Thục ngồi trên thành cửa sổ, đưa mắt nhìn xuống khuôn viên đại học. Mùa nắng mới bắt đầu, những tia vàng nhỏ nhảy múa trên hàng hoa anh đào đang lung linh những búp hồng nặng trĩu. Gió vuốt ve nhè nhẹ trên làn da mát mẻ, Thục bâng khuâng nhớ đến ngày nào, tưởng không xa lắm; bên này lớp học, Thục vẫn mơ mộng thả hồn nhìn sang bên kia: ngôi giáo đường cổ với những hàng phượng đỏ chạy quanh-văng vẳng êm êm tiếng chuông nhà thờ ngân nga đổ-một bên hông nhà thờ, bỏ hoang đã lâu, cỏ lau mọc cao ngất đầu, trên thềm đổ nát, Huy chọn một nơi làm chỗ dọn thi, thay cho lớp học. Cứ giờ Sử là Huy chuồn ra đó. Huy không thích ông giáo già có giọng nhừa nhựa, những chiếc quạt máy quay đều, quay đều, cả lớp im phăng phắc, cái không khí chỉ làm Huy muốn ngủ gật. Nhiều tên cũng chuồn sang thư viện tự học sách lấy nhanh hơn. Chỉ có Thục là thích ông giáo sư này. Ông có cái vẻ hiền từ của một ông cha già chỉ biết thương con và chìu con, chứ chẳng biết dạy dỗ chi cả, vì hình như ông chẳng la mắng ai bao giờ; một đôi khi lớp học chỉ còn mươi mạng, ông nhìn một lượt, có ngạc nhiên đôi chút rồi thì thản nhiên đem sách ra vừa giảng vừa đọc cho học trò chép...

Trong nội trú, Thục có thói quen sau giờ cơm chiều là ngồi trên thành cửa sổ, mơ mộng đôi chút cho đến khi chiều xuống thật tối rồi mới quay về với đống sách cao ngập ngang đầu. Dạo trước, trong những giờ phút yên tĩnh, nghĩ ngợi đó, trí óc Thục vẫn hay quay về với những ngày tháng cũ, vì quãng đời mới bây giờ chỉ là quanh quẩn trong khuôn viên đại học, những cái dorm, những lớp học, những sinh viên lạ hoắc, những giờ đi ngủ, học thi, đôi khi chán ngắt, đôi khi nhạt tẻ không còn ước mợ Buồn, chẳng biết than thở cùng ai! Bố mẹ, anh chị? Ôi người lớn có trăm ngàn những thứ lo nghĩ khác, ta chẳng giúp ích được gì, đâu lẽ còn đem những chuyện buồn rầu cô đơn nhỏ nhít ra mà kể lể. Nên qua một mùa thu sống đời nội trú, ai cũng bảo, được vô tư như nhỏ Thục là sướng nhất, chỉ ăn, ngủ, học, chẳng biết mất mát, chẳng lo tương lai.

Đời ta trầm như giòng sông nhỏ, nào ai biết được những khúc quanh co, sóng ngầm!... Không hiểu sao Thục lại tự so sánh mình như thế, có lẽ tại đời sống nội trú quá trầm buồn, lẻ loi làm Thục luôn nghĩ đến đời sống cũ khi còn ở bên nhà, đám bạn bè, sách vở lẫn lộn, ồn ào!

Tháng mười hai, xứ này có những cơn mưa dài bất tận, như người tình nhỏ hay dỗi hờn được nuông chìu. Mây xám âm u kéo về, và kéo theo nhỏ Du mãi tận Floria nắng ấm về đây. Florida có bãi biển cát vàng, có bầu trời xanh ngắt, có xoài tượng sống ăn với nước mắm cay, làm ta bắt thèm, sao mi lên đây? Xứ cheo leo mưa buồn xám ngắt, xám cả cõi lòng.

Du cười cười. Nhớ mi, còn hơn nhớ người tình. Tao chỉ ví von cho mi cảm động chơi-Thục đã cảm động thật-chứ tao chẳng biết nhớ người tình như thế nào, vì tao còn ngây thơ lắm! Ông bà già cũng phải thông cảm để tao lên đây, gần mi tao mới học được, xong mảnh bằng vác về gởi bố mẹ, rồi lấy chồng, rồi sống quanh quẩn bên ông bà. May xa gia đình tao còn học được, chứ ông cụ thì tối ngày hãnh diện vì cô con gái xinh, cứ lăm le đòi đi tìm tiến sĩ để gả (?). Đã lâu, Thục mới lại có dịp cười ngất vì lối nói chuyện này.

Tháng mười hai, mưa dầm và gió lạnh, cứ vài hôm Du lại mò sang dorm của Thục lấy cớ mượn vài gói mì để rồi nì nài xin ngủ chung cho đỡ buồn, vì dạo đó hai đứa chưa xin được phòng ở chung. Cô nàng Ann, room-mate của Thục cũng thuộc loại dễ tính, ít nói, chỉ hay cười chúm chím. Đêm đầu, cuộn mình vào chăn như con tôm trên lò lửa, Du suýt xoa, ôi chao, xứ này lạnh ghê mi hả, chẳng thấy ai bát bộ ngắm cảnh cả. Thục nói, tại mi đến đúng mùa đông, chứ vào hè cũng nóng như Florida của mi chứ bộ. Mùa thu nhìn lá phong rụng vàng cả lối đi trong campus cũng thú vị vậy, dù mi không là thi sĩ cũng phải xuất khẩu thành thợ Du vờ tròn mắt, thật không? Rồi thình lình Du kêu. Ê! Cái chi cấn cấn cái lưng của tao, đau! Thục mắng yêu: Suỵt! Nho nhỏ cho Ann nó ngủ, đi ngủ lậu còn ồn hả? Con gấu nhỏ của ta mềm mại thế ni mờ mi kêu! Du lại kêu: Trời ơi! Mi tưởng mi còn bé lắm hả? Thục cười hỏi lại: Thế nhà ngươi, lớn với ai? Rồi Thục thì thầm: Ta mong được bé mãi, khỏi phải bận tâm về đời sống, cứ nghĩ đến một ngày bị thảy vào đời phải đi kiếm miếng cơm manh áo là ta sợ hãi, nhất là ở xứ này, tâm hồn người mình ai cũng dễ bất ổn. Du nằm xích vào người Thục, tìm luồng hơi ấm áo dễ chịu: Đâu phải riêng mi, nhiều khi tao cũng lo quá, bỏ học, bỏ ăn mấy hôm, tao đã nghĩ dù có học cho lắm, nói năng cũng ngọng lên ngọng xuống giữa đám dân Mỹ. Nhưng rồi tao lại nghĩ đến ba má tao, tao thương. Từng đó tuổi mà còn phải học ăn học nói, khổ sở thấy thương, nên tao còn phải cố không được nghĩ quẩn. May mắn là thoát được qua đây, nhưng đời sống ở đây vẫn lao đao dễ sợ. Phải vừa nhìn lên và phải vừa nhìn xuống để mà sống. Nhìn lên để vươn lên, nhìn xuống để thấy mình còn diễm phúc, vậy đó để rồi đầu thì ngất ngư choáng váng...

Tháng mười hai có Du bên cạnh, Thục đã thấy xứ này dễ thương hơn và đời sống cũng đã ấm cúng dù trời vẫn mưa dầm dề, và đi học vẫn lội bộ lạnh đến cóng dạ Phải đi nhanh, chạy lẹ. Thôi rồi, không còn đi như cô bé trong bài Đi Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp... Em không dám đi nhanh, sợ chàng chê hấp tấp, số gian nan không giàu. Chàng có chê, thì em cũng đành chịu thôi! Du thích tìm tòi, trò chuyện, chả thế mà chỉ sau một tuần ở dorm, cô nàng đã khám phá ra rằng, trường này không phải chỉ có Du và Thục mà còn có những hơn mười tên sinh viên Việt Nam khác cũng đang theo học. Thục phải ngạc nhiên, sao tao học ở đây cả khóa mùa thu rồi mà chẳng thấy tên nào, chỉ thấy vài người Á Đông ở bookstore, tao nhìn, họ nhìn lại, chắc Tàu hay Đại Hàn, hay Nhật? Du cười lăn trên nệm, đấy, đấy, mấy tên mà mi bảo Tàu hay Đại Hàn là người Việt Nam đấy. Không tả được, nhưng cứ nhìn lối ăn mặc, đầu tóc là tao nhận ra Việt Nam ngaỵ Có một tên nói ồn ào như ông Vĩ nhà mình, một tên chỉ nhìn cười nửa miệng làm tao nhớ tới D.N., một tên chỉ đứng nhìn len lén, cứ cho là giống Hoàng đi! Thục đã nghĩ thầm, không ai giống Huy cả, vì Huy bao giờ cũng vẫn là Huy! Những ngày sau đó không nghe Du nói có gặp lại những tên sinh viên Việt này. Chắc họ là dân du học qua lâu rồi, là dân năm cuối, nên đã trốn ở một nơi nào đó để học?

Thục biết là Du cũng nghĩ nhiều về những ngày tháng cũ, nơi đó bạn bè, kỷ niệm, một đời sống học trò thật ồn ào, vui nhộn, chưa biết cô đơn là gì. Đó là những tối Du đâm lười biếng, dẹp sách vở qua một bên, và đòi đi ngủ sớm, để rồi chẳng ngủ mà chỉ nghĩ lẩn quẩn. Thục cũng có những ngày như thế, những ngày chỉ muốn ngồi im một chỗ và để đầu óc đi hoang. Sách vở khô khan, nơi ở buồn ngắt. Muốn bỏ tất cả, muốn làm một cánh chim hoang. Nhưng rồi chẳng biết mình muốn đi đâu nữa. Xứ người thì dù có đi đến đâu cũng vẫn xứ người. Có lần Thục kêu, chán lắm đời sống này, mi ơi, có tiền, Saigon Thuở Xưa sống vẫn thú hơn. Đi một bước là gặp bạn bè, quay vài con số phôn là gặp người thân. Rủ ren đi phố, đi ăn. Bây giờ ở đây cô đơn ngút ngàn, may mà có mi, không ta làm thi sĩ từ lâu! Du bắt phì cười, so sánh chi mà lạ đời! Nhưng mà nhỏ Thục thì thế đấy, khi buồn và cô đơn, nhỏ làm thơ rất hayđân khoa học như Du, Du chẳng bao giờ nhớ lâu được câu thơ nào.

Có những chiều Thục ngồi mộng mơ bên cửa sổ trông Thục buồn thảm thương, làm Du không khỏi tự hỏi, hay Thục đã yêu Huy?

Huy, tên con trai trong nhóm. Bạn bè vẫn nghĩ là hắn đã âm thầm yêu Thục trong những tháng ngày trung học và cho đến ngày Thục ra đi, mà dạo đó Thục vẫn luôn miệng cải chính, bạn, chỉ là là bạn. Huy, công giáo và rất ngoan đạo. Thục chỉ đùa bảo, làm đám cưới ở nhà thờ dễ thương và lịch sự lắm Du ơi, thế thôi. Với Huy, không bao giờ, Huy chỉ lớn hơn ta có ba tháng. Hôm gặp lại Thục ở Guam, Du có nhắc đến Huy thì Thục bảo, nếu biết ta đi chắc là Huy xỉu mất Du ơi. Thục buồn buồn, không yêu ai như mi đỡ khổ. Du nhớ lại và nghĩ, thế là Thục có yêu, hình như biết yêu từ lúc đó. Nhớ lúc đó Thục đã cười buồn, nói tiếp, nhớ dạo tụi mình cùng ái mộ Ông giáo sư Việt Văn ở Sư Phạm mới ra không? Ôi ông thầy trẻ có mái tóc bồng bềnh, đôi mắt lá răm đa tình, và giọng nói mê hồn mà cả đám bọn con gái mình đều nghĩ, được nghe ông ấy tán tỉnh, có mà chết đi được. Nhưng thầy thì đứng đắn lắm hay là sợ bọn Thụy và Du lắm. Du thì nhớ những lần cả bọn chạy rầm rầm sau khi thấy bóng dáng “chàng” đang bước lên cầu thang, ông mới thật là “chàng” của lòng chúng tạ Còn Huy, qua bao năm Huy cũng vẫn là Huy dưới mắt bọn mình. Chỉ có sau này khi bắt đầu lớp đệ nhất, Huy mới có vẻ người lớn một tí, nhưng Huy cũng vẫn là Huy mi ơi, theo Thụy, hắn chỉ hơn ta có ba tháng.

Nhưng hình như Thục bắt đầu thấy nhớ Huy da diết và tiếp tục nhắc về Huy với những kỷ niệm mới cũ, có những kỷ niệm đã xa lắc xa lơ mà Du không nhớ có đã xảy ra không. Một điều Du còn nhớ là Huy cũng rất chìu Du, mỗi khi Du đề nghị Huy đi mướn sách báo, hay lăn vào đám đông trước rạp hát để mua vé xem phim tình cảm cho bọn con gái, và cho Du mượn bài những khi Du lười, Huy không bao giờ từ chối. Xem ra thì Du rất “ác” và cũng vô tình đã chẳng nói giúp Huy được gì, mà hình như những đứa con gái ở tuổi Du, Thục đều rất “ác” với tụi con trai cùng tuổi. Khi Du biết mình đã ác với Huy thì cũng đã quá trễ. Cũng như lúc Thục biết yêu Huy là lúc Thục mất Huy... Để rồi chiều chiều trong một tuần ở Guam, hai đứa cứ ra ghềnh đá nhìn biển nước mà nhớ mà nhắc về ai đó!

Trời lại bắt đầu mưa-tháng hai vẫn còn là tháng mưa và nắng vẫn là yếu ớt, thỉnh thoảng nếu ló dạng được. Nỗi buồn man mác chưa đi, và lòng Thục trùng lại khi nhớ đến lời Du vẫn hay an ủi Thục (hay cho chính Dủ), dù sao chúng mình cũng còn có nhau. Thật vậy chăng? Hay là rồi đây đời sống, gia đình sẽ đưa mỗi đứa về mỗi ngả, mà xứ này đất trời mênh mông, giờ giấc eo hẹp, hai đứa chắc gì mãi mãi gần nhau. Như cùng gặp nhau ở Guam, hai ông bố cùng xếp hàng với nhau, mà gia đình Thục qua trại Pendleton, California, để rồi về định cư mặt này, còn gia đình Du lại qua trại Fort Chaffee, Arkansas, để rồi ra sinh sống ở Florida, mặt kia nước Mỹ.

Đám bạn ngày nào giờ chỉ còn lại có Thục với Du thôi...

Tiếng chuông đổ từ bên kia campus. Đã chín giờ tối. Khi Du đi học về thì Thục vẫn còn ngồi trên thành cửa sổ, mưa đã bắt đầu nặng hạt và tạt vào phòng, và Du nghe tiếng Thục thở dài càu nhàu:

-Mưa tối ngày!

Du muốn chọc phá cho Thục cười. Du hiểu nỗi buồn của bạn, vì đó là nỗi buồn chung, nhưng tánh Du nông cạn, hời hợt, mau buồn mau quên, Du hay chạy tới chạy lui năng hoạt động, ăn nói không nên lời. Du đặt bàn tay lên vai Thục:

-Nè Thục, tối thứ sáu sao mình không đi coi movie chơi.

Thục chần chừ, rồi nghĩ, sao lại không, chẳng lẽ cứ ngồi than thở. Cả hai mặc áo khoác vào, cầm dù, sẵn sàng với mưa gió... thả bộ nhanh bước về hướng U District, nói cười vui vẻ...