Sự xuất hiện của cô bé với vai trò thư ký đánh máy làm cuộc sống bình thường đột nhiên xáo trộn. Tất cả nhân viên tại văn phòng đều công nhận cô bé thật dễ thương. Những người thanh niên bắt đầu vui vẻ hơn và đám sồn sồn thì có những săn sóc đặc biệt dành cho cô bé. Tự dưng cô bé thành cục cưng của mọi người. Hai người bạn đồng nghiệp trẻ tuổi của chàng bắt đầu mở cuộc tấn công. Còn chàng dĩ nhiên đứng ngoài đóng vai cố vấn. Mặc cảm của một người vừa đến Mỹ vài tháng, hơn nữa cộng với tuổi tác – chàng hơn cô bé đúng một con giáp – nên tự giác là đúng. Cũng nhờ xác định đứng ngoài chiến trường nên chàng đối với cô bé thật bình thường. Sự thân mật với cô bé qua lối xưng hô ”chú cháu” khiến chàng thấy vai trò cố vấn của mình ”nặng” thêm. Hệt như đám đàn ông, kể cả có vợ lẫn chưa vợ đều cảm thấy cô bé dễ thương trên một mặt nào đó. Chàng công nhận cô bé rất thợ Có nghĩa là trong cái nhìn của chàng cô bé là mẫu người thợ Hợp với những người hay mơ mộng như... chàng chẳng hạn. Cô bé hay hỏi đủ thứ về chuyện Việt nam, còn chàng là người vừa đến nên trong văn phòng chàng trở nên thân thiết với cô bé trước tiên. Trường hợp này cũng dễ hiểu thôi, một người thích nghe để biết, một người thích nói để đỡ.nhớ. Nên đã hợp lại càng... hợp hơn. Điểm đặc biệt là lối nói chuyện của cô bé. Sau mười ba năm ở Mỹ những từ ngữ Việt được thay bằng từ ngữ Mỹ khá nhiều. Ban đầu hơi chói tai, sau quen. Dần dà thành một cần thiết. Vì qua các mẩu đối thoại, chàng cảm thấy được an ủi không ít. Mặc cảm... mới sang dần dần mất. Càng ngày chàng càng gần cô bé hơn.

Có lần chàng kể cho cô bé nghe về Tết Việt nam. Cô bé nghe chăm chú và sau cùng kết luận.

– Vậy là cháu đã ăn chín cái Tết giả vờ ở Mỹ. Đây là lần thứ mười.

– Có pháo không?

– Có ở... cassette.

– Còn bánh chưng?

– Bánh chưng là gì?

Cô bé hỏi lại với giọng ngớ ngẩn. Chàng làm một màn giải thích và kể lại câu chuyện Lang Liêu. Nghe xong, cô bé gật gù thích thú.

– Hay quá! Sao chú biết mấy chuyện này?

– Chú học hồi nhỏ.

– Học?

– Phải. Học ở những năm tiểu học.

– Môn nào chú?

– Việt sử.

– Tụi cháu chẳng được học Việt sử. Uổng ghê! Cô bé nói giọng ngậm ngùi, rồi ngập ngừng.

– Mà... mà... Việt sử là môn gì?

Thêm một câu hỏi, chàng lại làm một màn thông dịch. Thật khó khăn với trình độ sinh ngữ của một thuyền nhân vừa đến Mỹ chưa đầy ba tháng và chê học sinh ngữ vì lười.

–... History... Of the... Vietnamese.

– Vietnamese history.

Cô bé sửa lại với một giọng Mỹ... nhà nghề. Chàng mỉm cười. Đã hết bực mình như những ngày vừa gặp. Thật tình mà nói, trong những lần đối thoại đầu tiên chàng đã khổ sở vì đám từ ngữ lai căng cô bé thường dùng. Qua một câu nói, luôn luôn cô bé cho hai thứ ngôn ngữ giao duyên với nhau.

– Chú ở trong jail được mấy năm?

– 6 năm.

– Vi xi có đánh chú không?

– Dĩ nhiên.

– Too bad. Rồi sao chú escape được?

Chàng nhíu mày cố hiểu nghĩa ”escape” dành cho trường hợp nào. Trốn khỏi tù hay trốn khỏi Việt nam? Bực mình chàng trả lời đại:

– Bằng thuyền nhỏ.

– Văn minh quá hén!

– Cái gì văn minh? Chàng ngạc nhiên hỏi lại.

– Thì ở Việt nam mới có phương pháp nhốt tù trên mặt nước.

Chàng bật cười nói lại nghĩa của mình. Cô bé à lên một tiếng. Chàng chuyển sang chuyện khác.

– Trường cháu học có xa không?

– Gần chợ Target.

Lần này thì chàng bí thật. Target? Chàng đực mặt ra cố moi trí nhớ xem chữ đó nghĩa là gì.

– Chú nghĩ gì thế?

Nếu không phải là cô bé thì chàng đã dẹp bỏ tự ái để hỏi ngay nghĩa chữ đó. Nhưng đây chỉ là một cô cháu nên chàng đành im lặng cố nhét từ ngữ khốn kiếp đó vào đầu để về nhà tra... từ điển. Kết quả của việc tự ái này là không bao giờ chàng quên được. Đêm đó về nhà chàng lôi cuốn từ điển Nguyễn văn Khôn ra tra chữ Target. Lật ra, chàng ngẩn người. Có đến năm nghĩa. Biết chọn nghĩa nào? Sau cùng chàng chọn nghĩa thứ năm. Có vẻ hợp lý hơn hết – dĩ nhiên là chỉ hợp lý với chàng. Target là thịt cừu phần vai đã chặt nhỏ. Vậy chợ Target là chợ bán thịt cừu đã chặt. Cuối tuần đi mua lương thực, chàng hăm hở đến Target. Mua thịt thì đến chợ bán thịt dĩ nhiên rẻ hơn là cái chắc. Một vòng. Hai vòng. Chẳng thấy miếng thịt nào cả! Toàn quần áo, Cassete... Hay mình lầm? Vòng ra phía trước vẫn thấy hai chữ Target sơn đỏ chói. Lấy làm lạ, chàng đảo vào lần nữa. Vẫn chẳng thấy thịt. Hay cuối tuần ho... kiêng thịt? Để chắc ăn chàng đến hỏi nhân viên thu ngân.

– Ở đây bán thịt vào ngày nào?

– Bán thịt? Người thu ngân hỏi lại ngạc nhiên.

– Phải.

Cô gái Mỹ nhìn chàng bằng cái nhìn – mà mãi sau này chàng mới hiểu.

– Đây không bán thịt. Nếu ông muốn mua thịt thì đến Safeway.

Về hỏi lại bạn bè chàng mới hiểu mình là thằng ngố. Đó chỉ là tên riêng của một siêu thị chuyên bán tạp hóa.

– Ở Việt nam school gần house chứ?

Cô bé lại hỏi bằng thứ ngôn ngữ kỳ quái. Lần này thì dễ hiểu hơn.

– Còn tùy nơi ở. Như nhà chú đến trường hơi xa, phải đi xe.

– Hồi còn đi học chú đi xe gì?

Chàng phá ra cười. Xe hơi? Trời đất! Chàng nhìn cô bé tội nghiệp. Mười năm ở xứ người cô bé đã mất cả ý niệm về quê hương. Tưởng tượng đến một xứ Việt nam mà học sinh trung học đều đến trường bằng xe hơi thì buồn cười thật. Lấy chỗ đâu mà đậu xẻ Chàng nói ý nghĩ đó với cô bé.

– Không có chỗ... parking?

Lại phải giải thích về sự nghèo khó của quê nhà. Cô bé tròn xoe mắt và thỉnh thoảng thêm vào tiếng “Tội quá! tội quá!”.

Cảm tình bắt nguồn từ đó. Nhưng ngưng lại tại mức chú cháu. Mặc cảm quá già đối với cô bé khiến chàng ngậm ngùi nhìn hai người bạn cua cô bé. Đã bao lần chàng lẩm bẩm câu ”Phải chi là mình” khi thấy hai chú gà trống bị quay một cách tàn nhẫn. Con gái chúa khôn. Luôn luôn khôn hơn đám thanh niên cùng tuổi hay lớn hơn một tí. Dù bất cứ lúc nào, ở đâu. Chàng thường bắt gặp hình ảnh của mình vào những năm 18 tuổi tại hai người thanh niên. Mặt đỏ bừng và đâm ra cà lăm. Họ chẳng biết nói gì hơn những chuyện – mà theo chàng là tầm phào, chẳng cần thiết để áp dụng vào tiến trình chinh phục một cô gái. Mười lần như một, các mẩu đối thoại đều bị tịt ngòi. Ngưng ngay chỗ đáng tiền nhất. Thường những lần đó chàng lắc đầu tự than bằng câu nói bắt đầu với hai chữ ”phải chi”. Rồi sau những lần phải chi đó tự nhiên chàng thấy mình có nhiều kinh nghiệm về tình yêu. Chàng thường... luận với hai người bạn về nghệ thuật cuạ Diễn nôm là những bài học về ”cách chinh phục một người con gái”. Dĩ nhiên chàng là người nói nhiều nhất. Chiến trường. Sự việc vừa xảy ra. Nhân vật hai thanh niên. Chàng lôi ra một mớ thuyết tạp nhạp từ sách báo, từ những mẩu... hoa thơm cỏ lạ. Mỗi lần dẫn chứng, chàng nêu tên các danh nhân từ cổ đến kim. Ông này có nói, bà kia có bảo. Sau cùng một trong hai thanh niên cảm thấy... ngộp thở nên xác định chinh phục cô bé còn khó hơn vượt biên. Và bỏ cuộc.

– Vậy là thay vì... im lặng. Em phải nói thế nào? người thanh niên còn lại hỏi.

– Chú phải cười nhẹ. Chàng hùng hồn trả lời. Và tiếp theo bằng câu: ”Ừ nhỉ! Phải công nhận là cô đúng!” chớ có cãi lại mà chết. Xong, tiếp qua chuyện khác...

Người thanh niên gật gù tỏ vẻ đã hiểu. Nhưng chàng biết anh ta sẽ bí, sẽ tiếp tục bí, vì tất cả những mẩu đối thoại đều không giống nhau. Anh ta không thể nhậy như chàng. chàng tự hào thế và an tâm với chính mình trong... nỗi buồn. mình già rồi. hơn cô bé những một con giáp chứ ít sao? chẳng bao giờ chàng sẽ phải đối mặt với những mẩu đối thoại như thế.

quả tình đến lúc chàng cũng đau đau khi thấy cô bé cười nói thân mật với hai thanh niên. Ghen chăng? Làm gì có! Đã bảo là không thể yêu một cô cháu được mà. Dù hai tiếng chú cháu giữa chàng và cô bé chỉ có nghĩa tượng trưng. Không liên hệ họ hàng gì xất. Nhưng chàng vẫn thấy không được.

Thỉnh thoảng trong đêm chàng vẫn mơ mộng đến một cuộc tình nào đó mà chàng đóng vai chánh. Để an ủi. Để dễ ngủ. Và những đêm nằm trong basaement mơ mộng đó luôn luôn có hình ảnh cô bé về trong giấc ngủ. Tỉnh dậy, chàng bàng hoàng với giấc mộng. Sao lại nghĩ thế? Đó chỉ là cô cháu dễ thương và thông minh thôi. Bổn phận của chàng là làm mai cho người bạn trẻ. Bao giờ họ yêu nhau thì chàng cũng được... vui lây.

Tưởng thế, nhưng – cuộc sống vẫn có những tiếngnhưng nên tất cả mọi việc đều tương đối, ngay cả ý nghĩ – đó là một buổi chiều thứ sáu.

– Cô cháu đánh máy như chơi đàn piano.

Câu nói thí dụ trong một buổi luận về tình yêu được áp dụng thật độc đáo. Cô bé chớp chớp đôi mắt to đen nhìn người thanh niên có vẻ cảm động. Chàng theo dõi chăm chú. Đến lúc này, tự nhiên có một cơn đau nhẹ phát xuất từ lồng ngực trái, lan rộng. Câu nói phải chi bình thường cũng biến đâu mất. Sau vài giây cô bé mỉm cười.

– Thật không?

– Thật chứ, cô không thấy sao? Đã bao người ngồi đánh máy nhưng chẳng ai cho tôi ý nghĩ đó. Đến bây giờ tôi mới bắt gặp...

Người thanh niên ngưng lại. Đúng như lời sư phụ dạy. Nguyên câu nói chàng đưa ra làm thí dụ – nếu viết nguyên câu thì chẳng sai một dấu chấm – vì dấu chấm được ngưng lại hai giây và cuối câu bỏ lơ lửng với ba chấm. Thật là ngọt. Đột nhiên chàng xót xa khi thấy thằng học trò course tình yêu đâm ra thông minh. Mẹ kiếp! chàng lẩm bẩm chửi thề một mình.

– Thường thì cuối tuần cô làm gì?

Bây giờ chàng tròn xoe mắt nhìn tên học trò thán phục. Thuộc bài và áp dụng đúng lúc. Thường thì cuối tuần cô làm gì? Có bao giờ ngồi tại một góc của quán cà phê Việt nam... ? Ngưng lại để chờ câu hỏi. Để làm gì? Để nói chuyện và... nhớ về Việt nam. Cứ thế cho đến lúc cuối cùng là câu nói.

– Mình đến quán Sàigòn Market nhé...

Đó là bài học ”mời bạn gái uống cà phê”. Khi câu cuối cùng của bài học vừa được áp dụng xong chàng mới nhận thấy một điều: không phải tất cả những câu danh ngôn đều đúng. Chẳng hạn như câu nói của ai đó – mà lúc này chàng không thể nhớ nguyên văn – có đại ý: sự thành công của học trò là hạnh phúc cho người thày. Sai bét và ngược lại nữa là khác.

Chàng buồn rầu nhìn đống giấy tờ bừa bãi trên mặt bàn khi cô bé chào chàng để đi uống cà phê với tên học trò của mình.

Dĩ nhiên đêm đó chàng mất ngủ. Sáng thứ hai đến sở với gương mặt hốc hác, chàng gượng vui trước những lời chào hỏi. Mọi người chẳng ai để ý đến sự thay đổi. Điều này làm chàng buồn hơn, vì mọi người có nghĩa là kể cả cô bé. Tên học trò với nét mặt hân hoan, đưa bàn tay phải với ngón trỏ và ngón cái chạm nhau thành cái vòng tròn nhỏ.

– Sư phụ siêu thật.

Chàng gượng cười.

– Sau màn uống cà phê, cô cậu làm gì?

Đây là lần đầu tiên nói chuyện với người thanh niên chàng thay đổi thái độ. Không còn mạnh dạn như thường lệ. Thay vào đó là giọng nói nhẹ và hồi hộp chờ câu trả lời.

– Đâu dám gì nữa. Uống cà phê xong em đưa về liền.

– Đã... đã nắm tay chưa?

– Chưa. Tên học trò nói giọng tiếc nuối. Lát nữa ông thầy bầy em nghe.

Chàng mừng rỡ gật đầu và trở về chỗ ngồi. Vậy là chưa có gì xảy ra. Chỉ mong tên học trò quên đi chuyện học nghề. Nhưng như tất cả những con gà mới nhú cựa đá thắng trận đầu, vừa nghỉ giữa giờ người thanh niên đã đến bên chàng. Trên tay hắn bưng hai ly coca đầy ắp.

– Sư phụ uống miếng nước.

Chàng nén một tiếng chửi thề. Cầm ly nước và bắt đầu bài học mới. Tên học trò nghe chăm chú, chẳng thèm để ý đến khuôn mặt đau khổ của chàng. Cứ thế, mãi đến lúc hồi chuông báo hết giờ nghỉ hắn mới chịu tha chàng.

Trên mặt bàn hai ly nước ngọt vẫn còn nguyên.

*

Chẳng biết tên học trò tiến đến đâu, nhưng chàng từ hôm ấy có thêm một thói quen mới. Mỗi chiều, sau khi tan sở chàng thường đến khoảng đất hẹp dưới chân chiếc cầu của con sông chảy ngang thành phố. Đứng tần ngần sát dãy cọc xi măng nằm giáp ranh mặt nước. Con sông vào mùa này đã đóng băng. Những mảnh băng nhỏ trôi lững lờ. Hệt như chàng cũng lờ lững trong cuộc sống. Xa lạ với đám người chung quanh, với xã hội đang sống. Chàng ở một thế giới riêng biệt. Như loài ốc, chàng thu mình trong khoảng không gian nhỏ hẹp. Tưởng sẽ hết cuộc đời trong bình lặng, lãng quên. Không ngờ lại thế này. Ba mươi mấy tuổi đầu lại yêu và thất tình một cô bé hai mươi. Cũng chẳng có những buổi chiều cuối tuần, chàng hình dung đến một góc của quán cà phê Sàigòn nằm ở phía tây thành phố. Chắc cê bé đang ngồi đó với người thanh niên để... nhớ về Việt nam. Chàng đã ngớ ngẩn tự hỏi: Sao chẳng là mình? Và đột nhiên thèm được nói chuyện với cô bé. Bấy giờ chàng thường bắt gặp mình thấy lại những mẩu đối thoại ngộ nghĩnh với cô bé, để nhận ra một điều mà chàng không ngờ: Chàng đã yêu cô bé. Từ lúc nào? Chẳng biết. Nhưng chàng hiểu điều đó đúng.

Cũng tại khoảng đất nhỏ dưới cầu, chàng bắt đầu trở thành... thi sĩ. Một thi sĩ đặc biệt với những bài thơ không chấp nhận mùa xuân. Trong những bài thơ của chàng mùa xuân bị nguyền rủa thậm tệ. Xuân xót xa, xuân đã chết, xuân cùi, xuân cà chớn... Toàn là những xuân quái gở. Đôi lần đọc lại chàng giật mình, không ngờ mình lại... mần thợ Lại là thơ thất tình mới chết chứ. Cuối cùng chàng khẳng định chỉ có mùa xuân giả vờ tại Mỹ, như một lần cô bé đã nói. Tình yêu cũng thế. Tại sao cô bé lại đến với thằng học trò ngờ ngờ? Hay tại mình nghèo? Không có xe mới? Hay tại cô bé quen với lối sống hào nhoáng của xã hội này? À! Điều này chắc đúng. Thảo nào cô bé lơ chàng cái một. Nhưng... nhưng cô bé đâu biết chàng yêu cô bé. Đã có lần nào chàng áp dụng những bài học đã dạy đối với cô bé đâu? Chỉ nói chuyện tầm phào... thế đấy, mỗi chiều chàng hay đứng dưới chân cầu lẩm bẩm những câu nói lộn xộn từ những ý nghĩ... lộn xộn trong đầu.

Cho đến một buổi chiều của tuần lễ cuối cùng trong năm. Bạn bè cùng sở họp lại để bàn việc tổ chức một buổi tất niên. Chàng ngồi yên, mặc thiên hạ bàn tính. Đóng 15 đồng? Ok. Đóng 20? cũng Ok. Bao nhiêu cũng được. Đêm 29? Ok. Đêm 30 để ngày mồng một là thứ bảy nghỉ cho khỏe nếu lỡ chơi khuya? Cũng Ok. Sao cũng được, chủ yếu là nhậu, làm gì có xuân với Tết. Chàng nghĩ thế.

Nhưng cô bé lại là người hăng nhất, đưa ra nhiều ý kiến nhất và nằng nặc đòi tổ chức tại nhà cô bé. Mọi người đồng ý. Chàng đồng ý theo. Dĩ nhiên.

*

Buổi tiệc tất niên kéo dài trong sự vui vẻ, ồn ào. Duy chỉ có mình chàng im lìm ngồi nhìn mọi người. Cô bé vẫn ngồi cạnh tên học trò của chàng. Đêm nay cô bé thật xinh trong chiếc áo dài xanh nhạt. Nhìn cô bé cười nói với người thanh niên chàng đột nhiên buồn rầu với ý nghĩ mình đã già và hết thời. Tự nhiên bộ complet trên người chàng đâm ra kệch cỡm trước chiếc áo chim cò của hắn. A! Chàng vừa nhận ra một điều nữa: Chàng đã nâng tên học trò lên tiếng hắn. Có nghĩa là anh ta đã ngang hàng với chàng. Trời đất! Mình xuống cơ vậy sao?

Gần nửa đêm khách về hết, chỉ còn lại hắn và chàng. Sau cùng người thanh niên đứng lên chào chàng, rồi cười thật tình với cô bé. Những lời chúc tình tứ vang lên. Chàng bưng ly rượu uống một hơi. Vị cay nóng bỗng dưng dễ chịu khi qua cuống họng.

Chàng đứng dậy lảo đảo. Chắc say mất, từ tối đến giờ mình uống hơi nhiều. Tự nhủ và cố gắng bước ra cửa. Cô bé nhìn theo với ánh mắt riễu cợt.

– Chú về hả?

Không trả lời, chàng lầm lì bước ra cửa. Cô bé đi theo. Qua khỏi dãy tam cấp chàng dừng lại, quay sang cô bé. Cô bé mỉm cười.

– Happy new year.

– Chúc một năm mới hạnh phúc.

Vẫn nụ cười tinh quái trên môi, cô bé hỏi lại.

– Hạnh phúc? Thank yoụ Nhưng với ai?

Chàng im lặng nhìn cô bé thật lâu. Với gương mặt đưa đám chàng nói nhanh.

– Với cậu X...

Dứt câu nói là hai cái tát thật nhanh và mạnh. Nhưng không phải chàng tát mà chàng là người nhận. Chàng ngẩn ngơ nhìn cô bé. Dưới ánh sáng của bóng đèn đường, trên gương mặt cô bé có hai giọt nước mắt lăn tròn từ đôi mắt đang mở to.

– Chú ngu lắm! I love you...

Lần đầu tiên chàng thấy lối nói chuyện Mỹ Việt giao duyên thật là tiện lợi. Ít nhất cũng đúng trong trường hợp này. Cô bé úp mặt vào ngực chàng sau câu nói. Chút hơi lạnh từ hai giọt nước mắt thấm qua áo, lẫn vào hơi thở nồng ấm của cô bé làm ngực chàng lại nhói đau. Nhưng cơn đau thật êm đềm dịu ngọt.

Chàng chợt hiểu không ai có thể biết được tình yêu là gì để dạy về yêu. Cũng như không phải tất cả những cô gái ở Mỹ mười ba năm chỉ biết yêu sự hào nhoáng. Nên mùa xuân vẫn có ở Wichita.

Hết