Chương 1

Buổi chiều đi học về, cô bé Thùy đã thấy một bóng đàn ông ngập ngừng trước cổng nhà mình. Dù chưa tận mặt người đối diện, nhưng cô đã lém lỉnh đánh tiếng trước.

− Có phải anh định xê dịch cái cổng nhà em không?

Người đàn ông giật mình nhìn lại. Ồ! Đó không phải là một “ông” mà là một chàng thanh niên khoảng chừng ba mươi. Anh ta nở nụ cười thân thiện:

− Cô bé là….

− Lệ Thuỳ, em của chị Lệ Thi và Lệ Thuỷ. Thế anh tìm ai trong hai bà chị của em?

Chàng trai mừng rỡ. Có lẽ vỉ anh đã tìm được đúng nhà.

− Lệ Thi có nhà không em?

Thùy tròn mắt, hình như cô đoán sai. Vì từ trước đến giờ, có ai đến tìm chị Thi đâu, ngoại trừ những người ở công ty điện lực và công ty cấp thoát nước. “Không được tùy tiện cho người lạ vào nhà được, nhất là đàn ông”. Chị thi thường dặn như vậy. Thùy nhún vai:

− Cảm phiền anh chờ ngoài này nhé.

− Ừ, được.

Thùy lách mình đi qua cổng, để lại mốt dấu hỏi to tướng trên gương mặt thật buồn cười của chàng trai.

Thùy nhảy chân sáo vào nhà, gương mặt cô bé lộ nét nửa vui, nửa ngạc nhiên thấy rõ. Trông thấy hai chị đang ngồi? làm cơm trong bếp, cô nói ngay:

− Chuyện lạ. Chuyện lạ.

Chị Thi hơi ngẩng lên rồi “hừ” nhỏ. Riêng Thuỷ thì “đốp” liền:

− Hôm nay em đừng nói với chị là kẹt xe nha.

− Đương nhiên rồi. Đường từ trường về quả là không có gì trở ngại, nhưng em đã vướng phải một “chướng ngại vật” ngang trước cổng nhà mình, vì thế em đã mất mười phút. Hì, hì..

− Xạo “ve” luôn. Ai tin em hả? - Thuỷ nói.

− Chị không tin cũng đúng thôi, vì ai đâu đã tìm Thuỷ.

− Tìm chị Thi nhà mình à? Ai vậy?

− Chính xác một trăm phầm trăm. Em vừa nói chuyện xã giao với anh ấy xong đây.

− Anh ấy? - Thuỷ cố tình kéo dài giọng - Chuyện lạ bốn phương nghen chị Thi.

Lúc này Thi mới chịu nhìn lên. Thi có gương mặt đẹp, nhưng nghiêm nghị. Điều đó cũng dễ hiểu, vì bốn năm nay, kể từ ngày ba mẹ bị tai nạn mất, chị đã thay họ làm một người quán xuyến gia đình, nuôi hai em ăn học. Chị “lệnh” cho Thuỳ?

− Giỡn bao nhiêu đó đủ chưa? Đi tắm rồi còn vào ăn cơm nữa.

Thùy nhăn nhó:

− Chuyện này em đâu dám đùa giỡn. Có bạn tìm chị Thi thật mà. Không tin chị để em mời anh ấy vào nghe.

Thuỷ cũng nói thêm:

− Đừng để người ta chờ lâu, kỳ lắm chị Thi.

Thi có vẻ lưỡng lự, nhưng trước đề nghị nhiệt tình của hai cô em, chị không thể không gật đầu.

Trong khi Thùy chạy đi mời khách vào thì Thuỷ giành lấy rổ rau trên tay Thi:

− Chị rửa tay đi, chuyện này để em.

Đối với những việc thế này, Thi tỏ ra hết sức vụng về và không thể không nghe theo sự sắp xếp của hai đứa nhỏ. Chị lắc đầu rồi đi ra chỗ sàn nước.

Trong khi chị Thi đang ngồi ở phòng khách thì Thùy đã tắm rửa xong. Cô tươm tất trong bộ đồ vải hoa mặc ở nhà.

− Chị Thuỷ nè!

− Khoan, khoan - Thuỷ không cho Thùy nói tiếp, cô ngoắt Thùy lại gần, dặn – Em xem chừng nồi canh này, chị làm nước chanh mang lên cho chị Thi nha.

− Tò mò muốn nhìn mặt bạn chị Thi thì nói đại ra đi. Em biết tỏng tòng tong.

− Biết rồi còn nói - Thuỷ nhe răng cười hì.

Một lúc sau Thuỷ từ nhà trên đi xuống.

− Hà, hà. Thật không tưởng tượng nổi. Hà, hà.

Thuỷ cười ngặt nghẽo từ ngoài cửa, Thùy không hiểu gì, hỏi dồn:

− Có chuyện gì vậy chỉ Thuỷ?

− Suýt nữa chị đo sàn nhà rồi.

Thùy quay phắt:

− Không cẩn thận chút nào. Chị Thi chắc chắn xấu hổ vì chị.

Thuỷ thôi cười, nhưng mặt cô vẫn còn đó.

− Cái thềm nhà mình hôm nay hình như cao thêm mấy tấc hay sao ấy. May mà ly nước không đổ.

− Nếu ly nước không còn, giờ chị đâu đứng đây.

− Ủa! sao vậy? - Thuỷ ngơ ngác.

− Chị Thi trốn để chị tiếp khách luôn.

− Ừ hén. - Thuỷ vờ khờ khạo làm Thùy cũng không nhịn được cười.

− Chị Thuỷ nè! Chị đoán xem, anh chàng này tìm chị Thi chi vậy?

− Bạn bè lâu ngày tìm gặp hỏi thăm sức khoẻ chứ chi.

− Đúng một phần.

− Người yêu cũ?

− Đâu đã thân mật như vậy.

− Thầy dạy nhạc?

− Anh ấy đâu có móng tay dài.

− Chà! Mới gặp lần đầu mà em cũng để ý người ta dữ ha.

− Em quan sát dùm chị Thi thôi – Thùy nhỏ giọng - Thật ra, anh chàng này đến tìm chị Thi mình với mục đích gì ta?

Thuỷ đi đi lại lại làm ra vẻ quan trọng:

− Hình như họ rủ nhau đi đâu thì phải.

− A! Chị dám nghe lén chị Thi nói chuyện hén. Chút em méc.

− Ê! Đâu có nhỏ. Chị tình cờ nghe được thôi mà.

Thùy xuống giọng, nửa dụ dỗ, nửa vờ đe doạ:

− Nói em nghe. Thật ra, chị Thi định đi đâu?

− Đi ăn cơm.

Không hẹn mà cả Thuỷ và Thùy đều im bặt. Chị Thi đã trở lại “hiện trường”.

Dọn cơm. Hai cô nhỏ từ đó trở đi chẳng ai dám hó hé gì cả. Hai cô bé còn lạ gì tính tình chị Thi nữa: vừa ít nói, vừa nghiêm nghị, dễ gì gợi chuyện được. Nhất là những chuyện đại loại như “nam nữ thọ thọ bất tương thân” này.

Cơm nước xong, chị Thi nói:

− Chị mua cho Thùy xấp vải may áo dài để trong tủ.

Thùy tròn mắt ngạc nhiên như không tin vào tai mình. Quan sát thật kỹ, không thấy Thi có biểu hiện đùa cợt, cô bé treo lên như trẻ con được kẹo.

− Chị Thi tuyệt vời.

− Còn em? - Thuỷ vờ phụng phịu.

− Tuần sau tới em.

− Cám ơn chị Thi.

Nhìn thấy hai cô em cười vui vẻ, chị Thi mỉm cười rồi đứng dậy đi về phòng.

− Chị Thi – Thùy gọi giật.

− Gì nữa đây?

Thấy chị Thi vui, Thùy dè dặt khai thác:

− Lúc nãy bạn chị….

Chị Thi cau mày:

− Chuyện người lớn.

Thi lúc nào cũng vậy đó. Chị luôn cho hai cô em thân yêu của mình là những đứa nhỏ, mặc Thuỷ đã học xong đại học báo chí, còn Thùy thì chuẩn bị thi tú tài rồi.

Thùy ngọt ngào:

− Tụi em chỉ quan tâm đến chị thôi.

− Đúng đó chị Thi - Thuỷ nói vô – Có phải bạn trai mời chị đi chơi không?

Thi định mắng cho cô em tò mò một câu, nhưng không hiểu suy nghĩ thế nào, chị lại thôi.

− Bạn chị mời họp mặt.

− Bạn buôn bán?

− Không. Bạn hồi còn lớp mười hai.

− Bạn học gần mười lăm năm tính từ ngày ra trường.

− Ừ.

− Ồ! Hay quá. Em nghĩ chị nên đi lắm chứ.

Thùy và Thuỷ ủng hộ cả hai tay.

Nhưng chị Thi lắc đầu, quay lưng đi ra phía sàn nước. Đó là lối kết thúc câu chuyện một cách “tiết kiệm năng lượng” của chị.

0o0

Mới sáng sớm đã nghe tiếng láo nháo của Thanh, cô bạn thân học chung lớp với Thuỳ:

− Thùy ơi! Đi học.

− Ra liền. Ra liền.

Thuỷ dặn với theo:

− Trưa nhớ về nấu cơm nha cô em.

− Còn chị? – Thùy ngoái lại.

− Hôm nay chị đi làm phim ở Thủ Đức, chắc về trể. Thôi đi đi để bạn chờ.

− Dạ.

Trông thấy Thuỳ, Thanh cười rạng rỡ:

− Còn sớm. Vô quán Hai Hùm ăn phở nha. Ngày nào cũng bánh mì, xôi vò ta “oải” quá.

− Chà! Cái “hơi” của mi hôm nay lạ. Bộ mới cuổm được số hả? - Hổng dám đâu? – Thanh giẫy nẫy – Bà chị Ở Canada mới gởi tặng ta “một số” để “vui vẻ” vài ngày đó.

Thùy khoát tay leo lên ngồi phiá sau yên xe Chaly của bạn.

− Mi muốn ăn gì cũng được. Riêng ta, hôm nay ăn sang “xôi gà” hai ngàn. Còn tiền để dành ghé cửa hàng sách mua và quyển sách, ngày mai làm bài kiểm tra có cái mà đọc.

− Đọc, đọc. Mi lúc nào cũng đọc. Học riết không chịu chú ý đến sức khoẻ. Mai mốt suy dinh dưỡng cấp….ba cho biết.

Thùy cười khúc khích:

− Vậy giữa hai trường hợp, một là ốm ốm, thon thả mà đậu tú tài, còn hai là béo phì mà không có bằng trong tay, mi chọn cái nào?

− Đã chắc gì mập mà rớt đâu?

− Có thể lắm chứ, vì ở đời mấy ai “vẹn cả đôi bề”.

− Mi chỉ giỏi hù.

Tuy nói vậy, nhưng Thanh rất sợ thi rớt, cô đành chiều theo bạn, không coi trọng việc ăn uống. Thanh dừng xe lại trước cửa hàng sách thiết bị trường học.

− Nè! Chờ ta bế mi xuống à?

Thùy cù vào hông bạn một cái mới chịu rời khỏi xe.

Mua sách xong, hai cô bé ăn uống qua loa rồi vào lớp.

− Ồ! Thanh “phì” và Thùy “mỏng” vào kià các bạn ơi.

Đám cậu tú tương lai chào đón hai cô bạn gái một cách nồng nhiệt.

Thanh chẳng vừa gì, cô xua tay, đoạn bắt chước giọng “chửi vì mất gà” của người Bắc rất đạt.

− Hôm nay đứa nào dám chọc đến bà, bà vã vào mồm cho đấy nhé.

− Vã ư? - Một bạn nam cũng giả giọng Bắc hỏi lại – Cho bà biết nhá. Mồm của ông mà bị “tạt”, thì cái đầu nhà bà cũng “mềm” đấy.

− Mềm ư? Mềm thì có có cái làm cho cứng lại đấy.

Vừa nói Thanh vừa lấy tờ mười ngàn dứ dứ trước mặt các cậu tú.

− Tiền chúng mày ơi! – Lũ học trò vờ bỏ chạy –Không khéo hôm nay Thanh phì đốt chết chúng mình đấy.

Không hẹn mà cả bọn cùng cười. Họ như thế đấy, cứ đùa vui như cỏ, cứ hồn nhiên như hoa, cho đến khi tiết học bắt đầu.

0o0

Buổi trưa, trên đường đi học về, Thùy tỏ vẻ rầu rĩ:

− Ngày mai kiểm tra toán, nhưng còn một bài tập có dạng đặc biệt quá, ta giải hoài không ra. Làm sao đây Thanh?

− Mi hỏi cây cột đèn còn hơn.

− Khiêm tốn vừa thôi mi.

Như chợt nhớ ra điều gì, Thanh ngoái lại:

− Có, một người lúc nào cũng sẳn sàng giúp đỡ, sao mi không hỏi?

Biết Thanh muốn đề cập đến anh chàng Thuật, tay giỏi tóan nhất lớp, để trêu mình, Thùy dấm dẳng:

− Người ta cùng một tuổi, một lớp, một thầy với mình, không giải được thì suy nghĩ thêm, việc gì phải hỏi. Tự ái lắm.

− Vậy ta cũng vậy.

− Mi khác.

− Khác chỗ nào.

− Chỗ….mi là con gái.

Thanh phì cười:

− Mi là con trai chắc?

− Vậy đấy!

Tánh Thùy xưa nay vẫn vậy, không hiểu sao cô “ăn thua” với chàng lớp trưởng từ chút một. Từ một bài toán khó, đến đoạn văn hay, cô không cho phép mình được thua sút anh chàng, dù lớp trưởng luôn luôn muốn được quan tâm đặc biệt đối với cô bé.

− Thanh! Hay chiều nay mình đến chỗ anh Thặng đi?

− Trời hỡi! Tìm ông ấy còn khó hơn leo núi Bà Đen nữa.

− Mi không đi?

− Không.

Thùy vờ giận dỗi:

− Vậy thì ta đi một mình.

Một lúc sau, không biết suy nghĩ thế nào, Thanh xuống giọng:

− Thôi được, để chiều tôi đến chở bà đi. Mấy giờ?

− Bốn giờ ba mươi. Nhớ đúng hẹn đó.

0o0

Buổi chiều Thanh và Thùy lang thang ở khu lao động nghèo của thành phố. Hai cô bé dừng lại trước một ngôi nhà tường vôi đã cũ, nhưng được quét dọn rất sạch sẽ. Thoáng thấy cái lưng áo bạc màu, Thùy hỏi:

− Thưa bác. Cho cháu hỏi thăm. Có anh Thặng ở nhà không ạ?

Người đàn bà trạc chừng sáu mươi đi ra, trông gương mặt bà thật phúc hậu.

− Các cháu kiếm ai?

Có lẽ người đàn bà hơi bị lãng tai. Thùy lại gần hơn:

− Cháu tìm anh Thặng. Anh ấy có nhà không bác?

− À! Thặng hả? Nó đi bán về rồi, mới vừa chạy ra ngoài chút xíu. Các cháu đi vòng vòng chắc gặp nó mà.

− Dạ, cảm ơn bác.

Thanh và Thùy dắt xe đi dọc con hẻm nhỏ, Thanh càu nhàu:

− Lãng tử. Đúng là lãng tử.

− Cần người ta phải vậy chứ sao?

− Tự làm khổ mình thí có – Thanh dai dẳng – Đã bảo mà, tìm ông ấy còn khó hơn….

− A! Anh Thặng kià.

Bên kia đường, ngồi giữa một đám nhóc đủ hạng tuổi là một chàng trai ngoài ba mươi, nước da đen xạm, tóc vàng cháy. Hình như anh đã vẽ gì đó và đám trẻ con đang xúm lại xem. Thanh và Thùy qua đường, ghé mắt vào tờ giấy học sinh được kê bằng vài cục gạch. Thì ra đó là bản đồ Việt Nam được thu nhỏ, anh Thặng vừa vẽ vừa giảng giải cho lũ nhỏ nghe một cách say sưa. Không hề biết sự có mặt của cả hai, chờ anh dứt lời, Thanh và Thùy vỗ tay:

− Hay quá.

Thặng ngẩng lên, anh mỉm cười chào hai cô bé, xong, anh nói với lũ nhóc:

− Các em đi chơi, anh có việc rồi.

Chờ lũ nhóc giải tán xong, Thặng ra hiệu cho Thanh và Thùy ngồi xuống, nói:

− Bài tập đâu?

− Sao anh biết bọn em đến hỏi bài tập?

− Không việc đó thì việc gì? Chẳng lẽ nhờ anh gỡ rối tơ lòng à? Báo trước, lảnh vực đó anh không kham nổi đâu nha.

− Vậy thì anh mất hai phần ba cuộc đời.

− Có mất cả cuộc đời anh cũng đành chịu.

Thặng nói như một chấp nhận phủ phàng. Nụ cười của anh có vẻ gì đó rất xót xa, rất chua chát. Thùy thấy anh thật tội nghiệp. Thương anh quá, nhưng biết làm cách nào để giúp anh bây giờ, trong khi hoàn cảnh của cô cũng có gì sáng sủa hơn đâu.

− Thuỳ! Làm như người mất hồn vậy? Đưa đề toán cho anh Thặng đi.

Cũng may là Thanh nhắc, Thùy nhìn đề toán trong tay rồi nhìn Thặng tự dưng cô cảm thấy xấu hổ quá, cô nói lí nhí như giải thích:

− Dạng bài tập này lạ quá, anh Thặng à. Bọn em…..

− Đưa cho anh - Thặng gỡ sự lúng túng cho Thùy một cách nhẹ nhàng và thản nhiên.

Mắt anh chớp liên tục. Thùy nghe mấy anh chợ lớn ở xóm này nói rằng mỗi lần anh chớp mắt là …nảy ra một cách giải mới. Thiệt phục anh hết chỗ nói. Tiếc rằng chẳng ai quan tâm đến anh, để trên đời này không phải mai một nhân tài.

− Đối với bài tập này quan trọng nhất là các em phải tìm ra dạng của nó. Điều đó không khó, cái quan trọng là phải nhạy, hai đứa nhìn đây.

Thặng bắt đầu giảng và ghi ra giấy. Ôi! Bài tóan hóc buá, Thùy suy nghĩ hai ngày không ra, thế mà bây giờ anh giải nó dễ dàng như thở. Không hẹn mà Thanh và Thùy thở phào nhẹ nhõm.

− Sao hả? Hiểu không hai cô bé?

Thanh gãi đầu:

− Anh Thặng “siêu” quá. Phải chi bọn em có được nửa cái đầu của anh.

Thặng dí dỏm:

− Muốn là được chứ gì. Chỉ cần em đi nắng không đội nón thì y như rằng, tóc sẽ vàng cháy như anh thôi.

Thanh dẩu môi:

− Em ước là ước bộ Óc tuyệt vời của anh kià.

− Cũng đâu khó gì. Chỉ cần em kiên nhẫn học hành là được.

− Em muốn tự nhiên….thông minh kia. Giống như không học mà biết đàn vậy.

− Chờ kiếp sau đi nhỏ.

Thùy kéo tay Thanh đứng dậy. Hai cô bé tạm biệt Thặng, định nói câu cám ơn, nhưng anh hiểu ý và khoát tay.

− Khỏi.

Thặng là vậy đó. Anh sống bất cần đời và chẳng cần làm ra vẻ thảm hại để đời phải tội nghiệp. Anh đi tìm nguồn vui cho mình bằng trò chơi trí thức, dạy lũ trẻ học hành, thế thôi.

Thùy đang miên man suy nghĩ, bỗng:

− Thuỳ!

− Gì vậy?

− Ê! Lão Thuật lớp mình kià.

Thùy nhìn theo tay của Thanh. Đúng là Thuật lớp trưởng thật. Thì ra Thuật cũng “bí” bài toán lúc nãy giống như Thùy và cũng đang chờ sư phụ Thặng kia.

Thùy móc méo:

− Trông bộ dạng hắn thật buồn cười.

− Ta thấy cũng giống mình thôi.

− Khác.

− Khác chỗn nào?

− Hắn là con trai.

− Nam nhi đại trượng phu thì sao? Có lúc cũng “ngu” chứ bộ.

− Đã vậy thì đừng làm lớp trưởng.

− A! Thì ra mi có ý đồ “đoạt ngôi” phải không?

− Điên – Thùy đỏ mặt – Ta chỉ thấy hắn ta chưa xứng đáng thôi.

− Theo mi thì thế nào mới xứng đáng? Hắn cùng một tuổi, cùng một thầy, cùng một lớp với mi thì bất quá tài năng bằng mi thôi chứ.

− Phải hơn một cái đầu ta mới nể.

− Tất nhiên rồi. Hắn cao hơn mày mà.

− Hơn chiều cao nói làm chi. Cái quan trọng là sự thông minh kià.

− A! Nhỏ này ghê thiệt. Thì ra mi muốn hắn độc tôn chỉ làm lớp trưởng mỗi trong lòng mi thôi ư?

− Nói bậy nè – Thùy mắc cỡ, cô bé liên tục cấu vào hông bạn. Thanh la chí choé:

− Ê! Nếu muốn sống để đối đầu với lớp trưởng thì dừng tay lại ngay.

− Ai khiến mi bênh vực hắn vậy hả?

− Là bạn bè, đương nhiên là ta muốn vun đắp cho mi thôi.

− Ai mượn?

− Tự thấy có trách nhiệm.

− Cảm ơn. Tốt nhất mi tự lo cho mình đi.

− Ta có gì phải lo chứ?

− Có sao không?

− Cái gì?

− Cái….đuôi dài…ngày nào cũng bám theo mi đó.

− Xạo.

− Thật.

− Ai?

− Lão “quái” Xị.

− Ái! – Thanh hét lên vờ ngất xỉu. Cũng may con đường này vắng vẻ, nếu không, thiên hạ sẽ cho hai cô bé này điên mất.

o0o

Thấy chị Thi đang ngồi kiểm tiền, Thùy mon men lại gần:

− Hôm nay bán đắt không chị Thi?

− Trời mưa dầm, cả chợ kêu trời.

Chị Thi vẫn thường có kiểu trả lời như vậy. Người nghe phải tự suy ra câu trả lời riêng từ cái chung chị đề cập đến. Tuy nhiên, dù bán buôn ế ẩm thế nào, chị cũng không bao giờ than vãn. Chị muốn các em được sống vui vẻ và không bị phân tâm bởi vấn đề kinh tế.

− Em làm cho chị ly nước cam nha?

Chị Thi nhìn Thùy như cố đoán xem “ý đồ” của cô em là gì. Đoạn chị gật đầu.

Lúc sau, Thùy mang ly nước ra, cô bé vừa giúp chị, vừa hỏi:

− Chị Thi nè! Chị ra trường tính đến nay khoảng bao lâu rồi hả?

Nhiều chuyện. Chị nghĩ vậy, nhưng miệng vẫn trả lời:

− Gần mười bốn năm.

− Vậy trước đây, khi học xong lớp mười hai, tâm trạng chị ra sao?

Thi hớp một ngụm nước cam, chị muốn nhấm nháp như tận hưởng cái mùi thơm thơm, và vị chua chua, ngọt ngọt của nó. Chị hơi cúi người xuống, chậm rãi nói:

− Lâu lắm rồi, mười mấy năm đó, thời gian cũng đủ để chị quên hết mọi chuyện. Duy chỉ có một điều mà chị nhớ đến tận bây giờ, đó là cảm giác ngẩn ngơ, quay quắt mỗi khi nghĩ đến trường, lớp, bạn bè. Nhớ những buổi sáng thứ hai, những chiều thứ bảy….Nhớ vị trí ngồi của từng đứa bạn trong lớp.

− Vậy từ đó đến giờ, chị có gặp lại ai trong những người bạn thân không?

Thi gật đầu:

− Thỉnh thoảng chị có gặp lại vài người trong lớp, nhưng cuộc sống tất bật có ai rảnh rỗi để nhắc chuyện ngày xưa còn đi học đâu.

− Hồi ấy chị không có bạn thân à?

− Có. Nhưng nhỏ ấy lấy chồng xa lắm, mấy năm mới về thành phố một lần.

− Phải chị Như không chị?

− Ừ.

− Còn….- Thùy hơi ngập ngừng - Bạn trai chị?

Thi trợn mắt. Con nhỏ này hôm nay dám hạch sách chuyện bạn bè của chị nó nữa. Ý đồ gì đây? Hay là nó đã …. Không được. Nhưng con bé đã lớn thật rồi. Có lẽ mình lại cấm đoán, buộc nó như phải mình sao? Tình cảm ư? Bạn trai ư? Thời đi học ai lại chẳng có một chút vương vấn, một chút mơ mộng viễn vông, một chút lãng mạn. Huống chi, ngày xưa mình cũng là hoa khôi của lớp, cũng vô tư, hồn nhiên như cô bé Thùy bây giờ. Nhiều lúc Thi tự hỏi “người ấy” bây giờ ra sao? Nhưng hỏi để làm gì? Ba mẹ bị tai nạn thì mối tình mỏng manh ấy cũng bay mất. Trách ai đây? Thi không hối hận, chị biết mình đúng. Thi chọn các em làm nguồn vui, làm lẽ sống. Thi quyết định hy sinh tình cảm, tuổi xuân của mình vì tương lai của hai em mình.

Như đứng dậy, Thi lãng tránh không trả lời câu hỏi của em.

− Em lớn rồi, chị không cấm đoán việc quan hệ bạn bè. Nhưng hãy nhớ một điều, cái quý nhất của con gái thời nay không phải chỉ có đức hạnh mà còn có cả nghề nghiệp nữa. Hãy ráng mà học. Thôi, ra ngoài điện thoại cho Thuỷ, xem nó về chưa? Tối rồi.

Mục đích của buổi nói chuyện chưa đạt, Thùy còn chần chừ chưa muốn đi ngay. Thi ngoái lại:

− Sao còn chưa đi?

Thùy không dám nhìn thẳng chị Hai:

− Chị Thi à? Em nghĩ….chúa nhật này chị nên đi dự buổi họp mặt bạn bè. Khó khăn lắm…

− Sao? Em tính bỏ học vi tính đi bán cho chị à?

− Ồ! Không. Chị Thuỷ sẽ bán thay cho chị.

− Thuỷ còn có việc của nó. Em dám quyết định ngang hả?

− Chị Thi! Em về rồi nè - Tiếng Thuỷ - Ủa! Ai gan mà dám xếp lịch làm việc của em vậy ta?

Thùy chẳng những không sợ mà còn kéo tay Thuỷ, nói:

− Chúa nhật này chị bán thay cho chị Thi nha - Thấy Thuỷ còn ngơ ngác, Thùy xuống giọng - Chuyện hôm nọ em bàn với chị rồi đó. Họp mặt….

− À! Được rồi. Em hứa.

Thùy vỗ tay mừng rỡ, nhưng Thi thì lắc đầu:

− Các em đâu biết giá cả các mặt hàng. Vả lại, ngày chúa nhật là ngày các mối bán lẻ đến lấy hàng tính sổ với chị.

− Chuyện ấy cũng dễ, chỉ cần chị bàn giao tỉ mỉ với em là được.

− Bàn giao tỉ mỉ với em chắc…sáng đêm.

Thi vẫn thoái thác, nhưng chị em Thùy vẫn không bỏ qua. Chợt mắt Thùy sáng lên:

− Em có cách này. Hay là ngày mai chị Thuỷ nghĩ một ngày, ra chợ thực tập một buổi với chị Thi đi.

− Chị….

− Thôi, đừng mất công nghĩ cách nữa. Chị nói không là không.

Thùy nhìn Thuỷ cầu cứu. Sau một phút do dự, Thuỷ quyết định:

− Được rồi. Ngày mai em sẽ ra chợ.

Thi nghiêm mặt:

− Không cần các em phải mất công sắp xếp cho chị như vậy. Hãy lo động não mà viết lách, học hành. Chuyện của chị, chị tự dàn xếp được.

Thi mở tivi xem phim buổi chiều. Đó cũng là cách chấm dứt chuyện của chị. Buổi tối, biết chắc chị Thi đã ngủ say, Thuỷ sang nói chuyện với Thuỳ:

− Thuỳ! Bài toán hôm nọ em giải được chưa? Chị đã nghĩ ra rồi nè.

− Chờ chị chắc em ăn zero rồi quá. Chiều nay em nhờ anh Thặng giải rồi.

− Tưởng gì. Cũng là em nhờ người ta thôi. À! Mà anh Thặng là ai vậy?

Thùy làm ra vẻ bí mật:

− Đó là một anh chàng lãng tử số một, chị không biết đâu.

− Ây da. Em học được cái giọng văn ở đâu mà hay ho quá thể.

− Chị nghĩ méo mó rồi phải không? Em cho chị biết, anh Thặng lớn tuổi rồi, bằng chị Thi lận đó.

− Thì chị có nói gì đâu mà em thao thao bất tuyệt vậy hả?

Thùy cười cười:

− Vậy nhà báo có cần biết vài điều về con người này không?

− Có chuyện thì kể nghe chơi.

− Được. Để em kể sơ sơ về con người tài hoa này cho chị nghe. Ngày xưa….

− Ê! Sao giống chuyện cổ tích quá vậy nhỏ?

− Vô duyên. Làm người ta mất hứng – Thùy nhiếc –Ngày xưa, thời còn đi học, anh Thặng từng đoạt danh hiệu học sinh giòi tóan đó. Tiếc rằng nhà anh ấy nghèo quá, mà trường cũng không có xuất học bổng nào để giúp đỡ. Cho nên tài năng của anh ấy phần nào bị mai một. Suốt ba năm cấp ba, ngày nào anh ấy cũng đi bộ trên mười cây số, tính cả lượt đi và về. Chị biết không? Anh ấy nghèo đến nổi không có đôi dép mà mang, lội bộ mười mấy cây số mà phải đi chân không chị có tưởng tượng được không?

− Làm gì có chuyện đó?

− Thật mà – Thùy xúc động muốn khóc – Chính bạn học cùng thời với anh Thặng kể cho em nghe đó. Lúc đầu em đâu có tin. Khi nào có dịp đến nhà gặp anh ấy, em bảo đảm chị sẽ tin ngay.

− Được rồi, tạm thời chị tin em. Thế lúc ấy, bạn bè anh Thặng đâu, sao họ vô tình đến mức không ai chở giùm anh ấy đi à?

− Nghe nói thời buổi lúc đó làm ăn khó khăn lắm. Những người có cha mẹ kha khá thì đi xe buýt, còn những người nghèo thì đi xe đạp. Chị thấy đó. Xe đạp hiếm như vậy, nên ai cũng giữ nó như một thứ của quý. Duy chỉ có một chị, chị ấy tên Hoa. Thỉnh thoảng có cho anh Thặng quá giang, nhưng dần dà anh ấy cũng ngại. Đường xa quá mà phải để con gái đèo, anh đâu biết chạy xe đạp, nên anh âm thầm rút lui bằng cách buổi sáng đi học thật sớm để mình không gặp ai, còn buổi trưa về thật muộn để không ai gặp mình.

− Trong lớp, mấy chục thằng con trai, bộ chết hết rồi sao? Đúng là lạnh lùng hết sức - Thuỷ bực bội như chính anh Thặng là người thân của cô.

− Mọi người xem đó là chuyện bình thường, không ai để ý.

− Vậy bây giờ anh Thặng làm nghề gì?

− Nghề à? – Thùy cười xót xa – Anh ấy làm một nghề rất “cao quý” bán vé số và biên đề dạo.

− Trời đất!

− Quả thật như vậy chị à. Có được bằng tốt nghiệp trung học trong tay, anh Thặng đã phải trả giá bằng tấm thân suy kiệt của người mẹ. Rồi hai năm đi bộ đội bao nhiêu là tiền bạc mẹ anh ấy phải bỏ ra. Mãn nghĩa vụ về, làm thợ hồ nuôi mẹ và mấy đứa em đi học. Tội nghiệp lắm Thuỷ ơi. Đi làm phụ hồ ai cũng có xe để về nhà ăn cơm trưa, còn anh ấy lại lội bộ. Và bây giờ thì bán vé số, biên đề, chiều về rảnh rỗi dạy dỗ lũ nhỏ học hành, giải toán, không nhận một đồng thù lao của lối xóm chỉ vì thích như vậy.

− Nhưng biên đề là phạm pháp.

− Làm gì được. Mẹ anh ấy mỗi ngày phải uống bao nhiêu là thuốc.

− Sao anh không tiếp tục nghề phụ hồ?

− À! Em quên kể cho chị nghe chi tiết đau lòng này. Có lần anh đi cùng với đám người làm hồ nọ. Anh làm cật lực, dầm mưa dãi nắng để dành được một tháng lương. Anh đã có bao nhiêu dự định cho tháng lương đó, nào là mua cho mẹ một cái giường cứng cáp, đóng học phí cho lũ em anh, nhưng rồi anh đã bị con cai thầu lừa. Chúng nhận tiền và bỏ trốn. Anh chỉ còn nước giậm chân kêu trời. Chị nghĩ xem, những lúc ấy ai giúp ảnh?

− Huyền thoại. Đúng là huyền thoại về một con người - Mắt Thuỷ đo đỏ - Chị muốn viết về nghị lực và lòng hiếu thảo của con người ấy. Em giúp chị nhé.

− Đương nhiên là em giúp chị gặp được anh Thặng. Còn có viết bài về anh ấy được không, đó còn tùy thuộc vào khả năng “phóng viên” của chị.

− OK.

Thuỷ bắt dầu phấn trấn trở lại. Cô hỵ vọng Thặng sẽ là một nhân vật nổi bật, làm sống động đề tài “Người nghèo - mảnh đời riêng” của cô. Thùy cũng vậy. Cô bé có cảm giác như vừa trút được gánh nặng ngàn cân. Cô mong một ngày nào đó, Thặng sẽ được một quí nhân giúp đỡ, để anh học một nghề nào đó phụng dưỡng mẹ và nuôi các em anh ăn học thành tài. Ôi! Những người như anh Thặng, chị Thi sao suốt đời phải hy sinh hạnh phúc của mình cho người khác? Cao xanh có thấy được tấm lòng cao thượng của những người này không?

Hình như Thuỷ cũng có cùng suy nghĩ với Thùy.

− Chuyện chị Thi em tính sao?

− Vẫn y như kế hoạch.

− Có nghĩa là…..

− Ngày mai, chờ chị Thi ra chợ xong, chị đi theo. Chợ đông người, chắc chắn chị ấy không mắng chị đâu.

− Nhưng chắc chiều về nhà chị đã không la.

− Vậy chị phải nghĩ cách làm cho chị Thi có cảm giác cả ngày có chị vẫn thoải mái hơn.

Thuỷ nguýt em:

− Cũng may là chị có cái đầu “không đến nỗi nào”, nếu không, làm sao chịu nổi mấy chiêu hốc hiểm của em.

Thùy cười:

− Còn bây giờ hãy “biến” đi để em còn học nữa.

− Ừ.

0o0

Sáng nay, vừa bước chân vào lớp, Thanh đã bày trò thử lòng trung thực của lớp trưởng.

− Thuật! Phải hôm nay làm kiểm tra toán không vậy?

− Trời đất! Bộ giờ này chưa chuẩn bị hả?

Thanh chống nạnh:

− Nè! Làm gì trợn mắt thấy ghê vậy? Thuật lo cho tôi hay lo cho người bên cạnh đây?

− Thì…cho cả hai.

− Cảm ơn – Thanh cố tình kéo dài giọng, trêu bạn.

Thuật nhìn quanh quất:

− Ủa! Con Thùy đâu?

− Nghĩ rồi.

mất vài hàng…..

− Bệnh gì?

− Ờ. Nó bị….nổi trái.

− Nổi trái thì chỉ cần mang khẩu trang đến trường làm kiểm tra xong rồi về.

− Cho “ông” cười người ta à?

− Ai cười? - Thuật nhìn đồng hồ - Thanh, còn sớm hay là mình đi rước Thùy vô.

Thanh vờ lắc đầu nguầy nguậy:

“Ông” có gan thì đi đi, tôi sợ….lây lắm.

− Được rồi. Tôi đi.

Thanh cố nén để tiếng cười khỏi bật ra. Chợt, Thanh thấy Thuật đang đi bỗng đứng sựng lại. Từ ngoài cổng trường, Thùy ……mất vài hàng….

− Ghê gớm vậy sao?

− Còn khủng khiếp hơn là đằng khác. Mi thử nhìn mặt lớp trưởng xem.

Nhưng Thùy chưa kịp ngoái đầu lại, đã thấy lớp trưởng đứng trước mặt.

− Giải được bài tập hôm nọ chưa Thùy?

Thoáng chốc nghĩ ra điều gì đó, mắt Thùy loé vẻ tinh nghịch:

− Có một bài khó quá, làm không được.

− Bài 3b phải không?

− Ừ.

− Bài này Thuật cũng làm không được. Hôm quan có nhờ ông anh giải giùm. Thùy lấy tập ra đi, tôi chỉ lại cho.

Không còn cách nào khác, Thùy buộc lòng phải lấy giấy ra. Thuật hướng dẫn tỉ mỉ tường tận đến nỗi….Thùy không nhớ được chữ nào. Trong khi đó, Thanh úp mặt xuống bàn cười khùn khục.

− Hiểu chưa?

− À! Hiểu rồi. Cám ơn nghe.

Nói xong, Thùy có cảm giác như câu ấy không phải thoát ra từ chính miệng mình. Sụ thành thật của Thuật làm Thùy tự thấy xấu hổ. Còn Thanh thì khỏi phải nói, cả đời không dám….thử nữa.

0o0

− Nhỏ Thuỳ, ngày mai được nghĩ học vi tính, mi làm gì mừng dữ vậy?

Thùy làm ra vẻ bí mật:

− Mi không biết đâu.

− Không nói làm sao biết?

− Có nghĩa là lời cầu xin của ta trời xanh đã thấu.

− Ai da! Lần đầu tiên ta thấy mi có biểu hiện lười.

− Không có gì vui bằng – Thùy vẫn ỡm ờ.

− Có chuyện đó nữa à?

− Sao không.

− Mi và lớp trưởng….

− Lớp trưởng con khỉ. Mi bỏ tật đoán mò cho ta nhờ.

− Ai bảo mi không thành thật khai báo.

− Làm như mi là cán bộ điều tra không bằng.

− Ừ. Nếu không có gì bí mật thì nói bạn bè nghe chơi.

Thùy ngồi tựa lưng vào tường:

− Ngày mai ta và Thuỷ sẽ ra chợ bán.

− Có cần vui vậy không?

− Mi không hiểu đâu?

Thanh vờ rầu rĩ:

− Thôi rồi, chắc cả chợ ế ẩm.

− Không. Chợ sẽ vui như tết.

− Tự tin khiếp. Uả! Còn chị Thi đâu?

− Đã bảo là bí mật mà. Mi chỉ cần biết rằng, kể từ bây giờ, cuộc đời chị Thi sẽ đổi khác: vui hơn, trẻ trung hơn, yêu đời hơn.

Mặt Thanh hớn hở:

− Hay lắm. Ta ủng hộ hai tay. Vậy mi có cần ta giúp gì không? Áo quần, xe cộ chẳng hạn.

Thùy phì cười:

− Mi làm như đi biểu diễn thời trang không bằng.

− Nhưng cũng cần phải sắc xảo và nổi bật chứ.

− Thường thôi. Chị ấy đâu còn ở tuổi “tông ngông” như tụi mình.

− Vậy cũng được. Ngày mai, nếu rảnh, ta sẽ đi chơi với mi.

0o0

Sáng chúa nhật, Thi giật mình thức dậy lúc năm giờ sáng. Như thường lệ, trước khi ra khỏi nhà, Thi thường gọi các em dậy đóng cửa. Nhưng hôm nay lạ thật, gọi mãi chẳng thấy nghe chúng ư hử. Chị vào phòng Thuỷ, nhưng không thấy ai, chỉ có tờ giấy nhỏ được dằn bằng quyển sách để trên bàn:

“Chị Thi!

Em và Thùy ra chợ. Bộ đồ của chị, Thùy đã ủi sẳn, móc trong tủ. Chúc chị ngày chúa nhật thật vui

Thuỷ.”

Thi chỉ còn biết ngồi phịch xuống ghế. Chị lắc đầu. Chúng nó đã lớn thật rồi. Thật ra, Thuỷ và Thùy muốn làm hết mọi việc để Thi rảnh rang, được gặp gỡ và tiếp xúc với bạn bè. Nhưng vui vẻ chốc lát để làm gì, trong khi Thi đã xác định suốt cuộc đời này chị chỉ dành cho các em. Chị không cho phép mình được nghĩ đến điều gì khác ngoài trách nhiệm làm chị. Vậy mà….Thi tự hỏi đi hỏi lại không biết bao nhiêu lần rằng đi hay ở? Nếu đi thì cảm thấy áy náy, còn nếu không đi thì sợ em út nó buồn, vì làm như vậy chị giống như không nhận sự quan tâm của chúng. Nói gì thì nói, chị cũng rất muốn gặp lại bạn bè, xem họ sống ra sao. Nghĩ mãi rồi Thi cũng phải quyết định.

0o0

Ở chợ về, thấy cổng đóng im ỉm, Thủy và Thùy mừng thầm. Vậy là chị Thi chưa về. Để kiểm tra lại dự đoán của mình, Thùy xông vào tủ áo trước tiên, cô reo lên:

− Đi rồi Thuỷ ơi! Đi rồi.

− Nhưng đi đâu mới được chứ?

− Chắc chắn là đến chỗn đông người. Bằng chứng là bộ đồ “số một” của chị Thi đã biến mất.

Thủy vừa cười đôi em có đầu óc khôi hài, vừa đong đưa trên võng một cách khoan khoái.

− Nè! Em vo gạo, bắc nồi cơm, còn chị đi làm đồ ăn đi chứ - Thùy phân công.

− Cho chị nghĩ một chút đã.

− Không được. Em muốn khi chị Thi về tới thì tất cả phải xong.

− Thôi được - Thuỷ uể oải – Chị “dại dột” nghe lời em một lần nữa xem sao.

− Nào! Tất cả vì chị Thi thân yêu.

Thùy vừa hô, vừa nhảy. Thủy dù mệt lả người, cũng không nhịn được cười.

Đúng như dự đoán của Thuỳ, hai chị em lo cơm nước, tắm rửa xong xuôi thì Thi về tới. Thùy thấy rằng sự xúc động vẫn còn hiện rõ trên đôi mắt có hàng mi dày của Thi, song chị cố giữ cho mình vẻ nghiêm khắc hàng ngày.

− Lần sau hai đứa đừng tốn công xếp cho chị nữa - Dừng lại một chút, Thi nói tiếp - Chiều nay chị không ăn cơm, hai đứa đừng quấy rầy.

− ……

Biết chị không đùa, nhưng hai chị em Thuỷ vẫn chờ cơm, mặc dù cơn buồn ngủ kéo đến làmhai mắt nhắm tít. Đợi mãi, Thuỷ sốt ruột:

− Em nghĩ cách gì cho chị Thi ra ngoài đi.

− Dễ gì chị ấy chịu ra – Thùy đoán chắc - Để em vô.

− Nếu không muốn bị chửi thì em đừng mạo hiểm.

− Em có cách.

Thùy nói là làm, cô bé đến gõ nhè nhẹ vào cửa phòng.

− Chị Thi ơi!

− …..

− Chị Thi….ui da.

− Gì - Giọng Thi khó chịu.

− Chị Thi mở cửa, cho em vài viên thuốc đi.

Quả thật khi Thùy xin thuốc, Thi ngồi bật dậy. Thùy che miệng để khỏi cười ra tiếng. Thi mở cửa, Thùy vờ nhăn nhó:

− Em ăn không tiêu, chị cho em vài viên thuốc.

− Vào đây.

− Dạ.

− Em đau nhiều không?

− Dạ mới….hơi hơi thôi. Chị cho em thuốc nhè nhẹ.

− Có sẳn nước trong chai nè. Em uống luôn đi.

Thùy xanh mặt:

− Dạ thôi. Để em ra ngoài uống với nước trà dễ hơn.

Thùy bước vội ra ngoài, song ráng ngoái lại:

− Chị Thi! chị không giận tụi em chứ?

Thi lắc đầu im lặng mốt lúc rồi mỉm cười:

− Lâu lắm rồi chị mới được vui thế này.

− Chị nói thật lòng?

− Ừ.

Thùy nhảy cẩng lên như thưở bé được mặc áo đầm mới:

− A! Em hết đau rồi. Trả thuốc lại cho chị nè.

Niềm vui của chị cũng là niềm vui của em mà. Thùy như quên hết dự mệt mỏi vì ngày buôn bán. Cô bé chạy vù ra ngoài, khoe với Thủy. Nhưng cô chị quá ư là vô tư, đã ngủ từ lúc nào.

Một lần nữa biết mình bị lừa, nhưng Thi không giận. Có phải khi tâm trạng vui vẻ, người ta sẳn sàng bỏ qua tất cả không? Thi bây giờ đang có cảm giác thật lạ. Cảm giác này lâu lắm rồi chị mới gặp lại: nhẹ nhõm, lâng lâng, hạnh phúc như vừa tìm được những gì lâu nay buột mất. Nghĩ cũng lạ. Tình cảm bạn bè sau ngần ấy năm vẫn cứ như là mới hôm qua vậy, nhiệt tình và trẻ con. Và thật bất ngờ. Chính ở đây, Thi đã gặp lại “người ấy” Bạn bè cố tình xếp đặt buổi hội ngộ không nên có này chăng? Có gì vui khi mỗi đứa đã chọn cho mình một con đường. Thi thì buôn bán tất bật, còn “người ấy” thì ngụp lặn, vật lộn với đời thường và sự nghèo túng. Ai giúp cho ai được đây? Dù có giúp chưa chắc “người ấy” đã nhận. Khi bạn bè hỏi chuyện hôn nhân, “người ấy” chua chát hát rằng: “Lấy vợ sớm làm gì, để lời ru thêm buồn”. Đúng là thời gian không làm thay đổi cái giọng ngông nghênh phớt đời đó. Thi hiểu là con người, ai chẳng khao khát một tình yêu. Nhưng suy cho cùng, vì hoàn cảnh, có người suốt đời không làm nổi chuyện tưởng rất đời thường ấy.

Đầu óc Thi lộn xộn với bao ý nghĩ. Chị ngủ thiếp đi lúc nào không biết.