Có nhiều chàng trai đến với tôi, tôi đã chọn anh chỉ vì một lý do duy nhất: anh đúng hẹn, không sai đến một phút. Anh có một phong thái rất đĩnh đạc, tự tin. Điều đó cũng cuốn hút tôi-cô bé bướng bỉnh và kiêu kỳ. Tôi đã yêu và được yêu, tin tưởng vào tình yêu. Tôi tin vào tình yêu cho đến một ngày... Một ngày đầu hè. Tôi gọi điện thoại di động cho anh, anh trả lời nhát gừng: "Có việc gì thế? Tối nay hả?... Để mai nhé!". Tôi khó chịu cúp máy điện thoại, rồi lại tự trách mình: "Anh đang ở trong cuộc họp mình thật không lịch sự". Một phút sau điện thoại đổ chuông. Đầu dây bên kia giọng một người con gái, giọng nói có vẻ khó chịu: "Ai vừa gọi điện cho anh Tuấn đấy ạ?". Tôi giữ máy, tay đã bắt đầu run. Đầu dây bên kia nhắc lại điệp khúc cũ. Cảm thấy bị xúc phạm thực sự, tôi cúp máy trong cơn tức giận đến nghẹt thở.

Buổi tối, anh gõ cửa, vẫn nụ cười nhếch lên ở bên mép trái, hấp dẫn đa tình, anh trao cho tôi bó hoa đẹp và cầu kỳ, một bông hồng nhung đỏ, xen mấy cành thạch thảo. Anh nói "For you"-tôi ôm hoa hững hờ. Anh ôm chầm lấy tôi hôn ngấu nghiến.

- Hai ngày rồi không gặp em, nhớ quá.

Tôi " ồ" một tiếng nhỏ ,rồi đi tới tủ lạnh lấy ra lon nước mát đưa cho anh. Tôi ngồi đối diện, nhìn anh e dè sợ sệt, hệt như chú thỏ nhìn một con cáo trong thế phòng thủ.

- Lan này, anh xin lỗi vì chuyện chiều nay, cô bạn cùng phòng trêu em vì nghe máy xong anh lại để nó ở bàn làm việc. Anh xin lỗi.

Anh nói lưu loát như đã thuộc lòng và lẩm nhẩm từ nhà đến đây.

Tôi không trả lời, trong đầu đã toan tính những việc phải làm trong nay mai. Anh lại gần tôi, cầm tay tôi, mân mê những ngón tay, xoay xoay cái nhẫn mặt đá hình trái tim của anh mua tặng. Kéo tay tôi áp lên má anh:

- Anh xin lỗi!

- Vì cái gì?

- Vì tất cả...

- À, vì những lần sai hẹn.

Anh buông tay tôi ra, đan hai tay vào nhau, nhìn xuống đất trách móc:

- Lần nào anh cũng giải thích với em rồi, công việc đột xuất như thế, em biết đấy, công ty anh đang gặp khó khăn. Em phải thông cảm chứ.

Nói xong, không đợi tôi phản ứng anh gục đầu vào vai tôi nũng nịu như một đứa trẻ.

Tiếng điện thoại réo lên "tít... tít... ". Anh cầm máy nhìn số rồi nhảy bổ ra ngoài, nói câu gì đó rất ngắn rồi quay vào tôi, anh lẩm bẩm to nhỏ: "Thằng khỉ, đang ở bên người yêu lại rủ đi uống rượu". Tôi chẳng quan tâm đến hai từ "uống rượu" nhưng tôi biết cú điện thoại đó không phải của "thằng khỉ" mà là của "con khỉ". Tôi đoán vậy và ít khi đoán sai. Cũng hơi chủ quan.

- Tối nay em bận, anh thông cảm nhé!

Tôi ra trước gương chải đầu. Anh đến gần hôn nhẹ lên trán tôi, rồi ra về vẫn phong thái đĩnh đạc và hấp dẫn kỳ lạ. Bạn bè thường bảo: "Người yêu mày đẹp trai nhưng mặt hơi đểu".

Tôi đã nghi ngờ. Tôi nhớ có ai đó đã nói một câu "Muốn tin một cách xác thực phải bắt đầu bằng sự nghi ngờ".

Thứ 7, anh đến sớm, ngồi ngả ra thành ghế.

- Anh đau đầu quá, công việc rất căng thẳng!

"Đừng diễn nữa", tôi nghĩ bụng nhưng vẫn xức nước hoa và thoa chút son môi.

Trời ơi, nhưng trên đường từng đôi trai gái vẫn âu yếm đi bên nhau, như họ chưa từng biết đến cái nóng oi của tiết trời đầu hạ. Tôi gục vào vai anh và nghĩ có thể có 5, 7 đứa con gái ngồi sau anh cũng gục vào vai anh và anh cũng cầm tay họ, nắm chặt như thế này.

Hai đứa vào một quán cà phệ Tôi hát nho nhỏ "Rồi mai này, anh sẽ yêu ai, tình yêu ấy ngàn lần không đơn giản, tình yêu đó còn chút gì lãng mạn, xin gửi về người con gái anh yêu, để gửi về người con gái yêu anh... ".

Anh thở dài mệt mỏi, tôi cũng ngả lưng ra thành ghế nghe lòng xáo trộn như vừa trải qua một cơn lốc. Sự nghi ngờ cứ giết chết tôi, dần dần và tàn nhẫn. Nó gặm nhấm tâm can tôi từng ngày, từng giờ, cả trong giấc ngủ, trong cơn mơ...

- Anh mệt, ta về đi em.

- Vâng, nhưng bây giờ còn sớm lắm.

Anh cầm ly cà phê nhấm nháp khoảng một phút rưỡi, sau đó anh chủ động đứng dậy. Tôi đứng dậy theo, miễn cưỡng ra về.

- Anh về sớm thế này, có khi lại đi chơi ca hai-Tôi nói giọng giễu cợt, để phá tan không khí căng thẳng.

- Em chỉ nghĩ vớ vẩn, anh mệt, anh về ngaỵ Mười phút nữa gọi điện về nhà cho anh.

- Không nhất thiết phải thế, nhưng anh phải về nhà uống thuốc, nghỉ ngơi, giữ gìn sức khỏe...

Tôi nói vậy, nhưng sự nghi ngờ đã len lén vào tâm trí tôi. Anh về, để tôi ở cổng rồi vù đi, mười phút sau tôi không gọi điện cho anh. Hai mươi phút sau tôi dắt xe đi chơi, chẳng biết là đi đâu, thôi cứ ra đường đã và tôi đi lang thang. Mười giờ kém hai nhăm, đường vẫn đông, gió mạnh, cứ thổi tung chiếc váy vải mutsoli của tôi lên quá đầu gối. Thật là bực. Tôi giật mình vì biển số xe phía trước. Tôi quyết định đi theo anh. Tôi cố gắng giữ khoảng cách nhất định. Anh rẽ phải, tôi rẽ theo không dám bật xi nhan vì chiếc còi "chít chít inh ỏi". Ngoằn nghoèo một đoạn, anh dừng trước cổng một ngôi nhà mái bằng nhỏ, phía trước có cây dâu da xoan đang nở hoa màu trắng sứ. Tôi đã kịp tấp vào một ngõ tối cách chừng gần trăm mét để theo dõi diễn biến. Một cô gái nhỏ nhắn ra mở cổng. Cô gái ôm chầm lấy anh, hai tay đấm nhẹ vào ngực anh, ra chiều chờ lâu, anh vuốt tóc cô gái, hôn nhẹ trên trán rồi họ đi. Cô gái ngồi sau quàng tay qua cổ anh nói điều gì đó. Tôi lại bám theo, nghĩ thầm, nghề "thám tử" cũng thú lắm chứ. Chẳng hiểu sao lúc này tôi lại xử sự khác với những gì trước đây tôi thường nói với anh: "Em mà bắt được anh đèo cô nào ở đường thì em sẽ xé xác cô ta" hoặc "Em hy vọng không có cô nào đi với anh được thưởng thức acid". Anh trả lời: "Em đa nghi như Tào Tháo và ghen như Hoạn Thư ấy".

Tiếng xe máy gầm rú của một kẻ nổi loạn làm tôi nép vào bên đường. Bỗng chiếc barie kéo ra trước mặt. Tôi phóng nhanh nhưng không kịp. Anh đã ở phía bên kia barie, tôi chỉ muốn gào lên: "Dừng lại... các người dừng lại" nhưng không kịp. Tôi đã để mất dấu vết của anh chỉ vì chiếc barie quái ác ấy.

Tôi như người mất cắp thẫn thờ... Biết rằng mình bị đánh cắp một thứ không bao giờ tìm lại được.

Trong đầu tôi toan tính cứ coi như chưa có chuyện gì xảy ra để xem anh tiếp tục lừa dối tôi đến đâu.

Ba ngày sau anh đến. Tôi chủ động ôm chầm lấy anh. Anh tỏ ra giận dỗi:

- Anh ốm mấy ngày mà em không phôn cho anh!

- Em xin lỗi , em vừa đi công tác về , em cũng đang định gặp anh đây... À , hôm trước anh về nhà ngay phải không ?

Anh không trả lời, nói lảng sang chuyện khác:

- Dạo này em hay đi công tác xa, anh lo quá, mai sau... cũng vậy thì...

- Em sẽ nghỉ việc ở nhà nấu cơm giặt giũ cho anh.

- Em là người cầu tiến, anh biết chứ.

Câu chuyện vô duyên và nhạt nhẽo vô cùng. Tiếng chuông điện thoại reo. Anh bạn người Pháp tán tỉnh cũng hấp dẫn nên tôi cũng quên khuấy là anh đang ngồi chờ. Tôi vừa cúp máy thì anh đứng dậy:

- Anh về Lan nhé, anh chờ Fax, mai anh đến mình đi xem phim.

Anh hôn nhẹ lên trán tôi rồi ra về, ánh mắt buồn và đôi môi mím lại.

Trong rạp xem phim, các cô gái nép vào các chàng trai, trẻ con thì hét lên: "Mẹ Ơi, con sợ lắm... ". Tôi cứ ngồi trơ ra mân mê chiếc ví thổ cẩm đeo trước ngực. Hình như anh chỉ đợi tôi nép vào người anh, anh cầm tay tôi xoa nhè nhẹ.

Hai đứa ra về, anh đi chầm chậm trên một dãy phố toàn dâu da xoan. Anh cầm tay tôi đặt lên ngực trái:

- Em có thấy mùi dâu da không?

- Có, mùi khó chịu thật, ngai ngái, ngòn ngọt lại hăng hắc. Anh có nhớ mình yêu nhau mấy mùa dâu da rồi không?

- Lâu qúa, từ thế kỷ trước - Anh trả lời tỉnh khô.

- Em thử nhớ xem nào... Từ đầu mùa rét năm 96-Hồi đó em học năm thứ hai đại học, em còn nhớ anh thường gọi anh là Miliket, còn anh tự nhận mình là Gimikô.

- À... Ừ.

Anh có vẻ không mặn mà với câu chuyện, tôi đành pha trò, giọng như hát cải lương.

- Gimikô chàng hỡi, tại sao chàng lại thích cái mùi dâu da xoan ngai ngái ấy?

- Thôi đi, em thừa biết là anh không thích cải lương. Anh liền thả tay tôi ra, có vẻ hằn học, điều này khiêu khích tôi, tôi quàng tay qua cổ anh giọng nũng nịu:

- Anh ơi em đói quá!

- Em muốn ăn gì?

- Anh biết rồi còn gì?

Một chiếc xe 82 ép xe anh vào cạnh đường. Tôi "à" lên một tiếng-"Thì ra là chị ta".

- Anh Tuấn, thế này là thế nào?

Giọng chị ta gắt lên, nhìn xoáy vào anh.

- Ta vào quán nước kia nói chuyện đi.

Nói rồi chị ta rẽ vào quán nước ven đường, anh ngoan ngoãn theo sau. Tôi và chị ta lại đứng dưới gốc cây dâu da xoan. Mấy cái bàn nhựa nhỏ màu xanh rụng đầy những bông hoa trắng ngà nhỏ xíu bằng đầu que tăm. Tôi lấy khăn mùi xoa gạt chúng xuống và ngồi nhích xuống ghế.

Tôi chống tay lên cằm chờ đợi. Chị đứng dậy nhìn thẳng vào anh. Anh thì cứ đi đi lại lại ngơ ngơ ngẩn ngẩn.

- Anh Tuấn, anh giải thích đi-giọng nặng chịch.

Anh không trả lời, cúi mặt. Cô gái tới gần anh hơn, giọng đanh như thép:

- Cô ta là thế nào với anh?

Anh bối rối lùi lại mấy bước:

- Em nói nhỏ thôi.

Tôi thấy sốt ruột đứng dậy nói:

- Anh nói đi, một câu cũng hơn là không nói.

Anh lắc đầu chịu trận.

Tôi nhìn hai người:

- Xin lỗi.

Tôi lao vào dòng đường không biết anh ở phía sau có nhìn theo không? Tôi gọi một chiếc taxi, anh lái xe trẻ nhìn tôi bằng gương chiếu hậu khẽ mỉm cười bắt chuyện:

- Hôm nay trời oi thế.

- Không, tôi lạnh lắm, tắt điều hòa đi.

Tôi lấy tay bịt mũi vì cái mùi quen thuộc mà khó chịu.

- Chị làm sao thế?

- Không.

Mùi ngai ngái hăng hắc bắt đầu tra tấn tôi:

- Anh tăng tốc độ lên, mau cho hết dãy phố này.

Phía trước hai dãy dâu da xoan mờ mờ, những chùm dâu da xoan màu trắng đục chìa ra ven đường làm cho tôi hoảng loạn thật sự.

- Anh làm ơn đi đường khác được không?

Anh lái xe nhìn tôi khó hiểu nhưng cũng rẽ sang đường khác.

Lạ kỳ mùi hoa ấy vẫn theo đuổi tôi. Cả người lạnh toát nhưng tôi vẫn tỏ ra bình thường, ngồi thẳng, mắt căng ra... Tôi mở ví thổ cẩm đeo trước ngực lấy chiếc gương tròn nhỏ có cán nhựa. Tôi nghiêng bên trái rồi bên phải. Giật thót mình phía sau xe có một chùm hoa dâu dạ Chúng mở trừng mắt nhìn tôi thách thức và giễu cợt.

- Anh ơi... dừng lại.

Anh lái xe ngạc nhiên:

- Nhưng chưa tới...

Tôi gắt lên tức giận:

- Cho tôi xuống... ngay bây giờ!

Anh lái xe từ từ dừng lại. Anh nhìn tôi. Có cảm giác như anh kinh sợ một nạn dịch.

Hết