Nó dắt về một đứa con gái có đôi mắt nâu to, hai mí sâu và dài kẻ thành một đường như cánh chim lượn, môi má phơn phớt hồng. Con bé mảnh dẻ với bộ váy trắng nhẹ nhõm, cái cổ thanh thanh cao cao nom cũng chẳng khác một con chim non vừa rời tổ tung cánh vào trời xanh là mấy. Nó hiên ngang đi trước, con bé khép nép theo sau. Không hẹn mà có mặt khá đông đủ mọi người trong đại gia đình. Suốt bữa ăn con bé chỉ ngồi thu mình ôm nồi cơm, hở đâu là đơm đó. Ăn xong con bé ở nhà dưới chăm chỉ dọn rửa lau chùi đàng hoàng tử tế, vẻ tự nhiên thoải mái như đó là bổn phận đương nhiên; dù đây là lần đầu tiên được thằng bạn trai đưa về nhà làm quen. Mọi người gọi luôn con bé sau lưng bằng biệt danh "con cò", dặn nó khi nào dẫn "con cò" đi ăn nhớ cho thức ăn vào cái bình có cổ cao, đừng dọn ra đĩa cạn kẻo cò chết thèm tội nghiệp.

Nó là thằng con trai mới bước qua tuổi hai mươi. Mẹ nó mặc áo pull quần jeans cùng đi ra đường với con trai thì ai cũng tưởng là hai chị em. Về nhà, đôi khi "hai chị em" cùng lao vào giành một tờ báo để được quyền đọc trước, cãi nhau loạn xạ về nhan sắc của các gã cầu thủ ở trời Tây, hô hoán ầm ĩ vì bị ai đó lau nhầm khăn mặt. Tất nhiên thường thì quyền bình đẳng biến mất khi mẹ nó phát hiện ra mình thất thế, hoặc nó vừa sơ ý để rơi vụn thuốc lá trong túi, hoặc đặt đồ vật trong nhà sai vị trí, điều mà mẹ nó cực kỳ căm ghét. Bằng tuổi nó thì cha nó đã có vợ, biết vậy rồi nhưng mẹ nó vẫn đay nghiến mỗi khi nó đi chơi về khuya, vẫn riết róng khi thấy nó ngồi áp bên bạn gái, và lạnh cứng cả người khi phát hiện ra địa chỉ những trang web sex hiện diện trong history của computer cá nhân nó mấy tháng trước đây.

Cha nó đã mất cách đây hơn mười năm, khi nó mới mười tuổi, chưa kịp dạy cho nó phải đối phó với cuộc đời bằng tư chất của một người đàn ông. Nó chỉ còn lưu lại trong ký ức hình ảnh của một người cha hết mực yêu chiều con, luôn mong muốn mang lại những điều tốt đẹp nhất cho vợ con mình. Trong mâm cơm, thịt cá cha nó giành phần xương da thừa thẹo, nạc hất qua một bên. Thời bao cấp, mẹ nó chưa một lần chen lấn ở cửa hàng mậu dịch với những ô tem phiếu rách nát. Mẹ nó còn kể rằng, tã lót nước tiểu của con thì mẹ nó còn giặt, còn cái dính phân thì để qua một bên đợi cha về xử lý. Cha nó cao to mạnh mẽ trái ngược lại với mẹ nhỏ bé rụt rè, nhưng nhất nhất chuyện gì cũng hỏi ý mẹ. Có rất nhiều người đàn bà quen lẫn lạ khóc ngất khi đến đưa tiễn linh cữu cha, nhưng mẹ nó vẫn không suy suyển lòng tin về sự chung thủy gần như đã bị tuyệt chủng ở các ông chồng nói chung trừ cha nó. Có thể lòng kiêu hãnh của mẹ đã bị tổn thương khi không có bằng chứng để chứng minh điều đó, nhưng may mắn thay thời gian đã trả lời tất cả. Lớn lên một chút, nó nói: "Con sợ rằng sau này sẽ chẳng có ai yêu thương má bằng ba", và thêm "Trên đời này không có ai tốt như ba đâu”.

Đó là lúc nó - khi đó vẫn chỉ là đứa trẻ con - phát hiện rằng mẹ mình còn khá trẻ, còn thu hút được sự chú ý của người qua đường và nhất là, không có gì cản trở mẹ nó đi thêm bước nữa nếu muốn. Nó rất khó chịu mỗi khi mẹ nó mặc áo màu sáng, hở tay hở cổ, hoặc những chiếc áo pull ôm sát người mà có lần nó càu nhàu "Ai cho má mặc áo này? Nhìn từ phía sau ngó má giống như cái đồng hồ cát vậy. Không được, từ bây giờ trở đi con ra lệnh cho má mỗi bữa phải ăn thêm một chén cơm nữa cho má mập ra, có vậy mấy ông quỷ sứ mới không thèm nhìn má". Qúa quắt hơn, nó còn cho phép mình kiểm tra tư cách tác phong của mẹ Ở mọi lúc mọi nơi. "Má, không được gác chân lên bàn, ngồi đàng hoàng lại coi". "Sao má thả tóc ra làm chi vậy, trẻ lắm, bối lên cho nó gọn gàng". Những người đàn ông thân thiện xoa đầu hỏi han nó, cho nó hộp bánh, cuốn sách, đĩa game… trước sau gì cũng nhè giờ nó đi học mà đến nhà thăm mẹ nó, hoặc điện thoại triền miên. Thường thì mẹ nó tự khai, nhưng cũng có khi nó phát hiện trước mùi thuốc lá trong phòng, sự xuất hiện những tờ báo tạp chí lạ, dấu giày đàn ông trước bâïc thềm… Mẹ nó không giấu nó tên tuổi của những người khách không mời ấy, thường kể cho nó nghe những nét tính cách của mỗi người khách để nó hiểu rằng mẹ rất khách quan khi nhìn nhận đánh giá họ. Mẹ nó có tài biếm họa chân dung không phải bằng cọ mà bằng lời nói về những người mà mẹ nó tiếp xúc, dù chỉ thoáng qua nhưng cũng đủ để người nghe hình dung. “Chú Đ. có tài nhặt nhạnh và biến hóa, thứ gì cũng vơ cũng nhét cả vào hai lỗ tai, không ra bằng tay thì bằng miệng ngay lập tức. Gặp bữa hai mẹ con mình ăn bánh tráng thay cơm, thế nào ngày mai cũng nghe thiên hạ kháo nhà mình sắp phá sản". "Ừ, cái người liên tục gọi điện thoại tới mà lộn số khi gặp con bắt máy đúng là bác M, bác này ngộ lắm nghen, cạnh má mà có từ người thứ hai trở lên là bác ấy lộn người luôn chớ đừng nói lộn số, cứ như là chưa hề quen biết má bao giờ". Có vẻ như không ai là đối thủ xứng đáng để cho nó phải lo lắng.

Một lần mẹ nó dẫn nó đi dự đám cưới của người bà con, cô dâu có một đứa con gái riêng trạc tuổi nó, váy áo xông xênh bôi son kẹp tóc như người lớn liến thoắng nhảy nhót bên bàn tiệc. Nó ngạc nhiên đến sững sờ, nhắc đi nhắc lại với mẹ mãi. "Con không thể nào hiểu nổi, sao con nhỏ đó nó lại cho má nó đi lấy chồng được nữa”. Mẹ nó hôn nhẹ lên má nó. “Được chứ, nó sẽ có một người cha”. “Không được”. Nó quạu quọ. “Con không bao giờ kêu ai khác là ba đâu”. “Thôi được, khi nào con lấy vợ thì má lấy chồng nghe". Nó hét lên: "Con không lấy vợ. Con không thích má nói giỡn như vậy. Má mà đi lấy chồng chắc con bỏ nhà đi bụi đời quá”. Mẹ nó suýt chết sặc vì cười mà lòng đau nhói. Làm sao nó biết được cái kế thứ nhất trong tam thập lục kế nhỉ? Ừ, thì khi phải lâm vào bước đường cùng, lớn cũng như nhỏ, quân tử chẳng khác mấy tiểu nhân…

Có một người đàn ông ở tuổi tri thiên mệnh đã từng nhắc đến điều này với người phụ nữ mà ông yêu say đắm bằng tất cả tâm hồn, trí tuệ và sức lực của mình. Một tình yêu không hề chờ đợi trong đời và không tưởng ngay cả với người trong cuộc. Tiếc thay họ đều là con người của bổn phận, của lý trí, của một cộng đồng có phép tắc và quy cũ. Người đàn bà hiểu rằng, tình yêu là báu vật thiêng liêng của tạo hóa, và không phải ai cũng may mắn nhận được mũi tên của Thần Cupid một cách chính xác từ hai phía. Tạo hóa giật mình thức dậy sau mấy chục năm ngủ quên, nhìn thấy hai kẻ lơ ngơ hơn nửa đời người đi tìm nhau giữa cõi nhân gian bề bộn mịt mùng nên động lòng thương tình, vội vàng ném họ lại gần nhau mà quên béng đi thân phận hiện tại của họ. Và thế là cứ tưởng ban ơn hóa ra chỉ đày từ bể khổ này sang bể khổ khác, hạnh phúc và khổ đau cách nhau chẳng tày gang. Thời gian là cái duy nhất mà họ cho phép mình trích ra từ công quỹ để dành cho nhau được tính từng giờ từng phút, giành giật chắt lọc. Thường thì họ cũng tự bằng lòng với một cái thế giới riêng nhỏ bé và bí ẩn nhưng cũng có lúc, bừng lên mãnh liệt trong họ sự khát khao được phơi bày tình yêu của mình ra sự rạng rỡ của ánh dương. Bởi bản chất tình yêu của họ là thế, đích thực, ngời sáng, và vĩnh cửu.

Nhưng trừ họ ra thì những chuyện tương tự như vậy dưới con mắt người khác đều phi lý, nhảm nhí và không có hậu. Tình yêu thuần túy chỉ có trong cổ tích, trong ước mơ, trong sự bịa đặt. Phiên bản méo mó của nó thì vô cùng, sớm nở tối tàn có, mua bán đổi chác có, vui chơi thử nghiệm có, thay đổi khẩu vị có, thương hại ngộ nhận có, dữ dội tàn khốc có… Hỗn loạn lố lăng đến nỗi, những con người chân chính ít ai dám tự nhận là mình đã từng yêu.

Suốt một thời gian dài thằng bé cũng nghĩ mẹ nó là người như vậy, tức là người ngoài cuộc và dị ứng với cái gọi là tình yêu. Nó chưa bao giờ nghe mẹ nó ngợi ca một đấng nam nhi nào trừ mấy ông huấn luyện viên bóng đá đẹp trai, thành tích đầy mình trong các kỳ World Cup, như ngài Bruno Metsu tóc xõa phất phới mà chắc là cả đời cũng không thể gặp mặt, nên nó hoàn toàn yên tâm. Nó không cần phải đi theo sau lưng mỗi khi mẹ nghe điện thoại, không cần vô Recycle Bin để lục lọi những tập tin bí ẩn mà mẹ chép chép xóa xóa hàng đêm, không phải dò tìm password để đọc mail của mẹ, của những kẻ gửi tới dưới những cái mật danh đầy khả nghi như khong ten, motnoi… Khi ông ngoại nó - người mà mẹ nó kính sợ nhất hiện nay - phát hiện ra con gái mình dường như đang nuôi dưỡng một thứ tình cảm đặc biệt ngoài luồng, nó lại chính là người bảo vệ và minh oan tuyệt vời nhất cho mẹ. "Sao ông ngoại lại hỏi con những câu như vậy? Bực ghệ Làm như má giống như mấy cái bà bộ xương bộ xéo không bằng". Bộ xương bộ xéo là cách mà nó hay dùng để diễn nôm các nhóm từ mà thần tượng Lucky của nó trong bộ truyện tranh hay xổ ra khi gặp chuyện bất bình. Sự tin tưởng mà nó dành cho mẹ mình là tuyệt đối, trên mọi lĩnh vực. Mẹ nó vừa là nhà thông thái, là chuyên gia tâm lý, là thông tấn xã quốc tế, là bạn đồng hành… Có lần, nó rúc rích hỏi mẹ về một sự biến chuyển tuổi dậy thì trên cơ thể con trai; mẹ nó muối mặt giải thích. Nó cười ngặt nghẽo. "Kỳ lắm má ơi, cứ mỗi lần coi phim thấy cảnh hôn hít bậy bạ hay chỉ cần nghĩ tới thôi là nó liền như vậy như vậy…".

Bây giờ thì đã đến lúc nó không cần đến mẹ để tư vấn về những vấn đề như vậy nữa. Thằng con trai hai mươi đang lâng lâng sung sướng dắt xe ra cổng, con bạn gái dúi mặt vào lưng nó, ngoan ngoãn như một con mèo. Trước đó, mẹ nó còn nghe hai đứa đối thoại với nhau. “Anh, sao cái áo này của anh nhăn dữ vậy, cởi ra đi em ủi ngay cho”. “Thôi, mất công em quá” (Nhưng rồi nó cũng rũ cái áo loạt soạt đưa con nhỏ). “Bây giờ anh chở em vô nghĩa trang thăm mộ ba há”. “Ừ. Để anh hỏi má có cần mua hoa thêm không". (Nó hỏi vọng lên gác, mẹ nó trả lời lại là hoa mới đem vô cắm trong mộ sáng qua nên vẫn còn tươi). "Bức tranh sơn dầu này là vẽ má anh đó hả? Giống dễ sợ. Ai vẽ hồi nào vậy anh?". "Lâu rồi. Cách đây mười năm, sau khi ba anh mất mấy tháng. Người vẽ không quen má trước đó, chỉ là tình cờ gặp thôi". "Ủa, sao kỳ vậy. Má không ngồi làm mẫu mà người ra vẽ lại y như thật thì chắc là phải quan sát má kỹ lắm. Rồi sau đó sao nữa anh?". Im lặng giây lâu. "Hình như là cũng không có gì, cũng không có sao. Má anh có những người bạn rất thân chơi từ xưa tới giờ, nam lẫn nữ. Anh rất quý những người bạn của má…".

Khi hai đứa đã đi khuất, mẹ nó một mình tần ngần bước lại đối diện với bức tranh chân dung của chính mình. Bức tranh đã cũ, khung xộc xệch chực rơi, nằm khuất ở một góc tối dưới chân cầu thang. Trên cái nền xanh xao lạnh lẽo nhưng trong veo được soi tỏ mơ hồ từ vầng trăng muộn. Người trong tranh môi còn thắm, tóc dài mượt mà đen nhánh, mắt buồn xa xăm. Người trong tranh đang chìm đắm vào một cõi vô cùng, không có thực, không hề tồn tại trên đời. Và thế là. Người trong tranh đành bước ra khỏi thế giới của riêng mình.

Nha Trang 3-2003

Hết