Gặt hái xong rồi - Lúa phơi khô đóng vào bồ, mà nhà nông chẳng mấy lúc nhàn. Bảnh mắt đã gọi nhau đi cày - Là chưa nói hôm nào có bóng đá quốc tế lại tụ tập ngồi xem thấu sáng rồi ra đồng luôn. Niềm vui và mệt mỏi dường như thấm dần vào đời người. Khí mát lành của đồng nội lại là nguồn bồi bổ sức lực trời chọ Dễ dàng chấp nhận mất mát âu lo, thanh thản vào mùa cấy cày. Ngoảnh đi quay lại đã gió heo may se lạnh. Mùa cưới xin rồi đó, Thốn khẽ cười. Nụ cười lành như đất thó - đành cưới thôi, người ta giàu cưới xin linh đình, còn mình nghèo cưới xin cũng cỗ bàn. Cưới thôi, kể trời cũng có mắt cho Thốn gặp được nàng. Thốn dừng cho trâu uống nước rồi mau lẹ đặt gác vào vai cày. Quát lên tiếng hú họa với niềm vui cỏ rả:

- Hầy! Hầy! Hầy! - Thốn nào biết mình nói gì, chiếc roi cày khẽ đét vào mông trâu, lòng tự nhủ. Mày đi đi... đi mày ơi! Chắc kiếp trước mày từng làm quan phong kiến, chén bẫm mà kiếp này mày ở với tao. No đấy chứ mày. Tao nào tiếc gì rơm rạ, cỏ rả. Lúc mày mệt mỏi có lưng cháo cám thơm lừng. Mày là trâu hả... còn tao là Thốn đây!

Con trâu ngúc ngoắc cặp sừng, uốn bờ vai đi băng băng - Từ con nghé ọ nó thành trâu già. Đâu chỉ cày cho ruộng nhà Thốn. Nó còn cày hộ những nhà neo đơn. Lúc nhàn rỗi còn ve vãn những cô trâu cái trong làng. Trâu khẽ cười, biết đâu đấy có chú nghé ọ lại chính là con của mình. Làm sao vậy nhỉ lại ra đời những kiếp trâu...

- Mày làm sao thế hở thằng Cui! - Thốn nạt nộ để làm phách thôi. Cui vẫn chạy băng băng, sự ăn nhập thành cá tính của Cui rồi, cày đi, công việc mệt nhọc mà cao sang. Cái lão chủ trẻ măng vẫn hống hách quát tháo một cách đáng yêu: - Rõ đồ Cui lười nhác... Không biết xấu hổ với các cô ấy... ư mày! - Trời! Ông chủ nói chuyện ta đam mê hít hít vào các cô gái non tơ đấy. Mặc nào, để ngoài tai tất cả đi nào. - Cui lầm lũi bươn từng bước chân...

Cưới thôi, Thốn quay lại nghĩ việc của mình, phó thác cho con Cui kéo đi... các cụ già hong phơi khăn xếp và áo lương rồi đấy... Mấy gã dịch vụ đám cưới đám ma gại vào loa đài rồi đấy. Tiếng eng éc của hàng xeo chọc tiết lợn về sáng làm vỡ toang cả giấc ngủ của làng quệ Mấy tay bợm đánh tiết canh lòng lợn nhìn đã tưng bừng ra điều no nê trông thật đáng yêu, tay quết vào quần màu cháo lòng, hỏi Thốn với giọng lủm rủm đến ba gai:

- Thế nào Thốn... có tiền cưới chưa, tụi này cho vay một tạ nhé!

- Được mà! xá chi bay! - Thốn nói thật đấy... Thốn nào sợ chi tốn kém. Nhưng nếu nàng không ra. Nếu nhà nàng không ưng cho Thốn làm rể. Chuyện thì dài lắm, mà lòng Thốn như tơ vò... lại đì đùng tiếng pháo nổ. Lại thấp thoáng bên sông dáng người đi ăn cưới. Người giàu cưới kiểu nhà giàu, còn ta cưới theo kiểu của ta; phải không thằng Cui. Cái thằng dễ có mấy vợ và nhiều con mà vẫn đi tơ... ý nghĩ ấy làm Thốn bật cười lên thành tiếng. Con Cui tưởng bở, dừng lại chờ tháo ách cày. Tiếng đứa nào gọi tên Thốn đó hả.

- Chú Thốn ơi! Về nhà đi có khách!

- Ừ chú về đây! - Thốn bắt chước lão Côi rống lên ồ ồ, đoạn quắc mắt nhìn con trâu buông ra từng lời trìu mến:

- Cái đồ Cui, liệu về mà ăn cơm chiều nhá... đừng theo gái kẻo chết đói nghe chưa... - chiếc roi vừa chạm mông con Cui phi lên tận bờ sông. Nó nhận ra trên đó có nhiều cô nàng trẻ, đang trương cổ ra gợi tình.

Thốn về đến dốc sông thì gặp chú ruột của mình đang ngắc ngư như người say rượu. Thốn ngoác mồm ra gọi:

- Ôi chú Toảng để cháu treo cặp lên cây cày này cho chú đỡ mệt.

- Thằng Thốn, mày điện cho chú về ăn cưới sao còn đi cày hả? - Chú Toảng nói với giọng bực bội, cũng có thể chú đã uống lót dạ vài ba choác ở quán cóc đầu cầu rồi.

- Chú lo chi... Nó về là cháu ngả lợn liền.

- Chết bỏ me... chú còn phải đi công tác!

- Kệ công việc... chú đã về là ở nhà với cháu... cháu có đủ điều kiện bao chú. Mà này chú ơi, đám cưới ở nông thôn vui lắm nhá. Chứ thành phố không thực chất đâu.

Cha cái thằng ra vẻ biết lý đáo để. Toảng khẽ hỏi cháu:

- Thế cái con mày định lấy về chưa?

- Không về là cháu cắt béng. Chú tưởng con gái làng mình thiếu hả... nhiều lắm.

Cha cái thằng, nó vẫn không bỏ được chất anh thợ cày. Thốn ngoác cái miệng ra cười, những chiếc răng xô vào nhau vậy mà lại duyên. Thốn đặt uỵch chiếc cày xuống dốc sông.

- Chú chờ cháu tắm cái đã, kẻo con bé từ miền nam ra lại không kịp đón.

- Thế cháu chọn ngày nào chưa mà điện cho chú về!

- Cháu có biết ngày giờ là gì mà chọn. Em nó ra là nổi lửa!

- Thế mày định đời sống mới hay đời sống cũ!

- Chú mới lạc hậu làm sao... đời sống mới có nghĩa là mời các cụ mặc áo lương, các cô bận áo dài đến động viên họ hút thuốc lào và ngồi nhìn mình mà đánh chẩu hả chú!

- Thế mày tính sao, nói chú nghe nào. - Toảng có vẻ hồi hộp hỏi lại cháu.

- Cũng phải có gì cho các cụ nhắm chứ, chú bảo từ khi đẻ ra mình các cụ đã chờ rồi mà!

- Mày chỉ láo toét, người ta cần gì cỗ bàn của nhà mày.

- Nhưng mình lại phải nghĩ đến họ hàng chứ chú!

Nó nói hay ghệ Họ hàng gặp nhau suông nhạt, chỉ chào nhau vin vào ai biết phận nấy rồi quấn lại như tổ sâu tròn, nào biết ngó ngàng đến ai... chỉ dịp cưới xin mới gặp nhau.

- Chết bỏ cha rồi chú ơi! - Thốn réo lên như người mất trâu.

- Sao thế hả cháu! - Toảng hỏi lại cháu.

- Nhà cháu và mẹ vợ cháu kia kìa, đoảng quá cháu không đi đón khổ chưa chú... thật cháu chả ra gì. - Nói vậy nhưng Thốn kịp lên bờ mặc cho nước vẫn chảy ròng ròng chạy đến trước người thiếu phụ nói ra điều xin lỗi:

- Má ơi! Con mới cày về định tắm qua rồi ra đón má chưa không kịp!

- Khỏi cần... Má về rồi đó con...

- Diệu Linh có mệt không em! - Thốn ra giọng của một diễn viên - Biết vậy anh vào rước em.

- Lấy ai cày ruộng cho anh hở Thốn!

Thiếu nữ nở nụ cười tươi như hoa, chết thiệt con gái nhà ai đẹp như tiên mà lấy cháu tôi. Làm sao dám chui đầu vào cái cảnh thiếu thốn này. Toảng chợt nghĩ.

- Chết thật... cháu đoảng quá... Má, con xin giới thiệu chú Toảng chú ruột con... Còn má là người làng mình đấy chú, Diệu Linh là vợ sắp cưới của cháu.

- Chào bà! - Toảng lúng túng nhìn thiếu phụ. Trời ơi... người này là ai mà mình như quen. Lại cái thằng Thốn này nữa, sao mày dám lấy gái đẹp thế này, rồi ra ai cày cuốc mà nuôi vợ ngồi soi gương chải tóc.

Đoán được sự băn khoăn của chú, Thốn vác lấy cây cày ào xuống dốc sông. "Thôi mời má và chú ta về nhà đi, con còn bận nhiều việc lắm". Bạo dạn Toảng nói lấy lệ:

- Xin bà để tôi mang hộ hành lý, chắc đi đường xa bà mệt nhiều.

- Cám ơn! - Người thiếu phụ nhìn Toảng cười. Trái tim Toảng giật thột bàng hoàng!

*

* *

Ngày chưa có chiến tranh phá hoại ra miền bắc, ở đầu cầu Bàn Thạch đẹp lắm. Hai bên dốc cây cầu xi-măng là quán xá, cửa hàng cửa hiệu tạp hóa, bên kia dốc cầu của làng có cây gạo cổ thụ và chiếc miếu thờ, người làng bảo đó là miếu thờ cô, người bảo hộ cho tình yêu trai gái của làng này. Nàng là đứa con côi cút của một viên tướng thời loạn mười hai sứ quân trốn về bán quán ở eo đất xa xôi này. Lớn lên trong sự thiếu thốn trăm bề nhưng nàng đẹp và tốt bụng, đẹp đến mức quan lính trong vùng phải run rẩy khi gặp nàng. Thời đó, giao thông đâu được như bây giờ. Bàn Thạch như một hắp nước với gò đồi, beo hùm thả sức hoành hành. Ai muốn đặt chân đến vùng Mã Mây cũng đều sởn gai đó, liều chết với bọn đầu gấu sống bằng nghề trấn lột. Vậy mà nàng vẫn nổi lên như đóa hoa rừng đơn độc. Nào ai không mong muốn cưới nàng làm vợ, nhưng chưa một chàng trai nào lọt vào mắt nàng - Thuở ấy con sông Chu còn lang bạt du ngoạn khắp vùng này. Ở đâu có nơi trú ngụ là đắm mình, chả thế từ Ao Khách, nơi dành riêng cho thực khách của vua chúa cũng chỉ một đêm là xóa nhòa thành biển nước. Cái năm lũ lụt ấy, các cụ già chỉ kể lại theo lời truyền khẩu rằng người trôi như cỏ rác - Người con gái của làng này đã tắm giặt, ăn chay trọn một tuần. Nàng nhẩm trong bụng rằng sắc đẹp của ta không thuộc một ai, ta làm tỳ thiếp cho thủy thần ngăn lại dòng lũ. Nàng trẫm mình trong dòng xoáy cuồn cuộn, lạ thay dòng nước vặn mình chảy mãi về mạn Vạn Hà bây giờ, còn nơi nàng trẫm mình thành ao hồ. Dạo Pháp làm con sông này nghe chuyện phải vào miếu thờ khấn vái mới yên ổn được đập Bái Thượng. Đó là chuyện xưa, mỗi khi người làng qua cầu, có miếu thờ và cây gạo đều phải gật đầu chào nàng. Có người thêu dệt nàng vì yêu một thợ cày say đắm không được cha mẹ chấp thuận mà nhảy xuống vũng nước tự vẫn. Chuyện ấy lâu rồi chỉ biết ngôi miếu này là chốn trai gái hẹn hò cầu may.

Trước ngày xảy ra chiến tranh phá hoại hai bên đầu cầu vui lắm. Bên này cầu có hiệu may của ông Ba Hảo, hiệu thuốc bắc ông ấm Tảo, hiệu tạp hóa của bác Thức, hiệu may của ông Tám. Bên kia cầu nơi có miếu của cô có quán phở bác Chiến, hiệu phở cô Nhung mẹ của Bình, quán sửa xe của anh Xuân Mỹ. Điều ấy không mấy quan trọng nhưng nhớ lại làm lòng Toảng buồn tênh. Mọi người từ già đến trẻ đều nhìn vào miếu có cây gạo, nơi đó có Bình con gái cô Nhung ai cũng thèm nhìn ngó nàng. Người ta yêu nàng đến mức Toảng tự thấy chả là gì, chỉ là thằng chăn bò mà cũng phát ghen lên. Khổ cho nàng, văn hóa Toảng có cao xa gì, chỉ lớp năm thôi nhưng qua nhà nàng vẫn ngoắt cái đầu đi nơi khác ra chiều khinh khi lắm. Nàng đẹp lắm. Toảng nhớ một lần khi mùa gặt qua đi, tụi trai làng thường rủ nhau đi đánh dậm về cầu Quán tắm táp rồi đổi chác lấy điếu thuốc phì phèo ra vẻ người lớn. Nói thật lúc đó cũng bần tiện lắm kia, ùa xuống tắm là tranh thủ vò luôn quần côc dây đầy bùn đất đưa lên phơi ở bờ cây chờ cho khô tay bịt bẹn tồng ngồng lên bờ mặc vội quần. Bán đi chút ít cá tép, lấy ít tiền vào quán mua thuốc chỉ mong mỏi gặp Bình. Nhưng Bình làm như không biết gì, bê một chậu quần áo ra sông giặt. Mắt chẳng thèm chú ý đến một ai. Toảng và chúng bạn bơi lượn qua chân Bình. Bình không nhìn vào mặt một đứa nào. Bình cứ giặt còn bọn con trai choai choai đã mệt nhoài, rét run cầm cập không sao lên bờ được. Bình cười thành tiếng, khoát nước rửa đôi chân trắng như ngọc, hất đuôi sam ra sau, rảo bước về nhà. Mặc dù rét run và đói nhưng Toảng và tụi bạn vẫn mong nàng đứng lại lúc nữa. Khổ cho tụi trẻ nào ai không yêu Bình, nhưng đều sợ.

Mẹ Bình là cô Nhung hát hay và đẹp gái, quan lại trong vùng ai cũng mê mệt. Cô có hai con là Bình và Mai. Mai chết vì bệnh bạch hầu, còn Bình như bông hoa mảnh mai nhiều người chết mê nhưng lại sợ. Trong bộ Óc tăm tối cứ lục vấn ai là cha của Bình, Bình bận bịu với quán xá đâu có thời gian để học hành. Tội Bình quá, nhìn người đẹp đến mê hồn, vậy mà lắm điều tiếng. Cái chuyện ông Tám thợ may bên này sông sáng mai ra sông ngó sang như phải lòng mặt Bình. Lại còn chuyện khi may quần áo cho Bình, ông đo quá cẩn thận - đo đi đo lại làm bà Tám phát ghen lên ra tận đầu sông mà chửi vống sang - cái quân đĩ thõa ngứa... Toảng không tin Bình và ông ấy, ông Tám lúc đó ở tuổi bốn lăm đeo kính mắt tròn để râu ba chòm nom già lắm rồi. Làm sao mà Bình lại yêu được ông già ấy nhỉ, hay vì tức đời mà tặc lưỡi cho qua... Đêm nào Toảng cũng ra cầu sông hóng mát, nói của đáng tội cũng chỉ mong được nhìn mặt Bình. Nhiều khi Toảng thề nếu không lấy được Bình dẫu có chết cũng không đành lòng. Toảng lén mua hương vàng đến ngôi miếu dưới chân gốc gạo cạnh quán nhà nàng khấn. Toảng cầu mong cho nàng chú ý đến mình. Biết mình đâu có đẹp đẽ gì nhưng lại vững một niềm tin - Ở đời này cốt chuộng cái đức trong sạch và trung thực, ta cần gì sự khéo léo. Đó chẳng qua là lời lẽ học lỏm được ở nơi cuốn sách truyện nhàu nát không ra đầu ra cuối... Toảng khấn và trời đã cho gặp được Bình. Thời đó có được tắm gội xà phòng thơm đâu, ăn còn không đủ lấy đâu ăn diện. Bình xuất hiện sau lưng Toảng, một mùi thơm thật khó tả. Đáng ra phải cầm lấy tay Bình đưa em ra bờ sông nhưng lại đứng im như trời trồng.

- Chú ơi! Ăn tạm đi chú! - Thằng Thốn gắp vào bát chú một miếng thịt, cái quân quý người nên thái miếng to bằng cả nắm tay.

- Trời ơi! Con tôi nấu cái chi vậy! - Bình nói với Toảng đấy. Bình vẫn đẹp, có khổ không. Toảng vì mải nhìn Bình mà đánh rơi cái chén vỡ toang. Bình lặng lẽ đưa cái chén của nàng cho Toảng, Bình cười, - Uống chén này cũng được! - Ôi nụ cười thuở nào, cái thằng Thốn ranh thật làm sao mà hắn mò vào tận miền nam lôi được con gái của Bình ra.

- Mai cháu làm thịt lợn sớm để giã giò chú ạ! - Thằng Thốn nói với chú.

- Tùy cháu nhưng phải nhớ tiết kiệm đấy! - Toảng nói với cháu giọng đe nẹt.

- Chú yên chí... tiết gì cũng phải mươi mâm gọi là... chú biết không nhà gái ở tận miền nam chứ không thì bỏ mẹ!

- Cái thằng mày được cái ăn nói lếu láo! - Toảng nhìn Bình nói với giọng cả nể.

- Có đúng vậy không hả má! Má cách mạng với tụi con quá đạ - Thốn lấy giọng anh Hai làm điệu bộ kéo luôn vợ sắp cưới ra gốc nhãn ngồi để mặc cho chú Toảng và mẹ vợ chầu hẩu ngồi nhìn nhau. Toảng cố lấy lại bình tĩnh nhìn Bình, nhưng hễ gặp tia mắt của nàng lại vội cụp xuống. Bình nhìn Toảng như người mẹ nhìn đứa con trai nghịch ngợm, biết mình có lỗi, nàng nói:

- Rồi anh đi đâu mà mất tích từ bấy đến giờ!

- Tôi hả... đi lính, ra lính lo chạy vạy xin việc...

- Bận vậy ha! Có bao giờ qua đất Quảng Nam hông?

- Có... nhưng không dừng lại lâu vì có quen ai!

- Vậy mà thằng Thốn lại tìm được đồng hương. Lại giựt mất con gái tui nữa!

- Thế Bình ở lại đây chứ!

- Đâu có, cưới xin cho tụi nó xong lại vào trong liền. Còn thằng hai và anh ấy... - nói anh ấy là Bình nói về người chồng của mình. Bình đâu còn được gặp lại nữa. Toảng biết rồi, cũng tại Toảng thôi. Tại sao lúc ra đi không một lời từ biệt, lúc trực chiến nơi Hàm Rồng cớ sao không viết thư trả lời cho Bình. Bình buồn lắm, ngôi miếu và cây gạo là mục tiêu bổ nhào của máy bay ném bom đập nước Bàn Thạch nên nhà Bình phải dọn lên núi để trú, tại sao Toảng lại ngu muội cho rằng Bình là gái giang hồ, chỉ vì mẹ Nhung của Bình có giọng hát hay và lắm người dòm dỏ.

Bình đã lấy một chiến sĩ miền nam bị thương ra an dưỡng ở Tây Hồ, anh ấy gấp rưỡi tuổi Bình. Bình không phải chán chường đâu. Người cùng lứa không hiểu được trái tim Bình. Anh ấy đến như bóng mây che lúc nắng hạn, như trận mưa rào khao khát lúc heo maỵ Bình đâu có phản bội ai đâu. Bình biết được địa chỉ của Toảng và đến thăm rồi đấy. Nhưng Toảng nào dám gặp mặt. Toảng nhờ một người bạn cầm miếng giấy ghi mấy chữ loằng ngoằng: "Cô về đi, tôi còn phải chiến đấu".

Tiếng của thằng Thốn nói oang oang ngoài gốc nhãn làm tan nát cả cõi lòng Toảng.

- Em đã thấy được tình yêu của gã thợ cày chưa?

- Thấy gì hở ông Cuỉ - Diệu Linh cười như nắc nẻ khi gọi Thốn là Cui.

- Anh gặp em cái dạo đi lính ở trong đó là biết mình sẽ lấy em làm vợ mà!

- Nhưng em không chịu thì sao?

- Anh cứ lấy... anh cứ yêu em!

- Má không ưng, ai cho tiền ra, ai đưa thịt đến miệng mèo?

- Diệu Linh nàng ơi! - Thằng Thốn kỳ thật, ai dạy nó cách ăn nói sắc bẻm ấy nhỉ. Toảng chỉ kịp nghĩ đến đó nó đã tuôn ra những lời làm Toảng nhột cả người.

- Em biết không má em cũng yêu quê mình lắm ha!

Chà cái thằng... Anh để em biết chuyện má cũng yêu người làng mình. ủa, bả cũng yêu người làng mình anh nờ... Em bắt đền anh đó. Đừng cưng, anh nói nhỏ điều này, ứ đâu. Chụt, chiến tranh mà...

Toảng nhìn Bình đỏ mặt. Toảng muốn nói một câu gì dù vô nghĩa cũng được nhưng không tài nào nghĩ ra. May quá mấy tay hàng xeo đã mò vào nét mặt nhơn nhơn hỏi:

- Thưa anh chị! Anh chị có thấy con lợn cưới của tui chạy qua đây không ạ?

- Trời! Mày là con nhà chú Hách có phải không?

- Vâng, sao bác biết? - Con nhà Hách hết ba trợn ngồi thừ ra.

- Cái dạo máy bay ném bom vào cầu Quan cha mày đã cứu dì mà!

- Trời ơi! Có phải dì Bình đẹp nhất làng ta ở đầu cầu Bàn Thạch, mà ông già nhà cháu yêu muốn chết không?

- Thôi thôi thằng đao phủ mày lo hộ tao món giò chả cho kịp - thằng Thốn cắt chuyện, hắn khẽ nói vào tai con nhà Hách - Nhớ món tiết canh nhá, các cụ còn thích đó mày.

*

* *

Đêm buông xuống thật nhanh - Ở đây mới thật sự có tháng mười. Heo may như ru rỉ sự sinh sôi của cá tép nơi hồ ao sông ngòi. ánh trăng non nớt nhô lên. Cây cầu như được treo lên vành trăng. Phác trên mặt sông là một cây cầu đầy hư ảo. Lan can cầu cong queo ghi lại vết tích của chiến tranh. Lạ thật bom bỏ như rây bột mà cây cầu không bị sập, mà súng ống trực chiến nào có nhiều nhặn gì cho cam, vài chục khẩu 14,5 ly, 37 ly và súng trường cũ kỹ. Ngày chưa có chiến tranh, Toảng vẫn cùng trai gái làng ra cây cầu ngồi hóng mát - Thấy ở đâu có đèn sáng là lần mò đến xem có chiếu phim không. Bao lần đi và thất vọng về không... Chính lúc đó Toảng đã gặp Bình. Nàng nhỏ nhắn tự tin cùng với mẹ bên quán nhỏ ngay miếu cộ Nàng tươi tắn như bông hoa xuất hiện giữa loài người, Toảng yêu nàng đến mê muội. Đang đêm cũng lần mò ra quán nàng để mua một cái gì, ngượng chín người khi nghe mẹ nàng cười mũi, từ chối.

- Chàng trai người Phi Châu có tiền mua gì nào... quán tôi đắt lắm!

Bình nhìn mẹ van xin, nàng nhận ra dưới màu đen cháy của bùn đất và nắng lửa kia là trái tim bồi hồi cuồng si... Nhưng Toảng đã ngu muội đánh mất nàng - Ôi trời! Làm sao mà cậu có thể yêu con của đứa xướng ca vô loài. Anh chỉ huy nông dân một cục nói thẳng vào mặt Toảng. Hèn nữa là Toảng sợ dính biết đâu lại hỏng sự tiến bộ. Lại còn mẹ con Bình nữa, trong cái họ ca công cũng nhuốm màu ăn chơi cung đình ấy. Toảng không hiểu nhưng không đủ bản lĩnh để dấn thân vào tình yêu. Thời gian quay một vòng, bây giờ gặp lại Bình, tạo hóa không hề nhuộm nàng thành già nuạ Toảng thì lại khác, đầu đã trọc, lất phất chùm râu rễ bèo, không lấy gì phong lưu dư dật nên da úa vàng. Lại nữa con vợ càu nhàu chỉ thích đếm tiền ki cóp vui thú với cúng vái, chạy chợ. Thôi mà, nghĩ chi cho thêm tội, cái thằng Thốn, thế mà hay, nó bảo con Cui nhà nó kiếp trước không được thanh thản nên kiếp này cho làm trâu, có kéo cày trả nợ nhưng được toại nguyện giang hồ. Chú vứt quách đi âu lo, cháu hồn nhiên chơi chơi lại vớ được con vợ như tiên. Toảng dọa cháu trai:

- Bố mày đã hy sinh rồi, còn có mày là lớn, lấy vợ đẹp thế mày chiều nó làm sao?

- Chú ơi! Cháu mài cái đẹp ra cháu ăn đấy, chú cứ nghĩ quẩn, vợ cháu làm gì chả được, bộ nhà mình quanh đi quẩn lại chỉ toàn bộ mặt khảo cổ thôi làm sao mà chịu nổi.

Toảng bước lên cầu, soi bóng mình xuống dòng sông, thế ư? Cái gã dưới kia cũng một thời trai trẻ, một thời trận mạc, một thời yêu đương, ghẹo gái ư? Nghĩ đến đó Toảng bật cười thành tiếng. Có bóng trăng trắng từ phía miếu cũ tiến lại. Có ma thật sao... Toảng nắm chặt lấy chỏ tay nhìn quanh quất cầu mong có người qua lại.

- Anh cũng dám ra đây một mình ư?

- Bình! - Toảng thở phào nhẹ nhõm. Thật xấu hổ, Toảng là kẻ sợ hãi, muốn chạy trốn khỏi mình. Chậc. Người đời ai cũng vậy không tránh khỏi cái sợ cố hữu truyền kiếp.

- Đi anh! - Nàng nói nhỏ nhẹ. Toảng theo bàn chân Bình đến nơi ngày xưa có đặt miếu thờ. Nơi đó có gian lều nhỏ của mẹ con Bình. Nơi đó Toảng lùa trâu ra đồng ngồi nhìn Bình đi lại bận bịu, chờ một cái ngước mắt của nàng... và Toảng cũng phát hiện ra trái tim yêu đương dành cho Bình.

Toảng đứng run rẩy sợ hãi. Muốn nói một câu gì đó. Thời gian như dừng lại, phía bên cầu tiếng thằng Thốn thật ngạo nghễ:

- Em thấy không, thằng Cui lừa lúc nhà mình có việc chuồn đi theo gái... rõ thật là...

- Anh còn bám rít theo em nữa là!

- Diệu Linh biết không... Làng mình có tới chục đám cưới một lượt. Không có ai em cho hôn nào!

- Không được đâu... em sợ lắm!

Toảng cầm lấy bàn tay của Bình. Cầm lấy bàn tay thon nhỏ chưa chịu già nuạ Toảng nhận ra hương vị dìu dịu cách đây ba mươi năm đã khảm vào ký ức. Bình nói rất nhỏ:

- Đừng anh... muộn rồi.

- Không đâu còn kịp mà em... tình yêu đâu có tuổi...

- Kia kìa! - Nàng chỉ về phía dốc sông. Bóng người nông phu ra đồng cày trăng. Tiếng mấy con gà được ăn no rửng mỡ gáy đoảng. Tiếng lợn kêu eng éc như hiệu lệnh gọi người vào đám cưới xin. Thấp thoáng cả bóng người đi chợ sắm đồ, và có người áo the khăn xếp cắp ô ở nách đi đám ở làng xa...

- Bình ơi!

- Dạ!

Cây cầu pháo trên mặt nước như không còn là chiếc cầu - Dòng sông nhòa lệ đầy vầng trăng nhòa lung linh. Tiếng rì rào của đất, tiếng bước chân nện trên đường. Có cả nhịp đập của con tim hai người...

Hết