Xóm Luỹ vốn làm một xóm vắng vẻ tĩnh mịch hơn các xóm trong làng Cầm. Chiều nay bỗng trở nên nhộn nhịp, kẻ đi người lại chen chúc. Họ cùng đến nhà Xã Chừng. Tất nhà ấy có sự khác thường. Và sự khác thường ấy tất không phải sự may mắn. Vì nét mặt những người ở đấy ra đều lộ vẻ buồn rầu hoặc tẻ lạnh. Một người đi vào hỏi một người giở ra:- Này bác, liệu qua khỏi được không?Người kia lắc đầu thở dài:- Khó lắm bác ạ. Tội nghiệp! Trông bác gái sụt sịt khóc mếu mà thương.Mỗi người phàn nàn một câu. Những tiếng xì xào trong ngõ xóm tối tăm. Cảnh chiều tịch mịch. Sắc trời u ám lúc ấy như dành riêng cho nhà bác Xã Chừng.Cảnh trong nhà mới lại càng thê thảm. Trên cái sân đất nền rộng độ bốn mảnh chiếu, kê một cái chõng tre và một cái phản mục. Một ấm nước sứt vòi, vài ba cái bát sành mẻ miệng, một cái điếu da lươn, một cái khay gỗ tạp đựng giầu cau và một cái đèn "hoa kỳ" ngọn xanh ngắt vì quá nhỏ, để hỗn độn trên mặt phản, chung quanh quây quần những khách đến thăm. Mấy gian nhà trên tối om. Gian nhà bếp, trái lại vừa sáng vừa khói mù mịt vì lúc nào cũng có người đun nước tiếp khách.Ông chủ không ra vẻ thiểu não lắm, ngồi trên chõng, quần vén tận gối, tay cầm quạt mo phe phẩy, nói luôn mồm như để dẹp nỗi đau khổ trong tâm. Bà chủ đầu tóc rã rượi, quần áo lôi thôi lốc thốc, ngồi bệt xuống thềm ôm mặt khóc sướt mướt. Bà Lý Nhân ngồi liền cạnh dỗ dành như dỗ con nít. Bà vốn khéo mồm miệng, khéo cả chân tay. Hàng xóm láng giềng, động ai có việc gì, hoặc vui hoặc buồn đều có mặt bà. Có bà, cuộc vui càng vui thêm, nỗi buồn bớt buồn nản. Bà đáng quý như thế, thế mà vớ phải một anh chồng mất dậy. Không lấy gì làm lạ. Ở đời có mấy khi được cả chồng lẫn vợ. Chiều nay, bà đến nhà Xã Chừng trước mọi người, tuy bà ở tận đầu xóm. Bà không rời bác Xã lúc nào. Bà tìm hết lời khôn lẽ khéo, đem những sự thiệt thòi, đen đủi, khổ não của người để làm khuây nỗi khổ của bác Xã. Nhưng, nếu bà biết, với người đau khổ quá đỗi như bác Xã thì những lời an ủi của bà khác nào như muối bỏ bể. Nếu bà biết những tiếng khóc to, những giọt lệ tuôn ra càng nhiều thì nỗi đau khổ càng nhẹ bớt. Nếu bà biết thế thì bà để mặc bác Xã khóc lóc cho hả hê.Ngoài sân, mọi người đương bàn tán. Lý Cúc ở cổng đi vào. Lý Cúc tính lỗ mãng, động thấy người là thấy quát, thấy cười. Ai không biết cho là ông xấu bụng. Nhưng ông thực là người tốt, hay cứu giúp người trong hoạn nạn. Không thì cũng không hại ai. Thoạt đến, thấy Xã gái khóc, ông đã quát: "Cái bác này hay nhỉ. Việc gì mà bù lu bù loa lên thế. Phải để người ta xoay xở chứ."Bác Xã giai và nhiều người đứng dậy chào. Lý Cúc mau mồm nói luôn: "ấy các người cứ ngồi. Ở đây chứ có phải chốn đình trung đâu mà phải khép nép". Tuy ông nói vậy, họ vẫn không dám vô lễ, sang cả bên chõng, ngồi chen chúc nhau để nhường riêng một mình ông cái phản. Còn các bà cố nhiên là ngồi bệt cả trên thềm và dưới bếp.Ông Lý quay ra hỏi bác Xã giai:- Thế nào? Tôi thấy nói: khó lắm phỏng?- Vâng, xem chừng khó lắm cụ ạ. Suốt từ trưa đến giờ nhà cháu đã dùng hết cách. Thôi thì họ bảo sao nghe vậy. Nào sắc nước bồ đề cho uống, và giã lá cóc mẳn rịt bụng. Rồi những lá các ông các bà đem lại cho, bảo là kiến hiệu lắm mà cũng chẳng thấy kiến hiệu gì cả. Bụng vẫn rắn, vẫn chướng cụ ạ... Vừa rồi anh Khán cháu lại đem sang cho ít thuốc bột của chị Mán bán thuốc ê. Cháu Cả còn đương cho uống, chả biết có... Vợ vừa nín được một lát bỗng lại òa lên khóc và kể lể: "ối giời cao đất dầy ôi! Nó mà mệnh nào thì tôi cũng đến chết mất thôi. Sao mà cái số tôi nó khổ sở, điêu đứng thế này, hỡi giời!"Mọi người cảm động ngồi lặng yên. Trên trời tối đen, những ngôi sao nhấp nhánh cùng nhìn cả xuống sân nhà Xã Chừng như để chứng kiến nỗi thê thảm của nhà ấy.Bác Xã gái, vẫn kể lể: "Các ông các bà tính, năm nay vận hạn nhà tôi như thế đấy. Đầu năm mất đứa con. Tháng ba có đàn gà toi sạch. Tháng mới rồi con lợn đương lành mạnh hẳn hoi, bỗng tự nhiên chê cám phải bán vội lấy nửa tiền. Bây giờ lại... Hu! Hu... ! ối giời cao đất dầy ôi! Tôi tội lỗi gì mà giời nỡ đầy đọa tôi cực... nhục... "Đầu bác gục xuống đùi. Tiếng khóc nức lên từng cơn. Thảm thiết quá đến nỗi bà nào cũng dơm dớm nước mắt. Một bà đa cảm không cầm được giọt lệ, lấy vạt áo lau vội, gượng cười, nói lẩm bẩm một mình: "Nghe bác ấy khóc thảm quá làm mình cũng khóc lây"Thằng Đục nhớn, con cả Xã Chừng, ở sân sau đi lên, tay cầm chiếc đèn chai. Xã Chừng ngoảnh lại hỏi: "Thế nào mày? Bụng nó có dẹp đi được tí nào không?- Cứ vẫn thế bố ạ. Chẳng đỡ tí nào sất. Ông Trùm Súy bảo: giá có quế cho uống thì khỏi. Ông ta đã chữa mấy đám... Xã Chừng ngẩn người ra, nói bằng giọng chán nản:- "Quế thì biết tìm đâu ra bây giờ?- "Quế à? Quế thì hiện tôi còn một đồng cân. Để tôi về cầm lại cho". Vừa dứt lời, Lý Cúc đứng dậy đi liền, dáng điệu hấp tấp. Mọi người đua nhau khen Lý Cúc. Người thì bảo: Ông bộp chộp thế mà rất tốt. Người thì khen ông dễ dãi, hào phóng, không biết tiếc của. Người vừa khen vừa chê ông coi tiền như rác, mở bát hàng trăm, bán ruộng, bán nương xoành xoạch. Bao nhiêu nết hay, nết dở của Lý Cúc truyền từ mồm nọ sang mồm kia. Họ mải chuyện, quên cả nhà chủ, nhất là bà chủ đương đau khổ ê chề, rên khóc thiểu não.Lý Cúc chưa kịp mang quế đến. Thằng Đục con ở sân sau, hớt hơ hớt hải chạy lên, vừa nói vừa thở."Ngã mất rồi bố ạ!".Ngã mất rồi! Cái tin dữ dội xuất ở mồm nó như luồng điện làm tê tái tất cả mọi người. Bác Xã gái nằm vật xuống thềm kêu thất thanh: "ối giời ôi là giời ôi! Thế là cơ nghiệp nhà tôi đi đời, giời ôi!" Bác thở hồng hộc. Bà Lý Nhân ngồi lặng yên, một tay vuốt ngực bác Xã cho khí uất xuôi xuống. Bà nghĩ không còn cách gì hơn. Cái sân đã vắng ngắt chỉ còn bác Xã nằm thiếp trên thềm với bà Lý Nhân và hai bà hàng xóm ngồi cạnh.Không đợi Lý Cúc hỏi, bà Lý Nhân đã nhanh mồm nói: "Hỏng, ngã mất rồi cụ ạ".Lý Cúc chạy ra sân sau. Trước cửa chuồng trâu, mọi người đứng xúm đen xúm đỏ.- Quế đây! Quế đây! Thế nào? Hỏng rồi à? Vừa nói ông vừa cố lách vào để tìm Xã Chừng. Một người trong đám đông nhích ra trả lời: "Ngã thật rồi cụ ạ. Bây giờ thì thuốc thánh cũng chẳng cứu thoát".Lý Cúc đã lách được qua đám đông đứng thừ người ra nhìn dưới ánh đèn "chai" lờ mờ một con trâu chỏng quèo, bụng đen ngòm, trương lên, to như con bò tướng đại. Bốn chân khẳng khiu, như bốn cái que mà đứa trẻ nghịch cắm vào củ khoai, cái đầu vươn ra, cái mõm đen ướt long lanh dưới ánh sáng. Cặp mắt vẫn mở to, đã mất hết tinh thần như cặp mắt giả. Xã Chừng cúi lom khom. Mấy giọt lệ thương tiếc rơi xuống sống mũi con vật làm ướt một mảng lông. Mắt nó không chịu nhắm, mở trừng trừng đôi mắt ốc nhồi nhìn bác như thể chưa muốn rời bác mà đi. Cũng như Lý Cúc quên cả mùi nước đái trâu xông lên sặc sụa khắp chuồng, mọi người đứng thừ ra nhìn xác con vật khốn nạn. Họ thương hại nó thì ít mà thương hại vợ chồng Xã Chừng thì nhiều.Khốn nạn! Nghĩ tình cảnh vợ chồng bác thực đáng thương. Mới có chừng sáu bẩy năm về trước còn túng đói cực khổ. Chồng cày thuê cuốc mướn, vợ mò cua bắt ốc. Cả nhà cùng bóp bụng, nhịn bữa sáng, ăn bữa tối, dành dụm cả năm mới được cái vốn vài ba đồng. Vợ bỏ nghề chân lấm tay bùn, xoay nghề hàng xáo. Sớm ngày đi khắp làng, vào các nhà giầu đong thóc về xay giã, sàng sẩy lấy thúng gạo, mẻ cám bán chợ. Nhờ giời, hai thằng con đầu, thằng Đục nhớn, thằng Đục con, tuy bữa no bữa đói mà vẫn khỏe mạnh, nhớn như thổi. Chúng đã đi ở chăn trâu cho người và đã đem về cho nhà được ít tiền gom góp vào lưng vốn. Bốn năm giời, tích tiểu thành đại, vợ chồng đã tậu được con lợn nhỏ. Vận lúc đó làm việc gì cũng như có giời giúp. Không bao lâu, tiền của dư dật, tậu được con trâu. Và từ khi có con trâu như có phép lạ, lợi lộc thu vào gấp bội. Ruộng nương sinh đẻ dần vì nó. Bầu được Xã cũng vì nó. Vì nó mà sửa sang được cái nhà cho ra hồn, vì nó mà cả nhà no ấm. Chả thế mà khắp khu xóm phao đồn lên rằng: "Vì bác tậu được con trâu ẩn khoáy sau". Họ thường nói ra cửa miệng: Ăn khoáy sau làm giầu cho chủ. Con trâu có quý tướng như thế, bỗng lăn ra chết thì ai không đứt ra từng khúc ruột! Khốn nạn! Tình cảnh vợ chồng thực đáng thương. Nhưng biết làm thế nào? Con trâu khốn nạn đã tắt thở. Mọi người tản mát dần. Lý Cúc bảo Xã Chừng: "Bây giờ sự thể đã như thế, có buồn cũng không sao kéo lại được nữa. Chi bằng bác đi với tôi đến nhà lý trưởng để tôi bảo hắn lên xin quan cho phép chôn thôi".- Bẩm cụ, liệu có phải mất quà cáp gì không ạ?Lý Cúc suy nghĩ một lát rồi chậm rãi nói:- Kể thì tôi với hắn chỗ họ đương. Tôi còn là chú hắn. Nhưng mà tôi thiết tưởng... bác cũng nên đãi hắn một vài đồng thì hơn. Công việc sẽ được nhanh chóng, chứ cứ để nó nằm mãi đây nghĩ cùng phiền lắm.Xã Chừng nét mặt ủ rũ:- Thôi thì trăm sự nhờ cụ dạy thế nào cháu cũng xin vâng.Lý Cúc vắt tay ra sau lưng, lững thững bước một lên nhà trên. Bỗng đổi ý quay lại nói:- Hay là thế này. Bác đưa hẳn cho hắn ta ba đồng, nói nhỏ với hắn im đi. Tôi bán quách cho thợ thịt lấy dăm bảy đồng. Như thế mình chẳng mất gì mà lại có phần lợi một tí... Xã Chừng hốt hoảng vội kêu:- ấy chết! Chớ! Tội nghiệp nó! Ai lại nỡ thế!Lý Cúc hơi có giọng gắt:- Tội nghiệp quái gì. Con vật chứ có phải người đâu mà tội với nghiệp. Bác này rõ lẩn thẩn.Xã Chừng nghĩ đi nghĩ lại, vẫn không nỡ:- Cụ đã có lòng tốt, muốn làm lợi cho nhà cháu. Nhưng mà thôi cụ ạ, kẻo rồi lại hối hận.Lý Cúc có ý không bằng lòng, nói:- Cái đó tùy bác. Nhưng mà tôi bảo thật: bác lẩn thẩn lắm.... Sáng hôm sau, trong quán đá chợ Cẩm nguyên một phản thịt trâu đầy. Các bà Lý, bà Khán, thấy chồng lâu chưa được bữa thịt trâu, bèn mua mỗi bà một miếng, hý hửng xách về làm nhắm cho chồng. Thì ra hai anh em thằng Đục tinh quái, đã bán ngầm con trâu cho anh hàng thịt lấy năm đồng, đèo thêm một miếng thịt thăn. Sáng hôm ấy, chúng nó cũng làm một mâm rượu tươm tất để bố khuây khỏa nỗi buồn. Bác Xã gái tiếc quá, thành bệnh, nằm dằn dọ trên giường. Bác luôn luôn lảm nhảm một mình:- Biết thế bán mẹ ngay nó lấy sáu mươi nhăm đồng thì đâu đến nỗi. Chỉ tại thày nó... Đến bực mình! Cứ để kệ thây người ta lại hóa xong. Hễ cứ động mó đâu là chết trâu đấy.Chỉ vì tức uất quá mà bác gái đã đổ khuấy cho chồng. Thực thì tại cả vợ lẫn chồng. Tại vợ nhiều hơn, vì việc mua bán "này khác các cái" đều do ở bà vợ cả. Ông chồng chỉ bàn suông thôi. Nếu không thì chuyện này đã bị đay nghiến, đủ tình đủ tội rồi.Hai hôm sau, con trâu nhà Quán Tý ở liền cạnh cũng trương bụng, lăn đùng ra chết. Rồi đến con trâu nhà Khán Đa, con trâu nhà Xã Thôn. Tin đồn dậy khắp làng: Dịch trâu! Dịch trâu!Bác Xã khỏi hẳn bệnh. Chẳng gì an ủi bác bằng cái tin dữ dội ấy. Chỉ một câu này tự trong tâm bác: "Chẳng riêng gì mình khổ" cũng đủ làm cho bệnh bác tiêu tán.Trích trong tập truyện ngắn Truyện quê,Nxb. Lượm lúa vàng, Hà nội,1942