" Sống cho người mình yêu thương vẫn tốt đẹp nhất trần gian "

Richelieu

Tôi bước vào giảng đường lớn của trường luật khoa Sàigòn thì đối diện ngay một thiếu nữ khả ái, có làn da trắng và tóc đen huyền ngang bờ vai. Tôi khẻ gật đầu chào nhẹ và nàng mỉm cười chào đáp lễ. Sau đó trong một sự tình cờ ngẫu nhiên tôi lại ngồi kế bên dãy ghế mà nàng ngồi. Chúng tôi nghe thầy Lê Ðình Chân thuyết giảng về môn Luật Hiến Pháp và các định chế chính trị. Tôi nghe thoáng qua những điều cơ bản mà giáo sư giảng về các quy tắc và định luật xã hội, sự phân biệt giữa quy tắc công pháp và tư pháp, và rồi ông giảng về những ý niệm chính trị do luật gia kiêm văn hào Montesquieu đưa ra và nhiều điều thuộc về lý thuyết chính trị làm nền tảng cho luật pháp. Thật ra ban nãy tôi chú ý đến người bạn gái ngồi gần tôi hơn là ngó về phía trên bục giảng mà giáo sư đang hùng biện diễn giảng cho những lý thuyết chính trị của môn này.

Sau giờ học tôi đợi cô bạn học đi ra cùng với tôi, tôi bắt chuyện làm quen và biết được nàng tên là Thùy Trang, nhà nàng ở quận ba, đường Phan Ðình Phùng, cách trường luật không xa lắm. Tôi đọc thoáng trong ý nghĩ cái tên cuả nàng, tên thật hay, mà người lại đẹp, đúng với sự thùy mị và đoan trang mà tôi nhận xét trong buổi gặp gỡ này. Những ngày tháng sau đó chúng tôi mặc nhiên quen nhau và đồng ý quen nhau trên căn bản trao đổi bài vở và học hành chung với nhau. Tôi thường gạo bài trước để làm bản tóm tắt soạn bài cho Thùy Trang học. Ngược lại nàng có cái đức tính rất cẩn thận, tỉ mỉ khi ghi notes của thầy giảng trong lớp học. Mỗi người chúng tôi vui vẻ với cái nhiệm vụ riêng khi học chung với nhau. Sau khóa học chung đầu tiên, tôi đã quen thân với Thùy Trang hơn, tôi có cảm giác nàng đã mến tôi hơn. Mùa hè năm đó nàng rũ tôi về thăm cả quê ngoại và nội của nàng để cho biết đời sống ở các tỉnh lỵ. Tôi vui lòng chấp nhận. Quê ngoại nàng ở vùng Lái Thiêu thuộc tỉnh Bình Dương, nhà bà có vườn cây ăn trái bao la với trái dâu, bòn bon, măng cụt, chôm chôm, nhãn và sầu riêng. Trong vườn có ao nuôi cá mà tôi rất thích thú dạo quanh vườn và cùng nàng đạp xe đạp trên những con lộ hoang vắng vào buổi chiều. Vùng quê thật êm ả và có gió mát thổi tạo cho chúng tôi một cảm giác yêu đời hơn. Chiều hôm đó tôi leo lên cây hái nhãn và bị té trầy sướt tay trái, nàng tỏ vẻ lo lắng cho tôi. Tôi bất thần hôn nhẹ lên má nàng, nàng mắc cở đẩy nhẹ tôi ra. Tôi bảo rằng nàng phải đền tôi vì chính nàng mượn tôi hái nhãn cơ mà. Ở chơi tại nhà ngoại nàng 2 tuần lễ, nàng và tôi chuẩn bị đi Long An để thăm nội nàng. Bà nội lớn tuổi hơn, bà bị chứng mắt cườm nên thị lực rất kém. Nhà nội nàng ở khoảng giữa Bến Lức và châu thành Long An. Nhà bà Nội có cô Út làm mắm đồng rất ngon. Nhà Nội có vườn cây ăn trái xum xuê nhưng không rộng bằng vườn cây của Ngoại. Vườn nhà Nội có khóm, mía, xoài cát, mận hồng đào, bưởi khế, vú sữa và mãng cầu. Những năm đầu sang đến Mỹ, tôi nhớ lại vườn cây của Nội và Ngoại nàng, luyến tiếc kỷ niệm đi thăm vườn cây ăn trái, lòng thương con, cháu của hai Bà và nhất là nồi mắm kho của cô Út thết đãi: có tôm bạc thẻ, cá bông lau, cùng các loại rau thơm của đồng quê. Cô Út sống độc thân và lo cho bà Nội của Thùy Trang. Cô Út cũng rất thương mến con cháu. Bữa ăn đó tôi càng cảm mến nàng hơn. Nàng hầu như ăn rất ít mà lo cho tôi rất nhiều. Nàng thật vui khi thấy tôi sống hòa đồng với các thân nhân của nàng. Trong phòng khách của nhà Nội, có chưng những bức ảnh của Thùy Trang khi nàng được mười ba tuổi. Bức hình rất hồn nhiên, vô tư lự với đôi mắt tròn xoe đen huyền cạnh bên hai bím tóc cột nơ. Tôi ngắm mãi với nhiều thích thú. thảo nào ông thi sĩ Nguyên Sa lại ca tụng cái tuổi mười ba rất ư là đẹp và dễ thương. Cô Út thích âm nhạc, nàng bảo tôi hãy hát một bài để cảm ơn bữa ăn do cô Út làm. Tôi mượn cây đàn guitar cũ kỹ, có lẽ còn sót lại từ đời Pháp thuộc từ bên nhà hàng xóm. Tôi ngắm bức hình tuổi mừơi ba của Thùy Trang và ngâm bài thơ trước khi dạo đàn ca bài này:

" Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng

Mưa tôi trả về bong bóng vở đầy tay

Trời nắng ngọt ngào tôi ở lại đây

Như một lần hiên nhà nàng diụ sáng

Trời hôm ấy 15 hay 18

Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ 13

Tôi phải van lơn ngoan nhé! Ðừng ngờ

Tôi phải van lơn ngoan nhé! Ðừng ngờ

Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc

Áo nàng xanh anh mến lá sân trường

Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương

Anh thay mực cho vừa màu áo tím

Rồi trách móc trời không gần cho tay với

Và cả nàng hư quá sao mà kiêu...?

Nên đến trăm lần nhất định mình chưa yêu

Nên đến trăm lần nhất định mình chưa yêu".

Dứt tiếng hát thì nội, cô Út, các láng giềng, hàng xóm và Thùy Trang vỗ tay khen tặng tôi. Tôi bảo với họ ước gì có cô Thái Thanh ở đây để hát thế tôi. Bài nhạc "Tuổi 13" do nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ nhạc, với tôi chỉ có ca sĩ Thái Thanh hát mới lột hết những ý nhạc, lời thơ một cách tuyệt vời, vì giọng hát của cô hàm chứa một chút gì nủng nịu, một chút gì làm dáng trong sự nhõng nhẽo của tuổi mừơi ba của Thùy Trang. Tôi chỉ kết luận một điều về lứa "Tuổi 13" như sau: Thơ Nguyên Sa, nhạc Ngô Thụy Miên, tiếng hát Thái Thanh và bức ảnh Thùy Trang.

Những ngày tháng cuối niên khóa học ở trường luật, chúng tôi bận rộn với thi cử, hai đứa gặp nhau thường xuyên hơn. Nơi chúng tôi họp để học bài là thư viện Quốc Gia trên đường Gia Long. Chúng tôi đèo nhau trên chiếc xe honda hai bánh của tôi, chúng tôi thực sự như đôi chim liền cánh và như cây liền cành. Tôi còn nhớ đoạn đường từ trường luật khoa ở trên đường Duy Tân, xe chạy ra hướng Bưu Ðiện và nhà thờ Ðức Bà, rồi vào đường Tự Do, quẹo phải trên đường Gia Long để tới thư viện nằm bên trái. Ðoạn đường thật sự quen thuộc trong trí nhớ của tôi, đoạn đường có quá nhiều kỷ niệm êm đềm. Khi Thùy Trang cứ mãi hôn lên lưng của tôi khi tôi chở nàng, đoạn đường có những hàng cây cao ở Duy Tân hay hàng me rợp bóng mát ở Gia Long và trường luật có bài hát " Trả Lại Em Yêu" của nhạc sĩ Phạm Duy. Trả lại em yêu những yêu thương, những hẹn hò, những giây phút hồn nhiên nhưng rất thần tiên khi chúng tôi bên nhau, để chúng tôi uống nước dừa bên vệ đường và uống môi em ngọt ở một góc vắng thư viện Gia Long. Ôi, khung trời kỷ niệm cũ của tôi!

Biến động tháng Tư năm 75 chia cách hai chúng tôi, duyên tình lỡ làng khi chia ly. Tôi ra đi cùng gia đình của người anh họ tôi, ông vốn là một sĩ quan không quân, theo máy bay xuống vùng 4 phi trường Trà Nóc. Tại Sàigòn, nàng bị kẹt lại với gia đình cha mẹ nàng. Tôi mường tượng cảnh nàng thiếu vắng tôi nàng sẽ vô cùng đau khổ và nàng sẽ khóc nhiều lắm. Tôi đợi phi cơ bay qua căn cứ không quân Mỹ ở Utapao bên TháiLan. Tôi thực sự đã ra khởi nước Việt Nam ngày 29/04 trong nỗi hoang mang và lưu luyến. Khi rời Cần Thơ tôi cảm thấy nỗi cô đơn và nước mắt ấm tự nhiên lăn dài. Tôi cố giữ bình tĩnh khi phi hành đoàn yêu cầu chúng tôi buộc dây lưng an toàn trên chiếc vận tải cơ C-130. Tôi nhớ ba mẹ, anh em tôi, tôi nhớ bạn bè tôi, tôi nhớ trường luật, tôi nhớ chợ Sàigòn và thư viện Quốc Gia. Bên cạnh đó, nổi nhớ nhung khủng khiếp nhất là hình ảnh Thùy Trang đã gặm nhấm tâm hồn của tôi từng ngày, từng giờ. Tôi đến Mỹ và định cư yên ổn tại California. Thùy Trang theo mẹ về quê ngoại nàng ở Lái Thiêu. Cha nàng bị lùa đi trại cải tạo như bao nhiêu quân nhân hay công chức của chính phủ VNCH. Nàng cố gắng liên lạc qua Pháp và viết thơ cho cô tôi. Khi đó cô đang đi du học tại Paris. Tôi vui lắm vì được biết gia đình nàng được bình yên. Những lá thơ nàng gởi, nàng viết rất dài kể lại kỷ niệm cũ và viết bằng nước mắt thương yêu. Nàng bảo tôi hãy chờ nàng vì đối với nàng, nàng không thể yêu ai khác ngoài bóng hình của tôi. Nàng trích hai câu nói mà ngày xưa nàng đã chép vào sách cho tôi như là: " Sống cho người mình yêu thương vẫn là điều tốt đẹp nhất trần gian " của một chính khách người Pháp Richelieu; Và câu nói thứ hai là: " Một tình yêu khi đã chết thì nó vẫn là tình yêu, vì một khi đã yêu nhau thì dù tình đã chết hay còn sống vẫn chỉ là một trạng thái yêu nhau mà thôi", lời nói của nhà thần học người Ðức GertrudVon Le Fort. Nhửng lá thư tình của Thùy Trang gởi tôi tạo cho tôi một niềm tin yêu và một hy vọng sẽ gặp lại nàng. Vâng, hy vọng gặp lại nàng. Tôi đã hứa lòng sẽ chờ đợi nàng và tôi đã hứa nhiều lần trong những lá thơ gởi về quê nhà cho nàng.

Bẵng đi một thời gian nàng bặt tin tức với tôi và thời gian đó đồng bào vượt biên bằng đường biển khá nhiều, tôi vẫn trông chờ tin tức của nàng và vô vọng vì nàng không còn liên lạc với tôi nữa. Tôi bỏ San Jose ở miền bắc Cali để dọn về nam Cali sinh sống vì công ăn việc làm. Hình ảnh của nàng từ từ được thay thế bởi những bận rộn của cuộc sống thường nhật ở đây.

Tết Nguyên đán năm 87, tôi đi hội chợ Tết ở Orange County cùng với gia đình của người bạn thì tình cờ tôi xoay người đụng phải một người đàn bà, bà đánh rơi ly nước xuống đất. Tôi vội vàng xin lỗi bà. Kế bên bà ngẫu nhiên là người yêu của tôi,Thùy Trang trong một phút ngỡ ngàng nàng chợt ôm chầm lấy tôi và khóc thật nhiều. Tôi hôn lên tóc nàng. Ðã lâu lắm rồi tôi mới tìm lại cái hạnh phúc với người tôi đã chờ mong trong cuộc sống. Nàng xoay qua giới thiệu dì Minh Thảo, tôi gặp dì vài lần ở Sàigòn trước 75. Ngày nay dì thay đổi nhiều về trọng lượng. Thùy Trang lại ốm hơn vì nàng vừa trải qua một cuộc giải phẫu ruột dư. Tôi vuốt tóc nàng và lau nước mắt cho nàng. Trong tôi vẫn có cái cảm giác vui mừng thật khó diễn tả chẳng hạn như:

" Trên đời có những ước mơ,

Lòng tôi xao xuyến ngẩn ngơ gặp nàng."

Thật đúng như vậy, nàng cho biết nàng đã lập gia đình, hiện ở Boston. Nàng sang Bắc Cali thăm dì Minh Thảo, gia đình dì Thảo xuống Nam Cali nghỉ tết âm lịch. Ðó là lý do chúng tôi trùng phùng hội ngộ mà chẳng hề biết trước. Tôi mời Thùy Trang và dì Thảo về nhà tôi thăm viếng cho biết cuộc sống của tôi. Hai dì cháu to nhỏ và thầm khen tôi sống độc thân, nhưng giữ nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp. Sau đó tôi đưa dì Thảo về nhà người bà con của dì. Thùy Trang theo tôi đi thăm một số bạn bè cũ ở trường Luật. Trên xe nàng thố lộ lý do nàng lấy chồng vì chồng nàng là người ân nhân đã bao thầu chuyến tàu cho cả gia đình nàng vượt biên, nàng có đứa con trai năm tuổi với người ân nhân này. Lòng tôi đau nhói vì ngày hôm nay tôi không thể tiến đến với nàng vì luật pháp và đạo lý. Tôi thông cảm với nỗi khổ tâm của nàng. Trong ba ngày gặp gỡ, chúng tôi tìm lại những giây phút vui tươi của cuộc sống phẳng lặng bấy lâu nay. Khi tiễn nàng và gia đình dì Minh Thảo lên chiếc Van trở lại San Jose, rồi từ đó nàng bay về Boston. Dì Thảo đã linh tính cho sự kiện "tình cũ không rủ cũng đến" này và dì khuyên lơn Thùy Trang nên dứt khoát với tôi, tôi nghe thoáng ý của dì. Ðây là điều làm tôi suy tư.

Về lại Boston, nàng vẫn trao đổi liên lạc với tôi không chính thức. Nàng làm cho một công ty bảo hiểm rất lớn có văn phòng chính tại Boston. Thường thì nàng gọi tôi tại sở hay tôi gọi nàng tại văn phòng của nàng. Một hôm sáng Chủa Nhật nàng gọi tôi vì nàng định sang Cali dự đám cưới con gái dì Thảo, chồng nàng tình cờ nghe bên dây thứ hai và mọi việc đổ bể. Vợ chồng nàng xô xát nhau. Tôi tỏ ra ân hận vì những phiêu lưu về tình cảm này cứ tiếp diễn. Thùy Trang bỏ gia đình sang tạm trú tại nhà dì Thảo. Tôi từ Nam Cali lái xe lên rước nàng ở phi cảng San Francisco. Nàng bị bầm bên mắt trái tôi biết do hậu quả của xô xát, tôi ôm chầm lấy nàng trong nổi thông cảm, ngậm ngùi và quá bi thương. Ngày hôm nay chúng tôi vẫn yêu nhau vì tình yêu vẫn như Richelieu nói và tình yêu của chúng tôi vẫn chưa chết, vẫn yêu đương như GV Le Fort quan niệm. Ðiều tôi nghĩ đến trong cuộc tình của Thùy Trang và chồng nàng là đứa bé năm tuổi kia khi cháu vắng mẹ thì sẽ như thế nào. Chồng nàng gởi con cho mấy cô em chồng. Gia đình chồng nàng không có thiện cảm với nàng ngay lúc đầu vì những sự lo lắng thái quá của chồng đối với nàng. Tôi đưa nàng về San Jose vì ngày hôm sau là lễ cưới của Minh Thùy con gái dì Minh Thảo. Tiệc cưới lại tổ chức ở San Francisco gần nhà đàng trai. Chúng tôi trở lại cái thành phố nhiều đồi núi duyên dáng này. Tiệc cưới đông đúc người, thật lớn chiếm cả một lầu hai của nhà hàng khá sang trọng. Trong cái không khí cởi mở và vui nhộn của tiệc cưới, thân phụ cô dâu là dượng Toàn, chồng dì Thảo, kéo tôi lên sân khấu ca một bản chia vui với cô dâu và chú rễ. Tôi đáp lời dượng và ngỏ lời với quan khách tôi hát bài " Mùa Thu Cho Em " vì sáng nay trên đường đi đến San Francisco, lề đường có những cây có lá úa vàng nhất là hàng cây maple trụi lá vào mùa thu lưu luyến của thành phố San Francisco. Khi người ta yêu nhau thì mọi vật đều cho nhau từ kỷ niệm nhớ nhung, sính lễ cầu hôn, con tim trao nhau, và cho cả mùa thu rực rỡ yêu đương đang về với nhân loại và hôm nay là ngày cưới. Tôi nhìn về hàng ghế ở dưới có Thùy Trang, tôi muốn nói nhỏ cho nàng tôi đã gặp nàng vào mùa thu tại trường Luật khoa Sàigòn, bao nhiêu mùa thu tôi đã chờ đợi nàng rồi và hôm nay thu lại về tôi muốn hát cho nàng nghe khúc ca yêu đương muôn thuở là " Mùa Thu Cho Em "

"Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ

Em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương

Và em có nghe khi mùa thu tới

Mang ái ân mang tình yêu tới

Em có nghe, nghe hồn thu nói

Mình yêu nhau nhé

Em có hay mùa thu mưa bay gió nhẹ

Em có hay thu về hết dấu cô liêu

Và em có hay khi mùa thu tới

Bao trái tim vương mùa xanh mới

Em có hay, hay mùa thu tới

Hồn anh ngất ngây

Em có mơ mùa thu cho ai nức nở

Em có mơ, mơ mùa mắt ướt hoen mi

Và em có mơ khi mùa thu tới

Hai chúng ta sẽ cùng chung lối

Em với anh mơ mùa thu ấy

Tình ta ngát hương."

Tôi liếc thấy niềm vui hiện trên nét mặt của Thùy Trang vì khi xưa nàng thường yêu cầu tôi hát bài này khi đi picnic hay họp mặt cắm trại với bạn bè tại Sàigòn. Sau tiệc cưới trời bên ngoài đã khuya chúng tôi quyết định thuê khách sạn trú ngụ qua đêm tại San Francisco. Trời bên ngoài càng về khuya càng lạnh tôi ôm ngang vai của Thùy Trang đến chỗ đậu xe khá vắng vẻ ở dưới hầm. Tôi khuyên nàng hãy trở về với chồng con nàng. Ngày hôm nay chúng tôi thật sự sống với nhau những đêm cuối cùng. Nàng ôm tôi và bật khóc vì nàng đứng giữa hai sự chọn lựa đều khó khăn. Tôi hôn lên hai hàng mi đẫm lệ của nàng, rồi hôn môi nàng thật nhiều, siết chặt lấy nàng, tôi nói với nàng tôi vẫn yêu nàng tha thiết. Tuy nhiên, đứa bé thơ ngây có thể không muốn cha mẹ xa nhau. Tôi chấp nhận hy sinh tiếp tục và tôi đề nghị sẽ giữ sự liên hệ xa cách hơn trong những ngày sắp tới.

Sáng hôm sau tôi đưa nàng ra phố Chinatown ăn điểm tâm và mua cho nàng những món quà lưu niệm và mua tặng phẩm cho con trai nàng. Chúng tôi ghé qua văn phòng công ty hàng không đổi vé máy bay cho nàng sớm về lại Boston. Nàng muốn ghé đến chụp hình lưu niệm tại cầu Golden Gate và Pier 39 Marina. Tôi đưa nàng đến thăm những thắng cảnh độc đáo này. Ðó là chiếc cầu treo màu đỏ bắc ngang vịnh Cựu Kim Sơn nối liền hai thành phố Sausalito và San Francisco, chúng tôi chụp nhiều hình. Tôi nhìn thẳng vào ánh mắt đắm đuối của nàng. Nàng thật đẹp trong tôi, giờ đây tôi muốn gởi những yêu đương trên đôi môi nàng và trả lại cho nàng những kỷ niệm cũ yêu thương qua bờ môi ngọt lịm của nàng. Chúng tôi tâm sự về những gì đã qua ở trường Luật, ở quê nội và quê ngoại nàng và bao nhiêu mùa thu của cuộc đời đã qua. Hình như nàng rất sợ đối diện những ngày nếu tôi chấm dứt hẳn sự liên lạc với nàng. Tôi cảm thấy điều tương tự như vậy trong những câu nói của nàng. Thùy Trang gọi cho dì Minh Thảo thông báo là nàng sẽ trở về Boston vào ngày mai nên sẽ ở lại San Francisco để tiện cho chuyến bay sáng ngày mai.

Hôm sau đó tôi lái xe đưa nàng ra phi cảng. Trên đường đi tôi mở nhạc phẩm mà tôi rất thích trong số những nhạc phẩm của Ngô Thụy Miên "Giọt nước mắt ngà". Tiếng hát của ca sĩ Thanh Lan thật lưu luyến và buồn vời vợi, tôi thấy mắt Thùy Trang long lanh những dòng nước mắt. Có lẽ vì chúng tôi sắp phải xa nhau và có thể vì bài hát "Giọt nước mắt ngà" buồn vời vợi trong nổi xúc cảm của nàng:

Em đứng bên song buồn

Nhìn cuộc tình trôi qua và lòng người phôi pha

Trên hai đóa môi hồng

Nụ cười đã đi xa

Ôi giọt nước mắt nào cho cuộc tình đầu

Em ngỡ như cơn mộng người tình về bên em

và gọi thầm tên em

Nhưng trên đóa mi sầu ngày dài vẫn qua mau

Em tựa lá úa mầu cho cuộc tình dài sau

Thôi một giọt nước mắt này cho cuộc tình đam mê

cho người tình trăm năm...

Ôi giọt nước mắt ngà cho cuộc tình đầu tiên.

Tôi ngước mắt nhìn lên trời cao, chiếc phi cơ DC-10 chở nàng vụt cánh trên không trung. Lòng tôi tràn ngập những vấn vương với hình ảnh của Thùy Trang và những giọt nứớc mắt ngà thương tâm. Tôi biết nàng đã cho tôi con tim trong ý tưởng của Richielieu và cũng như của Gertrud Von Le Fort đã quan niệm tình yêu của tôi với nàng là sự chấm dứt hay tiếp tục vẫn chỉ là một. Tôi sẽ bơ vơ, lạc lõng trong những giọt nước mắt ngà của người tôi yêu...

Việt Hải, Los Angeles