Hằng tháo cặp kính cận bỏ lên đầu giường và đưa tay dụi đôi mắt mệt mỏi. Ngay cả những dòng chữ “O Chuột” của Tô Hoài, tập truyện mà nàng ưa thích nhất, cũng đã bắt đầu lu mờ trên trang sách. Nàng liếc nhìn đồng hồ báo thức rồi thở dài khi thấy đêm đã thật khuya.
Lâu nay nàng có thói quen đọc sách, loại nhẹ nhàng vui tươi, để ru giấc ngủ, vì buổi tối nàng hay nghĩ ngợi lẩn quẩn, nhất là sau khi Thủy, người bạn gái đã từng ở chung nhà, đi lấy chồng qua tiểu bang khác. Một năm trước vừa ly dị với Duy, nhà cửa bán chác xong, còn đang đi kiếm một căn chung cư nhỏ hợp với túi tiền, thì nàng gặp Thủy. Thủy rủ về ở chung cho vui. Trước đó, nàng cũng chỉ quen Thủy sơ sơ tuy rằng sau này hỏi chuyện mới hay ở Việt Nam cả hai đã cùng học bên phân khoa Luật và hít thở chung không khí Sàigòn.
Thủy có gia đình đầy đủ ở Texas, cha mẹ, anh chị em. Thủy rất Mỹ, nghĩa là sống rất độc lập. Tốt nghiệp đại học xong được giốp bay qua đây nhận việc, với lương bổng cao, mướn một căn chung cư sang trọng có hai phòng ngủ, đi xe BMW, sinh hoạt với bạn bè Mỹ, một năm đi nghỉ khỏe hai lần ở những nơi nghỉ mát nổi tiếng. Thủy ít về thăm nhà, Hằng ngạc nhiên thì Thủy trả lời tại thích đi chơi chứ không phải là giận hờn xa lánh gia đình - trong khi đó Hằng lại ao ước giá gì nàng cũng có một mái gia đình để trở về, một địa chỉ để viết thự Tánh Thủy hời hợt, mau giận rồi mau quên, Thủy không để tâm nên hai người bạn gái ở chung với nhau cũng không có gì phiền hà xích mích. Hằng vừa trải qua cảnh ly dị khổ đau, có Thủy cũng vui và an ủi phần nào. Nhưng chỉ được sáu tháng thì Thủy lấy chồng, theo Đằng qua Denver.
Hằng với tay tắt đèn và nhắm mặt lại, hy vọng là giấc ngủ đêm nay sẽ đến dễ dàng, nhưng rồi nàng vẫn không ngủ ngay được, kỷ niệm xưa, đời sống cũ quay về rõ rệt như mọi việc chỉ mới xảy ra hôm qua, dù nàng đã rất mệt mỏi sau một ngày dạy học, nàng ôm gối lăn qua lăn lại.
Nàng tự hỏi thầm cả đến chục lần, tại sao những người đã yêu nhau tha thiết, dắt díu khổ cực chạy qua được xứ người, như nàng và Duy, lại có thể thay lòng đổi dạ một cách mau chóng bất ngờ? Sao trái tim lại có thể biến đổi thương yêu thành hận thù trong chớp mắt, trong khoảnh khắc một bàn tay lật? Nàng không nhớ rõ từ lúc nào cả hai không còn cố gắng thông cảm tha thứ cho nhau mà chỉ còn nhìn nhau như hai người xa lạ, dửng dưng, chua chát. Có phải đó là lúc nàng liệng áo quần của Duy ra khỏi nhà khi bắt gặp màu son lạ trên cổ áo chàng, sau nhiều ngày Duy luôn luôn đi làm về trễ mà chàng nói là bận việc phải làm thêm giờ? Hay đó là đêm chàng làm lành muốn ôm nàng vào lòng mà nàng né tránh, lạnh lùng? Có phải đó là lúc Duy nói với nàng, chàng không còn yêu nàng nữa và xin lỗi rất tiếc đã làm khổ nàng (cái lịch sự kiểu Mỹ làm nàng lợm giọng), về tất cả những chuyện đã xảy ra trong quá khứ mà nàng không nhớ nổi cũng như không hay biết?
Không con cái. Không có gì để hàn gắn trói buộc hai người lại với nhau. Không cha mẹ họ hàng. Không có ai khuyên lơn nói vào. Đó là theo quan niệm Á Đông, chứ chắc gì những yếu tố đó bây giờ có thể cột chặt một hôn nhân khi tình yêu không còn ở thời buổi này, ở xứ sở này. Đời sống tị nạn bấp bênh, mất mát, với bối cảnh đổi thay, tâm lý tình cảm con người cũng đổi thay.
Nàng còn nhớ rõ bữa cơm tối đó hai người còn ngồi với nhau trong căn nhà ở Kirkland, bữa cơm trôi qua lặng lẽ, không ai nói với ai lời nào, tuy nàng đã có linh cảm như Duy sửa soạn nói điều gì. Và rồi đúng như nàng dự đoán, Duy lúng túng ngập ngừng, khi chàng không còn lúng túng nữa thì chàng đi thẳng vào vấn đề: xin được ly dị. Nàng đã không gào thét, đập phá - có lẽ vừa bị té ngã nàng chưa thấy đau ngay, mà cũng có lẽ là phản ứng của một sự chấp nhận, việc gì khi nó đến là nó đến -mà chỉ ngồi lặng yên và rồi nói rất ít những điều cần thiết phải nói. Khi Duy bỏ đi sau đó, nàng đứng bên cửa sổ, sững sờ nhìn ra đường cái, mưa đang rơi âm thầm buồn bã.
Đó là một tối ảm đạm, lạnh lẽo cuối tháng mười hai. Tuy hai người chưa có con với nhau, nhưng lúc đi dạy lại, nàng hay khóc sướt mướt mỗi khi đọc truyện “Love Forever” cho đám học trò nhỏ của nàng. Truyện về một đứa bé mà cha mẹ nó đã ly dị. “When I am with my mother, I miss my father. When I am with my father, I miss my mother... ”
Mồ côi từ thuở nhỏ -cha mẹ mất sau một tai nạn xe cộ -Hằng sống với ngoại dưới Mỹ Tho, rồi lên Sàigòn một mình học Luật. Nàng còn có một người anh đi lính, thỉnh thoảng anh có về thăm. Rồi ngoại nàng qua đời. Chưa nguây ngoai nỗi buồn thì đất nước hỗn loạn, Duy bạn của anh nàng lúc đó là trung úy Hải Quân, tình cờ nàng gặp lại trong những ngày cuối, đã giúp nàng rời khỏi Việt Nam. Những ngày lênh đênh trên biển cả, qua những trại tị nạn, chia sẻ từng miếng cơm manh áo với chung một nỗi buồn xa xứ, một tương lai bấp bênh lạc lõng, hai người yêu nhau và rồi lấy nhau khi vừa định cư ở tiểu bang này. Nàng xin được một chân phụ giáo trường công ở Seattlẹ Duy đi học lại, chàng từng đi tu nghiệp ở Mỹ nhiều lần nên Anh ngữ không là một vấn đề khó khăn trở ngại, chàng học rất giỏi, chỉ ba năm sau là ra trường với bằng kỹ sư hạng danh dự, được hãng máy bay Boeing mướn ngay với lương bổng cao. Đời sống bắt đầu khá, mua nhà mới, xe hơi mới, cả hai đều đồng ý chưa có con vội, để dành thời giờ cho nhau. Một cặp vợ chồng lý tưởng... ai nhìn vào cũng thèm muốn ao ước vì dạo đó phần lớn người tị nạn vẫn còn sống chật vật bằng tiền trợ cấp và quần quật với ngôn ngữ mới.
Nhưng mà đời sống luôn luôn có những điều ngạc nhiên, những sự bất ngờ. Như việc ly dị của Duy và Hằng.
Đời hãy còn dài và mình còn phải sống. Hằng tự nhủ nhiều lần, nhưng ngày ngày là cố gắng không ngừng để chống chọi với nỗi khó khăn của cơm ăn áo mặc, và đêm đêm là sự gần như buông xuôi đầu hàng với nỗi cô đơn chán chường dai dẳng. Một mình một bóng nơi xứ lạ quê người. Ngày đã dài, mà đêm lại dài hơn!
Sáng nay thức dậy, Hằng chợt nhớ. Còn hai tuần nữa là bãi trường. Nàng cố nghĩ đến một chương trình, một dự định nào đó để đầu óc khỏi rảnh rang nhớ đến chuyện cũ, và để quên đi nỗi buồn tẻ quen thuộc hằng ngày. Dự khóa bổ túc? Lấy lớp âm nhạc? Mùa hè, nhịp sống trầm lặng trong Khu Đại Học sẽ thích hợp với nàng, thảnh thơi thả bộ quanh bờ hồ, cho vịt ăn, nằm trên cỏ dưới bóng cây đọc sách nghe văng vẳng tiếng đàn từ Music Department vọng lại...
Ở phòng tắm ra, trên người còn quấn chiếc khăn lông mềm, nàng đứng trước gương sấy tóc, nghe thơm thơm mùi thuốc gội đầu, chợt thấy trong gương phản chiếu một khuôn mặt tươi tắn trẻ trung hơn. Dù gì nàng cũng chưa tới 30 mà!
Nhớ đến ngoại nàng, bà vẫn thường bảo cháu của bà đẹp, duyên dáng - bà nào lại chẳng cho cháu của mình là xinh là đẹp nhất. Bà thích mái tóc đen huyền óng mượt của nàng và bà nói đừng bao giờ cắt ngắn đi, bà thích cháu để dài, đẹp hơn. Bây giờ, nàng hay tóm lại cột ở khoảng cổ, nàng nghĩ, như vậy giúp nàng ra vẻ già dặn, đứng đắn như một cô giáo. Rồi cử chỉ đó lâu ngày đã thành thói quen, đến nỗi mỗi sáng nàng làm mà không nghĩ ngợi.
Nếu Thủy còn ở đây, Thủy lại cằn nhằn. Bao lần Thủy khuyên nàng hãy cắt tóc ngắn, tóc ngắn giúp mình trẻ lại, và còn nữa, "bà chẳng chịu sửa soạn gì hết, đàn ông nào lại không thích đàn bà con gái ăn mặc đẹp?" Thủy điệu lắm, ăn mặc theo mùa, hết mùa quần áo lỗi thời nàng cho hết Hội Từ Thiện. Với Thủy, chẳng cần phải có ông nào Thủy mới ăn diện, cô ăn diện để làm đẹp cho chính cô.
Còn Hằng, nàng ăn mặc đơn giản, Hằng biện luận tại lương cô giáo phụ của Hằng đâu có cao như của Thủy. Đúng ra tại bản tính của Hằng là như vậy, chuyện áo quần tóc tai đối với nàng không bao giờ là chuyện quan trọng cả. Thủy nói thì Hằng chỉ ừ hử lấy lệ. Nếu nàng chịu nghe lời bạn... "chỉ là thói quen, chỉ tại bà không chịu sửa đổi thôi... cứ nhìn mãi một khuôn mặt, một kiểu tóc... không thấy chán sao?" Mân mê mái tóc, Hằng nghĩ thầm... có lẽ tại ta, có lẽ Thủy nói đúng, dù chưa bao giờ Thủy mở miệng nói thẳng với nàng... có lẽ vì vậy mà Duy theo người đàn bà khác...
Đột nhiên Hằng có một quyết định tức thời. Cuối tuần sẽ đi cắt tóc ngắn. Lúc này nàng chưa có một ý niệm nào. Chỉ cắt ngắn.
Cuối tuần đó nàng làm thật. Ở cái giờ phút của “sự đổi thay” này, nàng chợt nhớ tới mái tóc của nàng công chúa Diana, Anh quốc. Và nàng quên mất một điều tối quan trọng là không phải mọi kiểu tóc đều hợp với mọi khuôn mặt. Tóc của nàng đen và dày, dài xuống ngang lưng. Cô thợ uốn tóc, lần đầu tiên thấy người khách lạ vô tiệm của cô và đòi cắt tóc thật ngắn, cô cứ tóm mái tóc giơ lên cao và hỏi lại khách nhiều lần cho chắc ăn. "Cô đã nghĩ kỹ chưa?" "Cứ cắt đi", nàng trả lời, nàng không muốn nghĩ tới nữa.
Người Mỹ nổi tiếng hay mồm mép, lịch sự, họ không chút e thẹn ngập ngừng khi vồn vã khen bạn. Ngay cả đối với một cái đầu bị cắt xấu. Cái đầu mới của Hằng, nó xấu khủng khiếp đến nỗi không ai buồn lịch sự với nàng hay sợ nàng buồn. Vừa thấy nàng ở cổng trường, bà hiệu trưởng chạy theo chụp lấy nàng - dù nàng có muốn chạy đằng trời cũng không được - bà hốt hoảng kêu:
-Cô Phan đó hả? Trời đất! Ai bảo em cắt tóc vậy?
Không, xem ra bà giận dữ thì đúng hơn, vì hai con mắt trợn tròn và cặp lông mày dựng đứng. Bà sờ đầu nàng rồi cứ lắc đầu. Lúc gần bỏ đi bà nói:
- Đang lẽ... nên cắt ngắn một chút thôi! Em để tóc dài đẹp hơn...
Lời nói của bà hiệu trưởng làm Hằng nhớ tới ngoại nàng, và nàng muốn khóc.
Trong lớp, đám học trò thấy cô giáo lạ lùng nhìn sững. Nàng cố tạo một nụ cười. Nụ cười thành méo xẹo, khi một đứa ngây thơ không giữ được sự im lặng:
-Cô giáo, ai làm gì đầu cô mà ghê thế?
-Không sao đâu! Rồi tóc sẽ mọc lại. Một đứa khác nói.
Ừ mình sẽ không sao đâu, chỉ là mái tóc, rồi nó sẽ ra lại.
Nàng chỉ khóc thầm trong những ngày sau đó. Vì cái đầu mới này!
Buổi tối nàng tỉ tê với chim, con chim yến nàng nuôi, mua ở một tiệm bán chim chóc vài ngày sau khi Thủy đi lấy chồng, được đặt tên là Happỵ Ở một mình, căn phòng vắng vẻ, nàng chỉ còn biết nói chuyện với chim, không chừng còn nhiều hơn nói với người!
-Happy, chỉ có mi là không chê tao thôi, phải không?
Cứ mỗi lần nghe tiếng nàng về, Happy nhảy tới nhảy lui trong lồng làm bộ làm tịch, trông thật tức cười, đáng yêu, nàng thương nó lắm. Khi nấu cơm, nàng thả chim ra, nó cứ lẩn quẩn dưới chân nàng, nàng đi đâu là nó cứ lúc thúc chạy theo như con nít theo mẹ, sợ mẹ bỏ rơi. Khi nàng coi TV, nàng lót tờ báo cho nó đứng trên ghế, nó đứng yên nhìn sững lên màn ảnh vô tuyến truyền hình cứ như cũng biết thưởng thức.
Lúc này nhìn quanh nhìn quẩn, nàng đâu còn có ai nữa. Chỉ có chim là... " thân thuộc ". Nàng nghèo rớt mồng tơi, lương cô giáo vừa đủ trả tiền nhà, tiền bảo hiểm xe, tiền xăng, tiền điện nước, tiền chợ. Giá mà nàng cũng giàu có như mấy bà góa phụ giàu có không con cái, chắc là nàng cũng sẽ để di chúc cho chim thôi! Dạo mới qua đây đọc mấy cái tin loại này, để của cho chó cho mèo, cúng tiền cho hội này hội nọ rồi bị con cháu thưa kiện, nàng và Duy đã cười ngất cho là người Mỹ lạ đời. Bây giờ nàng chẳng thấy sự việc này lạ đời tí nào, cháu mà vừa ở ác với bà vừa cứ dòm ngó cái gia tài thì có phải để của lại cho chó mèo vẫn thấy hài lòng hơn không? Vì chó mèo ở gần, có nghĩa có tình làm mình ấm áp bớt cô đơn. Tại nàng cũng là một người Mỹ rồi, mà một người Mỹ gốc Việt thì cô đơn biết chừng nào! Nàng cũng bắt chước nuôi thú vật để... vui cửa vui nhà, và để... sống lâu, sau khi đọc một bài báo trên tờ tạp chí Health khuyên như vậy.
Nàng nuôi Happy chỉ mới được mấy tháng mà nó đã mập to thấy rõ. Một hôm, Betty - bà hàng xóm già - qua chơi ngắm chim rồi kêu ầm... phải cho chim “ on diet “, nhớ khi đi chợ mua đồ ăn “đai - ét” cho nó. Đồ ăn Mỹ thặng dư, nhiều chất bổ béo, Mỹ ăn nhiều mập, dễ chết vì bị đứng tim, đứt gân máu, nên thấy mập là sợ, kiêng cữ này nọ, nhịn ăn nhịn uống, để ý cân lượng, gia nhập Living Well, Weight Loss. Thành ra chim chóc, chó mèo cũng bị méo mó cái oan theo người!
Nghĩ tới quê hương xa xôi bên kia bờ Thái Bình Dương, hàng triệu người đói ăn đói mặc, nàng thấy xót xa trong lòng. Nàng thương cho đồng bào nghèo khổ ở bên nhà, và nàng cũng thương cho chính nàng nữa. Ở đây nàng đói bao nhiêu thứ tình! Nàng cô đơn quá đỗi! Tin tức hàng ngày người ta tốn không biết bao nhiêu là giấy mực để kêu về nạn đói, nạn không có nhà cửa, nạn nghèo, chưa ai kêu trời giùm về niềm xa quê hương, niềm lạc lõng của những người như nàng.
Thấm thoát mà đã hai năm từ ngày Hằng và Duy ly dị. Rồi mùa đông lại đến.
Hôm đó chiều thứ sáu, Hằng bước xuống xe buýt, một tay ôm túi đồ ăn, một tay che dù. Buổi sáng trời lạnh lẽo làm sao, xe lại nằm ụ, nàng phải lấy xe buýt đến trường, chiều về sẵn đường nàng ghé chợ. Mưa rơi tầm tã, gió thổi lạnh buốt da, rãnh cống nước chảy ào ào. Xứ Seattle này mưa hoài, một năm đến chín tháng mưa, mưa rào, mưa bão, mưa tuyết, mưa bụi, mưa dầm dề của xứ Huế, nàng sống ở đây đã nhiều năm, nhìn cảnh mưa cũng có đến ngàn lần, nhưng chưa lần nào nàng thấy lòng nàng thật trống trải, cô đơn như lúc này. Mới năm giờ chiều, trời đã tối hù, phố xá xa xa dưới thấp cũng đã lên đèn từ lúc nào. Từ trạm xe buýt về nhà của nàng chỉ cách có một "lốc " nhà mà nàng tưởng như rất xa khi ì ạch leo lên con dốc nhỏ. Gió thổi ngược chiều, mưa nghiêng nghiêng, chiếc dù không che hết người, mình mẩy tóc tai nàng ướt nhem, đôi tay run run, hai hàm răng đánh nhịp.
Vào nhà nàng đặt túi thức ăn xuống bàn rồi đi tắm ngaỵ Vặn nước ấm, nằm dài trong bồn, nàng cảm thấy dễ chịu, rồi vô tình chơi đùa với những bọt bong bóng, nàng như một đứa trẻ nhỏ ham vọc bọt xà bông. Trong một thoáng phút giây, tưởng như bao nhiêu phiền muộn, lo âu tan biến. Đang gội đầu thì phôn reng liên hồi. Khi nàng quấn khăn chạy ra thì không kịp nữa, phôn cúp. Con Happy cứ nghe phôn reng là cũng hót líu lo vồn vã không ngừng. Nàng bực mình vì đang gội đầu dở dang mà không biết ai gọi, nàng cũng đang thèm có người để nói chuyện hết sức.
Mà còn ai nữa? Cú phôn đó là của Thủy. Hai vợ chồng sửa soạn đi dự một buổi tiệc cuối năm. Lúc gần ra cửa, Thủy chợt nhớ tới Hằng nên gọi bạn. Phôn reng ba tiếng mà không thấy Hằng trả lời nên Thủy đoán là Hằng không có nhà và có ý mừng thầm cho bạn, từ lâu Thủy cứ khuyên Hằng nên ra ngoài giao thiệp quen biết đừng kể Việt hay Mỹ, ở nhà lủi thủi, dù với chim, không tốt đâu, và lúc đó Đằng cũng đang nổ máy xe đợi ở ngoài driveway nên Thủy phải cúp.
Bước vào xe, Thủy cười nói với chồng:
-Bà Hằng không có ở nhà. Chắc có bạn bè gì ở đây?
Lúc đó ở trên này Hằng có đứng chờ mà không thấy phôn reng lại. Con Happy thì vẫn cứ líu lo ồn ào, nhảy nhót khua khua cái lồng bằng sắt. Rồi Hằng đi tắm lại. Tắm xong, nàng lười biếng chỉ hâm lại nồi cà ri còn dư từ hôm trước, bỏ vào lò nướng chiếc bánh mì Pháp vừa mới mua ở chợ về, rồi sau đó ngồi ăn tối một mình.
Tối thứ sáu là tối họp mặt cho những gia đình có cha mẹ, vợ chồng, con cái qua đây đầy đủ. Bếp núc lúc nào cũng ấm. Nấu nướng, ăn uống. Ăn uống rồi nấu nướng. Những người mẹ, người chị rất bận rộn. Bận rộn mà vui vẻ. Nói đùa, coi phim, đánh bài, ồn ào vui nhộn. Thân mật, ấm cúng. Còn nàng? Cái gia đình của nàng nó bé nhỏ, lẻ loi quá!
Chợt nhớ tới Thủy, nàng buồn muốn gọi cho bạn. Nhưng tối thứ sáu chắc gì vợ chồng Thủy có ở nhà? Nghe phôn reng mà không ai nhấc, Hằng lại buồn thêm, mà Thủy có nhấc phôn, biết Hằng lủi thủi một mình rồi lại lo lắng an ủi, Hằng lại thấy tủi thân, người cô đơn hay dễ tủi thân và hay nghĩ đủ thứ, nên nghĩ rồi nàng lại thôi.
Nàng đành làm bạn với cái máy VCR. Cuốn phim bộ “ Dòng Sông Ly Biệt “ của Quỳnh Dao đang coi dở mấy hôm rày. Câu chuyện đang ở đoạn người con gái chạy ra bờ hồ. Trời mưa tầm tã. Nàng khóc trong mưa. Người đàn ông chạy theo. Cả hai đều ướt nhẹp. Họ gặp nhau lần đầu cũng trong cảnh mưa, đời họ là một chuỗi dài những ngày mưa. Người đàn ông cố dìu người con gái. Nàng mơ hồ thấy bóng người nhưng không nhận ra chàng. Ngực Hằng như có ai đè nặng lên vật gì. Trái tim Hằng cũng tái tê thổn thức. Người con gái và người đàn ông khóc lóc kể lể. Nước mắt Hằng tuôn theo, chảy xuống mằn mặn ở bờ môi. Lúc này đời và tiểu thuyết lẫn lộn. Người con gái đó còn có người để khóc trên bờ vai. Còn Hằng?
Ngoài trời mưa vẫn rơi âm thầm, lặng lẽ...
Suốt đêm đó, Hằng cứ chợt ngủ chợt thức. Ngóc đầu nhìn đồng hồ. Chỉ mới 4 giờ sáng! Mấy lúc sau này nàng thường bàng hoàng thức giấc trong đêm, đôi khi sau những giấc mộng mơ hồ không rõ ràng. Để thấy đêm vẫn dài, gối chăn vẫn tẻ lạnh, nỗi cô đơn vẫn dính chặt như keo. Kỷ niệm xưa, đời sống cũ, quê hương dấu yêu ngàn trùng, tất cả nàng muốn quên mà không làm sao quên được. Nàng ôm gối lăn qua lăn lại, cố dỗ giấc ngủ vì đang cuối tuần nàng đâu cần phải dậy sớm.
Rồi bất chợt nước mắt nàng trào ra, không kềm hãm. Không một chút ý thức, nàng với tay mở hộc tủ bên cạnh giường tìm lọ thuốc ngủ.
*
Sáng hôm sau theo thường lệ của ngày cuối tuần, bà Betty sang bấm chuông. Để thăm Hằng và thăm chim. Bấm chuông, đợi không thấy trả lời. Bấm chuông, đợi, vẫn không thấy trả lời. Gõ cửa, đợi, chỉ nghe tiếng chim hót líu lo rộn rã, mà vẫn không thấy bóng dáng của chủ nhân đâu. Cảm thấy có điều gì bất thường, bà gọi số khẩn cấp 911. Sau đó người ta tìm thấy xác Hằng nằm thẳng đơ bên lọ thuốc không còn viên nào. Đã quá muộn! Bà hàng xóm ngẩn ngơ mất hồn đoán cái chết của nàng có lẽ là do nỗi cô đơn của đời sống, nỗi cô đơn nó tấn công chẳng kể dù bạn giàu hay nghèo, già hay trẻ. Bằng cách nào, nhiều người đã vượt qua được. Còn nàng thì không. Với Hằng, mùa xuân đã không bao giờ đến nữa.
Thủy xin phép bà xếp nghỉ vài ngày để về lại tiểu bang Washington đi dự đám tang của bạn - nàng chỉ mới 30! Thủy trẻ hơn một tuổi. Kể về người bạn bất hạnh, Thủy nói nàng không nghĩ là Hằng đã tự tử, mà có lẽ là do sự uống thuốc quá lố vì mất ngủ, Hằng vẫn thường than nàng khó ngủ!
Bà xếp Judy tò mò hỏi:
-Còn người đàn ông?
-Bà muốn nói Duy, người chồng cũ? Tôi không biết nữa!
Bà xếp già thở dài, rồi nói:
-Bất công quá!
Còn Thủy thì nghĩ: dù ở thời buổi nào, ở xứ sở nào, thì người đàn ông vẫn có nhiều chọn lựa, nhiều lối thoát, nhiều con đường để đi, và khi xảy ra cho người đàn bà thì thảm kịch bao giờ cũng bi đát hơn.