Tản mạn

Có một điều mà ai cũng công nhận rằng rời xa tổ quốc cho dù bất cứ trường hợp nào cũng là tự trong con người có hai mảnh đời để sống, vừa sung sướng, tự do hạnh phúc, lại vừa buồn tủi cho thân phận bèo dạt mây trôi. Thật là phức tạp cho tình cảm con người, nhất là người Việt, mà lại là lớp người Việt cao niên, không dừng ở chỗ hạnh phúc ngày nay mà quên bẵng đi nơi chôn nhau cắt rốn, quên đi những túp lều tranh ẩn mình sau luỹ tre làng với những sợi khói lả lướt, nhẹ nhàng bay lên hòa mình với thiên nhiên trong những buổi chiều mùa xuân thoáng mát. Giờ đây, tuổi già cứ lướt nhanh qua trên xứ người xa lạ, nghĩ lại giật mình, không biết bao giờ mới được đưa chiếc thân mỏi mòn chờ đợi về hội nhập với ông, bà, cha, mẹ, với hồn thiêng sông núi của tổ tiên.

Những ngày gần tết cổ truyền của Việt Nam ở xứ người thật là đơn điệu, lạnh lùng. Khí trời nóng bức. Mọi người xung quanh cứ đi đi về về như thường. Trên khuôn mặt họ dường như bình an vô sự, không đượm chút tất bật, lo lắng như những người đang ưu tư về một cái tết thân mật, vui vẻ ở quê nhà. Phố thị, đường xá cũng không có một dấu hiệu thay đổi nào để chào đón năm mới an khang thịnh vượng. Khắp nơi, không có lấy một cánh mai vàng hay vài nụ đào đỏ thắm. Với tâm sự hoài cổ và hoàn cảnh hiện tại khiến người Việt ly hương lớn tuổi cảm thấy như lạc lõng giữa thế giới hoang sợ Cái mà các cụ thiếu thốn là tâm trạng đồng cảm, chứ không phải là vật chất hữu hình. Vật chất cần thiết để bảo đảm cuộc sống, nhưng khi cuộc sống tạm an ổn, con người ta thường có khuynh hướng quay trở lại sống nặng về tình cảm tinh thần. Giai đoạn thứ nhất, lúc tráng niên, người ta sống hướng ngoại và giai đoạn thứ hai, lúc tuổi xế chiều, các cụ thường sống hướng nội. Do đó, các cụ Ông/bà hiện ở xa quê hương, tâm trạng thường nặng trĩu tình cảm dành cho cố hương, nơi cất tiếng khóc chào đời.

Những ngày này ở quê hương xa xăm kia, ngàn năm trước cũng như ngàn năm sau, cái tết là nhịp cầu thông cảm giữa những người đã mất và những người còn đang sống một cách thân mật, hài hòa. Điều trước tiên mà người ta nghĩ tới là làm thế nào bàn thờ tổ tiên trong những ngày tết phải trang nghiêm, ấm cúng. Trên bàn thờ nhất định phải có bình hoa tươi, cỗ quả đẹp, đèn nhang đầy đủ. Tất cả phải được mới, trong sạch, tươm tất và ngay thẳng. Bình hoa tươi là biểu hiện nụ cười tươi tắn, nồng nàn của ông bà khi thấy con cháu ngoan hiền. Cỗ quả đẹp là nói lên lòng thành kính nghiêm trang đón tiếp ông bà về vui với con cháu trong những ngày đầu năm. Và làn khói hương quyện tỏa là thay lời chúc tụng, hàn huyên, tâm sự của con cháu lên các bậc tiền bối. Đối với người trẻ bôn ba khắp sơn cùng hải tận, đến ngày tết, dù thế nào đi nữa, cũng cố gắng thu xếp để trở lại cố hương. Với tâm niệm rằng trong suốt 12 tháng trường bôn tẩu đó đây, tết là thời gian lý tưởng nhất để về, trước nhất, sửa sang lại mộ phần của tổ tiên, dọn dẹp sạch sẽ nơi an nghỉ cuối cùng của ông bà cha mẹ, thứ đến là được hầu cận, lễ lạy hương hồn tiền nhân trong ngôi nhà xưa mà các vị từng sống và sau cùng là để gặp mặt thân thuộc bà con để chúc tụng, hỏi thăm, đồng thời cũng là dịp biết thêm về con cháu trong dòng họ.

Ngoài ra, đặc biệt là những người lâu năm mới được dịp về lại cố hương, người ta còn muốn đi thăm vài người bạn từ thuở còn để chỏm chăn trâu, viếng thăm một vài ông bạn thâm giao lúc hàn vị Khi hoàng hôn buôn xuống, người ở xa mới về thường tản bộ ra đầu làng để ôn lại những kỷ niệm êm đềm từng nuôi lớn tuổi thơ của họ. Xa xa là con sông uốn khúc, ngày xưa từng là nơi lý tưởng nhất để tắm rửa vui đùa với lũ trẻ trong làng sau một ngày chăn trâu nóng bỏng. Đằng kia là bóng cây đa, nơi tụ tập lũ trẻ bạn bè nói chuyện không đề, có khi bàn cãi sôi nổi, hăng hái, cũng lắm lúc nơi ấy đã diễn ra những trò chơi mà trẻ con xứ này không thể có và không thể biết được. Bên cạnh là con đường làng đất đỏ, nhỏ bé, ngoằn ngoèo, có hàng phượng vĩ hai bên che mát. Đó là con đường dẫn tuổi thơ từ nhà tới trường. Ngôi trường xưa cũ kỹ, thấp bé, ọm ẹp núp mình dưới tàn cây me, cây phượng đến bây giờ vẫn còn là nơi che chở những mái đầu xanh, là nơi chứa đựng âm thanh ê… a…thuở nào. Chính nơi ấy lớp người cao niên bây giờ đã tiếp thu được kiến thức đầu đời, đã gầy dựng được nền móng cơ bản cho sự thành công bây giờ, và đã có nghị lực tung bay khắp nơi như hiện naỵ Những kỷ niệm như vậy cứ dần dần hiện ra trong buổi chiều yên lắng cho tới khi đó đây một vài đóm sáng nhỏ đàng xa hiện ra.

Màn đêm đã về, mọi vật không còn thấy rõ nữa, giống như cuộc đời xế chiều của con người trên quê hương qua bao năm xa cách. Tuổi thơ của họ đã vĩnh viễn chôn kín nơi này, nhưng tuổi già lại phôi pha một nơi khác. Cuộc đời của một con người bị chia hai. Cái tâm tư thầm kín của họ là một ngày nào đó được gởi chiếc thân rã rời này về cố quận để hoà nhập với bao kỷ niệm ấu thơ, "Lá rụng về cội".

Đạo lý "Cây có cội, nước có nguồn" đã thấm sâu trong huyết quản của người Việt, cho nên ngày tết là ngày về thăm lại cội rễ, vun bồi, tô điểm cho cội vững chắc. Muốn cho dòng tộc hưng thạnh, con cháu sum vầy, tức là muốn cho cành lá xanh tươi, đâm chồi nảy lộc, mà không chăm sóc cội rễ thì kết quả không như ý muốn. Muốn có dòng nước trong sạch đẹp đẽ thì phải chăm sóc nguồn nước. Cũng vậy, muốn duy trì truyền thống đó, đạo lý đó, người Việt không thể quên được nguồn gốc ông bà tổ tiên, cho nên, dù ở đâu, làm gì,xa hay gần, giàu hay nghèo cũng phải có mặt đông đủ trước bàn thờ tổ tiên trong giờ phút giao thừa hay trong ba ngày đầu năm mới. Cuộc họp mặt đó không phải là xem đại nhạc hội, không phải dự nghe nhạc thính phòng hay coi ca kịch, nhưng mọi người đều cảm thấy đầy đủ, ấm cúng, thỏa mãn. Nhìn làn khói hương quyện tỏa, mọi người tưởng tượng như anh linh của tổ tiên trở về xoa dịu, vỗ về con cháu. Hãy lắng yên thật sâu và thật tôn nghiêm, người ta mới cảm thông được làn khói hương là chiếc cầu giao cảm thiêng liêng giữa người mất và người còn trong giây phút trọng đại đó. Làn khói hương là phương tiện (giống như sóng điện thoại) chuyên chở những chúc tụng, những tâm tư, nguyện vọng của con cháu dâng lên ông bà, và làn khói hương cũng mang lại cho con cháu thông điệp hòa thuận, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, uống nước nhớ nguồn từ cõi xa xăm của tổ tiên vang lại. Chúng ta hãy lắng nghe những âm thanh mầu nhiệm trong làn khói hương, biết bao nhiêu điều mà ông bà muốn nói lên với con cháu và biết bao điều của lớp kế thừa hy vọng nơi tổ tiên. Hãy thật nghiêm trang chiêm ngưỡng bình hoa tươi thắm bên cạnh di ảnh của tiền nhân. Chư vị tiền bối tổ tiên đang mỉm cười hài lòng với đàn con cháu sum vầy, hòa thuận đang quây quần dâng lên tất cả những gì quí báu nhất trong tận đáy lòng. Nào cỗ trái cây xinh đẹp, vài tách trà thơm thượng hạng, đĩa bánh, lư, đèn đồng, bình phong tam sơn v.v… trên bàn thờ đều nói lên những hứa hẹn tốt đẹp, phước thọ, an khang và thạnh vượng. Phải buông bỏ mọi chuyện xung quanh hàng ngày, suốt năm tháng bận rộn, với một tâm hồn thật dịu dàng, thành kính, lẳng lặng thì người ta mới thấy, mới nghe, mới cảm nhận được màu sắc, âm thinh và ý nghĩa của những gì chúng ta dâng lên tổ tiên trong ngày tết.

Ôi, chuyện của đời mình, trong tầm tay, có thể thực hiện được mà cứ như xa vời, lơ lửng, như đang hồi nhớ lại một giai thoại lịch sử ngàn năm. Ở nơi đây, các cụ cũng cố gắng khơi lại màu sắc, âm thinh và ý nghĩa của ngày tết cổ truyền, nhưng có cái gì đó vươn vướng, lủng củng, tạm thời, chóng tàn quá! Trên bàn thờ cũng bày biện bao nhiêu vật phẩm đó, thậm chí hương thơm hơn, bông tươi hơn, cỗ trái cây đầy đủ hơn. Lòng tri ân, lòng tưởng nhớ, lòng thành kính của các cụ đối với ông bà, tổ tiên xưa nay vẫn thế, nhưng khi nhìn lên bàn thờ, các cụ cứ hình dung ra rằng tổ tiên, ông bà về với con cháu với dáng vẻ ngập ngừng, với nét mặt u buồn xa xăm và với một tâm trạng sao sao đấy, khó diễn tả quá. Nhìn quay lại đàn con cháu, đứa ngoẻo đầu, đứa mệt mỏi, đứa đang chơi điện tử… tất cả bọn chúng vì sợ người lớn không vui nên bắt buộc phải đứng trước bàn thờ một cách uể oải. Chúng không cảm nhận được sự linh thiêng giao cảm giữa hai cõi sống. Cái giờ phút trang nghiêm đó, người lớn cho là một đạo lý sống, còn bọn chúng cho là thời gian đày đọa, khô khan. Cũng tâm trạng đó, bàn thờ đó, con cháu đó và những gì cần có trong ngày tết đã có, mà dường như thiếu một chất liệu gì. Có phải là chất liệu quê hương, chất liệu tình cảm, chất liệu cảm thông chăng? Vâng, có lẽ như thế, nhưng chưa đủ.

Nhấp xong tách trà sáng, ông Tư bước ra hành lang, nhìn xung quanh, mọi chuyện như đâu cũng vào đấy. Nay là ngày mồng hai tết mà cứ như là một ngày cuối hè ở Việt Nam. Biết đi đâu, thăm ai và làm gì cho hết 3 bữa xuân truyền thống ? Ông bước vào, tiến lại bàn thờ đốt thêm hương và châm thêm tuần trà buổi sáng nữa. Nhìn lên bàn thờ, ông đứng nghiêm trang, nói lên những hứa hẹn trong tương lai với tổ tiên, ông bà: "Thế nào rồi con cũng về, chỉ bên mẹ là mùa xuân thôi" (Duy Khánh ca). Đúng vậy, chỉ có bên cạnh mẹ Việt Nam thì người Việt mới thực sự tận hưởng một cái tết trọn vẹn trong hình thức lẫn nội dung.

(Bài này tuy là viết về tâm sự của thế hệ Ông, cha chúng ta đang ở xa quê hương, nhưng có lẽ tâm trạng của thế hệ trẻ, những người có chút tư duy về đất nước Việt Nam thân yêu, cũng cảm thấy xôn xao, có chút gì đó thoáng buồn khi mùa xuân về trên quê hương, nơi đó tuy nghèo nàn, đơn sơ, mộc mạc, chất phác và hồn nhiên, nhưng tình người, tình dân tộc, tình máu mủ ruột thịt, tình làng xóm, tình đạo lý sống thì thật tràn trề, nồng thắm và ấm áp vô cùng. Xin tặng những người Việt Nam hiện nay không còn có diễm phúc hưởng trọn cái tết đậm đà quê hương. Đây là tâm sự của người viết và cũng là tâm sự chung cho những ai mang trong huyết quản mình chất liệu của người dân có bốn ngàn năm văn hiến.)

Hết