Trăng giữa hè sáng quá, sáng đến mức đứng ở sau nhà mà Bình có thể nhìn rõ dáng người đang đi lại trên con đê quen cách xa hơn cây số. Gió từ biển thổi vào rười rượi khiến cho tất cả cây cỏ trong vườn đồng loạt reo lên, tạo nên giai điệu rì rào, lắng sâu, bất tận. Trên trời, những đám mây hăm hở chạy thi về phía dãy núi mờ xa... Giữa cái không gian đêm hè thanh tao ấy, Bình cảm thấy hồn mình phơi phới, một tứ thơ bất chợt xuất hiện bật ra thành lời... Bỗng tiếng mẹ từ trong nhà vọng ra cắt ngang:

- Bình ơi! Con đi mài liềm đi. Mài xong của nhà mình con còn phải sang mài giúp cho nhà cô Ngọt nữa đấy. Buổi chiều, cô ấy sang nhờ, mẹ đã nhận lời rồi.

Bình “dạ” to một tiếng rồi đi vào bếp với tay lên gác rút xuống đôi liềm đưa ra ánh trăng ngắm nghía. Những chiếc liềm dùng để gặt cói lưỡi dài dễ đến năm tấc, bản rộng nửa gang, nặng đến cả ký. Đã gần sáu tháng nằm nghỉ trên gác bếp, nước thép lưỡi liềm chuyển sang màu nâu xỉn. Một năm đôi vụ, vào mùa gặt cói, đêm trước ngày xuống đồng đầu tiên, cả làng Bình âm vang tiếng mài liềm xoàn xoạt. Về khuya, tiếng mài liềm như mài mòn cả ánh trăng đêm hè. Bình đi ra giếng, nửa ngồi nửa quỳ, hai cánh tay săn chắc của chàng trai mười bảy đè mạnh lưỡi liềm đẩy nhanh đi lại trên mặt hòn đá mài. Ở đất cói quê Bình, trẻ con lớn lên một buổi đến trường, một buổi ở nhà giúp đỡ cha mẹ đủ mọi công việc. Lũ con trai mười ba, mười bốn tuổi đã biết ra đồng gặt cói và vận chuển nó về cồn phơi. Con gái thì mới bước vào tuổi lên mười đã quay máy chè cói thoăn thoắt hay ngồi bên khung dệt đưa vàng, dập, gò làm nên những chiếc chiếu hoa chẳng kém gì người lớn. Bình dẫu là cậu thư sinh học lớp 12 trường huyện, nhưng do quen lao động từ tấm bé nên dáng vóc cao to, khỏe mạnh chẳng kém một thanh niên đôi mươi.

Bình mới mài vài phút, lớp rỉ sắt bám trên mặt lưỡi liềm đã tan biến đễ lộ ra màu thép già sáng quắc. Đè mạnh tay hơn, Bình đẩy nhanh lưỡi liềm, lật đi lật lại mươi lượt rồi thử gại nhẹ vào đầu ngón tay cái đã cảm nhận thấy cái sắc lẻm của lưỡi liềm. Vung tay lên, Bình làm giả động tác vơ cây cói vào lòng rồi kéo lưỡi liềm từ từ như là đang cắt, ánh trăng nhập vào mặt liềm sáng lên lấp lóa. Chợt Bình nhớ lời mẹ dặn lúc nãy: “Mài xong của nhà mình, con còn phải sang mài giúp nhà cô Ngọt nữa đấy... ” Bình mài tiếp cái thứ hai thật nhanh rồi máng vào chái nhà.

Nhưng Bình không sang nhà cô Ngọt ngay mà lại vào ngồi bệt xuống hè bần thần nghĩ ngợi. Giá như mùa gặt cói đến từ hai tháng trước thì có khi chẳng cần chờ cô Ngọt phải nhờ, Bình cũng đã tự nguyện đến mài liềm giúp như những vụ thu hoạch năm ngoái, năm kia rồi. Còn bây giờ, mỗi lần phải sang nhà cô Ngọt giáp mặt với Thanh – con gái lớn của cô, Bình cứ thấy ngài ngại thế nào ấy.

Nhà Bình và nhà cô Ngọt ở cách nhau chỉ một mảnh vườn nhỏ. Hai gia đình đã “tắt lửa tối đèn” có nhau từ lâu lắm. Mối thân thiện cứ nẩy nở tốt đẹp mãi lên theo năm tháng. Nhất là từ ngày chú Trực - chồng cô Ngọt hy sinh ở mặt trận biên giới Tây Nam, thì những công việc cần có bàn tay khỏe mạnh của đàn ông, Bình thường hay sang làm giúp nên cô Ngọt rất quý Bình, lắm lúc coi như con cái trong nhà. Chú Trực hy sinh để lại cho cô Ngọt hai đứa con. Đứa đầu là Thanh, tuổi bằng tuổi Bình. Đứa sau cũng con gái tên Thảo, kém chị hai tuổi. Bình và Thanh học chung lớp ở cấp I, cấp II, khi lên cấp III trường huyện, mỗi đứa học một lớp khác nhau nhưng vẫn sớm trưa đi về chung một con đường nên thân nhau nhiều. Thanh càng lớn càng xinh, lớp trai làng không biết tự lúc nào đã tặng cho Thanh cái danh hiệu “hoa khôi vùng cói”. Bà con chòm xóm nhìn thấy ngày ngày Bình và Thanh đạp xe sóng đôi nhau đi học đã cười cười bảo với mẹ Bình: “Hai đứa chúng nó thật là trai tài, gái sắc. Chị cố mà vun vén cho nên duyên, nên nghĩa... ” Nghe được, tuy chưa nghĩ gì đến chuyện mai sau, nhưng Bình cảm thấy vui vui, tự hào.

Cuộc sống cứ ngạt ngào hương sắc trôi đi. Bỗng một hôm cách đây khoảng ba tháng, buổi chiều Bình nghe có tiến xe máy đi vào ngõ nhà Thanh. Vạch chùm lá dâm bụt nhìn sang, Bình phát hiện ra đó là thằng Long học cùng lớp Thanh, cưỡi chiếc xe máy còn mới cáu cạnh đến chơi. Đây là nhân vật mà Bình chẳng lạ gì bởi đã nghiều lần Long được nhắc nhở trước học sinh toàn trường về tội trốn học, quậy phá. Gia cảnh nhà Long thế nào Bình không rõ lắm, chỉ nghe bạn bè kháo nhau Long là con của mộ tổng giám đốc làm việc mãi trên tỉnh, có cuộc sống vật chất dư thừa nhưng lại thiếu đức tính chăm chỉ, cần mẫn, lễ phép của một cậu học sinh. Không biết giữa Thanh và Long có chuyện gì cần nói với nhau mà mãi đến chập tối Bình mới nghe tiếng xe của Long nổ máy ra về. Tự nhiên Bình thấy mặt mình nóng lên, có biểu hiện cay cay nới sống mũi.

Buổi sáng hôm sau đi học, Bình hỏi Thanh:

- Chiều qua có bạn cưỡi “ngựa máy” đến chơi vui lắm nhỉ?

Thanh xì lên một tiếng giải thích:

- Nhân vật ấy Bình còn lạ gì nữa. Bố mới tậu cho cái xe máy đi khoe lấy le ấy mà. Dai như đỉa đói, mấy lần mình tìm cách đuổi khéo mà có chịu về cho đâu. Bao nhiêu công việc nhà không làm được bởi ông khách không mời mà đến này.

Thanh nói thế bình biết nghe thế, chứ kỳ thực trong lòng vẫn cứ thấy ấm ức thế nào. Nhưng rồi nhân vật ấy cứ mỗi tuần vài ba chiều lại xuất hiện ở nhà Thanh, khiến cho nhiều lúc Bình muốn sang chơi cũng cảm thấy ngài ngại. Mỗi lần Bình nhắc đến chuyện dạo này thấy Long thường xuyên xuất hiện, Thanh đều lý giải:

- Chả lẽ bạn bè cùng lớp đến chơi mình lại đuổi họ về à? Mình nhờ Bình hôm nào sang đuổi giúp cho với. Thật đấy!

Sang nhà Thanh đuổi giúp Long tất nhiên là Bình chẳng dám rồi. Biết đâu được người ta nhờ thật hay là làm động tác giả cho mình quê một cục. Bình ít sang nhà Thanh hơn trước đến nỗi cô Ngọt, mẹ Thanh gặp Bình đã trách:

- Sao dạo này ít thấy cháu sang nhà côi chơi vậy? hay là giữa cháu với con Thanh có chuyện gì khúc mắt?

Bình chỉ gãi đầu, gãi tai ậm à, ậm ừ bảo là tại phải phụ giúp bố mẹ nhiều việc quá. Mọi chuyện lẽ ra cũng chỉ mới ở mức lảng tránh nếu như mấy ngày cuối năm học Bình không nhận được thông tin từ thằng Lam ghé tai mách cho biết: “Chiều hôm trước tao thấy thằng Long và con Thanh đi chơi, ôm eo tình cảm lắm. Xem chừng mày bị chúng nó cho ngửi khói rồi”.

Bình đang ngồi ở đầu hè buồn thiu suy tư cùng ánh trăng mỗi lúc thêm sáng lên diệu vợi thì mẹ từ trong nhà đi ra hỏi:

- Con đã sang mài liềm giúp cho nhà cô Ngọt chưa?

- Dạ chưa mẹ ạ!

Bình lí nhí đáp. Mẹ giục:

- Đã gần mười giờ rồi con còn chưa đi, định đợi đến nửa đêm à! Đi ngay đi con, kẻo cô ấy chờ.

Bình đứng dậy bước đi mà cảm thấy cả tâm hồn và đôi chân cùng nặng trĩu. Đến trước ngõ nhà Thanh, Bình nghe có tiếng mài liềm yếu ớt vọng ra. Bình hiểu ngay do muộn quá rồi mà chưa thấy mình sang nên cô Ngọt hay Thanh đã phải tự động mài liềm. Ở vùng đất cói hiếm có phụ nữ biết mài liềm lắm, bởi đã bao đời đó là công việc dành cho đàn ông. Tự nhiên Bình cảm thấy mình có lỗi, bàn chân mạnh bạo sải những bước dài vào nhà Thanh. Quành ra chái nhà chỗ giếng nước, trong ánh trăng Bình thấy Thanh đang bặm môi đẩy cái lưỡi liềm chậm chạp, hình như mắt ngân ngấn nước.

- Để đấy mình mài cho!

Nói rồi Bình xán lại muốn cầm lấy cái liềm từ tay Thanh nhưng Thanh không chịu buông. Từ cái miệng xinh xắn của cô hoa khôi vùng cói cất lên lời ấm ức:

- Mình ngỡ rằng chẳng bao giờ Bình bước chân sang cái nhà này nữa!

Nghe Thanh nói thế Bình sững lại, ngây ra mãi một lúc lâu mới tìm được câu trả lời lạc lõng:

- Mẹ mình bảo mẹ Thanh nhờ mình tối nay sang mài giúp mấy cái liềm. Có chút việc bận nên bây giờ mới sang được. Xin lỗi nhé.

T Thanh đẩy một cái liềm lại phía Bình rồi nói:

- Chiếc liềm của mẹ Thanh đấy, Bình mài đi. Còn chiếc liềm của Thanh, Thanh tự mài được mà.

Cô Ngọt đã ra đứng đằng sau tự lúc nào. Nghe rõ lời đôi co giữa Bình và Thanh, cô âu yếm giảng hòa:

- Thanh, con đưa liềm cho Bình mài giúp đi. Con tự mài có cứa cũng không đứt chứ đừng nói gì đến chuyện gặt cói. Vào nhà mẹ có chút việc muốn bàn với con.

Thanh dùng dằng đưa cái liềm cho Bình, đôi mắt ngân ngấn nước liếc chéo Bình một cái rõ dài như có ý bảo: “Tại bạn cả đấy, ai bảo bắt người ta chờ từ chập tối đến giờ” và nói:

- Mài xong vào nhà cho mình hỏi chút chuyện. Bình có tội đấy.

Lúc này mới thấy Thanh cười, hai hàm răng để lộ thật xinh xắn. Bình gật đầu, ngồi xuống khỏa nước từ chậu ra hòn đá mài rồi hai tay đẩy mạnh lưỡi liềm. Chuông đồng hồ điểm mười giờ, hầu như tất cả mọi nhà trong xóm đã mài liềm xong, chỉ còn lại tiếng mài liềm ở nhà Thanh vang lên hòa với lời cây, lời gió lắc laỵ Giắt hai cái liềm đã mài sắc lẻm như dao lên vách bếp, Bình bước lên nhà trên đã thấy Thanh với tích nước chè tươi nóng ngồi đợi. Rót nước ra bát, với bản tính vô tư, nhí nhảnh trời phú, Thanh láu lỉnh mời:

- Uống bát nước chè đặc vào cho tỉnh táo rồi nghe “quan tòa” vấn tội.

Bình nâng bát nước lên miệng thổi phù phù rồi nhấm nháp từng ngụm nhỏ. Vị chát của chát ta-nanh làm cho mặt Bình nhăn lại như khỉ ăn gừng khiến Thanh cất lên tiếng cười khanh khách. Tiếng cười ấy đủ xóa cái ấm ức tích tụ mấy tháng nay ở cả hai phía. Bình tươi tỉnh:

- Thưa “quan tòa”, bây giờ đã muộn rồi, cho phép tôi về đi ngủ để sáng mai còn dậy sớm cùng với mọi người xuống đồng vào mùa gặt cói mới. Mọi tội tình của tôi xin cho “xét xử” vào ngày khác ạ!

Thanh hiểu là Bình không muốn mẹ mình lại nghe hai đứa đôi co một lần nữa về những chuyện riêng tư, chẳng đâu vào đâu nên đứng dậy tiễn Bình ra ngõ. Vừa đi, Thanh vừa trách:

- Bình sang muộn, mình tự mài liềm giộp cả bàn tay rồi đây này.

Bình muốn đưa bàn tay mình ra nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn của Thanh xem nó phồng giộp ra sao, nhưng cậu ta e ngại, lại thôi. Khi chia tay, Thanh thỏ thẻ:

- Bình giận mình đi xe máy chung với Long lắm phải không? Hôm ấy nghe tín cái Hoa bạn cùng lớp nhà ở xã Nga Hưng bị bệnh, mình muốn đi thăm. Long cứ kè kè đòi chở, nể quá leo đại lên ngồi. Có vậy mà cũng có người muốn nghỉ chơi. Không thấy Bình sang nhà, mẹ mình cứ lục vấn hoài hoài...

Đã nửa đêm rồi. Trăng trên trời vẫn vằng vặc sáng Bình vác chõng ra kê ở đầu hè nằm ngủ. Gió lồng lộng thổi vào đùa nghịch với những ước mơ của chàng trai đất cói. Cây lá rì rào như ru cho giấc ngủ của Bình thêm sâu để ngày mai, ngày kia trở thành kiện tướng gặt cói trên đồng. Và hẳn Thanh cũng chẳn muốn làm “quan toà” lục vấn “tội” người bạn trai cùng chung đèn sách từ thưở ấu thơ.

Hết