Căn nhà tuổi nhỏ, là tiếng vang, tiếng dội của tiềm thức, một thúc đẩy lúc nhanh lúc chậm, là nỗi thôi thúc có lẽ chỉ có ở những người như Dung, đột nhiên bị bứt khỏi quá khứ để từ đó cuộc đời luôn luôn chạm mặt với sự thúc giục không gì cưỡng nổi, để buộc Dung phải thực hiện một chuyến trở về.
Chiếc xe gập ghềnh đổ giốc xuống con đường băng ngang trước mặt ngôi nhà của thời tuổi nhỏ. Chiếc xe hết lắc bên này lại nghiêng bên kia buộc tay Dung phải vịn chặt vào thành ghế để tránh khỏi ngã, trong khi đôi mắt không rời khỏi mặt đường. Con đường ngày xưa được trải đá tráng nhựa, bây giờ còn chăng là sót lại vài viên đá lồi lõm nằm trơ giữa những ổ gà lớp nhớp nước. Dung cố mở mắt tìm lại hàng thông ngày nàng ra đi còn đầy đặn nằm hai bên đường, tìm mãi chỉ thấy lỏng chỏng vài cây vì tất cả đều đã nhường chỗ cho những căn nhà cất vội, cái nhô ra cái thụt vào; sự đổi thay vô trật tự đó tạo cho Dung cảm giác mất mát hụt hẫng.
“Mình mong tìm được gì trong chuyến trở về này?” – Câu hỏi lại một lần nữa vang vọng trong đầu Dung.
Xe tiếp tục bò lết trên quãng đường còn lại. Dung ngước mắt lên ngọn đồi cao, nơi Dung đã trải qua biết bao kỷ niệm của thời tuổi nhỏ, những lần chơi trốn tìm, những trận đánh nhau giả mà đạn là những quả thông khô được tới tấp tung ra giữa hai phe. Chiếc bóng cao lớn của trường Adran thuở nào bất chợt hiện ra. Ngôi trường ngày xưa với bốn từng lầu cao được quét vôi trắng, từng bao năm nằm ngạo nghễ soi bóng trên đỉnh đồi, sao giờ lại rũ mặt u buồn với rong rêu, với những sọc đen đúa nằm dọc bờ tường, mà Dung có thể đoán được từ xa là do những dòng nước bẩn từ những tầng lầu cao đổ xuống. Nhạn cô em họ đã đón Dung tận phi trường Tân Sơn Nhất ở Sài Gòn, lên tiếng:
- Bây giờ heo được nâng cấp còn cao hơn bọn tụi em nhiều, không thèm ở tầng thấp mà leo lên lầu ba, lầu bốn ở chung với người rồi đó chị.
Hai mươi năm, thời gian tuy có dài, dĩ nhiên có nhiều đổi thay, nhưng Dung không hình dung được sự đổi thay lại ghê gớm đến như vậy. Nhìn quanh cảnh vật Dung đã nhìn thấy sự đổi thay đến đau lòng, nhưng có lẽ điều khiến người ta dễ bị nhức nhối nhất chính là lúc nhìn vào khuôn mặt của những con người mình từng quen biết, mà điển hình là khuôn mặt của Nhạn, cô gái trắng trẻo, với ánh mắt reo vui, với giọng cười trong trẻo và những câu nói không chứa đựng gút mắc; thế mà giờ đây với câu nói của Nhạn, Dung nghe như nỗi đau đang xoắn tít vào lòng. Nhạn của ngày xưa sao lại đến nông nỗi này và lẽ nào sự thay đổi lại tàn nhẫn đến vậy?
Cho dầu Nhạn đã thay đổi đến độ đau lòng như thế, nhưng Dung vẫn còn hy vọng căn nhà tuổi nhỏ của Dung sẽ còn đó, nếu không nguyên vẹn cũng không thể biến dạng méo mó như Nhạn hay những gì đã vụt qua trước mắt. Nhắm mắt lại, Dung tưởng như mình đang dạo quanh căn nhà cũ.
Dung thấy mình đang ở trong căn phòng khách có những chiếc ghế tròn đan bằng những sợi mây màu nâu, một chiếc tủ chè đặt sát bờ tường với hai mặt kiếng và những chiếc ly viền vàng và những chiếc chén kiểu mỏng dính được bày biện bên trong. Dung thấy mình đứng đó trong một buổi sáng, cạnh chiếc cửa có những ô vuông bằng kiếng, nhìn ra bên ngoài chiếc sân rộng có một vườn hồng với những cánh hồng đủ màu đang khoe sắc. Bên hông nhà cây cà phê còn sai trái, chi chít những quả xanh xen lẫn những trái đỏ au. Còn cây anh đào ngay trước cổng nhà với những cánh mai hồng còn đọng những giọt sương mai đang đong đưa trong gió.
Giữa ngôi nhà bốn gian rộng thênh thang, Dung thấy nhỏ Dung lên mười một, đang nằm trườn người trên căn gác lửng, căn gác chứa những vật ít dùng đến, cửa nẻo đóng kín, một mình lén lút ngấu nghiến những trang sách ba mẹ cho rằng chỉ dành cho người lớn – những pho truyện Tầu diễn giải, nào là anh hùng Lương Sơn Bạc, nào là Tôn Tẩn cụt giò, Bàng Quyên láu cá, một bà Chung Vô Diệm xấu xí luôn luôn bị chồng lừa rồi khi cần đến lại năn nỉ xin lỗi. Cuốn “Bên Giòng Sông Trẹm”, Dung, dáng ngồi khom lưng, chiếc đầu cúi sát, một tay chống càm, một tay lần giở từng trang sách, mắt không rời từng dòng chữ trong đó. Rồi từng giọt nước mắt lả chả tuôn khi đọc đến cảnh thương tâm xảy ra cho nhân vật trong truyện.
Bất chợt chiếc xe Citroen cũ kỹ rùng mình đổ xịch trước cửa nhà Nhạn lôi Dung trở về thực tại. Căn nhà loang lổ với lớp sơn tróc. Người tài xế xuống xe, quành ra sau mở cốp. Hai chiếc va-li to tướng được anh phụ giúp mang vào nhà. Tiếp theo là những trầm trồ, ngắm nghía, những câu hỏi dồn dập về đời sống văn minh xứ Mỹ khiến Dung không kịp trả lời. Nhưng những câu hỏi mà Dung muốn hỏi thì sao?
Dung nhắm mắt lại, mở mắt ra để biết chắc là mình đã thật sự trở về. Tất cả đã đổi thay. Chỉ còn lại phuy nước nơi căn nhà Nhạn là còn nguyên. Chiếc phuy đựng nước nằm bên dưới giàn su-su là chiếc thùng trước kia từng được sử dụng để đựng hắc ín. Khi con đường ở trước mặt những ngôi nhà của dân chúng trong cái xóm nhỏ nằm dưới ngọn đồi của trường Adran được tráng nhựa, phu lục lộ đã bán những chiếc thùng hắc ín rỗng sau khi lớp nhựa hắc ín được trải xuống mặt đường và dân chúng đã dùng nó để đựng nước uống.
Từ ngày con đường được tráng nhựa lần tay tính lại đã trên ba chục năm rồi còn gì. Chất hắc ín giữ cho chiếc thùng không bị rỉ sét và chiếc thùng còn đó, trong khi con đường thì tả tơi và cảnh cũ cũng tả tơi. Xóm làng cũ, ngôi nhà cũ đã gần như biến dạng hoàn toàn. Những người cũ bây giờ ở đâu?
- Còn ai ở lại? - Dung đặt câu hỏi với Nhạn.
- Toàn là những khuôn mặt mới từ ngoài đó vào. Ngoại trừ Nhạn và một vài gia đình không thể chạy đành ở lại chịu trận.
- Vậy không còn nhiều người cũ ở lại sao?
- Tốt hơn hết là như vậy, vì nếu còn ở lại thì cũng đã biến hẳn dạng hình. Mà thôi, Dung mới về, nên quên hết đi, hỏi người cũ để làm gì chứ?
Qua cách nói của Nhạn và nhìn vào khuôn mặt bạn, Dung thấy rõ ràng toàn khuôn mặt là nỗi trầm uất, bất mãn. Ngó sâu vào đôi mắt bạn, Dung chỉ thấy một vũng tối vô hồn. Dung tự hỏi, còn những người ở lại khác mà Dung từng biết thì sao, mặt họ có giống khuôn mặt Nhạn? Dung muốn thốt lên lời an ủi bạn, nhưng thấy lời nào vào lúc này cũng trở thành vô nghĩa. Nàng đành im lặng. Nhạn đứng dậy và Dung cũng đứng dậy.
Giàn su su phía sau nhà được dựng lên bằng những cành thông nhỏ cao quá đầu người. Đọt su leo quanh, những chiếc vòi bám chặt vào giàn. Xen kẽ giữa những chiếc lá màu xanh hình lục bát bản rộng là những trái su non, trái thì bé tí như đầu đôi đũa, có trái lớn bằng cườm tay con gái. Một vài bông hoa màu vàng lợt điểm giữa chiếc giàn xanh ngắt, tạo cho giàn su đỡ mang vẻ buồn bã. Lá chưa chen kín giàn su su, để lộ những cành thông khẳng khiu được gác vội nằm trên mặt giàn. Đứng từ bên này của giàn su nhìn qua kẽ hở của chiếc hàng rào bông ngũ sắc mọc so le như chưa bao giờ được cắt tỉa cho gọn gàng, bên kia là ngôi nhà của Dung, hay nói đúng hơn là ngôi nhà của ba mẹ Dung, do sự vun đắp của cha mẹ và chị em nàng. Ngôi nhà bốn gian trong trí tưởng bây giờ chỉ còn sót lại một gian. Ngôi nhà với chăm lo cực khổ của người cha cùng niềm hy vọng ngôi nhà trở thành ngôi từ đường. Căn nhà là niềm mơ ước thật đơn giản của người mẹ, người đàn bà mà niềm vui của suốt cuộc đời ngắn ngủi, quẩn quanh không ngoài một người chồng và những đứa con. Câu nói ngày nào của mẹ dường như vẫn còn văng vẳng bên tai Dung:
- Mẹ xây nhiều gian để khi lấy chồng mỗi đứa ở một gian.
Bây giờ những gian nhà đó đã biến mất và mẹ cũng đã về cõi hư vô để khỏi phải chứng kiến ngôi nhà không bao giờ còn cảnh xum họp đề huề của một gia đình.
Trơ trọi gian còn lại là gian được xây bằng gạch, nơi xưa kia được chia ra làm phòng khách, phòng ngủ của ba mẹ, phòng ăn và nhà bếp.
Dung tần ngần đứng đó. Ánh nắng buổi chiều dần dần giảm, nhưng chiếc bóng dĩ vàng trong tiềm thức cứ hiện rõ dần, rõ dần…
- Chiều rồi, Dung không vào nhà kẻo lạnh, đứng đó làm gì? - Tiếng Nhạn vang lên phía sau lưng và Dung chợt nghe Nhạn thở dài. - Tất cả đã thay đổi rồi Dung ạ! Nhạn chắt lưỡi. – Thấm thoát đã hơn hai mươi năm rồi còn gì!
Nhìn theo hướng nhìn của Dung, Nhạn tiếp lời:
- Mình biết đó là nơi chốn kỷ niệm của mấy chị em Dung, lúc biết tin, viết thư báo cho ba Dung từ Sài Gòn lên, thì tất cả đã trễ rồi.
Nhạn mặc chiếc áo len màu xanh dương đậm cũ kỹ, cùi tay đã lủng lỗ, chiếc quần đen ngắn quá mắt cá chân, được xắn bên cao bên thấp. Tiếng là em họ, nhưng Nhạn lớn hơn Dung ba tuổi. Người đàn bà đó, đời sống gắn liền với trận chiến, với thời cuộc. Có người chồng đi tù cải tạo bị chết trong tù và một đứa con còn nhỏ được sinh ra sau khi chồng chết, không do lựa chọn mà do sự ép uổng. Nhạn yếu đuối với thân phận một người đàn bà lẻ loi, phải tự lo toan. Mới bốn mươi mấy mà trông Nhạn không khác gì một bà già. Tuy da mặt vẫn còn trắng hồng – màu trắng của các cô gái Đà Lạt – những nếp nhăn đã xếp thành nếp hiện rõ trên mí mắt, trên cửa miệng và trên đôi má.
Giọt nắng hiu hắt buổi chiều yếu ớt dọi trên những đọt lá su, rớt nhẹ vài mảng trên khuôn mặt gầy gò của Nhạn, làm cho dáng dấp của Nhạn trông càng tìu tụy. Dung nhìn Nhạn và cúi xuống liếc đôi tay và đôi chân mình, dầu không muốn làm một sự so sánh, nàng cũng hiểu giữa nàng và Nhạn có sự khác biệt to lớn.
Buổi chiều về, đầu óc Dung không ngừng quay cuồng chung quanh cái quá khứ xinh đẹp và cái hiện tại có quá nhiều mất mát. Dường như Dung nhìn thấy được nỗi buồn đang chụm lại tống mạnh vào từng thớ thịt, thẩm thấu vào từng lỗ chân lông, làm tê tê đầu ngón tay. Rõ ràng nỗi buồn đang như màn đêm đổ xuống ập vào thân người, quần thảo với phần nội tâm. Và Dung chẳng những thấy tội nghiệp cho Nhạn, đồng thời cũng thấy tội nghiệp cho chính mình, con người có quá khứ dày đặc nên không thể chỉ vui với hiện tại.
Nhìn Nhạn thêm lần nữa, nàng thấy rõ thêm nỗi buồn. Cái nỗi buồn và cái tội nghiệp của chính bản thân Dung, là phần chìm sâu, lẫn khuất của phần nội tâm, không nhìn thấy được, có thể vì đó còn khả dĩ chịu đựng. Riêng con người của Nhạn, nhìn vào là thấy tràn ngập nỗi buồn. Nơi Nhạn, nỗi buồn thấm tràn ra phần bên ngoài: trên khuôn mặt, thân hình, làn da và ngay cả bộ quần áo mà Nhạn đang mặc. Nó không còn đơn giản là nỗi buồn rầu, mà chính là nỗi bi thảm đang đè chặc lấy con người Nhạn.
Giả thử Nhạn chịu quên quá khứ, chịu chấp nhận cuộc đổi đời, có lẽ nhìn người Nhạn đỡ thấy sự thảm thiết. Nhưng Nhạn đã không làm thế, dường như Nhạn vẫn còn quay quắt trong cái quá khứ, dẫu không huy hoàng nhưng ít ra còn duy trì được chút niềm tin và chút hy vọng ở tương lai. Còn bây giờ nó thảm thiết vì nơi Nhạn như đã mất hết sức sống. Một người sống chỉ vì chưa chết. Cứ nhìn cách đi, cách đứng của Nhạn, Dung có cảm tưởng đó là một người máy vì mất đi sự sinh động cần thiết của một con người. Rồi Dung tự hỏi, chẳng lẽ với đứa con của Nhạn, dầu là con ngoại hôn đến từ sự ép buộc, thì vẫn là con là niềm điểm tựa của tình thương, chẳng lẽ Nhạn cũng không còn mơ ước nào dành cho nó hay sao?
Nhạn trước mắt Dung, không còn là cô giáo Nhạn ngày đến trường hành nghề gõ đầu trẻ. Nhạn bây giờ là một bà già Nhạn, chấp nhận làm bất cứ công việc gì để tự nuôi sống. Không từ một việc gì kể cả cuốc đất, trồng khoai, miễn là còn duy trì được chút lương tâm hiếm hoi còn sót lại trong cái xã hội bây giờ.
Lần đầu tiên gặp Nhạn sau nhiều năm xa cách, Dung thấy ánh mặt Nhạn bất chợt ngời lên chút tia hy vọng, nhưng chỉ được giây lát ngắn ngủi đã tắt ngấm. Không biết Nhạn hy vọng gì? Một đổi thay? Có thể Nhạn hiểu đó chỉ là một đổi thay giả tạo vì ngày một, ngày hai qua đi, khi thời gian Dung ở lại đây ngày một rút ngắn lại… Nhạn hiểu rằng khi Dung rời bỏ nơi này trở về Mỹ, đời sống của Nhạn sẽ lại quẩn quanh hay tàn dần, tàn dần vào cõi mù mờ nào đó…
Những câu nói của Nhạn trong ngày đầu gặp lại Dung, cho thấy một con người đã bị dồn vào chỗ tận cùng:
- Xã hội bây giờ là xã hội dành cho lũ tà ma, quỷ sứ. Người chỉ biết một đường thẳng để đi thì con đường họ đi thường dẫn đến con đường cùng. Còn tìm về ẩn dật lại không phải là một lối thoát khả dĩ…”
Nhìn đời sống của Nhạn, Dung lờ mờ hiểu sự bi quan đó không sai. Tuy thấy như có vẻ đúng, nàng cũng không dám xác nhận đó là sự thật vì không nỡ đẩy những người còn ở lại như Nhạn vào vào chân tường. Thay vào đó nàng đưa ra câu hỏi tựa như lời an ủi:
- Có phải Nhạn quá bi quan không? Dung vẫn biết một số người còn tiếp tục nghề dạy học.
Nhạn lắc đầu tỏ vẻ chán nản:
- Nếu mình có thể tự làm cuộc cách mạng để làm con người mình hoàn toàn thay đổi.
Nhìn sâu vào mắt bạn, Dung nói:
- Nếu có thể thay đổi để làm một người tốt thì cũng nên lắm chứ!
Nhạn lắc đầu:
- Nói ra Dung cũng không thể hiểu. Thôi mình vào nhà!
Buổi chiều gần chấm dứt, đàn muỗi vo ve cuộn tròn trên đầu hai người. Vài con dơi từ một ít cây thông còn sót lại quanh nhà bay vụt qua, biến dạng ở một hốc kẹt nào đó. Thấy Dung vẫn còn đứng tần ngần, Nhạn một lần nữa giục:
- Vào nhà đi thôi. Lỡ lạnh bệnh không có thuốc và bác sĩ tốt như ở Mỹ đâu. Còn nếu Dung vẫn muốn tìm hiểu điều gì đã xảy ra nơi ngôi nhà của gia đình Dung, thì sau khi cơm tối Nhạn sẽ lần lượt kể cho Dung nghe.