Tôi tin rằng trong cuộc tiến hoá của nhân loại, có một số giá trị được tạo thành cùng lúc với ý thức sống của con người, ngay trong lòng những nhóm tộc nguyên thuỷ sống lẻ loi chưa hề biết tới giao lưu ; thí dụ cách lấy lửa, cách làm ra rượu thô sơ nhất, và cả một ý niệm huyền ảo thuộc về vũ trụ gọi là Mùa Xuân. Loài người đã biết tới lịch pháp từ những nền văn minh xã hội, nhưng ý niệm về mùa tất đã nẩy sinh từ những đáy thời gian sâu thẳm hơn nhiều, qua kinh nghiệm sống của người tiền sử. Vậy thì tiếp theo sau những tên gọi như đá, nước, lửa, trái cây, thú rừng... , có thể "Mùa Xuân" là từ trừu tượng đầu tiên của người hồng hoang, do một gã thi sĩ cổ sơ nào đó đã cất lên, để reo mừng hiện tượng bừng sống của trời đất sau những ngày dài lạnh lẽo phải trốn trong hang đá. Có một ngày ra khỏi mùa đông nhá nhem trên rừng, tôi mải mê nhìn cánh rừng tràn trề nắng ấm, nghe tiếng reo hát của dòng suối đã trong xanh trở lại, tiếng chim ngoẵng gọi nhau "đi họ đi làng" trên những đồi cây lá nón, và chợt nhận ra quanh tôi, những hoa dại đầu mùa đã vẽ những nét màu sáng tươi trên mặt đất. Đó là những ngày tiếp theo sau cái Tết kháng chiến đầu tiên của tôi ở rừng Khe Trái, và cũng là lần đầu tiên trong đời, tôi ghi vào sổ tay lòng biết ơn chất phát đối với nhà thông thái bàn cổ nào đấy đã nghĩ ra cho nhân loại hậu thế cái tên gọi tuyệt vời này, "Mùa Xuân". Từ thời còn trẻ, tôi đã nhiễm chứng ưu du của người Huế, lơ đãng nhìn tháng ngày. Quả thực tôi không mấy quan tâm đến cuốn lịch nhật dụng, mà trước kia vẫn mang dấu kiềm ấn Toà Khâm Thiên Giám. Tôi chỉ say mềm dõi theo cuộc biến ảo của Xuân Hạ Thu Đông, qua bộ lịch vĩnh hằng của Tự Nhiên viết trên cây cỏ. ở Huế, nhiều khi người ta không biết có Xuân về nếu không có cây mai vàng. Trong màu xám vô ngôn của mùa đông còn kéo dài quá mãi sau tiết Vu Thuỷ, sắc vàng của hoa mai đột hiện trong những khu vườn lộng lẫy như màu áo hoàng hậu. Những tuần cuối đông, cây mai Huế vẫn phong kín sắc vàng trong nụ hoa, để bừng nở trong dịp Tết, hoa phủ kín toàn thân. Thơ xưa nói là "toàn thụ khai thành nhất đoá hoa". Vườn Huế nào dù nghèo, vẫn dành chỗ cho vài ba cây mai, giống như di sản truyền cho nhiều đời, mai già thành cổ thụ, cành sậy tán lớn, toa? sáng cả một vùng chung quanh. Sáng mồng một Tết mở cửa nhìn ra thấy chúa Xuân đã tới bên thềm. Vì thế, dù là cây vườn mai vẫn tạo một gam màu hoành tráng của không gian lớn, như màu áo xuân nữ trời đất ban cho thành phố cố đô. Tuần hoa của mai khá dài, nụ mới tiếp tục nẩy thêm, nụ già nở hoa trên cành, và những cánh hoa đã nở xong rơi xuống thành những đám vàng tươi trên mặt cỏ khác nào "bóng hoa"=20 và đó là vẻ đẹp lần thứ hai của hoa mai. Nhìn nó, tôi không hề nhận ra chút tủi thân thường có ở những bông hoa đẹp tàn héo, chẳng hạn ở hoa trà mi hoặc hoa phù dung. Cánh mai rụng vẫn tươi nguyên dưới mưa phùn, trẻ trung khiến ưa nhìn, có lẽ tôi đang chứng kiến khoảnh khắc hoá thân nhẹ nhàng của hoa mai để luân hồi vào một mùa xuân khác.=20 Qua tiết nguyên tiêu, trong không gian tĩnh yên của những vườn Huế, sẽ hiện ra một nét bút kỳ tuyệt của thiên nhiên trên lụa, ấy là vẻ đẹp của hoa mai dưới màu trăng nguyệt bạch. Sau chiến tranh, tôi có một đêm xuân về thăm khu vườn cũ của bạn ở xóm Chỉ. Ngô Kha đã hy sinh, hai cụ thân sinh đã qua đời, cả ngôi vườn tổ phụ này để lại cho một người chị trông nom. Sau này, tôi rất sợ những khu vườn cũ ở Huế : cỏ cây vẫn y nguyên, nhưng người đã bỏ đi đâu hết, mỗi người trôi giạt theo một số phận, một phương trời, mình tôi quay lại... Tôi ngồi yên lặng trước thềm, nhìn ra trăng sáng đầy vườn. Ngày ấy, tôi và Kha thỉnh thoảng về đây giữa mùa trăng, ngồi dưới hiên tối với những thiếu nữ ríu rít ; có một ai để lại trên vai tôi ít nhiều hương tóc rồi đi, trong tuổi trẻ đầy biến động của chúng tôi. Tôi trở về ngồi một mình dưới mái hiên xông đầy hương bông lài bông lý, nhớ lại câu thơ Ngô Duyên - "Này tôi đã khóc này em mỉm cười"... Bóng cây khẽ động bên thềm, tôi nhìn lên và gặp cây mai năm xưa đang nở hoa. Lá non đã lưa thưa trên cành, và dưới ánh trăng lạnh, hoa mai bớt độ vàng của ban ngày để ngả sang màu hoàng yến, giọt sương lấp lánh rung nhẹ trên những nhánh gầy. Hoa đẹp có nhiều trên đời, mỗi hoa một vẻ không dễ so sánh, nhưng quả tôi chưa hề gặp một sắc đẹp nào giống như hoa mai lúc này ; có cả nét đam mê của hoa hồng, nét lẳng lơ của hoa hải đường, nhưng toàn phong vận vẫn toa? sáng vẻ thanh thoát cao sang của hoa lệ Quả là giai nhân dưới ánh trăng, Khi người xuất hiện, tất cả đào liễu đều nghiêng mình. Nhìn thì vẫn là cây mai, nhưng thoảng qua, tôi cứ thấy thấp thoáng một bóng người. Có lẽ hoa mai có một linh hồn. Có lẽ những Lan, những Hạnh, những Duyên của một thời thơ mộng mơ này đã xa tận Đào Nguyên, đêm nay lại về trong bóng Mai. Để tháng sau nếu tôi lại, tiên nữ đã bay về trời, chỉ còn con nhện thi sĩ lặng lẽ giăng lưới hứng những giọt vàng rơi cuối cùng trong nỗi si mê muốn kéo giữ mùa xuân ở lại. Cùng thời với hoa mai nhưng thầm lặng không ai biết, là mùa hoa sầu đông. Người Huế gọi tên cây như thế là đúng, vì không có loài cây nào trơ trụi trong những tháng đông dài như nó, nhìn cứ tưởng nó đã chết khộ Thoắt cái xuân về, trái tim vui trở lại cây sầu đông nẩy ra mấy chòm lá non hối hả để nở hoa, hoa nhiều và nghi ngút, xa nhìn như những đám khói trên cây. Lần ấy tôi đến thăm anh Lưu Trọng Lư ở sau chùa Linh Quang, mùi hương sầu đông bay đầy ngõ. Tôi có ý tìm, mãi tới cuối ngõ trước cổng nhà nới thấy một cây đang nở hoa. Hôm sau tôi ra phố Nguyễn Huệ, những cây sầu đông xoà những chùm hoa xuống gần sát đầu tôi, nhưng cố lắng nghe, tôi vẫn không bắt gặp một thoáng hương thơm nào hết. Tôi thầm nghĩ, hình như hoa sầu đông chỉ thơm ở những ngõ vắng. Trong lòng mỗi bông sầu đông trắng nhỏ xíu có mang một vết tím huyền, khiến nhìn gần những chùm hoa trở thành màu xám, vết tím ấy giống như chút kỷ niệm ẩn giấu trọng một ký ức đã mơ hồ. Lang thang một mình trên đường vắng tôi thường bắt gặp một mùi hương sầu đông rất sâu, chạm thấu từng tế bào của trí nhớ và đánh thức trong tôi nhiều điều như đã quên trong đời. Ôi, những kỷ niệm của tôi, sao lại thơm mùi hương sầu đông, lạ thật ! Năm nào cũng thế, trời lạnh dài suốt tháng chạp vắt qua giêng, lạnh buốt xương và sau đó, tất cả cây trong thành phố nối tiếp nhau rụng lá. Huế mùa lá trút hiện ra một gương mặt riêng, đầy những biến động bất ngờ trên cây cối. Dáng thay lá đẹp nhất là cây bàng. Bàng bắt đầu chuyển màu vào cuối đông, và với từng chiếc lá, từ màu lục già sang màu vàng, dừng lại vài ba hôm trên màu đỏ trước khi rụng. Vào giữa cuộc chuyển mình, cây bàng chơi màu rất đẹp, cùng lúc xen lẫn lục vàng và đỏ nồng nhiệt chất sơn dầu trong gam màu của Van Gogh, đến nỗi nhiều lúc tôi sửng sốt nhìn nó, tưởng đấy là một cây bàng vẽ bởi chính Van Gogh. Trước sau rồi cây bàng cũng tới kỳ lá đỏ, đỏ lộng lẫy không sót lại chiếc lá xanh nào cả. Trong không gian rộng, những cây bàng cổ thụ cao ngất nổi bật trên nền trời với những tầng lá đỏ rực và ướt đẫm, như thể lúc này, họ nhà bàng đang phơi ra giữa đời ngàn vạn lá gan còn tươi máu. Và rồi thực bất ngờ trong một hành động rũ sạch dĩ vãng quyết liệt, cây bàng rụng tận ngọn lá cuối cùng, giăng bày bên sông một giấc mơ giang phong ngư hoa? trong màu sương nào xa lơ lắc... Cánh bàng trụi lá trông giống những bàn tay gầy guộc khô khốc, đầu bàn tay hơi cong lên trong cử chỉ ngửa in một chút gì của thời gian. Người Mẹ Tạo Vật hào hiệp không để nó phải chờ lâu ;=20 chỉ vài hôm lộc non đã tràn đầy trên bàn tay mùa đông của cây bàng. Dáng mọc của lộc rất lạ, thẳng đứng trên cành, như thể là đêm qua có ai đã thả ngàn vạn búp lá nhỏ xíu từ trên trời, xanh biếc chi chít đầy cành và xoay thành những tán tròn quanh thân cây. Lá non lớn nhanh, đứng thẳng và cao chừng gang tay, cuộn tròn rất giống những chiếc tai thỏ, giống đến nỗi khiến tôi bật cười nghĩ rằng cây bàng nghịch ngợm đang diễn cho xem tài nhại tai thỏ của nó, như trò chơi của trẻ con bằng bóng bàn tay in lên vách. Vẫn chưa hết chuyện lạ : khi những tai thỏ xoè ra thành vài ba chiếc lá nhỏ, cây bàng nẩy thêm một lứa lộc lần thứ hai màu đỏ đọt mưng giữa những chùm lá ; tán bàng bây giờ là một màu áo lục non lỗ đỗ những vết hoa hồng thẫm. Chỉ trong vòng mười hôm từ khi nẩy lộc, nhìn lại thấy lá đã già trên thân cây đầy những hốc bướu cổ quái, tưởng như cây bàng vẫn y nhiên như thế từ trăm năm. Ai ngờ trên thân thể đại lão của nó là một linh hồn rất trẻ, bởi không một chiếc lá nào của năm ngoái còn lại trên cây. Hết tiết mưa, trời sáng và ấm dần, khởi đầu mùa sương mù trên sông Hương. Có một chút nắng để nhìn thấy dòng sông trôi nhẹ trong màn sương lam mơ màng, nửa như khói, nửa như hơi rượu. Vào buổi chiều khói sông mờ mịt tưởng chừng có thể làm cay mắt người. Ngày quang đãng vào lúc này núi hiện ra rất gần, thấy từng nét cong, từng lớp mạnh mẽ của cấu trúc, và cả những mảng màu khác nhau của đá và cây. Bây giờ núi non biến mất trong khói xanh, chỉ=20 còn thoáng một nét nhạt mỏng manh ở đầu sông. Ngồi thuyền nhìn lên, chỉ thấy hai vệt cây dài ven sông nhạt nhoà trong một cõi sương mờ ảo xa thẳm, tuồng như sông Hương đang trôi đi giữa rừng. Có ai nghĩ rằng đằng sau vệt cây kia là một kinh thành với đền đài, cung điện và ngai vàng... Thảo nào những thi nhân Huế xưa thường nói rằng cuộc đời là một giấc mộng dài. Lần ấy tôi chơi thuyền với Bằng Việt và ông bạn đồng nghiệp Evguénie Sidorov, Viện phó Viện Văn học Gorkị Sương mù đầy khoang thuyền, len vào giữa câu chuyện của chúng tôi, như thể là chúng tôi đang chuyện trò ở thế kỷ trước. Bằng Việt vẫn thế, nét mặt nghiêm chỉnh và ngơ ngác sau kính trắng, thông báo một điều mà tôi tưởng là nói đùa - Tôi cũng là người Huế. Tôi sinh ra ở thành phố này. Sidorov gật đầu - Không ai có thể chọn nơi mình sinh ra. Nhưng tao mừng cho mày đã sinh ra ở một thành phố đẹp đến thế. Về Mạc Tư Khoa, suốt đời tao không quên nổi dòng sông này, màu sương này... Và tôi cũng thế, không bao giờ tôi quên được là giữa ba chúng tôi đã có một buổi chiều ngồi với nhau chỉ để đàm đạo về sương khói... Tôi ít quan tâm đến cây xà cừ, dù bao ngày nắng hè tôi đã ngồi nghỉ dưới bóng mát của nó. Cây xà cừ lực lưỡng rắn rỏi, có vẻ không thiết gì đến những hoa trái của chính nó, bình thản đứng bên đường trong một vẻ trung niên bền bỉ, không hồi hộp, không chờ đợi. Nó lầm lỳ không để ý tới ai, nên cũng không khiến ai chú ý tới nó. Thế mà có một mùa xuân, cây xà cừ đã gây một biến cố chấn động tâm hồn tôi, có lẽ còn muốn bảo cho tôi biết thế nào là lễ độ đối với nó. Tôi nhớ rõ năm ấy vào khoảng tháng ba, Huế có vài ngày trời dịu êm rồi chuyển sang một cơn gió bấc lạnh khô, lạnh thấm thía cả xương thịt, chắc là rét nàng Bân. Đột nhiên những cây xà cừ trong thành phố ngả vàng trong một đêm, vàng từng mảng trên cây, và trong chừng ba hôm, toàn cây xà cừ đã vàng hết lá. Phố tôi ở trồng xà cừ, đầu ngã tư có một cây cao lớn nhất thành phố, có lẽ thuộc thế hệ thứ hai sau những bậc tiền bối thuộc họ bàng, sứ, bồ đề, v. v... , đã vàng tận ngọn như vậy. Cái bóng đồ sộ của nó vượt cao quá những tầng nhà, đi từ xa tôi đã thấy một tán vàng chói lọi, át cả màu lục non của lá mùa xuân chung quanh, trông tráng lệ, kỳ lạ, và phải nói là đẹp vô cùng. Trong nắng nhạt, nó chói lên bằng ánh sáng kim loại đúng là vàng y, như tôi có thể hái để gửi vào ngân hàng vậy. Nghe nói trong cung Huế ngày xưa có cành vàng lá ngọc, nhìn y như thật. Tôi cười khan theo giọng Trang Tử, rằng nếu định bắt chước thiên nhiên thì phải mấy triệu năm mới làm ra nổi cây xà cừ này của tôi, món quà tặng muôn vàn mà trời đất đã nhẹ nhàng trao cho tôi chỉ sau một giấc ngủ đêm xuân. Suốt mùa xuân Huế, hàng ngày tôi vẫn gặp ngoài đường những chị công nhân im lặng đấy những xe ba gác chở đầy lá mang đủ họ cây trong thành phố. Không biết các chị sẽ mang đi đâu, bấy nhiêu lá rụng ? Sau mùa lá non, khi màu mai vàng chủ mệnh của mùa Xuân vừa trở thành kỷ niệm cũ, cây cối dường như đã hết vốn về màu sắc, thì rất đúng lúc, cây vông nở hoa. Vông vốn là cây hoang dã, hình dáng thô kệch, người ta chỉ trồng ở nơi khuất nẻo, ven sông hoặc phía sau những toà nhà. Tôi tin rằng cây vông đã được trồng hẳn hoi, bởi những nhà quy hoạch thuở ấy dựng kinh thành Huế. Chính họ mới biết tới cái đẹp bất ngờ của hoa vông. Người Pháp vốn rất nhạy cảm với Huế nên vẫn giữ nguyên loại cây này, ngay cả cây vông đồ sộ cạnh toà nhà bưu điện thành phố. Đúng, nếu không có mùa hoa vông, như một dấu dièse của màu sắc, bản nhạc xuân của Huế e chừng sẽ quá dài trong một cung Mi-thứ êm dịu nhưng quả là buồn ; dù sao đấy cũng là mùa của mặt trời đi ngủ sớm, và của những con chim bay đi tìm nắng ấm chưa trở về. Người Huế xưa đã trồng cây vông bằng tấm lòng chắt chiu đối với niềm vui của một thành phố vốn rất dễ buồn. Hoa vông nở dày đặc kín cả cành ; những lớp cánh hình sau đỏ rực tung toé giống hình ngọn lửa, đúng là loài cây nở ra lửa, rất trùng khít với ý niệm "mộc sinh hoả" nhìn thấy bằng mắt. Cây cao bóng cả, màu đỏ hoa vông vượt lên giữa thinh không , dưới nó là cái nền đen xám của những mái nhà. Màu hoa đỏ thắm, trong như ngọc và toa? ra ánh sáng ; sách địa lý nhà Nguyễn nói rằng "ánh hoa chiếu vào vật khác đều đỏ thẫm". Chắc có một lần công chúa Huyền Trân đã đứng ngắm bông hoa thắm này bên sông Châu Hoá, hoa và mặt người đã soi hồng cho nhau, giống như hoa đào trong câu thơ Thôi Hộ. Và từ đó, màu hoa thắm thiết tới muôn đời... Mùa hoa vông chỉ dài chừng một tháng như là bóng hồng ghé qua sau tiết Thanh Minh, để bàn giao mùa màng cho hoa phượng. Một buổi sáng, tôi tình cờ dậy sớm, ngồi nhìn sao mai qua cửa sổ phòng viết sau nhà. Trên mái đen thẫm của dãy nhà bên kia chợt ló ra một vệt sáng chạy dài theo đường nóc, vệt sáng mỏng như một đường viền đăng ten có màu tím, rất tím, đúng màu tín than. Vệt sáng rộng dần, tươi lên thành màu hồng. Trong khoảnh khắc, nó chuyển sang màu ngọc bạch, như màu da trái đào non, trên đó hiện bóng vài con chim én bay liệng. Tôi vừa cúi xuống ghi chép vài dòng về cảnh tượng trước mắt, ngẩng lên đã thấy mảng trời màu trắng ngọc kia biến thành những vệt sáng rộng lớn hình rẻ quạt màu hồng, sẫm dần thành màu đỏ thắm trên một nền da trời xanh lợ Và cũng chỉ trong chốc lát, những nan quạt tan biến, nền trời hửng lên một màu trắng rộng thênh thang, trắng hẳn như là sữa pha, để dịu dần xuống trong màu xanh dịu dàng của nền trời phía sau. Trên màu trắng ổn định ấy của buổi sớm mai nhô cao lên phía bên kia mái nhà, tôi chợt nhìn thấy mấy chùm đỏ của hoa phượng đầu mùa... Chưa bao giờ tôi được chứng kiến một bình minh huyền ảo đến như vậy. Tâm hồn tôi thốt nhiên tràn đầy một nỗi xúc động vừa sâu thẳm vừa rộng lớn, vượt khỏi bản thân tôi để đưa tôi hoà nhập vào cuộc chơi linh diệu của ánh sáng. Tôi biết là mùa hạ đã đến. Huế, cuối năm 1996.