Tôi ngập ngừng mãi rồi cũng cho Đông biết, tôi có một đứa con gái sau khi chàng bỏ đi, Đông nghe im lặng, tôi tránh mắt Đông, nhìn sang khóm cây bên kia đường đang vật nghiêng bởi cơn gió mạnh, cơn gió nào đã thổi chàng về đây, có điều tôi muốn hỏi Đông khác kìa không phải nhìn thấy Đông vững chãi thế này, tôi hỏi: “Anh có lạ lùng. Hay thật” Chàng nắm tay tôi kéo mạnh vào hàng hiên: “Con người ta em nuôi, con anh em giết” Câu nói như một gáo cường toan đổ xối lên người tôi xính vính. Tôi lặng người khi nghe bước chân Đông chạy hối về phía trước. Một khoảng khắc bỗng trầm thống và lo sợ bủa vây lấy tôi như hàng trăm mũi nhọn đang đâm vào da thịt -tôi vụt chạy theo Đông, gọi chàng ầm ĩ nhưng không nhìn thấy Đông nữa... Chẳng hiểu sao tôi lại cho chàng hay những biến đổi quá rõ về quãng thời gian Đông đi biệt mà chi -Sự trở lại của chàng không làm ấm lại những ngày tháng nhớ nhung cùng vơi đi hết niềm thù hận hay sao... (Người đàn bà có quyền chọn lựa một đứa con) Người nữ bác sĩ nói với tôi, sau khi tôi đã làm xong một việc, việc từ chối một đứa bé, bà ta nói chuyện qua rồi, cô còn khóc mà chi, ở đời thiếu gì cảnh như cô, cô là đàn bà, cô sẽ có một đứa con khác, cô có biết, đàn bà mình hơn đàn ông ở chỗ, chắc chắn nó là con mình, nó nằm trong người mình mà, còn đàn ông hả. Có khi họ nhận vơ đó... Tôi gặp bà bác sĩ này, sau khi tôi nổi cơn tảo trí, bất thường khi Đông đi được nửa năm, ngày tháng đó tôi như con thú nhỏ đầy thương tích, khốn cùng, chị Anh bỗng xuất hiện trong đời sống tôi, người nữ bác sĩ tâm lý, độc nhất.
Mở phòng mạch trong cộng đồng người Việt, ế khách quanh năm, nhưng chị có vẻ thích hoạt động trong lãnh vực xã hội, tôi gặp chị qua sự giới thiệu của chương trình y tế địa phương, ngày đầu tiên khi Mỹ Lan cô bạn gái đem tôi đến phòng mạch, tôi đã dẫy nẩy không chịu vào, tôi nói với Mỹ Lan tôi sợ bị bà ta lầm tống tôi vào nhà thương điên, nhưng khi chị Anh ra đem tôi vào ghế, tôi đã nhìn thấy nét tin cẩn trong đôi mắt chị. Ngày đó, tôi nhớ, chị nhìn tôi dò xét rồi chê bai cả con người tôi, nhìn kìa, quần áo cô luộm thuộm, áo đỏ mà cô mặc quần xanh, cô có điên không, tôi lắc đầu -không điên- Chỉ nhức đầu, không ngủ. Không nhớ gì mấy. Mỹ Lan thì kể lể thêm ngọn ngành, nó thêm bớt là tôi nói lộn xộn dữ lắm. À cô ấy biết mình nói lầm mà vẫn nói chứ gì. Như cái mũi mà gọi là con mắt, cái tay cô gọi cái chân, ai chả vậy, có khi tôi cũng bị lầm lẫn như thế, bây giờ cô phải tập lại, tập nói cho đúng... Sau những ngày tập nhớ lại, tập không nhức đầu, tập đi ngủ, phòng mạch chị tôi đã bớt dần đi lại, tuy vậy hình ảnh Đông vẫn đâu đó, chập chờn trong lòng tôi như cơn mưa thinh... hoặc rơi lộp độp trên mái nhà, xa hơn nữa là tiếng cười nói của chàng còn y như ly rượu vang dụ hoặc. Bệnh nhức đầu, mặc cảm, tự khổ đã không còn trong tôi nữa, tôi chắc chắn với chị Anh vậy, có chăng tôi bỗng thèm muốn một đứa con. Sau hai năm Đông đi khỏi, để giảm đi lòng hối hận, dày vò, tôi muốn làm một việc, kễ ra cũng hơi khó nhưng mà vào tháng tám năm đó, chị Anh giúp tôi hoàn tất, chị bảo chị chẳng làm cho ai, chỉ vì tôi. Buổi sáng chị bơm cho tôi đầy một ống nhỏ, Mỹ Lan thì đứng cạnh chị dặn dò -Cẩn thận nghe không con Mỹ là bỏ mẹ nó, tôi nói -tôi muốn đứa con nguyên chất Á đông, giống như Đông vậy. Chị Anh bực bội khi nghe tôi nhắc đến tên Đông, còn Mỹ Lan thì che mặt cười, chị Anh bảo đảm khi xong việc, mọi sự sẽ hơn là điều mong ước nữa kìa. Quả đúng như lời chị nói, khi bé Hạ ra đời nó xinh đẹp lắm. Chị Anh mê nó hơn tôi, chị không nói ra nhưng nhìn chị, tôi hiểu chị đã coi mình như người sáng tạo ra nó, giờ tôi không còn là bệnh nhân mà thành người thân thuộc của chị, chị nhận bé Hạ làm con nuôi, chị săn sóc, cấp dưỡng cho nó, có lần tôi hỏi, chị đào đâu ra ống lăng quăng đó, con bé có vẻ giống Nhật hơn Việt Nam. Chị bảo không, nó giống tôi, rồi chị đẩy tôi đứng trước gương chỉ chỏ. Nhìn kỹ nhé, mỗi thứ nó đẹp hơn cô một tí, nên nó thành đẹp hơn chứ nó giống y hệt cô, chẳng có gã chết tiệt nào làm ra nó được, chỉ có cô, một mình cô thôi, hiểu chưa đạ hiểu- Tôi trầm mình vào lời dạy dỗ của chị, chị nói gì tôi cũng thấy đúng cả. Bé Hạ ra đời bằng sự nhiệt tâm của người nữ, bác sĩ tâm lý và tôi, bé hoàn toàn không dính líu vào một người cha.
Thời gian không phải mãi nhốt kín nỗi u hoài, mà để lướt qua bao sóng gió, cho tôi còn tồn tại với tình thương nỗi nhớ -bên cạnh tôi bé Hạ vươn lên tươi trẻ, mỗi tuần tôi đến chị Anh đón con về một ngày, hai mẹ con dẫn nhau ra vườn, chỉ cho nó xem từng chiếc lá mới mọc và dạy nó nói, mới hai tuổi bé Hạ đã biết nói khá sõi... Cho đến một ngày, có trời mà hiểu khi Đông ở đâu hăm hở trở về tìm tôi, sau khi chàng kiếm cớ và vu cho tôi bao chuyện oan nghiệt để ra đi, khi thấy Đông ở phòng khách, tôi đã giật mình kẻ mà tôi thù hận, đang đứng mỉm cười, tôi nhớ rõ mấy năm về trước, Mỹ Lan còn treo ảnh Đông lên tường rồi bảo tôi phóng những mũi tên lên người cho nát bấy. Ai dè Đông vẫn còn sống hiên ngang ghê chưa, thế mà chị Anh và Mỹ Lan quả quyết Đông đã không còn, “này nhé mày cứ băm nó, nguyền rủa nó cả năm trời, nó sống sao nổi”. Một mối tình có đoạn kết đau thương đến thế, người đàn ông bạc bẽo, bị cô nhân tình phóng hàng trăm mũi tên lên người, mũi nào đã trúng tim anh -tôi nghĩ đến hàng đêm rồi buồn day dứt. Bình minh đã chiếu sáng khắp nơi, vài tia sáng dọi vào chỗ Đông nằm, tôi bước thật nhẹ về phía phòng khách, Đông ngủ ở đó đêm hôm qua, tôi cúi xuống, cầm tay Đông áp vào mặt, hơn bốn năm dài còn gì, trong tôi vẫn còn lưu luyến vô cùng. Khi Đông tỉnh dậy, chàng hỏi -Mấy giờ rồi em. Tôi không nói, Đông đưa tay vò rối làn tóc tôi vừa rũ lên mặt, hình như Đông đang suy nghĩ điều gì, ý nghĩ này khiến tôi lo ngại, lý do nào chàng lại tìm về, niềm hối hận, bị kẻ khác ruồng bỏ, đang bị thất nghiệp, những câu hỏi kể ra toàn là những điều đáng thương xót phải không...
Cơn mưa dai dẳng cả buổi sáng, cũng may khi cùng Đông ra phố thì mưa cũng vừa dứt hẳn, chàng cầm tay tôi hôn -anh rất nhớ em. Câu nói tỏ ra âu yếm nhất của chàng khi cuộc gặp gỡ trở lại và trước vài giờ khi tôi kể cho Đông nghe về bé Hạ, đứa con gái ra đời bằng cách chọn lựa của của tôi. Chàng nói thẳng không tin và tôi trở về nhà nằm vùi hai ngày trời, xung quanh phòng đầy những câu hỏi, tôi học ở đâu những thắc mắc về thân phận con người, của nợ nần, của trả kiếp, ai nhồi vào đầu tôi bao câu hỏi to tát như vậy. Tôi lẩm bẩm đọc lại bài thơ Mỹ Lan làm, bài thơ có câu kiếp xưa, người ta có kiếp hay sao, và bao nhiêu kiếp thì lạc nhau vĩnh viển, không, tôi đã lạc chàng ngay từ kiếp này... Tôi lại mò đến phòng mạch chị Anh xin thuốc ngủ, rồi đi lang thang trong công viên, nhìn bầu trời cao vời vợi, lơ lững đám mây xanh vờn nhau lặng lẽ và đám hoa tường vi nở rộ một màu hồng, một vài người da đen ngồi im lìm nơi ghế đá, không khí tỉnh mịch, dễ chịu, tôi thơ thẩn trong công viên cho đến chiều tàn. Khi bước vào nhà trời đã sâm sẩm tối, mùi thuốc lá Đông hút như còn đâu đó, cả cái gạt tàn còn bừa bộn, tôi ngồi thừ người cố gắng tập không nghĩ gì cả, dù cây sầu đông, cây cau, cây chuối bỗng mọc um tùm trong óc tôi, quái nhỉ mỗi lần tôi tập trung để quên điều gì thì lại thấy mấy loại cây mọc đầy sau sân nhà bà ngoại tôi hồi thủa bé... Tôi ngủ thiếp đi rồi choàng dậy sau một cơn mơ quá hãi hùng, thằng bé con ai chạy quấn theo tôi gọi là mẹ, mắt nó sưng tím như quả cà, tôi đẩy nó văng tuốt xuống đất, vậy mà một hồi nó lại nằm bên tôi dang hai tay, mắt sáng như lân tinh, tôi hét lớn rồi chạy ra khỏi phòng. Lại thức cho đến sáng (mẹ đừng khóc) bé Hạ nói rồi xoa lên mắt tôi, tôi bật cười ôm chặt nó vào người. Anh tôi dẫn nó đi chơi mới về, nó còn nhỏ vậy mà cũng hay để ý, chắc nó thấy tôi buồn, anh tôi la, tôi với Đông vớ vẩn làm phiền sang mọi người, đã vậy tôi lười biếng không chịu giúp đỡ anh trông nom cửa hàng, anh than công việc chỉ có một mình anh, bố mẹ giờ già cả, tôi cúi mặt xin lỗi. Rồi lấy quyển sách thiếu nhi, đọc cho bé Hạ một đoạn, nó lặng nghe thích thú...
Bây giờ trời đã cuối xuân, bầu trời như trong hơn và nắng nhiều hơn thêm, hai bên đường của khu Briar Forest những cây hoa dogwood trổ một màu trắng hoang tàng là lạ, hàng hoa dài suốt cả dọc đường, đã bao năm qua, tôi vẫn lái xe đi ngang qua đây để biết hôm hoa nở rộ, để nhớ các cành hoa cao thấp và để lòng ủ ê nỗi khát khao vì đâu, mỗi tuần tôi làm bốn ngày ở tiệm bán vải của bố mẹ, khi bước vào tiệm thân thể còn váng vất với thuốc ngủ. Cô bé phụ việc cằn nhằn tôi đến trễ, tôi cười trừ rồi ngồi vào bàn tính toán cộng số tiền thu nhập, ngoài đường chợt ầm ĩ tiếng động, ai biết động đất nơi nào mà bọn Lesbian đang hùng dũng xuống đường đòi được lập hôn thú, họ ăn mặc lạ kỳ, có vài kẻ tôi không nhận rõ ra đàn bà hay đàn ông, họ đứng chắn ngang giữa đường tay cầm cái bảng viết lằng nhằng những chữ, nhóm nhà báo cầm máy ảnh, chạy qua chạy lại như giặc, khi nhóm phụ nữ thứ hai đòi tự do phá thai đi từ bên đường, xiêm áo luộm thuộm, gào to với chiếc loa “xin đừng đạo đức giả, chết đi bọn giả hình” cái khung cảnh bất ngờ làm tôi hoa mắt, cho dù nhóm chống phá thai mặc toàn màu trắng đứng lặng lẽ ở một góc, tôi đứng thừ người nơi cửa kính, thiên đường, địa ngục, nơi đâu, một phụ nữ áo trắng chạy xồ ra đứng vẫy tôi rối rít, trời đất ai xui khiến Mỹ Lan cũng tham dự cuộc xuống đất vậy kia, tôi nhắm mắt, ngồi bệt xuống, chiều vội tàn, một góc phố như chìm lắng vào cõi khác, tiếng chân người thưa thớt, lẫn tiếng xe uể oải xa dần, tôi mở cửa tìm Mỹ Lan nhưng không thấy nàng, có lẽ Mỹ Lan đi theo họ về con phố khác, đàn bà coi vậy mà muôn mặt, họ có kém gì đâu. Một lần tôi hỏi Mỹ Lan sao không đi theo họ, nàng cười -không được, tao muốn lập một giáo phái nữ thánh mà con cái phải theo họ mẹ- hay chưa, đàn bà mỗi ngày một khôn hơn, và xã hội đang cần tạo ra vài điều khác mới mẻ để nếp sống đỡ nhàm chán, thật không? Tôi vẫn đồng ý với bạn, riêng tôi thì cứ ù lì, Mỹ Lan bảo tôi lười biếng, ỷ y, thây kệ tôi là lớp hoa lục bình, mặc nước cứ đẩy đi xa tắp, xa tắp, ai hay...
... Tôi lại tìm Đông vào cuối tháng Chạp trong năm. Con đường đến nhà chàng ở, hàng cây bên đường còn vàng úa màu lá, Đông đứng đợi tôi ở đầu ngõ, khuôn mặt đẹp đẽ, tôi che mắt cười.
“Thôi, em đừng cười nữa.”
“Sao?”
“Anh biết rồi.”
Tôi mỉa mai - đừng lo, chúng ta còn vài chục năm để kiếm chuyện.
Đông cầm tay tôi, bàn tay chàng lạnh ngắt, anh dẫn tôi đi dưới các mái hiên thẫm tối. Cả một buổi bên nhau, anh nói tôi thay đổi nhiều, và khó tính, không giống hồi xưa. Hồi xưa để anh ăn hiếp hay sao -thôi bỏ qua đi em- tôi cúi mặt cắn môi, cảm giác đau đớn, thú vị, làm sao ai hiểu, tôi muốn nhìn anh buồn phiền và cô quạnh như, như thế này, căn apt nhỏ xíu, để vừa cái giường, bàn viết và tủ sách, những quyển sách ngổn ngang trên bàn và nằm đầy dưới đất, cái tựa lạ lẫm với tôi, tác giả ở mãi đâu đâu và tập giấy chàng viết dở dang, ừ Đông cứ chết dấp trong cõi sách vở của chàng, những cuốn sách làm đau đớn con người thì nhiều, khôn thay Đông cứ ngụp lặn với nó, tôi lấy chân đá chồng sách tuốt vào gầm bàn, em ghét nó - đừng em- Nó lấy hết thì giờ, mấy năm qua cũng chỉ vì đống giấy này đây, thôi em -em cứ đổ thừa, chàng cúi xuống ôm lấy chân tôi năn nỉ - đâu có gì là quá đáng. Có phải vậy không?
... Khi Đông dẫn tôi ra khỏi rạp hát, phố đã lên đèn, nhân vật trong phim làm rộn lòng tôi, người đàn ông chết vì một lưỡi gươm của thằng con ít, người đàn bà chết vì người đàn ông, rốt cuộc người ta chết vì nhau mà có ai ngờ, tôi ôm tay chàng nói nhỏ -em rất buồn, chàng vỗ về, thật ra chàng chưa hiểu trong tâm hồn tôi đã quá nhiều uẩn khúc dù tôi đã cố gắng, kể cả tìm ra một đứa con để xếp đặt lại tất cả, khi chia tay ở trước cửa, Đông im lặng hôn lên môi tôi bỏ về, có tiếng chim kêu thảng thốt trong bóng tối, con chim gọi bạn hay vừa lẻ bạn, điều nào cũng day dứt lòng người, quanh tôi giờ vẫn là ngày ngày lẻ bạn, đi làm và nhớ Đông, tìm kiếm và xa lánh... Vào giữa năm Đông phải đi làm ở một tỉnh xa, tôi nghe tin bỗng đau nhói, linh tính cho tôi biết, tôi sẽ mất chàng, khi đứng nhìn xe Đông chạy khuất khỏi quãng đường, tôi bật khóc cho dù tôi biết tôi muốn thế, có những chuyện người ta đau khổ vì nhau nhưng không thể sống bên nhau, người ta thương nhớ nhau, người ta mãi mãi tiếc nhau mà người ta vẫn cứ xa nhau, tôi đã chọn con đường mất anh, để mãi mãi ôm ấp trong tim nỗi day dứt bí mật, thà như vậy... Mỹ Lan hỏi có phải mày lỡ xem Đông như một kẻ thù, có phải mày không thể sống với kẻ thù hay là mày trả thù, tôi không nói, nước mắt tuôn xuống tay bạn, một năm như thế, cho đến ngày tôi đi lấy chồng, Kiên người đàn ông giản dị, anh chẳng cần tìm hiểu mấy về tôi, anh chỉ biết tôi là của anh, im lặng và chịu đựng, yên vui và đồng tình, khi về ở với Kiên, sống đầy đủ đến nỗi Mỹ Lan bảo nàng ghen tị, tôi đề nghị -Vậy mày ở lại đây, mày có thể chia xẻ tất cả, kể cả ông chồng- Mỹ Lan cười ầm lên ôm chầm lấy tôi -Mày đùa dai quá, tao là bà thánh mày quên sao... Khi tôi sanh đứa con trai, bé Hạ đã tám tuổi, chị em vẫn có nét giống nhau, Kiên đổi khai sinh cho bé Hạ để chị em có cùng một họ. Kiên tốt lắm, anh biết tôi có một mối tình và người ấy đi biệt, mỗi ngày tôi tìm cách tĩnh lặng một mình, cho niềm riêng tư được sống còn, khi tôi lặng lẽ đứng ở căn phòng trên lầu cao nhìn theo ánh mặt trời về chiều vàng vọt chiếu hắt lên mặt kính cửa sổ, cho đến khi biến mất, giây phút thầm lặng ấy là của tôi nhớ Đông, cho dù tôi không bao giờ mong mỏi gặp Đông nữa, cả đời này và kiếp sau. “Còn gì nữa đâu mà phải khóc nhau”, lời bài hát ai viết loen trên giấy học trò, còn nhớ, rùng mình như vệt máu, thỉnh thoảng Mỹ Lan lại chơi, hai đứa kéo lên cái phòng riêng trên lầu này... Vừa rồi Mỹ Lan đem đến hai quyển truyện Đông vừa xuất bản, có vài câu chàng ghi (đoạn này cho Th) tôi hiểu tôi là một đoạn của chàng, một đoạn chông gai, những quyển sách được Mỹ Lan xếp bên cạnh lọ hoa ở góc bàn, tôi sẽ không đọc lại nữa đâu...
... Hơn chín năm qua nữa, hai đứa con tôi đã lớn, bé Hạ vừa bước vào đại học, tháng trước tôi và Kiên có dẫn con đi xem trường, con gái tôi xinh đẹp, thông minh, chị Anh, tôi và cả nhà đều thương nó. Bấy lâu nay tôi ít đi đâu, nghe nói cơn bão nhỏ tháng trước làm tơi tả dẫy hoa Dogwood trên đường Briar Forest, những cành hoa gẫy rụng làm trắng suốt mặt đường... Và Mỹ Lan giờ đã về ở hẳn với Đông. Nàng bảo Đông không muốn viết lách, tốt thôi. Tôi cười dò xét, tôi muồn kiếm ra điều gì bất ổn ở Mỹ Lan vì đâu nàng làm được điều ấy, Mỹ Lan có thể sống bên Đông ư -còn tôi- nàng không nhớ đến sao- khi tôi cầm chặt tay Mỹ Lan chạy lên lầu, hậm hực. Nàng dằng co, nói rên rỉ -mày đừng ghen với tao, chúng mình già cả rồi, tất cả chẳng còn gì để mà giận hờn, để mà phóng đãng- Tôi ngồi thụp xuống bậc thang ôm mặt, Mỹ Lan thì thầm -Tao thương yêu cả hai. Cả mày và Đông -Không- Tôi không muốn nghe Mỹ Lan nói nữa, tôi chạy về phía cửa sổ, dang tay ôm lấy vạt nắng, ánh mặt trời vẫn còn đó, còn đó chưa tàn, nhưng Mỹ Lan đã chiếm đoạt mất của tôi kỷ niệm còn đâu...
... Tôi lại một mình lên căn lầu cao nhìn về phía mặt trời, thời gian đến rồi đi vùn vụt, chìm theo những cơn mưa và gió lạnh, thỉnh thoảng mặt trời trốn tránh về mãi nơi xa, ánh nắng yếu ớt rọi chẳng thấu lòng đời, tôi vẫn chờ đợi cơn nắng chói ngất ngây trên mặt cửa sổ cho mồ hôi ẩm trên mặt tôi thấm lên cửa kính, ôi, những cơn nắng Houston cháy bỏng trên da người, tôi say nắng như tôi say quá khứ, cho dù Mỹ Lan cố tình làm mờ đi dấu tích đời tôi, hôm qua Mỹ Lan giữ tôi thật chặt không cho tôi nhảy xuống lầu này, trên má tôi còn hằn dấu tay nàng, nàng khóc -Tao làm vậy cho mày tỉnh, mày ích kỷ, mày thù dai quá. Cả chục năm, mày chẳng nghĩ đến ai, không, tôi đang nhớ đến mọi người đây, nhất là Mỹ Lan, bà thánh dẫn Đông ra khỏi nỗi cô đơn, nàng nói thế cho dù tôi có nhốt Đông bằng chục lần cửa khóa, nàng vẫn tìm cách mở cho Đông ra, Mỹ Lan thì thầm chẳng có bóng nắng nào cứu được con người, câu nói nằm ngất trong lòng tôi xúc cảm... Còn có ai, nào có ai tìm thấy những tia nắng hắt vỡ vụn trên hiên cửa cùng tôi ngoài Mỹ Lan. Nhưng nàng đã lấy đi tất cả rồi, tôi bàng hoàng chạy xuống nhà, Kiên đã về tự lúc nào, đang chờ tôi ở dưới chân thang, tôi ôm chặt lấy anh sợ hãi, bàn tay Kiên vuốt trên mắt tôi ứa lệ, cơn say nắng như dừng lại, chập chờn ẩn miết vào tâm trí, mặt trời lặn mất từ lâu, có điều tôi muốn nhắn với Mỹ Lan những tia nắng cũ giờ nàng đã đem nó về đâu.