Chương 1

Thương vừa bước xuống khỏi chiếc xe honda dame, Luân đã rồ máy chạy tiếp, sau cái nheo mắt ngó chào. Thương nhìn quanh bốn phương tám hướng xem thử có con bò vàng nào lấp ló ở đâu không. Mấy lúc gần đây tụi chúng bố ráp con đường Võ di Nguy dữ lắm. Thương lẩm bẩm một mình: không có gì quý hơn độc lập tự do, mẹ kiếp, đúng là thứ tự do của mọi rợ!

Khi không thấy bóng dáng tên công an nào, Thương rảo nhanh về phía vỉa hè. Bà Năm cẩm thạch ngồi ngay trên tam cấp của một căn phố, lưng dựa vào lần cửa sắt khép hờ. Bà không đăng ký hộ khẩu ở đây, nhưng đố con mẹ nào chiếm chỗ của bà được.

-Má Năm, buôn bán gì được hông, Thương hỏi.

Bà Năm, tuổi gần sáu mươi, người đẫy đà, mặt hơi rổ, là niên trưởng của khu chợ trời Võ Di Nguy này kể từ ngày đầu cách mạng. Bà nhận các loại cẩm thạch của người quen, bày trong một cái tủ kính nhỏ có thể xách chạy dễ dàng khi bị đám công an phường ruồng bố. Nghe Thương hỏi, bà Năm không thèm ngẩng lên nhìn, tằng hắng:

-Ngựa đ. mày, giờ này mới ra...

Giữa lúc đó, một người khách dừng lại trước cái tủ kính của bà Năm, cúi xuống, săm soi chiếc vòng cẩm thạch một lúc rồi bỏ lại, đi thẳng chẳng nói năng gì. Chờ khách đi xa xa, bà Năm chửi đổng:

- ĐM! tối qua rờ không đã sao!

Thương cười khúc khích:

-Thôi mà má Năm, nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ!

Cái câu nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ coi vậy mà hay, trường hợp nào nói lên cũng thấy ăn khớp, lại có tác dụng làm cho tình hình bớt căng thẳng, đôi khi còn mang lại những nụ cười.

Người mỗi lúc mỗi đông, bán có, mua có. Sau tháng tư bảy mươi lăm, Võ Di Nguy trở thành một trung tâm dịch vụ tấp nập từ sáng đến chiều. So với các khu chợ trời khác như Vườn Chuối, An đông, Lê Thánh Tôn... , Võ Di Nguy là chợ trời có hạng, bởi vì nơi đây gần các nhà băng, hãng bảo hiểm, xuất nhập cảng... nên khách đi mua phần đông cũng thuộc thành phần khá giả trước kia. Bóng mát của hai hàng cây trên lề cũng là một yếu tố thu hút khách. Cho nên, nơi đây, ngoài dịch vụ chợ trời còn tụ lại những gánh hàng ăn vặt ngon đặc biệt. Chị ánh chuyên bán trái cây như măng cụt cám, sầu riêng sáp. Sầu riêng bán theo kiểu bao. Bao nghĩa là nếu như người ta lột ra ăn mà không phải đích thực thứ sầu riêng sáp thì có quyền trả lại, khỏi mất xu nào. Trái cây bán theo kiểu này dĩ nhiên phải bán cao hơn giá thường rất nhiều. Gánh chè đậu của con Lucie cũng ngon tuyệt. Đậu đỏ, đậu xanh, lâu lâu Lucie còn làm một nồi chè bắp non, thơm phức. Mấy người bán hàng vặt cũng rất cần thiết cho mấy người chạy hột, chạy cây. Bởi vì, khi đám công an phường càn quét, mấy người bán hàng vặt chính là những cái safety boxes cho những người như Thương. Do đó, người chạy hàng chợ trời ai ai cũng rộng rãi đối với mấy gánh hàng rong ăn vặt. Đúng như Thương nói, nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ. Thói thường, kiếm dễ thì chi dễ.

Thương chạy hột, chạy cây nổi tiếng ở chợ Võ Di Nguy sau ba mươi tháng tự Ban đầu, nàng chỉ mang mớ quần áo cũ ra bán sau gần hai năm chồng nàng đi học tập cải tạo. Hùng, chồng nàng, là thiếu tá hải quân. Ngày 30 tháng tư, Hùng đang đóng trên tàu ngay bến Bạch đằng, có thể cho nhổ neo bất cứ lúc nào, nhưng Hùng lại bỏ tàu chạy về nhà đón Thương và con. Đến khi gia đình Hùng trở lại bến tàu thì không còn thấy bóng dáng chiếc tàu đâu nữa. Là thuyền phó của tàu chiến, Hùng không tin tưởng nhiều ở mấy chiếc tàu cây nho nhỏ nên không thèm nhảy xuống những chiếc tàu buôn tư nhân nội địa. Thế là Hùng và Thương lại trở về nhà rồi tháng sau, Thương làm hành lý cho Hùng đi học tập 30 ngày như cách mạng kêu gọi. Thời gian 30 ngày coi vậy mà dài. Gần hai năm rồi, Thương không nhận được tin tức gì của chồng. Ngồi không, nghe cũng buồn, Thương mon men đến mấy cái chợ trời cho giãn chưn giãn cẳng, riết rồi bạn bè quen mặt rủ rệ Thương thấy cũng có lý. Mấy bộ complet, áo quần dạ hội... đâu còn ai dám chưng diện, phường khóm để ý thì nguỵ Thương đem ra Võ Di Nguy bán tuốt. Lạ một điều là người mua toàn là những cán bộ từ Bắc vộ Nhiều khi Thương tự hỏi họ mua complet làm gì khi dưới chân vẫn còn mang đôi dép râu ông cụ? Thương đâu biết rằng họ là những con buôn mà cái xã hội chủ nghĩa, sau gần một phần tư thế kỷ, vẫn chưa tiêu diệt được.

Bán hết đám áo quần thì Thương đã quen chân, ngày nào không rảo rảo ở chợ trời thì y như ngày ấy nghe buồn nghe nhớ. Bởi vì, chợ trời, ngoài cái giá trị sinh kế của nó, còn là nơi để những mệnh phụ một thời như Thương gặp nhau tán gẫu đỡ buồn. Cách mạng đã giải phóng tất cả. Phụ nữ xưa kia thường lẩn quẩn trong nhà, bây giờ, tràn ngập trên những lề đường, cười nói lui tới huyên thuyên. Đàn bà dần dần thay thế người chồng trong vai trò kiếm sống, bởi vì, người chồng, nếu không phải lê thân trong những trại tập trung khổ sai thì cùng lắm cũng ôm một chân công nhân viên trong một cơ quan nào đó. Không phải để lãnh sáu bảy chục đồng mỗi tháng hay để mua một vài nửa ký đường, nửa ký thịt với giá chính thức rẽ bằng một phần mười giá thị trường tự do bên ngoài, mà chính là để yên thân, bám vào cái thành phố lạ chủ lạ bè lạ bạn. Cái vẻ dịu dàng của người nữ trước kia có lẽ đã lỗi thời khi đất nước chuyển mình. Thương cũng không bước khỏi cái cảnh đời chung chung ấy. Số vàng cất giấu bán dần để ăn cũng gần hết. Nàng có cách nào khác hơn là dấn thân vào chốn chợ trời. Ở chợ trời thì không gì nhàn mà kiếm tiền nhiều bằng nghề chạy hột, chạy cây. Nhiều khi vô mánh, Thương kiếm cả bạc ngàn tiền mới.

Một hôm, tình cờ, Thương gặp Luân ở chợ Võ Di Nguỵ Luân lớn hơn Thương gần chục tuổi nhưng vẫn còn trẻ trung. Trai bốn chục gái ba mươi thì cũng chẳng có chi khác biệt. Luân trước bảy mươi lăm là giáo sư pháp văn một trường trung học tư thục. Sau bảy mươi lăm, Luân đổi nghề xin làm công nhân viên của Cục hóa chất mà trụ sở đặt tại ngân hàng Trung Nam cũ nằm trên đường Nguyễn Công Trứ, cũng gần khu Võ Di Nguỵ Ngày ngày Luân cỡi xe honda dame đi làm qua đây, và tình cờ một hôm, nhân đem một mớ quần áo cũ của vợ ra bán, Luân gặp Thương, để ý. Thương liến thoắng:

-áo quần của ai coi cũng được hén, nhưng tui không thu đâu, anh đem đưa cho con nhỏ đằng kia kìa.

Thương vừa nói vừa liếc cười, tay phải dơ lên chỉ Thảo ngồi bên cạnh. Luân thấy bàn tay Thương xinh xắn làm sao, buột miệng khen liều một câu:

-Bàn tay chị đẹp quá!

Thảo quay sang, bỡn cợt:

-Nó có chồng năm con rồi đó cha nội!

Bà Năm cũng xía vô:

- Đ.ngựa mấy con đĩ nầy, mua bán không lo, cứ giỡn rần rần! Dù gì, người đàn bà có chồng cũng cởi mở hơn những nàng con gái, nhất là những đàn bà có chồng nhưng đơn chiếc. Thấy Luân tướng tá cao lớn, người ngăm ngăm mạnh khỏe, có tia nhìn chằm chặp như muốn lột trần đối tượng, Thương thích. Luân có vợ ba con. Vợ Luân là người đàn bà an phận thủ thường, không đem lại cho Luân đủ an ủi để trám đầy chỗ trống trải trong hồn người trai thời mạt vận. Trong cuộc sống kinh tế khó khăn, người đàn bà chỉ biết tính toán lo cái ăn cái mặc cho gia đình, có thể không cảm thấy những hỏi han, săn sóc, tình tự, đùa cợt của người hôn phối cần thiết như người đàn ông vẫn thường thấy. Hơn bao giờ hết, Luân cần được xoa dịu, an ủi vỗ về, nhất là trong khi, tương lai đối với Luân chỉ là một ngõ cụt chán phèo. Mà cũng tội nghiệp cho vợ Luân, sau bảy mươi lăm, cuộc sống đối với bà ta chỉ còn là những toan tính hết sức tầm thường về cái ăn cái uống. Lương bổng của một giáo sư trung học tư thục trước đây không đủ cho vợ chồng Luân dành dụm được nhiều. Rồi đồng lương cách mạng với sáu, bảy chục đồng mỗi tháng trong khi tô phở An Lợi đã đến năm đồng, làm sao đủ chi chí cho gia đình Luân! Cái khổ của dân chúng miền Nam là đã quen ăn uống thoải mái, cho nên cái bao tử không thể một sớm một chiều mà teo lại được. Qua mấy tháng sau ngày đổi đời, dự trữ trong nhà Luân hết nhẵn. Người cha tuy cũng lo nhưng được cái là mỗi ngày đi làm thành ra khỏi phải va chạm với cái thiếu cái đủ. Chỉ mình vợ Luân phải đầu tắt mặt tối, cáng đáng trăm bề, khổ ơi là khổ! Chẳng bao lâu, vợ Luân không còn nghe thiết tha gì nữa, ngay cả với chuyện gối chăn, và tự dưng biến tính thành lãnh cảm. Luân và vợ cũng vì thế mà lục đục. Cho nên khi gặp Thương với tất cả cái lôi cuốn ứ tràn của gái một con, Luân làm sao không say mê được. Ngày nào Luân cũng lượn qua khu chợ Võ Di Nguy, liếc dọc liếc ngang vài cái tìm bóng dáng của Thương. Một nụ cười đưa đẩy, một cái vẫy tay, thậm chí một cái liếc nhìn, cũng chẳng để làm gì, nhưng cũng đủ cho Luân nghe đời có lý hơn. Nếu như ngày nào không nhìn thấy Thương, ngày ấy Luân nghe thiếu vắng xôn xao. Và Thương cũng vậy. Một hôm tan sở, Luân đứng ở góc đường chờ đợi. Khi Thương đi ngang, Luân đánh bạo, nửa đùa nửa thật:

-Có cần đi xe ôm không? Tui tính rẽ cho!

Lúc đó Thương nghe phân vân lạ. Nàng nửa muốn nửa không, nhưng nghĩ đến câu nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ, nàng thấy cũng không sao nên ghé mông lên ngồi, không nói một câu. Suốt quãng đường từ Võ Di Nguy đến Võ Tánh, hai người không ai nói với ai. Tình trong như đã, mặt ngoài còn ẻ Bất chợt, không biết vô tình hay cố ý, Luân thắng gấp, Thương chuối người cạ xát vào lưng của Luân. Thương hơi bẽn lẽn, nhưng cả hai đều không nói gì, có lẽ muốn tận hưởng cái giây phút êm ả bắt đầu cuộc phiêu lưu tình ái. Cách nhà chừng hai trăm thước, Thương nói:

-Anh cho Thương xuống đây.

Luân dọ dẫm:

-Sợ Ông xã thấy hả?

- Ông xã đâu mà thấy! Thương cười nho nhỏ. Luân ngừng xe. Thương bước đi thật nhanh, như để tránh né cái xao xuyến trong lòng, nhưng cũng không quên ngoảnh lại đưa tay vẫy vẫy. Chờ Thương đi khuất, Luân rồ xe, chạy theo, ngang qua nhà Thương, ghé mắt nhìn vô như còn tiếc nuối. Đêm đó, Luân sung sướng, khôngngủ được mà Thương cũng trăn trở bâng khuâng...