Mùa Xuân năm ấy... Khi Nhân vừa đến phi trường Tân Sơn Nhất, chàng cảm thấy một cảm giác khó chịu vì không khí nóng nực trong căn phòng chật hẹp để xếp hàng chờ trình giấy tờ... Chàng nắn túi để lấy tờ 10 đô bỏ sẳn vào giấy thông hành như bạn bè căn dặn để qua trạm xét chiếu khán được nhanh chóng. Gần đến phiên chàng thì chàng nghe tiếng ồn ào phía trước. Một người Mỹ đang bị cô kiểm soát viên bảo đứng sang một bên để chờ... Chàng nghe tiếng xì xào: - Chết mẹ, Mỹ nó đâu có biết phải hối lộ mới qua được chỗ này! Nhân cố rướn người lên nhìn mặt người Mỹ đã bị đưa ra khỏi hàng đang đứng ngơ ngác một bên quầy. Đến phiên chàng, chỉ cần lấy giấy chiếu khán đưa khuất sau cái quầy một giây, cô gái đã vội vàng khoát tay cho chàng đi qua thong thả. Nhân nhìn người Mỹ, anh ta nhìn lại chàng nhún vai nói: - I don't know why? Chàng không biết phải nói sao. Nói thật thì Mỹ nó còn coi người Việt như thế nào, mà có thể phiền phức cho Nhân nữa! Chàng đành lờ đi rồi cầm hai túi xách của mình lên, bước theo dòng người phía trước qua trạm kiểm soát hành lý. Cũng như trạm kia, chàng cũng kẹp theo 10 đô la để khỏi bị hạch hỏi lôi thôi. Chàng vừa ra khỏi cửa là một đám bạn của Thanh cô em gái họ vẫy tay la lớn: - Đây nè! Anh Nhân đây nè!!! Ôm chầm người thân và bạn bè còn xa lạ nhưng Nhân nghe lòng lâng lâng một cảm giác vui sướng. Khi xe vừa đến nhà dì ruột của Nhân, trong nhà đã bày thức ăn la liệt trên bàn. Nhân hoàn toàn không thấy đói... Dì Vân rót cho Nhân một ly coke và hỏi: - Chắc ở Mỹ con chỉ quen uống coke? Nhân lắc đầu: - Không dì ạ, con chỉ thích uống đá lạnh. Chỉ chờ có thế là bé Mẫn lên tiếng: - Bà ngoại! Cậu không uống, bà ngoại cho con uống nghe! Nhân cười, cầm ly nước đưa cho cháu. Vừa lúc đó, sau khi thay quần áo xong Thanh trong buồng bước ra, thấy vậy nàng bảo: - Anh chiều như vậy cháu nó hư cho anh xem! Thôi anh coi tắm rửa thay quần áo lên ăn kẻo đói. Vén tay áo nhìn đồng hồ, Nhân bảo: - Anh chưa thấy đói, anh vào thay quần áo; em với dì tiếp khách trước đi, anh ra sau. Nhân cũng chưa vội, vào trong mở va-li ra lấy một ít quà phân phát cho mọi người rồi bảo: - Còn một thùng lớn quần áo, bánh kẹo, thuốc men họ cho biết ngày mai ra nhận sau! Sau đó, Nhân tắm rửa, thay quần áo xong ra nhập tiệc cùng gia đình... Suốt một tuần lễ tại nhà dì Vân, ngày nào Nhân cũng được Thanh hướng dẫn đi thăm hết nơi này sang nơi khác. Chàng nhận thấy phố sá sầm uất, nhiều nơi được sửa sang rất đẹp; nhưng có một điều chàng thắc mắc mãi trong lòng là người ăn xin nhiều quá! Nhất là hôm Nhân theo dì Vân đi chùa, người ăn xin đông có thể hơn cả khách viếng chùa. Nhân phải nhờ dì Vân đổi tiền đô la ra tiền Việt phân phát cho họ; chẳng biết họ loan báo cách nào mà người ăn xin đến vây kín chàng. Dì Vân phải "giải vây" cho Nhân mới thoát được. Chàng bâng khuâng tự hỏi tại sao chính quyền không chịu tìm công ăn việc làm cho họ, và khi chàng đặt vấn đề với dì Vân, dì cười bảo: - Bố, mẹ đem cháu sang Mỹ khi cháu vừa 6 tuổi, cháu không thể hiểu được tường tận nếu dì chỉ nói sơ qua, sau này về Mỹ cháu hỏi bố mẹ cháu sẽ được trả lời rõ ràng hơn. Trước khi về lại Mỹ, Nhân quyết định theo người em rể là Hoàng, chồng của Thanh ra thăm Hà Nội một chuyến thay vì đi Huế để biết về Hà Nội vì có lần mẹ đưa cho Nhân quyển "Hà Nội Những Ngày Tháng Cũ" của Nguyễn Gia Bảo có một đoạn ngắn nhưng Nhân đọc thuộc lòng khiến lòng Nhân tò mò mãi. Đoạn ấy như sau: "Một hôm cuối năm 1990, hai cựu tù cải tạo lang thang trên vỉa hè Hà Nội thấy một đám thiếu nữ xinh tươi đi ngang, anh bạn cựu sĩ quan không quân buột miệng khen bâng quơ: "Con gái Hà Nội có khác, đẹp quá!". Nhưng phản ứng thật dữ dằn, cả bầy nhâu nhâu sủa, văng tùm lum đủ thứ cóc, nhái, ểnh ương, soài, quéo, muỗm nho từng chùm, tiếng Thụy Điển, tiếng Đức tuôn ra như mưa rào! Lẽ dĩ nhiên là bằng bạch văn, không ngụy trang, úp mở gì hết, vừa chanh chua sủa vừa cong cớn nhẩy lên tưng tưng vừa vỗ đồm độp!!! Ôi thật hãi hùng, hai người Hà Nội lịch sự ngày xưa vội vàng ù té bỏ chạy, sang đến bên này nhắc lại vẫn còn thấy tởn... ". Nhân hy vọng những điều mà ông Nguyễn Gia Bảo kể lại có thể ngày nay khá hơn chăng? Vất vả với bao thủ tục mới được hai vé tàu bằng giá chợ đen, cuối cùng Nhân cũng toại nguyện. Những ngày cận tết ai ai cũng muốn về lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình nên vé tàu khan hiếm là phải. Đến được Hà Nội, trời đã xế chiều, Hoàng mệt quá, sau khi vào đến khách sạn là Hoàng lăn ra ngủ... Nhìn ra cửa sổ bờ Hồ Hoàn Kiếm xa xa, Nhân không khỏi buột miệng: - Đẹp quá! Chàng viết vội vài chữ cho người em rể, dằn tờ giấy dưới cái gạt tàn và để lại một chìa khóa và Nhân lấy một chìa còn lại tản bộ ra ngoài... Mưa phùn rả rích, cơn mưa bụi quá đẹp, quá thơ mộng trong thơ văn giờ đây Nhân nhìn tận mắt, thảo nào đã kích thích, thu hút mọi người đi dạo trong mưa... Nhân bách bộ đến bờ hồ, chàng lặng người trước thiên nhiên... mưa rơi nghiêng như một bức mành chao trong gió. Chàng chỉ len lén nhìn những hạt mưa rơi nhỏ li ti bám trên tóc của những thiếu nữ ngang qua, không dám nhìn kỹ vì có lẽ còn ám ảnh nỗi sợ của hai người tù cải tạo trong truyện của Nguyễn Gia Bảo. - Cậu ơi! Mua lạc rang giùm đi cậu! Tiếng khàn đục của một bà lão răng nhuộm đen, đầu vấn khăn, chiếc quần đen và chiếc áo nâu bạc phếch mời mọc. Một làn gió thổi qua, Nhân rùng mình, đáp lời bà lão: - Dạ, bà cho cháu một gói. Vừa đưa tiền xong, một đứa bé trai độ 6, 7 tuổi lò cò một chân đến ôm chầm lấy bà lão. Bà cụ lảo đảo khiến Nhân phải đưa tay đỡ và la lên: - Nhỏ, bà té bây giờ. Bà cụ cười hiền lành: - Cám ơn cậu. Nó là cháu tôi đấy! Đứa bé đưa mắt nhìn Nhân, chàng cười làm quen: - Cháu tên gì? Đứa bé im lặng. Bà cụ bảo: - Nào, Hiếu, ông hỏi sao không trả lời: "Thưa ông cháu tên Hiếu". Đứa bé lập lại: - Thưa ông cháu tên Hiếu. Nhân đưa tay xoa đầu nó rồi cười. Gió tạt qua, bà cụ run run bảo: - Có lẽ năm nay rét sẽ đến sớm! Và bà định chào để đi; Nhân gợi chuyện: - Cháu Hiếu là cháu nội hay cháu ngoại của bà vậy? Buông một tiếng thở dài não ruột, bà cụ đáp lời: - Là cháu ngoại đấy, thưa cậu. Con gái tôi lấy nhằm một thằng nghiện, vì thiếu thuốc đã chết năm ngoái, còn mẹ nó thì đi tù từ ba năm trước rồi! Nhân giật nảy người: - Sao mà phải đi tù? - Nó có chồng nghiện ngập, phải tự làm lụng nuôi con, có được chút vốn liếng hùn với người ta đi buôn hàng chuyến nào phích, nào áo quần, toàn đồ ngoại. Bị ghép vào buôn lậu, bị bắt vô tù; những người cùng chuyến với nó có tiền chạy chọt ra tù hết, còn nó bị kêu án tới mười hai năm... Tôi phải nuôi thằng Hiếu chờ ngày nó mãn tù chớ biết sao giờ? Nhân ngây người trước câu chuyện thương tâm mà chàng vừa nghe qua, bé Hiếu tròn mắt nhìn bà, như thắc mắc chẳng hiểu vì sao bà lại kể cho khách lạ nghe chuyện nhà. Hiếu kéo đứa bé đến gần và bảo: - Cháu đừng sợ, chú ở xa lắm... Bà cụ như chợt tỉnh: - Cậu là người ở đâu đến đây vậy? Hiếu lay tay Nhân như thúc dục câu trả lời. Nhân im lặng. Hiếu chán nãn bảo bà: - Thôi, bà ơi! Đi về, cháu đói quá! Bà cụ lật đật xốc cái rổ lên bảo: - Hôm nay ế lắm, bà phải bán thêm mới đủ tiền mua gạo... Thôi chào cậu. Nhân ấp úng vì xúc động khi nghe lời đối thoại của hai bà cháu: - Bà... bà cần bao nhiêu để mua gạo hôm nay? - Ôi ! Không dám phiền cậu! Và bà cụ lôi nhanh đứa bé đi như chạy trốn. Nhân chạy theo, móc hết số tiền lẻ trong túi trao cho bà cụ: - Bà lấy ít tiền này mua gạo cho cháu bé đi. Cháu ở Mỹ về, bà đừng ngại gì hết! Bà cụ đặt cái rỗ xuống bờ hồ, hai tay cầm lấy số tiền Nhân trao giọng nghẹn lại: - Cám ơn cậu nhiều lắm, nếu cậu ở Mỹ về thì tôi không sợ cậu mách với công an! Thật trời thương bà cháu tôi mới cho tôi gặp cậu hôm nay. Cậu cho tôi nhiều quá, tôi sẽ mua cho nó cái áo ấm tết này! Này Hiếu cảm ơn ông đi cháu! Bé Hiếu khoanh tay cúi đầu thật sát trước mặt Nhân... Nhân nghe mắt mình cay cay. Chàng cầm tay đứa bé bảo: - Cháu phải ngoan và nghe lời bà nhé!!! Nhìn theo dáng dấp hai bà cháu qua màn lệ, Nhân càng thấy mờ hơn bởi cơn mưa phùn... Bao nhiêu mùa xuân đi qua. Hôm nay xuân lại về, chàng chưa có dịp trở lại Việt Nam, nhưng lòng chàng nhức nhối mỗi khi nhớ lại mùa xuân ngày nào tại Hà Nội. Không biết giờ này, bà cụ còn sống để nuôi cháu hay cháu lại phải thay bà để đi bán lạc rang nuôi bà, chờ ngày mãn tù của người mẹ bất hạnh trên một đất nước tang thương và đầy bất công? Âm vang "Ai mua lạc rang không?" của bà cụ ngày nào như còn xoáy thốc vào tim Nhân... Nhân lặng người, ngồi ôn dĩ vãng khi nhìn những cánh mai giả lung linh trước hiên nhà... Tài liệu theo:doanket.web1000.com