Tặng Thanh Vân"Thanh thiên nhất đoá vân... "Mạc đĩnh ChiBuổi trưa ở đảo thật nóng bức. Hoàng ngồi ở văn phòng trường Pháp văn khu C đọc sách đểtránh lò hấp người ở nhà mình. Bà cố vấn Odile đang phỏng vấn gia đình Tư Lên. Anh này là trưởng khu C. Gia đình anh thuộc loại "mụt đảo", đã bị hết phái đoàn này đến phái đoàn khác từ chối, chỉ còn nước cuối cùng là xin đi Pháp. Nếu ngày trước, ở Việt Nam ai cũng mơ ước ngày nào mình sẽ có diễm phúc đặt chân tới kinh thành ánh sáng Paris thì bây giờ ai cũng sợ đi Pháp. Hầu như người tỵ nạn nào cũng thích đi Mỹ, kế đến là đi Úc, Canada, Bắc Âu. Chừng nàokẹt không được phái đoàn nước nào nhận thì họ mới đến nhờ cố vấn Pháp giới thiệu với phái đoàn Pháp. Đó là trường hợp của gia đình Tư Lên. Dư luận ở đảo cho rằng nước Pháp nghèo, qua định cư ở đó không khá được. Thật ra, theo sự hiểu biết cuả Hoàng vì trình độ văn hoá của dân Pháp cao (hầu như người nào cũng có trình độ từ Tú tài trở lên), nên dân tỵ nạn sang đó khó kiếm được việc làm. Còn sang Mỹ thì có nhiều việc làm chẵng đòi hỏi trình độ gì cả.
Tư Lên là một tay anh chị Ở Việt Nam lúc trước, đến đây vẫn còn máu mặt nên được trưởng trại cử làm trưởng khu. Phương pháp "dĩ độc trị độc": dùng những tay đâm chém để trấn áp những phần tửtử quậy phá, đám cô nhi (thiếu niên dưới 18 tuổi) hay đám mụt đảo(ở lâu), đôi khi bị phản tác dụng. Một vài trưởng khu quen thói "làm trùm" thường ăn chận khẩu phần của người trong khu mình. Như dịp Tết vừa qua, mọi người trong khu C phải nhường phần gà của mình để gia dình Tư Lên ăn Tết. Hoàng được miễn "nghĩa vụ" đó vì anh là "chức sắc" ở đảo y không muốn đụng chạm, ngoài ra y còn đang nhờ cậy anh nói giúp với cố vấn cho gia đình anh đi Pháp.
Hoàng ngẩng đầu lên nhìn ra cửa khi có một người bước vào. Anh suýt buột miệng kêu lên khi trông thấy đó là một thiếu nừ tuyệt đẹp. Thì ra trên đảo này có một giai nhân mà anh không biết! Người đẹp gật đầu nói "Bonjour Madame" với bà cố vấn rồi quay sang Hoàng "Chào thầy". Giọng nàng nhẹ và êm như ru. Nàng đến ngồi bên cạnh Hoàng và lễ phép nói nhỏ:
" Nhờ thầy thông dịch với cố vấn cho em xin học tiếng Pháp."
Tim của Hoàng đập thình thịch và anh cảm thấy hãnh diện khi được người đẹp đến nhờ cậy mình.Anh hỏi tên và số tàu của nàng. Tên nàng là Lý Thanh Vân, "mây xanh " hay đúng ra là nềntrời trong vắt không một áng mây, thật là tuyệt đẹp. Hoàng chợt nhìn lên trời xuyên qua cửa sổcủa trường, trời đang trong xanh như tên của nàng. Nàng đi tàu MB667 nghĩa là sau anh khoảng40 tàu. Vậy nàng tới đảo cũng được chừng hai tháng. Không biết nàng đã có "xe" (tiếng lóng ở đảo có nghĩa là người yêu) chưa? Lạy trời cho nàng chưa có! Nhưng đẹp như nàng chắc chắn là có rất nhiều người theo đuổi. Ở trên đảo tỵ nạn này, những người con gái đẹp khó thoát khỏi những kẻ có quyền lực hay tiền bạc, khi mà những đòi hỏi vật chất trong hoàn cảnh thiếu thốn trong trại và những mơ ước cuộc sống xa hoa ở hải ngoại tiềm tàng trong đầu óc họ ngay từ khi còn ở trong nước. Người đẹp thì phải có nhiều tiền, nhiều quần áo đẹp, đủ loại phấn son, nước hoa... Vì vậy không thiếu gì cô gái đẹp rơi vào tay các cố vấn Mã Lai háo sắc có quyền sinh sát ở trại. Có nhiều cô vướng vào bẫy hào phóng của gã con trai lớn lão chủ quán cà phê Flying. Gia đình lãotới đảo từ năm 79 mà đến nay vẫn không có nước nào nhận vì thời chiến tranh lão là trùm buôn lậu ma túy có hồ sơ của CIA và Interpol. Lão có nhiều trương mục gởi ở các ngân hàng Thụy Sĩ. Người ta đồn Mỹ đặt điều kiện nếu lão tiết lộ số các trương mục đó thì gia đình lão được đi Mỹ, nhưng lão đã từ chối. Có lẽ lão mang theo nhiều vàng lúc vượt biên nên gia đình lão đút lót cho bọn cầm quyền Mã Lai ở đảo để mở một quán cà phê lớn nhứt ở đây. Vì vậy gia đình lão sống phè phởn ở đảo gần chục năm chẵng thấy nao núng gì. Dũng, gã con trai lớn của lão tung tiền ra mua các cô gái đẹp. Mỗi lần có tàu mới tới là gã đến trước sân của RB (Record Branch, bộ phận thanh lọc các thuyền nhân vừa đặt bước lên bờ do một cựu trung tá CIA Mỹ điều khiển) để xem cô nào có nhan sắc và đi một mình, hắn sẽ đi theo coi cô ta được chỉ định ở đâu để tìm cơ hội làm quen. Hắn có bộ mã đẹp trai lại lắm tiền nên ít cô nào thoát khỏi tay gã trừ phi cố vấn Mã Lai phõng tay trên. Khi mà "con ong đã tỏ đường đi lối về" rồi thì gã sẽ đi săn con mồi khác. Thỉnh thoảng gã theo một tên sĩ quan Mã đi tàu qua Trenganu nhậu nhẹt và sẵn dịp "trả thù dân tộc" .Nhưng cảc cô gái giang hồ Mã gốc Tàu làm sao so sánh được với những đóa sen trong ao nhà. Chỉ tội nghiệp cho những đóa hoa hương sắc bị dập vùi bởi một gã Sở Khanh. Do mãi miết ăn chơi, nên dù ở đảo đã lâu Dũng không nói được một tiếng Anh nào.
Cố vấn Odile đã phỏng vấn xong gia đình Tư Lên. Họ chào bà Odile, Hoàng và nói lời cám ơn cô Loan (cựu hiệu trưởng trường Pháp văn vừa từ chức để chuẩn bị chuyển trại và Hoàng đã được cố vấn yêu cầu lên thay thế) đã làm thông dịch cho họ. Cô Loan tế nhị cáo lỗi với bà cố vấn là cô phải đi xuống gian hàng Mã mua sắm vài thứ cần dùng để chuyển trại, nhường nhiệm vụ thông dịch giùm Thanh Vân cho anh. Trước khi đi cô ta nhìn Hoàng với ánh mắt nửa như trêu chọc nửa như muốn nói "đấy anh thấy tôi biết điệu với anh chưa!". Hoàng đưa mắt nhìn cô ta ngầm tỏ dấu cám ơn. Tân và cựu hiệu trưởng thật là ăn ý với nhau hết sức!
Thanh Vân ngồi đối diện với bà Odile, còn Hoàng ngồi bên hông hai người. Qua cuộc phỏng vấn Hoàng được biết Thanh Vân mới vừa tròn 20 tuổi, đến đảo có một mình, trước 75 có học ở trường Colette, hèn chi nàng nói tiếng Pháp rất đúng giọng tuy không nói được nhiều. Nàng đã gặp phái đoàn Mỹ nhưng bị từ chối nên xin học tiếng Pháp để mong được giới thiệu với phái đoàn Pháp. Sau khi trắc nghiệm trình độ tiếng Pháp của nàng, bà cố vấn xếp nàng vào lớp "des avancés" tức là lớp do Hoàng phụ trách. Đúng là anh đã đạt được hai yếu tố " thiên thời" và "địa lợi" rồi chỉ còn yếu tố thứ ba là "nhân hòa": làm sao chinh phục trái tim người đẹp. Và đó là yếu tố gay go nhất. Nếu Hoàng ở trong trường hợp này của mười mấy năm về trước thì anh sẽ rất tự tin .Lúc đó, anh là một giáo sư trẻ khá nổi tiếng dạy nhiều trường trung học tư thục ở Sài Gòn. Dưới mắt các cô nữ sinh thời đó anh là thần tượng cuả họ. Vì vậy không thiếu gì cô đã nhét thư tỏ tình vào bài làm nộp lên cho anh. Nay thì đã khác, anh là một người đàn ông ngoài 40 tuổi, một người tỵ nạn đã để vợ và hai con mình ở lại Việt Nam ra đi tìm tự do với hai bàn tay trắng, tương lai mù mịt.
Vốn dĩ thuộc "nòi tình", gặp giai nhân Hoàng không thế nào bỏ qua ý định chiếm đoạt dù rằng biết như vậy là phản bội vợ nhà. Vả chăng anh nghĩ rằng một khi bước chân ra đi chắc gì còn gặp lại gia đình. Nhưng chắc gì lần này anh sẽ được toại nguyện?
Kể từ hôm gặp gỡ Thanh Vân, Hoàng không còn cảm thấy cuộc sống ở đảo dài lê thê và nhàm chán như lúc trước nữa, trái lại anh mong muốn thời gian ở trại kéo dài để anh được ở cạnh nàng. Anh sẽ định cư ở Canada theo diện đoàn tụ với cô em gái, còn nàng sẽ đi Pháp theo diện nhân đạo. Chẵng sớm thì muộn thì hai người phải chia tay, mỗi người ở một bờ đại dương. Dù yêu Thanh Vân nhưng Hoàng vẫn không nghĩ đến chuyện bỏ Canada theo nàng sang Pháp. Trách nhiệm đối với vợ con khiến anh không thể vì tình yêu mà quên được dự tính bảo lãnh gia đình sang đoàn tụ.
Tài chinh phục người đẹp của anh vẫn còn linh nghiệm nên chẵng bao lâu Thanh Vân đã ngã vào vòng tay của anh. Hoàng hối lộ cho một người bạn có một căn gác riêng và đặc biệt là kiếm được một chiếc nệm (có lẽ hắn chôm ở bệnh viện Sick Bay) năm đồng để hắn nhường căn gác 'de luxe" lại cho anh mà ra quán Flying uống cà phê và nghe nhạc. Anh cảm thấy minh có diễm phúc làm chủ được một đoá hoa hương sắc mà bao thanh niên trẻ tuổi hơn, đẹp trai hơn, nhiều tiền hơn hay bọn sĩ quan Mã đầy quyền lực theo đuổi mà không lọt được vào mắt xanh của nàng. Có lẽ nàng thích type người đứng tuổi và trí thức như Hoàng? Một quan niệm yêu khác hẵn các bạn gái đồng lứa tuổi! Có điều dù đã trao thân cho Hoàng nhưng Thanh Vân vẫn đối xử với chàng rất cung kính, nàng không bao giờ gọi Hoàng bằng anh mà là bằng thầy và xưng em (nếu nàng xưng con thì... sao nhĩ?). Điều này anh không hề thấy trong các cuộc tình trước đây của anh.
Kể từ đêm mây mưa trên căn gác người bạn, hai người tiếp tục những cuộc phiêu lưu tình ái kỳ thú khi thì trên gác nhà Hoàng, khi thì trên núi vào dịp cuối tuần Hoàng cùng Thanh Vân đi picnic. Nếu mỗi lần gần gũi nàng tại nhà Hoàng phải tìm cách đuổi khéo hai cô gái ngụ chung nhà vào văn phòng trường học bài để anh và ngừời yêu được tự do. Hai cô này trông cũng rất xinh mà Hoàng vẫn tiếc là anh đang ở trong thế kẹt nên cục mỡ để ở trước miệng mèo mà mèo vẫn phải làm ngơ.
Những lần hai người đi chơi trên núi quả thật rất là thần tiên mà chắc suốt cuộc đời Hoàng không thể quên. Đó là những dịp cuối tuần Hoàng chuẩn bị sẵn một tấm nylon lớn để trải dưới đất, thức ăn, nước uống, một vài cuốn sách rồi hai người lên núi đi thật xa, tìm một chỗ vắng vẻ nhất không hề có bước chân người đến mới dừng lại "cắm trại".Suốt ngày bên nhau hai người khi thì đọc sách , khi thì Thanh Vân kể lại những truyện hay nàng đã đọc cho chàng nghe. Giọng kể của nàng nhẹ nhàng,êm tai và rất hấp dẫn khiến Hoàng cứ tưởng tượng có cả nàng và anh trong số những nhân vật trong truyện. Đặc biệt nàng thích kể câu truyện mối tình tay năm giữa một cô gái đẹp với bốn người đàn ông :một họa sĩ tài hoa, một thanh niên đẹp trai, một gã nhà giàu và một viên sĩ quan đầy thế lực. Hoàng giựt mình ngỡ rằng nàng đang kể truyện thật đời nàng và người họa sĩ luống tuổi kia đã được nàng dùng để thay thế ông giáo sư đứng tuổi là chính anh. Anh tìm cách gạn hỏi nàng mong rằng đó chỉ là một truyện tưởng tượng của một tác giã nào đó. Nhưng vẻ đam mê, say sưa của nàng khi kể truyện khiến Hoàng nghi ngờ rằng chính nàng đã đặt ra truyện đó. Rồi từ mối nghi ngờ đó Hoàng kiểm điểm lại những hiểu biết của anh về nàng từ khi hai người quen nhau. Nàng hiện ở một mình trên gác một căn nhà ở khu B, nhưng phía dưới có Nam, một thanh niên đẹp trai ( nhân vật thứ hai trong câu truyện nàng kể?). Nhưng Hoàng nhớ lại rằng anh ta rất lễ phép và có vẻ thật thà mỗi khi Hoàng đến hỏi kiếm Thanh Vân. Nam cũng biết mối liên hệ giữa Hoàng và Thanh Vân và có một lần Hoàng đến đón Thanh Vân đi chơi núi, anh có đem theo hai hộp cá dể ăn với bánh mì nhưng lại bỏ quên đồ khui hộp ở nhà, Nam đã vui vẻ lấy cái của mình cho anh mượn. Nếu Nam là " người tình thứ hai" của Thanh Vân thì tại sao anh ta không có vẻ gì ghen hờn khi thấy người yêu mình đi chơi núi với một người đàn ông khác và biết những gì sẽ xảy ra trong dịpđó. Còn "người tình nhà giàu" và "người tình quyền lực" thì quả thật anh chưa thấy nghi ngờ ai trong trại tỵ nạn này. Trên cái đảo nhỏ xíu chen chúc trên mười ngàn người này, chuyện gì mà dấu được ai. Anh chưa hề nghe nói Thanh Vân đi với ai ngoài lời xầm xì mà anh thỉnh thoảng chợt nghe rằng anh là người tốt số đã chiếm được trái tim của một người đẹp trẻ hơn anh hơn hai chục tuổi. Nhưng Hoàng vẫn nhũ thầm sẽ theo dõi xem nàng có đúng là người con gái đa tình đầy tham vọng như trong truyện kể của nàng không?
Dù băn khoăn với câu truyện kể hư hư, thực thực của nàng, Hoàng vẫn không quên tận hưởng những giây phút thần tiên bên Thanh Vân trong khung cảnh hoang vắng của núi rừng như Từ Thức lạc Thiên Thai nói theo kiểu cách lãng mạn Đông Phương, hay như Adam và Eva ở vườn Địa Đàng mô tả theo trường phái hiện thực Tây Phương. Hoàng không ngờ rằng trong hoàn cảnh khó khăn của một người tỵ nạn ở đảo anh đã hưởng được hương nhụy của một đoá hoa tuyệt vời mà biết bao kẻ mơ ước mà không được. Hai người mãi miết quấn quít bên nhau cho đến khi chiều đến mới đưa nhau xuống núi về trại. Có lần về ngang dãy nhà của các cố vấn, họ gặp bà Catherine, cố vấn người Bỉ, Thanh Vân gật đầu chào và thẹn thùng cúi mặt khi bà ấy hỏi hai người đi chơi vui không? Còn Hoàng trả lời một cách tự nhiên là "thật tuyệt vời".
Có một điều Hoàng lấy làm lạ là dù Thanh Vân đối xử với mọi người rất hoà nhã nhất là đối với các cố vấn nàng tỏ ra kính nễ nhưng Bà cố vấn Odile có vẻ không thích nàng.Bà thường nói với các cô giáo trường Pháp Văn là tuy Thanh Vân đẹp, ăn nói khéo léo nhưng bà không có cảm tình với nàng. Hôm bà đi nghỉ cuối tuần ở Trenganu về, các thầy giáo và cô giáo tổ chức một buổi tiệc nhỏ đãi bà tại nhà bà. Mọi người đề nghị mời Thanh Vân tham gia. Nàng rất sốt sắng phụ trách phần pha nước cam. Nàng đích thân bưng nước mời cố vấn. Bà ta chỉ nói tiếng "merci" ngắn ngủi , lạnh lùng. Hoàng nhìn thấy nàng ứa nước mắt mà đau xót và thầm trách bà Odile làm vậy quá đáng. Anh để ý rằng từ khi biết anh quen với nàng bà bắt đầu có thái độ ghét nàng ra mặt. Anh không hiểu lý do nào khiến bà thay đổi như vậy. Chẵng lẽ bà cho rằng nàng làm cho anh chễnh mãng trách nhiệm hiệu trưởng của anh. Chàng tự xét mình vốn xuất thân nhà giáo , rất yêu thích nghề, hơn nữa anh nghĩ rằng sau này khi định cư chắc anh không còn dịp cầm phấn đứng trước bảng đen nữa nên rất tận tuỵ trong nghề " gõ đầu người lớn" ( vì đa số học viên là người lớn) không có lãnh lương , chỉ được cố vấn đãi một tô bánh canh mỗi cuối tuần. Ngoài ra trong số các hiệu trưởng từ trước đến nay chỉ có anh thật sự từng ở trong ngành giáo, do đó cố vấn rất quí mến anh. Nhưng sao bà lại ghét người yêu của anh quá vậy? Anh rất lấy làm ái ngại cho Thanh Vân.
Hôm Thanh Vân được gọi lên hội trường để phái đoàn Pháp phỏng vấn, anh cũng lên đó để yễm trợ tinh thần cho nàng. Anh vui mừng khi thấy nàng trả lời trôi chảy những câu hỏi của nhân viên phái đoàn mà không cần thông dịch. Cuối cùng nàng được nhận. Anh vội vàng trở về trường ngay vì anh có giờ dạy. Nhưng anh trễ mất 10 phút. Sau giờ dạy anh bị cố vấn "lên lớp"về trách nhiệm của hiệu trưởng phải như vầy, như vầy...
Thanh Vân rất chăm học tiếng Pháp: giờ vấn đáp nàng trả lời trôi chảy những câu hỏi Hoàng đưa ra bằng một giọng "parisien" và bài dictée nào nàng cũng không lỗi. Lần nào Hoàng biểu dương thành tích của nàng với cố vấn thì bà ta tỏ vẻ dững dưng một cách rất bất công. Thét rồi Hoàng không thèm báo cáo tình hình lớp chàng dạy trong những lần họp hội đồng giáo sư. Anh rất mừng rỡ khi hay tin cố vấn Odile sẽ mãn hợp đồng và rời đảo về Pháp vào khoảng đầu tháng tư. Hôm buổi tiệc liên hoan chia tay với cố vấn, dù Hoàng đã ngăn cản,Thanh Vân vẫn đến chào bà Odile để nhận lấy những bẽ bàng bà dành cho nàng. Sau buổi tiệc bà Odile gọi Hoàng đến nói riêng:
"Ông Hoàng này, ông đừng buồn khi thấy tôi không thích cô Thanh Vân. Sở dĩ tôi như vậy vì tôi rất mến ông. Cô ấy không trung thành với ông đâu. Vả lại ông còn vợ con ở Việt Nam. Ông hãy suy nghĩ về nhừng lời tôi nói."
Những lời nói có vẻ chân thành của bà Odile làm cho Hoàng rất băn khoăn. Câu chuyện mối tình tay năm nàng kể lại một lần nữa ám ảnh anh. Một hôm , lúc anh đang ngồi đọc sách ở văn phòng trường, chợt Tuấn, cậu đệ tử thân tín làm thư ký của trường đến nói nhỏ bên tai anh:
"Thầy ơi, lúc nãy em thấy chị Vân che dù đi với anh nào đẹp trai lắm."
Dù anh biết chắc anh chàng đó là Nam, người ở chung nhà với nàng nhưng anh vẫn không khỏi nghi ngờ.Biết đâu Nam giả vờ đầu hàng anh nhưng lại chơi trò "phục kích". Nhưng mối nghi ngờđó vội tan biến vì ngay tối hôm đó Nam hớt hải chạy lên trường gặp Hoàng và báo tin:
" Anh Hoàng ơi, Thanh Vân đau bụng lăn lộn ở nhà. Cô ấy nhờ tôi cho anh hay để anh đưa cô đi bệnh viện."
Hoàng tức tốc cùng Nam chạy xuống nhà nàng. Anh leo lên gác và trông thấy Thanh Vân đang trùm mền kín mít. Anh tốc mền nàng lên. Thanh Vân đang ôm bụng, hai chân co lên và không ngừng trở mình. Nàng mở mắt nhìn anh và rên rĩ:
"Thầy ơi chắc em chết mất."
Hoàng nhờ Nam giúp anh đem Thanh Vân xuống gác và hai người dìu nàng lên bệnh viện Sick Bay.
Thanh Vân được giữ lại bệnh viện để điều trị. Nàng cho anh biết rằng trước đây nàng có bị loét dạ dày, tuy nàng đã được trị khỏi nhưng thỉnh thoảng khi ăn nhằm thứ gì không hợp với dạ dày thì nàng lại bị đau bụng dữ dội như vậy. Hoàng thầm nghĩ Thanh Vân quả là một trang "tuyệt thế giai nhân" nhưng nàng có vẻ mong manh như một áng mây mõng trước gió, không biết sẽ tan biến lúc nào. "Type" của nàng làm người yêu để được chìu chuộng thì tuyệt chứ còn làm vợ thì người chồng tương lai của nàng sẽ khổ dài dài. Nàng không biết nấu nướng, tiêu chuẩn thực phẩm hàng tuần của nhà nàng và Nam, nàng không lấy phần mình ra mà giao luôn cho Nam để anh này biến chế làm sao cũng được miễn nàng có ăn. Nghĩa là hàng ngày nàng ăn chung với Nam. Điều này khiến Hoàng nhiều lần ghen tức cật vấn nàng. Nàng ôn tồn giải thích:
"Nếu không ăn chung với Nam thì thầy biểu em làm sao đây? Em thì vụng nấu nướng còn thầy thì chưa hề xuống bếp. Mình đâu thể tách riêng ra được. Còn biểu đem phần thực phẩm xuống nhà thầy để chị Phụng nấu ăn luôn thể thì chắc chị ấy sẽ thuốc em chết luôn. Người ta chỉ nấu cho "ông thầy yêu dấu" của người ta ăn thôi chứ đâu thể nào bắt người ta nấu luôn cho tình địch của người ta ăn được."
Lời giải thích vừa hóm hĩnh ( nàng khéo léo dùng những từ ngữ hơi "cãi lương" một chút ) vừa hợp lý làm Hoàng đuối lý. Nhưng Thanh Vân vẫn không xóa tan được mối nghi ngờ trong lòng anh về mối liên hệ giữa nàng và Nam. Nhứt là thỉnh thoảng khi đến bệnh viện thăm nàng anh bắt gặp Nam ở trong đó với nàng. Lần nào cũng vậy, Nam như biết thân phận của mình nên lễ phép xin rút lui. Thanh Vân nói rằng nàng không ăn đồ bệnh viện được nên nhờ Nam nấu cháo đem vô cho nàng. Hoàng dành phần lo cho người yêu. Lần đó anh về trường lấy cái réchaud mà Tuấn thường dùng để nấu nước pha trà cho mọi người uống trong mỗi lần họp giáo sư, nấu cháo cho Thanh Vân. Anh nấu "khéo" đến độ cháo khét và suýt gây cháy.
Có lúc quá si mê Thanh Vân, và biết chắc mình sẽ không thể nào chung sống suốt đời với nàng, anh mong muốn có con với nàng để lưu lại dấu vết mối tình của hai người.Anh ngõ ý với nàng về chuyện ấy thì nàng nói:
" Em sẽ không bao giờ có con được vì em có một cái bướu ở cổ mà bác sĩ nói rằng bao nhiêu chất bổ dưỡng trong người em đều phải dành nuôi nó. Do đó em không thể thụ thai được vì bào thai sẽ sống bằng gì? Thầy đừng buồn , đôi khi em cũng nghĩ đến chuyện có con với thầy để giử lại hình ảnh của thầy sau nầy vì em biết chắc em sẽ phải chia tay với thầy và thầy phải đem cô và các em qua đoàn tụ. Nhưng em biết rõ chuyện thầy và em mong muốn không thể nào thực hiện được. Thôi thì mình hãy sống cho hiện tại ngày nào hay ngày đó. "
Giọng nàng buồn và đôi mắt nàng rơm rớm nước mắt khiến lòng Hoàng se lại. Bao nhiêu ngờ ghen trong lòng anh chợt tan biến.
Một buổi tối, khi anh đang ngồi trên giường nói chuyện với Thanh Vân trong bệnh viện thì gã thiếu tá Mã gốc Tàu bước vào. Chắc hắn đi kiểm soát. Hắn liếc nhìn về phía hai người, mặt hắn lộ vẻ khó chịu. Chưa tới giờ giới nghiêm, hắn không thể làm gì được anh. Thanh Vân nhìn theo phía hắn đi và nói nhỏ với anh:
" Tối nay thầy về nhà ngủ đi, chắc đêm nay tên thiếu tá này sẽ đem lính tới bố ráp bệnh viện để bắt những người ở lậu trong này."
Nàng quả thật thông minh nên đã có một suy đoán y như anh. Những đêm trước anh đã liều ở lại với nàng, nhưng đêm nay khi thấy tên thiếu tá đã bắt gặp anh ngồi bên hoa khôi của đảo thì tên này dễ gì bỏ lỡ một cơ hội chứng tỏ uy quyền của hắn trước mặt người đẹp. Thôi thì "tránh voi không xấu mặt nào", anh đành phải chia tay nàng về nhà trưởc giờ giới nghiêm.
Sáng hôm sau, Hoàng mua một tô bánh canh mang vào bệnh viện cho Thanh Vân ăn sáng. Nàng kể lại cho anh biết là đêm hôm trước , ngay sau khi anh vừa rời bệnh viện, tên thiếu tá Mã gốc Tàu đã kéo lính tới lục soát bệnh viện và đã bắt đi độ một chục người ở lậu trong này với bệnh nhân. Hoàng định hỏi hắn có đến tán tỉnh nàng hay không nhưng ngại nàng giận nên lại thôi.
Thanh Vân ăn rất ít, phần lớn tô bánh canh nàng bón đút cho anh một cách âu yếm. Cử chỉ này anh nghỉ đến khiến nghĩ đến vợ anh. Từ trước đến nay trong số những người đàn bà đi vào cuộc đời anh, chỉ có Thanh Vân và vợ anh có cách ăn chung với người yêu khắn khít như vậy. Rồi Hoàng tự thấy hối hận vì đã phản bội vợ nhà. Trong khi anh đang sống trong hạnh phúc với người yêu mới thì vợ anh ngày đêm sống trong âu lo, chẵng biết ngày nào mới sum họp với chồng. Tội nghiệp nàng biết bao nhiêu khi có phải một người chồng đa tình, không chung thủy như anh!
Thanh Vân đã khỏi bệnh về nhà. Hoàng đỡ mối lo tên thiếu tá Mã gốc Tàu thì lại ngại anh chàng Nam ở chung nhà với nàng. Lửa gần rơm dễ bốc cháy, anh đâu ở cạnh nàng suốt ngày đêm để canh giữ nàng được. Quả thật yêu Thanh Vân mệt quá! Ngày xưa, anh đâu cần bận tâm lo việc các nàng có trung thành với mình không khi quanh mình khối các cô theo đuổi. Giờ đây anh đã luống tuổi lại có "đào nhí" nên phải chìu chuộng nàng hết mình mà vẫn nơm nớp lo sợ mất nàng. Đúng là "già mà còn ham" nên đành phải chịu khổ sở như vậy.
Thêm một mối lo khác: cố vấn Odile tuyên bố đổi ý định về nước, bà ký hợp đồng gia hạn thời gian phục vụ Ở trại thêm một năm. Con "kỳ đà cản mũi" này còn ở lại ngày nào thì Hoàng và Thanh Vân càng bị điêu đứng ngày nấy. May thay hôm ấy là ngày 1 tháng 4 , đó chỉ là "poisson d'avril", Odile sẽ về nước thật và Pascale sẽ từ trại Sungai Besi qua thay. Thật hú vía.
Nhưng Hoàng đã lầm, Pascale lại càng khó hơn Odile. Bà ta rất règlo, tuy không nói gì về mối tình của anh và Thanh Vân, nhưng lại bắt anh phải có mặt thường trực tại văn phòng trường với bà để coi sóc chương trình dạy của các prof và đôn đốc nhân viên thư ký sắp xếp các tài liệu, sách vỡ cho ngăn nắp. Lúc trước dưới thời Odile ai muốn tới văn phòng trường Pháp văn chơi cũng được, nay thì chỉ có học sinh của trường mới được phép vào đọc sách. Còn đâu cảnh Hiệu trưởng, giáo sư và thư ký , buổi trưa nóng cháy, khi vắng cố vấn, dắt "xe" vào văn phòng trường, đóng cửa, mở máy lạnh, từng cặp chụm đầu vào nhau vừa đọc sách vừa tâm tình vừa hôn nhau. Hoàng được các giáo sư và nhân viên gọi là ông Hiệu trưởng "dân chơi cầu ba cẳng". Lần này thì ông Hiệu trưởng bị bà cố vấn chặt hết cẳng rồi! Ngay cả Hoàng , trong giờ làm việc, khi nhớ Thanh Vân cũng không dám bỏ trường đến nhà nàng để xem chừng anh chàng Nam có dám vượt qua biên giới xâm phạm lãnh thổ yêu dấu của anh không? Tuy lúc nào cũng mang trong lòng mối "đa nghi Tào Tháo", nhưng cho đến nay Hoàng vẫn chưa tìm thấy một bằng chứng gì cho thấy Thanh Vân phản bội anh. Vì vậy để tỏ ra mình hết sức cưng chìu Thanh Vân, nhân dịp Tâm, một giáo sư của trường được Cao Ủy dẩn sang Thái Lan làm chứng trong phiên tòa xử bọn hải tặc Thái Lan cướp và hãm hiếp phụ nữ trên tàu của Tâm, Hoàng gởi tiền nhờ Tâm mua một quần jean, một đôi dép Lào, một ít son phấn để anh tặng cho người yêu. Nhắc đến bọn hải tặc Thái Lan, Hoàng chợt nhớ một đêm anh ở lại bệnh viện với Thanh Vân, có một tàu tỵ nạn đến nửa đêm, người ta đưa vào gần một chục cô gái, người nào trông cũng xơ xác, chân lê bước , đầu cúi xuống như những xác chết di động. Họ lần lượt được đưa vào phòng giải phẩu ngay. Lúc họ trở ra, Hoàng trông thấy họ còn thảm nảo hơn lúc vào. Một nhân viên bệnh viện, học viên trường Pháp Văn nói nhỏ bên tai anh:
"Các cô này là thuyền nhân mới đến, tàu của họ bị hải tặc Thái Lan cướp và họ bị chúng hãm hiếp đến mang thai nên người ta phải bắt buộc phá thai cho họ. Thật tội nghiệp!"
Hoàng nghe lòng mình chùng xuống, anh thấy vừa xót xa, vừa căm phẩn. Xót xa cho thân phận người phụ nữ Việt Nam qua những thăng trầm của thời cuộc, nỗi bất hạnh cứ theo đuổi cuộc đời của họ: thế hệ của những người mẹ, người vợ đưa tiễn con, chồng lên đường vào nơi chém giết má hy vọng sống sót trở về thật mong manh, thế hệ của những người vợ sĩ quan chờ chồng trở lại từ những trại tù cải tạo khắc nghiệt và thế hệ những cô gái trẻ tìm cuộc sống tươi đẹp phải trả bằng cái quý giá nhất của đời mình. Căm phẩn bọn cộng sản Việt Nam đã tạo ra trùng trùng thảm cảnh cho cả dân tộc hơn nửa thế kỷ nay từ khi chúng du nhập cái quái thai chủ nghỉa cộng sản từ bên nước Nga cách xa hàng vạn dặm để làm đảo lộn cả truyền thống văn hoá , xã hội, kinh tế, chính trị Đông Phương tốt đẹp có hàng mấy ngàn năm của chúng ta.
Anh được biết tàu của Thanh Vân cũng bị Thái Lan cướp. Tuy anh đã tế nhị không hỏi số phận của nàng lúc đó, nhưng Thanh Vân nói rằng vì nàng sợ quá nên ngất đi, nhờ đó thoát được bàn tay thô bạo của bọn cướp Thái Lan. Và để giải thích việc nàng không còn trinh trắng, Thanh Vân cho biết trước đây nàng đã một lần yêu và đã dâng hiến cho người tình đầu cuộc đời con gái, anh ta vượt biên trước và không may tàu anh ta bị đắm trong một cơn bão lớn. Thật ra Hoàng không có tham vọng là người đầu tiên đến với nàng vì anh đã hơn 40 tuổi, trải qua bao nhiêu cuộc tình và đã có vợ con tại sao đòi hỏi nhiều hơn ở nàng?
Một buổi chiều, Hoàng đang dạy lớp Thanh Vân thì loa phóng thanh của ban thông tin báo cho mọi người biết họ sẽ đọc danh sách những người chuyển trại sang Sungei Besi. Tim Hoàng như muốn ngừng đập và anh trông thấy mặt Thanh Vân tái nhợt hẵn đi. Giờ phút chia tay đã đến rồi sao? Những ngày hạnh phúc bên nhau thật là ngắn ngũi! Rồi khi nào anh mới có dịp gặp lại nàng? Tuy rằng trại Sungei Besi vẫn còn nằm trong lãnh thổ của Mã Lai nhưng khi sang đó thì mối dây liên lạc giữa hai người trở nên mong manh quá. Họ chỉ sẽ biết tin nhau qua những thư tay nhờ những người chuyển trại từ Bidong tới Sungei và những người bị phái đoàn Mỹ xù từ Sungei trở ngược lại Bidong. Và như thế làm sao Hoàng giữ được nàng? Chính Thanh Vân cũng nhiều lần nói với anh rằng nàng chỉ là một loại chùm gởi chỉ sống được khi có cành cây nào bên cạnh để bám vào. Anh đi rồi thì cây chùm gởi thơm phức này sẽ phải bám vào một cành cây khác. Đó là thông điệp mà nàng đã thầm gửi cho anh từ trước. Mà cành cây mới này là ai? Gã thiếu tá Mã -Tàu đầy uy quyền hay là anh chàng Nam nhẫn nhục sẵn sàng chìu chuộng nàng hoặc là ai khác? Câu tự hỏi này làm tim anh đau buốt.
Tên và số tàu của anh được đọc lên nghe rõ mồn một. Khi Hoàng nhìn Thanh Vân thì anh thấy hai dòng nước mắt trào ra khỏi khoé mắt nàng và nàng gục đầu xuống bàn nức nở. Và theo như thông lệ sau khi đọc danh sách chuyển trại người ta cho phát thanh bản nhạc "Biển nhớ" của Trịnh Công Sơn.
"Ngày mai anh đi, biển nhớ tên em gọi về... "
Tiếng hát của Khánh Ly não nùng như xoáy vào tim Hoàng khi anh biết rằng rồi đây Thanh Vân sẽ ở ngoài tầm tay của anh và anh sẽ chỉ còn biết gọi tên nàng may ra âm thanh của tên nàng gợi lại những kỷ niệm thần tiên của những giây phút bên cạnh nàng. Nghĩ đến đó chợt nước mắt anh chực trào ra, anh vội bước ra sân để giấu đi cơn xúc động tột cùng này.
Đêm đó nằm bên Thanh Vân, sau giây phút ân ái mà Hoàng biết chắc là một trong những lần sau cùng của anh và nàng, Thanh Vân ôm chặt lấy Hoàng rên rĩ:
"Thầy ơi , sau này khi thầy đoàn tụ với vợ con chắc thầy không còn nhớ đến em nữa đâu phải không thầy?"
Hoàng không trả lời , thầm nghĩ:
"Chắc là thỉnh thoảng anh sẽ nhớ tới em vì em từng là áng mây che bóng mát cho anh giữa trời trưa nắng gắt. Nhưng có áng mây nào lại. ngừng trôi bao giờ? Em đi qua cuộc đời anh như một thoáng mây bay. Dù sao giữa chúng ta vẫn còn những kỷ niệm đẹp. Hãy giữ lấy chúng trong lòng như một trong những dấu mốc tình cảm của cuộc đời đầy dẫy những phiêu lưu tình ái của em."
Quả thật chẵng bao lâu sau khi Hoàng chuyển trại sang Sungei Besi thì một đệ tử của anh bên đảo viết thư cho anh biết đã trông thấy Thanh Vân đi với ông chủ tiệm may Tứ Hải ở đảo. Ngày hôm đó anh bàng hoàng đau khổ thật nhiều. Nhưng nổi buồn đau lắng dần đi vì anh biết rằng áng mây đã trôi qua thì không bao giờ trở lại, có buồn đau thì cũng vô ích thôi. Hoàng quyết định không viết thư cho nàng nữa.
Hết