Tập 1

Hoàng Tuân vừa ra khỏi khu vực cách ly, trên tay hai chiếc vali nặng nề. Anh dõi mắt nhìn quanh. Sân bay Tân Sơn Nhất lúc này đông nghịt người, đủ màu sắc của quần áo nam nữ, người lớn, trẻ em nhao nháo như ngày hội. Kẻ đón thân nhân ở xa về, người đưa tiễn kẻ ra đi dồn dập. Kẻ qua người lại như con thoi. Tuân ngồi trên một bệ xi măng, tay nắm chặt hai quai xách vali. Thư nào Tuân cũng được mẹ dặn:

"Khi nào con về nhớ báo cho gia đình biết, tình trạng trộm cắp ở đây tinh vi lắm!"

Mẹ anh biết tính con làm gì cũng khác thường nên kỹ lưỡng dặn dò khi biết Tuân có ý định quay về nhà. Cũng như hôm nay Tuân có mặt tại quê nhà, nhưng anh không báo cho một người nào trong gia đình biết. Anh muốn mẹ và các em vui bất ngờ. Tuân nghĩ như thế mẹ sẽ không vất vả vì lo lắng chuẩn bị đón.

Tuân xa nhà đã lâu, gần mười lăm năm trời, nay mới có mặt tại quê nhà. Tất cả đã thay đổi. Giờ đây nhìn quanh, Tuân thấy nhân viên sân bay mặc đồng phục, kể cả những người bốc xếp, xe đẩy hay hướng dẫn viên du lịch cũng thế. Họ vui vẻ niềm nở giúp đỡ nếu khách hàng yêu cầu.

Hoàng Tuân mải ngắm người qua kẻ lại với những suy nghĩ riêng tư của mình mà quên đi thời gian sắp tắt nắng. Một nhân viên mặc sắc phục xanh đến bên Tuân, hỏi:

− Anh đợi người nhà?

Tuân nhìn anh ta cười nói:

− Không! Tôi... À! Anh có thể giúp tôi gọi một taxi không?

Người nhân viên có bảng tên trên ngực tên Quốc nhìn anh, cười:

− Nếu tôi không hỏi chắc anh ngồi đây đến tối?

Cả hai cười vui vẻ. Quốc hỏi:

− Nhà anh ở đoạn nào?

− Đường Đồng Khởi.

Quốc gật gù trả lời:

− Hình như khách hôm nay đông hơn mọi ngày nên không còn thấy chiếc taxi nào. Để tôi gọi cho anh chiếc khác ở ngoài vậy. Anh ngồi đợi một chút nhé!

Quốc bấm số điện thoại di động gọi rồi tạm biệt Tuân. Tuân đứng lên bắt tay Quốc và cảm ơn sự giúp đỡ của anh.

Chưa đầy hai mươi phút thì taxi đến. Ngồi trên xe, Tuân hình dung ra mẹ và hai em trai sẽ vui mừng biết bao khi Tuân có mặt ở nhà bất ngờ. Mẹ anh thường viết thư kể về gia đình: Hoàng Tú, em trai kế của Tuân có vợ một con, thằng út Hoàng Tùng học ra trường cũng sắp lập gia đình.

− Chúng nó không làm mẹ vui, tự ý chọn lựa bạn và tự ý lấy nhau. Mẹ già rồi mà chúng không nghe lời, mẹ chỉ còn trông chờ vào con. Nếu con không lập gia đình bên ấy thì về đây mẹ giới thiệu chỗ tử tế cho.

Đang suy tư, chợt anh tài xế hỏi:

− Này anh! Nhà anh ở đoạn nào?

Hoàng Tuân giật mình ngẩng nhìn lên. Anh dáo dác một lúc rồi reo lên:

− Kia rồi! Anh tới một chút nữa đi... cảm ơn.

Xe ngừng, anh lái xe bước xuống mở cốp đem hai vali đặt dưới đất cho anh rồi hỏi tiếp:

− Xa nhà bao lâu rồi?

− Mười lăm năm hơn!

− Lâu thế à! Sao anh không gọi người nhà ra sân bay đón?

Tuân cười thích thú:

− Bất ngờ vui hơn.

Rồi anh đưa tay bấm chuông. Một lúc sau, tiếng dép, tiếng lách cách của sắt va chạm nhau, sau cùng cánh cổng cũng mở hé. Tuân nhận ra cái đầu tóc cứng quăn của Tùng, em trai út anh. "Nó lớn thật".

Tuấn gọi to:

− Tùng! Tùng...

Nó nhìn người tài xế và nhìn Tuân chưng hửng. Nhận ra anh mình, Tùng đẩy cửa và reo lên:

− Á... Anh Hai... Trời ơi! Anh Hai về...

Họ mừng rỡ ôm nhau, người lái xe nhắc nhở:

− Coi như nhiệm vụ của tôi đã xong, các cậu nhận vali và cho tôi tiền xe.

Tuân như nhớ ra và nói với em:

− Tiền xe ba chục ngàn, em lấy tiền trả cho họ đi.

Tùng vui vẻ nói với anh tài xế:

− Anh đợi một chút, có người đưa tiền ra ngay. Thông cảm nghen, tại anh tôi mới về, chắc là không để tiền ở túi.

Tùng xách hai tay hai vali và nói với anh mình:

− Anh vào nhà. Em còn trả tiền xe cho anh ấy đi.

Tuân chào người tài xế:

− Cảm ơn anh nhiều nghen.

Anh lái xe cũng vui lây, hóm hỉnh xen vào:

− Mau... mau! Hay vào nhà mừng quá lại quên mất tôi đang đứng chờ ở đây.

Tùng huơ hai tay trước khi cúi người đẩy xô cửa:

− Yên trí! Yên trí! Ra ngay! Ra ngay!

Căn nhà to lớn vắng lặng không một ai ngoài hai anh em Tuân. Tùng lấy tiền ra trả cho xe. Còn một mình giữa căn phòng khách to rộng, Tuân nhìn quanh thầm nghĩ: "Vẫn như xưa".

Chùm đèn treo lơ lửng trên trần. "Nó vẫn hiện diện với vị trí ấy". Ngày xưa còn bé, ba anh em Tuân thường quăng dây thừng như những người leo núi, móc qua những nhánh đèn cột chúng lại, đu như các "Tarzan" đu dây, dù bị đòn biết bao nhiêu, thế mà vẫn không chừa. Tấm tranh cổ mẹ đem từ Bắc vào nay được thay khung khác, ai nhìn vào cũng định được giá trị của nó. Mẹ nói nó còn hơn cả tuổi ông cố ngoại, vật kỷ niệm duy nhất còn lại khi ông làm hương chức trong làng, được những tàu buôn bán đường dài biếu ông làm quà. Chiếc dương cầm cũ kỹ mà bố mua tặng mẹ khi hai người yêu nhau. Mẹ quý nó hơn tất cả tài sản khác cho dù hiện tại mẹ và bố đã xa nhau.

Bất giác Tuân thở dài nghĩ đến hai người thân yêu kính mến của mình. Lâu lắm rồi không có tin tức bố. Tuân không được mẹ nhắc nhở đến cho nên anh không thể hình dung người cha qua trí nhớ được.

Còn mẹ và các em ở đây luôn gởi thư và hình qua, nên vừa thoáng thấy Tùng, Tuân đã nhận ra.

− Anh đang nghĩ gì vậy?

Tùng nhìn anh lên tiếng hỏi, Tuân lúng túng:

− Ơ... ơ... nhà đi đâu hết rồi em?

− Vợ chồng anh Tú đi trực bệnh viện chưa về. Cu Tí gởi nhà trẻ, khi nào anh chị về bế về luôn.

− Họ giữ trẻ đêm à?

− Không! Nhà trẻ bệnh viện nên có chế độ cho nhân viên của họ.

− Thế cũng tiện nhỉ. Còn mẹ đâu?

− Mẹ đến chỗ mấy bà bạn đánh bài.

Tùng nhìn đồng hồ:

− Có lẽ sắp tan sòng rồi, may ra tối nay mẹ về sớm.

− Mẹ vẫn mê bài thế à?

Tùng thở dài:

− Biết giải trí gì bây giờ? Em hỏi anh nhé! Chúng em đi suốt ngày, mẹ buồn nên phải đi chơi thôi.

− Mẹ còn huê hụi gì không?

− Còn. Nhưng để con bé người làm nó đi thu gom giùm.

− Giao cho người làm à? Nó bé tí ư?

Tùng cười:

− Gọi là bé vì cô ấy... chưa có chồng. Nó tên Diệu Thủy. À! chắc sắp về rồi đấy. Mẹ tin như tin con, giao hết cho nó.

− Vợ chồng Tú ở luôn đây?

− Dạ, nhưng mẹ cất căn nhà cuối vườn cho anh chị ấy. Coi như chung mà lại riêng.

− Sao lạ vậy?

− Anh còn lạ gì tính mẹ. Nói mẹ nghe được mẹ giận chứ... Mẹ càng già càng khó.

− Còn em sao rồi Tùng?

− Em định cuối năm lấy vợ. Cũng giống như anh Tú, mẹ sẽ cất một căn nhà riêng như thế cho chúng em... rồi... mạnh ai nấy sống.

Tuân nhướng mày:

− Út phải ở nhà lo cho mẹ chứ!

Tùng nhún vai:

− Em nhường cho anh đấy! Mẹ kỳ lắm, ở lâu rồi anh sẽ thấy.

Nhìn gương mặt u buồn của Tùng, Tuân cũng đoán được cách đối xử của mẹ với hai em. Anh lảng sang chuyện khác:

− À, Tùng nè! Tụi em có thường ghé thăm bố không?

− Ơ... ơ... em không có thời gian!

Tuân trừng mắt ngạc nhiên hỏi:

− Kể cả ngày lễ, ngày chủ nhật à?

Tùng rùn vai trả lời:

− Biết làm sao được anh, mẹ không vui khi chúng em đến đó... À! Lần này anh Hai về lâu không?

− Chưa biết! Anh của em vui ở lại, buồn đi sớm.

Tùng trêu anh:

− Anh trai em đẹp ghê, về đây chắc khối cô mê. Anh biết không, anh về đây chắc có giá lắm, vì lấy chồng Việt kiều ai mà không thích!

− Em làm như mua bán vậy, ở đó mà giá với cả. Anh già rồi, ai thèm.

Tùng cười to:

− Anh đừng lầm nghen, bây giờ có lắm cô chỉ biết mê đôla thôi! Họ thích... chân trời xa, còn cái người đưa họ đi chỉ là phương tiện thôi.

− Không yêu thương à?

− Anh Hai ơi! Ngàn cặp mới có một cặp yêu nhau thật sự.

Tuân nhún vai:

− Thế thì ở vậy có lẽ nhẹ mình hơn.

Chợt có tiếng chuông gọi cửa, rồi tiếng dép đi vào nhà xào xạc. Tuân nhận ngay âm thanh quen thuộc được tạo ra bởi dáng đi của mẹ. Anh đứng lên nhìn ra cửa, bà Quỳnh bệ vệ đi vào. Nhác thấy bóng con, bà mừng rỡ nhưng mếu máo:

− Con... con về sao không báo cho mẹ biết?

Tuân ôm mẹ vào lòng, anh cũng khóc, vì quá lâu mới gặp lại mẹ, người mà anh yêu thương nhất trên đời. Ngày Tuân ra đi, mẹ chỉ mới bốn mươi mấy tuổi, thế mà giờ đây Tuân thấy mẹ già đi quá nhiều, tóc bạc gần hết dù mẹ có mập mạp lên đôi chút.

− Mẹ khoẻ không hả mẹ? - Anh hỏi.

Bà gật đầu:

− Mẹ khoẻ. Con về ở luôn đây chứ?

− Con không biết nữa, nếu vui con ở lại và lập cơ sở ở đây... và... con cưới vợ mẹ nhé.

Bà Quỳnh tươi ngay nét mặt:

− Đúng đó con. Lớn tuổi rồi phải yên bề gia thất mới làm ăn được chứ! Mẹ...

Bà Quỳnh bỏ lửng câu chuyện muốn nói ngồi xuống ghế ngắm con:

− Con mập hơn trước nhiều quá.

Có tiếng xe hơi chạy vào sân, bà Quỳnh không nhìn ra đã lên tiếng:

− Thằng Tú và con vợ nó về tới đó. Tùng! Con ra cho vợ chồng nó hay vào chào anh Hai đi con.

Tùng đứng trước thềm ngoắc tay gọi:

− Anh Tú!

Tú nhảy chân sáo đến bên em hỏi:

− Gì vậy?

− Anh Hai về!

− Đâu? Sao bất ngờ vậy?... Nguyệt! Nguyệt ơi, ẵm con vào đây em!

Tuân nhìn thấy đứa em trai hay phá phách nhất nhà... Ngày xưa, trong ba đứa, Tú là người hay bị đòn nhiều nhất, thế mà giờ đây nó lại chững chạc ra phết.

Tú nhìn anh reo lên:

− Ồ, anh Hai! Anh làm chuyện gàn chưa từng thấy. Chắc về đến nhà phải đứng ngoài cổng cả buổi chứ gì? Có lấy ai ở nhà mà mở cổng cho anh đâu?

Tùng lên tiếng:

− Ông ấy khôn lắm! Vừa khi em về nhà được hơn năm phút.

Họ càng vui vẻ cười. Tú đẩy vợ đến trước mặt Tuân và nói:

− Đây là Ánh Nguyệt vợ em, làm cùng nghề. Tụi em công tác chung trong bệnh viện.

Ánh Nguyệt chắp tay chào mẹ chồng:

− Con chào mẹ!

Rồi cô quay sang Tuân:

− Em chào anh Hai.

Bà Quỳnh ngó lơ, Tuân nhìn thấy, nhíu mày nhìn mẹ, rồi anh lên tiếng hỏi để Nguyệt không ngượng với mình:

− Thím cũng là bác sĩ?

Ánh Nguyệt lắc đầu:

− Dạ không! Em là y tá...

− À, ra thế.

Câu trả lời của Ánh Nguyệt như đáp số cái nhíu mày của mẹ khi nãy.

Tuân hỏi tiếp:

− Công việc chẳng rảnh rỗi gì lắm phải không?

− Dạ, nhưng bệnh viện cho tụi em làm chung ca nên thuận lợi trong công việc sinh hoạt lắm, anh Hai.

Hoàng Tuân quan sát em dâu. Cô còn rất trẻ, gương mặt không đẹp nhưng lộ vẻ hiền lành. Tóc cắt ngắn nên nhìn khuôn mặt Ánh Nguyệt khá tròn trĩnh.

Tú xin phép mẹ và anh cho vợ chồng về phòng thay quần áo rồi lên tiếp chuyện sau. Hai vợ chồng Tú vừa đi khuất cửa thì bà Quỳnh hứ một tiếng lớn:

− Nhìn cái mặt là tao không ưa chút nào. Cũng tại thằng Tú nhà mình hết thảy.

Tùng chen vào:

− Con thấy mẹ mới là kỳ, chị ấy có làm cách gì mẹ cũng không vừa lòng được hết.

Bà Quỳnh nạt con:

− Mày im đi! Biết gì mà nói?

Hoàng Tùng phụng phịu nói:

− Con nói sự thật thôi mà. Cũng chỉ vì không muốn mẹ buồn nên anh ấy còn ở đây, chứ là con thì...

− Mày bỏ tao chứ gì? Nuôi chúng mày chỉ thêm phản.

Hoàng Tuân lên tiếng:

− Mẹ! Có chuyện gì mai mẹ nói với con. Con mới về, nên vui vẻ để các em nó tự nhiên hơn.

Bà Quỳnh giận dỗi:

− Mẹ có làm gì đâu, nhưng mẹ ghét đứa nào cãi lời lắm.

Rồi bà đứng lên bỏ đi vào trong. Như nhớ ra điều gì, bà quay người hỏi Tùng:

− Tùng nè! Con Thủy nó về chưa?

− Dạ chưa, còn sớm mà!

− Nó về, bảo nó lên gặp mẹ.

Tùng đợi mẹ đi khuất phòng khách liền nói với anh:

− Anh Tú lấy vợ không theo ý chọn của mẹ nên mẹ giận. Mai mốt chắc em cũng vậy.

Tuân nhìn em gật gù nói:

− Anh thấy cổ cũng hiền đấy chứ!

Tùng khẳng định:

− Đúng! Chị ấy yêu anh Tú lắm. Em chưa bao giờ nghe chị ấy cãi mẹ một lời. Mẹ nói xỉa nói xiên, vậy mà chị ấy im như hến.

− Để vài hôm anh nói chuyện ấy với mẹ... Còn vợ tương lai của em làm gì?

Tùng cười tít mắt:

− Làm cô giáo, nhà nghèo nhưng đẹp hết ý luôn.

Tuân hỏi:

− Thế mẹ có biết không?

− Mẹ không biết mặt, nhưng em không chỉ nhà và cũng không nói làm gì. Mẹ chỉ thấy dân giàu có, đẹp, có nghề nghiệp nào gọi cho nó sang và kêu lên một tí.

Hoàng Tuân cười:

− Không lẽ em giấu mẹ luôn?

Hoàng Tùng kể lể:

− Anh Hai biết không, ngày trước anh Tú quen chị Ánh Nguyệt mấy năm trời mẹ không biết, mẹ tự lựa dâu và bắt ảnh lấy. Anh Tú không nghe, tự ý chọn làm đám cưới nghèo. Mẹ giận một thời gian không nhìn mặt. Hai người sống ở ngoài cực khổ lắm nhưng hạnh phúc. Sau anh Tú và chị Nguyệt có con, mẹ mới kêu về và cho cất nhà ở phía sau đó.

Tú bước vào với bộ pyjama trên người trông thật mát mẻ. Anh lên tiếng hỏi vui:

− Mi nói xấu gì ta cho anh Hai nghe đó?

Tùng vờ đưa hai tay lên trời, nói:

− Em thề danh dự là chưa bao giờ nói xấu những người hổng tốt.

Tú chồm sang đấm vào vai em:

− Thằng quỷ nhỏ, lúc nào cũng giỡn được!

Tùng vừa tránh vừa la bai bải:

− Úi... úi! Em có nói gì đâu! Em chỉ nói sự thật cho anh Hai nghe thôi chớ bộ.

Cả ba anh em cùng cười vui. Chợt Tú quay sang Tuân, hỏi:

− Anh Hai về có quà cho tụi em không vậy?

Tuân gật đầu:

− Đương nhiên là có rồi, làm sao anh quên chuyện đó được.

Tùng reo lên:

− Hoan hô anh Hai! Thật tình nếu anh Tú không nhắc thì em cũng quên mất. Có quà là em mừng rồi.

Tú trợn mắt nhìn em:

− Già rồi mà như con nít, nghe nói quà là hai mắt sáng rỡ.

Tùng chu môi với anh:

− Em chưa có vợ là con nít chớ bộ.

Tú cười chun mũi:

− Hì hì! Chưa vợ mà hôn nhau cả tỉ cái, em làm như ngây thơ lắm vậy.

− Í ẹ! Anh Tú rình tụi em hả?

Tú nhướng cao mày nói:

− Chớ tụi bây hôn nhau trước mặt tao, bảo tao không nhìn à?

Tùng đỏ mặt:

− Từ nay phải canh phòng mới được, ghê thật!

Tuân cười, vỗ vai hai người em:

− Lên phòng với anh soạn đồ đạc cho từng người. À, Tùng nè! Bố vẫn ở chỗ cũ với người đàn bà ấy à?

Tú nói thay em:

− Hình như thế anh ạ!

− Sao lại hình như? - Tuân khó chịu - Em cũng không ghé bố à?

Tú vừa đi vừa nói:

− Anh biết rồi đó, em không có thời gian. Vả lại, mẹ không thích nên em có cớ không lui tới. Mà anh hỏi để làm gì?

− Anh có chút quà cho bố! Hôm nào tiện, chúng ta ghé thăm bố luôn thể.

Ba người ngồi xung quanh đống quà vừa tung ra từ hai chiếc vali to, từng phần quà cho mỗi người thân quen.

Tuân nhớ người này, Tùng bổ sung thêm người nữa, lâu lâu Tú lại nhắc thêm tên ai đó. Lúc đầu món quà từng người to, sau cứ bổ sung thêm một người, rồi mỗi phần... nó lại nhỏ dần, xẹp xuống theo tỷ lệ trí nhớ của ba anh em họ.

Sau cùng, Tuân đưa cho hai em:

− Anh cho Tú và Tùng mỗi đứa một ngàn đó, tụi em muốn làm gì thì làm. Tuy ít nhưng cứ cầm lấy mà tiêu đỡ. Sau này có thể anh thu xếp công việc của anh ở đây sẽ thuận tiện hơn. - Rồi anh cười - Hai em đừng chê nhé!

Tùng trả lời hờ hững:

− Em không chê, em có thể tự làm đám cưới được rồi. Cảm ơn anh Hai nhiều nghe.

Tú ân cần vỗ vai anh:

− Số tiền này em sẽ gởi vào ngân hàng cho cu Đăng.

Có tiếng gõ cửa phòng, bà Quỳnh đi vào lên tiếng:

− Có phần cho bà ngoại không?

− Dạ có mẹ ạ! Ngay ngày mai tụi con sẽ đi thăm ngoại và các cậu, dì. Còn đây là quà con xin biếu mẹ.

Bà Quỳnh cầm lấy túi quà trên tay: nào là dầu xanh, nước hoa, vải gấm và những thứ mà anh biết mẹ rất thích.

Tuân nói tiếp:

− Còn đây là năm trăm đô, con biếu mẹ ăn quà.

Bà Quỳnh lắc đầu nguầy nguậy:

− Thôi, tao không lấy tiền đâu, cứ giữ đi mà còn chi dùng nhiều thứ.

− Con đã chuẩn bị cả rồi. - Tuân nắm tay mẹ dúi tiền vào - Mẹ cầm đi, khi nào thiếu con hỏi mẹ.

− Cứ cất đi mà xài, khi nào đi còn thừa đưa mẹ cũng được.

Bà cầm gói quà ra khỏi phòng rồi nói với Tùng:

− Con Thủy về bảo nó dọn phòng trả cho anh Hai như cũ.

Tuân lên tiếng:

− Thôi, mẹ ạ! Con ngủ ở đây được rồi, làm lộn xộn lên thêm phiền.

Không biết bà Quỳnh có nghe lời Tuân nói hay không mà bà dặn ngược lại Tùng:

− Nói nó xếp gọn tiền ra từng loại đâu vào đó rồi hãy đưa qua. Hôm nay mẹ bận không làm được.

Tuân để ý từ lúc về đến giờ, anh không thấy mẹ nói hay hỏi han Tú một câu. Tú buồn ra mặt nhưng chỉ thở dài.

Tuân hỏi em:

− Tình trạng này từ lúc em lấy vợ đến nay phải không?

Tú gật:

− Vâng! Tính mẹ cố chấp, vợ em tính nhẫn nhục chứ gặp đứa khác y như tính mẹ, chắc nhà này sụp lâu rồi.

Tùng chen vào:

− Nghĩ cũng tội cho bố, anh nhỉ?

− Tội sao hai em không chịu ghé thăm? - Tuân trách.

Tú nhìn em, nhún vai. Tuân thắc mắc hỏi:

− Sao, không trả lời được à?

Tú thở dài:

− Chẳng giấu gì anh, bố về ở với dì chỉ có hai bàn tay trắng, của cải mẹ tóm gọn không cho bố một xu. Phần thì tật nguyền bố làm gì ra tiền? Cũng may là dì không hắt hủi đuổi xô bố, anh biết dì làm gì không?

Tú không để anh kịp hỏi lại, anh tiếp:

− Dì bán chè rong ở chợ nuôi bố và hai đứa con riêng. Tụi em muốn ghé thăm lắm nhưng tiền bạc đâu mà giúp bố, không lẽ mỗi lần ghé thăm cho vài chục ngàn? Nhìn nhà mình, ai cũng tưởng là giàu lắm, có biết đâu mẹ đã phá hết rồi.

− Sao em lại nói vậy? - Tuân nhíu mày nhìn em - Mẹ làm gì mà phá hết?

Tùng nói thay anh:

− Thì mẹ đem tiền nạp vào sòng tứ sắc chớ còn làm gì nữa.

Tuân thở dài:

− Mẹ vẫn không bỏ được tật cũ.

Chợt anh hỏi tiếp:

− Còn cô Thủy là người mẹ đưa đến làm à?

Tùng lắc đầu:

− Không. Năm ngoái mẹ bệnh nên cần người chăm sóc riêng, em đăng báo tìm. Cô ta đến nhận việc cùng lúc với một số cô gái khác, nhưng không hiểu sao mẹ lại chọn cô Diệu Thủy. Cô ta hiền lành và chăm làm lắm.

− Nhà cổ ở đâu?

− Em nghe nói ở dưới quê.

− Trên thành phố không có bà con à?

− Em đâu biết. Nhưng lâu lâu, cô ấy xin đi đâu đó vài ba tiếng rồi trở lại.

− Công việc hiện tại cô ấy làm gì trong nhà này?

− Diệu Thủy đi chợ rồi giao lại cho chị Bảy nấu. Mỗi tháng, cổ đi thu tiền thuê nhà và hàng ngày thu gom giao tiền hụi cho mẹ.

− Diệu Thủy không đi học sao?

Tùng cười:

− Anh lạ ghê! Đã đi làm thuê cho người ta thì giờ đâu mà đi học.

− Cô bé chắc mười tám, mười chín tuổi hả?

− Hai mươi rồi đó anh, tại cô ấy ốm lại nhỏ con nên thấy trẻ.

Chợt có tiếng trẻ con bên ngoài gọi:

− Chú Út ơi, bà nội gọi!

Tùng quýnh quáng nói:

− Chết! Em quên mất!

Nói xong, Tùng đứng lên chạy ra ngoài.

Còn lại hai anh em, đứa bé sà vào lòng Tú líu ríu:

− Bố ơi! Bác Hai đây phải không?

− Phải! Chào bác Hai đi con.

Đứa bé đứng lên khoanh tay tròn mắt nói:

− Con chào bác Hai!

− Giỏi lắm! Lại đây với bác.

Đứa bé rời khỏi lòng cha đến bên Tuân. Anh hôn nó và hỏi:

− Cháu mấy tuổi rồi?

− Dạ, hai tuổi.

− Cháu yêu bà không?

Thằng bé nhìn cha, Tú hiểu ý nên nói:

− Con yêu bà nào nhất?

Thằng bé nhìn Tuân ngần ngừ, Tú động viên:

− Con nói cho bác nghe xem nào? Bác hiền lắm.

Thằng bé được bố mớm lời nên nhìn Tuân, nói:

− Con thương bà ngoại nhất, con cũng yêu bà nội nhưng ít thôi.

− Sao vậy?

− Bà không yêu con như bà ngoại.

− Thế à! - Tuân nói - Để mai bác nói với bà nội phải yêu thương con như bà ngoại nhé!

− Dạ. Lúc ấy con yêu bà nội, bà ngoại bằng nhau luôn.

Tuân cười rồi cầm túi quà lên:

− Đây là quà của cháu.

Thằng bé hôn Tuân rồi đến bên cha:

− Con về với mẹ, bố nhé! Mẹ dặn con đi nhanh để bố và bác nói chuyện. Con chào bác, chào bố.

Tuân nói với em:

− Nó hai tuổi mà trông lớn ghê Tú nhỉ?

− Mẹ nó chăm ghê lắm anh ơi!

− Mẹ không bao giờ nựng cháu à?

− Em biết mẹ thương nó, nhưng có mặt tụi em là mẹ giả vờ tỏ cử chỉ nói này nói nọ, nên thằng bé để ý cũng lánh xa bà nội luôn.

Tuân khuyên:

− Em nói với Nguyệt đừng buồn, mẹ nói thế nhưng thương tụi mình lắm, em hiểu mà.

− Biết thế, nhưng nhiều lúc bực mình lắm anh.

Không muốn nhắc đến chuyện gia đình nên Tú hỏi anh:

− Bên đó giờ anh làm gì?

Tuân gật gù:

− Để xem nào, mình cách nhau mười hai múi giờ, lúc này anh chuẩn bị đi làm rồi. Công việc không nặng nhọc, nhưng ở đó đòi hỏi phải đúng giờ và cẩn thận.

− Kỹ sư như anh mà vẫn làm thế à?

Tuân gật đầu nói:

− Một người thợ có bằng kỹ sư như anh lương cao hơn thợ bình thường một phần ba lương. Nếu sở không có việc, lãnh lương trợ cấp mình vẫn nhiều hơn họ.

− Ở bển, anh Hai có nhà riêng chưa?

− Anh mua nhà trả góp mười năm mới hết, tiền dư anh gởi ngân hàng. Hiện tại anh đang có một số vốn rất khá, anh định về đây lập cơ sở làm ăn.

− Anh về lâu không?

− Tám năm liền đi làm không nghỉ phép, bây giờ về hơn ba tháng vẫn được. Thằng chủ bên ấy nó có vẻ thương anh lắm. - Tuân cười - Nó đòi gả con gái của nó cho anh. Anh hứa sau khi về Việt Nam không tìm được vợ, anh sang bển lấy con của nó.

Tú cười to:

− Anh làm như con gái người ta là đồ thừa không bằng.

− Anh nói thật đó Tú. Nó...

Chợt Tùng ùa vào phòng như một cơn lốc cắt ngang lời nói của Tuân:

− Ăn cơm! Ăn cơm! Các vị không thấy đói à? Mau lên đi, mẹ đang chờ!

Cả ba đi xuống cầu thang.

Vừa ngồi vào ghế, không thấy Tú, Tuân hỏi em:

− Tú đâu? Tùng chạy xuống bảo vợ chồng Tú lên ăn cơm cho vui!

Bà Quỳnh chì chiết:

− Nó có mặt rồi, vợ nó chết đâu mà con lo.

Tuân nhìn mặt mẹ, biết bà ác cảm với vợ chồng Tú ghê lắm nhưng anh vẫn nói:

− Mẹ! Con xin mẹ, kể từ hôm nay mẹ để các em ăn cơm chung với con. Mẹ nên độ lượng một chút cho con vui nghe mẹ.

Bà Quỳnh thở ra nói với Tùng:

− Con đi gọi chúng nó lên đây. Thủy đâu, lấy thêm chén đũa!

Thủy cầm lên hai cái chén, Tuân hỏi:

− Cô không ngồi ăn cùng à?

Thủy cười:

− Cảm ơn cậu, tôi xuống ăn cơm với chị Bảy.

Nói xong, Thủy quay lưng đi không nhìn ai, nhưng cô biết Hoàng Tuân đang dõi mắt theo sau. Cô cảm thấy nhột nhạt nên bước nhanh hơn ra khỏi phòng ăn. Cô hỏi chị bếp:

− Đủ thức ăn không chị?

− Lo gì? Cô ăn luôn không tôi dọn?

Diệu Thủy nhìn vào rồi tế nhị nói:

− Chị ăn trước đi, em không đói. Lát tối có đói ăn cơm nguội cũng được.

Thủy ngồi trước đống tiền thu được chiều nay, ngán ngẩm thở dài. Không ngày nào Thủy không bị người ta năn nỉ khất nợ, đóng hụi trễ, tiền lành, tiền rách... Cực khổ bên ngoài thế mà có yên thân đâu. Về nhà bù lại những tình trạng ấy là bị bà chủ la rầy. Thủy cầm quyển sổ thu so với tổng số tiền thu. Tính như vậy là đủ, nhưng một lát bưng ra, tờ nào, loại nào ra loại ấy thế nào cũng thiếu.

Mỗi lần Thủy tiếp xúc với bà Quỳnh là Thủy nghĩ đến mẹ. Bà Quỳnh với mẹ cô là hai thái cực khác nhau. Bà ta nóng nảy, thô tục, nói năng cộc cằn, có khi còn chửi thề. Còn mẹ cô thì lại khác hẳn, dù mẹ đang gặp chuyện bực mình hay có bận rộn cỡ nào, nhưng với sự hiện diện của người thứ hai là mẹ vẫn cư xử dịu dàng, tế nhị theo từng đối tượng tiếp xúc. Dù bất cứ ai tiếp xúc với mẹ, họ đều khen bà dịu dàng và đầy nữ tính.

Tim Thủy nhói đau khi nghĩ đến mẹ, đến gia đình nhỏ nhoi của mình, lòng Diệu Thủy xót xa như xát muối.

Sao gia đình họ giàu có như thế lại không có tình thân ái? Tiền nhiều mà thiếu tình cảm như vậy, Diệu Thủy cũng không màng. Cho dù ai đó cho Thủy một số tiền lớn rồi bảo cô đánh đổi tình cảm mẹ, em Thủy và cả cha dượng, Thủy cũng không ham. Gia đình Diệu Thủy thật hạnh phúc dù hằng ngày hai buổi cơm phải lo toan, nhưng không thiếu tình cảm, tình yêu thương đoàn kết. Dượng và mẹ luôn chăm sóc cho nhau, cả hai đều lo cho Diệu Thủy và Lê Minh, em của cô.

Diệu Thủy để ý thấy gia đình của bà Quỳnh thiếu thốn tình cảm cha mẹ và con cái, được cái là ba anh em họ còn biết thương nghĩ đến nhau, âu đó cũng là điều may.

Gì chứ tình cảm mẹ cha đối với con không có coi như mất hết. Diệu Thủy nghe những câu chửi xa gần của bà chủ, cô cũng đoán được ông chủ mê vợ bé bỏ vợ con để ông ở bên nhà bà nhỏ. Giàu có quá rồi sinh tật.

Ngoài hành lang có tiếng huýt sáo vui vẻ của Tùng. Tiếng người đàn ông mới về vang lên:

− Sáng mai Tùng có đi với anh đến gia đình ấy không?

− Em ghét gia đình ấy lắm.

− Mẹ muốn chúng mình đến đó để...

Tiếng Tuân xa dần làm Diệu Thủy không nghe rõ họ nói gì, về ai.

Qua kinh nghiệm tiếp xúc, Diệu Thủy thấy người anh cả này có vẻ già dặn, chững chạc hơn hai người em. Lạ thật! Già trẻ, xấu đẹp có nhằm nhò gì đến mình đâu mà quan tâm? Họ là những người chủ, còn mình chỉ là người làm công kia mà!

Diệu Thủy cắn môi, cố không nhớ đến thân phận của mình, nhưng không làm sao tránh khỏi sự thật. Ngày xưa gia đình Diệu Thủy cũng đâu đến nỗi nào. Thế mà bây giờ... Tiếng nói của cha dượng như còn văng vẳng bên tai:

− "Dượng biết mình bất lực không lo được cho ba mẹ con, đành phải để con ra đời sớm. Thủy à! Đó là điều sỉ nhục đối với dượng... - Giọng ông buồn rầu hơn - Nếu dẹp tự ái, dượng có thể viết thư nhờ đứa con cả ở nước ngoài giúp đỡ cho các con có vốn làm ăn, mẹ và hai con bớt khổ... Nhưng con hãy hiểu cho dượng, bây giờ dượng về bên ấy lấy địa chỉ, chỉ tạo thêm sự nhục nhã cho gia đình mình thôi".

Diệu Thủy an ủi ông cha kế nhưng tốt bụng:

− Việc con làm không cực nhọc lắm đâu dượng đừng lo. Chỉ một thời gian, khi nào dượng hết bệnh con sẽ nghỉ làm. Lúc đó gia đình mình lại như xưa phải không dượng?

Ông đã khóc với những giọt nước mắt cảm động vì Diệu Thủy không phân biệt cha ruột hay cha ghẻ...

Bên ngoài cửa sổ, trời tối sẫm. Chắc là khuya rồi đây! Bất giác Thủy thấy những giọt nước mưa rơi trên cửa kính. Trời mưa Thủy đứng lên nhìn xuống vườn, những giọt mưa rơi rỉ rả trên những chiếc lá, mờ mờ bóng đèn hắt ra từ phòng khách, màu sắc ánh sáng, lá cây pha lẫn vào nhau. Cái im lặng quanh mình khiến Thủy suy nghĩ mông lung hơn. Cô nhớ về thời huy hoàng của gia đình, hạnh phúc sung sướng.

− Con định đi đâu xa không Tuân?

− Vài hôm rồi tính mẹ ạ! Mẹ cứ thu xếp công việc làm ăn, đi với chúng con một hai tuần cho nó vui.

− Có gì đâu mà thu xếp. Cuối tháng này mãn một kỳ hụi dài, mẹ cho ngưng lại một thời gian. Khi nào con ổn định đi hay ở, mẹ sẽ gây lại.

Tuân cười:

− Con nghe em Tùng nói lại, mẹ nắm hụi mà thuê người đi gom tiền, giao tiền cho các tay em... mẹ ngồi không ở nhà lại nhận được tiền thảo, tiền đầu.

Bà Quỳnh trừng mắt nhìn con trai:

− Có gì mà con phải thắc mắc, đâu phải nó chỉ làm từng ấy việc? Nó đi chợ, coi sóc sổ sách các căn nhà mẹ cho thuê, đi thu tiền hằng tháng... Công việc nhiều lắm chứ! Nhưng mẹ trả lương cho nó có kém cỏi gì đâu.

− Con có nói gì mà mẹ không vui? Có điều con muốn mẹ dẹp mấy cái vụ hụi đó đi, thiếu thốn con lo cho.

− Ối trới Con lo ư?

Rồi bà chanh chua:

− Đó, lo như thằng Tú lo cho vợ nó đó. Lo nuôi nó ăn học cho thành ông bác sĩ rồi có đếm xỉa gì đến mẹ nó đâu. Còn thằng Tùng vừa mang tiếng là kỹ sư này kỹ sư nọ, nói đến thì im như thóc, không nói đến thì đem cái thứ mạng hạng cùng đinh về nhà. Còn cậu ư? Được! Để tôi xem và chờ cậu lo cho tôi!

Tuân mím môi rồi nói:

− Mẹ cứ như thế này nên các chú ấy bực mình là phải.

Bà chì chiết:

− Mẹ nói có đứa nào dỏng lỗ tai lên nghe đâu mà bảo không nói hoài? - Rồi bà xuống giọng - Còn cậu sao đây, có qua nhà bà Tùng Châu để coi mắt con gái người ta không?

− Mẹ làm gì mà gấp vậy? - Tuân lúng túng - Con... con...

− Cậu nên nhớ nhà mình rất ít thời gian, không được chỗ này thì đến chỗ khác chứ.

Tuân biết mỗi khi mẹ giận là xưng hô khác người, nên anh vội làm hòa trêu bà.

− Mẹ làm như con gái Sài Gòn ế hết, phải đợi con về để lấy không bằng.

− Nói mà không biết xấu hổ! - Bà Quỳnh bĩu môi nói tiếp - Nhà người ta cao sang quyền quý, họ lựa chỗ nào môn đăng hộ đối mới gả chứ, có phải đồ bỏ đâu.

Tuân biết mẹ lại sắp lên cơn bực bội nên im lặng.

Tùng trên lầu đi xuống với quần áo bảnh bao, cậu nheo mắt với anh trai nhưng lại nói với mẹ:

− Hôm nay con không về ăn trưa đâu, mẹ đừng đợi.

Rồi quay sang Tuân, Tùng nói:

− Chiều nay anh Tuân rảnh không, đi chơi với em.

Bà Quỳnh nạt:

− Nó mới về, đừng rủ đi lung tung rồi đâm hư!

− Mẹ làm như anh ấy bé lắm vậy.

Nói xong, Tùng ghé sát tai anh:

− Tối qua thăm bố không?

Tuân gật đầu:

− Nhớ về sớm, anh đợi.

− OK.

Đợi Tùng đi khuất cửa, bà Quỳnh hỏi:

− Nó rủ con đi đâu?

− Dạ... đi uống cà phê ở trường Đại học của nó đó mà.

− Lại nhăng nhít với ba cái con vớ vẩn chứ gì?

Như linh tính báo, bà Quỳnh thêm:

− Này, đi đâu thì đi, tao cấm chúng mày ghé thăm cái lão già ấy đấy nhé! Tao mà biết được đừng có trách.

Tuân cứng đầu cãi:

− Mẹ mới lạ, bề gì ông ấy cũng là bố của chúng con chứ!

− Bố gì cái loại ấy chứ! Sao, bây giờ có qua nhà bà Tùng Châu không?

Tuân gật gù:

− Mẹ muốn con đi thì con đi cho mẹ vừa lòng. Nhưng con nói trước con đi là vui thôi chứ không phải là bằng lòng đâu nhé!

− Không chừng gặp rồi lại hối tao cưới cho gấp, lúc ấy tao chạy không kịp.

Tuân cười:

− Mẹ đừng lo chuyện ấy, con có ưng ý cũng phải chờ thời gian thử thách chứ. Mẹ làm như... đi mua áo không bằng. Mua áo còn có khi kỹ hơn đi hỏi vợ kiểu của mẹ.

− Chẳng biết đâu mà nói, xem thằng Tú thì con biết, nó có làm mẹ ê mặt không chứ? Mẹ đưa nó đến nhà bà Lý để xem mắt con gái người ta, nó đồng ý đưa con gái người ta đi chơi, tìm hiểu cái quỷ gì đó hai ba tháng rồi rụp một cái, nó đòi cưới, nhưng không phải cưới con gái bà Lý mà là cưới cái con ranh kia.

− Mẹ mới lạ, chẳng lẽ không hợp cũng cưới về sao chứ?

− Thì trả lời ngay từ đầu đi, cứ ấm ớ!

Tuân thở dài đứng lên:

− Tú nó để xe cho con đi, mẹ có yên tâm khi con chở không?

− Thì cứ chạy chậm là tốt nhất.

Hai mẹ con đến nhà bà Tùng Châu cũng gần mười giờ sáng, đó là ngôi biệt thự xưa với hai cánh cổng sắt to, đen. Tuân nhìn tổng quát và nghĩ: Sao họ giàu thế nhỉ!

Xe vào đến sân nhà nhưng không thấy ai ra tiếp. Tuân e ngại hỏi mẹ:

− Lỡ không có ai ở nhà thì sao hở mẹ?

Bà trấn an con:

− Có, mẹ gọi điện thoại báo rồi.

Tuân ngạc nhiên mở to mắt:

− Mẹ báo là con sang đây?

− Ừ.

Một cảm giác lạnh chạy vào người anh lạnh hơn, anh hỏi:

− Thế là có sự sắp đặt chứ không phải thăm hỏi suông, phải không mẹ?

Bà Quỳnh không trả lời con mà đi thẳng luôn vào nhà. Tuân đành theo chân mẹ. Người đàn ông bước ra từ sau bụi trúc già, hỏi:

− Có phải bà là bà Phán Quỳnh không?

− Phải. Anh vào báo lại với bà Tùng Châu có tôi và con trai sang thăm.

− Xin bà chờ một chút!

Tuân quan sát căn phòng khách. Sự giàu sang của họ được phô trương tất cả ra đây. Không thiếu một món gì, có vật dụng đủ loại màu sắc: Âu có, Á có, từ những bức tranh có từ xưa hay các lọ cổ. Bất giác, Tuân liên tưởng đến một vở kịch được xem ở nước ngoài, vở diễn lột tả một nhân vật bắt đầu khá giả vì làm ăn bất chính, tung tiền ra mua tất cả thượng vàng hạ cám để chưng bày phòng khách... Ai đến đó chắc hẳn phải khen gia đình là giàu có, quyền quý từ lâu đời nên họ có biết đâu nó vô giá trị...

Người đàn bà từ trong bước ra khiến Tuân giật mình. Bà ta mập phệ, bụng to, cái đầu tròn lẳn, trán hói chỉ còn lưa thưa ba sợi tóc bạc hai bên thái dương trông không khác một hình nhân hài trên sân khấu chỉ có đôi mắt là nhìn còn sắc bén, nếu không nhờ vào đôi mắt, người ta sẽ ngỡ bà là một người bị hội chứng down lâu ngày.

Đôi môi mỏng của bà nhếch lên hỏi:

− Con trai của bà đây à?

− Vâng, chị thấy sao? Chào bác đi con!

Tuân nhìn vào chủ nhà gật đầu:

− Cháu xin chào!

Bà Quỳnh đi thẳng vào vấn đề:

− Chị tính sao về chuyện cháu Ái Phương?

− Tôi nói với nó rồi, nó bảo sao cũng được.

Rồi bà quay sang hỏi Tuân:

− Thế còn cháu?

Tuân tỉnh bơ:

− Gì cơ?

− Ủa! Mẹ cháu không nói gì sao?

Bà Tùng Châu hơi ngạc nhiên. Mẹ Tuân đỡ lời:

− Tôi chỉ nói sơ, hôm nay cho chúng gặp mặt nhau, tìm hiểu. Cháu nó không còn nhiều thời gian nên tôi qua đây sớm là vì thế.

Tuân chen vào:

− Trước hết, cháu đến đây với tính cách là bạn bè. Còn chuyện tương lai, cháu xin bác cho cháu có thời gian tìm hiểu cô Ái Phương gì đó... Xem chúng cháu có hạp tính hạp nết không đã, rồi tiến đến hôn nhân cũng không muộn.

Bà Tùng Châu sa sầm nét mặt:

− Thế phải tìm hiểu bao lâu?

Tuân cười nửa miệng:

− Chuyện ấy chúng cháu còn tùy thuộc vào thời gian tiếp xúc.

Bà Tùng Châu có vẻ suy nghĩ, sau cùng bà nói:

− Chuyện ấy là chuyện duyên nợ, tùy hai đứa gặp nhau rồi quyết định.

Giữa lúc Tuân đang chăm chú để đối phó với bà chủ nhà thì có tiếng cười hòa lẫn giọng nói, tiếng giày cao gót nện trên nền từ ngoài vọng vào... Cái ấn tượng đầu tiên của Tuân về con gái bà Tùng Châu làm anh thất vọng.

− Con chào mẹ... A! Cháu chào cô Quỳnh... Còn ai đây?

Cô gái như quan sát gần hết con người của Tuân trong tích tắc. Cô ta được giải đáp ngay thắc mắc trong phút đầu tiên:

− Ái Phương nè! Đây là cậu Hoàng Tuân, con trai cả của cô Quỳnh, ở nước ngoài mới về.

Phương nhún nhảy đến bên mẹ:

− À, ra thế! Chào anh.

Tuân ngượng không dám nhìn vào cô ta. Ái Phương ăn mặc quá "khiêm tốn" đến đổi đưa cả lưng cô và đùi ra ngoài. Chợt anh nhìn thẳng vào mặt cô, nói:

− Chào cô.

− Em... nghe mẹ nói anh về nước lấy vợ?

Tuân tức cười vì câu hỏi quá thân mật của cô nàng, anh liền trả miếng:

− Tôi cũng định thế, nhưng nghĩ lại, có lẽ cô ấy chưa chắc cô ấy hợp với tôi nên tôi định ở giá!

Ái Phương nhíu mày:

− Ồ! Sao thế? Không lẽ mấy triệu phụ nữ ở thành phố này không làm anh rung động ư?

− Cũng có đấy, nhưng chỉ là rung động bên ngoài thôi. Tôi sợ tâm hồn họ cũng "nghèo nàn" như quần áo họ mặc.

Ái Phương biết Tuân đang phê bình gián tiếp cách ăn mặc của mình, nhưng cô cũng không vừa:

− Có lẽ anh vào chùa tìm vợ hay hơn.

Tuân đáp tỉnh bơ:

− Đành vậy!

Tiếng "hứ" gắt của Ái Phương là câu trả lời cho bà Quỳnh biết rằng sáng nay đến đây là vô ích.

Ái Phương đứng lên nói với mẹ:

− Con đi với bạn, tối con về, mẹ đừng chờ cửa... Chuyện mẹ nói với con hôm qua coi như xong. Thà con ở giá còn hơn lấy một ông già gàn.

Quay sang bà Quỳnh, Ái Phương lễ phép:

− Cháu mong cô thông cảm nhé.

Rồi nhìn Tuân, Phương tiếp:

− Còn anh nữa! Anh có vào chùa thì mấy bà ni cô cũng không thèm đâu!

Ái Phương bỏ đi vào trong sau khi ban thêm cho Tuân một câu "vui vẻ":

− Xí! Tưởng kiều là ngon hả, ai thèm!

Bà Tùng Châu tỉnh bơ với thái độ của con. Bà Quỳnh thấy vậy liền rầy Tuân:

− Tại con làm cô ấy giận, mới gặp lần đầu đã nói lung tung.

Tuân nhìn chủ nhà, thành thật:

− Xin bác thứ lỗi, cô ấy không hạp với cháu.

Bà ta xua tay với thái độ bất cần rồi nói:

− Ồ, không sao! Bác thấy nó ham chơi nên cũng có ý định làm sui với mẹ cháu cho hai nhà thêm thân, nhưng có lẽ không phải duyên.

Tuân liền đứng lên:

− Cám ơn bác đã hiểu, cháu xin chào.

Tuân không đợi mẹ mà bước vội ra sân đứng đợi. Ái Phương bước ra từ nhà với chiếc quần soóc ngắn hơn. Khi đi qua chỗ Tuân đang đứng, cô châm chọc:

− Chúc ông anh vĩnh viễn ở giá nhé.

Tuân ngó lơ không thèm nhìn. Mẹ anh bước ra với nét mặt hầm hầm. "Chắc là mẹ bực lắm đây". Anh thầm nghĩ như vậy. Và khi ngồi vào xe cạnh Tuân, cơn giận của bà Quỳnh chỉ dằn được khi xe ra khỏi căn nhà bà Tùng Châu một đoạn đường ngắn, bà Quỳnh dồn hết bực tức vào câu nói:

− Hừ, con với cái! Nếu không muốn thì lúc nãy không cần phải đi. Bọn bây đứa nào cũng vậy. Muốn tao tức chết có phải không?

− Mẹ à! Cô ta như vậy mà mẹ bảo con ưng được sao? Cô ấy không hợp với con đâu.

− Thế tôi chọn đám khác cho cậu, cậu chịu không? Bây giờ cậu đi với tôi đến nhà ông bà Kháng.

Thấy mẹ đang giận, Tuân nói xuôi để bà vui lòng:

− Mẹ muốn con đi đến đâu con sẽ chiều mẹ đến đó, nhưng con không hứa với mẹ điều gì đâu nhé.

Giọng bà Quỳnh vẫn còn giận:

− Tùy cậu! Nhắm được thì cậu ưng, nhưng đừng làm mất mặt tôi là được rồi.

Nói xong, bà thở dài thườn thượt. Tuân vội nói:

− Mẹ à! Hiện thời tinh thần mẹ không được thoải mái, có đến nhà người ta cũng không kết quả đâu. Hay là sáng mai mẹ con mình đi sớm vậy, con hứa sẽ không làm mẹ phiền lòng nữa đâu.

Thấy con xuống nước bà cũng xuôi xị:

− Thôi được! Giờ cũng trưa rồi, để mai tiếp tục.

Như được giải thoát, Hoàng Tuân vội lái xe đưa mẹ về nhà.

Thấy không có việc gì làm, mà ở không mãi cũng chán, Tuân bèn soạn một số quần áo bẩn đem xuống bỏ vào máy giặt.

Diệu Thủy thấy vội kêu lên:

− Sao cậu lại làm những việc này. Bà chủ biết được rầy chúng tôi chết đó.

Tuân cười:

− Cô cứ để mặc tôi. Hôm nay cô rảnh à?

Diệu Thủy lắc đầu:

− Công việc thường ngày tôi chưa làm xong. Sao cậu không đi chơi?

Tuân cười lắc đầu:

− Ở Sài Gòn mà đi một mình chán lắm.

Thủy nhìn anh thương hại:

− Đi một mình thì đã sao? Cậu chỉ cần lang thang một lúc là có bạn ngay.

Tuân hỏi:

− Khi nào cô đi thu tiền hụi cho mẹ tôi?

− Sau bữa cơm trưa.

− Khi nào thì xong?

Diệu Thủy nhún nhẹ vai:

− Còn tùy túi tiền của họ. Có hôm tôi về sớm, có hôm tám chín giờ tối chưa có mặt ở nhà.

Giọng Thủy hạ thấp:

− Nghĩ cũng thông cảm cho những tay "em". Họ không có gạo ăn nhưng vẫn chạy tiền để đóng.

Tuân đề nghị:

− Hôm nay tôi rảnh, cô cho tôi theo được không?

Thủy ngạc nhiên nhìn anh:

− Cậu nói sao? Cậu theo tôi à?

− Thì đã sao?

Thủy cười với một chút hồ nghi:

− Để tôi nhớ lại xem hôm nay tôi phải đi bao nhiêu nhà đây... - Thủy nhẩm tính. - Tất cả là ba mươi hai nhà. Cậu đi được không?

Tuân trả lời chắc chắn:

− Được! Cô đồng ý nhé!

Diệu Thủy gật đầu.

Sau bữa cơm, Diệu Thủy cầm quyển sổ nhỏ cho vào chiếc giỏ xách da rồi cùng ra sân để đi chung xe với Hoàng Tuân. Cô nói:

− Cậu lái xe ra cổng trước đi. Tôi đi bằng xe "dân biểu" nên giờ phải hồi lại, họ đang chờ tôi ở bên ngoài.

Tuân không hiểu Diệu Thủy nói gì nhưng vẫn làm theo ý cô dặn. Anh lái xe ra lề đường rồi nhìn Thủy đang nói chuyện với bác xích lô già. Hai người cười cười nói một lúc, ông ta chạy thẳng còn Thủy mở cửa xe lên ngồi bên Tuân. Anh hỏi:

− Cô là khách thường xuyên của ông già đó hả?

− Dạ phải.

− Mẹ tôi trả tiền cho ông ta hằng tháng?

− Cậu nghĩ thế à?

− Không lẽ cô trả tiền xe cho công việc thường ngày này?

Diệu Thủy nói nhưng không nhìn sang Tuân.

− Tôi phải trả, vì tôi muốn an toàn trên những đoạn đường với túi xách lúc nào cũng căng phồng tiền. Tôi không nói với bà chuyện này vì tôi nghĩ bà không hề đoán được những nguy hiểm cho tôi.

− Cô đã gặp tai nạn bao giờ chưa?

− Có! Một lần nhưng không mất nhờ những người đi đường giúp tôi lấy lại, trong số những người ấy có bác xích lô già lúc nãy.

Diệu Thủy im lặng. Hoàng Tuân như chờ Thủy kể lại chuyện cũ, nhưng vẫn thấy Diệu Thủy đăm chiêu nhìn về phía trước. Anh hỏi:

− Chuyện như thế nào, cô kể lại cho tôi nghe được không?

Diệu Thủy lắc nhẹ đầu:

− Chuyện qua rồi, tôi không muốn cậu suy nghĩ.

Hoàng Tuân lặng người đi, một lúc sau anh nói:

− Tôi chỉ tò mò muốn biết thôi!

− Nếu cậu muốn cho qua thời gian, tôi nói lại như kể một câu chuyện cổ tích để giết thời gian vậy nhé! Tới chỗ cần dừng, tôi sẽ ngắt quãng để vào thu tiền rồi ra kể tiếp nhé. Được không?

− Được quá đi chớ. Này nhé, tôi được dạo chơi quanh thành phố, được nghe kể chuyện... được ngồi... - Tuân im bặt và một lúc sau nói tiếp - Thế là thú rồi.

Thủy cười và nhìn Tuân:

− Thật tình tôi kể chuyện không hay đâu!

− Còn hơn là im lặng.

Giọng Thủy đều đều, cô cố ý nói lớn hơn bình thường vì sợ Tuân không nghe rõ bởi tiếng động ồn ào bên ngoài và tiếng máy xe đang hoạt động:

− Tôi nhận việc thu hụi cho bà được một tháng. Chuyện xảy ra vào một ngày mưa to, với chiếc túi căng phồng đầy tiền. Cậu cũng biết đó, dân lao động nghèo làm gì có tiền chẵn phải không? Đóng tiền nhà, tiền hụi, họ đưa tiền lẻ, thậm chí còn nhét cả tiền rách ở giữa nữa chứ. Tôi đi từ dãy nhà cho thuê ra đường đứng đón xe, bất ngờ ai đó xô tôi ngã xuống đất rồi giật phăng giỏ xách...

Thật tình mà nói, lúc đó tôi không nghĩ đến thân tôi đâu, mà tôi chỉ lo sợ mất túi tiền. Dù thân thể bị đau nhưng tôi vẫn cố đứng dậy chạy theo và la lên.

Cũng may những người quanh đó còn có kẻ tốt bụng, họ đuổi theo và lấy lại được. Từ ngày ấy đến nay đã hơn sáu tháng, bác xích lô già cứ đúng giờ là đến trước cổng nhà chờ tôi. Tội nghiệp bác ấy! Thời gian chờ đợi dù lâu hay mau, đi một hai tiếng hay hết cả buổi, bác ấy cũng không lấy thêm tiền. Bác bảo rằng coi tôi như con.

Hoàng Tuân lên tiếng:

− Thế tôi hỏi thật nhé... cô đừng giận.

− Vâng, cậu cứ nói.

− Mẹ tôi trả cô một tháng bao nhiêu?

− Năm trăm ngàn, cơm nuôi.

− Nghĩa là bình quân mười sáu ngàn một ngày.

− Vâng.

− Thế tiền đâu cô trả tiền cho bác xích lô?

Diệu Thủy cười hiền từ, cô biết Hoàng Tuân đang nghĩ cô chi vào tiền của chủ nên thanh minh:

− Hằng ngày phải có một người hốt hụi. Gặp người rộng rãi họ cho tôi lại tiền trên tổng số tiền hụi. Nhiều, tôi cho hết bác xích lô, còn ít thì tôi lại móc tiền túi ra thêm.

Hoàng Tuân trố mắt ngạc nhiên nhìn người con gái đang ngồi cạnh bên, cô nói một cách tự nhiên như đó là chuyện bình thường. Anh cười hỏi:

− Nếu có ai đưa cô đi như tôi hôm nay chẳng hạn, thì một tháng cô dư ra bao nhiêu?

− Hơn tiền bà trả lương một tháng.

− Nhiều thế cơ à?

− Ủa! Tại sao cậu lại hỏi nhiều chuyện thế nhỉ? Cậu Hai chỉ nên nghe chớ đừng kể lại lời tôi nói với ai nhé! Tôi không muốn bị đuổi việc. Tôi chi ra cho bác xích lô đó chẳng qua là tôi đánh đổi sự an toàn cho mình. Ngược lại, tôi giúp bác ấy có cơm ăn... Đó cũng là hình thức công bằng xã hội mà thôi.

Hoàng Tuân cười buồn:

− Cô yên trí, tôi không bép xép đâu. Mà cô Thủy nè! Nếu có phương tiện đi lại, cô đi một mình được không?

Thủy cười trêu anh:

− Cậu mua xe hơi cho tôi hả? À... à... nếu cậu Hai mua xe hơi, tôi sẽ thuê một tài xế như cậu Tùng ấy chứ tôi cũng không dám đi một mình!

− Vì sao?

Diệu Thủy nhíu mày:

− Sao cậu hay đặt câu hỏi với người khác vậy?

− Tại tôi muốn biết vậy mà. Thế sao cô không dám đi xe máy một mình?

Diệu Thủy thở dài:

− Đơn giản là tôi không muốn "mọc đuôi", mà cậu cũng biết rồi đó, đuôi cũng có cái đẹp, cái xấu.

− Ý cô muốn nói là có những người theo cô mà phần lớn đều là thanh niên phải không?

− Cậu hay thật.

− Sao cô không chọn một trong số đuôi tốt để che chở những lúc đi như thế này?

Diệu Thủy cười đau khổ, nhưng giọng nói mỉa mai:

− Lúc đầu người ta tưởng tôi là con hay cháu gì đó của bà chủ, nhưng sau biết tôi chỉ là người làm công... nên... nên... - Thủy cười, nụ cười khó hiểu thêm - Nên họ chỉ theo ngắm cái túi xách chứ có ngắm tôi đâu.

Hoàng Tuân không muốn Diệu Thủy nhớ đến thân phận của mình nên nói lảng qua:

− Tôi nghe Tùng nói gia đình cô ở dưới quê?

− Đúng vậy!

− Có xa lắm không?

Thủy trả lời nhát gừng:

− Xa.

− Bao lâu cô về?

− Lâu lắm rồi tôi chưa về, nhưng tháng nào tôi cũng gởi tiền về cho gia đình.

− Cô học hết lớp mấy thì nghỉ?

Hoàng Tuân chuyển đề tài. Thủy cười nhìn anh:

− Giống điều tra lý lịch quá. Công việc của tôi cần gì đến trình độ học vấn. Thế cậu hỏi để làm gì?

− Tôi thấy cô thông minh nên có thể đoán được cô phải học hết trung học, đúng không?

− Vậy ai học nhiều hay học ít nó hiện lên mặt à?

Tuân đùa theo:

− Có lẽ vậy!

Ánh mắt họ nhìn nhau, cả hai cùng cười, nụ cười họ vô tư, hiền lành. Với Thủy là thế, nhưng với Hoàng Tuân, anh nhìn cô bằng ánh mắt bí ẩn, xen lẫn bao thắc mắc, nghĩ ngợi.

Tuân thấy ở Diệu Thủy cái gì đó vừa người lớn, vừa trẻ con, dễ thương nhưng khôn ngoan. Là trẻ con mà cũng vừa người lớn. Bất giác, anh thở dài nhưng miệng vẫn cười vì ý nghĩ tội nghiệp cô bé hiện ra trong đầu Tuân.

Tùng đóng cửa xe nói với Tuân:

− Em chưa đến đây bao giờ, nhưng theo địa chỉ này, nhà bố cũng không khó tìm lắm. Bố gặp mình không biết bố nói gì anh nhỉ?

− Bố chửi cho mỗi đứa một mách rồi đuổi về chứ nói gì? Chà! Lúc đó cái mặt hai đứa giống như cái mo dừa.

− À! Anh có nhớ cho dì và hai em quà không?

Tuân gật đầu:

− Có, khá nhiều. Anh sẽ cho thêm bố tiền.

Tùng nhanh nhảu:

− Cho em phụ với anh nửa số tiền anh vừa cho em.

Tuân khoát tay:

− Em đừng lo, anh còn khá lắm. Mà Tùng nè, vì sao lại có chuyện bố sang ở hẳn bên ấy vậy?

Tùng nhún vai im lặng, anh lái xe đưa Tuân đi quanh công viên. Nhưng Tuân không nhìn ra ngoài cửa kính như thường lệ mà nhìn vào mặt em trai nói:

− Trước ngày anh đi, chuyện bố có vợ bé là chuyện mơ hồ, vô cớ. Lâu lâu, anh nghe mẹ nói chen vào một câu đe như cảnh giác anh cứ ngỡ mẹ yêu bố nên ghen tuông bóng gió. Ai dè đâu sau này mẹ viết thư bố bỏ gia đình sang ở hẳn bên kia, bỏ hai em và mẹ luôn. Tùng biết không, thời gian đầu anh giận bố ghê lắm, thư nào viết về anh cũng oán trách bố không có trách nhiệm... Chỉ sau đó ba năm, Tú có viết thư cho anh và nhấn mạnh rằng: "Anh đừng oán trách bố nếu không rõ chuyện ở nhà". Anh nghi ngờ hỏi, nó chỉ nói sơ là bố tội lắm chớ không nói gì hơn. Tùng biết không? Ngày xưa anh là đứa con mà bố cưng chiều nhất. Kể từ đó, anh viết thư về cho mẹ và các em, anh không nhắc gì đến lỗi lầm của bố nữa.

Lúc này Tùng đăm chiêu hơn. Tuân nhận ra ánh mắt khác lạ trên mặt em trai, ánh mắt bối rối.

− Anh Hai biết không, lúc đầu chúng em định nói thật cho anh biết, nhưng anh Tú bảo em rằng khi nào anh về, thuật lại chuyện cũng không muộn.

− Có chuyện hệ trọng như thế sao?

Tùng nhếch môi:

− Nghĩ lại em thấy tởm chứ hệ trọng gì?

Tuân tròn mắt:

− Có gì em nói đại ra cho anh biết, cứ vòng vo tam quốc hoài.

− Chuyện như thế này anh à...

... Tùng nhớ rất rõ ngày ấy. Tùng đã vào tuổi trưởng thành. Tú đang học Y năm thứ hai, còn Tùng đang chuẩn bị thi đại học. Mọi cố gắng trong việc học giúp Tùng thành công. Nhưng... tới hôm xem kết quả về, Tùng định xin bố đến nhà bạn chia vui với những đứa thi đậu. Nhưng khi đến trước cửa phòng bố mẹ, Tùng nghe thấy tiếng thách thức:

− Tôi đã nói rồi, ông không nghe thì đừng có trách.

Giọng ông Thông trầm nhỏ nhẹ:

− Bà đừng hồ đồ, người ta tuy nghèo nhưng không phải hạng người vô lương tâm như bà nghĩ đâu. Chỉ vì tôi thấy họ khổ, chồng chết con mọn nên tôi giúp mà thôi.

− Tại sao những người khác ông không giúp mà lại đưa tiền cho con ấy? Tôi nói một lần cuối, nếu tôi còn bắt gặp hay tôi nghe nói ông còn léng phéng đến nhà nó là đừng trách tôi không có lương tâm nghe.

Đại khái lúc ấy Tùng cho là mẹ ghen với một người nào đó, nhưng chỉ sau hai tháng thì cả Tú và Tùng đều vào bệnh viện thăm cha...

− Anh Hai biết không, hình ảnh bố bịt kín mặt luôn cả hai mắt khiến em sợ hãi mẹ vô cùng.

Tuân vội hỏi:

− Bố bị tai nạn ư?

Tùng nhếch môi:

− Mẹ tạt a-xít người ta, bố hứng trọn. Sau khi bố xuất viện ra, mẹ không cho bố vào nhà, mẹ đuổi bố thẳng cẳng. Tự mẹ nộp đơn ly dị và lấy toàn bộ tài sản, bố ra đi mình không.

− Rồi từ ngày ấy bố sống ra sao?

− Thời gian đầu còn chút tiền... lúc ấy nhà mình cũng còn khá, tụi em lén cho bố.

− Mẹ không bị pháp luật hỏi đến tai nạn của bố? - Tuân hỏi tiếp.

Tùng cười mỉa:

− Mẹ chối biến, thêm phần bố cao thượng nhận biết trách nhiệm và phần lỗi về mình, nên coi như mẹ vô tội. Từ ngày ấy em và anh Tú không về bên cậu Sáu cũng như nhà bên ngoại.

− Mẹ có đến họ thường không?

− Họ không đến đây, nhưng mẹ thường về ngoại lắm. Mẹ tìm chỗ để dựa đó mà.

Tuân trách:

− Sao không đứa nào viết thơ báo cho anh biết? Chuyện như thế mà giấu?

Tùng nói xa vắng:

− Anh ở xa, tụi em không muốn anh buồn. Nhất là anh thương mẹ, tin tưởng mẹ, em không muốn anh thất vọng. Thật ra mẹ cũng tội, nhưng vì tính tình ích kỷ, cố chấp quá.

− Còn bài bạc, mẹ vẫn không thay đổi hơn trước hay sao?

− Còn con thì có. Bố nói đó là căn bệnh trầm kha khó chữa!

Tùng gởi xe ngoài đường lớn, hai anh em thong thả đi vào con hẻm lớn hỏi thăm địa chỉ, con đường càng vào sâu càng hẹp hơn, lũ trẻ con chơi đầy hai bên đường ồn ào, áo quần lem luốt, có đứa trần trụi, mình đầy đất đen nhẻm vì cáu bẩn. Một đám trẻ con vây quanh hai người và hỏi lại:

− Hai anh tìm nhà bác Thông hả?

− Ừ! - Tùng đáp - Mấy em chỉ hộ anh đi!

− Dạ, nhà bác ấy hai anh đi thêm một quãng xa nữa mới đến, căn nhà cuối cùng của con đường này nè.

Tùng móc túi cho chúng hai chục ngàn, chúng reo hò cảm ơn và chạy ngay lại quán bên hè mua quà.

Tùng căn dặn:

− Anh đừng chào bố vội, để em hỏi xem bố biết anh không nhé.

Tuân gật đầu đồng ý, vừa lúc Tuân đến cửa, người thanh niên trạc tuổi mười tám, quần áo chỉnh tề đi ra, tay dắt chiếc xe đạp nhìn hai người, hỏi:

− Hai anh tìm ai?

− Có bác Thông ở nhà không em?

Nó trả lời ngay:

− Dạ có, anh ạ.

Rồi nó gọi to:

− Dượng ơi! Có người tìm dượng nè. Con đi học đây.

Tiếng "ơi" vọng từ nhà sau lên. Hai anh em tò mò ló đầu vào nhìn, thằng bé chào:

− Hai anh ở chơi, em vội đi học.

Tuân thân mật vỗ vai nó:

− Cảm ơn em. Sao em đi học buổi tối?

Nó cười:

− Em học bổ túc vì ban ngày bận đi làm... Thôi, em chào hai anh nghe.

Nó lên yên phóng xe đi thẳng. Người đàn ông từ trong nhà mở cửa hỏi:

− Ai hỏi gì đó... A! Phải thằng Tùng không con? Còn ai đây?

Tùng đứng lặng nhìn cha, thân hình ông gầy gò khác xưa quá nhiều khuôn mặt chi chít sẹo, chỉ còn một bên mắt là lành lặn, còn bên kia da díu lại bít luôn hố mắt, nếu người lạ Tuân không dám nhìn lâu như thế. Không dằn được xúc động, Tuân buông rơi hai túi xách ôm chầm lấy ông:

− Bố ơi! Con đây, thằng Tuân của bố đây bố ơi.

Ông Thông bàng hoàng không tin vào mắt vào tai mình vừa nghe nó gọi, nó nói. Con trai mình đây! Nó đẹp trai và trắng trẻo quá. Đó là hình ảnh của ông hồi còn trẻ. Ông lấy bình tĩnh hỏi với giọng run run, mắt ông hoe đỏ:

− Thằng Tuân đây mà! Con về hồi nào vậy con?

Tùng biết anh còn xúc động nghẹn lời nên trả lời thay:

− Anh Tuân mới về hôm qua đó ba.

− Ôi! Mừng quá. Vào... vào đây con... vào... nhà đi... con!

Ông nắm tay con trai dắt vào nhà. Tuân đưa khăn lau mắt và quan sát căn phòng. Nó không khác gì cái ga ra cũ nhà Tuân, bây giờ mẹ anh để ba thứ đồ không sử dụng vào đấy. Căn ga ra ấy có khi còn rộng vì thoáng hơn ở đây.

Tùng kéo ghế đẩu cho cha và hai anh em. Ông Thông nhìn Tuân, hỏi:

− Con về đây luôn hay còn sang bển? Có vợ con gì chưa? Công việc làm ăn của con ra sao?

Ông hỏi con trai đủ thứ, Tuân vẫn còn xúc động nên chỉ trả lời nhát gừng. Một lúc sau, Tuân nghẹn lời hỏi bố:

− Bố à! Bố sống ra sao?

Ông cười, nụ cười thỏa mãn:

− Con nhìn thấy nghèo thế mà hạnh phúc lắm con. Đôi khi bố nghĩ mình đánh đổi những thương tật thể xác, công danh sự nghiệp để thay vào đó là cuộc sống rau cháo qua ngày nhưng đầy tiếng cười hạnh phúc. Bố không tiếc rẻ gì cho cuộc sống cũ đã mất. Chỉ mỗi khi nghĩ đến các con, lòng bố trĩu nặng. Bố tự dằn vặt là mình tìm niềm vui cho bản thân mà để các con lại căn nhà ấy.

Tùng an ủi ông:

− Bố lo gì, chúng con là trai, vả lại không có chúng con thì mẹ bán căn nhà từ lâu rồi, còn gì mà thờ cúng ông bà chứ?

− Cám ơn các con đã nghĩ tốt cho bố.

− Thế dì đâu rồi bố? - Tuân hỏi.

− Dì bán rau ở chợ chưa về con ạ.

Tuân nhìn đồng hồ:

− Tối thế mà dì chưa về à?

Ông gật đầu:

− Có hôm mãi đến mười giờ đêm mới về. Dù bán rau muống, họ còn đặt rau bào cho tiệm bún riêu mình phải làm lấy. Khi bán hết rau, dì còn phải đi cắt rau lấy một mình bó lại mai bán tiếp.

Tùng hỏi cha:

− Con nhớ dì có hai đứa con phải không bố?

− Ừ, thằng bé khi nãy là nhỏ, ban ngày nó đi làm thuê cho tổ hợp đinh, tối tranh thủ đi học bổ túc. Còn con bé lớn đi làm cho công ty nào đó. Lâu lâu rảnh tạt về ngang nhà đưa tiền cho gia đình rồi lại đi. Hai đứa rất ngoan và thương bố. Không khi nào bố thấy chúng có thái độ vô lễ với bố. Riêng dì, bố nói thật với các con, trong cuộc sống này, không ai hạnh phúc bằng bố đâu.

Ông vỗ vai con trai:

− Con về đây rồi thường xuyên ghé thăm bố nghe. Gặp hai đứa nhỏ, bố tin con sẽ thích chúng.

Tuân ngạc nhiên về thái độ và lời nói của cha diễn tả về gia đình. Tuân không tin vào những gì ông nói. Những sinh hoạt như hiện tại vậy mà bố cho là cuộc sống bố hạnh phúc, đầy đủ ư?

Tùng đứng lên đi xuống bếp, ông Thông dặn:

− Con đừng đến gần chuồng heo, nó thấy người lạ là la ỏm tỏi lên đấy.

Tuân hỏi:

− Ở đây nuôi cả heo nữa à?

Ông trả lời con với giọng vui vẻ:

− Ở đây ai cũng có việc, không lẽ bố ở không?

Tuân xúc động nhìn cha:

− Nếu có nhiều tiền, bố có thay đổi cuộc sống được không?

Tuân bắt gặp nụ cười của cha, nụ cười mà anh hiểu rằng ông đã thấu đáo mọi suy nghĩ trong đầu anh.

− Con cho là hiện tại bố cực khổ ư?

Tuân gật đầu yên lặng, ánh mắt anh nhìn cha như mong sự thông cảm. Nhưng ông Thông mỉm cười, anh đành cười theo.

Tùng từ nhà dưới đi lên hỏi:

− Bố đang cho chúng ăn à?

− Ừ, đến giờ rồi.

Ông đứng lên đi ra sau nói:

− Các con xuống đây xem bố làm việc.

Lúc này Tuân nhìn rõ hơn cách sinh hoạt nhỏ bé của gia đình cha hiện tại. Căn nhà cũ rộng rãi biết bao nhiêu, công việc làm ăn sang trọng đến ngần nào. Nay cha ở trong cái chỗ chật hẹp hôi hám, công việc cực nhọc, thế mà cha anh vẫn cười nói vui vẻ.

Cuối căn nhà là chuồng heo gồm bốn con trên năm chục ký, trên sát mái tôn, hai ổ gà đang ấp. Phía trái là nhà tắm và nhà vệ sinh đi chung, bên phải được kê bục xi măng làm kệ bếp vừa là chỗ đun cám heo. Trên bếp vẫn còn than hồng, rơi xuống vãi dưới đất hai ba cây củi còn khói, chứng tỏ hai anh em Tuân đến thì ông đang đun nấu gì đó. Ba cha con đang thảo luận về mấy chú lợn trong chuồng thì có tiếng gọi bên ngoài vang vào:

− Mình ơi!

Ông buông chổi quét chuồng lật đật ra ngoài, vừa đi vừa lên tiếng:

− Anh ra ngay đây. Các con lên chào dì cho biết.

Tuân và Tùng nhìn nhau cười. Họ cười không phải vì bố buộc chào "mẹ ghẻ", mà vì nghe họ gọi và thưa nghe sao thân mật quá. Thuở bố mẹ ở chung, anh em Tuân không bao giờ nghe những câu yêu thương ngọt ngào như thế.

Ông Thông đỡ từ vai vợ đôi quang gánh đầy rau. Ông rút khăn từ vai đưa cho bà, bà cầm lấy lau trán lấm tấm đầy mồ hôi nhìn hai anh em Tùng. Tùng thì bà biết, còn Tuân thì bà nhìn sững rồi quay sang nhìn chồng. Ông Thông đưa ly nước cho bà rồi nói:

− Thằng Tùng em biết rồi phải không? Còn đây là thằng Tuân, anh Hai nó ở nước ngoài mới về hôm qua.

Ông nói tiếp với vẻ hãnh diện:

− Con mới về mà tìm anh rồi đó!

Bà gật đầu:

− Hai cháu đến lâu chưa?

− Dạ, con cũng mới đến thôi dì.

Ông Thông ân cần chăm sóc bà:

− Anh chưa nấu nước nóng cho em tắm đâu. Anh cũng chưa kịp cơm nước gì hết.

Bà đỏ mặt nhìn chồng âu yếm:

− Anh ở đây nói chuyện với các con đi, để em xuống lo cơm tối. Các con ở đây ăn cơm nhé.

Giọng bà thanh thót nhẹ nhàng, Tùng khều anh, Tuân hiểu ý đứng lên:

− Thưa dì, chúng con xin phép về. Mai con đến sớm chơi với gia đình cả ngày. Chúng con đi mà không nói với mẹ, chỉ sợ mẹ chờ cơm. Mẹ mà biết chúng con đến đây là thêm rắc rối.

Tuân cầm hai túi xách ngập ngừng trao cho cha nói:

− Đây là quà con biếu bố và dì, có cả quà cho hai em nó mừng. Bố à! Còn đây là số tiền nhỏ con biếu bố và gia đình để tiêu thêm cho cuộc sống. Chuyện tương lai làm ăn mai mốt gặp lại, con bàn với bố sau.

Ông đặt hai gói quà xuống đất, nhìn số tiền con đưa, ông ngạc nhiên hỏi:

− Con cho bố nhiều thế? Ngần này là cả một gia tài, bố không nhận đâu!

Mắt Tuân rưng rưng:

− Bố! Bố có còn là bố của con nữa không? Con muốn sau này bố con ta làm lại từ đầu. Tất cả chúng ta gộp lại làm ăn nghe bố?

− Bố già rồi con ạ!

− Không, bố đừng từ chối! Nếu bố không giúp, con qua bên ấy lần này là không về nữa.

− Thôi được! Để bố tính lại xem sao. Thôi, chúng con về kẻo muộn.

Tùng chào to:

− Thưa dì, chúng con về!

− Như ơi! Các con nó chào em!

Tiếng bà vọng lên:

− Dạ, em đang dở tay. Anh bảo các con mai ghé chơi.

Ông Thông tiễn con ra cửa. Đợi chúng đi khuất, ông mới quay vào nhà và run run mở tiền ra đếm.

− Sao nó cho mình nhiều thế này?

Ông mừng rỡ gọi vợ:

− Em ơi, em!

− Gì vậy mình?

− Lên đây anh cho xem cái này nè!

Bà Như đi lên, với chiếc khăn vấn quanh đầu đến bên ông.

− Gì mà mình gọi nhặng lên vậy?

Ông đưa ra trước mặt vợ:

− Thằng Tuân nó cho anh những ba ngàn đô, nhiều quá em ơi!

Bà cũng ngạc nhiên:

− Nó có đưa lộn không? Chẳng lẽ nó không biết số tiền đó nhiều lắm ư?

− Không, lộn sao được? Nó còn tính với anh về công việc làm ăn và buộc anh phải ra làm chung với nó nữa đó.

Bà chép miệng nói nhỏ:

− Chắc nó giàu lắm đây!

− Giàu cũng phải thôi em. Ở bên ấy mười mấy năm, tính nó lại cần kiệm, chịu khó, dư là phải thôi.

Ông vui mừng ôm vợ hôn:

− Gia đình ta sẽ hết khổ, Diệu Như ơi! Em không phải đi bán rau để nuôi anh. Bé Tí sẽ ở nhà và đi học lại. Cu Minh cũng vậy. Anh ước ao cho ba mẹ con em có ngày sung sướng là anh vui, anh toại nguyện lắm rồi.

Bà vuốt gương mặt đầy sẹo của ông:

− Mặt mày như vầy đi đâu ra xã hội làm gì không biết.

Ông hôn bà:

− Em không chê anh là được rồi. - Ông ôm siết bà vào lòng - Như nè! Sống với anh, em vất vả quá phải không?

Bà lắc đầu:

− Anh ơi! Anh có biết không, em thấy mình hạnh phúc lắm. Bây giờ mà chị ấy đổi ý đòi anh về chắc em... em chết mất.

Ôm bà trong vòng tay ông thì thầm:

− Nếu có ai đó đánh đổi cả gia sản, chẳng hạn như thằng Tuân nó đổi cả một công ty để em phải xa anh, anh cũng không thèm đâu. Thà ở đây có rau cháo mà có nhau... Không có em, cuộc sống của anh không nghĩa lý gì.

− Anh không nói dối em chứ?

− Ngàn lần không, Như ạ!

Ông dìu bà đến ngồi bên ghế, ông lấy hai túi xách mà lúc nãy Tuân đưa:

− Quần áo, vải vóc, bánh kẹo. Tóm lại, toàn những thứ đắt tiền.

Bà Như u buồn:

− Tội nghiệp bé Tí, phải chi nó ở nhà anh nhỉ?

Ông nắm tay bà:

− Kỳ này nó về, anh bảo nó nghỉ làm luôn. Với số vốn thằng Tuân cho, anh sang một sạp quần áo hay vải cho hai mẹ con em bán. Còn thừa tiền, ta sửa sang căn nhà cho sạch sẽ hơn một chút, em thấy thế nào?

− Sao cũng được anh. Sống sao mà có anh, có các con là em vui rồi!

Ông Thông hiểu tâm trạng vợ lúc này nên nói:

− Em lo sợ anh bỏ em ư?

Bà không trả lời chồng nhưng mắt bà sắp khóc, ông vội nói:

− Làm gì có chuyện ấy! Ngay ngày đầu anh thân tàn ma dại, bệnh tật, tiền bạc không có, địa vị xã hội cũng không... anh tay trắng em còn đón anh về nuôi anh và lo cho anh, không lẽ anh không nhớ những ngày ấy sao?

Bà âu yếm nhìn ông, nắm tay ông bóp nhẹ:

− Anh nói chuyện gì đâu không hà. Em đi làm cơm đây.

Ông nhìn bóng bà khuất sau tấm vách trong lòng ông xót xa yêu thương. Chỉ nhờ tình yêu cao thượng nên cả ông lẫn bà đều đi qua những ngày khốn cùng của ngày tháng vất vả ấy. Ngày ông về với bà, ông phải thốt lên hồng nhan bạc phận. Bà có xấu, có đen và ốm như bây giờ đâu. Ông nhớ lại những diễn tiến, những biến cố xảy ra cho ông và cho gia đình bà Diệu Như. Cuốn phim cũ quay lại trong đầu như chuyện mới xảy ra hôm qua mà thôi.

Ông Thông lấy vợ năm 25 tuổi, cả hai gia đình đều giàu có, đồng thời là con một. Ai cũng tưởng rằng cuộc sống của họ hạnh phúc trên tiền bạc sẵn có, địa vị xã hội ngẫu nhiên do hai gia đình kết hợp lại. Nhưng có ai học được chữ ngờ chứ?

Trong khi ông thay thế hai người cha lao đầu vào công việc kinh doanh, thì Quỳnh vợ ông dư dả tiền bạc và thời gian... sau đó là mê muội, bỏ cả cơm nước, giao con cho người làm, đàn đúm không còn biết đường về.

Chính Quỳnh vợ ông gây ra không biết bao nhiêu là khắc nghiệt, phũ phàng. Ông muốn giữ mãi lời thề non hẹn biển của những ngày mới lấy nhau nên khuyên can vợ, an ủi, vỗ về nhưng tất cả đều vô ích. Sau khi sanh đứa con thứ ba, ông biết không còn cứu vãn tình thế ấy nên bỏ mặc và trở nên lạnh lẽo gối chăn. Ông chỉ lo chí thú trong công việc làm ăn. Vậy mà bà ta không hiểu lại sinh ra nghi ngờ ông, cứ ngỡ "ông ăn chả bà ăn nem". Lúc ấy ở công ty ông có một người thư ký nữ, chồng bị tai nạn lao động mới chết, một nách hai con nghèo túng, ông bèn ra tay giúp đỡ vật chất trong tinh thần người lãnh đạo tốt với nhân viên. Đó là thiện chí của ông đối với Diệu Như. Vì lòng nhân ái, ông đến thăm gia đình Diệu Như cũng như với những nhân viên khác dưới quyền. Ông gởi gạo, tiền giúp mẹ con Diệu Như, an ủi, động viên để Diệu Như chóng quên đau buồn mà làm việc trở lại như cũ. Không hiểu tin từ đâu đến tai Bích Quỳnh. Rồi bùng nổ giữa hai vợ chồng xảy ra, có lúc âm ỉ, có lúc rất ồn ào. Bích Quỳnh không toàn vẹn trong vai trò người vợ và làm mẹ, nhưng đầy tài năng chửi bới và soi mói chồng. Cho dù ông thề thốt, cam đoan, nhưng Bích Quỳnh không tin và quả quyết cho người bám sát.

Đã trót lỡ giúp, ông không vì lời vu khống của vợ mà bỏ mặc ba mẹ con Diệu Như. Dù Bích Quỳnh buộc phải cho Diệu Như thôi việc, nhưng ông cương quyết không nghe theo. Quỳnh cho rằng hai người phải có tình ý gì nên ông mới bênh vực Diệu Như như vậy.

Một buổi chiều, ông một mình đến nhà Diệu Như, báo tin cho cô biết rằng ông sẽ sắp xếp công việc khác cho cô ở công ty bạn. Ông nói:

− Tôi muốn vợ tôi tin rằng, tôi không có một chút lòng dạ xấu xa khi giúp đỡ cô. Tôi mong cô thông cảm. Vả lại, đi xa công ty của tôi, cô cũng sẽ bớt nhớ anh ấy. Tôi nói chắc cô hiểu phải không?

Diệu Như chưa kịp cám ơn ông, chợt ông nhận ra dáng vợ hùng hổ từ ngoài đi vào, ông chỉ kịp đưa tay đẩy Diệu Như ra sau cửa và ông lãnh đủ lọ nước tạt mạnh vào người.

Duyên nợ giữa ông và Diệu Như bắt đầu từ đó, không phải ông không có người lo chăm sóc trong những ngày nằm viện, nhưng Diệu Như đã lặng lẽ lo tất cả, an ủi giúp ông chống lành vết thương thân xác và vết thương lòng.

Sau sáu tháng ông nằm viện, Diệu Như đã bán đi tất cả đồ đạc để lo cho ông.

Còn Bích Quỳnh giấu ông chuyện đã bán công ty cho người khác, nộp đơn ly hôn và chiếm đoạt tất cả tài sản của cha mẹ ông cùng ba đứa con.

Ngày ông ra viện, Như đề nghị:

− Ông về ở tạm nhà tôi một thời gian đi, sau đó rồi tính.

Hai đứa con trai ông cũng không giúp được gì vì chúng còn bé và đang đi học. Thằng lớn ở nước ngoài cũng chưa có gì gọi là khá để nhờ cậy. Ông không muốn bà con bên nội nhìn ông với hình hài như thế, họ không thể nói tốt được vì Bích Quỳnh đã dàn ra tất cả những gì xấu xa nhất cho hạnh kiểm của ông. Ông đành im lặng theo chân người nhân viên nghèo. Và... cuộc sống của họ bắt đầu từ đó.

Phải nói Diệu Như là một người phụ nữ tuyệt vời nhất mà ông chưa từng gặp ở ngoài đời. Ông về ở với ba mẹ con Như với hai bàn tay trắng, nhưng không hiểu Diệu Như đã nói sao với con mà chúng một mực kính trọng ông, không một lời khinh bỉ hay coi thường.

Chúng thương ông như cha. Ngày ông về, hai đứa còn bé. Hiện tại chúng 18, đôi mươi, đi làm phụ ông và mẹ nó nhưng vẫn vui vẻ không so bì. Đó cũng là cái phúc cho ông.

Bích Quỳnh hắt hủi khi ông bệnh tật, xấu xí, tiền bạc không có. Nếu Diệu Như cũng đối xử với ông như Bích Quỳnh, không biết bây giờ ông ra sao.

Rồi Tuân và Tùng lại tìm đến ông lo cho ông và giúp ông làm lại sự nghiệp. Ông Thông cúi mặt, không hiểu sao những giọt nước mắt trào ra khỏi khoé.

Tùng nằm vắt vẻo trên ghế bố ngước đầu nhìn anh. Tuân đang nhún mình theo điệu nhạc trên chiếc đệm dày. Hai chân Tùng khều khều anh, cười khằng khặc.

Tùng nhắc anh:

− Sao, anh hãy kể lại cho em nghe xem, vì sao qua bên ấy về, mẹ chửi anh như ca cổ, còn anh lại cười vui thế?

Tuân vẫn cười ngặt nghẽo, nước mắt trào ra má:

− Hi... hi... không cười chắc tức chết thôi. Tùng biết không, số anh chắc ở giá quá. Mẹ đưa đi mấy chỗ rồi mà cô nào cũng chê anh.

− Chê anh khía cạnh nào?

− Tùng nhìn kỹ xem anh xấu chỗ nào mà không đám nào ưng anh vậy?

Tùng giả vờ ngắm quanh người Tuân rồi chắt lưỡi:

− Nếu là em, em ừ ngay không cần suy nghĩ.

Tuân gật gù:

− Hôm kia mẹ đưa anh đến nhà ông Ba Kháng, là gì đó với mẹ, để ra mắt cô con gái yêu... quái của họ. Đúng là yêu quái Tùng à. Cô ta tên Mỹ Dung, cái tên nghe dễ thương nhu mì đến thế... mà Tùng biết không...

Tuân lại cười to lên, anh không nói được hết câu. Tùng tiếp lời:

− Em biết cô ấy rồi. Mẹ cũng định đón cô bé "bồ tượng" đó về làm vợ em đấy chứ. Người gì mà to dềnh dàng, ăn nói như chuông đổ, lại thêm cái bệnh "viêm cánh" nữa chứ! Ông ta giàu ghê anh Hai nhỉ?

− Ừ. Vòng vàng đeo đỏ người từ cha đến con mà ở căn nhà thấy tội ghê. Mẹ nói với anh, ông ta giàu nhất nhì ở thành phố đó. Tùng có biết cô ta nói gì với anh không?

− Cổ nói sao? Chắc thú vị lắm hả?

Tuân nhái giọng ồ ồ của Dung:

− "Ôi! Em không ngờ anh lại đẹp trai đến như thế... Ôi! Người lý tưởng anh hằng mơ ước. Anh biết không? Em chỉ nghe tin cô Quỳnh nói với bố mà em đã tưởng tượng ra anh rồi đó. Ôi!... Ôi..."

Hai anh em Tuân cười ngặt nghẽo như muốn sụp căn phòng. Chợt có tiếng đập cửa bên ngoài cùng tiếng quát:

− Chúng mày làm loạn phải không? Con với cái gì, đứa nào cũng không vừa lòng hết.

Tiếng cười của hai anh em im bặt. Tùng nhảy xuống giường mở cửa cho mẹ anh vào. Nhìn mặt hai người đều đỏ như gấc, nước mắt còn vương trên mặt, bà ngạc nhiên:

− Làm gì mà cười ầm ầm, còn đập bàn đập ghế như đánh lộn thế?

Tùng tủm tỉm cười:

− Anh Hai đang kể chuyện đi coi mắt vợ cho con nghe.

Bà Quỳnh như được đổ thêm dầu vào, bà mắng:

− ... nó! Con nào nó cũng chê.

Tuân không vừa:

− Mẹ mới lạ, con lấy vợ chớ có phải mẹ đâu mà mẹ ép.

− Tao coi bộ mày ở giá đi là vừa.

− Thà con ở giá còn hơn lấy cái cô "liễu yếu đào tơ" Dung ấy! Người gì đâu thấy ghê, lại ăn nói như hát tuồng cổ, lấy về chỉ có nước cười không cũng đủ chết.

− Vậy chứ còn con Hồng Hạnh con ông Ngô Bá? Tại sao mày cũng chẳng chịu?

− À! Cái đó tại cô ta không chịu con chứ có phải tại con đâu?

Tùng chồm tới hỏi:

− Hạnh nào anh Hai?

Bà Quỳnh nói:

− Hạnh con ông Bá có tiệm vàng ở chợ chứ ai.

Tùng nhăn mũi trêu anh:

− Sao anh chê đám ấy? Em thấy được cơ mà.

− Mẹ có biết cô ta gọi con vào phòng riêng nói gì không?

− Người ta năn nỉ, còn con thì chê, đúng không nào?

Tuân nhún vai:

− Mẹ làm như con mất tư cách lắm vậy? Mẹ lầm rồi mẹ à! Hồng Hạnh kêu anh làm công cho ông Bá, hiện tại họ đã lén lút sống với nhau và cô Hạnh đã có bầu, cổ năn nỉ con đừng đồng ý để ông bà thay đổi ý kiến khi cái... bụng to lên. Cô giả vờ muốn cô ta làm vợ mình thì cô ấy hăm bỏ nhà trốn hoặc tự tử chứ nhất quyết không thèm ưng con.

Rồi Tuân giả vờ chép miệng:

− Được một chỗ tử tế thì... ai ăn đâu mất... không lẽ mình chùi miệng hộ ư?

Bà Quỳnh ngạc nhiên không tin, Tuân nói thêm:

− Bây giờ mẹ còn chửi con nữa thôi. Toàn gặp thứ gì đâu không. Đầu tiên là một cô gái ăn mặc "nghèo nàn", kế đến là người "tửng tửng", sau cùng là muốn lại gặp "cơm thừa". Mẹ quen biết toàn là những người gì đâu không hà!

Tùng đưa tay bụm miệng khúc khích cười. Tuân trêu mẹ thêm:

− Mẹ xem còn ở đâu quen biết, giới thiệu nốt đi, kẻo trễ.

Lúc này bà Quỳnh như quả bóng xì hơi.

− Mẹ có biết đâu gia đình họ lại như thế? Thôi, tao chán lắm rồi, không đi đâu nữa hết.

Giọng giận dỗi, bà nhìn Tuân thêm lời:

− Mày muốn lấy ai thì lấy, ế luôn thì cũng không sao. Gàn gàn dở dở chắc chẳng ma nào nó rớ tới.

Tùng chắp hai tay lại, nhắm mắt cúi đầu nhại:

− Mô phật! Anh Hai đã được siêu thoát.

Bà Quỳnh quay lưng đi ra nhưng miệng cũng phải cười vì câu châm chọc của con, mặc dù trong lòng bà ấm ức.

Tuân nói với em:

− Anh thấy lạ ghê Tùng ạ. Mẹ chơi với những người giàu có nhưng họ thế nào ấy. Cách sống của họ, anh không chịu được.

Tùng đề nghị:

− Chiều nay em đưa anh đến gặp người yêu của em. Có các bạn của cô ấy nữa, anh thấy là chịu liền!

Tuân thầm nghĩ: Mình lỡ hẹn với Diệu Thủy đưa cô ấy đi thu hụi. Anh bèn lên tiếng nói:

− Mai nhé! Anh hứa với cô Thủy chiều nay rồi!

Tùng dò xét, đôi mắt nghi ngờ hỏi:

− Anh Hai! Có phải Diệu Thủy là cô "công chúa lọ lem" của anh?

Tuân lắc đầu:

− Em làm như anh hồ đồ lắm vậy. Công việc Diệu Thủy làm lại phù hợp với thời gian anh ở nhà một mình... Cô ấy là người hướng dẫn du lịch tốt, hai ngày qua nhờ Thủy mà anh giết biết bao thời gian... Mấy cô gái mẹ giới thiệu được một cô như cô Thủy thì khoẻ biết mấy.

− Anh thấy cô ta ra sao?

− Diệu Thủy kín đáo lắm, dè dặt, tôn ti phân biệt rõ ràng.

Tùng ngập ngừng nhìn anh:

− Ồ! Anh đừng để mẹ biết, mẹ đuổi cô ấy tội nghiệp, nhà Thủy nghèo lắm.

− Sao em biết nghèo?

− Ờ... thì giàu hay đủ ăn ai lại đi làm thuê bao giờ. Vả lại, em thấy Thủy là con gái mà chỉ có ba bộ quần áo thôi.

− Có lẽ thế. À! Sao hôm nay em ở nhà?

− Hôm nay là chủ nhật, anh quên rồi sao?

Tuân cười:

− Ở nhà mãi quên cả ngày tháng. Vậy em ngồi đây để anh sang nói Diệu Thủy hôm nay đi một mình, tụi mình đi chơi.

− Sao cũng được, nhưng tối nay anh còn hẹn với bố.

− Anh nhớ chứ.

Tuân qua phòng anh mà hiện nay Thủy đang ở, không có tiếng trả lời, rướn người xuống thang lầu, Tuân thấy chị bếp và Diệu Thủy đang làm việc gì đó. Đến bên Thủy, Tuân nói:

− Hôm nay cô Diệu Thủy đi một mình nhé! Tùng ở nhà nó đưa tôi đi vài nơi quen biết.

Diệu Thủy nhìn Tuân với đôi mắt thành thật nhưng trả lời không kém thông minh, sắc sảo:

− Không sao đâu cậu. Ngày mai hay những ngày khác cậu cần cứ nói trước một giờ, tôi sẵn sàng.

Tuân nhìn vào mắt Thủy để tìm ở đó có sự giận dỗi hay hờn mát gì không, nhưng tuyệt nhiên Tuân không nhận thấy một điều gì khác. Anh chỉ thấy duy nhất ở đó với đôi mắt to đen thật sáng, đôi mắt dù sáng nhưng thật sâu thẳm khó hiểu. Nó có sâu như tâm hồn cô không?

Tuân nhìn Diệu Thủy khá lâu nên Thủy không chịu được nhếch môi cười, nụ cười Tuân cũng không hiểu nổi, nên anh nói trong tâm trạng bối rối:

− Cô đừng buồn nhé!

− Thế cậu chưa hiểu tôi rồi! Chuyện đơn giản vậy không có gì phải làm cậu suy nghĩ. Cậu là chủ, còn tôi là người làm, rõ ràng như ngày và đêm.

Diệu Thủy cầm rổ rau đến vòi nước rửa, cô đứng quay lưng lại chỗ Tuân. Còn Tuân muốn kéo thời gian dưới bếp nên hỏi chị Bảy:

− Có gì ăn không chị? Tôi đói quá!

Chị Bảy mau mắn:

− Cậu Hai uống sữa hay ăn xúp?

− Chị cho tôi chén xúp, ít thôi.

Quay ra sau, chị bếp nói với Thủy:

− Lấy tô nhỏ múc cho cậu Hai tô xúp nghe Thủy.

Không hiểu Thủy bận công việc hay không nghe hay cô ấy giả lơ nên vẫn thấy Thủy đứng yên làm việc. Lát sau, Thủy bưng rổ rau ra phía sau mất hút.

Tuân đứng chờ. Sau cùng, anh nói:

− Chị bận tay, chị để em lấy cho.

Chị bếp có vẻ ngạc nhiên quay lại sau lưng. Nước máy vẫn chảy mà không còn người đứng. Chị lẩm bẩm:

− Con này lạ thật, cậu để tôi!

Tuân cầm tô xúp trên tay:

− Tôi lên lầu ăn. Lát nữa đem tô xuống cho chị nghe chị Bảy?

Chị bếp kêu lên:

− Í! Cậu để đó tôi bưng lên cho.

− Không sao đâu mà!

Tuân bưng tô xúp đi mà lòng nghĩ miên man về thái độ của Thủy. Chắc là cô bé giận đây. Bất chợt Tuân mỉm cười thích thú, vì bị Thủy buộc anh phải nghĩ về cổ. Với nụ cười tít mắt, Tuân nghĩ ngày mai nói gì với cô bé đây? "Đừng giận! Giận tôi làm gì cô bé!"

Choảng... Rầm...

Tuân nằm nguyên người trên những mảnh vỡ của tô xúp. Chị Bảy bỏ việc chạy lên gọi Tùng. Tùng nhanh chân chạy xuống đỡ anh:

− Sao vậy?... Chết rồi, có máu! Chị Bảy gọi anh Tú giùm nhanh lên!

Chị bếp vội vã chạy đi. Không đầy hai phút sau, Tú với túi đồ nghề trên tay nói:

− Tùng cởi áo rồi lấy cho anh cái khăn ướt.

Tú xem xét vết thương trên mặt, trên tay anh rồi tiếp:

− Anh chịu khó đau một tí, em khâu vết cắt trên trán, khá sâu đấy. Còn mấy chỗ khác chỉ trầy sơ.

Tuân phần vì đau, phần anh nghe choáng váng vì cú "xiếc" vừa biểu diễn nhưng lại không dám rên. Tùng nói với Thủy, Tuân nghe rất rõ:

− Cô nhúng khăn xăm xấp nước thôi. Nè...

Tùng đưa khăn lau mặt cho anh, Tuân cố mím môi chịu đau nhưng không gắng được. Anh thốt lên:

− Úi da! Tùng làm anh đau quá!

− Em lau khẽ thôi mà.

Diệu Thủy đến bên nói:

− Cậu Út để tôi giúp cho.

Sau tiếng nói của Diệu Thủy, Tuân nghe cảm giác một bàn tay Thủy nâng đầu anh, tay còn lại cô khẽ đưa lau mặt anh cẩn thận. Tuân không còn nghe có cảm giác đau đớn nữa mà không biết vì sao. Thích thật ước gì mặt mình dài ra, to hơn để được chăm sóc mãi.

Tú nhắc chừng:

− Cô Thủy lau ở cổ, ở ngực giùm cho sạch luôn.

Tuân nghe càng thích thú hơn. Anh tưởng tượng ra Diệu Thủy là người yêu của mình và thầm nhủ: Cảm ơn em nhé Tú.

Ủa! Mà tại sao mình lại bị như thế này nhỉ? Đúng rồi, tại cô ấy! Ta phải giả bộ làm nư mới được.

− Nhẹ thôi, cô làm tôi đau quá!

Tuân hé mắt nhìn Diệu Thủy, mặt Diệu Thủy lúc này đang sát với người anh, chỉ cần Tuân nhổm dậy là môi Thủy đụng ngay ngực anh. Ý nghĩ tinh nghịch ấy Tuân rất muốn thực hiện, nhưng ngặt còn có Tùng và Tú ở xung quanh. Thôi, để đó. Vả lại, mình đang bị thương, ai lại làm thế chứ?

Chợt có tiếng the thé của bà Quỳnh vọng vào:

− Mắt mũi để đâu mà như thế này? Có sao không? Già rồi mà như con nít... Có... có...

Tùng trêu anh khi thấy mẹ bước vào:

− Mẹ biết vì sao anh Hai như thế này không?

− Sao? - Bà hỏi lại.

Tùng nghiêm nghị nói:

− Tại mẹ giận không dắt anh ấy đi tìm vợ nên ảnh làm nũng đó mà.

Tuân giở chân đá về hướng có tiếng nói, không ngờ chân anh đá trúng ống quyển của Thủy.

− Ui da! - Diệu Thủy kêu lên.

Tuân hốt hoảng mở mắt nhìn, thấy Thủy đang nhăn mặt, anh vội nói:

− Tôi xin lỗi. Mà... nè, huề nghen.

Thủy mở to mắt định hỏi "gì huề" nhưng thấy xung quanh đông người nên thôi. Cô vội cầm khăn, thau đi xuống bếp.

Từ lúc ấy cho đến hai ngày sau, Tuân mới thấy lại cô vào buổi trưa khi ngủ dậy. Anh tựa người vào lan can nhìn xuống vườn, căn nhà vắng lặng không tiếng động. Mẹ đi đánh bài từ sáng, chị Bảy về quê thăm bà con. Vợ chồng Tú đã đi làm và con đi học hết. Ăn cơm trưa xong thì Tùng cũng đi làm. Còn Diệu Thủy, cô đã đi thu hụi chưa? Bên nước người làm không có giờ thở, về đây lại quá nhàn rỗi, chán thật!

Chợt có tiếng động sau lưng, Tuân quay lại ngạc nhiên hỏi:

− Ủa! Hôm nay cô không đi thu hụi sao?

− Bà tạm dừng một tháng.

Thủy nói mà không nhìn Tuân, chân cô vẫn bước xuống thang lầu. Tuân nói với theo:

− À, cô Thủy nè! Gia đình tôi tổ chức đi Đà Lạt, Vũng Tàu, cô đi chung cho vui.

Nét mặt Diệu Thủy vẫn thản nhiên không thiếu vẻ lạnh lùng, cô đáp nhưng vẫn nhìn ra sân:

− Bà cho tôi nghỉ một tháng không lương. Hẹn gặp cậu vào tháng sau. Cám ơn lời mời tốt đẹp của cậu!

− Hay cô để tôi nói lại với mẹ tôi cho cô đi chơi nhé. Suốt năm làm cũng phải có ngày vui chứ!

Nụ cười nhạt nhẽo trên môi, Diệu Thủy nói:

− Nếu bà đồng ý tôi cũng không đi. Tôi thích về nhà hơn.

− Thế... tháng này cô nghỉ không lương?

− Tay làm hàm nhai mà cậu. Cả tôi và bác xích lô tháng này giống nhau.

Ánh mắt đầu tiên cho Tuân trong cuộc nói chuyện kèm theo với lời cảnh cáo:

− Mai mốt cậu có làm chủ nhớ đừng tình cảm quá, coi chừng nghèo!

Nói xong, Diệu Thủy quay lưng đi thẳng.

Tuân nhìn theo với bao thắc mắc về con người bé nhỏ ấy. Chắc chắn trong con người Diệu Thủy phải có một tâm hồn nhạy cảm và dễ xúc động với hoàn cảnh. Chỉ cần nghe giọng nói của cô, Tuân cũng đủ hiểu cô đang châm chích, cay cú những người giàu có như gia đình Tuân ghê lắm. Không lẽ Diệu Thủy nghĩ rằng những người giàu có đều như thế cả.

Lần đi chơi này bà Quỳnh thu xếp thật chu đáo, cẩn thận. Tuân đã năn nỉ Tú nên đưa vợ con đi theo cho vui. Cuối cùng thì trên xe cũng đầy người, chỉ còn Ánh Nguyệt viện cớ bận làm nên không đi. Xe Tú được sử dụng trong chuyến du lịch này. Chị Bảy được đi chơi nhưng công việc vẫn là công việc: giặt giũ và lo giữ cu Tí con của Tú.

Tuân giả vờ hỏi:

− Sao mẹ không rủ cô Thủy đi luôn?

− Xe không đủ chỗ. Vả lại, nó muốn về nhà.

− Cô ấy nghỉ có lương không mẹ?

− Cái thằng hỏi lạ, nó xin nghỉ chớ tao cho nghỉ đâu mà đòi lương?

Tuân tìm nơi ánh mắt mẹ một sự hiểu biết cảm thông, nhưng tuyệt nhiên không. Như sợ Tuân hỏi thêm, bà quay sang hỏi Tùng:

− Khi nào thì con cưới vợ?

− Cuối năm được không mẹ?

− Nhất định lấy con Sương à?

Tùng nhìn mẹ nói:

− Chúng con yêu nhau, con hy vọng mẹ thương cô ấy. Mẹ thấy đó, anh chị Tú sống hạnh phúc ghê không? Mẹ à! Chúng con sống hạnh phúc là mẹ phải mừng chứ. Mẹ giận anh Ba lâu quá rồi đó. Gia đình chị Nguyệt hay Phụng Sương tuy nghèo nhưng họ hiểu phận dâu con, đạo làm vợ. Công việc làm ăn chúng con không cần phải lấy vợ giàu. Vả lại, mẹ có nhiều nhặng con cái gì đâu mà lo không chỗ ở. Căn nhà chúng ta đang ở đủ chứa mười cặp vợ chồng phải không mẹ?

− Khổ đừng có kêu réo tao như vợ chồng thằng Tú nghen.

Tuân chen vào:

− Mẹ cứ để Tùng nó lấy vợ theo ý muốn đi. Sau này nó có khó khăn gì con lo cho.

Bà giận dỗi quay qua nói chuyện với chị Bảy:

− Cô thấy con cái bây giờ lạ ghê chưa? Cha mẹ nói nó có thèm nghe đâu!

Tùng không muốn mẹ tỉ tê nên nói:

− Chuyện vợ con về nhà ta bàn. Giờ là đi chơi, đi ngắm cảnh, ba cái chuyện lặt vặt vớ vẩn lại sinh ra cãi nhau thêm buồn!

− Tao thèm cãi với chúng mày à? Mặc xác, từ nay về sau đứa nào khổ ráng chịu, đừng kêu réo tao.

Mười lăm ngày dài, gia đình bà Quỳnh đi hết Vũng Tàu ra Nha Trang lên Đà Lạt. Thật tình thì Tuân chỉ muốn vui lòng mẹ và nhân dịp cho Tùng đi chơi, chứ trong lòng anh chỉ muốn ở nhà đi loanh quanh thành phố và tính chuyện làm ăn ở tương lai. Tuân đã lên kế hoạch trong đầu: Sau khi du lịch về, anh sẽ chọn mua một miếng đất ở ngoại ô thành phố, xây dựng một nhà máy sản xuất để cho bố, Tùng và dì Như có công ăn việc làm, tạo nên một cuộc sống ổn định, vững chắc cho tương lai.

Về đây, anh thấy sinh hoạt trong gia đình làm anh suy nghĩ ghê lắm.

Mẹ như có cuộc sống riêng của bà, bà không màng đến con, đến chồng. Tối ngày chỉ lo đàn đúm, bài bạc, hụi hè với những người bạn già. Mẹ buồn ư? Tại sao gia đình thì mẹ bế lại không hạnh phúc? Mẹ có già gì lắm đâu? Tại sao mẹ lại cam chịu cuộc sống đỏ đen để phòng không một mình? Còn bố, thật là một người an phận. Mà không trách ông được. Một cuộc sống giàu sang đánh đổi lấy sự yên bình hạnh phúc bên vợ con và nhất là sự dịu hiền của người đàn bà là cơ bản tất yếu phải có ở người vợ. Mẹ Tuân không có những đức tính ấy nên ông đành ra đi. Lỗi không phải ở ông Thông, nhưng cũng không trách gì ai cả. Mỗi người có một ý nghĩ riêng cho cuộc sống của mình.

Cảnh thiên nhiên của vùng rừng núi, bờ cát dài, biển lặng hay sóng vỗ cũng không làm anh quên được cuộc sống của cha mẹ.

Trời hôm nay se lạnh, Tuân đứng dưới gốc thông già nhớ về một khuôn mặt: Thủy! Cô gái có một cuộc sống nội tâm sâu sắc, giọng nói châm biếm và cái nhìn như thấu suốt hồn người. Từ sáng, Tuân đã lang thang đi trong khu đồi thông này, một sự yên lặng tĩnh mịch. Tuân không vui và cũng không hiểu vì sao? Có lẽ tâm hồn anh chán nản những điều xảy ra trong gia đình? Tuân những tưởng khi đặt chân về gia đình, anh sẽ thỏa mãn tất cả những gì đã sắp xếp trước. Sau bao ngày xa cách quê hương, Tuân không tìm được vòng tay ấm áp của mẹ, lời nói trách mà yêu thương của cha. Song, điều mà Tuân mong muốn bây giờ chưa đến, đó là gia đình. Tuân đã đến lúc nghĩ đến cuộc sống gia đình riêng cho chính mình: vợ, con, một tổ ấm... Tìm kiếm một người vừa ý thật không đơn giản như anh và mẹ đã làm mấy ngày qua. Họ toàn là những người có đầu óc tính toán vật chất, tiền bạc. Không lẽ Tuân vô phước không có được một cuộc sống thật sự sao?

Tuân có đầy đủ tất cả của một con người đạt tiêu chuẩn để tìm ý trung nhân, nhưng lại không tìm được. Tuân có đủ tiền bạc, địa vị xã hội nếu muốn và có cả cái dáng bề ngoài dễ nhìn. Thế tại sao anh lại không may về đường tình ái?

Mãi suy nghĩ nên Tuân không biết Tùng đã đến bên từ lúc nào. Tùng lên tiếng hỏi:

− Anh suy nghĩ gì vậy anh Hai? Đang nhớ Diệu Thủy phải không?

Tuân chối biến:

− Làm gì có chuyện đó! Anh đang suy nghĩ không biết về đây có tìm được một người hiểu mình không mà thôi.

− Anh đừng kén chọn quá. Vài tháng nữa đám cưới em tha hồ cho anh chọn. Bạn của Phụng Sương toàn những người hiền lành cả, có một số hiền nhưng không đẹp.

Tuân dễ dãi:

− Anh không cần "xuất sắc" nhưng đừng như Chung Vô Diệm bắt anh phải đợi nàng hóa kiếp!

Tùng tò mò:

− Như Diệu Thủy được không?

− Diệu Thủy hoài! Cô ấy không thèm anh đâu. Em làm như anh có giá lắm vậy.

Tùng nói tỉnh:

− Em nói thật anh Hai biết nghe! Nếu Diệu Thủy đến nhà mình trước khi em yêu Phụng Sương thì không đến lượt anh đâu. Số một đấy!

− Thôi, đừng bàn chuyện Diệu Thủy nữa. Tùng nè! Anh tính sau khi về đến Sài Gòn anh sẽ...

Tuân kể cho em nghe về những dự tính của mình ở tương lai, một kế hoạch đầy đủ điều kiện thuận lợi vật chất cho đến tinh thần. Nghe xong, Tùng thích thú:

− Nếu cứ như anh Hai tính, không lâu nữa gia đình ta sẽ trở lại như xưa... Em chỉ lo mẹ.

− Chuyện ấy anh sẽ nói với mẹ.

− Tụi em biết hiện tại chỉ có anh là có giá với mẹ thôi. Nhưng em báo cho anh biết trước, là không phải vì anh có tiền mà mẹ nể, chỉ vì lâu ngày anh mới về nhà... Chuyện gì có dính dáng đến bố, mẹ không để yên đâu. Mẹ thù dai lắm.

− Được. Anh sẽ xử sự khéo léo để ôn hòa hai bên.

− Anh có bàn với bố chưa?

− Anh chỉ nói sơ, bố đồng ý với điều kiện em nói khi nãy.

− Nghĩa là đừng cho mẹ biết?

− Đúng thế!

Tùng ví von:

− Cây kim giấu trong chăn lâu ngày còn lòi, huống hồ gì chuyện hệ trọng như vậy.

− Tùy vào từng cách cư xử với nhau thôi Tùng ạ.

Họ nhìn nhau thở dài, cả hai cùng chung một ý nghĩ: Khó thật!

Tùng dựng xe trước sân, cùng anh vào nhà và tíu tít:

− Thấy bố vui mà em muốn khóc luôn vậy đó anh.

− Ừ. Con gái dì Như làm thư ký cho công ty nước ngoài đã hơn một năm qua chắc quen việc, sau này về làm cho công ty mình sẽ dễ dàng hơn.

Tùng nói:

− Dì Như đẹp, không biết con gái dì có đẹp không đây?

Tuân cười:

− Không lẽ xấu rồi không nhận, dì Như sẽ nghĩ sao?

− Không được! Công ty mới thành lập phải tìm người dễ coi để... câu khách chứ.

Cả hai dừng lại tại cửa phòng khách vì Thủy đang ngồi nép mình vào một góc xa-lông, mặt áp vào hai tay, vai run run. Tuân đến nhanh bên cô hỏi:

− Diệu Thủy! Có chuyện gì vậy?

Vẫn cúi mặt, cô lắc đầu không trả lời. Tuân ngồi xuống kế bên ghé sát mặt cô:

− Có gì nói tôi nghe xem!

Thủy đưa tay quẹt mắt nói:

− Cậu giúp gì được cho tôi trong khi bà là chủ nhà này?

− Thủy cứ nói, nếu có khả năng tôi không từ chối.

Diệu Thủy nhìn Tuân nói rồi nhìn Tùng. Tùng nói động viên:

− Cô cứ nói, chúng tôi là chỗ đáng tin cậy.

− Tôi xin bà nghỉ làm, bà không cho.

Cả hai người quá đỗi ngạc nhiên không hiểu nguyên nhân vì sao Diệu Thủy không làm việc tiếp. Tùng rời chỗ đứng bước tới lấy chiếc ghế nhỏ đem đến trước mặt cô, anh ngồi đối diện và hỏi:

− Tại sao cô nghỉ? Có ai làm cho cô buồn không? À! Hay là cô tìm được việc khác lương khá hơn?

Tuân không để Thủy trả lời, anh ân cần:

− Cô Diệu Thủy! Hay nhà cô có chuyện khó khăn cần có mặt cô phải không? Cô có nói rõ lý do xin nghỉ với mẹ tôi không? Mẹ tôi nói sao mà không cho cô nghỉ?

Thủy nhìn hai người tìm sự thông cảm. Mặc dù lúc ấy cô vẫn đang xúc động, nhưng giọng nói tỉnh táo hơn:

− Tôi đi làm kiếm tiền để giúp gia đình trong lúc gặp khó khăn nhất thời. Nay gia đình tôi qua thời kỳ ấy, mẹ tôi muốn tôi nghỉ để làm việc phù hợp với khả năng của tôi hơn. Bà chủ nói phải báo trước ba tháng vì còn tìm người thay, công việc tôi hiện tại không ai quen làm... Nếu hai cậu giúp cho tôi nghỉ trong tuần này, tôi mang ơn vô cùng.

Tùng thở dài nói với anh:

− Anh Hai thuyết phục mẹ dễ hơn em. Anh nói sao cho mẹ nghỉ hụi, công việc lúc ấy dễ quyết định hơn. Em đi ngủ đây.

Trong phòng chỉ còn lại hai người. Tuân nhìn người con gái yếu đuối trước mặt, tội nghiệp cho cô bé. Anh nói:

− Tôi hứa giúp cô!

Mắt Diệu Thủy sáng lên, cô tự nhiên cầm tay Tuân:

− Cảm ơn cậu Hai. Cậu Hai tốt quá.

Nước mắt sung sướng của Thủy rơi trên má, Tuân để nguyên tay mình trong tay cô và nói:

− Nhưng với một điều kiện.

Thủy ngạc nhiên trố mắt nhìn Tuân rồi nhè nhẹ rút tay về rụt rè hỏi:

− Cậu Hai nói gì?... Điều... kiện gì?

Nhìn cử chỉ và ánh mắt của cô, Tuân biết cô hiểu lầm nên cười hiền lành:

− Tôi chỉ cần cô nói thật, sau khi cô nghỉ làm ở đây, cô sẽ đi đâu và làm gì?

Diệu Thủy thở nhẹ, dù cố nén tiếng nhưng Tuân vẫn nghe được. Cô nói thật:

− Gia đình tôi có người giúp một số tiền lớn nên mẹ tôi sang sạp bán quần áo, mẹ cần tôi giúp.

− Thế ư! Người ta là ai mà tốt vậy? Họ có vụ lợi gì trong việc giúp đỡ này không? Cô Thủy phải cẩn thận.

Diệu Thủy lắc đầu:

− Đó là người thân, họ ở xa mới về, thấy gia đình tôi cần giúp thế là họ ra tay.

Tuân hỏi lại:

− Là bà con?

Tuân được trả lời bằng cái gật đầu nhẹ, anh tiếp:

− Thôi được, cô hãy yên tâm! Tôi hứa sáng mai mẹ tôi gọi cô lên để đuổi việc chớ không chờ cô xin nghỉ đâu.

Diệu Thủy đứng lên mỉm cười, nụ cười tươi, hồn nhiên khiến Tuân ấm lòng. Sau chuyến du lịch về, hôm nay Tuân mới cảm thấy lòng nhẹ nhõm. Anh nói:

− Chúc cô ngủ ngon!

Tuân nhìn theo bóng Thủy. Thật xót xa, con người xinh đẹp hiền lành như thế lại sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Chợt nhớ ra điều gì, Tuân đứng bật dậy chạy theo cô:

− Thủy, cô Thủy!

Thủy quay người lại hỏi:

− Có chuyện gì vậy cậu?

− Khi nào nghỉ, cô cho tôi địa chỉ nhà, để nếu rảnh tôi ghé chơi, được không?

Thủy cười bí mật:

− Nhà tôi không có địa chỉ?

− Cô làm như cô ở trên Cao Nguyên với Thượng không bằng. Mà dù cô ở đâu cũng phải có số nhà, phường, khóm chứ, lỡ bà con ở xa muốn liên lạc thì sao?

Diệu Thủy cười buồn:

− Nhà tôi xây trên mảnh đất thừa người ta không sử dụng... nhà bất hợp pháp mà ai mà cho số?

− Ra thế! Nhưng không lẽ cô đi không để một chút gì lại, sau này chúng tôi cần liên lạc sao?

Thủy định buột miệng nói: "Tôi không đáng để cậu quan tâm", nhưng không hiểu sao Thủy lại trả lời:

− Tôi hứa khi ổn định công việc, tôi sẽ đến đây cho các cậu hay tin. Với tôi, ai trong nhà này cũng đều tốt cả.

Tuân hớn hỏ:

− Cô nhớ nhé!

Thủy cười, Tuân cũng cười.

Tự dưng Tuân cho là mình đã tìm ra chân lý sống. Ở đời cũng có cái đáng yêu đấy chứ, cái quý nhất là phải tìm, không phức tạp như anh đã nghĩ ở những ngày qua.

Hoàng Tuân đi từ ngoài cửa vào với gương mặt thẫn thờ, đôi mắt anh đờ đẫn khiến Tùng lo lắng.

− Có chuyện gì vậy anh Hai?

Miệng lẩm bẩm, Tuân nói khẽ:

− Thật không ngờ! Không ngờ...

Tùng sốt ruột hỏi dồn:

− Anh Hai! Anh gặp chuyện gì bất ngờ lắm sao?

Tuân ngồi xuống cùng băng ghế với em, tay anh bóp mạnh tay Tùng và nói:

− Em biết tối nay anh gặp ai ở nhà bố không?

− Ai? Ai mà khiến anh hốt hoảng như thế?

− Anh gặp Diệu Thủy?

− Ủa! Thủy làm gì ở đó?

Tuân đưa hai tay bóp hai bên thái dương, anh đáp nhỏ:

− Diệu Thủy là con gái của dì Như!

− Hả?

Tùng hỏi to hơn, Tuân đưa tay bịt miệng em:

− Nói nhỏ thôi, mẹ nghe bây giờ.

− Mà... mà Thủy không biết bố là cha ruột của mình sao?

Tuân lắc đầu không trả lời. Thời gian lúc này như ngưng đọng đến với hai anh em.

Nào có ai lừa dối Tuân đâu mà anh vẫn cảm thấy đau thấu tim. Định mệnh éo le này đã lừa dối mình ư?

Tâm tư của Tuân từ khi gặp Diệu Thủy đến bây giờ, anh sinh ra khó nghĩ, Tuân như đang bay bổng trên sóng.

Tùng nắm tay anh hỏi:

− Chuyện thế nào anh Hai? Bố có biết không?

Cuộc gặp gỡ với Diệu Thủy xảy ra lúc tối, bây giờ như hiện lại rất rõ trong đầu Tuân.

Hai cha con Tuân đang bàn bạc:

− Thế lúc nào cho khởi công xây dựng?

− Ồ! Bố nôn nóng làm gì. Con phải quay về bên ấy làm thủ tục rút tài sản, xin phép thành lập công ty liên doanh với nhà nước. Con là đại diện cho công ty nước ngoài, còn bố hay Tùng là người đứng đầu công ty ở đây!

− Vậy chắc năm sau mới khởi công phải không con?

− Độ thời gian đó, bố ạ!

− Vậy cũng còn khá lâu. Bố có bàn với dì và hai đứa nhỏ là trong thời gian chờ đợi, dì sang sạp bán vải ở chợ, sạp nhỏ thôi để hai mẹ con bán qua ngày. Còn bố với em Minh lo nuôi heo và chạy hàng thêm cho hai mẹ con dì bán. Con thấy sao?

− Tùy bố thôi!

Giữa lúc ấy, Tuân theo tiếng nói thánh thót quen thuộc:

− Minh ơi! Ra xách giỏ cho chị!

Minh không có ở nhà, ông Thông ra cửa đỡ túi xách nặng đi vào, tươi cười nói:

− Bé Tí vào đây, dượng giới thiệu con trai dượng ở nước ngoài về nè.

− Đâu! Đâu! Anh ấy đâu?

Giọng nói hớn hở vụt tắt.

Một cảm giác ớn lạnh chạy suốt sống lưng anh. Thủy trố mắt nhìn anh và cả hai cùng ngỡ ngàng nhìn nhau. Thủy đỏ mặt cúi đầu đi thẳng ra sau, ông Thông ngạc nhiên gọi:

− Bé Tí! Sao con không chào anh?

Thủy quay lại lí nhí:

− Em chào anh!

Rồi cô đi tuốt ra sau bếp.

Vẫn với nụ cười vui vẻ, ông Thông tiếp tục vô tư:

− Đó là con gái lớn dì Như, ngoan lắm. Học xong cấp ba, gia đình gặp khó khăn, nó tình nguyện đi làm giúp bố và dì... Tội nghiệp, nó nghe nói có tiền mở sạp bán quần áo là xin nghỉ việc liền.

− Thế cô bé đi làm lâu chưa bố?

− Ba năm rồi đó con. Nhìn bé thế chớ hai mốt, hai hai tuổi rồi.

− Ừ, bé thật! Con nhìn cứ tưởng mười tám, mười chín. Bố để con xuống làm quen với cô bé một tí nhé.

Ông Thông cười với nụ cười khó hiểu, Tuân biết bố nghĩ gì, nhưng trong thâm tâm anh định nói một câu gì đó cho Thủy an tâm. Anh ngồi xổm xuống đất cạnh Thủy, cô đang cúi mặt chăm chú lặt bó cải. Tuân nói nhỏ:

− Anh không nói gì với bố hết, em cứ tự nhiên nhé!

Diệu Thủy ngẩng mặt lên nhìn anh, hai má Thủy đỏ gay, cô nhìn lên nhà trên và nói với anh:

− Thủy cảm ơn cậu!

− Thủy! Cho anh xin lại tiếng gọi ấy đi, chúng ta là anh em mà.

Diệu Thủy lắc đầu không nói, cô cúi mặt xuống làm tiếp công việc dở dang.

Tuân đành nắm tay cô, nói nhỏ:

− Em không tin tưởng anh chứ gì? Anh đoán biết em có điều gì khó nói với gia đình. Với anh, anh tối trọng bí ẩn ấy. Vả lại, anh cũng không tò mò trừ khi em tình nguyện kể. Bây giờ, em là em gái của anh, chúng ta nên xưng hô tự nhiên.

Diệu Thủy ngẩng mặt nhìn anh, hai mắt cô đầy lệ. Tuân xót xa đưa tay quẹt nước mắt cho cô và nói:

− Em nín đi, bố xuống không hiểu chuyện lại cho là anh ăn hiếp em, có phải oan cho anh không?

Thủy đẩy tay anh ra:

− Anh lên nhà nói chuyện với dượng đi, ở đây lâu, dượng lại nghi ngờ.

Để trả lời cho nỗi lo sợ của Thủy, ông Thông đi xuống đứng bên hai người, nói:

− Bé Tí! Sao không kéo ghế cho anh ngồi, ai lại để anh ngồi chồm hổm vậy?

Tuân đứng lên vì tê chân, anh đi cà nhắc đến bên bố:

− Cô bé lớn rồi mà cứ gọi bé tí hoài... làm hổm rày con cứ tưởng con gái dì Như còn... bé tí lắm.

Ông Thông cười ha hả. Thủy cúi mặt. Tuân kéo ghế đẩu rút từ gầm bàn ăn ngồi sát Thủy, hỏi:

− Anh nói đúng không nào? Để anh giới thiệu tên anh cho em biết nghe tên anh là Tuân, em phải gọi là anh Hai Tuân. Còn em, tên đẹp lắm hay sao mà giấu kỹ thế?

Thủy đỏ mặt đứng lên đến bên ông Thông:

− Dượng! Dượng coi anh Hai ghẹo con kìa!

Tính Thủy còn trẻ con, hay nhõng nhẽo với mẹ, ông sợ Thủy hờn nên can:

− Tuân! Con chọc quá, nó bỏ đi ngủ coi như cả nhà nhịn cơm tối đó nghen.

Tuân cười vui vẻ:

− Em không nấu thì có anh. Anh nấu cơm ngon lắm nè, mà có giận cũng phải giới thiệu, coi tên gì đi chứ.

− Nó tên Thủy, được chưa?

Ông Thông trả lời giùm nhưng Tuân không tha:

− Thế em muốn anh gọi bé Tí hay Thủy nè?

− Dượng...

− Cái thằng, lớn rồi mà nghịch ghê. Đi lên đây với bố, để cho em nấu cơm!

Tùng dằng dặc tay anh, hỏi:

− Vậy là bố cũng không biết chuyện Thủy đi làm cho nhà mình phải không anh?

− Ừ, Thủy không muốn nói, anh giả lơ luôn. Mà... Tùng biết không, Thủy đi làm ba năm rồi chứ không phải chỉ có thời gian làm cho nhà mình đâu.

− Thế à! Vậy trước kia Thủy làm ở đâu kìa, tại sao lại nghỉ nhỉ?

− Anh không hỏi.

− Sao vậy?

− Hỏi gì được! Dì Như và Minh về, rối rít nói chuyện, ăn cơm rồi anh về đây.

Tùng đột nhiên hỏi với giọng lạ:

− Anh Hai nè! Thủy với mình đâu có bà con họ hàng gì phải không?

− Ừ! Có gì không?

Tùng tủm tỉm cười:

− Có chớ! Diệu Thủy hiền, đẹp lại dễ thương, mà em biết anh cũng...

Tuân biết em định nói gì nên chặn lời:

− Thôi đi em! Bố chửi cho tắt bếp. Ai lại làm chuyện kỳ dị thế chứ?

− Giá như anh yêu Thủy trước khi biết Thủy là con dì Như thì sao? Em thấy anh cũng thích Diệu Thủy chớ bộ.

Giọng điệu Tùng tỉnh bơ khiến Tuân bật cười. Nói như Tùng thì còn gì để nói nữa.

− Thôi, đi ngủ đây, mệt quá.

− Hì! Hì! Tối nay đố anh Hai ngủ được.

Tuân giả điếc đi thẳng lên phòng. Tuột đôi giày khỏi chân, anh không thay quần áo mà nằm dài trên giường.

Thế là suốt đêm Tuân không ngủ được thật. Anh mãi đắm chìm trong suy nghĩ. Vì ai? Thủy hay anh? Không lẽ Thủy khiến anh lấy lại nhịp sống của con tim? Rung động! Hồi hộp! Nhớ mong! Bao nhiêu năm qua ở xứ người, Tuân đã quen biết bao phụ nữ. Qua đường, cảm thông hoàn cảnh nhưng không hẳn là người yêu. Họ đi qua đời Tuân chỉ để giải tỏa ức chế, qua cơn buồn đau... chứ chưa một lần Tuân xúc động như bây giờ.

Diệu Thủy khóc, cười, buồn, vui đều khiến Tuân dao động ngẩn ngơ. Anh đối diện với Thủy ngay từ cái nhìn đầu tiên, nó đã khiến anh suy nghĩ. Tuân rung động thật sự trước cô gái này. Thủy hôm qua hoàn toàn khác Thủy ở nhà anh. Một cô bé tí tên Thủy dễ thương, nhõng nhẽo. Một cô Thủy đi làm công lạnh lùng, cứng ngắt. Hai hình thái ấy làm anh xúc động thật sự. Thái độ và lời nói của Thủy lúc tối khiến Tuân không ngăn được tiếng thở dài. Tuân bứt rứt bởi thái độ gia đình anh đối với Thủy không khác một người đi ở đợ chính cống. Tim anh chợt đau nhói với ý nghĩ chọn Thủy làm bạn đời trăm năm. Một cô gái nghèo bình thường. Cuộc sống cả hai người hoàn toàn khác hẳn nhau, từ xã hội cho đến bản thân. Anh trăn trở.

Thôi, hãy đợi thời gian vậy!

− Ủa! Chị Hai dậy chi sớm vậy?

Thủy đưa tay ra dấu:

− Suỵt! Để mẹ ngủ, còn sớm lắm.

− Chị làm sao vậy? Suốt đêm chị không ngủ phải không? Nhớ anh nào ở công ty chứ gì?

− Có ai đâu, tại nóng ngủ không được chớ bộ!

− Tối qua ăn cơm, chị có để ý gì không?

− Gì?

− Anh Tuân để ý chị... nhìn chị hoài.

Diệu Thủy đỏ mặt nói nhỏ:

− Xạo đi! Nhìn sao chị không thấy?

− Hì, hì... chị mắc cỡ có dám ngẩng mặt lên đâu mà thấy?

Phải, sự thật Thủy xấu hổ, mặc cảm với Tuân. Cô không ngờ Tuân là con trai của dượng. Cuộc trạm chán bất ngờ, cô cũng thấy Tuân ngỡ ngàng khi nhìn thấy cô.

Ngay ngày đầu tiên Thủy đã biết anh và hiểu anh là người tốt. Những ngày hai người cùng chạy xe đi thu hụi cho mẹ anh, Tuân nói nhiều nhưng chỉ về xã hội, về nhận xét con người trong tiếp xúc ngoài đời. Anh cũng tự đối xử với cô như một người làm công cho gia đình anh. Một sự ngăn cách rõ rệt. Rồi những ngày Tuân đi xem mặt vợ, kết quả không thành, những chuỗi cười giòn giã, nhạo báng của hai anh em Tuân, Tùng vang dội qua phòng cô. Thủy nghe tất cả những lời phê bình, chỉ trích những cô gái nhà giàu ấy. Ba người con trai của dượng, ai cũng đẹp, chắc giống dượng vì bà chủ khuôn mặt không có chút thiện cảm.

Cái chính cho Thủy mất ngủ đó là cái oái oăm về chuyện liên quan gia đình giữa mẹ cô, ông Thông và bà Quỳnh. Mẹ cô là vợ lẽ của bố Tuân. Tuân có hiểu vì sao bố anh có cuộc sống hiện tại, hay anh lại hiểu lầm mẹ cô cướp chồng người khác? Tiếp xúc với bà Quỳnh hơn một năm, Thủy không thể coi bà Quỳnh là một phụ nữ dịu dàng dễ thương được. Người bà thể hiện nhiều đức tính trái ngược với mẹ cô, mẹ cô ăn nói nhỏ nhẹ, dễ làm người khác xúc động.

Tuân, Tùng và vợ chồng Tú nghĩ gì khi biết được sự thật? Thủy sẽ bị khinh, bị sỉ nhục? Mẹ, Minh, kể cả dượng sẽ nghĩ gì khi biết công việc Thủy làm cho nhà Tuân? Sự hy sinh của cô xem như vô nghĩa ư? Cô không còn làm cho bà Quỳnh nhưng cô cũng buồn vì phải xa những người tốt như ba anh em Tuân. Trong gia đình ấy chỉ có bà Quỳnh là sống thực dụng, vật chất sòng phẳng, làm việc trả công không ơn nghĩa. Vợ chồng Tú - Nguyệt xem cô như em gái, còn Tùng ít giáp mặt nhưng hễ gặp là vui vẻ chào hỏi. Riêng với Tuân, thời gian tiếp xúc tuy ít ỏi, nhưng Thủy cũng nhận ra Tuân là người hiểu biết. Trong phong cách sống, Tuân đối xử với người xung quanh giống ông Thông cha anh: hay quan tâm đến người khác, chú ý nhiều đến niềm vui nỗi buồn của người xung quanh. Tuân thường đặt những câu hỏi về sinh hoạt con người với con người, tại sao họ lại thế này, tại sao họ lại như thế kia?

Tiếng bà Như chợt vọng lên:

− Sáng nay con đừng đi chợ, mẹ và dượng con coi sạp vải xong ghé chợ luôn. À, con nói với em Minh đừng đi làm nữa, ở nhà lo vài việc cần thiết giúp dượng!

Bên trên nhà, Minh lên tiếng là đã nghe và căn dặn mẹ:

− Khi nào ổn định con sẽ nghỉ. Công việc đang dở dang mà con nghỉ họ sẽ không vui... Vả lại, con định... công ty bố thành lập, con sẽ...

Ông Thông lên tiếng cắt ngang:

− Chuyện của Minh, tối dượng về bàn sau nghe con.

− Dạ.

Thủy xếp gọn chăn màn cho cô và cho Minh rồi nói:

− Minh nè! Bỏ việc nghỉ ngơi một hai tuần để có sức khoẻ mà làm việc mới em ạ.

− Nói thật với chị, nhà mình gặp nhiều chuyện bất ngờ quá nên em chỉ lo không trôi chảy rồi mất việc, lúc ấy khổ nữa.

− Em cứ nói chuyện xui, không lẽ mình khổ hoài sao chứ?

− Biết đâu được.

Minh thay quần áo xong dắt xe ra cửa:

− Em đi làm đây. Nếu nghỉ sớm, em về ăn cơm trưa, đừng đợi.

Nhà vắng lặng không còn tiếng động nào ngoài tiếng ủn ỉn của hai chú lợn dưới nhà. Thủy nhìn quanh không biết mình nên bắt tay vào việc gì sáng nay trước đây? Đã lâu rồi Thủy không làm việc nhà, mẹ đi bán suốt ngày, Minh là con trai không tằn mằn như Thủy. Chỉ còn dượng là ở nhà thường xuyên, ông vừa nấu cơm, vừa lo giặt giũ, lo heo gà.

Thủy bắt tay vào việc vệ sinh căn nhà, chỗ nào rờ vào cũng bụi và mạng nhện. Leo lên chiếc ghế thang, Thủy cầm chổi quơ qua quơ lại quét sạch mạng nhện lâu ngày bám chặt vào những góc nhà. Cô chăm chú làm việc không còn chú ý gì đến xung quanh.

Tuân bước nhẹ vào nhà, anh đứng yên lặng nhìn Thủy làm việc và tủm tỉm cười vì trông Thủy không khác cô bé lọ lem trong truyện cổ tích. Quần xắn ống cao ống thấp, vạt áo nửa bên trong nửa nằm bên ngoài. Tóc búi cao đưa chiếc gáy trắng lấm tấm mồ hôi quện vào bụi và tóc. Thủy đưa chổi ra xa hơn tầm tay, cô cố quét những sợi nhện giăng trên vách cách chỗ Thủy đứng hơn một sải tay nữa... thế mà Thủy vẫn cố nhoài người ra.

Tuân thầm nghĩ: Lười không xuống dịch ghế, có ngày té gãy tay.

Như sợ Thủy ngã, Tuân buột miệng kêu lên:

− Coi chừng!

Thủy giật mình và... cô té thật.

Tuân đưa hai tay đỡ cả người Thủy gọn vào lòng, cả hai chao đảo. Cũng may Tuân đoán trước và giơ tầm tay ra đón nên không ai bị xây xát gì. Ngỡ ngàng trước việc đang xảy ra, Thủy ngơ ngác nhìn anh rồi bất chợt đẩy anh ra và bật khóc.

Tuân không hiểu vì sao. Anh mở to mắt nhìn. Tiếng khóc rấm rức khiến Tuân xót ruột lo lắng:

− Em... em có làm sao không? Sao... sao khóc vậy?

− Ai bảo anh làm người ta giật mình... nên...

Như hiểu ra, Tuân cười:

− Anh xin lỗi. Nè, theo anh lại trước gương xem... Đẹp chưa?

Tuân kéo Thủy đến và cho nhìn vào gương, cô không khác anh hề đóng vai hài trong một vở tuồng. Thủy cười ngặt nghẽo dù hai khoé mắt vẫn còn long lanh nước.

− Những việc như thế này sao không bảo Minh nó làm?

− Minh nó đi làm rồi!

Tuân xuống bếp nhìn quanh:

− Bố đâu rồi Thủy?

Thủy đỏ mặt vì cách xưng hô thân mật, nhưng vẫn trả lời:

− Dượng và mẹ đi coi sạp vải.

− Em đi rửa mặt mũi đi, để việc này anh giúp cho.

− Í! Anh không làm được đâu!

− Khi dễ vậy ta!

Tuân tự nhiên cởi áo sơ mi móc lên tay cầm của chiếc tủ, anh cầm phất trần quơ qua những chỗ cao mà dơ trên góc mái nhà. Thủy đứng theo dõi từng hành động của anh rồi buột miệng khen:

− Hay quá ta! Vậy mà em cứ ngỡ các anh chỉ có...

− Ăn chơi thôi chứ gì? Để anh kể em nghe...

Tuân vừa làm việc, vừa kể chuyện:

− Ngày anh mới sang bên ấy, anh đi học một buổi, còn một buổi đi làm kiếm tiền. Em biết anh làm gì không? Anh làm vườn cắt cỏ, có mùa phải leo lên tầng mười để quét tuyết bám vào cửa kính. Nói chung, anh làm tất cả những việc lương thiện, anh không từ chối khi họ yêu cầu và bất kể giờ giấc... Đấy, em xem anh làm việc nhuyễn lắm chớ bộ.

− Coi như tạm giao công việc cho anh vậy, em đi chợ nấu cơm đây.

Một mình Tuân loay hoay với bụi và mạng nhện...

Tuân ngưng chổi, nhìn quanh căn nhà. Thật tình hôm nay anh mới để ý kỹ nhà bố không có tivi, đầu đĩa, không tranh ảnh, cổ vật, chỉ duy nhất một kệ sách nhỏ kê sát vách treo lơ lửng trên mái nhà, đó là vật gây chú ý óc tò mò của Tuân.

Anh với tay rút một quyển sách xem, khi phủi lớp bụi bám gáy, anh lẩm bẩm:

− Chắc lâu đời lắm đây!

Quyển sách "Những giọt mực", "Câu chuyện dòng sông", toàn là những sách cũ và có giá trị văn học của các tác giả Victor Hugo, Tagore, Hemingway... Tác giả Việt Nam có Khái Hưng, Nhất Linh... Chắc là sách của bố. Nội dung sách không khác gì tính tình của ông. Ảnh hưởng lớn thật!

o0o

− Không ai về nhà, hai anh em mình ăn cơm trước đi, anh đói bụng quá.

Thủy cười, cô lấy bát đũa ngồi vào bàn đối diện với Tuân.

− Em nấu ăn dở đừng chê nghen.

Không đợi mời, Tuân nheo mắt với cô rồi và cơm vào miệng. "Tinh thần ăn uống" của Tuân không khó lắm nên loáng một cái Tuân đã bỏ chén sau ba lần bới cơm, trong khi đó Thủy vẫn nhỏ nhẹ chưa hết chén thứ nhất.

− Anh ăn nhanh quá coi chừng đau bao tử! - Thủy nói.

− Thế à! Ngon quá, anh ăn nhanh kẻo em giành.

Rồi Tuân đưa tay nhìn đồng hồ:

− Trưa nay, em có rảnh không?

− Có chi không anh?

− Anh định mua sắm vài thứ nhưng sợ không rành giá cả. Nếu em rảnh đi với anh được không?

− Đi thì được rồi đó... - Thủy cười - Em chắc không sành về mua sắm hơn anh bao nhiêu, có theo để giữ giỏ thì được. Mà... anh đợi mẹ em về xin phép mới được.

− Ồ, dĩ nhiên là mẹ đồng ý rồi.

Thủy đỏ mặt nói lí nhí:

− Làm như mẹ chung vậy, nói tỉnh.

Anh tỉnh thật:

− Trước sau anh cũng gọi bằng mẹ, em chịu không?

Thủy biết Tuân chuẩn bị vô đề nên nói lảng:

− Anh đi chợ mua gì?

− Linh tinh... mà Thủy nè, anh không ngờ mình lại có cô em dễ thương, hiền lành như em.

− Em không có tiền lẻ đâu.

Tuân ngơ ngác:

− Tiền lẻ để làm gì?

Thủy biết anh không hiểu nên giải thích:

− Anh nịnh em quá, sợ không tiền cho anh ăn kẹo.

− Thì ra thế! - Chép miệng Tuân nói tiếp - Anh nói thật chứ không nịnh đâu. Em có nhiều người nịnh lắm hay sao mà phải chuẩn bị tiền lẻ?

− Em quên anh già rồi nên không biết đùa. Em với Minh chuyên môn nói cà rỡn thành ra quen miệng.

Tuân giận ra mặt:

− Anh như vầy mà chê già?

− Ừ, không già thì trẻ... Anh đợi mẹ em về rồi đi, hay đi ngay?

Như còn hờn vì Thủy chê mình già, nên Tuân cười nhạt:

− Anh đợi Minh về đi với nó.

Tuân vừa dứt lời vừa lúc Minh đạp xe thẳng vào nhà, nó reo lên:

− Anh Tuân mới tới hả?

Tuân cười buồn:

− Anh đến từ sáng. Thủy bắt anh làm quá trời, vậy mà còn chê anh.

Minh cười và không hiểu chuyện nên nói:

− Chị ấy khó tính lắm. Em mà chị ấy còn chê huống gì là anh. Chiều nay em nghỉ làm, anh đi đâu chơi không, em tình nguyện làm hướng dẫn viên.

Tuân nhìn sang Thủy, cô đang nhấp nháy đôi mi mấy lần như suy nghĩ gì lung lắm. Anh nhìn ra con hẻm giờ này vắng tiếng trẻ, thầm nghĩ: "Có tiền sửa sang căn nhà này cũng có lý lắm đây!"

Anh hỏi Minh:

− Minh biết chạy xe máy không?

− Dạ biết. Có gì không anh?

Không trả lời Minh, Tuân nói với Thủy:

− Em ở nhà, anh đi với Minh có việc.

Thủy gật đầu:

− Nhớ mua kẹo về cho em.

− Phạt! Ai bảo khi nãy...

− Thù dai!

Minh hỏi anh:

− Đi đâu để em còn liệu thay quần áo.

− Khỏi! Như vầy cũng đẹp chán rồi.

Ra đến đường, anh để Minh chở.

− Anh đưa em đi mua chiếc xe máy. Xe đứng tên ai trong nhà mình cũng được phải không em?

− Anh hỏi ý dượng chưa?

− Chưa, nhưng bố anh không nói gì đâu. Mình là anh em phải không Minh? Vả lại, nếu cần, anh lấy đi cũng tiện hơn mượn xe của Tùng.

Minh cười híp mắt:

− Tụi em có xe đi ké được rồi. Tụi em thích lắm nhưng không dám mơ.

Tuân hiểu Minh thật thà, anh cảm động vì cảnh nghèo hiện tại của hai chị em Thủy:

− Em chở anh về nhà lấy tiền, sau đó đến xa-lông xe mua.

Minh không vào nhà mà chỉ đứng ngoài đường nhìn tổng quát căn nhà, lòng nghe xót xa thương mẹ.

Dượng giàu có như thế mà theo mẹ. Ông bỏ tất cả cũng chỉ vì yêu mẹ con Minh. Ông không bao giờ than thở hay trách móc chị em Minh cả. Chỉ mới mấy năm sau này gia đình vất vả vì mẹ, dượng thường đau ốm, chứ lúc trước còn khoẻ, ông không để ba mẹ con Minh phải khổ...

− Mơ mộng gì vậy em?

− Bố anh sống nghèo khổ, anh có trách chúng em không?

Tuân cười nhân ái:

− Em chưa hiểu cuộc sống nên nói thế. Bố anh vui vẻ, hạnh phúc với mẹ con em, anh mừng và tự hỏi tụi em có trách gì các anh không khi bỏ bố cho ba mẹ con em lo liệu... Thôi, đừng suy nghĩ làm gì cho mệt óc, chúng ta đi kẻo trễ.

Tuân chồm người lên hỏi Minh:

− Minh nè! Chị Thủy có bạn trai không em?

− Ý anh hỏi là có bồ không chứ gì?

− Đại khái là thế.

− Ngày còn đi học, chị có quen với một người, cả năm lớp 12 họ thân nhau lắm. Tốt nghiệp xong, chị đưa anh về nhà chơi một lần, thế là anh ta rút dù luôn.

− Sao vậy?

− Chị em bị bệnh nặng quá nên anh ấy bỏ.

Tuân cũng ngạc nhiên hỏi dồn:

− Bệnh gì đến nỗi người yêu bỏ vậy em?

− Bệnh nghèo! - Minh thở dài - Từ đó đến nay gần bốn năm, chị đâm ra cay cú hết tất cả, không đưa một người bạn nào về nhà, kể cả bạn gái.

Tuân vỗ vai Minh nói:

− Từ nay có anh, anh sẽ lo liệu cho tụi em. Hết tháng này anh về bên ấy thu xếp công việc, anh về lại lần nữa sẽ mở công ty cho bố và mấy đứa em cùng nhau làm. Em cố học xong phổ đi rồi vào đại học, sau này dễ làm việc hơn.

− Có anh, tụi em an tâm rồi, chỉ sợ mẹ em không đồng ý thôi.

− Dì sẽ chấp nhận vì anh là con của bố cơ mà!

Đến cửa phòng trao đổi, mua bán các loại xe, Tuân để mặc cho Minh lựa chọn theo ý. Anh đứng nhìn thành phố, người qua kẻ lại, mọi sinh hoạt vui nhộn ồn ào.

− Anh có bao nhiêu tiền? - Minh hỏi:

Tuân giật mình nhìn cậu em thắc mắc. Sau, anh hiểu ra và hỏi lại:

− Em thích xe nào?

Minh đỏ mặt:

− Thích theo ý em, nhưng lại không phù hợp với căn nhà nên em chần chừ.

Tuân vỗ vai nói:

− Cứ có xe đi cái đã, nhà cửa khi anh quay lại sẽ tính sau, chịu chưa? Nào, em chọn đi.

− Mình mua xe Nhật hay Trung Quốc đây anh? - Minh hỏi lại.

Tuân dễ dãi:

− Tùy em, mua cái tốt và bền ấy.

Minh đưa tay chỉ:

− Em thích chiếc Dream kia, nhưng gần ba chục triệu lận anh.

− Là bao nhiêu đô?

− Anh để em hỏi thử nhé! Em cũng không rành lắm.

Một lúc sau Minh trở ra:

− Họ bảo một ngàn tám trăm đô lận anh!

− Dư chán!

Khi dắt xe ra khỏi xa-lông, Minh hí hửng nói:

− Đẹp ghê! Em thích nó từ lâu nhưng chỉ mơ như tên của nó mà thôi.

Ông Thông ngồi trên ghế bố quay mặt ra cửa nhìn Minh dắt xe vào, nó khoe ngay:

− Anh Tuân mua cho nhà mình nè dượng.

− Con không để tiền làm ăn sao Tuân?

− Không bao nhiêu đâu bố. Vả lại, để gia đình dì và các em có đi đâu cũng tiện hơn.

Bà Như từ nhà dưới đi lên, tay bưng mâm cơm nói:

− Con làm thế hư các em, dì bắt đền đó nghen.

Vừa thấy Thủy dưới nhà bước lên, Tuân trêu:

− Minh thì con thấy ngoan lắm, không biết Thủy ra sao?

Thủy dẩu môi:

− Em không thèm đi xe anh đâu mà ham.

− Xe anh mới mua mà em chê là anh ế khách rồi.

Như đói quá bữa, ông Thông nhắc:

− Thôi, vào nhà ăn cơm, bố đói rồi!

Thủy trả lời:

− Khi nãy ở nhà, anh Tuân đòi ăn cơm trước... con cũng ăn rồi.

− Ăn rồi ăn thêm cho vui.

Tuân kéo ghế ngồi gần Thủy, anh kê mặt nói nhỏ vào tai cô. Thủy đỏ mặt đánh mạnh vào vai anh, la lớn:

− Em méc dượng, dượng đánh đòn anh bây giờ.

Ông Thông không hiểu hai đứa trẻ nói gì với nhau, nhưng trong lòng ông loé lên hình ảnh đẹp, hạnh phúc như ông và bà Diệu Như. Ông mỉm cười, nụ cười mà ai nhìn thấy cũng không hiểu ông đang nghĩ gì.

Tuân, Thủy không ai cầm đũa, chỉ nhìn nhau cười. Một lúc sau, Tuân nói với bố:

− Con xin bố, xin dì, cho Thủy đi với con mua một ít quà đem về bên ấy cho các em.

Bà Như buông đũa cười:

− Con nhờ ai chớ nhờ nó cũng bằng huề, có biết mua bán gì đâu.

− Cũng chẳng có gì quan trọng dì ạ. Chỉ cái linh tinh thủ công mỹ nghệ, con cần mắt phụ nữ như Thủy mới chọn được.

Ông Thông chen vào:

− Hai đứa đi cẩn thận.

Tuân cười khi thấy Minh khều nói nhỏ:

− Cho em đi với!

Dù giọng Minh rất nhỏ, nhưng xung quanh ai cũng nghe. Tuân đưa tay gãi đầu, trong khi Minh ngước mắt nhìn chờ đợi. Thủy giải nguy:

− Ừ, em đi luôn cho vui!

Minh cười hớn hở, buông đũa đi thay quần áo. Bàn ăn chỉ còn hai người già ngồi lại với nhau, ông dặn thêm:

− Con coi chừng túi xách nghe Thủy. Còn Minh đi xe mới cẩn thận nghe con.

Cả ba đều dạ. Tuân chờ hai chị em Thủy. Khi thấy Thủy lên gác, anh đến bên Minh, Minh cười tròng áo vào người hỏi Tuân:

− Đi xa không anh? Em mặc áo này được không?

"Mình muốn chở Thủy đi chơi chớ có mua sắm gì đâu. Tự nhiên có con kỳ đà tổ bố theo chân, thừa thật..."

− Sao em hỏi anh không trả lời?

− Gì... à... đẹp lắm... Mà Minh nè, em có bạn gái chưa?

Giọng anh thật nhỏ đủ để Minh nghe, Minh cười:

− Em hai mươi rồi chớ bộ!

− Nghĩa là có chứ gì?

Nó gật đầu. Tuân tiếp nhưng mắt tìm Thủy:

− Anh cho phép em đi chơi với bạn gái. Anh có việc muốn nói riêng với chị Thủy. Mai, anh đi với em.

Tuân nói nhỏ nhưng thật nhanh, anh sợ Minh hỏi thêm, nhưng nó hiểu ngay và gật đầu ra điều hiểu biết. Minh cười tít mắt:

− Anh đừng nói với mẹ nghen!

− OK. Em cần tiền để đi chơi với bạn nè.

− Cảm ơn anh... Mà chúng mình vẫn ra đường chung, lúc ấy mạnh ai nấy đi phải không anh?

− Dĩ nhiên! Em thông minh thật!

Thủy đến bên hai người với nụ cười tươi:

− Ai chở Thủy đây?

− Xe em mới mua không chở chị được!

− Sao vậy?

− Mở hàng kiểu này quanh năm suốt tháng chở "người nhà" không à. Không có "người dưng" để chở đi chơi.

Tuân nheo mắt với Minh cười:

− Thủy sang anh chở. Anh chạy cẩn thận hơn Minh, em an tâm ngắm cảnh!

Thủy chần chờ, sau cùng cũng đồng ý. Cả ba chào cha mẹ.

...

Và như thế suốt một tuần lễ liền Tuân không vắng mặt tại nhà Thủy một ngày. Từ sáng đến trưa, trưa đến chiều, thậm chí ở lại luôn cho đến khuya lơ khuya lắc, khiến ông Thông phải nhắc:

− Khuya rồi con, nói gì mai qua!

Tuân quyến luyến không rời Thủy, không ai nói gì với ai một lời đi quá phạm vi anh em, nhưng cả hai đều hiểu ngầm "đã có một chút tình riêng". Ông Thông, bà Như không khắt khe để hai đứa trẻ được tự nhiên. Chỉ có gia đình Tuân bắt đầu lên tiếng, trước mắt là mẹ anh:

− Đi đâu mà suốt ngày không có mặt ở nhà vậy Tuân? Đi nghiên cứu công việc cũng phải có giờ nghỉ ngơi chứ, không lẽ ai ở không đâu mà tiếp chuyện con từ sáng đến tối khuya chứ. Coi chừng bị lừa đó!

Tú cẩn thận hơn:

− Em không dám xen vào đời tư của anh, nhưng em không muốn anh phí thời gian, lại mất cả chì lẫn chài.

Sự hiện diện của Tùng kèm theo nụ cười nửa miệng làm thay đổi ý nghĩ của Tú. Anh lên một tiếng rồi tiếp:

− Nhớ cẩn thận nghen! Cái mác Việt kiều của anh coi chừng bị móc sạch túi đó.

Tuân cười hiền từ. Tùng vỗ vai Tú nói:

− Anh Ba lo xa quá. Có biết bông hoa ấy ở đâu không? Ở nhà bố!

Tú há hốc mồm ngạc nhiên hỏi:

− Con gái dì Như?

Tùng và Tuân không cho Tú biết chuyện Thủy nên bí mật cười cười.

Tú tò mò:

− Đẹp không? Bố không nói gì à?

Tuân trả lời:

− Anh chưa nói gì với bố, chỉ quan hệ như anh em, sau rồi tính.

− Hôm nào anh dắt về nhà cho tụi em ngắm chị Hai một tí.

Tùng bí mật:

− Anh Ba mà thấy là xỉu liền.

Tùng cười nhìn anh, làm Tú càng thắc mắc:

− Có gì mà bí mật vậy anh Hai?

Tuân nghiêm mặt:

− Nói ra sợ Tú không tin, nhưng anh nghĩ đây có lẽ là duyên nợ. Người ấy Tú biết mặt, có khi biết rõ hơn anh nữa là khác.

Tú nhíu mày tỏ ra suy nghĩ, sau cùng Tú lắc đầu:

− Chịu! Biết cô nào lọt được vào mắt xanh của anh chắc phải xuất sắc lắm đây. Con gái dì Như, em chưa gặp bao giờ, có ghé thăm bố cũng chỉ chốc lát rồi đi... mà cũng lâu quá em không sang bên ấy. Anh nói đại đi, em hồi hộp quá.

Tùng chọc anh nói chậm rãi:

− Anh Ba bình tĩnh kẻo xỉu nè. Đó... là Thủy... Diệu Thủy!

Chữ "Diệu Thủy" Tùng nói thật lớn. Tú trố mắt ngạc nhiên:

− Cô Thủy làm việc cho nhà mình đấy hả?

− Chính hắn đấy!

Tuân phát vào vai em:

− Láo toét! Chị Hai mà dám gọi là hắn à?

Ba anh em cười rũ.

Tú nói với anh:

− Gay go à nha!

− Sao?

− Mẹ!

Tuân gật đầu nói với hai em như tìm sự thông cảm:

− Chính là ở chỗ mẹ, mà anh chưa quyết định nói với Thủy, cũng như gia đình hai bên. Bố và dì đã đoán ra nhưng không ai hỏi vì thấy anh không đề cập đến.

Tú thông cảm cho anh:

− Thà anh quen với một người nào nghèo hơn thế nhưng xa lạ. Em với Tùng bị mẹ chê bai không thực tế, lãng mạn... bây giờ đến lượt anh. Còn nhiều ải gian nan lắm nghe. Mẹ mà biết chắc bố và gia đình Thủy nhức xương.

Rồi Tú nhắc anh:

− Anh chỉ còn hơn mười ngày, nên thu xếp sớm sớm.

− Thu xếp gì?

Tú cười:

− Không lẽ yêu đơn phương?

− Anh sẽ nói, nhưng chỉ nói trước một hai tiếng đồng hồ thôi.

Tú, Tùng nhìn nhau cười. Tú trêu anh:

− Già rồi ông ơi! Lẹ lẹ lên, mắc cỡ coi chừng mất vợ!

− Anh không nhìn lầm người đâu. Thủy dễ thương lại hiền, cô ấy đơn sơ cứ nghĩ anh coi cổ như em... Thôi được, anh nghe lời hai em, anh sẽ nói sớm xem phản ứng của Thủy ra sao?

Dù đã hứa với hai em, nhưng Tuân lại không nói gì với người anh yêu. Một hôm, ông Thông lựa lúc nhà không có ai, nói riêng với anh:

− Con đã lớn, chuyện trai gái bố không xen vào, nhưng bé Tí nó đơn sơ thật thà, bố không muốn con tạo ấn tượng tốt mà sau này không tính chuyện lâu dài... như thế tội nghiệp em nó. Dì con luôn mặc cảm về chuyện chung sống với bố, dì rất ngại mẹ con. Con biết tính mẹ con rồi. Bà ấy mà biết chuyện thì... có nước cả nhà phải dọn đi nơi khác ở, kẻo xấu hổ xóm giềng.

Như thế có nghĩa là bố chỉ mơ hồ nghi ngờ, và ông biết rõ tính anh ông ba hoa khoác lác? Tuân nhìn thẳng vào mắt của cha trả lời:

− Bố cho con một thời gian suy nghĩ chín chắn hơn. Con chỉ còn vài ngày là trở về bên ấy. Con hứa lần quay về con sẽ quyết định, chắc không muộn phải không bố?

Ông có vẻ hiểu lời con trai, nhưng nói cho chắc:

− Con đã nói gì với bé Tí chưa?

− Dạ chưa, con định thong thả!

− Tùy con, bố chỉ nhắc nhở thế thôi, đừng làm dì buồn tội nghiệp bà ấy!

Bữa cơm cuối có trịnh trọng hơn thường ngày vì ông Thông muốn đãi Tuân trước khi anh lên đường. Ông nói:

− Chắc chắn mai này bố và gia đình không tiễn con được. Coi như bữa cơm hôm nay thay ngày mai.

Dì Như mắt đỏ hoe:

− Khi nào về, con nhớ đến chơi với bố và các em luôn, Tuân nhé!

− Dạ.

Minh nói hớt:

− Mẹ đừng lo, anh Hai không bỏ nhà mình đâu. Mẹ thấy không, gần như anh ấy không vắng mặt một ngày.

Chỉ có Thủy là im lặng không nói, lòng cô buồn khi nghĩ đến ngày chia tay. Tuân không nói gì với cô cho rõ cả, anh nói xa xôi, về tương lai, gia đình: "Anh chỉ ước ao sau này có một người vợ như em". Thủy thì không thể nói trước ý nghĩ ấy với Tuân được. Con gái mà! Lòng cô xao xuyến.

Bữa cơm tàn, Tuân gác đũa nói với hai người lớn:

− Con xin phép đưa hai em đi chơi bữa cuối.

Lúc nào Tuân cũng xin "cho hai em", nhưng thật ra Minh hiểu ý anh nên hôm nay nó vẫn một điệp khúc:

− Em có hẹn với bạn. Chị Thủy đi với anh được rồi.

Tuân nheo mắt nhìn Minh cười:

− Minh chê đi chơi với anh?

− Chán lắm, em đi với bạn vui hơn.

Hai người ngồi xuống ghế mặt đối diện với bờ sông, Thủy hỏi:

− Mai anh đi mấy giờ?

− Em tiễn anh ư? Anh không muốn em buồn.

Giọng xa vắng, Thủy nói:

− Em không đi tiễn, nhưng muốn biết giờ bay, và em sẽ tiễn anh khi máy bay bay ngang nhà.

− Thủy nè, sau khi anh đi, em ra bán hàng phụ với mẹ hả?

− Lúc đầu mẹ và dượng tính sang sạp nhưng sau cùng đổi ý.

− Thế làm gì?

− Dượng nói anh đi sang bên ấy một thời gian ngắn rồi về lại đây mở công ty, em làm tại đó tiện hơn buôn bán... Anh có cho em đi làm không?

− Sao em lại hỏi anh như vậy? Chúng ta cùng một gia đình chớ có ai xa lạ đâu. Có điều thời gian không có anh ở đây, anh muốn em học vi tính và Anh văn... sau này làm việc dễ hơn.

− Hôm qua dượng cũng nói với em như vậy, nhưng... nhưng em không biết có tiếp thu được không.

− Em đã tốt nghiệp trung học rồi thì dư sức.

Điếu thuốc trên tay anh sắp tàn, cháy đến đầu ngón, nhưng mắt Tuân vẫn nhìn như xa vắng mơ màng.

Thủy nhắc khẽ:

− Coi chừng phỏng tay anh kìa!

Tuân nhìn Thủy đắn đo:

− Anh có chuyện muốn hỏi về em, nhưng... nhưng em muốn trả lời cũng được, không muốn trả lời cũng không sao. Em đừng trách anh tò mò, được không?

− Chuyện gì vậy anh?

Tuân rút điếu thuốc nữa châm lửa hút, Thủy sốt ruột:

− Sao anh không hỏi?

Tuân xoay mặt nhìn vào mắt cô, hỏi thẳng:

− Trước khi đến nhà anh, Thủy làm việc ở đâu?

− Chuyện này làm anh khó nghĩ à?

Thủy hỏi lại, Tuân gật:

− Ừ, anh muốn biết vậy mà, em không trách anh chứ?

− Anh cần biết lắm sao?

Tuân trả lời thẳng:

− Cần, vì anh không hiểu trước những ngày tháng ấy, em làm gì, ở đâu? Em làm việc cho gia đình anh, em giấu bố mẹ, còn trước đó thì sao?

Thủy thở dài nhưng cô không muốn Tuân hỏi tới, cô trả lời anh với giọng điệu không phải người trong cuộc:

− Chuyện đi làm cho gia đình anh, em không xấu hổ với bạn bè hay gia đình đâu, nhưng em không muốn mẹ và dượng với cả em Minh buồn vì mặc cảm. Thật ra, em làm văn thư cho xí nghiệp tư nhân, giám đốc là chú ruột của bạn thân em. Lúc đầu ông ta cũng tốt lắm đối xử với em không khác cháu ông ta. Một hôm em vì muốn ở lại xí nghiệp làm thêm để có thêm tiền. Khi vắng người, ông tỏ cử chỉ, thái độ không đứng đắn nên em nghỉ. Một quyết định trong tích tắc và cương quyết, em không màng vì nghĩ mình là con gái còn trẻ, về nhà từ từ rồi tính. Nhưng khi ở nhà được hai ngày, dượng trở bệnh, mẹ không đi bán phải ở nhà chăm sóc dượng. Minh đi làm không đủ ăn, em phải đành xách giỏ quay lại xí nghiệp ấy định chiều theo ý lão ta.

Tuân rít hơi thuốc im lặng. Thủy thở dài:

− Thật tình bây giờ nghĩ lại, lúc ấy ghê thật, thần kinh em căng thẳng, lo lắng. Em chỉ nghĩ đến gia đình. Nhưng khi em bước chân vào xí nghiệp, em vẫn nán lại ở phòng bác bảo vệ để lấy can đảm. Bác bảo vệ là người lớn tuổi, vừa coi cổng vừa giữ xe cho công nhân, bác thoáng thấy sắc mặt em và hỏi sao hai ngày không đi làm vào xí nghiệp giờ này làm gì?

Tức là những câu hỏi khiến em chạnh lòng. Thế là em tâm sự với bác, em kể tất cả những nỗi khổ tâm của em cho bác ấy biết. Từ đầu đến cuối, bác ấy không nói một câu nào. Anh biết không? Cho đến lúc em lấy khăn lau mắt, bác đưa tay ôm em vào lòng vỗ về an ủi. Bác ấy cũng khóc anh à. Qua cơn xúc động, bác rút từ trong túi ra một số tiền bỏ vào giỏ xách cho em và nói:

− Con đem về nhà tiêu đỡ. Một hai hôm ghé đây bác chỉ chỗ cho làm. Đừng đến đây vì yếu lòng, sau này cuộc đời con sẽ khổ.

Số tiền bác ấy đưa em chưa kịp tiêu hết, thì bác đã đến nhà thăm, bác đưa em tờ báo có đóng khung và dặn dò em:

− Thà con đi làm thuê làm mướn còn trong sạch hơn là dơ bẩn thân xác. Làm ở đây không đến nỗi nào đâu, có khó khăn gì, con đến đây bác giúp... Từ đó em vào nhà anh cho đến nay. Anh còn gì để hỏi nữa không?

Tuân cười:

− Còn, nhưng anh không hỏi nữa đâu.

− Sao vậy?

− Sợ em giận cho là anh quá tò mò.

− Ai đặt câu hỏi cũng đều tò mò hết, đúng không nào? Cho nên anh tò mò cứ hỏi tự nhiên.

Tuân đỏ mặt chậm rãi hỏi:

− Em có bạn... chưa?

Thủy biết anh muốn hỏi gì nhưng giả vờ nói:

− Bạn thì thiếu gì, anh muốn em làm mai cho một người.

− Bạn trai kìa!

− Có, nhưng không chơi nữa.

− Vì sao?

− Em không hiểu vì sao... chắc có lẽ không hợp.

Tuân cầm tay cô bóp nhẹ:

− Bây giờ anh thay vào vị trí ấy có được không?

Thủy đáp tỉnh:

− Làm anh trai em, anh sẽ dễ chịu hơn.

− Lý do?

− Em không thích diễn tả, nhưng một phần do em không thích...

− Không thích anh hay không thích vai trò ấy?

Thủy đỏ mặt:

− Anh hỏi toàn những câu khó trả lời, anh cho em hẹn lần sau.

− Mai anh đi rồi.

Thủy cười:

− Làm như anh đi luôn không bằng!

− Thế có nghĩa là em vẫn chờ anh về?

Thủy nhìn mặt anh hớn hở, cô trêu:

− Vì em nợ anh một câu trả lời.

Bằng giọng khản đặc, Tuân hỏi:

− Chỉ vì một câu trả lời chứ em không muốn gặp lại anh sao?

− ...?

− Anh không muốn em nợ em câu trả lời "buồn" nên anh cố đợi thời gian.

Thủy hỏi lại anh:

− Mai mấy giờ anh ra sân bay?

− Em đừng tiễn anh khi anh chưa xác định vị trí em trong tim anh.

Thủy trả lời với đôi mắt đỏ:

− Anh thật là dốt.

Tuân sững sờ vì câu trách móc đơn sơ của Thủy. Anh xúc động nắm tay cô.

− Mười một giờ bay, chín giờ có mặt ở đó.

Thủy hứa hẹn:

− Nếu tiện em và Minh sẽ tiễn anh.

− Em chắc không? Vì nếu em tiễn anh, anh sẽ đi với Tùng để mẹ ở nhà, anh không muốn mẹ biết chuyện về em khi...

− Khi em chưa dứt khoát với anh chứ gì?

Thủy nhìn đồng hồ:

− Anh cho em về. Mai gặp lại anh ở sân bay lúc chín giờ.

Tuân chở Thủy về với vẻ mặt không vui gì lắm. Trước khi chia tay, Thủy nói với anh:

− Những cái mà tất cả chúng ta gọi là kinh nghiệm, là từng trải, là... là gì đó dành cho công việc cho cuộc sống, em thấy anh đạt hoàn toàn... Nhưng anh vẫn còn dốt lắm.

Thủy nói xong bỏ vào nhà. Tuân ngẩn ngơ suy nghĩ từ chiều đến giờ Thủy đã mắng anh "dốt" đến hai lần.

Trước lúc ra đi, Tuân hôn lên trán mẹ rồi nói:

− Mẹ! Đây là số tiền còn lại con đem về, đem lại bên ấy mất công, con gởi mẹ dùng trong những ngày không có con. Con sẽ cố gắng về sớm thành lập công ty ở đây, cho Tùng và một vài người thân có việc làm, con sẽ có thời gian chăm sóc mẹ.

− Những người thân ấy, mẹ có biết không?

Tuân chột dạ:

− Có quen nhưng mẹ không muốn liên lạc.

− Con muốn nói bố con chứ gì?

Giọng bà Quỳnh thêm hằn học:

− Không biết xấu hổ, tự trọng một chút nào.

Tuân biết câu nói ấy mẹ dành cho bố. Anh không nói gì nhưng nhìn mẹ một lúc lâu.

− Mẹ à! Bố có kinh nghiệm trong kinh doanh nên tự con đến mời.

− Luôn cả gia đình con đó phải không?

Tuân im lặng, anh biết lúc này nói ra thêm bất lợi nên mặc kệ, mẹ anh muốn nói gì cứ nói, Tuân chỉ ngồi im.

− Thà con ở luôn bên ấy xa nhà, xa mẹ và các em có lẽ mẹ còn thấy nhẹ. Về đây tìm ba cái thứ đó làm gì? Vô trách nhiệm, không bổn phận... Đã bao nhiêu năm không ngó ngàng đến, bây giờ thấy có ăn nhào vô. Cái thứ người...

Tuân không còn nín được nên nói:

− Nếu mẹ nói thế thì con coi như không có con vậy. Có Tùng, Tú và thằng Tí là mẹ đủ rồi, từ nay mẹ cứ coi như con đã chết. Con dứt khoát lập công ty mời bố và gia đình ấy về làm việc. Mẹ hãy nghĩ lại xem ai trái ai phải. Chúng con tất cả đều đã lớn, đủ để phân xét việc làm của cha mẹ.

Bà Quỳnh sửng sốt vì những lời của con. Bà nói không thành lời:

− Mày... mày... phản... tao?

Rồi bà vất nắm tiền vào mặt anh:

− Tao không cần những đồng tiền này. Không phải mày cho tao rồi muốn nói gì, muốn làm gì tự ý là được đâu. Để rồi coi thằng nào, con nào dám làm ăn, hợp tác với mày không chứ. Tao không hăm dọa suông đâu!

Tùng đi từ cầu thang xuống nhìn những đồng tiền vương vãi, anh đoán có "chiến tranh". Nhưng với Tùng, việc đó như cơm bữa nên cúi xuống lượm tiền và khôi hài:

− Tiền mà chê, ai chê con lấy hết.

Bà Quỳnh quát to:

− Tùng! Tao cấm mày hợp tác làm ăn chung với nó nghe chưa?

Tùng nhún vai cầm tiền đưa cho anh:

− Mọi chuyện anh còn giải quyết lâu dài, anh có ở đây đâu... - Giọng Tùng nhỏ hơn - chỉ tổ khổ cho gia đình bố và Thủy thôi.

Tuân ớn lạnh vì nghĩ mẹ anh có thể làm bất cứ hành động gì cũng không cần suy nghĩ. Anh nhìn mẹ chăm chăm, nửa muốn nói lời năn nỉ, nửa muốn nói một câu gì đó cho hả tức.

Sau cùng, anh nói với mẹ:

− Con nghĩ mẹ, bố hay dì đều đã già cả rồi, có chăng là chúng con đây mới cần đến tương lai, đến cuộc sống. Nếu trong công việc không có mẹ hoặc bố là những người thân thiết, lại có kinh nghiệm để làm là con không yên tâm.

− Tao tìm người cho mày nếu mày muốn.

Tuân đầu hàng:

− Thôi được, để con quay về rồi tính... Đã gần đến giờ con đi, con chào mẹ. Tiền đây, mẹ cầm lấy mà tiêu.

− Tao không cần.

Mặt bà hầm hầm không nhìn con, Tuân đứng yên lặng trước mặt mẹ một lúc, anh đưa tay nắm bàn tay mẹ:

− Con thương mẹ, con muốn mẹ đừng buồn! Con chào mẹ.

Dù Tuân đã nói hết lòng, bằng tình cảm người con với mẹ, nhưng bà vẫn thản nhiên không nhìn Tuân, còn tỏ thái độ bất cần. Xoay người lại, Tùng nắm tay anh lôi lên lầu:

− Đi mau kẻo trễ.

Hai anh em lên lầu, Tùng hỏi:

− Chuyện gì vậy?

Tuân kể em nghe toàn bộ câu chuyện. Tùng trách:

− Anh vội vàng quá. Thế nào mẹ cũng tìm ra được nhà bố... lúc ấy lòi ra Thủy... bao nhiêu chuyện rắc rối lại không có anh ở nhà.

− Bố ở tít trong xó ấy ai mà mò ra.

Tuân tự tin nói. Tùng nhăn mặt:

− Anh quên là cậu mình làm bên thanh tra sao? Mẹ chỉ cần hỏi địa chỉ chuyển nhà là lòi ra thôi.

Tuân lo sợ căn dặn em:

− Anh đi ít nhất là sáu tháng. Lâu lâu, em ghé dòm chừng nghe Tùng.

Tùng trêu anh:

− Dòm chừng ai?

− Thôi mà, anh rối ruột em còn đùa.

− Giỡn thôi, em hứa!

Tuân tự trách mình:

− Anh sao ngu quá, không nghĩ đến hành động điên rồ của mẹ. Anh phó mặc cho duyên số. Anh gặp Thủy, yêu Thủy cũng do định mệnh, còn thành hay bại là do Trời. Chỉ mong sao cho gia đình bố, dì Như được bình yên. Bây giờ có hối cũng không kịp ý muốn hành động của mẹ. Thôi, chúng ta đi, còn ít thời gian quá. Số tiền thừa này anh cho ba đứa, em, Tú, và một phần cho chị em Thủy!

Rồi anh cười tiếp:

− Bây giờ không phải có ba anh em nhà mình, mà còn hai đứa bên bố nữa. Đông thật!

Tùng cười ha hả vì câu thân tình của anh:

− Mẹ biết anh gộp lại một nhà, hậu quả sẽ hơn ngày tận thế. Mà bố biết chuyện anh và Thủy chưa?

− Chưa. Chẳng ngã ngũ đâu ra đâu hết!

− Lạ thật! Chắc tại anh?

− Ừ.

− Thế mà không hỏi kinh nghiệm, em chỉ cho.

− Thôi đi, làm như em ngon lắm. Anh thấy Sương ăn hiếp em thấy mồ.

− À! Anh lầm rồi đó. Phụng Sương yêu em hơn em yêu cô ấy nhiều. Anh không thấy Sương chiều em hết mức luôn sao?

− Xạo quá!

Tùng cười khì. Anh biết rõ hơn ai hết, trong tình yêu ai lụy ai.

Sân bay hôm nay không khác ngày Tuân về, Tùng nhìn đám người qua lại dập dìu nói:

− Thế mà anh dám về một mình, gan thật.

− Anh thấy có sao đâu, dân mình đâu tệ như mẹ viết thư kể. Lúc đầu anh cứ ngỡ ghê lắm, nhưng giờ thì...

− Bây giờ ở đây là sân bay quốc tế, các phương pháp làm việc tinh vi, bọn xấu muốn làm ăn cũng khó.

− Mỗi ngày một thêm tiến bộ, anh về đây làm việc cũng thấy an tâm!

Minh lách đám người chen vào:

− Em chào anh Hai.

Tuân móc túi đưa cho Minh:

− Đây là tiền học hai chị em, cố gắng cho kết quả tốt, sau này anh lo nhiều hơn... Còn chuyện này anh định nhờ Minh giúp.

Ba anh em nhìn nhau cười. Tuân làm ra vẻ quan trọng nói nhỏ:

− Ở nhà anh gởi chị Thủy cho em, ai đến gần em đừng cho nghe chưa? Mà...

Thủy đến làm Tuân im không nói tiếp. Cô tươi cười đưa cho anh một gói nhỏ:

− Em tặng anh làm quà, lên máy bay mới được mở ra.

Tùng tế nhị nắm tay Minh nói:

− Tụi em đi tham quan sân bay một lát, gần đến giờ sẽ quay lại.

Tuân cầm gói quà của Thủy đưa tay vuốt ve chiếc nơ hồng:

− Anh không biết đây là quà gì, nhưng anh biết nó có ý nghĩa với em. Anh luôn mang theo nó bên mình như hình ảnh của em luôn ở bên anh.

Tuân rút từ túi áo vest ra một lá thư và nói:

− Suốt đêm anh không ngủ được, tất cả tâm huyết đều nằm trong tờ giấy này. Em đọc kỹ nhớ trả lời nha Thủy! Anh chờ tin em từng ngày. Anh về hay ở lại bên ấy tùy thuộc vào quyết định của em.

Thủy cúi đầu, mắt ngấn lệ vì những lời nói chân tình. Cô muốn nói với anh một câu yêu thương đang xuất hiện trong đầu... Nhưng nghẹn ngào không nói được.

Tuân nâng cằm cô lên, nhìn hai giọt nước mắt lăn xuống đôi má hồng, anh đưa tay lau nước mắt cho cô:

− Em đừng khóc, anh không muốn những giọt lệ rơi ở đây. Em hãy cười cho anh vui, nhớ giữ gìn sức khoẻ. Anh không có nhiều thời gian nói với em về tương lai, nhưng em hãy luôn nhớ: cuộc sống tương lai anh rất cần có em.

Với đôi mắt long lanh ngấn lệ, cô hỏi:

− Anh nói thật?

Tuân gật đầu, cô nắm chặt tay anh:

− Tại sao anh không nói?

− Nói yêu em phải không?

Sau một lúc im lặng, Tuân tiếp:

− Anh viết tất cả vào lá thư này.

Thủy lắc đầu nhè nhẹ:

− Em muốn nghe tiếng nói của anh.

Tuân xúc động ôm đôi má hồng:

− Hãy tin anh nói thật lòng đây em: Anh yêu em!

Tiếng nói của Tuân rõ ràng từng chữ, Thủy nhắm mắt để hai giọt nước mắt rơi trên tay anh. Cô choàng tay ôm ngang người Tuân, úp mặt vào ngực anh. Tuân cũng siết chặt cô vào lòng:

− Thủy! Anh sẽ mang hình ảnh này đi suốt cuộc đời... Bây giờ anh muốn nghe em trả lời câu hỏi của anh hôm qua. Em nói đi... Em nói đi!

Tiếng phát thanh viên vang lên từ các loa:

"Hành khách nào đi chuyến bay mười một giờ trưa nay, yêu cầu vào cổng số... hành khách nào..."

Tiếng nói vang lên lặp đi lặp lại hai ba lần. Tuân nôn nóng:

− Nói đi Thủy! Em hãy nói cho anh yên lòng.

Thủy ngẩng mặt nhìn vào mắt anh:

− Em chờ anh... Em yêu anh!

Tiếng "anh" nhỏ dần ở câu cuối, Tuân ôm mặt Thủy và hôn cô. Nụ hôn đầu tiên của tình yêu hai người cũng là nụ hôn chia tay. Cả hai trân trọng, kéo dài thời gian ngắn ngủi này. Họ không rời nhau và Tuân không muốn đi nữa.

"Xin mời hành khách...". Tiếng loa vang lên, cả hai thức tỉnh. Thủy xô nhẹ người anh, cô xấu hổ đỏ mặt cúi đầu lí nhí:

− Người ta nhìn kìa... Anh đi đi!

− Anh tiếc chúng mình yêu nhau muộn quá em nhỉ? Bỏ phí bao nhiêu thời gian.

Thủy vẫn cúi mặt:

− Anh còn quay về kia mà!

− Đúng! Anh không để em chờ lâu đâu... Nhớ giữ gìn sức khoẻ... nhớ viết thư cho anh... nhớ...

Nước mắt rưng rưng nhưng miệng Thủy vẫn cười:

− Em nhớ anh và cầu nguyện cho anh hằng ngày.

− Thủy! Em dễ thương, đáng yêu lắm em biết không?

Anh cúi người hôn lên mắt Thủy, cô tận hưởng tất cả dù vội vàng nhưng đằm thắm và đầy tình cảm.

Tùng và Minh xách hai vali cho anh, Tuân nắm tay Thủy, cả bốn người đến trước phòng cách ly. Tuân dặn dò Tùng:

− Anh sẽ gởi thư cho em, nhớ bảo vệ gia đình bố. Cả Minh cũng vậy nhé.

Quay sang Thủy, anh nói không nên lời, chỉ ôm cô vào lòng và siết chặt.

Tùng nhắc nhở:

− Chỉ còn hai phút nữa thôi anh.

Tuân buông Thủy quay lưng đi thẳng.

Anh em Tùng chờ đợi anh quay mặt lại để vẫy tay chào mừng, nhưng tuyệt nhiên không một lần thấy mặt anh ra sao.

Ngồi trên máy bay, Tuân mở gói quà một cách cẩn thận, chiếc ví da cá sấu mới màu nâu, bên trong ngăn để một tấm hình chân dung Thủy đang mỉm cười.

Tuân nhắm mắt nhớ lại gương mặt người yêu. Miệng cười mếu máo, mắt đầy lệ nhưng không tỏ ra bi lụy làm mềm lòng người ra đi. Giờ đây, trên chiếc Boing xa cách bao người thân: thương yêu, kính mến, lo sợ... Với họ, dù làm anh bận lòng lưu luyến, nhưng Tuân vẫn có cảm giác dạt dào yêu thương.

Một ngày nữa thôi, anh đặt chân lại miền đất của xứ người, nơi ấy Tuân sống suốt mười mấy năm dài cô đơn. Khô khan thật! Cuộc sống vật chất không thiếu bất cứ phương tiện nào, nhưng anh cô đơn quá không tìm ra đâu một người hiểu mình, thông cảm, chia sẻ lúc vui buồn. Giờ đây anh ra đi, đã để lại quê hương một tình yêu, một tâm hồn đơn sơ nhiều tình cảm.

Ông Thông yên lặng rít thuốc. Ông hiểu Tùng tin tưởng nên kể lại những suy nghĩ của mình về mẹ và thái độ cư xử của bà ấy với các con. chuyện bất bình giữa các con với bà Quỳnh bây giờ có thêm chuyện làm ăn, gầy sự nghiệp lại cho chúng mà bà lại cản trở vì có ông giúp sức.

Ông căn dặn:

− Con biết tính mẹ con rồi đó, con đừng tới lui đây nhiều, bà ta không nói suông đâu. Bố không sợ cho bản thân mình, nhưng dì và hai em con đã khổ nhiều rồi. Nếu một mai phải đối đầu với mẹ để rồi nghe những lời không đẹp, có khi mẹ con có những hành động xấu, tội cho họ lắm.

− Con hiểu ý bố. Con chỉ mong bố hiểu cho chúng con... sau này lỡ có gì xảy ra là ngoài ý muốn... Có anh Hai ở nhà, con yên tâm hơn.

− Bố cũng nghĩ thế, nó nhờ tìm địa điểm thuận lợi báo cho nó biết, bản vẽ và tiền nó gởi về ở đây mình xây dựng cơ bản cho cơ sở trước, việc này con phải giúp bố.

Tùng gật đầu:

− Con xin phép về. Vài hôm con ghé lại. Con chào bố, chào dì.

Từ nãy giờ cha con Tùng nói chuyện, bà Như ngồi yên lặng lắng nghe. Bà lo lắng về người vợ cả của chồng, một người đàn bà không biết rung động trước đau khổ của kẻ khác.

− Em lo quá anh à! Chị ấy sẽ không bỏ qua đâu.

Cầm bàn tay gầy guộc của bà, ông nói:

− Em an tâm, lần này anh không nhịn bà ấy đâu. Các con chúng ta hai bên đều đã lớn, chúng biết ai phải, ai trái và sẽ đứng về phía ấy.

− Sao anh nói thế... dù gì chị ấy cũng là mẹ chúng.

− Em không thấy chúng thương anh, quý em và hai con sao?

− Em tin anh!

Giọng bà như giao phó mẹ con bà cho ông. Ông cảm thấy xấu hổ vì bà lo âu chuyện gia đình ông.

Chung sống với nhau gần mười năm chưa một ngày bà được sung sướng về vật chất. Đôi khi ông tự hỏi: Hạnh phúc yêu thương do ông mang đến cho bà, cho hai con riêng của vợ có bù đắp được thiếu thốn vật chất, vất vả trong cuộc sống hằng ngày không?

Ông tự dằn vặt mình vì cảm thấy mình vô tích sự, bất lực đối với gia đình.

Ông cầm tay bà:

− Em có an tâm và hạnh phúc khi ở bên anh không Diệu Như?

Đã lâu lắm rồi bà mới nghe ông gọi tên riêng của mình, bà cảm động đỏ hoe mắt:

− Em sung sướng hạnh phúc lắm và cứ phập phồng lo sợ, cuộc sống trên thế gian này nếu không có anh, không biết em sẽ ra sao?

Nước mắt lăn dài trên má bà, ông rút chiếc khăn quấn sẵn trên cổ bà lau những giọt nước mắt hạnh phúc ấy:

− Em đừng khóc, dù anh biết rằng đó là những giọt nước mắt hạnh phúc, kẻo các con nhìn thấy tưởng anh ăn hiếp em.

Minh và Thủy xách giỏ vào hỏi mẹ:

− Sao mẹ không giữ anh Tùng ở lại ăn cơm?

− Nó bảo về còn đi làm. Con mua gì nhiều thế?

Thủy cười nhìn em, cô không trả lời mẹ vì nhớ đến chuyện hai chị em bàn tính riêng ở chợ, nói sao với mẹ đây?

Thủy khều em, Minh trả lời thay:

− Chúng con có một số tiền như trúng số nên mua quà cho dượng và mẹ.

Ông Thông tủm tỉm cười:

− Anh Hai cho tụi con chứ gì?

Thủy khen:

− Dượng tài ghê. Anh ấy cho chúng con tất cả số tiền còn lại trong túi. Anh dặn chúng con để dành đóng tiền học... mà nhiều lắm dượng ơi.

Bà Như nhìn hai con hỏi:

− Chúng con mua gì cho mẹ xem nào?

− Đây là quà của mẹ! Còn dượng xem thử chúng con mua có vừa ý dượng không? Con biết dượng thích lắm.

− Biết dượng thích gì hả con?

Hai chị em Thủy cười, sau cùng cô nói:

− Không lẽ chúng con ở với dượng bao nhiêu năm...

Dù không biết trong hộp là món quà gì, những lời nói của Thủy khiến mắt ông cay cay... ông chớp mắt nói:

− Cảm ơn con gái nhiều lắm.

Hai chiếc hộp được mở ra.

Hai người đều thốt lên tiếng "ồ" thật to:

− Đẹp quá!

Hai sợi dây chuyền vàng cùng hai mặt mề đay giống hệt nhau, chúng được chạm khắc tinh vi, chữ Phúc và hai chữ cái TN được lồng vào nhau trông thật đẹp mắt.

− Đẹp không mẹ?

− Đẹp lắm! Nhiều tiền lắm phải không con?

− Em quay qua đây, anh đeo cho các con ngắm xem đẹp không?

Với cử chỉ trân trọng âu yếm, ông Thông đeo vào cổ bà như sợi dây tình yêu do hai đứa con bà đem lại.

Có phải chăng càng ngày chúng càng yêu ông hơn.

− Dượng làm gì mà thẫn thờ vậy?

− Ờ... ờ, đẹp không các con?

− Dạ đẹp lắm... Dượng ơi! Chúng con có chuyện muốn thưa với dượng.

Ông nhìn hai đứa tủm tỉm cười:

− Hai đứa này sao nhiều bí mật thế không biết? Nào, có gì nói dượng nghe coi!

Thủy ấp úng:

− Mẹ... mẹ... hôm nay chúng con muốn gọi dượng... đáng lẽ chuyện này phải thay đổi...

Minh nôn nóng:

− Chị Hai nói đại đi, lòng vòng hoài.

Mặt Thủy đỏ như gấc:

− Chúng con sẽ gọi dượng bằng... bố!

Đây là quyết định mà bà Như là người ao ước từ lâu. Bà cảm động đứng trân trân nhìn chúng. Ông Thông không khỏi đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác. Ông vụt đưa tay ôm hai đứa vào lòng:

− Các con... các con của bố! Bố vẫn yêu chúng con, cho dù chúng con không muốn gọi như thế.

− Bố ạ! Đáng lý ra chúng con phải nhận ra điều này lâu rồi phải không?

Minh trêu chị:

− Bây giờ chị không gọi bằng bố... mai mốt cũng phải gọi thôi.

Ông Thông cười cười, bà Như nhìn hai cha con thắc mắc:

− Con nói gì vậy Minh? Chuyện gì vậy Thủy?

Thủy đỏ mặt vỗ vai mẹ:

− Ôi! Hơi đâu mà mẹ nghe nó, nói bá láp bá xàm.

Bà Như hỏi:

− Thằng Tuân buộc tụi con như vậy?

Minh cười:

− Anh Tuân có buộc cũng chỉ một mình chị Thủy thôi. Còn con, con tự nguyện.

Ông Thông trêu:

− Bố và mẹ hiểu rồi. Mà Minh này, sáng nay anh Tuân đi, chị Thủy có mè nheo không con?

− Gần lụt sân bay.

Thủy xấu hổ bước xuống bếp. Minh tế nhị lên gác để mẹ với ý nghĩ mới về bà và chồng.

− Anh biết chuyện từ trước?

Bà Như lên tiếng hỏi, ông Thông ôn tồn:

− Anh đã đoán trước và cũng đồng tình với chúng.

− Em chỉ sợ bé Thủy nó khổ vì...

− Em đừng nghĩ ngợi nhiều! - Giọng ông Thông trở nên trầm ấm hơn - Trong hôn nhân không cần phải có quyền lợi hay tiền bạc vật chất xen vào. Anh chỉ mong chúng có hạnh phúc như anh và em là anh thỏa mãn rồi, vui cùng vui, khổ cùng chia sẻ, tôn trọng nhau là trên hết. Tình yêu phải san bằng không ai hơn ai thua... Số phận tạo hóa an định không ai tránh được đâu mà.

− Chị ấy sẽ...

Ông Thông biết bà muốn nói gì và nói đến ai, ông nhìn bà bằng đôi mắt cảm thông:

− Anh hiểu em muốn nói gì. Đừng lo sợ em à! Hôm nay là ngày vui và là ngày hạnh phúc của anh, mọi chuyện gì ở ngày mai hãy để nó nằm yên đó. Ngày hôm nay anh có ba niềm vui, anh muốn vui cho trọn.

− Đâu mà lắm cái vui thế anh?

Ông Thông biểu lộ tình cảm dạt dào của mình bằng cách ôm bà vào lòng:

− Này nhé, hai con chấp nhận anh là bố, Thủy là con gái mà là con dâu tương lai của anh... và... em vẫn yêu anh như ngày xưa. Thế không phải là ba à?

Bà Diệu Như mắc cỡ, sợ các con thấy, bà đẩy ông ra:

− Già rồi ông ơi! Chúng nó thấy sẽ cười cho!

Không những ông không buông vợ ra mà ôm bà sát vào lòng hôn lên đôi má hóp đen.

− Các con thấy chúng ta hạnh phúc, chúng sẽ vui chớ em!