Đã lâu lắm rồi, kể từ ngày tôi chưa xuất gia cho đến bây giờ, đối với mọi người, tôi luôn ngại ngùng khi đề cập đến hai đấng sinh thành. Bởi cha mẹ tôi là những người bạn đời bất đắc dĩ, tình cờ gặp nhau trong khói lửa ly loạn và trở thành bạn tâm đầu. Tôi muốn để cho thời gian tự xóa nhòa dĩ vãng. Nhưng gió hạ chiều nay buồn quá! Đâu đây cứ văng vẳng bài hát về tình mẹ với cha, khiến lòng tôi nao nao ngược dòng về quá khứ …… Ngày ấy, ba tôi vốn xuất thân từ dòng dõi Nho gia chính thống, quê tại Trảng Bàng, thuộc vào hàng khá giả, có cả đồn điền cao sụ Còn mẹ tôi, người ở tận Long An. Dưới thời Mỹ - Diệm, chiến tranh ấp chiến lược triền miên, nên mẹ tôi từ giã quê nhà, tỵ nạn ở phương xa và tình cờ gặp ba tôi trong một chiều nắng đẹp nơi tiệm may ngoại thành tỉnh Tây Ninh. Qua nhiều năm gặp gỡ hai vị phải lòng nhau và đi đến hôn nhân (được tổ chức nơi tiệm may của mẹ). Những tưởng cuộc đời sẽ đẹp như mơ, nào ngờ! Khi mẹ tôi có mang anh trai tôi mới vỡ lẽ ra, ba đã có vợ và hai con. Tủi buồn thay cho phận gái Mười hai bến nước, nhưng biết làm sao hơn khi Ván đã đóng thuyền. Để giữ cho đôi bên tình nghĩa vẹn toàn, vì vậy nhà ai nấy ở, chỉ đến chiều thứ bảy ba mới sang chơi cho đến hết ngày chủ nhật. Và để mẹ tôi không phải thiệt thòi, ba đã đứng ra tạo cho mẹ một hãng kem cách chỗ của người khoảng bốn, năm cây số. Thời gian thấm thoát qua đi, anh tôi ra đời, cuộc sống bình yên phẳng lặng, mối giao hảo đôi bên vẫn tốt đẹp bình thường, và đến phiên tôi góp mặt vào mái ấm gia đình nhỏ ấy. Từ khi có tôi, công việc làm ăn của ba mẹ phất dần lên, mẹ tôi vui lắm. Người dự kiến một tương lai nhiều tốt đẹp. Nhưng niềm vui nào có được bao lâu khi em trai út tôi ra đời, đúng vào thời kỳ chiến tranh khốc liệt giữa cách mạng và quốc gia (năm Mậu Thân). Vì muốn bảo toàn an ninh cho bốn mẹ con chúng tôi, nên ba thương lượng cùng mẹ, chuyển gia đình tôi về nhập cư chung một nhà với má lớn cùng các ông anh bà chị quý đầy quyền uy, oai vệ (nơi đó cũng có hãng kem lớn). Những ngày đầu, đôi bên còn êm ấm thuận hòa, bởi mẹ tôi đảm đương hết mọi công việc, từ giao hàng đến nội trợ, còn phái đoàn lớn chỉ việc đếm tiền … Song, cổ nhân có câu Chén chung sóng còn phải chạm, lâu ngày sự mâu thuẫn rạn nứt giữa hai phái đoàn ngấm ngầm phát khởi, cụ thể nhất là giữa hai đàn con: Nhất biên trọng, nhất biên khinh. Anh trai tôi lên sáu, gầy ốm khẳng khiu, vậy mà phải ăn đòn bởi các ông anh quý tử. Thương con dại, mẹ tôi điều đình với ba, xin cho ra riêng ở nơi vườn cao sụ Ba hứa nhưng cứ chần chừ không tiến tới. Cuộc chiến tranh lạnh khởi đầu và ngày càng cao độ. Nghĩ mình cực khổ, con cái lại thiệt thòi, buồn ba không giữ lời hứa, rồi một hôm nhân chuyến về thăm ngoại, mẹ đã âm thầm thu dọn hành lý dẫn anh em tôi đi mãi mãi. Sự việc xảy ra ba hối hận vô cùng, mấy lần về tận quê dò hỏi, năn nỉ mẹ, thậm chí đến cả việc bắt cóc anh trai tôi để dọa, nhưng mẹ tôi quả là một con người cứng rắn, nhất quyết một đi không trở lại dù phải một mình đương đầu với bao khó khăn nuôi ba con nhỏ. Sau nhiều phen không kết quả, ba tôi đành bỏ cuộc. Năm ấy, tôi vừa lên bảy và bắt đầu cảm thấy ngậm ngùi, luyến tiếc khi nhìn ba lặng lẽ quay về. Từ đó về sau ba không xuống nữa, vì chiến tranh hay vì lẽ gì tôi không rõ! Thỉnh thoảng mẹ cho phép anh em tôi lên thăm Người. Vài năm sau đất nước hòa bình, đời sống kinh tế khó khăn, thế là chúng tôi không đi thăm ba nữa! Ba tôi không về, mẹ cũng chẳng lên, bên ngoại các dì đều trách mắng ba là kẻ bạc tình, riêng tôi ngậm ngùi thấu hiểu Tình ba không bạc.… Xuân, hạ, đông qua, ngót mười năm trời tôi không một lần đến nhà ba, chỉ có anh tôi chuyển về làm việc ở gần nên thường xuyên lui tới. Cuối mùa đông năm 1990, tôi đi xuất gia, nghĩ chút tình xưa, mẹ tôi có về báo tin cho ba biết. Trầm tư giây lát, ba hỏi mẹ:- Vì sao nó xuất gia, có phải buồn tôi không?Và ba nhắn mẹ nói với tôi: Đừng xuất gia theo đạo Phật, ăn chay giữ giới nhiều cực khổ lắm. Nếu muốn đi tu, qua đạo Cao Đài cũng được! Ba còn ngậm ngùi: Nếu bà còn sống chung với tôi có lẽ giờ con đã làm bác sĩ, kỹ sư … Bởi vì đàn con lớn của ba có người đã là bác sĩ như điều ba mong ước. Mẹ tôi về thuật lại, và bà thản nhiên: Không làm bác sĩ thì làm tu sĩ, có sao đâu! Tôi thoáng xót xa trước tấm chân tình của ba, dù có chút muộn màng. Tôi dự định sẽ về thăm Người, nhưng rồi ngày xuất gia đã đến và liên tiếp những tháng năm sau, tôi vào trường Cơ Bản. Hai hệ chương trình học song song, vừa đạo vừa đời, khiến tôi không phút giây thư thả. Cho đến một hôm tôi bàng hoàng nhận được tin ba đau nặng, bệnh tiểu đường thời kỳ cuối. Tranh thủ kỳ nghỉ hè tôi về Tây Ninh thăm viếng. Nhìn ba gầy yếu lẻ loi trong căn nhà quạnh quẽ, nước mắt tôi cứ muốn trào ra, hai cha con cứ im lặng nhìn nhau. Tôi nghe các dì nói rằng nhà của ba bây giờ sa sút lắm, các anh chị chia tài sản hết rồi, ba tuy bệnh nhưng phải hành nghề hốt thuốc bắc tại nhà để đắp đổi qua ngày … Bất giác, tôi rút ra năm mươi ngàn từ trong vở, khe khẽ thưa: Được tin ba bệnh, con về thăm mà không biết ba dùng được món gì, chút tiền này mong ba nhận cho, gọi là tấm lòng của con đối với ba!Ba lặng lẽ nhìn tôi giây lâu, rồi từ chối: Ba không nhận của con đâu! Từ hồi nào đến giờ ba có lỗi với các con. Con không giận mà còn đến thăm là tốt lắm rồi! Làm sao ba có thể nhận được của con. Hãy dành đi học. Hãy gắng tu học để cầu nguyện cho ba!Tôi quay mặt đi cố dằn cơn xúc động, bao năm trong đời, đây là lần đầu tiên tôi được nghe ba nói một cách thâm tình đến như thế. Tôi giã từ ba mà nghe lòng nặng trĩu vấn vương … Tôi cầu mong căn bệnh đừng hoành hành Người để tôi có ngày trở lại … Có ngờ đâu! Đó là lần gặp gỡ sau cùng của hai cha con tôi. Ba bị bệnh tiểu đường nhưng lại đột ngột ra đi vì chứng tai biến mạch máu não, cách sau hai tháng ngày tôi đến thăm, mẹ tôi hay tin, nhưng bấy giờ bà đã xuất gia nên giấu chẳng cho tôi hay, chỉ cho anh và em tôi đi viếng … Mãi đến khi an táng xong tôi mới biết. Từ đây tôi mãi mãi mất ba rồi! …Tôi không được tiễn đưa ba lần sau cùng về bên kia thế giới vĩnh hằng, và cũng không được ném những hạt cát sau cùng lên nấm mộ. Tôi không nỡ trách mẹ tôi, cũng như không bao giờ thố lộ niềm thương nhớ ngập lòng và những đêm thầm gọi Ba ơi! Bởi tôi hiểu trong tận cùng sâu thẳm của tâm hồn giữa ba và mẹ đều có nỗi đau riêng thầm lặng. Hồi tưởng lại thưở sanh tiền, ba tôi là người ít nói, thương con lắm chỉ biết xoa đầu. Chẳng biết đời tôi được ba xoa đầu bao nhiêu lần nhỉ?! … Ca dao có câu:Còn cha gót đỏ như son Một mai cha mất gót con chôn bùn. Tôi không có được duyên may tận hưởng những ngày gót đỏ như son. Vì vậy, tôi không bi lụy lắm trong hoàn cảnh phải chôn bùn. Song mấy mươi năm tôi không được gần cha, tôi buồn, tôi ước mơ một tình thương trìu mến từ bàn tay phụ tử, mặc dù tình thương ấy đã được mẹ chia xẻ bù đắp, nhưng làm sao bằng nếu có đủ cả hai. Thế mới biết, cuộc đời là bản trường ca đầy ngang trái bẽ bàng! Ai chẳng biết sống thác là chuyện đi về, hợp tan là trò dâu bể. Và tuy Người đã ra đi gần bốn năm tròn, nhưng mỗi lần nhớ lại, tôi cứ nghe lòng vời vợi, thăm thẳm mênh mông với hai chữ phù sinh.Giã từ dĩ vãng, quay về cùng thực tại, xin cho tôi được mang chút niềm riêng gởi vào tập Suối Nguồn. Tôi muốn nó trôi đi, hòa cùng hàng triệu con tim đang thổn thức đón chờ ngày đại lễ Vu Lan. Xin chúc cho những ai hưởng trọn nụ hồng tươi thắm, và xin ân cần chia xẻ cùng ai những đóa hoa trắng bạc. Nhưng dù hoa hồng hay hoa trắng, chúng ta hãy cùng nhau chắp tay thành kính, nguyện cầu cho thế giới hòa bình, nhân loại bớt điêu linh. Nguyện cầu cho những mái ấm gia đình bớt đi điều ngang trái, để cho những đứa con thơ không còn lẻ loi cô quạnh giữa chợ đời, đêm về không còn khắc khoải gọi meï! … hay ba ơi! …