Biển mùa hè đẹp như suối tóc xanh biếc của nàng tiên cá, được cài lên đó vô số đóa hoa màu vàng. Đó là những nhánh rong biển với vô vàn nụ tròn căng mọng nước bám đầy cành mềm, nhưng lại dòn như những cọng "phổ tai" mà tôi hay ăn món chè sâm bổ lượng. Kể cũng lạ, một thằng sinh viên như tôi vẫn không thể hiểu tại sao cứ cách mấy năm loài rong này lại nổi lềnh khềnh, dẫy đầy trên mặt biển.

Hôm đầu tiên xuống biển tôi đã ngẩn ngơ khi phát hiện vẻ đẹp lạ lùng của biển trong mùa rong nổi. Hôm sau tôi cũng bắc chước mấy đứa cháu vớt rong sau khi đã quan sát và nhận thấy có rất nhiều người vớt rong về phơi khô đem bán. Không ai thèm để ý tới ai và cũng không ai cười họ cả. Những ngày sau tôi vớt rong càng say mê, sự ngượng ngùng phút ban đầu trong tôi đã biến mât. Trong mắt tôi giờ chỉ có rong và rong.

- Á!

Tiếng kêu hoảng hốt làm tôi giật mình ngẩng lên và phát hiện ra chùm rong lớn mà mình đang vớt có một nhánh thật dài mà đầu kia của nhánh đang quấn quanh tay cô gái - chủ nhân của tiếng kêu vừa rồi. Bối rối trước gương mặt thanh tú với đôi mắt nâu to chứa ánh nhìn sâu thẳm, tôi buông chùm rong ấp úng.

- Xin lỗi cô bé, tôi... tôi không biết (Tôi gọi như thế vì đoán tuổi cô có lẽ chỉ cỡ tuổi của Tuyết em gái tôi mà thôi).

- Không dám cô bé đâu, giọng xin lỗi nghe thấy.. ghét!

Đôi mắt nâu lườm tôi như một đường gươm sắc bén và đôi môi hồng nhỏ dẫu ra sau câu nói có vẻ bực bội. một lần nữa tôi lại chào thua trước lưỡi gươm ấy. Tôi quay lưng bơi một mạch vào bờ sau khi buông tiếng "xin lỗi" cộc lốc. Lòng thầm nhủ: "Kệ, một câu nhịn chín câu lành! Nhịn con gái lại được sự lành gấp đôi ".

Ngồi nghĩ mệt trên phiến đã quen thuộc cạnh mấy chiếc xe đạp của mấy cậu cháu, tôi phóng tầm nhìn ra biển tìm kiếm mấy đứa cháu, lòng không khỏi nghĩ đến việc vừa rồi. Chợt tôi nhổm người lên như ngồi phải ổ kiến lửa. Bởi qua làn khóc thuốc, ánh mắt tôi chạm phải một mái tóc dài - chủ nhân của "lưỡi gươm" đang tiến về phía mình! Tôn lẩm bẩm: - Lậy Chúa, không lẽ số mình chết chém?

Đối thủ đến gần dần và giờ đang đối diện với tôi. Một nhánh rong khoác quanh chiếc cổ cao trắng ngần và buông rũ ngọn trước ngực áo, màu vàng của nhánh rong nổi bật trên nền vải màu xanh dương của chiếc áo thun và chiếc quần sọoc cùng màu.

- Sao anh đang vớt rong rồi lại bỏ đi?

Vừa nói Mắt Nâu vừa trao chùm rong biển khi nãy cho tôi. Sự chuẩn bị chiến đấu của tôi lại biến đâu mất.

- Tôi...

- Cậu Tám, sao hôm nay cậu lên sớm quá vậy? Ủa, mà sao cậu vớt rong có một chút xíu hà?

Lũ cháu tôi vừa chạy lên tới nhìn tôi, thằng Tý hỏi dồn dập, tôi vội khỏa lấy:

- Vớt chơi cho vui thì vớt nhiều làm gì?

Tí gân cổ cãi: - Đâu có "vớt" chơi, mình phơi để bán mà cậu?

Thằng Nhi em nó còn thêm vào:

- Lo gì, đống rong khô ở nhà cậu Tám bán còn nhiều tiền gấp mấy tụi mình nữa.

Đến lúc này không chịu nổi nữa, tôi gắt lên:

- Tụi bây nói năng lộn xộn quá, im hết đi!

Thằng Tý ra vẻ hiểu biết khom người rù rì với đám nhóc, lập tức chúng day sang tôi hỏi to với tôi:

- Thôi tụi cháu về trước nghe cậu Tám!

Chưa kịp phải ứng thì Mắt Nâu đã lên tiếng:

- Thôi anh về cùng mấy nhóc đi!

- Vậy còn...

- Em chưa muốn về, biển còn quyến rũ qúa!

Ngỡ cô bé là người thành phố, tôi hỏi:

- Cô vẫn chưa trở về thành phố chứ?

Mắt Nâu bật cười khoe hàm răng thật đẹp:

- Em là dân bản xứ, thưa ngài. Thôi em đi đây, hẹn gặp lại.

Những ngày sau tôi cũng ra biển. Dù cố tìm và đợi vẫn không thấy Mắt Nâu đâu! Sực nhớ la `mình chưa biết tên và địa chỉ của cô bé, lòng tự trách: Thằng ngốc! Và dù rong vẫn nhiều nhưng tôi không còn hứng thú để vớt chúng nữa...

- O O o -

Chủ nhật - trường thật vắng. Đã cuối hè nhưng còn hai tuần tuần nữa mới khai giảng nên sinh viên mới và cũ đều chưa thèm vào sớm trừ khóa sắp ra trường cần phải chuẩn bị luận văn tốt nghiệp, tôi cũng nằm trong số đó.

- Thiên Hải, ngồi đây trực giùm chú một chút, chú đi có việc tí là về ngay!

Vậy đó, một tí của ông bảo vệ là đã gần một giờ mà chẳng thấy ông đâu! Ngắm người qua lại ngoài phố chán, tôi đành cầm tờ báo cũ rích lên xem để tiếp tục đợi:

- Chú ơi, cho cháu hỏi ký túc xá khoa Nữ công ở đâu?

Tôi hạ tờ báo xuống, ngẩng đầu lên nhìn để rồi tôi vô cùng sửng sốt: đối diện tôi là Mắt Nâu với chiếc áo chemise trắng, quần jean xanh cùng đôi bím tóc trông thật thanh lịch, xinh xắn. Dưới chân là chiếc va li và chiếc xắc tay căng phồng. Thì ra cô bé là tân sinh viên của trường tôi. Em cũng nhìn tôi ngạc nhiên, rồi chợt reo:

- À, không ngờ gặp anh ở ngay đây, em khỏi mất công tìm!

-... ?

Cô bé cúi xuống lấy từ trong chiếc xắc ra một lon sữa guigô cùng một phong bì trao cho tôi và nói:

- Cái này là mắm ruốc xào thịt và sả ớt, còn đây là tiền của bác gái gửi cho anh Hải đó.

- Sao cô... cô biết... ?

- Em là Thủy, bạn thân của Tuyết!

- Vậy ra là hôm ấy em cố ý để tôi phải xin lỗi?

Thủy lắc đầu: - Không, đó chỉ là sự tình cờ, khi đó em chưa biết anh là anh của Tuyết.

- Sao em hẹn gặp lại rồi em biến đâu mất vậy?

- Em phải ở nhà ôn tập và thi. Sau đó em vẫn ra biển dù biết anh đã lên trường.

Nhắc tới biển tôi chợt nhớ những nhánh rong vàng. Tôi hỏi:

- Biển mùa này có còn rong không Thủy?

Thủy nheo mắt cười tinh nghịch:

- Không phải anh Hải đã vớt hết rồi đó sao?

-...

Một lần nữa em cúi xuống chiếc xắc và lấy từ trong bọc ni long đẫm nước trao cho tôi một nhánh rong biển còn tươi.

- Cuối mùa rồi, em tìm thấy nó trong một khe đá lúc chiều qua. Tặng anh Hải đó, ngắm nó cho đỡ nhớ biển.

Tôi nhìn nhánh rong mềm mại và mát rượi trong tay rồi nhìn em: vẻ tinh nghịch chợt biến mất thay vào đó là nụ cười e ấp, bẽn lẽn. Tôi cất tiếng:

- Anh cám ơn Thủy nhiều lắm! Cảm ơn cả loài rong biển này nữa.

Thủy ngơ ngác lặp lại:

- Cám ơn rong biển?

Tôi nói thật lòng mình.

- Vì nó đã mang đến cho anh một người bạn thật dễ thương.

- Mầy phải cám ơn chú Năm nữa chứ, vì nhờ tao đi lâu mày mới gặp người bạn thật dễ thương. Hà hà!

Ông bảo vệ đã về đang kể công để gỡ tội đi lâu của mình. Nhưng tôi đang vui nên gật đầu lia lịa:

- Dạ, chú Năm nói đúng. Xin cảm ơn tấc cả!

Hết