Trong xóm tôi ở có anh tên Mười. Anh nầy hay kể chuyện ngày xưa. Nhất là vào những dịp trong xóm có cúng quảy giỗ kỵ. Những lúc tối lửa tắt đèn. Những lần "trà dư tửu hậu". Có một lần trên căn gác nhà anh. Anh chỉ ra "ban-công" anh kể làm tôi nhớ mãi.... Mấy ngày hôm nay vùng vịnh của mình đây trời bỗng dưng nắng gắt, nhiệt độ có lúc gần 100 độ. Chu choa! nóng quá, nóng quá. Còn bên xứ cao bồi "Tếch-Xịt" nắng và nóng hơn trăm độ. Cái xứ đó nghe đâu rằng thì là xứ của sa mạc, cái xứ nóng như lò than, cây cối không còn có nổi màu xanh, và mấy ngày qua, nghe tin thì hình như có mấy con bò chỏng gọng sùi bọt mép, vài ba chục người lăn đùng ra nằm thẳng cẳng, còn bên Chi-cá-gồ thì chết hàng trăm. Nóng thì nóng vậy, nhưng gia đình nhà chim cu-cu vẫn hàng ngày "cúc-cù-cu-cu... cu" vào buổi sáng sớm tinh mơ, và vào buổi xế trưa. Gia đình nhà chim này dọn về ở "se" nhà anh Mười khoảng hạ tuần tháng trước. Anh nói: "Tiếng cúc-cu-cu đều đều buổi xế trưa cũng làm cho căn gát trọ của tui thêm phần ấm áp, thêm chút tình quê hương nơi xứ lạ quê người.". Anh ngẩn người ra sau câu nói. Có hôm đang ăn uống nhậu nhẹt lu bù, anh bỗng khựng lại... và nhỏ giọng: "Nghe tiếng "cúc cu" làm tui nhớ. Nhớ cánh đồng sau mùa gặt, nhớ hàng cau và mấy liếp trầu....". Rồi anh cất giọng làm tới luôn: Nhớ Tây Ninh nắng cháy da người, (nhớ) trận địa còn loang máu xương (đồng đội) nhớ Đồng Tháp Mười vắng bóng hồng thì tui biết yêu ai??? " ... Nhớ gót dày của đồng đội hằn trên 4 vùng chiến thuật.... Chị vợ chim mới vừa hạ sinh hai nhóc chim con. Suốt ngày vợ chồng thay nhau tíu ta, tíu tít tha mồi về tổ. Vì mình là chủ nhà nên tui thăm nom rất kỹ, tui che đậy, tui khoanh vùng cẩn thận, vì sợ chị mèo nổi chứng quơ quàu bậy bạ. Khi thấy mẹ tròn con vuông, và hai nhóc chim con chim chíp rúc đầu vô cánh mẹ lúc đó tui mới yên chí được phần nào...Anh Mười chép miệng thở ra: - Vì "Nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục"nên giống chim "cu cu" bên này nó cũng có phần khác "cu cu" bên nhà. Nó khác ở cái chỗ nó chịu lạnh, chịu nóng giỏi hơn. Anh nghĩ coi, căn gát gỗ của tui bốn bề gió lộng, và ngày nóng chảy mỡ, đêm lạnh buốt xương, thế nhưng gia đình nhà chim vẫn bình yên hổng thấy có dấu hiệu gì là đau bịnh, hoặc nhức đầu sổ mũi gì hết trơn. Thôi cũng mừng. Cái giống chim này cũng mau ăn và chóng lớn. Mới có tuần hơn mà cũng đà cánh lông đầy đủ, cũng lâu lâu tập vỗ cánh, tập gù gù như thể sắp trưởng thành. Mới ngày nào hai chú nhóc còn nằm gọn lỏn trong đôi cánh của mẹ, thế mà nay đà lớn xộn chiếm gần hết cái ổ con con. Hàng ngày vợ chồng chim thay nhau, hễ một con đi làm thì con nọ ở nhà nằm với hai chú nhóc. Tui ra nhìn lúc nào cũng có một hoặc anh hoặc chị ở nhà. Mới đầu nghe anh Mười kể chuyện đôi chim cu cu trên sàn gát nhà anh, ai ai cũng tưởng anh nói chơi. Đến khi mọi người có dip ghé nhà anh hoặc ăn nhậu, hoặc thăm viếng mới biết có đôi chim cu cu về làm tổ trên căn gát xếp nhà anh. Và đối với anh, câu chuyện đôi vợ chồng chim là một thiên tình sử anh luôn nhớ. Anh nói: "Nói thiệt mà nghe, ban đầu Mười tui hổng phân biệt được "ai" là trống và "ai" là mái. Nhưng lâu dần thì cũng nhận ra. Anh biết hông? Chị vợ lúc nào cũng dịu dàng hơn anh chồng. Từ cách mớm mồi cho đến cách chăm con. Chị vợ thường ở nhà nhiều hơn. Nhìn cảnh mẹ con nhà chim mớm mồi hạnh phúc làm tui nghĩ... sao nó giống cái cảnh mẹ của tui nhai cơm mớm cho Mười tui hồi đó quá. Thiệt tình thì tui nào dám có cái sự so sánh kỳ cục vậy.... Nhưng, dưới cái nhìn của tui thì giống chim kia cũng là một chúng sanh, và hễ là chúng sanh thì cũng có những cái rất là tự nhiên như chuyện đẻ và nuôi con, cũng phải ăn để sống, và cũng có ngày sẽ từ giã cái cõi này để mà chịu cái cảnh "tử biệt, sinh ly". Giống nào trên cái cõi nầy cũng phải có cái đời sống riêng của nó. Cái đời người như Mười tui đây sống thọ lắm thì cũng trăm tuổi là cùng, mà trăm năm thì có "nhằm nhò" gì nếu so với cái tuổi thọ của mặt trời, mặt trăng? Của thời gian vô tận, của cái không gian vô cùng? Đời người được mấy lăm hơi? Thế nên chim có đời chim, người có đời người. Đôi khi người sống lâu thêm chật đất chớ ích gì đó mà ham? Chắc gì người hơn chim mà tưởng bở.... Mấy người có biết làm sao hông? Mười tui nhiều khi cắt cớ tự hỏi mình.... "Làm sao anh chim ảnh tán tỉnh chị chim để sinh ra hai chú nhóc?". Đâu có ai biết đâu để trả lời. Tui thủng thỉnh đi tìm ở thư viện. Thời may "lù khù ông cù độ mạng". Tui tìm có quyển "The language of animals" của tác giả Millicent E. Selsam. A! Thì ra tụi nó cũng có tiếng nói chớ bộ. Tỷ như, anh chim sơn ca muốn mở lời tán chị sơn ca thì ảnh phải chọn một cành cây nào đó thích hợp, và từ nơi đây -Cành cây tình ái- Anh sẽ cất lên những tiếng hát, những bài ca rất là tình tứ, lãng mạn mùi mẩn, mê ly... và tiếng "hát" của anh sẽ theo gió bay xa... tới tai chị sơn ca đang còn e lệ thập thò đâu đó. Còn cái anh chim gỏ kiến thì là quá tệ. Coi cái mã bề ngoài thì đẹp trai ra gì. Màu áo màu quần màu tóc màu lông.... Ôi thôi thì "diêm dúa" như hoàng tử, ấy vậy mà hổng biết ca hát gì hết ráo mới là tội nghiệp. Thôi thì ta không có "mồm miệng đỡ tay chân" thì ta mần cách khác. Anh này tán tỉnh các chị bằng cách đi tìm một nơi lý tưởng.... Và nơi đó sẽ là cái tổ uyên ương cho tương lai. Anh cắm dùi. Anh bảo vệ nó. Anh trang hoàng nó, và anh sẽ dâng cho "nàng" cái tổ uyên ương. Cái nôi hạnh phúc. Tổ ấm đó sẽ thuộc về nàng. Anh Sơn Ca dùng tiếng hót. Anh gỏ kiến dùng tiếng gỏ. Anh gỏ kiến gọi các nàng bằng cách gỏ mõ vào cây cho phát ra tiếng kêu. Tiếng gỏ này đi xa khoảng 3/4 dặm Anh. Nghe tiếng mõ "ái tình" du dương tha thiết, các nàng sẽ tìm đến. Chim sơn ca dùng tiếng hót giống như con người ca "Mười năm tình cũ", "Thà như giọt mưa" hay là "Để quên con tim" chẳng hạn v.v... và v.v.... Nói nào ngay, vì ông Trời ổng sinh ra loài chim là biết hát, hổng phải như tui phải tập "ca ra ô kê" gần tắt tiếng, bể cái cần cổ nhưng tiếng hát hổng hơn được anh vịt đực là bao nhiêu. Đã không biết hát mà cũng chẳng biết mần. Còn anh gỏ kiến thì dâng tổ ấm làm quà như các chàng mua xe mới, nhà to làm quà cho các nàng vậy mà. Nhưng, nếu giả dụ như có anh chim nào khác cũng muốn tới chỗ cành cây nọ để mở lời tán tỉnh chị thì sao? Dễ lắm. Dễ ẹt. Hai anh sẽ thi nhau hát, thi nhau gỏ. Anh nào to mồm hơn, anh nào hát hay hơn thì anh kia phải đành xếp giáp qui hàng, đành lặng lẽ bay đi chỗ khác. Giống "con chim" nó hổng có đánh nhau vì tình à nghen. Hay hơn "con người" là điểm đó. Và rồi các chị mái khi nghe tiếng gọi của tình yêu chị bay về, và đủ kiên nhẫn chờ đợi nếu có trận chiến xảy ra giữa hai anh trống đang "đánh nhau" bằng tiếng hát mong chiếm trái tim nàng. Kể cũng ngộ lắm. Giống chim nó chỉ có thể nhận nhau bằng tiếng hót, và bằng cái nhìn mà thôi. Ông tác giả (nêu ở trên) viết rằng nếu vì một lý do nào đó, dzí dụ như sơn đen cái đầu chim, chẳng hạn, thì người bạn đời -của chim bị đổi màu- sẽ khó nhận ra nhau, và có thể tụi nó sẽ xa nhau. Và "từ đó em (anh) buồn". Đọc tới cái chỗ này thì tui nghĩ chim thua người đó nghen (chắc chắn là thua rồi) bỡi dzì con người: Gió đánh cành tre, gió đập cành tre. Chiếc thuyền anh vẫn le te đợi nàng. Gió đánh cành bàng, gió đập cành bàng. Dừng chèo anh hát cô nàng hãy nghe. Con người chỉ hơn đưọc con chim ở cái điểm đó mà thôi. Con chim tuy nó có hai "con mắt" nhưng hổng có "con ngươi", nên người bạn đời đầu ấp tay gối mới có thay đổi màu lông chút xíu xìu xui thôi hà, thì nó đã hổng nhận ra. Còn con người, và đặt biệt là người Việt Nam mình thì: Gió vàng hiu hắt đêm thanh, Đường xa, dặm vắng xin anh đừng về. Mảnh trăng đã trót lời thề, Làm chi để gánh nặng nề riêng ai. Loài người tự hào là hơn cầm và thú, nhưng chỉ hơn có chút xíu đó mà thôi. Chút xíu đó làm con người đứng đầu hết thảy trên các sinh vật được sinh ra trên thế giới này. Nếu con người mà lỡ tay làm mất chút đó thì có hơn chim? Anh Mười là người Việt nên anh Mười chỉ biết đến chuyện Việt. Trong một lần, có người bạn nói rằng, anh là loại "Người Việt cực đoan" còn sót lại ở thế kỷ nầy. Anh trả lời: - Tui nghĩ người bạn đó đúng, nhưng... nhưng đúng chỉ mới có một nửa thôi hà. Người Việt "cực" thiệt đó, chớ hổng có "đoan". Cực gì mà cực ngóc đầu lên hổng nổi. Đọc lịch sử nước nhà, thấy dân mình hết bị Tàu rồi lại đến Tây, đến Nhựt. Qua thời Cộng Hoà chưa sướng được bao lăm hơi. Chưa kịp thở để lấy lại sức, thì phải bị qua cái thời Cộng Sản. Ôi! dân Việt của tui ơi, sao khổ quá thế này? Người dân ơi! người dân." Nói tới đó anh ngưng ngang. Mặt anh tỉnh rụi: - Mười tui chỉ nói dân thôi nghen (Các vị tai to, mặt lớn đâu có biết khổ là gì). Tui nghe ông già tía tui kể rằng: Ngày xửa, ngày xưa chiếm được thành mà hổng có dân thì coi như trớt huớt, nên mới có câu rằng "Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh." Chiếm được dân, tấm lòng của dân thì mới gọi là thắng trận. Nhưng cái thời nay nó đổi khác lắm rồi, dân hổng được coi là trọng, nên làm người dân muôn đời chỉ cực với khổ thì thôi. Tui cứ khấn ông Địa sao cho dân mình được sung sướng. Khấn ông Thành Hoàng sao cho các vị "tai to mặt lớn" ngó nghĩ cho dân nhờ, chớ tai đừng có to như tai heo, mặt to như mặt lợn (thì) chỉ còn có nước chết. Dân mình trong nước đã quá khổ, còn dân mình ra ngoài này thì nó trật bàn đạp hết trơn, hết trọi. Nhớ hồi đó, dân Việt mình sao tình ơi là tình. Trong dân gian có truyền lại câu hát rằng: Hò... ới... ơi... Hỡi cô gánh nước quang mây, Cho anh gáo tưới cây ngô đồng. Cây ngô đồng cành cao, cành thấp, Ngọn ngô đồng lá dọc, lá ngang. Quả dưa gang ngoài xanh, trong trắng. Trái mướp đắng ngoài trắng, trong vàng. Từ ngày anh gặp mặt nàng, Lòng anh ngơ ngẩn... hò... ò Hò... ới... ơi... Chớ, lòng anh ngơ ngẩn, dạ anh càng ngẩn... ngơ Cái thuở thanh bình ấy nay còn đâu? Dân mình đầu tắt mặt tối. Trong nước thì lo chạy ăn từng bữa. Chạy muốn lòi con mắt. Nhưng, cơm trộn sắn, độn khoai, con nít thiếu ăn, thiếu mặt.... Còn ở ngoài này thì chạy đua với cái đồng hồ để trả nợ nhà, nợ xe.... Ôi! sao nghe nó lùng bùng con ráy. Còn đâu cái cảnh thơ mộng hữu tình, học sinh quần xanh áo trắng, bà già tóc quấn, áo dài gấm, áo dài nhung. Còn dâu cái cảnh tỏ tình nửa kín nửa hở thơ mộng như vầy: Hôm qua anh đến chơi nhà, Thấy mẹ nằm võng, thấy cha nằm giường. Thấy em nằm đất anh thương, Anh đi mua gỗ đóng giường tám thang. Bốn góc thời anh bịt vàng, Bốn chưn bịt bạc, tám thang chạm rồng. Thiệt tình mà nói đó nghen, khi nghe ông già tiá ổng kể chuyện đời xưa tui đây tiếc hùi hụi, tiếc ngẩn tiếc ngơ. Người Việt mình đâu có tệ phải hông. Cũng ra rít lắm chớ hổng phải lơ tơ mơ. Con chim kia khi nó tỏ tình thì nó hát chỉ có một bài, còn ngưòi mình tỏ tình thì làm thơ, hát đố, hát ví, hát trống quân... nhiều ơi là nhiều. Có cái bài hát như vầy: Anh có yêu em? Tam tứ núi anh cũng trèo, Thập bát sông, là tang tình anh cũng lội. Chớ tứ cửu tam thập lục đèo, anh cũng trèo là trèo qua. Nghe hứa thấy mà ham chưa. Đã yêu thì mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng ráng mà trèo cho qua. Vậy mà chưa đủ cho nàng tin. Chớ có đâu như bây giờ, một cái xế láng, vài ba cái thẻ nhựa thì có nhằm nhò gì. Ấy vậy mà cũng xong. Hãy nghe người Việt mình tỏ tình cái thuở xa xưa như vầy nè: Chén son em ơi, nguyện với ông trăng già. Càn khôn đưa lại cho một nhà vui chung. Con đàng xa xôi xin em chớ ngại ngùng. Xa người, xa tiếng chớ lòng không xa. Ngày xưa làm gì có điện thoại viễn liên với máy "phắc". Làm gì có "in-tờ-nét"? Làm gì có chuyện tình "long-đít-tăn" như bây giờ phải hông? Thế mà họ yêu nhau mới gọi là tình chớ. Ngày nay cái cây đã bị bứng ra khỏi cuộc đất tốt, nên con người của mình hổng được như con chim. Con chim nó hát chỉ có một bài mà nên duyên chồng vợ. Chuyện bây giờ nó cũng thể như: Lá đa mặt nguyệt hôm rằm, Răng nanh thằng cuội, râu cằm thiên lôi. Gan ruồi, và mỡ ruồi tươi, Xin chàng chín chục con giơi hóa chồng. Chớ như hồi đó (cũng chuyện ông già tía tui ổng kể thì đâu có phải như vầy đâu. Hồi đó cái gì cũng nồng, cũng đượm cái chất thơ, cái chất mộng ở trỏng. Một lời đã quyết thì "Cóc cắn trời gầm hổng nhả": Ví dù sớm biết nhau ra, Đá vàng cũng quyết, phong ba anh cũng liều. Đường tình riêng mới; nhớ ít, tưởng nhiều. Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang. Con dao vàng, anh liết đá vàng, Mắt anh anh liếc, mắt nàng nàng đưa. Ta mần thinh đi kẻo thế gian ngờ. Lòng đây thương đó biết cơ hội nào. Ôi chu choa ơi! sao nó tình rứa hỉ? Nghe như rứa chớ biết răng chừ. Tui cũng bù luôn. Cô bạn Huế nghe tui kể, cổ xít xoa hỏi tới làm tui cũng... cũng chẳng biết đường mô mà trả lời. Cổ nói rằng, ngày xưa con gái được quí trọng lắm, chớ có đâu như bây giờ. Cổ kể rằng "hồi đó nó như ri nè anh ơi": Em là con gái nhà giàu, Mẹ cha em thách cưới ra màu xinh sao. Cưới em trăm tấm gấm đào, Một trăm hòn ngọc, hai mươi tám ông sao trên trời. Cô bạn nói xong mở miệng cười tươi khoe hàm răng trắng nõn thấy mà dễ ghét. Anh Mười xí một tiếng rồi đáp "Đó là chuyện ngày xưa, cái ngày mà đất nước yên bình. Cái thuở mà sau hàng tre, bên mái rạ nồi cơm bằng đất nấu lửa rơm. Cái thuở chồng vợ còn "Đầu tôm nấu với ruột bầu. Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon. Chăn đơn nửa đắp nửa thòng. Cạn sông lỡ núi ta đừng quên nhau" chớ bây giờ tìm đâu mà có cô Hai? Cái nhà anh Mười nầy mới cắt cớ. Đem mấy cái chuyện "ngày xửa ngày xưa" ra mà kể mần chi? Nhiều người hàng xóm của anh lâu lâu lại thấy anh đứng ngóng về hướng Tây nói chuyện một mình. Người ta cho anh bị bịnh thần kinh.