Mưa Ở Kiếp Sau - Chương 01

Ngày sẽ đến khi em nhận ra chúng ta đều là nước.
Cuộc đời trôi bên trong em và bên ngoài em...
George Harrison
1. Con thuyền bên cửa sổ

Những năm thơ ấu tôi ngủ chung với mẹ trên chiếc giường nhỏ trong căn hộ một gian của chúng tôi ở Hà Nội. Năm tôi mười lăm tuổi, mẹ tôi xin được một tấm ván ngang sáu tấc, dài một mét tám từ một bộ phản xưa người ta bỏ đi vì để chật nhà. Trên đường đi học về, tôi đi quanh những con đường có người sửa nhà để lấy cắp một hai hay viên gạch thẻ bỏ vào cặp mang về. Tôi mài những viên gạch trên nền nhà xi măng để khi xếp cạnh nhau chúng vừa vặn hơn và ít chông chênh. Gần hai tháng tôi có đủ gạch để dựng hai chân bàn thấp cạnh cửa sổ để tôi gác miếng ván lên. Ban ngày tấm ván làm nơi ăn cơm, là quần áo, học bài, ban đêm tôi ngủ trên đó. Dù tôi đã mài những viên gạch, đã gấp giấy chêm vào những khe hở, tấm ván gác lên những viên gạch vẫn chông chênh khi tôi trở mình. 

Tôi tưởng tượng mình nằm trên ván một con thuyền nhỏ, chung quanh tôi là dòng nước, chung quanh tôi vắng lặng, tôi có cả một dòng sông cho riêng mình. Trên mảnh thuyền ấy tôi nằm ngủ, mắt nhắm, nhìn thấy đủ thứ ác mộng lẫn vào những giấc mơ êm đềm. Trên mảnh thuyền ấy tôi nằm thức, mở mắt nhìn khung cửa sổ. Tôi nhớ ngày còn bé khi nhìn thấy cửa sổ tôi ngó thấy một mảnh trời. Tôi thấy sao, đôi khi có mặt trăng lơ lửng trong mảnh trời trong suốt hay mù sương của tôi. Ngày tôi lớn, chỉ còn thấy những bức tường của những căn nhà phía bên kia khoảng sân nhỏ. Những bức tường không biết mọc lên vào hôm nào, bầu trời mỗi năm một hẹp lại và cao hơn, phải thò đầu ra khỏi cửa sổ nhìn lên thì mới thấy được nó. Một hôm, mẹ tôi đặt làm một cái khung sắt có hoa văn, người ta mang tới khoan lỗ bắt vít khung hoa sắt ấy vào cái cửa sổ nhỏ để phòng bọn ăn trộm, tôi không còn thò đầu ra nhìn trời được nữa. Chỉ còn thấy những bức tường ở chung quanh, phía sau những thanh sắt uốn hình cánh hoa.

Giường mẹ tôi ở góc tường đối diện. Dọc theo tường nơi đầu giường là cái bàn kê làm bếp. Mẹ tôi may một tấm màn giăng từ trên trần để che nơi nấu nướng, tấm màn vải in lá cây rừng xanh, hoa và chim chóc vàng, đỏ và da cam, nhưng mảnh rừng nhiệt đới đó bây giờ ám khói bếp, trông vừa sặc sỡ vừa u tối, buồn thảm khó tả. Nhưng từ lâu chúng tôi không còn nhìn thấy tấm vải ấy nữa, nó vẫn treo ở đó, nhưng nhìn hoài dường như nó đã trở nên vô hình. Đối diện chân giường của mẹ tôi là tủ quần áo bằng gỗ hương, gỗ này chỉ để đóng hòm chôn người chết, tôi không biết tại sao cái tủ của chúng tôi lại là tủ hương. Trong tủ, phía trên treo quần áo gấp lại, mấy tấm chăn, mấy cái khăn lông. Dưới nữa là bốn hộc tủ. Ngăn duy nhất có khoá là ngăn của mẹ tôi. Trong đó mẹ cất cuốn sổ tiết kiệm và những thứ khác tôi không biết. Có thể có một đôi hoa tai vàng, những bức ảnh chụp thời con gái, những phong thư thời ấy. Mẹ tôi không bao giờ dỡ ra cho tôi xem. Có thể thỉnh thoảng mẹ tôi dỡ ra xem một mình, lúc tôi không ở nhà, tôi mong như vậy, vì tôi muốn mẹ tôi có kỷ niệm, dù mẹ tôi suốt đời im lìm về chúng.

Một đôi lần, mẹ tôi có kể về căn nhà của ông ngoại tôi ở Huế. Căn nhà cổ có mười tám cột gỗ lim, mái lợp ngói âm dương. Trước sân, ông tôi xây một cái bể cạn hình chữ nhật dài mười hai mét để trồng sen. Những hôm trời mưa, mẹ tôi đứng trong gian trướcnhìn xuyên qua những hàng nước rơi song song từ mái ngói, ngó mưa rơi nhạt nhoà trên lá sen và bông sen. Năm hai mươi hai tuổi mẹ tôi chửa hoang, ông bà ngoại tôi cấm mẹ tôi ra vào nhà bằng cổng chính, cấm bước lên nhà trên. Mẹ không còn thời con gái, không còn mơ màng vịn cột gỗ lim, ngó mưa rơi trên lá sen và bông sen sân trước. Sen là kỷ niệm duy nhất mẹ tôi mang theo khi ra đi. Không, đó là kỷ niệm duy nhất được nói ra. Những kỷ niệm khác nằm trong niềm im lặng của mẹ tôi, niềm im lặng dài hai mươi hai năm, dài bằng đời tôi và nửa đời của mẹ. Tôi không biết gì về bên ngoại. Ông bà tôi làm gì, tôi có bao nhiêu cậu, dì. Tôi không biết gì về cha tôi. Tôi không biết gì về khoảng thời gian giữa ngày mẹ tôi là cô học trò Đồng Khánh đứng trong một gian nhà xưa ở Huế nhìn ra mưa, và ngày mẹ tôi là thiếu phụ một con không hộ khẩu, bán rau trong một cái chợ ở quận Ba Đình, Hà Nội. 

Mỗi năm một lần, tôi hỏi:

"Cha và mẹ gặp nhau như thế nào? Sao cha không cưới mẹ?".

"Bao giờ con đủ lớn, mẹ sẽ kể".

Nhưng tôi không bao giờ đủ lớn. Hoặc là sự yên lặng đã trở thành cuộc đời của mẹ mà nếu nó mất đi, mẹ không biết sống tiếp tục cuộc đời mìnhnhư thế nào. Tôi hai mươi hai tuổi, không có một nét phác nào dù rất nhạt về cha tôi. Nếu mẹ cho tôi một vài nét thôi, tôi sẽ vẽ những nét còn lại bằng trí tưởng tượng, tôi sẽ nối những nét của mẹ và những nét của tôi lại vớinhau, để tôi có được bức hoạ về cha mình. Nhưng mẹ tôi mãi im lặng và tôi không có nơi nào để bắt đầu. Vậy mà tôi vẫn luôn luôn biết mình có một người cha, máu của ông chảy trong người tôi, dù sự thật ấy rất tê tái, tôi cũng không thay đổi nó được. Những lần đi học về gặp trời mưa, tôi đứng trú dưới một hiên nhà bên đường. Tôi trông sang bên kia đường, dưới mái hiên những căn nhà đối diện, có những người khác cũng đang trú mưa. Tôi thường nghĩ cha tôi đang đứng ở bên đó, lẫn trong đám đông, khuất trong một góc thiếu sáng, cách tôi một con đường, cách tôi một màn mưa. Và tôi không bao giờ hiểu tại sao cha tôi không băng qua con đường, băng qua màn mưa để qua bên này với tôi. Tôi ao ước cha tôi làm như vậy trước khi tôi trưởng thành. Tôi muốn cha tôi nhìn thấy tôi, chưa lớn, đáng yêu và chưa biết cuộc đời, thực sự là một đứa con gái nhỏ, chứ không phải là một người lớn độc lập và ưu phiền.

Gần sang xuân bà ngoại tôi ở Huế mất. Một trong những ngày mưa mù trời trắng đất cuối mùa đông, mẹ tôi nhận được thư của ông ngoại tôi. Ông kêu mẹ tôi về cho đủ mặt các con ngày đám tang bà. Đó là lá thư đầu tiên ông viết từ hai mươi hai năm. Trong thư ông không hỏi han gì đến tôi. Buổi chiều mẹ tôi đọc thư xong, cứ ngồi thẫn thờ, thỉnh thoảng quệt nước mắt bằng lưng bàn tay đến khi trời tối lúc nào không hay. Tôi nghĩ mẹ tôi khóc vì mẹ của mẹ mất, khóc vì sắp được về quê, khóc vì hai mẹ con tôi nghèo khó, mẹ tủi thân không muốn dắt con gái về nhà. Mẹ tôi khóc vì không biết vay đâu cho ra tiền đi tàu, khóc vì không biết ông ngoại có nhìn nhận tôi, một đứa con gái không cha là cháu của ông không. Bức thư làm cho mẹ tôi ốm, bỏ chợ đã hai hôm. Mẹ nằm trên giường, đến hôm nay thì nước mắt không còn, chỉ còn sự yên lặng. Tôi nghĩ nếu mẹ nói chuyện với tôi được thì sẽ bớt buồn. Tôi đến ngồi ở chân giường, hỏi mẹ về bà ngoại, về hoa sen và lá sen, về những mùa mưa ở Huế, nhưng mẹ tôi không nói gì.

Tôi nói:

"Ông ngoại gọi mẹ về làm đám tang bà, vậy ông vẫn nhìn nhận mẹ là con gái. Mẹ không vui sao?".

"Không."

"Bà ngoại mất, ông đang buồn. Cả nhà đang buồn. Đây là lúc gia đình cần có nhau. Mẹ nên về nhà.".

"Không."

"Nếu không vì ông, cũng phải về vì bà ngoại."

"Không."

"Mẹ không biết đến tình cảm mẹ con nữa sao? Mẹ làm con sợ."

Mẹ tôi khóc oà, tôi không còn thấy nước mắt, nhưng tôi nghe những tiếng nấc dài từ một lồng ngực như có ai đè làm nghẹn mất hơi thở. Tôi không ngờ tôi nhắc đến tình mẹ con lại làm mẹ tôi đau đớn đến như vậy.

Sau đó lâu lắm tôi mới hiểu vì sao mẹ tôi khóc uất trong một ngày mẹ không còn nước mắt.

Hai hôm sau, mẹ tôi ngồi dậy, đi chợ, và không còn nhắc một lời nào về bức thư của ông ngoại nữa. Tôi lén mẹ viết thư cho ông, thưa rằng mẹ bị ốm, yếu lắm, không đi tầu hoả được. Làm tuần 49 ngày của bà, mẹ sẽ về. Tôi xin ông nhớ tới cháu trong ngày lễ phát tang bà ngoại. Cháu đang học đại học năm thứ hai, ngành y, hệ chính quy, cháu học chăm, cháu kính gửi lời thăm ông vạn an. Tôi viết thư chọn từng chữ, từng dòng, trau chuốt từng nét bút, mong cho người đọc thư hiểu rằng tôi là một đứa con gái có giáo dục và ngoan hiền, đáng yêu. Tôi định bỏ vào phong thư một bức ảnh của mẹ tôi và tôi chụp ở hiệu ảnh năm tôi mới đỗ vào đại học, nhưng rồi lại thôi.

Tôi mong chờ ông viết thư cho tôi, xưng ông và gọi tôi bằng cháu. Chỉ đôi dòng trên một trang giấy trắng, chỉ vài giọt mực thôi thì tôi sẽ có dòng họ, có quê nhà, xoá đi hết hai mươi hai năm tôi là con hoang của một người mẹ lầm quê lạc chợ.Những ngày chờ thư, tôi thường nghĩ tới căn nhà cổ của ông ở Huế, tưởng tượng ông tôi biết chữ Nho và chữ Pháp, ông tôi hay đọc sách, quê nhà tôi xanh như ngọc và hồng như sen, mơ màng trong những mùa mưa nhiều thương nhớ. Tôi mơ ước được về thăm quê mẹ.

Ông ngoại tôi không bao giờ trả lời thư tôi viết cho ông. Có lẽ ông không muốn hoang phí những giọt mực và một ngăn dù rất nhỏ trong trái tim cho chút tình máu mủ. Đêm đêm tôi sẽ lặng lẽ đem thả trôi sông từng mảnh tình yêu dành cho Huế, nơi tôi chưa bao giờ đến, sẽ không bao giờ đến. Đêm đêm tôi sẽ nằm trên con thuyền nhỏ của riêng mình, sẽ xé nhỏ tình yêu quê hương dòng họ, rồi vứt đi từng mảnh xuống nước và nhìn chúng chìm nhanh trong một dòng mênh mông thăm thẳm.