Chương 1

Trà My dẫn chiếc xe đạp mini của mình lách vào cổng nhà. Xuyên qua khu vuờn rộng đầy hoa, Trà My thấy cảnh rộn rịp của căn nhà vốn dĩ trang nghiêm, lặng lẽ. Tiếng cười nói vang vang, âm thanh thuyết minh rõ giọng của một cuộn phim nào đó được chiếu trong phòng khác đầy vẻ mỹ thuật của ngôi nhà xinh xắn ấy.

Trà My cuối đầu đi nhanh vào căn phòng dành cho mẹ con nàng. Bảo là căn phòng cho đẹp, cho có một chút gì trang nhã, nhưng thực ra, nó chỉ là một phần của mái hiên cũ kỹ, dùng để che nắng cho chiếc xe con của ông bà chủ.

Từ lúc theo vú nàng về đây, mới đó đã sáu mùa hè. Sáu mùa phượng hồng, nàng sống trong lớp áo cơ cực khổ nghèo. Bởi vú nàng là một đầu bếp giỏi giang được ông bà chủ trọng dụng và nàng thường xuyên kề cận để phụ giúp vú trong mọi việc, hầu phục vụ cho bữa ăn được tươm tất, hoặc bữa tiệc được hoàn mỹ hơn.

Nàng xót thương cho số phận nhọc nhằn gian khổ của vú. Nàng tủi hổ cho thân phận của mình sớm long đong trong lớp áo tôi tớ đắng cay. Nhưng có buồn, có khổ, có trách cứ tạo hoá cũng vậy thôi. Nàng muốn vươn lên để được hít không khí tự do của riêng mình ...Nhưng vú không bao giờ chịu xa rời nếp sống khắc khổ đau xé lòng hôm nay, khi nàng chưa ra khỏi trường đại học với mảnh bằng y khoa trên tay. Vú mong muốn Trà My sớm ra trường, giã từ cuộc đời học trò ngây thơ ấy để thực sự vào đời như lòng vú ước mơ.

Vú bằng lòng ẩn mình trong mái hiên nhỏ bé này, vú cam tâm nhận lời trách móc nặng nề chỉ vì muốn Trà My nhìn thấy nỗi đau ấy làm hành trang cho từng bước đi lên. Bao giờ trên chiếc áo blouse ấy thêu hai chữ "bác sĩ" như vú mong đợi từng ngày trong kiếp sống khắc khổ, vú sẽ rời khỏi ngôi nhà không một chút luyến lưu. Vú đi cùng Trà My dù nơi ấy có xa xôi hẻo lánh hay đất đỏ thấm ướt vai, hoặc nơi cuối trời đất nước.

Nghĩ đến giây phút ấy, Trà My nghe lòng rộn rã niềm vui. Nàng thầm nghĩ: "Rồi ngày ấy sẽ đến thôi, chỉ cần ta cố gắng miệt mài chăm chỉ, thì kết quả sẽ đến với ta thôi".

Tiếng cười giòn giã vang vang, xé tan làn không khí yên tĩnh. My lẫm bẫm:

"Hèn gì sáng nay Huy nghỉ học. Chắc khách quan trọng lắm đối với chàng, nên Huy mới bỏ buổi thực tập quan trọng của lớp".

Nàng vừa dựng xe vào chỗ cố định, chưa kịp thay áo, vú nàng đã hấp tấp vào phòng khẽ gọi nàng với nụ cười trên môi:

− My My à! ( Vú nàng thường gọi nàng như thế). Hôm nay nhà có khách đặc biệt. Con thay đồ phụ vú sắp xếp chén tộ để đãi khách, cả buổi chiều nữa đó My My. Con thấy sao, có phụ được không?

Trà My ngạc nhiên nhìn vú:

− Khách ở đâu đến? Có đông không mà vú lo lắng quá vậy?

Vú vừa lau mặt vừa bảo:

− Khách không đông My My à. Chỉ có năm người thôi. Nhưng bà chủ căn dặn vú nhiều lần là chọn thức ăn ngon và tươm tất trong mọi hình thức, con à.

Trà My dịu dàng đáp:

− Chiều nay con học lý thuyết ở trường, con nghỉ học để phụ với vú được mà. Vú đừng lo lắng quá. Vú cứ làm từ từ. Con thay đồ một chút rồi con xuống ngay.

Vú ngần ngừ:

− My My à! Hôm nay con xuống bếp ăn mặc lịch sự hơn thường ngày được không con? Bà chủ muốn chúng ta ăn mặc đẹp. Nếu không, bà sợ khách sẽ cười chúng ta và người ta sẽ chê nhà bà không biết phép lịch sự đó con.

Trà My trố mắt nhìn vú. Vú nàng hôm nay mặc đồ đẹp để làm bếp. Mọi khi đồ này dành để đi phố ...My mỉm cười khi thấy vú nhìn nàng và chờ đợi ý kiến của nàng. My ngạc nhiên thực sự, bởi từ trước tới nay có khi nào bà chủ có chú ý đến cách ăn mặc, cũng như nếp sinh hoạt của mẹ con nàng đâu? Giờ đây, bà kêu nàng mặc đẹp, đồ ăn ngon, cách trình bày tươm tất, chắc khách của bà quan trọng lắm. Vì thế, bà không muốn khách đánh giá bà xuyên qua diện mạo, cũng như cách sinh hoạt đối với kẻ ăn người ở trong gia đình mình.

Nàng cười và gật đầu với vú. Vú vui vẻ tươi cười khi thấy đứa con gái của mình nghe lời. Dáng vú khuất sau khuôn cửa, My My vội vã cất tập vở vào ngăn và thay nhanh bộ đồ xanh nhạt, màu xanh dễ thương mà nàng yêu thích nhất, My bước ra phòng trước khi ngắm nhìn bóng mình trong gương lần nữa.

Vú đón nàng với nụ cười tươi tắn trên môi khi bóng nàng vừa xuất hiện trên khung cửa nhà bếp.

Bà vội vàng hỏi:

− My My à! Con ăn gì không? Hay đợi tiếp khách xong, ăn với vú luôn My My?

Nàng cười đáp:

− Vú đừng lo cho con. Bao giờ đói con sẽ ăn mà. Dù gì con cũng đợi vú ăn cho vui chứ.

Vú cười cười:

− Ăn với vú hay ăn với ai mới vui?

Trà My nhình quanh quất rồi nói khẽ bên tai vú:

− Vú à! Vú đừng ngạo con như thế nhé! Vú không sợ gia đình bà chủ nghe, họ sẽ khó chịu sao?

Vú nheo mắt:

− My My à! Nếu đem so sánh con với Huy. Con đâu thua kém Huy điểm nào. Ngoại hình con đẹp nè, con học chung với Huy. Nếu so ra số tuổi, con học giỏi hơn Huy nữa. Bởi Huy hai mươi tám tuổi mới học năm thứ sáu, trong khi con mới hai bốn thôi. Vả lại, con gái đẹp lại có học như con, con thừa khả năng có một người chồng hơn Huy kia mà. Bộ con mặc cảm phải không My My?

My My buồn đáp:

− Vú à! Người ta có nghĩ như vú đâu? Người ta chỉ biết Huy là con trai của nhà doanh nghiệp giàu có. Con là con nhỏ ở nghèo hèn bởi thực tế như vậy. Con đâu xứng đáng làm dâu và làm vợ Huy trong gia đình này. Dâu của một gia đình thượng lưu, có tiếng trên thương trường phải thoát thai trong nhung lụa, phải môn đăng hộ đối mới xứng đáng làm vợ anh Huy, vú à! Bởi thế, chúng ta đè nén tình cảm của mình nếu có. Bằng không, họ sẽ cho chúng ta là hạng đèo bồng, sẽ phiền cho cuộc sống bình lặng của mình lắm đó.

Vú định đáp lại bằng tất cả ý tưởng thoáng hiện trong hồn mình. Nhưng bóng bà Hoàng, mẹ Huy oai vệ đang tiến tới trước mặt hai người.

Bà lớn tiếng bảo:

− Vú ơi! Mọi thứ đều xong rồi chứ? My My hãy dọn lên cho gọn gàng, thứ tự nhé! Khách quý của bà đấy, con ạ. Con hãy khéo léo trong mọi việc, đừng để họ chê nhà ta luộm thuộm nhé!

Trà My cuối đầu nhỏ nhẹ đáp:

− Dạ, cháu sẽ làm theo ý bà muốn.

Bà Hoàng nhìn Trà My cười:

− Trà My cuốn tóc làm hai quả đào đẹp đấy con. Với bồ độ xanh mát, vừa đẹp vừa trang nhã, nhìn kỹ Trà My cũng dễ thương quá đi chứ, chị vú nhỉ? Khách họ sẽ khen nhà mình cho chị xem. Mấy cô chủ trên ấy đẹp ra phết. Trà My của chị cũng hay hay. "Chủ tớ" kể ra cũng chẳng thua ai, chị vú nhỉ?

Bà vú cười vui vẻ để lấy lòng bà chủ mình. Riêng Trà My, nàng cúi đầu, mím môi xót xa cho thân phận mình trong ngôn từ "chủ tớ". Bởi cuộc đời đã đặt sẵn vách ngăn. Muôn đời như thế ấy, dưới mắt mọi người nàng là con ở, chiếc áo cơ hàn ấy gói trọn đời nàng, không thể chối từ được!

Trong khi ấy bà vú trả lời:

− Đúng vậy, thưa bà! Mấy cô chủ trên ấy cô nào cũng đẹp, mặc đồ gì cũng xinh cả. Trà My con tôi bà chủ thương mà thấy vậy chứ nó làm sao dễ thương bằng các cô chủ cho được. Còn vấn đề sắp xếp, trang trí, bà chủ đừng lo cho mẹ con tôi. Tôi và Trà My sống với bà chủ đã lâu nên biết được cách thức nấu ăn cũng như trang trí, dù cho khách có khó tính đến đâu cũng không thể chê được.

Bà Hoàng cười khoả lấp:

− Tôi lúc nào chả tin ở chị. Nhưng khách này ở chỗ thân quen lắm, chị biết không, họ thích thằng Huy nhà mình. Họ muốn gả Liên Hương cho nó, nên tôi muốn họ thấy được nếp sinh hoạt tốt đẹp của gia đình mình vậy mà.

Quay sang My My, bà căn dặn:

− My My à! Con nên gọi khách bằng "cô cậu" nhé! Họ tuy cùng lứa tuổi với con, nhưng dù họ cũng là con của bạn bà. Mình gọi như thế cho có thứ tự vậy thôi, để họ không chê nhà mình không có nề nếp nghiêm túc, con hiểu không, My My?

Trà My nén giận trong lòng. Bởi hiện nàng là con của một đầu bếp, sống dưới mái nhà này với đồng lương do chính bà chủ phân phát. Vì thế, nàng đành chịu hoàn toàn dưới sự áp đặt của bà.

Nàng gượng cười:

− Dạ, đúng như thế thưa bà. Cháu sẽ gọi họ bằng "cô cậu", như bà vẫn thường dạy cháu phải gọi cô cậu nhà mình vậy. Có như thế mới đúng kỹ cương, khuôn phép của một gia đình "trâm anh thế phiệt" như mình bà ạ.

Bà Hoàng ái ngại nhìn Trà My:

− Cách gọi để làm vui lòng người ta và để cho họ biết rõ phong cách mình vậy thôi. Còn chúng ta đối xử tốt hay xấu mới đáng bình phẩm, phải không My My?

− Dạ, cháu thấy cách gọi không quan trọng lắm, thưa bà. Trên ấy có bao người khách, để cháu dọn chén đĩa cho đủ hở bà?

Bà Hoàng cười vui vẻ:

− À, để xem lại coi nào! Ông Khải, bà Bích Lan, cậu Luân con trai lớn của bà ấy, cô Liên Hương gái lớn năm sau ra dược sĩ rồi đó My My. Cháu này đẹp nhất trong bọn họ đấy, cô Liên Hoa kế đang học Bách khoa và Liên Phương mới vào Văn khoa năm rồi. Con người ta đứa nào cũng đẹp và sang trọng làm sao! Bà thấy Liên Hương nết na đoan trang. Chút My My để ý xem, bà tin rằng ai khó tính nhất cũng phải bằng lòng thôi. Bà vừa ý lắm, bà bằng lòng ngay khi bà Bích Lan gợi ý. Bởi bà sợ Huy nó bạ đâu yêu đó, nhất là mấy đứa con gái mới lớn bây giờ, họ yêu cuồng sống vội, nên thấy con trai sang trọng con nhà giàu là đeo cứng không cần thiết mình xứng đáng hay không.

Bà vú cười hoạ theo như vuốt ve, như vừa ý tư tưởng đẹp của bà Hoàng:

− Cậu Huy có phước nên được vợ vừa đẹp vừa giỏi, lại giàu có không ai bằng. Cậu chắc sung sướng lắm khi được tin này, bà ạ.

Bà Hoàng cười hãnh diện:

− Mình nuôi con, mong con khôn lớn có gia đình khá giả, mình mừng cho nó, phải không chị vú?

Vú gật đầu tán thành ý kiến ấy. Bà nhìn Trà My cuối đầu lặng lẽ sắp đồ ăn vào mâm chuẩn bị cho bữa ăn thịnh soạn, tuơm tất hơn mọi khi. Bà thương con mình, thương giọt máu cuối cùng của một gia đình giàu có nhất nhì ở kinh đô Huế, vì hoàn cảnh nên nàng phải sống với bà trong cảnh cơ hàn và gói mình trong số phận lạc loài ...

Trà My thản nhiên cười với bà, nhưng bà biết trong lòng cô bé nỗi buồn đang bám lấy hồn cô, bởi những lời phân bua đầy đủ ý nghĩa của bà chủ ngầm trao thẳng nơi cô, hầu dập tắt mối quan hệ thuần tuý giữa cô bé và Huy - đứa con trai cưng của bà.

− Vú à! Cho đem lên bây giờ được chưa vú? Trưa lắm rồi đó vú ạ!

Vú gật đầu:

− Được, được chứ! Con đem lên và sắp thứ tự cho đẹp nhé My My.

− Dạ, con mang lên ngay.

Trà My đành gác buồn sang một bên, nén tủi hờn vào lòng, để làm tròn bổn phận của mình trong hiện tại, một bổn phận của kẻ phục dịch trong bất cứ trường hợp nào của gia đình này.

Nàng vừa lên tới bàn ăn dành để đãi khách đặc biệt, mắt nàng thoáng nhìn xung quanh. Cảnh vui vẻ, tươi mát thu gọn trong đôi mắt to dưới lớp mi dài và cong vút của nàng.

Quang Thái và Quang Huy đang tiếp hai cô khách cùng lứa tuổi với nàng. Họ thật tươi trẻ trong bộ đồ đắt giá thời trang. Họ vui vẻ, cởi mở, hoà hợp dễ dàng với nhau, bởi vì họ là con của những nhà giàu có. Họ có gia đình ngang hàng nhau trên thương trường, trong xã hội. Họ được kết hợp bởi nhiều yếu tố đồng nhất thì làm sao họ không hoà hợp hoàn toàn với nhau chứ?

Uyên Vy và Khánh Vy - em Huy - đang quấn quít bên anh chàng đẹp trai, My nghĩ đó là anh của Liên Hương - người mà bà Hoàng bảo My My gọi bằng cậu Luân.

Phòng khách được trang trí mỹ thuật với nhiều đồ thật quý giá, màu sắc hài hoà tô đậm thêm nét sang trọng, rực rỡ hơn. Tiếng cười đùa vang vang tạo nên khung cảnh sống động vui nhộn, khiến ai nhìn vào không khỏi thèm muốn được hoà mình trong cảnh trí tươi mát, trẻ trung ấy.

Quang Thái bước đến cạnh My My, khẽ nói:

− Chút nữa lên dự với tụi anh nha. Lớp trẻ của mình không hà.

My vẫn cúi đầu im lặng làm nốt phận sự của mình. Quang Thái tiếp:

− My ngại à? Không có gì đâu, anh mời My My cơ mà.

My đáp nhưng không nhìn Thái:

− Cám ơn cậu, nhưng đây không phải tiệc dành cho gia đình, sự có mặt của My không cần thiết, nếu không muốn nói sự hiện diện của My trơ trẽn. Hơn nữa, My có bổn phận phải phục dịch chu đáo hơn mọi khi, làm sao My có thời gian và cơ hội để tham dự.

Quang Thái nài ép:

− Bây giờ, anh phụ với My My, chúng ta đem những đồ cần thiết lên sẵn. Mình chuẩn bị đâu đó sẵn sàng. Xong, chúng ta ngồi cùng nhau có phải vui vẻ hơn không?

Quang Huy nhìn My My cười phụ hoạ:

− Đúng đó My My! Có em, chúng mình sẽ vui hơn. Các cô ấy khá nhộn, rất hợp với chúng ta. Em đừng ngại My My nhé!

My My cười buồn:

− Dạ, cám ơn nhã ý của hai cậu. Nhưng xét lại, My My không thể ngồi cùng bàn với các cô cậu, vì hôm nay ....My phải giúp vú một tay trong bữa tiệc.

Từ ấy, My My xoay qua đảo lại làm bữa tiệc thật tươm tất, vén khéo. Nhìn người ta vui vẻ, cười nói khi mời mọc nhau, món này vừa miệng món kia thích khẩu, tiếng khen vang bên tai, lời đùa cợt ngọt ngào, cảnh liếc mắt đưa tình trong âu yếm, đậm đà khiến lòng My My chua xót.

Nàng thương vú vô cùng vô tận, bởi vú chịu bao đắng cay nuôi nàng khôn lớn. Nỗi buồn thân phận của nàng trong giây phút này mà nàng chịu đựng, chỉ là cơn gió nhẹ trên dòng sông đêm...Nỗi đau thương tủi nhục của vú bao năm qua ví bằng cơn bão lớn giữa đại dương bao la xanh thẫm. Nàng thầm nhủ:

"Ráng nhẫn nại, bền chí trong gian khổ để nung ý chí cho ngày mai ....Sự thành đạt ở tương lai là bóng nắng rực rỡ xoá tan bao nỗi đắng cay trong bóng đêm dĩ vãng. Ngày ấy, nàng sẽ ngẩng cao đầu, nụ cười tươi thắm nở trên môi hồng trọn vẹn, dưới ánh nắng mặt trời. Nàng dang đôi tay thật rộng, mở mắt thật to để hét lên và hãnh diện đối với cuộc đời.

Nhờ rèn luyện trong cam go tủi nhục - chịu đựng tất cả đắng cay mà đời sẵn sàng dành cho kẻ cô thân độc mã, nghèo hèn, đói khổ trong nhiều năm tháng lạc loài gian khổ, nàng mới có ngày hôm nay".

Sự chua xót giây phút này là một tiểu tiết dành cho bi kịch, mà nàng phải chấp nhận vai chính, một vai nếm đủ hương vị buồn, thương, ghét, giận của cuộc đời sẵn dành cho nàng.

My My sắp trái cây đủ loại vào từng dĩa để tráng miệng sau khi bữa ăn đã chấm dứt. Bà Hoàng quay về My My ra lệnh:

− Nè, My My lau bàn nhanh lên, để còn đem trái cây qua đây chứ! Con làm cho gọn và nhanh một chút, con gái làm việc lề mề chẳng ai thích đâu nhé!

Trà My vội đáp:

− Dạ, có ngay đây, thưa bà.

Trong khi đó bà Hoàng nắm tay bà bạn, khẽ nói:

− Chị Bích Lan à! Hôm trước chị em mình định hôn nhân cho cháu Liên Hương cùng với thằng Quang Huy. Bây giờ chúng ta kết thúc, được chưa?

Bà Bích Lan cười thật tươi:

− Ông nhà tôi và Liên Hương cũng nghĩ tình chị là chỗ thân quen từ nào giờ. Vả lại, chúng ta kết thân với nhau, hiểu tính nhau quá rồi nên chúng tôi bằng lòng cho chúng kết hôn. Bao giờ Liên Hương ra trường, ta sẽ làm lễ hỏi, lễ cưới luôn, chị thấy có tiện không?

Bà Hoàng với nụ cười thoả mãn trên môi:

− Tôi vừa ý lắm, nếu chúng ta cam kết nhau như thế. Hai đứa thật đẹp đôi. Đứa thì bác sĩ, đứa thì dược sĩ còn gì bằng. Ông nè! Ông thấy tụi nó xứng đào xứng kép không?

Ông Hoàng với điếu thuốc trên tay phì phà nhả khói. Ông cười cười, nói nói với ông Cường - chồng bà Bích Lan. Ông đáp:

− Anh Cường và tôi là đàn ông, mọi việc điều dễ cảm thông và xí xoá được cả, cho lo cho hai bà thôi. Bà bằng lòng thì tôi chấp nhận. Nhưng chuyện này bà nên hỏi lại ý kiến của hai đứa, xem tụi nó có phản ứng gì không, bởi hôn nhân là chuyện trăm năm chứ không phải một ngày một bữa. Tình cảm phải có sự đồng tâm nhất trí của đôi bên, để sau này chúng không trách chúng ta áp chế nó. Hơn nữa, chúng ta cũng không phải áy náy khi tình cảm của chúng không tốt đẹp. Anh Cường có đồng ý với tôi điểm này không?

Ông Cường gật đầu:

− Tôi cũng đồng ý với anh về quan điểm này. Chúng ta thích nhau vì tôi và anh cùng chung môi trường hoạt động. Tâm lý hai gia đình mình dễ hoà hợp nhau trên mọi mặt. Còn Quang Huy và Lan Hương, chúng mới quen nhau hôm nay, dù trước đây chúng cũng từng biết về nhau, nhưng hai đứa có yêu nhau theo ý chúng ta ước muốn hay không? Theo tôi thì tuỳ tâm hồn đôi trẻ. Với Huy, tôi chưa tiếp xúc nhiều nên tôi chưa thể hiểu nó đã nghĩ đến Liên Hương chưa? Riêng Liên Hương, tôi biết nó có rất nhiều ý nghĩ đẹp về Huy, bởi nó biết khá nhiều về Huy, vì Khánh Vy bạn của nó, cung cấp mọi khía cạnh về Huy. Vì thế, Liên Hương bằng lòng kết hôn với Huy, nếu anh chị đây thực tâm tiếp nhận nó và Huy bằng lòng cho nó một tình yêu thuần tuý.

Ông Hoàng tiếp với lời khen chân thành:

− Anh chị thật là bậc cha mẹ tốt. Đối với con, anh đã kề cận tìm hiểu và thông cảm tâm lý, tình cảm riêng tư của nó. Tôi thì không được ưu điểm này, bởi vì tôi quá nghiêng về kinh tế, mà quên con mình đã trưởng thành. Tôi sẽ nói Huy về khía cạnh này và tôi sẽ thông báo cho anh hay khi có quyết định của Huy.

Bà Hoàng cướp lời:

− Còn hỏi gì nữa, con bé Liên Hương vừa đẹp, vừa học giỏi, còn chê vào đâu được. Anh xem, chúng ăn uống vừa xong đã kè kè ra ngoài vuờn hoa kìa. Chúng nó vui vẻ bên nhau thế ấy, làm gì có chuyện không vừa ý chứ? Bích Lan xem, cậu Luân nhà chị rậm đám bên Khánh Vy và Uyên Vy. Còn Thái và Huy, hai đứa đang ve vãn hai cô gái cưng của chị đấy. Thật không có gì làm cho tôi vui bằng hôm nay, Bích Lan ạ!

Bà Lan cười đáp lại:

− Tuổi trẻ bây giờ chúng dễ thân gấp mấy lần mình ngày xưa phải không chị? Nếu Huy không thích hợp với Liên Hương nhà tôi, thì tôi đề nghị chị gả Khánh Vy nhà chị cho thằng Luân, chị đồng ý không?

− Ồ! Chị cũng thích con Khánh Vy ấy à. Được chứ, chúng ta không làm mẹ vợ được thì làm mẹ chồng vậy. Hai đứa mình vẫn kết thân nhau mãi kia mà.

Bà Bích Lan cười hớn hở:

− Dĩ nhiên là như thế.

My My định rời khỏi khung cảnh quá hạnh phúc ấy để lui về phòng riêng của mình mà buồn cho số phận long đong nghèo khổ, tủi buồn suốt mười mấy năm đi qua bám víu nàng. Nàng vừa bước chân đi, bà Hoàng cất tiếng hỏi Khánh Vy khi cả bọn tiến vào phòng khách:

− Nè, Khánh Vy! Mẹ và bác Bích Lan bằng lòng cho Liên Hương nhập khẩu vào nhà mình rồi đó. Bao giờ Liên Hương ra trường, mẹ sẽ chính thức cưới Liên Hương cho anh Huy con đấy, tụi con có vui không?

Khánh Vy đồng tình bằng tiếng vỗ tay vang dội, từng luợt vỗ tay hoà nhịp theo, như vui mừng, như hân hoan trước cuộc hôn nhân ấy. Ánh mắt Uyên Vy hướng về My My và dừng nơi ánh mắt của Huy, như thầm hỏi anh nàng:" Anh có vui không khi tin này được mọi người nồng nhiệt hưởng ứng".

Khánh Vy phấn khởi đùa lại:

− Mẹ à! Sao mẹ không cưới Liên Hoa cho anh Thái luôn hả mẹ? Nhà mình lúc đó sẽ vui biết mấy mẹ nhỉ.

Luân quay sang Khánh Vy chọc:

− Sao em không hỏi: Mẹ ơi, sao anh Luân không cưới con luôn cho đủ đôi hả mẹ? Có phải thích hợp hơn không?

Tiếng cười phụ hoạ vang vang cho câu đáp ngộ nghĩnh ấy, như muốn vỡ tung căn phòng sang trọng để mừng ngày hạnh phúc của Quang Huy mở ngỏ.

Khánh Vy la oái lên để phản đối:

− Cái anh này, oái oăm quá đi nè! Khùng ơi là khùng hà! Ai đời cưới gì kỳ cục vậy mà cưới?

My đứng dọn gần đó, nàng mỉm cười, nhìn lên. Bất chợt, bắt gặp đôi mắt của Luân đang nhìn thẳng về phía mình, nàng ngượng ngập, lẫn tránh bằng cách lui về vị trí cố định của mình. Vú đón nàng tại nhà bếp, thấy nàng lững thững đi xuống với mâm đầy chén đĩa, vú đỡ và hỏi nhỏ nàng:

− Xong hết rồi hả My My? Bộ họ không thích sao mà còn đồ nhiều quá vậy con?

My cười:

− Con nghe họ khen vú nấu món nào cũng ngon, tại họ ăn sáng còn no nên ăn ít thôi. Chứ vú nấu là nhất rồi, còn ai hơn nữa mà vú sợ bị chê?

Vú cười thoả mãn:

− Mình ăn bây giờ nghe My My.

− Con chưa đói, vú ăn trước đi. Con ra rửa chén và dọn dẹp phụ vú một lúc, rồi con học bài tiếp.

Vú lo lắng quá hỏi:

− Sao con không ăn hở My? Con mệt à. Nếu con không được khoẻ, con cứ đi nghỉ, để vú dọn một mình được mà. Con đừng lo, vú quen rồi, My My à.

My gượng cười trấn an vú:

− Con không đói, chứ con có mệt gì đâu. Vú để con thu gọn lại. Con làm xong tất cả cho. Vú nghỉ đi, mọi việc để con lo cho.

− Vậy mẹ con mình cùng làm cho vui nhé!

My lặng lẽ ngồi rửa chén bát một mình. Chợt nàng nguớc mặt lên nhìn, linh tính như báo cho My biết có ai đang nhìn mình vậy.

Ngay khuôn cửa sổ trên lầu, Quang Huy nhìn nàng với ánh mắt buồn buồn như có điều gì muốn nói. Nàng cúi đầu tiếp tục công việc đang dở dang của mình - công việc dành riêng cho hàng tôi tớ như nàng.

My My định đem bớt một số chén tộ vào nhà úp cho thứ tự, thì anh chàng Luân đến bên nàng tự bao giờ. Anh cười:

− My My cho anh xin một chút nước rửa tay nhé.

My My cười và đem nước lại cho anh, Luân hỏi:

− My My còn đi học không? My học lớp mấy? Từ sáng đến giờ anh không thấy My My ở đây?

My lễ phép đáp:

− Dạ, My còn đi học. Hồi sáng đến giờ My bận ở lớp.

Luân vui vẻ cười:

− My đi làm ở đây, còn cố gắng học vậy là giỏi rồi. My con của bà vú hả? Sao anh thấy em không giống bà ấy chút nào hết vậy?

My thầm cười. Câu này bạn bè thường hỏi My như thế. My chỉ cười mỗi khi nhận được câu tương tự như vậy. Bởi vú của My My mập mạp đen đúa, dáng người không được thong thả sang trọng. Ngược lại, My My mảnh mai, trắng trẻo.

My cười đáp lại một câu duy nhất mà cô thường trả lời bạn bè:

− Tại My giống ba nhiều, giống vú ít, có gì lạ đâu. Bộ ngạc nhiên lắm hả?

− Anh thấy lạ chứ! Tại My không hề giống vú một điểm nào cả. Mà My này! Em học trường nào vậy, cho anh biết được hôn? Anh sẽ có chuyện nói với My, nhưng ở đây không tiện giãi bày.

My My rắn giọng:

− My học ở đâu, điều đó không liên quan gì đến cậu. Giữa cậu và My, hai nếp sống khác nhau, không thể tiếp xúc với nhau trong mọi trường hợp. Cậu gặp My để làm gì? Hơn nữa, cậu là khách của các cô cậu ở đây. Cậu nói chuyện với My My không tiện cho lắm. Mong cậu hiểu cho.

My My lặng lẽ đem chén vào nhà, còn Luân thì đứng thừ ra buồn bã. Khánh Vy xuất hiện nơi hành lang với giọng gắt gỏng của kẻ cả:

− Mới đến đây đã quen My My rồi à? My My nó dễ làm quen lắm. Thấy ai sang trọng là nó thích lân la rồi. Anh cần gì phải vội vã như thế. Nó là người ăn kẻ ở trong nhà, anh không phải ân cần săn đón.

My nhìn Luân với ánh mắt trách móc, giận dỗi và hướng về Khánh Vy với sự phẫn uất trong màu mắt đó. Khánh Vy như lờ đi, nàng cười khi nghe Luân phân trần:

− Anh xin nước rửa tay chớ có săn đón gì đâu. Mà nếu có ý làm quen cũng chả sao, vì My My cũng là một thành viên trong gia đình này mà. Em nghĩ có đúng không?

Khánh Vy cau có:

− Thế cũng là một cách làm quen. My My là kẻ ăn người ở chứ đâu phải là con của ông bà chủ. Nó mà là thành viên, để anh phải lịch sự xin xỏ khi cần một chút nước để rửa tay nữa à?

Luân cười dễ dãi:

− Đồng ý My My là con của bà vú, nhưng cô ấy cũng không kém tuổi chúng ta bao nhiêu. Hơn nữa, phép lịch sự đâu phân biệt địa vị ngôi thứ hở em?

Khánh Vy gạt ngang:

− Thôi, bỏ qua chuyện vu vơ ấy đi, bực mình quá hà. Bác gái gọi anh trên ấy. Đang vui tự nhiên anh biệt dạng, bác kêu em gọi anh, ai ngờ anh ở đây đấu khẩu tầm phào.

Luân cười cầu hoà, chàng sánh vai Khánh Vy để trở vào thế giới thân hữu của mình. My cố nuốt giọt lệ đắng vào tim, để tiếp tục làm xong bổn phận. My tự hiểu, mình là một công cụ được sử dụng triệt để trong mọi trường hợp cần thiết. Vì thế, lúc nào ở đâu, My cũng khép kín vòng cung tình cảm, mà trời già lúc nào cũng ân cần dành cho tuổi trẻ sôi động, nhiệt tình.

Nhiều năm đi qua trong lớp áo sinh viên, My My từng đóng kín tim mình. Nhưng thỉnh thoảng những cánh thư bằng mọi cách len lỏi vào khu vườn chưa từng có bước chân ai. Vườn hồng thơ mộng, My My cố tình gìn giữ. Người ta vẫn đến gõ cửa, dù biết My là con nhà nghèo với thân phận một kẻ ở thuê ....

My nào chối bỏ chiếc áo mình đang mang, công việc mình đang sống. My hãnh diện và chấp nhận tình yêu vô bờ của vú. Sự hy sinh như biển bao la trùng điệp qua bao năm. Thì đâu có lý do nào nàng không thừa nhận thân xác này do mẹ tạo ra, tâm hồn này từ cha phát khởi?

Nàng không dám lưu ý đến hình ảnh nào, dù người ta không phân biệt ngôi thứ và sẵn sàng dâng cho My sản nghiệp to lớn mà suốt một đời My không bao giờ có khả năng tạo nên. My không ham của, tiền người khác, bởi My quyết tâm thực hiện ý chí của mình. Con đường doanh nghiệp phải rực rỡ dưới buớc chân nàng. Bao giờ nàng thật sự nắm bằng cấp trong tay, có cơ sở vững vàng để bảo đảm cuộc đời còn lại của vú sung sướng, nàng mới thật sự đến với yêu thương.

Nàng thừa biết Quang Huy quý mến nàng, săn sóc nàng trong mọi trường hợp thật tỉ mỉ từ trường lớp cho tới gia đình. Nàng phớt tỉnh xem Huy như một người anh. Dù lòng nàng một đôi khi dấy lên niềm thương tưởng, nhưng thực tế không cho phép nàng thân thiết sâu sắc với Huy. Hai đứa học chung lớp, chung tổ thực tập, về cùng một nhà, ăn cùng mâm, nơi nào có nàng thì Huy hiện diện nơi ấy. Nàng cố tránh những câu quá dịu dàng và những cử chỉ quá thân thiết với Huy. Ngoài sự chung đụng trong nghề nghiệp, trường lớp, chưa bao giờ nàng nũng nịu, âu yếm Huy trong mọi phương diện giao tiếp. Trái lại, Huy xem nàng như người bạn gái thân thiết nhất. Huy tự săn sóc nàng khi ốm đau, trong bữa cơm trưa hay trên đường về những buổi mưa chiều. Huy khuyến khích hoặc giải thích tận tường bài vở mỗi lần My My bận việc nghỉ một buổi học.

Huy lớn lên trong một ngôi nhà sang trọng, giàu có, nhưng nhờ Huy đã thi hành nghĩa vụ quân sự ba năm ngoài trận tuyến. Nhờ khép mình trong tập thể, sống gian khổ miệt mài trong đời quân ngũ, nên Huy chững chạc khi tiếp xúc với đám đông, khiêm tốn trong giao tế hằng ngày. Huy hoà mình trong mọi sinh hoạt trường lớp và với cuộc đời bên ngoài. Vì ưu điểm ấy mà My My không làm sao ghét bỏ Huy và giận hờn Huy, khi gia đình anh đối xử với My không chút ấm êm dịu dàng thân ái.

Họ đối với kẻ nghèo hèn dưới tay là sự khinh miệt. Họ dương dương tự đắc trong chiếc áo thượng lưu, lúc nào cũng đuợc xã hội trọng vọng nể nang. Đối với My My, nàng chỉ nể trọng kính yêu người đủ tư cách, phẩm chất đạo đức cao. My không phục tùng những kẻ chỉ biết dùng đồng tiền, địa vị, thế lực để thúc ép kẻ dưới tay. Dù My đang sống với đồng lương do gia đình Huy ban sủng, nhưng My không làm sao trọng bà Hoàng và Khánh Vy, bởi bản chất hai người đó quá trọng bề ngoài và đồng tiền, họ quên rằng ngoài những vật chất cần thiết trong đời sống, con người cần có tình cảm nữa? Vì thế, My cố gắng tránh đối mặt thường xuyên. My thường thu mình trong căn nhà ga nhỏ hẹp đó. Thế giới của nàng tuy nhỏ nhưng lòng rộng thênh thang, tâm tư nàng thoải mái khi nằm trong vị trí ấy.

Với Huy, nàng thừa hiểu trong lòng chàng, nàng ngự trên ngôi vị khá cao, vững chắc và trọn vẹn. Sáu năm đi qua trong những vui buồn chia sẻ, những dấu ái kết tụ trong nhau không thể một sớm một chiều phôi phai được. Huy nhìn nàng từng ngày, ánh mắt ấy càng biểu lộ thiết tha. Điều đó đối với nàng không phải là niềm vui. Đó là một tai hoạ sắp sửa nổ tung, phá đi nếp sống trầm lặng, bình thản của tháng ngày êm ả trôi qua. Nếu một trong những thành viên của gia đình Huy phát hiện được ngôi thứ nàng trong trái tim rực lửa của Huy, chắc chắn trận pháo liên hồi sẽ nổ trên đầu nàng và lời miệt thị mà nàng và vú nhận lấy không phải nhẹ nhàng.

Một thương gia giàu có, tiếng tăm vang dội một góc trời trên thương trường thành phố không thể nhận con gái đầu bếp của mình làm dâu. Dù cho My My vẹn toàn đức hạnh, tài giỏi đến đâu cũng không thể bước lên ngôi thứ ấy một cách đường hoàng công chính được.

Mỹ nghĩ sâu xa về hai lối sống - hai ngôi thứ cách biệt quá xa giữa xã hội đua chen ngoại diện. Càng phân tích, My My càng thấy mình nên cách Huy một khoảng cố định. Càng xa càng tốt, tình cảm sâu lắng cho Huy nếu chôn kín hoặc quên đi được càng tốt. Sự tự trọng của một đứa con gái nghèo hèn, không cho phép My chấp nhận bất cứ thứ tình cảm nào trong Huy được, dù trên thực tế, trong mắt nàng Huy là người khá hoàn mỹ.

Bây giờ, mọi việc đã xảy ra. Phương pháp vẹn toàn nhất là nàng phải tìm mọi cách để tránh mắt Huy bất cứ nơi nào. Huy bây giờ và mãi mãi về sau thuộc về Liên Hương - con gái của một gia đình giàu có, môn đăng hộ đối. Sau khi Quang Huy ra trường, phòng mạch sẽ mở một bên, nhà thuốc một bên, hạnh phúc quá còn gì, tình yêu của họ nở trên chăn êm nệm ấm, đường họ đi ngập bóng hoa hồng. Hôn nhân họ được sự chấp nhận của gia đình, hạnh phúc đến với họ suôn sẽ và đơn thuần quá. Hai người sẽ nắm tay đi giữa nụ cười hai họ, tiếng pháo nổ giòn đưa bước chân vui. Ôi! Còn gì sung sướng cho bằng những mối tình kếp hợp trong sự giàu sang - ấm êm - hạnh phúc.