Chiều kết thúc nhanh bằng một cơn mưa dài bất tận. Trời đang nắng lanh lảnh, chói gắt bỗng nhiên tối sầm lại, đầy bất trắc. Và mưa. Từng dòng, từng dòng nước sầm sầm đổ xuống. Những đường phố, những tòa nhà, những hàng cây quá bẩn cần phải tẩy rửa. Cả người nữa. Từng dòng người lầm lụi dưới mưa. Những tấm lưng nổi lên sau áo ướt. Người béo thì nổi bết các thớ thịt. Người gầy thì giơ sống lưng. Tất cả, cần phải tẩy rửa. Trong cơn mưa.
Thoa đứng dưới mái hiên của tòa án.
Không thể đi được dưới làn mưa kia. Bởi ra mưa, chị sẽ không nhìn thấy gì. Mắt vốn đã cận, kính lại dày, thêm mưa như xối như tát vào mặt, quá là thách đố. Đứng trong mái hiên, mắt khô, kính khô, vậy mà cách 2 mét đã không thấy gì, nữa là ra mưa?
Bên cạnh chị, rất nhiều người im lặng. Tiếng người kêu lạnh. Tiếng chửi thề. Có tiếng huýt sáo. Lúc gần, lúc xa.
Rồi tiếng còi ô-tô trong sân vang lên.
Một đoàn xe bảo vệ và chở phạm nhân từ từ trôi trong màn mưa dày, xám ngoét.
Chị quay ngoắt ra nhìn. Vội kéo vạt áo, chỗ khô nhất ra lau cặp mắt kính. Để nhìn cho kỹ nhưng chiếc xe đang mất dần ở phía xa.
Tất cả chỉ còn tiếng mưa. Dày đặc. Bất tận.
Chị và anh rất hay bị mắc mưa. Còn nhớ, có lần tan học buổi chiều. Anh ngấp nghé ở cổng trường đón chị. Nếu không phải họp đột xuất (một đứa trong lớp bỗng nhiên nói là bị một thằng tán tỉnh à ơi rồi... phá đời con gái, nay bụng vừa to vừa cứng. Còn thằng kia sau một lúc cấm khẩu, bảo mới bốn lần đi chơi, những lúc cao trào nhất bất quá túm nhẹ vào bàn tay bóp trộm một cái, làm sao mà chửa được... ) thì chị và anh đã không bị mắc mưa.
Mưa cũng lớn như hôm naỵ Họ đứng trú mưa dưới một mái hiên quán thịt chó. Quán đông. Thịt chó chiều phơi nắng kết hợp hơi nước biến thành hợp chủng mùi như mùi nước cống. Vậy mà đám đàn ông gắp lia lịa những miếng dồi vừa quắt vừa đen, kèm rau thơm riềng sả. Ngon lành.
Chị kể cho anh nghe chuyện kinh dị của lớp mình - chắc chỉ có những sinh viên đại học năm cuối trường tổng hợp mới có. Anh cười. Khuôn mắt trắng xanh vì hơi mưa. Chợt giật mình, cắt ngang câu chuyện rất hiện thực nhưng cũng vô cùng trừu tượng của chị. "Thôi chết. Đường ngập hết rồi. Bong bóng sủi thế kia là mưa dai lắm. Bà anh bảo thế". Chị đang cười, quay lại đồng tình: "Đúng rồi. Ông bà em chưa nói sai một điều gì. Bây giờ mình p hải làm sao đây?".
Anh nhìn ra màn mưa - dày như màn mưa hôm nay, nhưng mưa ngày ấy có tiếng reo vui hơn - rồi quay lại: "Đi nhé? Đằng nào cũng ướt rồi". Chị gật đầu, cười tít như thể chị đợi được chạy ra mưa từ nãy đến giờ. Được lời như cởi tấm lòng.
Họ loạng choạng lao vào trong màn mưa. Những hạt mưa chéo xiên rát bỏng đập thẳng vào mặt như những nan thủy tinh nhảy lanh tanh trên đường. Lúc đầu, anh còn cười. Rồi sau, chỉ thấy anh gò tấm lưng gầy chúi về phía trước để giữ thăng bằng cho xe. Còn chị, chị nép vào người anh, mặt úp vào lưng anh. Lạnh buốt. Rồi bỗng dưng anh khựng lại. Chị choàng tỉnh. Tiếng tan loãng trong tiếng rào rào. "Sao thế anh?". Anh quay lại. Chị vẫn còn như khắc cốt ghi xương khuôn mặt anh lúc đó. Trắng xanh, trong suốt. Nhưng nụ cười thật ấm áp, ánh mắt lấp lánh yêu thương, tinh nghịch: "Xong rồi". "Xong cái gì ạ? - Chị hỏi, nhảy xuống xe, rồi hét: "Ôi giời ơi". Anh cười phá lên.
Hóa ra họ đi vào một đường ngập đến bụng và chỉ một con đường duy nhất ấy mới về được nhà chị.
Anh nghệt mặt ra nhìn dòng nước đen sóng sánh. Vuốt nước mưa trên mặt, anh nhìn chị đang so lại vì lạnh. Chiếc sơ mi mỏng dán chặt vào người, nổi lên bầu ngực phập phồng.
Rồi anh dựng chân chống chiếc xe phượng hoàng đen cũ, xốc lấy nách chị, nhấc bổng: "Em ngồi lên yên giữ tay vào vai, anh dắt về". Chị so người lại vì sự va chạm với anh. Dù trong mưa, dù ngấm nước mấy tiếng đồng hồ nhưng người chị chợt bốc nóng, hai má bừng bừng: "Em nặng lắm. Anh dắt làm sao được?". Anh cười: "Nước sẽ giúp anh". Chiếc thuyền xe ngả nghiêng trôi đi. Chị ngồi ngất ngưởng trên yên. Anh thì tay ghi đông, tay yên, gò người đẩy xe ngược dòng nước cao đến bụng, gần ngập cọc yên. Nước sóng sánh vỡ...
Hôm naỵ Mặt anh cũng trắng xanh trong suốt như thế, dù thời gian qua làn da không còn căng nhưng ngày ấy. Đôi mắt vẫn yêu thương như ngày ấy. Chỉ khác sự yêu thương đó lóa vội về phía chị rồi tắt ngaỵ Không còn thấy sự tinh nghịch, lấp lánh. Chỉ thấy sự u tối dửng dưng.
Rồi chiếc xe thuyền cũng trôi về đến nhà chị.
Trên trời, dưới đất, ba bề bốn phía chỉ nước là nước. Họ giống hai chiếc giẻ lau ngâm trong chậu nước, dập dờn: "Em lạnh không?". "Hơi hơi ạ". "Thay quần áo. Pha một cốc chè đường, ngọt. Đập lát gừng bỏ vào, uống xong đi ngủ. Mai tỉnh như sáo. Bà anh bảo thế". Anh đứng dưới mưa, nước sóng sánh ngang bụng. Dập dờn. Dập dờn. "Vâng". Chị đáp, hơi co người lại khi anh nắm hai tay vào hai bên eo, nhấc chị từ yên xe, qua mấy bậc cầu thang cao rồi thả xuống. Chỗ cao nhất của tầng trệt ngập đến đầu gối chị. Chị đứng nhìn theo đến khi anh quay xe và đi khuất. Vừa đi vừa huýt sáo. Xa lắm rồi nhưng tiếng huýt sáo vẫn theo làn nước chạy lan đập vào cầu thang.
Ba tiếng sau. Trong không gian im như hầm sâu, thỉnh thoảng có một tiếng ếch ộp âm vang rồi tắt ngấm. Đôi lúc tiếng ve kêu rạc rài. Chị chợt giật mình tỉnh dậy vì nghe tiếng huýt sáo. Chị xoay người trên chiếc giường đôi ở góc phòng. Bên cạnh là thằng em ngáy phơ phợ Chị nóng bừng người vì nghĩ đến tiếng huýt sáo, đến bàn tay anh túm eo chị hồi tối. Chị ngồi bật dậy. Dưới đường, rõ ràng là có tiếng huýt sáo. Đúng bản nhạc của anh hồi tối. Không thể là mơ được. Mò mẫm ra cửa sổ, nhìn xuống. Mưa đã tạnh. Bên dưới là một dòng sông nhỏ sóng sánh ánh trăng. Trăng mười sáu - tròn, rõ ràng, tách bạch. Một bóng người đổ dài trên nước. Thấy chị ló ra, anh thôi không huýt sáo nữa mà bấm phanh xe tạch tạch ba cái - ám hiệu mỗi lần đến nhà chị chơi. Đúng anh rồi. Tim chị bóp mạnh. Gần 1 giờ sáng. Sao anh lại đến gọi chị thế này?
Rón rén mở cửa. Vừa tra ổ khóa, vừa nâng cánh cửa gỗ cho bản lề khỏi rít lên trong đêm, bố mẹ khỏi biết. Chị nín thở lẻn đi.
Khu chưng cư thường ngày cứ 11 giờ im như hạt thóc. Huống hồ đã 1 giờ, lại là ngày mưa. Đến tiếng thở của chị còn to như người hết hơi, thở gấp sau một cuộc chạy dài. "Anh đi đâu mà giờ này chưa về?". Chị hỏi và nhìn. Anh vẫn ướt như hồi tối. Anh im lặng nhìn chị. Rồi năm lấy tay chị. Bàn tay gầy, lạnh buốt vì nước: "Anh vừa... có một chuyện... ". "Chuyện gì?" - Chị lo lắng, tỉnh hẳn ngủ. Anh đứng trong nước. Chị đứng trên bậc cầu thang cuối cùng chưa bị ngập. "Chuyện rất tệ". Anh thở dài. "Anh nói đi". Chị thì thào, thỉnh thoảng ngoái lại phía sau xem có ai không. "Anh không muốn, nhưng nó cứ xảy ra. Anh cũng chẳng hiểu tại sao anh lại làm thế". Anh nói và chợt xòe hai bàn tay ra trước mặt chị: "Anh vừa đấm bố anh xong. Và... cầm dao đuổi ông ấy ra khỏi nhà". "Giời ơi" - Chị há mồm, trố mắt nhìn anh. "Lúc anh đưa em về, chỗ nào cũng ngập. Vòng vèo mãi, rồi phải vào đường Nguyễn Thượng Hiền. Thấy ai giống ông già đẩy xe đằng trước... Cố đuổi theo vì chẳng lẽ mưa gió thế này ông ấy đi cùng ai? Lại không phải mẹ. Gần đến nơi, chưa kịp gọi thì thì thấy người kia ôm eo bố, đẩy bố. Để thêm sức mạnh cho bố... đẩy xe. Anh lằng nhằng đi theo như sắt bị nam châm hút. Đến phố Quán Sứ thì họ dừng lại... ". Chị nín thở. Nuốt từng câu anh kể, quên cả việc chỉ cần nhắc anh bước lên một bậc cầu thang sẽ không phải ngâm chân trong nước. "Rồi bố anh ôm hôn người đàn bà kia... ". "Trong mưa?" - Chị bật hỏi. Anh gật, hai quai hàm giật giật. "Họ không không biết đến mưa, đến lội nước. Anh quay xe, đi nhanh về nhà". Chị thở dài. "Một lúc sau, ông ấy về, người ướt như chuột. Mẹ anh vừa ra mở cửa ông ấy đã chửi ầm lên". Chị vội nắm lấy cánh tay anh. Nước dưới chân anh sóng sánh. ánh trăng lan lan chạy đến chân cầu thang thì vỡ vụn. "Nào là ông ấy quá nặng gánh để nuôi mẹ con anh. Nào là mẹ anh chỉ biết ngồi ở nhà, mưa không đến mặt nắng không đến đầu, ăn xương hút máu ông ấy... Không biết đây là lần thứ bao nhiêu ông ấy gào lên như thế". Anh vừa kể, vừa giũ giũ tóc, lắc đầu như muốn xua đi những gì tệ hại. Chị không biết mình đã bước xuống và giẫm chân vào nước từ lúc nào: "Em hiểu rồi. Bây giờ anh định thế nào?". Anh vòng tay khoác vai chị. Chợt thấy cả hai đã ở trong nước, anh bật kêu: "Em ướt hết rồi". Chị cười không trả lời và để chứng tỏ việc lội nước lúc này là rất thích hợp, chị đi ào ra ngoài. Nước ngập cao hơn. ánh trăng lan ra rồi tụ vào đằng sau họ. "Đi chơi đỉ". Mắt anh sáng lên, vẻ cay đắng lúc trước biến mất. Chị ngẩng lên. Tất cả lặng ngắt như họ đang ở trong một miếng thạch khổng lồ.
Đi mãi. Đi mãi. Lúc nước ngập đến bụng. Lúc đến đầu gối. Lúc đường khộ Rồi đến nhà anh.
Phố dài, chéo xiên. Hai bên đường, những cây bằng lăng thấp xòe tán và hoa nở từng chùm. Mong manh mầu tím dai dẳng. Chỗ thấm, chỗ nhạt. Có chùm hoa dày, bỗng nở tung gật gù như những đuôi con sói. ánh trăng lấp lóa sau những chùm lá. "Đẹp quá" - Chị thốt lên. "Đố em, phố nhà anh có bao nhiêu cây bằng lăng?". Anh dừng lại cho chị nghĩ, tranh thủ lắp xích xe tuột liên tục vì ngâm nước mưa. "Khoảng 40 cây". Chị ngập ngừng. "Cho em nói lại". Họ đi bộ cạnh nhau. Người chỗ khô chỗ ướt. Trăng cao vời vợi, sáng như ngà. Sau những trận mưa to, trời thường xanh hơn và mây bay vùn vụt. "Chắc chắn... hai bên hè, tất cả 108 cây". Anh cúi xuống bên chị. "108 cây?". Chị nhướng mắt, hỏi lại. "Em thấy không?" - Anh giơ tay chỉ: "Phạm nhân đưa về nhốt ở Hỏa Lò. Chuyển sang tòa xử. Rồi đưa đi cải tạo hoặc... ". Anh để tay lên thái dương "... Bòm". Anh cười phá lên, thả tay cho chiếc xe đổ và lăn uỵch xuống đất, giả chết. Chị cúi xuống dựng xe lên, mắng: "Phỉ thui mồm anh. Đừng đùa thế em sợ". Anh cười: "Anh cao số lắm, giời đánh không chết. Từ đầu kia đến đây và từ đây về cuối phố là 108 anh hùng Lương Sơn Bạc đứng bảo vệ công lý". Chị nhìn theo tay anh, mặt đần ra. "Bọn anh đặt tên cho phố này là Công Lý".
Họ đến gần nhà anh. Ngôi nhà kiến trúc kiểu Pháp nằm sâu trong vườn. Im lìm, le lói ánh điện vàng. Thỉnh thoảng cây roi rung lên và nước mưa đọng lại rơi lộp bộp "Mẹ vẫn còn thức". "Bác đợi anh về". Anh gật. Cả hai dừng lại trên vỉa hè, cùng nhìn qua hàng rào sắt. "Làm thế nào bây giờ?". Chị lo lắng. Anh nhìn chị rồi lắc đầu: "Chắc mẹ ngồi tụng kinh. Không sao đâu". Rồi chủ động, anh dắt xe đi tiếp. "Lúc nãy anh ném vỡ chiếc lọ hoa". Chị quay sang mở to mắt ra nhìn. "Và... tan chiếc cassette". Phố khuya, không một bóng người. Sau cơn mưa tất cả sạch bong như vừa tắm kỹ. Trăng sáng xanh, lạnh lẽo cô đơn. Hoa bằng lăng tím quá. "Rồi... chửi bố". Chị thở dài. "Ông ấy xông vào đập anh. Anh đỡ rồi... đấm ông ấy một phát". Chị cúi gằm mắt, cắm cúi đi. Anh chợt thở dài, nói: "Ngày bé, mỗi lần anh đi chợ với mẹ, mẹ dạy toán bằng cách đếm cây. Lúc đi đếm dãy bên này. Lúc về đếm dãy bên kia. Một trăm linh tám cây tất cả. Giờ vẫn còn nguyên". Chị chợt thấy sợ, người so lại, nép vào anh. Thỉnh thoảng ngoái lại phía sau như thể bố anh đang đuổi đánh hai đứa. Bên cạnh họ, Hỏa Lò đen sì, thâm nghiêm, lạnh như một thỏi nam châm khổng lồ. Chị thì thào: "Cứ mỗi lần qua đây, em sợ". Anh cười: "Cái bọn bị nhốt vào đây thì có gì phải sợ. Đáng sợ là những đứa đang lẫn lộn ngoài đường ấy!". Chị tiếp: "Đã vào đây rồi, coi như xong. Trong đấy có rộng không nhỉ"?. Anh nói: "Cũng vừa thôi". "Bây giờ bố anh đâu?". "Mở tủ lấy tiền và hộp đựng vàng vừa đi. Vội quá, mặc nguyên chiếc áo dính đầy máu". Chị rùng mình, tự nhiên nắm lấy khuỷu tay nép vào anh.
Trần tòa cao. Cách quan tòa ngồi trên bục, cách xa chỗ phạm nhân đứng. Hiếm khi bị cáo không cần luật sự Không có đơn kháng án.
Những người đến dự xử đông. Người nhà của phạm nhân chen vai ngồi dưới, mắt trố lồi nhìn lên quan tòa không chớp.
Chị nhìn ra ngoài ô cửa.
Mùa hè. Những tán lá dâu da xoan như xanh hơn, trong hơn bởi những chùm hoa trắng ngà, mỏng manh nặng vít nghiêng cành. Tiếng chim hót nghe tách bạch, rõ ràng và ve inh inh hòa bè dày hơn.
Hồi gặp anh trước khi đi Liên Xô học, chị hỏi: "Anh để mẹ lại một mình, nhỡ có chuyện gì về sao kịp?". Anh cười: "Anh lo hết cho mẹ rồi. Cách đây một tuần, anh đã chắp tay lạy bác ấy, xin bác ấy về ở với mẹ". Chị tròn mắt, chờ đợi: "Bác Tâm?" Anh gật: "Mẹ yêu bác ấy. Bác ấy cũng yêu mẹ. Nhưng sợ anh. Mọi người bảo anh là thắng bất nhân. Đến bố đẻ còn đánh hộc máu mồm nữa là bố dượng? Nói chung làm đàn ông mà vừa ăn cướp vừa la làng, quá gái đĩ già mồm. Chỉ giỏi đánh vợ chửi con. Tự va mồm vào bàn lại vu khống thằng con trai độc đánh thì cũng chẳng còn nhân cách làm bố nữa". "Anh đi bảy năm?". Anh gật. "Anh về làm ăn, dành tiền còn về". "Bác Tâm nói gì với anh?". "Bác ấy ôm anh rồi khóc. Anh cũng khóc". "Bà ngoại cho anh đi không?". "Bà bảo: Bà già rồi, không biết khuyên anh thế nào, mà khuyên cũng chẳng được vì bà và anh cách nhau mấy thế hệ. Xa lắm. Bà chỉ kể một chuyện, coi như cho anh làm vốn khi xa nhà, sống tự lập". "Bà kể chuyện gì?". Chị hỏi. "Chuyện một ông vua nước nọ rất thông minh, giỏi giang, nhìn thấu lòng người. Ông biết trong đám quần thần có kẻ rắp tâm hãm hại để cướp ngôi. Ông bèn cho viết vào tất cả những chén, bát ăn hàng ngày trong cung vua dòng chữ: "Làm việc này được gì?". Kế hoạch đầu độc vua đã xong.
Một vị cận thần gần gũi vua bị bọn xấu mua chuộc, hứa cho bổng lộc và chức vị nếu vua chết. Tham tiền, tham chức, tên cận thần được vua tin đã bưng chén thuốc độc đến. Trên đường đi, phần căng thẳng vì hành động tội đồ của mình, phần vì chút lương tâm nhỏ nhoi cắn rứt khi mình sắp sửa giết vua, ông vừa đi vừa nhìn chằm chằm vào bát thuốc. Và thấy dòng chữ. Ông tính: Vua đang tin tưởng mình. Mình và đại gia đình đang hưởng bổng lộc của vuạ Nay mình thất đức làm phản giết vuạ Nếu sự không thành mình sẽ bị tru di tam tộc. Tên tuổi kẻ phản nghịch sẽ lưu truyền mãi mãi. Còn nếu vua chết? Chắc gì bọn cận thần sau khi mình giết vua sẽ giữ lời hứa? Có khi nó giết mình luôn vì thực chất, mình là tên phản chủ. Đã một lần phản chủ sẽ có lần phản chủ thứ hai? Mà cuộc sống bây giờ của mình có thiếu gì đâu? Cả tiền bạc lẫn chức vị. Làm việc này được gì? Chẳng được gì mà sẽ mất hết. Chỉ còn bước qua một bậc cửa nữa là đến trước mặt nhà vua, vị cận thần đó đã ném vỡ chén thuốc độc, đập đầu xin vua tha thứ". Chị im lặng. Anh cũng im lặng.
Bây giờ là tháng mười. Heo may về. Trời se sẹ Nắng óng vàng rười rượi dè dặt, ngập ngừng những con đường vỉa hè rộng, ít quán bia hơi và rác. Buổi chiều cuối cùng của họ kết thúc bằng chuyện của bà. Anh cười nhạt và buồn: "Bà cho anh đôi hoa tai cũ và câu chuyện "Làm việc này để được gì?". Còn mẹ. Mẹ cho anh nước mắt và tiếng thở dài. Rặt thở dài... Còn em. Em cho anh điều gì?". Chị cúi đầu. Nước mắt êm êm lăn ướt chỗ ngực áo sơ mi nâu cánh gián. Anh nắm tay chị, bóp mạnh: "Em cho anh niềm tin rằng dù vui hay buồn, thành công hay thất bại, dù em có chồng và anh có vợ, mình vẫn như hôm naỵ Cho anh một nơi để ngoảnh đầu nhìn lại?". Người chị rung rung. Nước mắt giọt nhanh hơn. "Thôi nào. Cô gái đáng yêu nhất cuộc đời tôi. Không được thế... ".
Ngoài cửa sổ, tiếng ve mùa hè lẫn đi trong tiếng gió lao xao.
Tiếng những cử tọa trong tòa lúc có lúc không.
- Sau tất cả những tội danh... Tòa tuyên án: Bồi thường thiệt hại cho gia đình 60 triệu đồng. Tịch thu toàn bộ tài sản hiện có gồm... Tử hình vì tội cố ý giết người.
Chị đang trôi trên chiếc xe thuyền trong đêm mưa mênh mông ánh trăng. Tất cả lại như ở trong một khay thạch đen khổng lồ. Còn anh, sau hơn hai năm ở Liên Xô, anh trở về. "ối giời, anh khác quá" - Chị kêu lên, chùi vội hai tay đang ướt vào hai vạt áo: "Cơm Tây có khác. Trắng thế". Chị nói mà chẳng hiểu mình đang nói gì. Anh ôm một bọc to đứng giữa cửa phòng. Rồi nắm lấy tay anh chị kéo vào nhà. Tất cả vẫn còn nguyên như trước. Anh vừa ngồi xuống giường thì hắt hơi liên tục. Mặt đỏ. Mũi đỏ. Rồi cười. Hàm răng bóng trắng. Da trắng. Tóc đen. Những ngón tay dài thẳng trắng. Vài đường gân xanh loáng thoáng... Anh lôi trong chiếc túi bóng to đùng dưới đất ra một chiếc phích đá. Thật là không tưởng tượng nổi. Nó sáng ánh lên giữa căn phòng cũ một cách thê thảm trong một tòa chung cư buồn tẻ. Rồi mở nắp ngoài. Xoay nắp trong. Và lôi ra những cái kem. "Anh mang từ Liên Xô về cho em đấy. Ăn luôn không chảy hết". Rồi một túi táo tây. Những quả táo tròn, đỏ bầm và mùi thơm loang loang. "Đây là túi lưới hai lớp biếu mẹ em. Cây thuốc Gallant biếu bố... Mảnh vải em may áo... Quan trọng nhất là cái này". Vừa nói, anh vừa đặt vào tay chị một chiếc hộp: "Em thử xem có đúng số không? Trong thư em viết là số 1,5. Có bị lên số không?". Chị run run, tay cầm que kem tỏa hơi man mát, tay đỡ hộp kính, chẳng biết bỏ cái gì xuống. "Đưa kính đây cho anh". Anh mở hộp. Một cặp kính mảnh mai hình bầu dục mạ vàng. Anh lấy chiếc kính ra khỏi hộp và đeo lên tai chị. Mặt chị nóng bừng. Ngẩng nhìn anh. "Như một người khác. Đeo kính này, mắt có vẻ to ra. Hay là anh lắp ngược mắt?". Cả hai phá lên cười. Chiếc kem bắt đầu mềm ra và chảy từng giọt đặc quánh xuống đất. Anh về rồi mà mười ngày sau căn phòng còn thơm. Chị giữ nguyên những quả táo tròn nhỏ thơm êm dịu. Thoang thoáng mùi thơm. Mẹ bảo, đấy là mùi tây.
Ba năm sau.
Mùa đông. Lần này anh đến thăm chị không phải ở chung cư thê thảm được chống đỡ bằng ống nước, dây phơi mà đến nhà chồng chị. Dù đang mặc áo khoác dày thế mà thoáng một cái, anh hỏi: "Em sắp sinh?". Chị cười ngượng nghịu, gật đầu. "Trông em thế nào ấy nhỉ? Cứ như ai ấy, lạ lắm". "Anh thấy em giống ai?", chị cúi cúi giấu khuôn mặt to sù, lông mi lông mày trắng phớ ra. "Giống... bà ngoại em", anh cười. Rồi chợt tắt ngay: "Bụng em to thế này, đi thăm bà với anh chắc khó". "Em đi được", chị hào hứng.
Bất Bạt chiều cuối đông xám xịt. Những bia mộ co ro đứng dưới mưa phùn. Trời đất giao nhau sũng nước. Vài đứa trẻ còn loanh quanh mời chào anh chị quét lại sơn, nhổ tí cỏ. Anh phát cho mỗi thằng một nghìn, nói nhỏ: "Cút"! Thoáng cái chỉ còn những ngọn đồi thoai thoải, những tấm bia nhấp nhô trên nền những lùm cây xa xôi. "Nếu bà không ngã cầu thang, bà phải sống trăm tuổi". Vừa thắp hương, anh vừa lầu bầu như trách móc bà. Khói hương đặc quánh trong làn mưa lạnh lây phây, thơm nồng nàn, nhức nhối. Chợt ngẩng nhìn chị đang cúi cạnh, xếp những đồ lễ ra đĩa, đặt ngay ngắn lên mộ: "Làm việc này để được gì? Bà trèo lên gác xép ở để được gì? Được căn phòng của bà rộng cho cháu ngoại bà có góc học tập. Đấy là bà nghĩ thế chứ. Nó có cần học đâu? Còn bà thì ngã cầu thang và chết". Chị vẫn im lặng. Một cơn gió thốc quạ Những làn mưa nhỏ chéo xiên kéo theo luồng khói hương tạt sang phủ lấy ngôi mộ bên cạnh. Chị đưa anh bó hương vừa đốt, nói: "Anh thắp hương cho hàng xóm của bà đi. Có họ, bà đỡ buồn". Anh lúi cúi bên các tấm bia. Đất chật, người đông. Khói hương làm góc nghĩa trang ấm hẳn lên. Chị nhìn anh. Bụng bắt đầu có mỡ. Tóc cắt cao. Dù trời sầm sì cũng không làm da anh tái. Môi đỏ. Và thơm. Đứng bên cạnh chị, anh phân trần: "Bà chỉ thích mỗi chả rươi. Anh chẳng biết mua cho bà cái gì. Thôi cứ gửi tiền bà tiêu". Đống lửa hóa mã bùng cháy dữ dội. Thỉnh thoảng một tay lửa bứt ra, bay lên rồi tắt ngấm.
Bữa cơm buổi chiều ở nhà chị. Có đĩa rau muống luộc lẫn rau rút. Đĩa đậu phụ rán tẩm hành và những con cá cơm khô rán, bát muối vừng. Anh không nhai mà nuốt chửng. Nước rau đánh me trong trong, vàng vàng anh chan hết veo. Bát cà không còn một quả. "Cậu mà bắt nạt cô ấy, tôi giết". Anh cảm ơn chồng chị - người đàn ông đạt một cách tương đối mọi tiêu chuẩn - bằng nụ cười kèm ánh mắt hăm dọa. Chồng chị hiền lành: "Ai mà bắt nạt được em anh", rồi bưng chiếc mâm tất cả bát đũa đều sạch bong đi. Để một gói tiền ra bàn, trong một chiếc phong bì dài, anh ngượng ngùng: "Em cầm chi tiêu cho cháu. Lúc em sinh cháu, chắc anh vẫn ở bên kia". Chồng chị giãy nảy lên: "Lần nào bác về cũng cho quà. Qùa bọn em xin, chứ tiền không dám nhận đâu". Anh lừ mắt. Từ ngày biết anh, yêu anh, rồi coi anh như một người tri âm tri kỷ, lần đầu tiên chị thấy anh mắt sắc lạnh như thể bắn tia về phía chồng chị: "Làm đàn bà khổ lắm. Cậu phải thương yêu chăm sóc cô ấy. Thiếu gì, điện sang anh. Mai kia về hẳn, đi làm với anh đỡ vợ". Hình như chồng chị bắt được ánh mắt truy quét tàn sát của anh nên không nghĩ đến chuyện trả lại phong bì tiền, khẽ "vâng". "Đeo thử kính mới anh xem. Em kiếm ở đâu ra của nợ này? Mọi người khác nhau ở cái mặt. Đẹp xấu thiện ác là ở cái mặt, em cứ làm sấu mình đi là thế nào?". Anh đưa vào tay chị một cặp kính mới: "Số 2 đấy". Chị ngượng nghịu tháo chiếc kính gọng mica hai mắt to như hai khung cửa sổ xuống, đeo kính mới vào. "Ngẩng lên anh xem nào. Đời mới đấy". Gọng titan mềm oặt. Chị ngẩng lên. Mặt sáng bừng, ánh mắt yêu thương biết ơn lấp lóa sau cặp kính bóng. "Đấy, thế mới là một cô giáo chứ. Ai lại như bà già đang móc sợi thuê ấy". Anh nói rồi đứng lên. Mùi thơm đàn ông phảng phất bên chị khi anh nắm cổ tay chị, bóp mạnh: "Mẹ tròn con vuông nhé. Anh đi đây". Mùi thơm theo anh ra cửa. Còn loáng thoáng lại vài ngày trong hơi đông se lạnh. Thế thôi.
Bất chợt, đôi khi có một niềm vui hay nỗi buồn. Chị muốn nói với anh. Ba ngày đau đẻ và ra đời một chú nhóc da nhuôm nhuôm, mắt to, tóc lưa thưa, miệng chíp chíp đòi ăn. Chị muốn có anh bên cạnh. Từ trong sâu thẳm, anh luôn tồn tại thật vững chắc. Kiên cố.
Mưa thưa dần.
Những người cùng đứng trú mưa cạnh chị đã đi từ lúc nào. Không có gì phải vội. Còn gì nữa mà vội. Cuộc đời của chị sẽ còn rất dài. Đều đều như cả triệu người trôi như dòng sông hằng ngày ngoài đường buổi sáng buổi chiều kia.
Ngày mai. Ngày kia. Lâu, lâu lắm sẽ thế nào?
Hồi ấy, chị cứ tự chê mình với những câu rất thành thật. Còn anh thì áp đặt lại: "Không phải thế. Tại em không chú ý đến em chứ cắt lại tóc, mặc quần áo khác, là "ngon" ngay... ". Anh thường nói thế và chị cũng tin thế. Hai năm nay, anh ở Việt Nam. Anh có một công ty xuất nhập khẩu cả trong nam ngoài bắc. Chị biết là anh ở rất gần chị nhưng cũng ít gặp lắm. Một lần anh đột ngột xuất hiện. Mặt nhiều nếp nhăn hơn, quần áo đơn giản hơn. Anh đưa vào tay chị một gói nhỏ: "Mai em mang đến đưa cho mẹ hộ anh. Chia làm ba lần may ra mẹ nhận". Chị tròn mắt ngạc nhiên, tự nhiên mở gói giấy. Những tờ đôla lạnh và xanh biếc. "Đừng hỏi gì. Cứ chia ba ra. Bảo mẹ cứ mua thuốc Pháp mà uống. Bệnh của mẹ rời thuốc ra là đi đấy". "Anh ở đây ăn cơm với nhà em!". Chị gói tiền, cất vào một túi ni-lông. Tìm khắp nhà không ra chỗ giấu. Mặt chị căng thẳng. "Em để chỗ nào vớ vẩn nhất ấy. Đừng cho vào tủ. Bọn trộm chỉ quan tâm những chỗ kín đáo thôi". "Chưa bao giờ em nhiều tiền thế này". Chị nói rồi nhét xuống dưới tờ báo trong ngăn tủ. "Yên tâm đi. Trộm vào nhà ai phải tìm hiểu thật chắc. Em giáo viên nghèo, nó vào lấy sách à! Có gì ăn không? Bao giờ bố con nó về". Còn nhớ, chị cuống lên chạy ra chợ mua đồ ăn theo thực đơn của anh. Nhoáng nhoàng hai vợ chồng bưng mâm ra. Anh ôm thằng Bống, chơi với nó rồi hai bác cháu sà vào mâm. Cả chị và chồng không ăn được, vì nhìn anh. Bát canh cua khoai sọ nấu rau muống. Vài con tôm đồng rang. Bát cà chấm mắm tôm. Ớt caỵ Anh ăn bốn bát cơm. Nói là sáu tháng mới được một bữa ngon. Chị hỏi: "Anh có thiếu gì đâu. Nhà to, xe ô-tô đẹp. Sao phải vất vả thế". Anh cười phá lên. Rồi tắt lịm: "Vào guồng rồi. Trong một dây xích, mình là một mắt xích. Cỗ máy đang chạy, không thể tuột một mắt xích nào". "Chả cấm được ai nếu mình không muốn. Cùng lắm mất một tí" - Chị tiếp: "Như kiểu bọn em nghỉ mất sức ấy". Anh lắc đầu, đập tay lên vai chị như vỗ vai một cô bé: "Không đơn giản như em nghĩ đâu. Guồng máy của anh khắc nghiệt lắm". "Bao giờ anh lấy vợ?". Anh cúi đầu im lặng. Rồi nói: "Anh đi với đứa nào quá lắm được sáu tháng. Luôn là tỷ lệ nghịch giữa độ dài của chân và độ ngắn của óc. Chỉ giỏi moi tiền. Khốn nạn. Mình đẻ được ra nó, nó lại nghĩ mình ngu". Anh lắc đầu, chán không giấu được: "Anh không lấy vợ đâu. Sau này già, chết, con trai đến bưng ảnh chống gậy cho bác" - Anh nói và ôm chặt thằng Bống vào lòng. Chân thành. Đơn giản: "Ăn no chóng lớn. Sau này mẹ đẻ em bé. Về ở với bác học hành tử tế, thằng Bống của bác". Rồi hai bác cháu tròn mồm đọc: "Bống bống bang bang. Mày ăn cơm vàng cơm bạc nhà tạ Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người". Thằng Bống ngượng nghịu đọc theo anh. Mặt anh giãn ra. Hôn hít dúi dụi vào gáy. Rưng rưng.
Loáng cái, anh đã biến mất, nhanh như lúc đến. Nếu không có túi quà cho thằng Bống và mùi thơm của anh thì chị không tin là anh vừa ở đó.
Những ngọn đèn đã bật. Chẳng soi sáng được những con đường nhưng lại rất cần. Chị tin là lúc ấy, ngồi trong chiếc xe ấy, đi qua con đường này, anh sẽ ngoảnh nhìn ra. Cũng như chị lúc này, ý nghĩ và bàn chân cứ hút chị về con đường có một trăm linh tám cây bằng lăng tím. Có ngôi nhà của anh.
Sau cơn mưa, đến hạt bụi cũng không còn. Tất cả như vừa tắm gội. Những tán hoa mong manh, chỗ đậm chỗ nhạt như mầu tranh sơn dầu của một bức tranh phong cảnh khổng lồ.
Anh căm thù người đàn ông nào đánh đàn bà. Đây là lần thứ hai anh phạm tội cố ý gây thương tích. Và nạn nhân thì chết bởi cơn điên của anh.
Chị hỏi anh - lần thăm duy nhất, khi biết tin anh bị bắt: "Sao anh lại làm thế?". Anh gầy, da xanh trong suốt. Tóc dài lên và quần áo làm anh nhỏ lại rất nhiều. Cúi cúi không nhìn chị - giống tất cả những lần chị cúi không nhìn anh trước đây. "Anh chứng kiến cảnh nó đánh vợ. Vợ nó lại đang có bầu. Bao lần nó lừa đểu bọn anh, anh cho quạ Nhưng cứ đánh vợ là không được. Mỗi lần nhìn thấy thằng nào đánh vợ, anh lại nhớ ông ấy... và mẹ anh". Chị thở dài. Phải rồi, đến bố đẻ anh đánh mẹ, anh còn không chịu nữa là thằng đàn em lừa lọc: "Thì anh bảo nó. Nghìn thằng như thế có chết, xã hội cũng chẳng hết những thằng đánh vợ". Chị nhìn anh đăm đăm. Giống ngày xưa anh hay nhìn chị.
Hôm nay chị diện hơn bình thường. Không phải cố tình mà chị dùng những thứ anh tặng. Chiếc kính cận số 2 mới nhất. Mảnh vải hoa tím pha đen anh cho đã may thành áo rất vừa. Và chút nước hoa... Thật mềm mại, sâu lắng. "Em về đi. Đừng cho mẹ anh biết. Cũng may bà già kém mắt ít đọc báo... ". Anh thì thầm. "Anh cần gì không?". Anh lắc đầu, cười: "Cần bát canh rau muống luộc, cần thằng Bống học giỏi... Lớn khôn còn chống gậy cho bác. Cần cho em nhiều lắm". Rồi lắc đầu: "Với mình, anh chẳng cần gì. Em biết anh quá còn gì". Chị nhìn anh đăm đăm. Chưa bao giờ chị nhìn anh kỹ thế: "Anh nhớ bà ngoại không?". "Anh nhớ. Bà đã cho anh câu chuyện "Làm việc này được gì?". Anh nhắc lại, giọng đều đều, đầu gật gật. "Sao lúc sắp giết nó, anh không tự hỏi - Thằng này chết anh được gì?". Chị cáu giận dần lên. Anh cụp mắt xuống, thở dài: "Có phải lúc nào cũng tự hỏi và trả lời được thế đâu. Nhất là trong cơn điên. Mà mọi điều tốt đẹp chỉ đến khi người ta bình tĩnh". Chị cáu: "Anh thì nói hay lắm". Anh nhìn, ánh mắt thẳng chiếu xuyên qua chị. Không cụp xuống như trước nữa. Anh hiểu chị giận anh. "Anh" không phải là kẻ giết người... ". Chị tiếc tất cả những điều tốt đẹp hay sự tồi tệ. Cái tốt đẹp đã hết và điều tồi tệ đang bắt đầu. Hiểu rõ một thứ tình cảm trên tất cả mọi thứ tình cảm mà anh chị đã có với nhau. Qua cơn sốc, chị dịu lại: "Anh có dặn gì em không?". Rồi chợt ân hận tê tái là tại sao mình lại thốt ra câu đó. Nó chỉ dành cho những cuộc chia taỵ Mà chị không muốn thế. Anh lắc đầu, thì thầm: "Anh tin là em biết làm mọi điều giúp anh. Chỉ tiếc... mọi chuyện bất ngờ quá. Anh không kịp đưa cho em cái gì". Chị lắc đầu, môi cắn chặt. Chị biết, khi chia tay anh, ra khỏi cánh cổng trại giam kia, chị sẽ khóc. Chị đâu cần tiền bạc của anh. Dù trước khi giết người, anh rất giàu. Chị cần anh là anh, là những điều tốt đẹp như một khoảng trời nhỏ. Một bức tường có mái che đằng sau lưng. Mỗi lần đuối sức hay thất bại trên đường đời, chị có chỗ lùi lại, tựa lưng và thở. Rồi đi tiếp.
Có những tiếng cười vỡ ra trong phố vắng của bọn trẻ đi qua.
Chị dắt xe đi dọc phố một trăm linh tám cây bằng lăng. Một mình. Nhìn đâu cũng thấy chiếc xe xanh sẫm kín như một chiếc hòm - Hỏa Lò thu nhỏ với những chấn song sắt bé lừ lừ chạy trên đường. Đằng trước, đằng sau có xe cảnh sát hộ tống. Mỗi lần có đoàn xe đó đi qua, ai cũng ngoái lại nhìn. Đã nhiều lần chị nhìn theo những chiếc xe đó, cảm thấy cuộc sống sạch đi một hạt bụi. Con đường bớt đi một viên sỏi dễ làm người ta ngã.
Chị chỉ thấy dòng sông. Một dòng sông sóng sánh ánh trăng giữa cái chung cư mốc thếch, già nuạ Có chiếc xe thuyền trôi làm vỡ ánh trăng.
Vô thức. Chị đã đi hết phố. Hết một trăm linh tám cây bằng lăng tím đậm, tím nhạt rập rình trong gió.
Nhiều lúc nhãng đi. Cứ tưởng lại như ngày xưa. Thỉnh thoảng chị tan học sớm, đến nhà chờ anh về. Ngó vào thấy mẹ anh lụi cụi. Chị dựng xe ngoài cổng. Đi dạo dọc phố một mình và đến những gốc cây đã thuộc vẫn thích đếm.
Đừng dồn ai đến bước đường cùng. Đừng gây lòng hận thù và đừng làm ai căm thù mình quá. Lúc bố anh đánh mẹ anh, bố anh chắc không nghĩ nó sẽ thành tiềm thức để anh trở thành kẻ giết người?
Đi đâu bây giờ nhỉ?
Cổng tòa án ở giữa ngã năm. Một trăm linh tám vị anh hùng Lương Sơn Bạc đứng canh phố Công Lý.
Vẫn uy nghiêm, đen thẫm một góc bên cạnh một tòa tháp cao vút, sáng đèn. Giờ đây không phải là nơi giam tù nhân nữa. Hỏa Lò bây giờ chỉ dành cho khách tham quan.
Chị tin là ngày xưa, anh và lũ trẻ ở phố chắc phải đá bóng bắt xe ở sân tòa này suốt cả tuổi thợ Bây giờ sẽ không bao giờ còn anh để chị hỏi điều đó.
Lúc xe chở anh đi qua, anh nghĩ gì khi nhìn về nhà mình? Ngôi nhà mà chỉ cần vài bước chân là đến. Và một trăm linh tám người bạn.
Ba vòng phố.
Rồi bốn vòng.
Chị có thể đi mãi thế này đến sáng.
Đi thế này để được gì?
Để thấy lại những gì đã qua và những ngày sẽ đến.
Để hỏi và tự trả lời.
Đến bây giờ chị mới hiểu là không được sai lầm. Dù là nhỏ. Không phải lỗi lầm nào cũng có thể nói lời xin lỗi hay sửa chữa, chuộc lại. Có những sai lầm phải xin lỗi bằng sự chết.
Chị cay đắng sau lần thứ năm đi dọc phố một trăm linh tám cây bằng lăng để quyết định lên xe về nhà khi nhận ra những điều nhỏ nhoi nhất là nếu có đi thế này mãi cũng chẳng có ai chờ chị Ở cuối đường. Và những điều mơ ước ngày xưa của anh chị sẽ không làm được một việc gì, dù nhỏ nhất.