Tựa

(Đây là 1 cuốn sách mô tả những nhân vật văn nghệ sĩ trí thức ở hải ngoại, trong đó có những nhân vật được biết đến trong nước, như Trần Quảng Nam, tác giả bài "Mười năm tình cũ", tác giả về đề tài tôn giáo Vũ Thế Ngọc, v.v.).

***

Trước hết, Một Truyện Dài Không Có Tên không phải là một truyện dài có đầu có đuôi theo thói lệ thông thường. Đó là người, là việc đã đến trong đời tác giả Trần Thị Bông Giấy. Và Trần Thị Bông Giấy, như bao giờ... từ Nước Chảy Qua Cầu, bút ký; đến tám truyện ngắn trong Gã Cùi Và Miếng Dừa Non, tập truyện; luôn luôn phải là những chuyện thật.

Những chuyện thật mở ra và sẽ đóng lại trong đêm ở một góc đường. Góc đường Số Hai và William của thành phố San Jose, California. Đêm thao thức là cái mốc cho thời gian lắng xuống. Góc đường Số Hai & William phải chăng cũng chỉ như một thứ bào ảnh? Chỗ khác thường, đây là thứ bào ảnh có khả năng làm dưỡng chất cho bao phối cảnh của dòng đời ngưng đọng. Trần Thị Bông Giấy đã từng sống hơn hai mươi năm phiêu bạt bão giông. Nửa kiếp đời hệ lụy là một kho tàng vô giá cho những nhạy bén của rung động bây giờ. Những chuyện thật không chỉ thuần mở ra và đóng lại từ một góc đường của một đêm thao thức; mà, những chuyện thật của giới người có liên quan tới sinh hoạt nghê thuật và chữ nghĩa, đã được một trái tim tế vi mở ra để tiếp nhận, như tiếp nhận những chuyển động thường hằng của trần gian.

Căn phòng 45 thước vuông ở góc đường Số Hai và William là một sân khấu. Trên sân khấu đời thu gọn này, những diễn viên lần lượt xuất hiện. Tác giả cũng thủ một vai, nhưng công việc chính của nàng là thu nhận lại tất cả những biến động của từng diễn viên khác trên sân khấu đó. Đêm sẽ mở ra. Và đêm sẽ khép lại. Đôi khi Trần Thị Bông Giấy chỉ còn một mình trên sân khấu, trầm mặc hồi tưởng về những chuyện, những người đã gom nhặt được khắp bến bờ xa, trên con đường rong ruổi. Nhưng trái tim đó không khép lại như đêm đã khép ở góc đường Số Hai và William. Trái tim đó vẫn mở ra để tiếp nhận bao sóng gió của đời bằng chân thành và ngay thẳng. Rồi, chia xẻ lại với đời, sau khi đã gạn lọc, giữ gìn.

Những câu chuyện được đúc kết lại không theo thứ tự thời gian; bởi mỗi chuyện có riêng một bắt đầu, một kết thúc. Đâu đó vài chuyện không có bắt đầu và cũng không có kết thúc. Vài chuyện đã bắt đầu từ một chuyện khác trước đó và sẽ kết thúc ở một chuyện khác nữa sau này... Tất cả những chuyện đã được Trần Thị Bông Giấy thu nhận và dàn trải thành một chuỗi chuyện, Một Truyện Dài Không Có Tên mang tính chất văn sử hay giai thoại làng văn.

Thói đời, "con người" thường thích nghe người khác nói những điều tốt về mình, hoặc của mình. Những điều thật (mà không tốt) về "con người" sẽ dễ dàng làm "con người" nổi giận! Trần Thị Bông Giấy đã "bị" nhiều phản ứng đối nghịch từ vài nhân vật mà nàng đã viết một số điều thật về họ. Nhưng những "con người" ủng hộ, khuyến khích tác giả về Một Truyện Dài Không Có Tên, cũng không phải ít. Điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu, bác sĩ Phạm Văn Trí, bác Thanh Thanh Tôn Thất Nhượng, thi sĩ Lê Tạo, anh Lê Thái Bường .v.v... và hằng hằng những độc giả khác; những “con người” sống sừng sững như thông, không sợ sự thật. Trần Thị Bông Giấy yêu sự thật như yêu cuộc đời. Bởi đó, khi viết về cuộc đời, Trần Thị Bông Giấy chỉ viết về những sự thật. Những sự thật thoảng khi có thể bị cho là chủ quan qua cái nhìn, cái nhận thức đầy tính Thiện và Trẻ Thơ của tác giả.

Lắm bằng hữu đã than phiền rằng tại sao Trần Thị Bông Giấy lại viết quá tỉ mỉ, ngay cả đến chuyện ăn chuyện uống, chuyện nói, chuyện cười của những văn nghệ sĩ đương thời. Ở đây tôi xin thay mặt tác giả, trả lời câu hỏi này:

Trong Vân Đài Loại Ngữ của nhà bác học thiên tài VN -Quế Đường Lê Quí Đôn- chương Văn Nghệ Loại, mục số 6, có viết như sau: "Đọc sách Tả Truyện, Quốc Ngữ, mới biết người xưa ghi chép việc rất kỹ càng; cho đến cả những câu chuyện nói riêng, nói giỡn, nói mộng, xem bói, cái gì cũng chép, mà ta không thấy thế là phiền. Đọc các sách sử đời Đường, Tống mới biết người đời sau ghi chép việc rất sơ lược; đến cả tấu, đối, chương, sớ, điển hiền, điều mục, phần nhiều bỏ sót, mà ta chưa thấy là giản ở chỗ nào."

Vẫn trong Vân Đài Loại Ngữ, chương Văn Nghệ Loại, mục số 10, cụ Lê lại viết: "Làm văn, làm thơ, chép việc không sợ nhiều, chỉ sợ không biến hóa."

Đa số người đời, những độc giả, đã nhìn vào thế giới nhà văn, nhà thơ, nhà này, nhà nọ xuyên qua những tác phẩm của họ. Nhưng theo quan niệm tiến bộ hiện tại, muốn nghiên cứu, phân tích một tác phẩm cho tường tận, rất cần phải biết về đời sống thật, con người thật thường ngày của tác giả. Một Truyện Dài Không Tên chép nhiều việc rất chi li tiểu tiết là vì vậy. Vả chăng, Một Truyện Dài Không Tên lại biến hóa trùng trùng trong từng mỗi tiểu truyện, trong đó, có những tiểu truyện là tự truyện của tác giả . Vậy, tại sao có bạn lại lấy làm phiền về những cái "thật" này?

Một Truyện Dài Không Có Tên bây giờ đã được xuất bản thành sách, nhưng không phải là một chấm dứt, mà là một bắt đầu, bởi, quan niệm sống của Trần Thị Bông Giấy là luôn luôn bắt đầu. Không phải bắt đầu làm lại, mà bắt đầu để nối tiếp cái đang làm. Từ lẽ đó, Một Truyện Dài Không Có Tên cũng sẽ là Một Truyện Dài Không Có Chấm Hết. Nó sẽ còn dài và tôi tin rằng nó cũng sẽ còn mãi, như một món quà cho các thế hệ mai sau. Con em chúng ta cũng rất cần biết cái lớp "cha ông tríthức văn nghệ sĩ" của họ đã sống, đã ăn, đã nói như thế nào chứ!

Phải không?

Trần Nghi Hoàng

(San Jose, California, June 8/1994)