Chương 1

Mở đầu

Bước chầm chậm theo lối đi rãi sỏi khắp khu vườn của căn biệt thự tráng lệ, Mỹ Trang vẫn cứ ngỡ rằng mình nằm mơ chứ không phải sự thật. Suốt hai mươi mấy năm trời sống trong căn nhà tồi tàn,thiếu trước hụt sau với người mẹ nghèo sờm hôm tàn tảo nuôi cả bầy con lít nhít “ trứng gà trứng vịt”, phải nghỉ học khi hết phổ thông để phụ mẹ bán xe trái cây gọt sẵn, cô chưa hề tưởng tượng đến một lúc nào đó sẽ được thoát ly khỏi khu lao động này chứ đừng nói đến việc sẽ trở thành đứa cháu ruột rà của một gia đình giàu có nhất nhì thành phố này như hiện tại.

Nếu không có cú đụng xe hữu duyên nọ thì coi như vận may sẽ chẳng bao giờ mỉm cười với cô như thế này.

1

Hôm đó, Mỹ Trang vừa bưng dĩa trái cây băng qua đường cho khách thì bất ngờ một chiếc xe gắn máy từ trong hẽm lao ra, tông nhằm người cô. Mỹ Trang loạng choạng té nhào xuống đất, dĩa trái cây đổ không còn một miếng : mít, xoài, lồng mứt… văng tung tóe đầy đất.

Không quan tâm đến những vết sây sát đang rớm máu trên người, Mỹ Trang vội vàng đứng phắt dậy nắm chặt áo kẻ vừa gây tai nạn cho mình, la ầm ĩ:

– Bắt đền mau lên! Cả tiền thang thuốc lẫn tiền đồ ăn. Nếu không thì đừng hòng bước chân khỏi đây!

Đúng là “ rừng nào cọp nấy”! Cô vừa dứt lời thì má cô rồi mấy đứa em trai đang ở bên kia đường vội chạy ào sang, bu quanh kẻ xui xẻo nọ với vẻ mặt hầm hầm sát khí tỏ ý: “ Không giải quyết ổn thỏa thì đừng hòng toàn mạng thoát khỏi vòng vây!”

Nhân vật nọ là một người đàn ông trung niên có dáng dấp bảnh bao, chải chuốt thấy tình hình bất lợi thì lật đật dàn hòa:

– Được rồi, được rồi! Tôi có chạy làng đâu mà làm dữ quá vậy? Muốn tiền thì có tiền ngay lập tức. Cô bé này thích lấy tiền bây giờ cho xong chuyện hay muốn đến bệnh viện kiểm tra cho chắc ăn?

Mỹ Trang lập tức trả lời ngay không cần suy nghĩ lâu lắc:

– Dĩ nhiên là lấy tiền rồi! Ông đừng tưởng gạt được tôi nha. Tới bệnh viện mà không có gì thì ông phủi tay, khỏi bồi thường chứ gì?

Người đàn ông cười kha khà, lắc đầu lia lịa:

– Nhỏ mà lanh quá đi! Ai dám qua mặt cô chứ?

Xòe tay ra sẵn chờ cầm tiền,Mỹ Trang nguýt dài, chua ngoa đáp lại:

– Không lanh để húp cháo hả?

Rút bóp ra, người đàn ông soèn soẹt đếm tiền tỏ ra hào phóng. Vừa đếm, ông ta vừa hỏi:

– Một trăm ngàn đủ chưa?

Bà Mai ( má Mỹ Trang) mừng húm, chờn vờn giơ tay toan chụp lấy hai tờ giấy bạc năm chục ngàn nhưng cô rất tinh ranh, nhận ra vẻ hào phóng, không so đo của ông ta nên chẳng dại gì chấp nhận cái giá rẻ bèo ấy mà bĩu môi, chao chát:

– Giá một mạng người chỉ bấy nhiêu đó sao? Ông thử tính lại cho hợp lý coi!

Người đàn ông kêu lên:

– Chỉ trầy da, chảy máu chút đỉnh mà cô phóng đại dữ vậy? Làm gì đề cập đến nhân mạng nghe ghê quá vậy?

Mỹ Trang thản nhiên lập lại ý kiến của mình:

– Nếu ông thấy tôi nói thách thì cứ việc đưa chân ra cho tôi cán lại là huề, khỏi lấy tiền bạc gì hết. Chịu là chơi liền, mọi nợ nần xí xóa ngay sau đó. Dám chịu không?

Đám đông xúm đen đỏ nãy giờ để xem đều khoái chí cười ồ, phụ họa:

– Dám không? Mạng đổi mạng đó!

Không ngờ mình lại bị cuốn vào cái vòng xoáy lãng xẹt này, người đàn ông lỡ khóc lỡ cười, bấm bụng xuống nước nhỏ:

– Thôi được, thôi được. Cô cần bao nhiêu, nói thẳng ra đi!

Giữa lúc Mỹ Trang đang khoái chí toan tính trong đầu số tiền sao cho hợp lý để khỏi nhắc lại lần thứ hai thì người đàn ông nọ vụt nhìn kỹ bà Mai rồi la lên:

– Cô Hoàng Mai phải không?

Phản ứng đầu tiên của bà Mai là che mặt lại, chối đây đẩy:

– Mai Đào nào, tôi không biết! Ông nói bậy gì vậy?

Nhưng lời nói dối vụng về của bà không qua mặt được ai, nhất là thằng Tú (đứa em út mới tám tuổi của Mỹ Trang). Nó bộp chộp la lên:

– Đúng tên má rồi! Sao má không nhận?

Bà Mai hầm hầm quay lại chửi con té tát:

– Cái thằng quỉ nhỏ! Ai mượn mày tài lanh hả?

Người đàn ông vội can thiệp:

– Cho tôi xin, có được không? Người quen cũ chứ ai xa lạ. Cô không nhìn ra tôi chứ tôi nhớ người hay lắm. Tôi làTín nè! Hồi xưa tôi vẫn theo sát một bên cậu Hai Đạt đó.

Những lời gợi nhớ của ông Tín khiến bà Mai co rúm nét mặt, thẫn thờ rũ vai xuống như mất hết sinh khí. Rõ ràng người đàn ông xa lạ này không hề nói chuyện hoang đường. Đoạn đời trong quá khứ của bà dính líu không ít với cái tên “Hai Đạt” mà từ rất lâu rồi, bà không hề muốn nhắc đến nữa, chỉ muốn chôn vùi thật sâu trong đáy tim mình. Sự oái oăm nào lại xui khiến có cuộc gặp gỡ hy hữu này chứ?

Thấy câu chuyện bỗng chốc lại chuyển sang chiều hướng hòa bình, đám người hiếu kỳ đang háo hức tụ tập chờ xem chuyện náo nhiệt thất vọng tản mác dần. Giữa trưa hè chói chang và hai dãy phố vắng ngắt chỉ còn lại ông Tín và mấy mẹ con Mỹ Trang.

Giang rộng hai tay tỏ tình thân mật, ông Tín sởi lởi cất tiếng:

– Gặp được nhau thế này là điều may mắn hiếm có. Tôi muốn mời mọi người đến nhà hàng ăn một bữa gọi là đánh dấu kỷ niệm, nhé cô Mai?

Bà Mai còn lừng khừng chưa kịp trả lời thì đám con trai nghịch như quỉ sứ và lúc nào cũng thèm ăn của bà đã vỗ tay hoan hô ầm ĩ.

Nhớ đến nồi cơm lúc nào cũng được vét sạch đến tận đáy của gia đình mà cũng chẳng mấy khi có đủ gạo đong vào nồi để cho các con no bụng, bà Mai cay xè mắt rồi gật đầu như cái máy dù cách đó vài phút thì bà đã tự nhủ lòng rằng sẽ chẳng bao giờ chịu thỏa hiệp với người đàn ông đến từ một thế giới hoàn toàn khác với mẹ con bà cả!

Trong lúc cả nhà hoan hỉ rồng rắn kéo nhau vào cái nhà hàng bề thế nhất khu này để ăn mừng cuộc hội ngộ thì Mỹ Trang vẫn không quên chặn đầu ông Tín, dặn dò kỹ lưỡng:

– Quen thì quen, ăn thì ăn nhưng tiền thuốc men không được xí xóa đâu nhé.

Ông Tín cười xòa, đoan chắc:

– Dĩ nhiên rồi. Làm sao tôi dám qua mặt cô kia chứ?

Bữa tiệc diễn ra vui vẻ phần lớn nhờ vào sự hưởng ứng nhiệt tình của lũ con trai bà Mai, còn về phần bà – dường như niềm ưu tư đang đè nặng trong lòng đã làm giảm sự tập trung cần thiết.

Mỹ Trang cảm nhận rất rỏ thái độ lơ đễnh của mẹ và chẳng khó khăn gì để suy đoán rằng cuộc gặp gỡ này không hề đem lại niềm vui cho bà. Do đó mà cô cũng giữ cho mình một thái độ chừng mực với người đàn ông nọ để thủ thế. Sự nghiệt ngã của cuộc sống đã tạo cho cô cái bản năng nhanh nhạy ấy để đối phó với đời.

Kết thúc bữa ăn, ông Tín thanh toán tiền với nhà hàng xong là rút hai tờ năm trăm ngàn đưa cho Mỹ Trang với nụ cười hóm hỉnh trên môi:

– Đấy nhé, tôi rất uy tín chứ không phải kẻ lừa đảo, đúng không nào?

Hơi ngượng ngùng vì ông ta đã nói trúng tim đen của mình nhưng Mỹ Trang vẫn leo lẽo cãi lại:

– Là ông nói chứ không phải tôi đâu!

Bà Mai dẫn nguyên bầy con ra ngoài đường rồi nhìn ông Tín, khô khan cất lời:

– Cám ơn anh đã cho mấy đứa nhỏ nhà này một bữa ăn xa xỉ. Bây giờ mọi việc đã thanh toán xong, không còn nợ nần gì nhau nữa thì đường ai nấy đi. Chào anh!

Bà chưa kịp bước đi thì ông Tín đã giơ tay cản lại, nói giọng trầm trầm:

– Để tôi gọi taxi đưa chị và các cháu về nhà cho biết chổ ở.

Bà Mai gạt phắt đi:

– Khỏi cần! Tụi tôi đi bộ quen rồi.

Ông Tín vẫn giữ nụ cười mềm mỏng trên môi:

– hỉnh thoảng cũng nên thay đổi thói quen cho cuộc sống thêm sinh động chứ.

Đám nhóc lại lao nhao

– Tụi con muốn đi taxi.

Lần này thì bà Mai cương quyết sẵng giọng:

– Không được! Đùng để người ta nghĩ rằng mình lợi dụng.

Mấy đứa nhỏ còn bùng thụng tính nài nĩ tiếp thì bà đã gằng giọng quát to:

– Tụi bây tính khỏi bán xăng đêm hả ? Tủ thuốc lá cũng dẹp luôn phải không?

Nghe mẹ đe dọa kiểu đó thì đứa nào cũng im thin thít.

Từ trước đến giờ, Mỹ Trang vẫn là “ cánh tay nối dài” của mẹ để quản lý lũ em trai ba bốn đứa nghịch như quỉ sứ của mình, nghĩa là luôn đứng về phía mẹ trong mọi hoàn cảnh nhưng lần này thì cô bắt đầu cảm thấy mẹ hơn quá đáng.

“ Tại sao lại nhẫn tâm tước đoạt chút niềm vui nho nhỏ mà hiếm hoi lắm họn trẻ mới được hưởng thụ kia chứ?”

Nỗi bất nhẫn ngập tràn khiến Mỹ Trang không giữ ý được nữa, buộc miệng lên tiếng:

– Lâu lâu mới có dịp cho tụi nó xả hơi mà mẹ. Mai bán bù cũng đâu sao!

Đám nhò vỗ tay hoan nghênh bà chị điệu đàng rân trời.

Dường như không hề nghĩ đến sự phản kháng của đứa con gái vẫn luôn về phe mình trong mọi trường hợp nên lúc này mắt bà Mai cứ trợn tròn lên, không sao thốt được nửa lời.

Ông Tín phá tan sự im lặng bằng câu nói:

– Vậy là nhất trí nhé! Chờ tôi kêu xe cho cả nhà cùng về rồi sẽ chạy xe theo sau.

Bà Mai yếu ớt nêu ý kiến:

– Không được. Còn cái xe bán hàng của tôi nữa. Biết quăng đi đâu bây giờ?

Vẫn là Mỹ Trang mau mắn tìm ra giải pháp:

– Thì gởi đỡ ở nhà dì Hai đầu hẽm nè. Có ai lấy mà sợ? Sáng mai kêu tụi nhỏ chạy ra đẩy về sớm để chất hàng lên là xong.

Nhìn cô bằng ánh mắt thú vị, ông Tín thốt lên câu tán dương:

– “ Hổ phụ sinh hổ tử”!

Bà Mai mím chặt môi đến độ xương quai hàm bạnh ra nhưng không thốt lên tiếng nào.

Taxi đã đến. Cả gia đình bà Mai lần lượt ngồi vào xe.

Chiếc taxi dừng trước con hẽm tồi tàn để mẹ con bà Mai đi bộ vào vì chẳng thể nào chui lọt vào cái mê cung ngoằn ngoèo chỉ đủ chỗ cho từng chiếc xe gắn máy đi hàng một len lỏi vào trong.

Thế nhưng ông Tín vẫn kiên trì dắt xe theo họ đến tận nơi.

Bất thần bà Mai quay lại gây sự:

– Bộ tôi thiếu nợ anh hay sao mà ám tôi hoài vậy?

Lúc này bà đã trở lại dáng điệu nanh nọc của người phụ nữ lam lũ hằng ngày.

Ông Tín vẫn khoan thai cười nhẹ, trấn an:

– Tôi đã nói là muốn biết nhà chị rồi mà.

Bà Mai cười cay độc:

– Ông muốn chứng kiến tận mắt sự nghèo nàn của tôi để đem về làm quà cho thiên hạ chứ gì?

Chưa bao giờ Mỹ Trang lại thấy mẹ mình có vẻ oán độc dễ sợ như vậy! Cô bắt đầu hiểu rằng giữa mẹ và những kẻ có quan hệ với người đàn ông kia đã xảy ra những chuyện chẳng vui vẽ gì trong quá khứ.

Bản năng của kẻ làm con đã thôi thúc cô nhảy vô bênh vực mẹ mình. Mỹ Trang đứng chắn trước mặt bà Mai, lớn tiếng xua đuổi ông Tín:

– Ông đi đi, đừng làm phiền mẹ con tôi nữa. Tôi cũng không thèm đồng tiền của ông đâu. Trả lại ông nè! Bữa ăn hồi nãy cũng đủ vốn rồi!

Vừa nói, cô vừa móc tiền ra trả ( dĩ nhiên là có tiếc nuối nhưng phải làm).

Ông Tín nghiêm nét mặt, nói giọng không hài lòng:

– Cô làm cái gì vậy? Cất vào đi! Đó là tiền thuốc men của cô kia mà.

Trong lúc Mỹ Trang còn ngần ngừ chưa biết nên làm thế nào thì bà Mai đã lớn tiếng bảo con gái:

– Trả tiền cho họ đi! Mình nghèo nhưng không đến nỗi phải xin của bố thí đâu.

Ông Tín nhăn mặt phân trần:

– Sao cô nói vậy? Tôi có dám làm gì phật lòng mọi người đâu?

Ngẫm nghĩ lại, Mỹ Trang công nhận là ông ta có lý. Cô kéo áo mẹ, nói nhỏ vào tai:

– Một “ chai” chứ không ít đâu mẹ!

Đang cơn nóng giận, bà Mai vùng ra, to tiếng:

– Một thùng cũng không cần chứ đừng nói một chai!

Những lời đối đáp qua lại của hai mẹ con làm ông Tín phải phì cười.

Bọn trẻ đã phân chia tán loạn từ ban nãy : đứa vào nhà, đứa qua hàng xóm coi phim ké nên bà Mai có thể hoàn toàn yên tâm là chẳng lọt câu nào vào tai đám nhóc hiếu kỳ ấy nữa.

Bởi thế, bà vững dạ cao giọng đối đáp:

– Tôi nghèo nên rất tự ái, không muốn bị ai thương hại mình. Anh về được rồi đó, đừng mất công bám mẹ con tôi làm gì.

Ông Tín cười nhẹ:

– Cô sợ tôi kể lại với cậu Hai phải không? Về điều này thì cô cứ an tâm! Cậu ấy đã nghỉ yên gần chục năm nay rồi.

Mỹ Trang đang đứng kế bên bà Mai, đột ngột hứng trọn cú ngã người của mẹ làm cô suýt té theo. Nếu cô không nhanh tay đỡ lấy thì chắc chắn bà đã sụm luôn xuống đất rồi.

Nhìn người phụ nữ đang thất thần trước mặt bằng ánh mắt ái ngại, ông Tín chùng giọng:

– Thành thật xin lỗi cô. Tôi không định báo cái tin ấy vào thời điểm chẳng chút thích hợp này đâu.

Không thốt thêm lời nào, bà Mai lảo đảo lê từng bước vào nhà sau khi phất tay bảo khách bằng giọng khào khào, hết sức lực:

– Anh đi đi!

Suốt đêm hôm đó, Mỹ Trang không thấy mẹ chợp mắt chút nào.