưa bao giờ đi hết con dốc để biết được ở bên kia có cái gì. Nó vẫn là thắc mắc của một người có quá nhiều thời giờ rãnh rỗi như tôi. Xuân qua rồi hạ tới, ngày nào cũng vậy, khoảng 9 giờ sáng tôi lại bước ra khỏi cửa, đi chừng trăm thước trên lối đi bộ tráng xi măng rồi bắt đầu leo lên con dốc cao và dài. Điều đó đã xảy ra gần nửa năm nay, bắt đầu từ khi tôi được bác sĩ cho biết bị cao huyết áp và khuyên tôi nên dành ít thời giờ để đi bộ vừa khỏe trong người và cũng làm cho huyết áp không tăng cao nữa nếu không muốn nói giảm đi. Gì chứ thời giờ thì một người '' ở không hay sanh chuyện '' như tôi có nhiều lắm. Từ đó mỗi buổi sáng, thường thường sau khi ăn điểm tâm xong xuôi tôi lại bắt đầu cuộc leo dốc. Đi gần được nửa hàng cây thông nằm bên tay trái tôi ngồi xuống chiếc băng đá cũ rất sạch sẽ. Không biết ai đặt chiếc băng đá này; nhưng tôi biết họ đã làm một việc rất hữu ích đối với tôi. Vì ngồi đây vừa nghỉ mệt và uống nước tôi có thể nhìn bao quát phong cảnh và một phần trên đỉnh con dốc. Không cao lắm mà lại dài. Tôi nghĩ như vậy từ lúc bắt đầu leo lên. Tuy nhiên có leo rồi mới biết nó cao và dài vì gần nửa năm rồi mà tôi chưa bao giờ lên tới đỉnh của nó. Có khi leo được lưng chừng thì trời nắng nóng nên phải quay trở lại. Có khi lên gần tới đỉnh thì mệt phải ngừng lại nghỉ ngơi rồi sau đó mệt và mỏi chân quá đành quay trở về. Càng không leo được tới đỉnh thì con dốc càng thêm lôi cuốn. Bây giờ đối với tôi, con dốc trở thành một thách thức hay sự gọi mời khám phá của một người không có chuyện gì làm. Tôi không biết trên đỉnh và phía bên kia con dốc có cái gì, có khác như bên này con dốc song ý muốn leo lên đỉnh để từ đó nhìn ngắm phía bên kia trở thành nỗi mơ ước của tôi. Nhiều lần tôi nghĩ lấy xe chạy ào qua bên kia thì xong ngay. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại tôi bỏ ý định đó. Nếu lấy xe chạy ào qua bên kia rồi thì đâu còn lý do hay mục đích gì để sáng sáng đi bộ lên con dốc. Sống mà không có lý do để sống, cũng như những ngày còn lại sẽ thiếu hứng thú khi không có mục đích gì để kéo dài sự sống. Nghỉ mệt giây lát tôi bắt đầu cuộc leo dốc mà hôm nay nhất định lên tới đỉnh dù phải bò. Tôi lẩm bẩm với chính mình khi đưa tay áo lau mồ hôi chảy thành dòng trên mặt thấm vào mắt cay xè nhìn con đường dựng đứng trước mặt. Chừng hai phần ba đường, tôi dừng lại để thở và cũng để cho đôi chân của mình có dịp nghỉ sau khi lao động quá mức. Trên đỉnh dốc thấp thoáng bóng khóm nhà bị che khuất bởi hàng cây thông xen lẫn với cây phong, cây sồi hay cây dẽ cao ngất. Phía bên tay trái xa trong cánh đồng ngút ngàn màu vàng trộn lẫn với màu xanh, một tòa lâu đài vươn cao lên nền trời đang giữa mùa hè nắng và nóng. Cánh đồng có màu vàng hực trải dài mút mắt. Xen lẫn trong cánh đồng vàng có chút màu xanh của cỏ. Hai thứ đó quyện với nhau làm cho nguyên cả vùng đồng không mông quạnh thành một màu thật lạ. Xa thật xa về hướng tây nam ngọn Wichita Mountain đứng sừng sửng trên đồng vàng hực trãi dài mút mắt lấm tấm chút màu xanh của những bãi cỏ hoang. Đang bước tôi quay đầu khi nghe sau lưng mình có tiếng xe chạy. Lát sau chiếc SVU chầm chậm qua mặt. Tôi thấy có bàn tay nhỏ nhắn của con gái đưa ra vẫy vẫy. Tôi cũng đưa tay lên vẫy chào. Chạy độ mấy chục thước chiếc xe tấp vào lề rồi ngừng lại và có bàn tay của người lái xe đưa ra vẫy vẫy. Tò mò tôi bước nhanh hơn để hỏi xem người trong xe cần điều gì. Khi tôi gần tới nơi, người đàn bà lái chiếc xe nằm ở phía tay mặt ló đầu ra cười nói lớn. - Chào ông… - Chào bà… - Xin lỗi ông… Trời nắng nóng lắm… Mời ông lên xe… Tôi hân hạnh được đưa ông lên tận trên kia… Dứt lời người đàn bà lái xe đưa tay chỉ lên đỉnh con dốc cao. Băng qua đường tôi nhìn thấy người đàn bà có khung mặt phảng phất chút gì của dân Á Đông dù bà ta có chiếc mũi cao và mắt xanh của người da trắng. - Cám ơn bà rất nhiều… nhưng… Tôi thong thả giải thích lý do phải đi bộ lên đỉnh dốc của mình. Nghe xong bà ta cười gật đầu như hiểu ý. - Nếu thế thì tôi xin lỗi đã làm phiền ông… - Không có điều gì phiền đâu thưa bà… Tôi rất cám ơn lòng tốt của bà… Thấy tôi ngập ngừng, người đàn bà cười. - Tên của tôi là April… Hân hạnh được gặp ông… April đưa tay ra và tôi bắt tay bà ta kèm theo câu nói. - Hân hạnh được gặp bà… Tôi tên Chu… - Xin ông thứ cho sự tò mò của tôi. Ông là người xứ nào tới đây? Ánh mắt của tôi dõi xuống con đường tráng nhựa như bắt đầu chảy ra dưới ánh mặt trời chói chang. - Tôi là người Việt Nam thưa bà… Vì đang mãi mê nhìn con đường, tôi không thấy được những gì xảy ra với April ngoại trừ tiếng ồ ngạc nhiên. - Oh… Oh… Ông là người Việt Nam… Thật là quí hóa… Tôi tin rằng mẹ tôi sẽ rất vui mừng khi được gặp ông. Mời ông lên xe… Thấy tôi do dự, April cất tiếng. - Please… Nhà tôi cũng ở trên đỉnh… Nhìn ánh mắt như năn nỉ của April, biết không thể từ chối tôi bèn cười nói. - Tôi xin làm phiền bà… - Không có chi thưa ông… Cậu thanh niên còn trẻ, có lẽ là con của April, ngồi ở ghế bên kia, bước ra mở cửa cho tôi ngồi vào xong xuôi mới đóng cửa lại và xuống băng sau ngồi với hai cô gái. Đợi cho tôi cài dây an toàn xong April mới thong thả cho xe lăn bánh. - Xin được giới thiệu với ông, ba đứa con của tôi. Dan, con trai út. Cô mặc áo xanh là Catherine, lớn nhất; còn cô em mặc áo đỏ là Barbara… Quay người lại tôi đưa tay ra cười. - Tôi tên Chu… Hân hạnh được biết quý vị… Hai cô gái và cậu con trai lần lượt bắt tay tôi. April lên tiếng hỏi. - Xin lỗi ông… Ông rời Việt Nam năm nào? - 1975 thưa bà... Quay qua nhìn tôi, April nói nhỏ. - Ông có thể gọi tôi là April… Tôi cười gật đầu. - 40 năm quả là lâu phải không Mr. Chu? Tôi nhìn April. - Xin gọi tôi là Chu. Tiếng '' Mr. '' của April làm tôi cảm thấy mình già trăm tuổi… Ba cô cậu ngồi băng sau phá ra cười. Barbara nói trong tiếng cười. - Đúng đó… Mẹ đừng có làm cho ông Chu thành ra ông già chống gậy… Nhìn tôi, cô ta cười tiếp. - Tôi bắt đầu thích ông rồi đó. Ông cho phép tôi gọi ông là Chu? Sống ở đây quá lâu, quen với cách xưng hô thân mật và cởi mở của dân bản xứ, tôi cười nhẹ. - Tôi cảm thấy thoải mái và thân mật hơn nếu Barbara gọi tôi là Chu… - Mẹ nghe chưa mẹ… Barbara cười nói với mẹ của mình. Bật lên tiếng cười thánh thót, April quay qua nhìn tôi. - Mẹ tôi sẽ mừng lắm khi tôi mang về cho bà một người Việt Nam đồng trang lứa với bà… Bà rất thích nhắc lại những kỹ niệm ở Việt Nam mà chúng tôi còn quá trẻ để có thể hầu chuyện cùng bà… Xuyên qua câu nói của April, tôi đoán bà mẹ của cô ta phải có liên hệ tới Việt Nam và có thể đã sống ở quê hương của mình. - Thế à… Tôi cũng rất mừng khi có người để nhắc lại quá khứ. Xa quê hương lâu quá tôi hầu như quên đi nhiều lắm… April cười im lặng. Xe lên tới đỉnh của con dốc. Nhìn ra tôi mới biết con dốc rất cao và đỉnh của nó rất dài và rộng nữa, có thể dài tới mấy dặm. Phía bên phải con đường có một xóm nhà chừng vài chục căn cất rải rác dọc theo con đường tráng nhựa. Phía bên tay trái có một ngã ba. April quẹo xe vào ngã ba có hai cái trụ cao xây bằng gạch với tấm bảng đề Sophia Ranch. Con đường tráng nhựa rộng hai chiều xe cộ lưu thông chạy xuyên qua cánh đồng mênh mông. Hoa hướng dương mà dân ở đây có người gọi là hoa cúc dại nở vàng dọc theo vệ đường. Thỉnh thoảng lại có chòm cây cổ thụ cao ngất tỏa bóng mát rời rợi. Dưới tàng cây cổ thụ đặt picnic tables bằng đá màu xanh rất đẹp. - Tuy mới về đây ở không lâu song tôi rất thích cảnh trí của vùng hoang dã này… Chỉ vào rừng hoa mọc vàng bên vệ đường, tôi nói với April. - Màu vàng của hoa cúc dại này gợi cho tôi nhớ lại vùng đất mà tôi đã có một thời sống qua… Như muốn để cho tôi ngắm phong cảnh nên April và ba con đều im lặng không nói chuyện nữa. Vùng đồng trống hiện lên một ngôi nhà thật lớn. Ngắm nó tôi biết đó là tòa nhà mà tôi đã thấy khi ở lưng chừng con dốc. Phải gọi nó là một tòa lâu đài mới đúng. - Tòa nhà thật lớn và thật đẹp… - Đó là nhà của chúng tôi. Nó đã được hơn trăm tuổi… Vì con cháu ngày càng đông nên ông ngoại rồi kế đó mẹ của tôi đã sửa sang lại và nới rộng thêm… Xe tới gần hơn cho tôi thấy rõ tòa lâu đài gồm có ba tòa nhà riêng biệt được nối liền với nhau bằng lối đi bộ tráng xi măng. Tòa nhà chính giữa lớn cao hai tầng, trong khi hai tòa nhà hai bên nhỏ và chỉ có một tầng. Tất cả đều được xây bằng đá có màu xanh biêng biếc phản chiếu ánh nắng thành một màu gì thật lạ. Chỉ cần nhìn thoáng qua tôi cũng biết chủ nhân của tòa lâu đài này phải là người giàu có ít nhất cũng thuộc loại triệu phú. Xe dừng lại ngay lối ra vào cửa chính. Từ chỗ xe ngừng tới cửa chính là con đường rộng lát đá xanh nhẵn thính có vườn hoa với nhiều loại hoa lạ mà tôi không biết tên. - Mời bác Chu vào… Bỏ đi tiếng ông, April gọi tôi bằng tiếng bác thân mật hơn. - Cám ơn April… April và tôi bước song song trong lúc ba đứa nhỏ đi trước. Cửa mở ra cho tôi nghe tiếng nói. - Ngoại ơi… ngoại… - Ngoại ơi… ngoại đâu rồi? - Ngoại đây nè… Ngoại đang ở trong bếp… Khi tôi và April song song bước vào tới phòng khách, một người đàn bà có tuổi ăn mặc giản dị bước ra. Shirt ngắn tay màu vàng, skirt xanh màu lá cây điểm những cánh hoa hướng dương màu vàng; người đàn bà luống tuổi có cái nét gì dịu dàng, duyên dáng mà cũng nhiều mộc mạc và hoang dã của vùng Great Plain của nước Mỹ. Nụ cười. Người đàn bà này có thể là người có nụ cười lạ nhất trong số người đàn bà mà tôi đã gặp. Đôi mắt sâu sáng màu xanh lục thủy. Mái tóc vàng được búi cao làm cho bà ta có nét đẹp quí phái và sang cả của một người sinh ra và sống trong giàu sang. Tất cả tạo cho bà ta có nét đặc thù không lẫn lộn với ai hết. - Mom… This is '' Mr. Chu ''… He is Vietnamese… Tôi thấy mắt của bà mẹ của April chợt rực sáng nét long lanh mà lại thấp thoáng vẻ gì như buồn rầu và u uẩn. - Dạ… Thưa ông Chu… Tôi là Amy Lê… Hân hạnh được gặp ông… Lần đầu tiên tôi nghe một người đàn bà Mỹ nói một câu tiếng Việt mà cách phát âm rất đúng giọng người miền Nam Việt Nam hay nói thẳng ra đúng giọng Sài Gòn. Dường như bà ta đã nói rất nhiều lần vì vậy nói rất đúng giọng. - Thưa bà Lê… Tôi rất hân hạnh được gặp bà… Bà nói tiếng Việt rành quá… Nụ cười thoáng mở ra, Amy Lê đưa tay ra bắt tay tôi kèm theo câu nói. - Mời ông ngồi… Lâu rồi tôi mới có cơ duyên gặp lại một người Việt Nam, một đồng hương… Dù thắc mắc về tiếng '' đồng hương '' của bà chủ nhà nhưng tôi chỉ cười im lặng. Quay sang con gái đứng sau lưng, Amy nói nhỏ. - Con vào dặn Liz làm cơm trưa để mẹ mời ông Chu ăn với chúng ta… Tôi đưa tay lên ngăn lại kèm theo câu nói. - Dạ tôi không dám làm phiền bà… Tôi mới về đây thấy phong cảnh đẹp nên đi dạo. Tôi có đem theo bữa ăn trưa rồi… Amy nhìn tôi cười. Lần nữa tôi thấy Amy có nụ cười đẹp lạ. - Chẳng có phiền gì hết thưa ông… Tôi mời ông bữa ăn trưa để nghe ông nói về Việt Nam, về Sài Gòn… Please… Không khách sáo tôi nhận lời mời ăn trưa với Amy. Nhìn bà chủ nhà đang ngồi đối diện, tôi buông ra câu hỏi dò. - Bà phát âm tên Sài Gòn rất đúng giọng. Chắc bà có ở Sài Gòn? - Dạ… Tôi sống ở Việt Nam nhiều năm… Thường tôi ở Việt Nam 9 tháng rồi quay trở về Mỹ ở 3 tháng… Việt Nam là quê hương thứ nhì của tôi… Bây giờ tôi mới hiểu ra nghĩa tiếng đồng hương của bà ta. Quay đầu vào trong nhà bếp, Amy nói. - April… Mẹ nhờ con mang hình ba của con cho ông Chu xem… Please… April đi vào phòng khách rồi lại bước vào căn phòng kế bên xong mang ra khung hình khổ lớn đưa cho mẹ. Thong thả đặt khung hình lên mặt bàn, Amy nói nhỏ. - Thưa ông… Người trong hình chính là chồng của tôi. Anh tên Lê Tử Quân… Amy phát âm ba tiếng Lê Tử Quân rất đúng giọng Sài Gòn. Tôi cúi nhìn ảnh một thanh niên còn trẻ. Ánh mắt nhìn sâu hun hút, nụ cười thật ấm và hiền, nét mặt rắn rỏi và cương nghị. - Hèn chi… Buột miệng nói hai tiếng xong tôi nhìn Amy cười. - Hèn chi ngay lúc thấy April, tôi có cảm giác khuôn mặt của cô ấy có nét gì đó của dân Á đông. Bây giờ tôi mới biết chồng bà lại là người Việt Nam… - Tôi có với Quân hai đứa con sinh đôi. Chị là April còn em trai là Aaron… April rất giống bà ngoại trong lúc Aaron thì lại giống cha như tạc… Không đợi mẹ bảo, April đặt bức ảnh của em trai bên cạnh bức ảnh của cha. Nhìn đăm đăm rất lâu tôi thấy hai người trong ảnh rất giống nhau. - Giống lắm… Tôi gật gù rồi ngước lên nhìn Amy. - Cha con rất giống nhau trừ hai điểm khác biệt… - Hai điểm gì thưa ông? - Mũi của Aaron cao hơn và nhọn hơn của Quân. Trán của Aaron cũng rộng hơn ba. Mắt của Aaron màu xanh chứ không phải màu nâu. Đúng hơn là một màu pha trộn giữa nâu và xanh. Dường như khi nặn ra Aaron, bà muốn có trán rộng, mũi cao giống ai đó bên ngoại, còn mắt lại giống cha mẹ. Điều đó khiến cho Aaron rất đặc biệt… Amy ngước nhìn con gái rồi cả hai phá ra cười thích thú vì câu khen của ông khách Việt Nam. Dứt tiếng cười Amy nói nhanh. - Xin ông thứ lỗi… Nhận xét của ông rất chính xác. Ba của tôi nói Aaron có cái mũi của ông… Tôi nhìn Amy. - Tôi rất hân hạnh được hội ngộ với ông thân sinh của bà… Sau câu nói tôi thấy ánh mắt của bà Amy lộ ra vẻ buồn bã và ẩn ước có nước mắt. - Ngoại trừ hai con và các cháu nhỏ, tôi còn có ba người mà tôi thương yêu nhất. Đó là mẹ tôi, ba tôi và chồng tôi. Rất tiếc cả ba đều bỏ tôi mà đi. Mẹ tôi mất lâu lắm rồi, khi tôi được 7 tuổi. Ba tôi qui tiên mười năm trước. Còn anh Quân mất năm 1975… Tôi thở dài. Cũng đã nhiều lần mất đi người thân thương trong đời mình, do đó tôi cảm thông được nỗi buồn đau của người đang ngồi đối diện. Tuy nhiên mất mẹ, mất chồng rồi lại mất cha thì đó là một mất mát lớn lao không gì bù đấp được. Nhìn ánh mắt nhìn của Amy vào hình ảnh của người chồng đã chết, tôi hiểu được mối tình cảm sâu đậm và nỗi đơn độc mà bà ta phải chịu đựng trong quãng thời gian bốn mươi năm đằng đẵng. April nói khẽ với mẹ trong lúc nhìn tôi. - Kính mời mẹ và bác Chu qua phòng ăn… Thong thả đứng lên, Amy cười nói với tôi. - Mời ông… - Dạ cám ơn bà… Đi sau lưng tôi và mẹ, April lên tiếng. - Mẹ và bác Chu vừa ăn vừa nói chuyện cho vui. Con phải sửa soạn paycheck để phát lương cho nhân viên… - Vậy à… Con cứ lo chuyện của con. Mẹ hầu chuyện ông Chu cũng được… - Dạ… Bác Chu tự nhiên. Nếu không gặp lại chiều nay cháu hy vọng sẽ gặp lại bác ngày mai… Tôi quay đầu lại cười với April. - Cám ơn cháu đã đưa bác về gặp mẹ cháu… Bữa ăn trưa rất đạm bạc. Đó là cái sandwich có miếng trứng chiên, lát ham, cà chua, xà lách và nước lạnh. Trong lúc ăn, tôi kể cho Amy nghe những gì tôi còn nhớ về Việt Nam trước ngày xảy ra biến cố 30-4-1975. Amy chăm chú lắng nghe và tỏ vẻ bị kích động khi tôi nói về trận đánh Ban Mê Thuột, khởi điểm của sự tan rã của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Đợi cho tôi dứt lời Amy mới lên tiếng. Tôi nghe như có chút gì nghèn nghẹn trong giọng nói của bà ta. - Tôi đã ở Ban Mê Thuột từ năm 1970 cho tới cuối năm 1974. Mới đầu Quân làm phó trưởng ty rồi sau đó được thăng chức trưởng ty điện lực của tỉnh. Gia đình tôi đã có quãng đời đẹp nhất ở Ban Mê Thuột. Tôi yêu thành phố đó như yêu chốn này. Tôi thương những người dân ở chỗ đó như thương người ở đây… Đưa miếng Klennex lên chậm chậm vào mắt, bà cười vui. - Tôi có nhiều người bạn rất tốt… Họ hiền lành, tử tế và giúp đỡ chúng tôi tận tình. Họ đối xử với tôi và hai đứa con của tôi như người trong gia đình. Aaron rất thích chả giò. Nó nói đó là món ăn ngon nhất thế giới… Đợi cho tôi uống cạn ly nước lạnh, Amy đứng lên cười thốt. - Tôi mời ông đi dạo một vòng quanh nông trại cho tiêu mất miếng sandwich để tối nay khi dùng cơm tối ông sẽ gặp tất cả mọi người trong đại gia đình của tôi… Không có ý kiến gì về lời mời của Amy, tôi song hành với bà ra cửa bên hông. Tại đây có con lộ nhỏ bằng đất chạy về phía khu rừng thưa cách nhà không xa lắm.