LUIS SEPÚLVEDA

(1949~)

Luis Sepúlveda sinh năm 1949 tại Ovalle, Chile. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông học ngành kịch nghệ tại Đại Học Quốc Gia Chile. Năm 1969, ông được học bổng 5 năm để tiếp tục học ngành kịch nghệ tại Đại Học Mátxcơva, nhưng chỉ sau 5 tháng, ông bị đuổi học vì đã kết bạn giao du với một vài người bất đồng chính kiến dưới chế độ Xô-viết, và phải quay về Chile.
Ông trở thành một lãnh tụ của sinh viên và làm việc với bộ văn hoá của chính phủ Salvador Allende, phụ trách việc xuất bản những tác phẩm văn học cổ điển với giá rẻ cho quần chúng. Sau vụ đảo chính 1973, chế độ quân phiệt của nhà độc tài Augusto Pinochet đã bắt giam Luis Sepúlveda 2 năm rưỡi, rồi được thả nhờ sự can thiệp của Hội Ân Xá Quốc Tế (chi nhánh Đức), nhưng vẫn bị quản thúc tại gia. Thế nhưng, ông đã trốn thoát và ẩn nấp bí mật gần một năm và thành lập một nhóm kịch phản kháng. Rồi ông bị bắt lần nữa và lãnh án tù chung thân (sau này được giảm còn 28 năm tù) vì tội "phản quốc" và "phiến loạn".
Hội Ân Xá Quốc Tế (chi nhánh Đức) lại can thiệp, và bản án của ông được giảm xuống còn 8 năm lưu đày, và năm 1977 ông rời Chile. Từ đó, ông sống và làm việc ở nhiều nước khác nhau, tiếp tục hoạt động như một nhà vận động chính trị - xã hội, và trở thành một nhà văn nổi tiếng. Ông đã xuất bản gần hai mươi tác phẩm văn chương. Ngoài ra, ông còn hoạt động trong ngành điện ảnh, và đã thực hiện bốn cuốn phim.
Ngày 19.2.2009 vừa qua, ông được trao tặng giải thưởng lớn Premio Primavera de Novela với số tiền 200 ngàn Euro cho tiểu thuyết La sombra de lo que fuimos [Bóng tối của quá khứ chúng ta, 2009].
Tuy nhiên, cuốn Un viejo que leía novelas de amor [Một ông già đọc tiểu thuyết tình yêu, 1989] là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Cuốn này đã được xuất bản qua hơn 60 ngôn ngữ.


CẢM NGHĨ VỀ SEPÚLVEDA

Sepúlveda. Cái tên này lần đầu tiên tôi biết trong một lần chuyển máy bay ở Mỹ. Chuyến máy bay của tôi tới Los Angeles bị muộn, và tôi phải ngủ lại một đêm trong khách sạn Holiday Inn gần sân bay. Như mọi thành phố ở Mỹ, Los Angeles không giống một thành phố như người ta tưởng tượng. Nó giống như là một vùng lãnh thổ được đô thị hoá, phá ruộng làm nhà, mà ở trên đó chạy chằng chịt những đường xa lộ cao tốc được người ta gọi là phố. Phía gần sân bay cảm giác này càng ấn tượng hơn. Khách sạn tôi ngủ trọ nằm trong một đường phố như vậy. Có nghĩa là chỉ mình nó là một công trình xây dựng đứng chơ vơ bên đường. Còn lại là những dải đất hoang rộng mênh mông nối tiếp nhau. Trên đường từ sân bay về khách sạn, tôi còn nhìn thấy những cái bóng gật gù của những máy khai thác dầu cần mẫn hút dầu mỏ bên cạnh những đường phố, mà những bức tường quanh nhà chỉ là hàng rào dây thép xác định chủ quyền.
Từ cửa sổ phòng tôi nhìn xuống, con đường vắng tanh. Thỉnh thoảng có một chiếc ô-tô chạy vút qua. Khung cảnh chỉ huyên náo được một chút bởi tiệm ăn nhanh McDonald’s nằm cạnh khách sạn khi có những chiếc ô-tô ghé vào mua một menu để mang đi. Người ta gọi là Drive-in, vì người lái có thể đặt hàng trực tiếp từ trong ô-tô.
Mặc dù còn ngổn ngang mọi lo lắng cho công chuyện của mình, nhưng sau khi tắm rửa và nghỉ ngơi một chút tôi cũng tụt xuống đường để đi khám phá châu Mỹ.
Trời Cali về chiều bắt đầu se se lạnh. Hoàng hôn chiếu một mầu vàng pha tím lên bầu trời. Những ngôi sao sớm đã xuất hiện trên nền trời không một gợn mây.
Khám phá châu Mỹ bằng đi bộ là một chuyện viển vông, khi đường cũng là phố và chúng dài vô tận. Tôi là người đi bộ độc nhất ở đây. Điều đó càng làm tăng thêm thân phận cô đơn lưu lạc của tôi.
Dù sao tôi cũng tò mò đi đến sát bờ đường, và tìm xem tên cái phố là gì. Sepúlveda. Tôi đọc, trong lòng không khỏi kinh ngạc. Tôi không biết nhiều về nước Mỹ, ngoài một số định kiến ví dụ như ở Mỹ thành phố vuông như bàn cờ, và từng khối nhà giữa hai dòng kẻ này được họ gọi là Block, còn tên đường thì họ đánh số thay cho đặt tên. Tóm lại trong trí óc của tôi, thành phố ở Mỹ là một sự thể hiện thực tế của cái ma trận toán học trong toán đại số. Vậy mà con đường này không mang số mà lại có một cái tên: SEPÚLVEDA.
Không hiểu sao tôi nghĩ đó là tên một nhà văn hay nhà thơ. Bởi vì cái tên không có vẻ gốc Anh-Mỹ.
Nếu là Anh-Mỹ thì nó phải «mắc này mắc nọ» như cái tên McDonald chẳng hạn. Sepúlveda có vẻ như tên gốc Mexico, tức là từ tiếng Tây-ban-nha. Mà nhà thơ châu Mỹ La-tinh nổi tiếng nhất là Pablo Neruda. Vậy nếu họ cùng có vần chim đa đa ở cuối tên thì ông ta có lẽ là một nhà văn hay nhà thơ.
Yên tâm với phát hiện đó của mình, tôi quay trở về khách sạn. Cũng chẳng có gì để xem thêm. Lúc này trời đã tối hẳn. Màn đêm mênh mông, sâu thẳm. Muôn ngàn vì sao lấp lánh trên bầu trời. Đâu đó những bóng cây bạch đàn in hằn vào bóng tối một cách ma quái.
Chưa bao giờ tôi nghĩ rằng châu Mỹ bắt đầu với tôi như thế.

° ° °

Rồi câu chuyện đó cũng chẳng làm tôi bận tâm gì lâu. Cuộc sống có quá nhiều điều phải quan tâm cho công việc làm ăn, sinh sống, khiến cái nghịch lý nước Mỹ trong nhận thức của tôi kia cũng chìm vào quên lãng.
Không kể sở thích của tôi là các sách triết học, lịch sử, văn hoá. Thế giới văn học không phải là điều tôi quan tâm.
Nhưng một tiệm sách bao giờ cũng có một phần dành cho văn học và tình cờ tôi lại gặp lại cái tên Sepúlveda trong một lần vào tiệm sách. Sách của ông chiếm một ngăn dài trong phần văn học châu Mỹ La-tinh.
Cảm giác đầu tiên của tôi là hãnh diện giống như một đứa trẻ con đòi được món đồ chơi cho mình.
«Hoá ra ông ta đúng là nhà văn. Luis Sepúlveda. Chắc ông ta cũng phải có chút tên tuổi, không thì làm sao mà mình ông ấy có nhiều đầu sách được dịch ra tiếng Pháp như vậy». Tôi nhủ thầm với mình trong đầu như chợt nhớ lại tất cả những cảm giác xa xôi, lúc tôi đứng cô đơn bên con đường vắng, vào một buổi chiều se se lạnh, ở một đất nước xa lạ cách nơi tôi sống cả một đại dương và một lục địa.
Cảm giác tiếp theo là phải mua một cuốn sách của ông.
Cũng như những người đọc sách nghiệp dư khác, những người mà đọc sách chỉ là một thú vui ngoài lề cuộc sống, những người mà thời gian đọc sách là trong metro, trong xe khách, với mục đích làm giảm đi khoảng thời gian vô vị đi từ nhà tới nơi làm việc, tôi chỉ yêu thích những quyển sách khổ nhỏ, không dầy quá, để có thể dễ dàng đút vào túi xách.
Một lần về thăm nhà ở Việt Nam, tôi kiếm được một bộ sách của học giả Hoàng Xuân Hãn. Sách in đẹp, giấy tốt vừa dầy vừa bóng láng. Thứ giấy sẽ chói loá dưới ánh đèn khiến người ta rất nhức mắt. Nhưng ngược lại chúng rất lịch sự bóng bẩy như giấy tráng ảnh. Toàn bộ bộ sách gồm ba tập. Mỗi tập dầy tương đương với cái gối gỗ mầu cánh gián mà ông tôi khi xưa vẫn gối khi ngủ trưa trên cái phản trong cái nắng oi ả của màu hè. Gọi là gối gỗ nhưng nó được đan bằng mây, rồi người ta phủ sơn mài lên trên, nên nó rất nhẹ và không thấm mồ hôi. Ngược lại mỗi tập sách của học giả Hoàng Xuân Hãn nặng như một cục gạch. Những cục gạch của trí tuệ. Đúng hơn người ta đã vật chất hoá trí tuệ thành một cục gạch nặng nề.
Lúc xếp va-li để ra đi tôi mới nhận ra được cái dại của mình. Ba tập sách nặng cỡ 6 cân, trong khi tôi chỉ được phép mang 30 cân hành lý. Nhưng đây không phải là vấn đề «của một đồng công một nén» mà là «của một nén công cũng một nén». Thôi đành nhắm mắt đưa... tay cầm đi. Trong lúc nhét chúng vào va-li, tôi đã tưởng tượng mình sẽ có hai cánh tay vạm vỡ như vận động viên thể hình Lý Đức khi nghiền xong trọn bộ toàn tập này.
Vấn đề in một tác phẩm cỡ vài ngàn trang trong một quyển sách có độ dầy hạn chế là một vấn đề được đặt ra từ thế kỷ XVI trên thế giới, khi ở châu Âu người ta định in kinh thánh để phổ cập cho dân chúng. Trước đó kinh thánh được chép tay trên da thuộc, và người ta không thể cầm nó theo người để đọc. Việc người Hà-lan phát hiện ra kỹ thuật làm giấy cực mỏng vừa dai vừa nhẹ đã khiến cho người ta có thể in hàng ngàn trang kinh thánh vào một quyển sách cỡ nhỏ, và điều đó góp phần không nhỏ vào việc đạo thiên chúa thâm nhập vào truyền thống văn hoá phương Tây. Hiện nay những toàn tập của các học giả, nhà văn nổi tiếng cũng vẫn được in bằng thứ giấy này. Chúng vừa nhẹ vừa làm quyển sách dễ sử dụng.
Cho đến bây giờ thân thể tôi vẫn bình thường, chưa bị biến thành hình con tôm càng. Điều này chứng tỏ tôi rất ít khi giở ba tập sách đó ra xem. Chúng nằm trên giá sách của tôi, chiếm nhiều chỗ oai vệ như một bức tượng đài của kiến thức.
Chính vì thế mà tôi đã chọn quyển sách mỏng nhất, trong số những đầu sách của Luis Sepúlveda mà tôi nhìn thấy trên giá. Quyển mỏng nhất chính là quyển Một ông già đọc tiểu thuyết tình yêu. Nó nhẹ tới mức tôi có thể mang nó vào tận toa-lét để đọc.

° ° °

Điều gì làm cho một người lớn khác với một thiếu niên? Có lẽ đó là việc người ta mất đi khả năng đọc một quyển sách liên tục một lúc. Những người đến tuổi trưởng thành không còn niềm đam mê ngây thơ để say sưa đọc sách liền một mạch. Có nhiều điều khiến người ta giữ được khoảng cách giữa cuộc đời với câu chuyện và vì thế mà người ta có thể bỏ lửng nó trước khi tiếp tục. Hãy nói anh có bao nhiêu miếng bìa đánh dấu sách đang đọc dở, tôi sẽ nói anh ta già tới mức độ nào. Vậy mà tôi đã đọc Một ông già đọc tiểu thuyết tình yêu liền một mạch, bởi vì tôi bị hấp dẫn bởi cách kể chuyện của tác giả.
Cảm giác đầu tiên của tôi là nó khiến tôi nhớ lại Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi. Có lẽ ở Việt Nam bây giờ không ai biết tới quyển truyện đó, nhưng nó đã từng là một best-seller trong những quyển sách dành cho nhi đồng ở Việt Nam. Mặc dù chỉ là một quyển sách dành cho thiếu nhi, nhưng nó đã vẽ cho người đọc một không gian hoang sơ bí hiểm nhưng giầu có của đồng bằng Nam bộ. Trong không gian ấy nổi lên những nhân vật mộc mạc, dũng cảm. Một bức tranh sinh động, có thể nói là một nét chấm phá điển hình về xã hội cho những ai muốn tìm hiểu về miền Nam trong những ngày đầu chống Pháp ở Nam Bộ. Thực ra cuốn sách vượt ra khỏi tầm truyện nhi đồng.
Truyện ngắn này của Luis Sepúlveda cũng vậy, ông lấy không gian là vùng rừng Amazon bí hiểm, với những con người đang vật lộn sinh sống ở đó. Nhưng khác với Đoàn Giỏi, thế giới rừng xanh của Sepúlveda là một thế giới khắc nghiệt, nó có những quy luật của nó. Một thứ «sa mạc mầu xanh» như ông mô ta, nơi mà người ta có thể đánh mất bản tính của mình. Nó cũng là một thế giới mong manh dễ vỡ, dễ bị huỷ diệt, vì bàn tay thô bạo của con người.
Tóm lại nó là một câu chuyện có nội dung bảo vệ môi trường. Khác với cảm giác đem lại cho người ta trong Đất rừng phương Nam, nơi mà thiên nhiên hoang dã được coi như một thứ tài nguyên vô tận đang chờ bàn tay con người khai phá.

° ° °

Khi việc dịch cuốn sách ra tiếng Việt được đặt ra, tôi vấp phải một vấn đề khó khăn. Đó là quyển sách quá mỏng. Vì thế phải dịch thêm một tác phẩm nữa của Sepúlveda cho việc in ấn xuất bản sẽ dầy dặn có da có thịt. May mắn là khi sự việc này đặt ra, tôi không phải chạy bán sống bán chết ra tiệm sách mua thêm một cuốn nữa của Luis Sepúlveda. Giữa thời điểm mà tôi đọc Một ông già đọc tiểu thuyết tình yêu và đặt vấn đề dịch nó ra tiếng Việt, một thời gian dài đã trôi qua. Trong khoảng thời gian ấy tôi đã mua hết tất cả các tập truyện của ông để đọc. Đấy cũng là một thói quen của tôi, khi tôi đã yêu thích một tác giả thì tôi trở thành một độc giả trung thành của tất cả mọi tác phẩm tôi tìm thấy được, để có thể hình dung ra thế giới tinh thần của ông ta. Tôi sẽ mua các sách của ông cho đến lúc một tác phẩm mới xuống cấp sẽ làm tôi đánh rơi mất sự thú vị, điều mà tôi chưa gặp phải với những tác phẩm của Luis Sepúlveda.
Vấn đề là chọn quyển nào để dịch. Người ta có thể dịch một truyện có cùng thể loại. Một ông già đọc tiểu thuyết tình yêu thuộc thể loại tiểu thuyết, vậy tôi sẽ dịch thêm một tiểu thuyết nữa. Nhưng theo nhận xét của tôi, Luis Sepúlveda là một nhà văn của các loại truyện ký. Không kể ông có một truyện ký mà trong đó tác giả viết như một lời tự sự. Như vậy bằng cách dịch nó, tôi có thể bắn một mũi tên trúng hai đích, vừa giúp bạn đọc tìm hiểu thểm một thể loại văn của tác giả, vừa tò mò biết được thêm về chính thân thế sự nghiệp của ông. Vô tình như vậy hai chuyện sẽ bổ sung cho nhau, giúp cho người đọc có thể nhìn thấy một phần nào thế giới tinh thần của tác giả. Chính vì thế mà tôi đã dịch truyện ký Cuộc đời là những chuyến đi, mà tên nguyên bản của nó là Patagonia Express. Dịch từ đối từ nó sẽ là: ký sự vùng Patagonia.

° ° °

Dịch sách chính là một hình thức đọc chậm và kỹ lưỡng, vì người dịch không thể nào bỏ qua một đoạn như là bạn đọc. Nó bắt người ta quan tâm tới từng chi tiết, giống như người dịch đang lần theo quá trình sáng tạo của tác giả, như thay tác giả viết lại cuốn sách. Anh ta chỉ thoải mái hơn vì không phải tìm kiếm nội dung mà thôi.
Chính vì thế mà người ta có thể có những nhận xét về bố cục, cấu trúc của câu truyện. Về mặt này thì Một ông già đọc tiểu thuyết tình yêu có một cấu trúc rất kinh điển của một tiểu thuyết ngắn. Tôi đã so nó với Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi về nội dung. Nhưng Đất rừng phương Nam, theo suy nghĩ của tôi, được viết khá tuỳ tiện. Ngược lại tiểu thuyết này của Luis Sepúlveda rất cô đọng. Nó không có nhiều nhân vật. Có thể nói chỉ có ba nhân vật chính, trong đó một nhân vật là âm bản. Đó là một con báo. Sở dĩ tôi gọi nó là nhân vật âm bản bởi vì những hành động của nó được thể hiện qua các sự việc, qua cách nhìn của những người khác mà chủ yếu thông qua hai nhân vật chính còn lại: viên xã trưởng như một biến dạng của văn minh và ông già say mê đọc tiểu thuyết tình yêu.
Nếu xét tới cách viết thì truyện này có cấu trúc gần với Ông già và biển cả của nhà văn Hemingway hơn. Thậm chí người ta có thể thấy nó có nhiều nét tương đồng. Nhưng nhân vật âm bản của Hemingway là con cá, cũng như không gian là biển cả không đem lại cho người ta nhiều tình tiết thú vị như truyện của Luis Sepúlveda. Cũng dễ hiểu, bởi mục đích của Hemingway không giống với Sepúlveda. Truyện của Hemingway nói tới sức mạnh của tự nhiên bất chấp cố gắng của con người; vì ông già đã đánh được con cá để cuối cùng trở về tay trắng, nó có một vẻ gì đó «tuỳ theo ý trời» giống như các mẩu truyện trong kinh thánh. Ngược lại, trong truyện của Sepúlveda, con người đã thay vào vị trí của ông trời một cách tồi tệ, để phá huỷ thiên nhiên một cách vô ý thức bởi sự ngu xuẩn của mình.
Trong truyện, tác giả không đánh đồng mình với một nhân vật mà chỉ kể nó với ngôi thứ ba. Nhưng ông cũng dành nhiều sự trìu mến cho thiên nhiên, và tỏ khá rõ thái độ của mình.
Truyện ký Cuộc đời là những chuyến đi như tên gọi của nó có một bố cục lỏng hơn. Nó là một tập hợp những mẩu chuyện nhỏ, những mẩu ký, nhưng được kể như những câu chuyện nhỏ độc lập, chứ không phải đơn thuần là ghi chép. Sự thống nhất duy nhất của nó là trình tự thời gian, cũng như việc nó được tác giả kể với ngôi thứ nhất. Tức là ngôi tự sự, với cái tôi của tác giả. Với tôi thì truyện ký này còn thú vị hơn cả truyện ngắn, vì nó như một bình hoa có nhiều mầu sắc. Tất cả các bông hoa đều đưa người ta về một phía mặt trời với những mầu sắc khác nhau.
Nhưng dù là thể loại nào, người ta cũng có thể nhận thấy văn phong của tác giả trong cách kể chuyện nhẹ nhàng, châm biếm của ông. Cũng giống như văn phong của các nhà văn châu Mỹ La-tinh khác, nhiều tình tiết truyện của ông có vẻ hoang tưởng mà người ta có thể gọi nó là siêu thực hay siêu hiện thực. Các nhà văn tiếng Tây-ban-nha còn có một truyền thống nữa là châm biếm, kể từ Cervantes, người viết Đông-ky-sốt. Luis Sepúlveda cũng vậy. Ông có thể để cập tới những câu chuyện rất phản cảm như những xác chết, nhổ răng, đi tù, đi ỉa, đi đái,... nhưng với sự quan sát châm biếm của mình, ông đã làm cho chúng mang mầu sắc nhẹ nhàng bay bổng hơn.
Ngay cả trong lúc ông trở về quê hương cũ, trong cái giây phút mà người ta có thể oà khóc được, kỷ niệm vẫn hiện ra một cách tinh nghịch qua nhưng con ruồi chết khô, khiến tôi lúc đọc nó cũng không khỏi bật ra một tiếng... cười ruồi thú vị.

° ° °

Còn một chuyện khá quan trọng mà tôi đã đề cập tới ngay từ đầu bài viết, như một dạng gợi chuyện. Sepúlveda như một tên đường phố ở Mỹ có phải là nhà văn Luis Sepúlveda ở đây không?
Luis Sepúlveda là người Chi-lê, sinh năm 1949. Ông tham gia đoàn thanh niên cộng sản Chi-lê, và vì lý do đó bị chính quyền quân sự Pinochet cầm tù sau cuộc đảo chính năm 1973 . Cuộc đảo chính được CIA ủng hộ, lật đổ chính phủ phe tả của tổng thống Salvador Allende. Sau khi được trả tự do với sự can thiệp của hội ân xá quốc tế, ông đã lang bạt nhiều nơi khắp châu Mỹ La-tinh. Những điều này bạn đọc có thể tìm thấy trong truyện Cuộc đời là một chuyến đi được dịch ở đây [và sẽ đăng trên Tiền Vệ tiếp theo sau cuốn Một ông già đọc tiểu thuyết tình yêu]. Tất nhiên nó chỉ là tư liệu để ông xây dựng câu chuyện, không phải là hồi ký. Ông cũng từng tham gia vào cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài Somoza được Mỹ ủng hộ ở Nicaragua. Việc này được ông nói tới trong một cuốn truyện ký khác của mình.
Đến đây thì bạn đọc có thể hiểu rằng, với một lý lịch như thế, khả năng ông được nước Mỹ tôn vinh có một xác suất rất nhỏ. Nước Mỹ dù tự hào là một nước tự do, nó cũng có chiều. Điều đó là dễ hiểu 1.
Sepúlveda thực ra là một họ rất phổ biến trong những nước nói tiếng Tây-ban-nha, giống như họ Nguyễn hay họ Lê ở Việt Nam. Một trong những người có tên là Sepúlveda có tên tuổi là một giáo sư thần học hay linh mục Tây-ban-nha 2. Tóm lại có lẽ tôi đã nhầm khi nghĩ rằng cái tên đường Sepúlveda ở Mỹ là nhà văn Luis Sepúlveda.
Nhưng điều đó thực ra cũng chẳng quan trong, vì mặc dù thế Luis Sepúlveda vẫn là một nhà văn có tên tuổi. Cuốn Một ông già đọc tiểu thuyết tình yêu của ông là một trong những cuốn sách được yêu chuộng nhất trên thế giới, được dịch ra hơn 60 thứ tiếng và được dựng thành phim. Các tác phẩm khác của ông, như truyện ký Cuộc đời là những chuyến đi cũng được dịch ra nhiều thứ tiếng. Bản thân tôi cũng dịch hai truyện này từ bản dịch tiếng Pháp. Ngoài ra Luis Sepúlveda còn viết kịch bản sân khấu, kịch bản phim, dựng phim,... Nhưng các mảng nghệ thuật này của ông thì tôi không được biết.

° ° °

Cuối cùng tôi muốn gửi đến các bạn đọc điều gì. Tôi chỉ muốn kể lại một sự ngộ nhận tình cờ của mình, một người đọc bình thường, đã dẫn tôi tới việc tiếp cận nhà văn Luis Sepúlveda. Sự tình cờ này đã làm cho tôi biết tới một nhà văn. Sự nổi tiếng của ông thực ra không quan trọng. Sự nổi tiếng nhiều khi chỉ là một thương hiệu, để dẫn người ta tới một sự tiếp cận. Sau đó thích hay không thích, yêu mến hay khinh ghét, đó là thái độ riêng của mỗi người, tuỳ thuộc vào những gì người ta có thể rung cảm, đồng cảm được.
Tôi hi vọng rằng, bạn đọc sẽ tình cờ cầm cuốn sách này lên, có khi chỉ vì một lý do rất tủn mủn chẳng dính dáng gì tới văn chương cả để rồi bắt đầu bị cuốn hút bởi lối kể chuyện hấp dẫn của nhà văn Chi-lê đương đại: Luis Sepúlveda.
Nam Giang


I

Bầu trời õng nước như bụng một con lừa treo rất thấp lửng lơ đe doạ trên đầu. Gió nồng nhớp nháp thổi qua đám lá cây xơ xác, quay quật những cây chuối còm cõi được trồng làm cảnh trước mặt tiền toà thị chính.
Một vài người dân ở làng El Idilio, cùng một nhóm người lang thang đến từ những vùng lân cận đang chờ trên bờ sông. Họ đợi đến lượt mình để được ngồi lên chiếc ghế chữa răng của bác sĩ nha khoa Rubincondo Loachamín. Ông ta đang thực hiện một biện pháp gây tê kỳ lạ bằng ngôn ngữ.
- Thế này có làm chú mày đau không? - Ông hỏi.
Tay bám chặt vào thành ghế, bệnh nhân trợn mắt ra hiệu, mồ hôi toát ra ròng ròng Có người thử cố kéo bàn tay thô bạo của bác sĩ từ trong mồm mình ra, để có thể trả lời bằng những lời thô tục cho đúng với cảm giác mà họ phải chịu đựng, nhưng họ vấp phải những bắp thịt cứng cứng rắn và giọng nói đầy uy quyền của ông.
- Ngồi yên, đồ chó. Hạ hai cái cẳng trước xuống! Đúng là nó đau, nhưng lỗi của ai, hử? Của thằng này? Không, đó là lỗi của nhà nước. Hãy nhồi điều đó vào đầu, do nhà nước. Đấy là tội lỗi của nhà nước khi chú mày có những cái răng thối và nó làm chú mày đau. Lỗi của nhà nước...
Bệnh nhân bất hạnh chỉ còn biết nhắm mắt lại chịu đựng, hoặc ngọ nguậy cái đầu. Bác sĩ Loachamín căm ghét nhà nước, mọi kiểu nhà nước, tất cả các nhà nước. Là con ngoài giá thú của một người dân di cư gốc Tây-ban-nha, ông thừa kế từ cha mình sự căm ghét sâu sắc đối với tất cả những gì đại diện cho quyền lực. Nhưng lý do chính xác của lòng căm thù đã mất đi theo những năm tháng của tuổi trẻ. Bây giờ những lời nguyền rủa vô chính phủ của ông chỉ còn như một thứ bài giảng đạo đức, khiến ông gần gũi, thân mật với mọi người hơn.
Ông nguyền rủa, chống các chính quyền nối tiếp nhau cũng giống như ông chống những người Mỹ thỉnh thoảng tới đây từ những khu thăm dò dầu mỏ ở Coca. Những kẻ nước ngoài thiếu lịch sự, họ dám chụp ảnh những cái miệng há hốc của bệnh nhân mà không chịu xin phép ông.
Cách đó vài bước chân, ê-kíp của tầu Sucre đang khuân lên boong những buồng chuối xanh và những bao tải cà-phê. Ở đầu bến những két bia, rượu mạnh hiệu Frontera, muối, bình ga chất thành đống. Chúng được chuyển lên bờ ngay từ sáng sớm.
Tàu sẽ nhổ neo ngay khi bác sĩ chữa xong tất cả các hàm răng. Nó sẽ ngược dòng sông Nangaritza, rồi xuôi vào sông Zamora. Sau bốn ngày lênh đênh chậm rãi trên sông, tầu sẽ cập bến cảng sông El Dorado.
Con tầu giống như một cái thùng cũ kỹ nổi trên sông. Nó còn nhúc nhích được là nhờ vào ý chí của người thợ máy chính, sự cố gắng của hai thuỷ thủ lực lượng trong ê-kíp, cũng như sự dẻo dai của chiếc đầu máy diesel cũ kỹ. Tầu sẽ không quay lại đây trước khi mùa mưa kết thúc. Điều mà bầu trời xám xịt mầu tang báo hiệu chúng đang tới gần.
Bác sỹ Rubincondo Loachamín ghé tới đây một năm hai lần, giống như người đưa thư của bưu điện, người hoạ hoằn lắm mới đem đến một bức thư cho dân chúng. Chủ yếu anh ta mang đến những giấy tờ hành chính dành cho ông xã trưởng hay những bức chân dung nghiêm nghị đã bạc mầu vì độ ẩm của vị thống đốc bang đương quyền.
Mỗi chuyến tầu ghé qua, dân chúng chẳng chờ đợi điều gì khác ngoài việc nhận hàng hoá dự trữ: muối, bia, rượu mạnh, bình ga. Mặc dù vậy, sự xuất hiện của bác sĩ cũng được đón chào bằng một sự thở phào nhẹ nhõm, đặc biệt của những người còn sống sót sau đợt sốt rét. Mệt mỏi vì phải khạc nhổ những mẩu vụn còn sót lại của chân răng, họ mong muốn có được một hàm răng sạch sẽ, để có thể thử những bộ răng giả, được bầy trên một cái thảm mầu tím. Tấm thảm gợi cho người ta mầu khăn tím của giám mục toà thánh.
Vừa luôn mồm nguyền rủa chính phủ, bác sĩ vừa nhổ hết những gì còn sót lại của chân răng. Sau đó ông bắt bệnh nhân súc miệng bằng rượu mạnh.
- Để xem nào, chú mày thấy thế nào, với cái hàm này?
- Nó chật quá, nhà em không thể ngậm miệng được.
- Đừng khó tính quá như một lũ con gái õng ẹo, thử cái hàm khác xem!
- Cái này lại lỏng, nhỡ nhà em ho, nó sẽ văng ra.
- Thế thì chú mày cố gắng đừng để bị cúm. Thằng đần, há mồm ra!
Họ ngoan ngoãn nghe theo lời bác sĩ. Sau khi thử vài cái hàm răng giả khác nhau, cuối cùng họ cũng tìm được một cái vừa ý để mặc cả giá, trong khi bác sĩ khử trùng những cái còn lại bằng cách nhúng chúng vào nước sôi pha cờ-lo.
Với người dân ở trên các triền sông Zamora, Yacuambi, và Nangaritza, cái ghế chữa răng của bác sĩ Rubincondo Loachamín có một vị trí đáng kính trọng. Thực ra đó chỉ là một cái ghế cắt tóc cũ, chân và thành ghế tráng men trắng, mà thuyền trưởng và cả ê-kíp phải dùng hết sức lực mới bê được lên bờ. Nó được đặt lên một cái bục hình vuông rộng khoảng một mét, được bác sĩ gọi là phòng khám.
- Trong lúc khám bệnh, có chúa chứng giám, ta là người chỉ huy. Ở đây, phải tuân lệnh ta. Ra khỏi  phòng khám, các ngươi muốn gọi ta là gì cũng được: lão nhổ răng, thằng móc mồm, thằng bóp lưỡi,... hay bằng bất cứ danh từ nào xuất hiện trong óc các người. Các người còn có thể mời ta một ly rượu.
Những người đang chờ đến lượt mặt như đưa đám. Còn nhưng người đã nếm mùi cái kìm nhổ răng trông cũng chẳng sáng sủa hơn.
Những kẻ duy nhất còn cười được là những người da đỏ Jivaro. Họ ngồi xổm xung quanh phòng khám quan sát. Jivaro là tên dành cho những thổ dân bị chính bộ tộc của mình, bộ tộc Shuars, từ bỏ. Họ coi người Jivaro là những kẻ thoái hoá, biến chất bởi tập quán của bọn "Apaches", một từ dùng chỉ người da trắng. Người Jivaro mặc những đồ rách rưới của người da trắng thải ra, chấp nhận không phản đối cái tên Jivaro, vốn được những kẻ chinh phục Tây-ban-nha đặt cho. Jivaro có nghĩa là mọi rợ.
Có một khoảng cách lớn khủng khiếp giữa một người Shuars cao thượng và kiêu ngạo, người biết tất cả những bí ẩn của vùng rừng Amazon, và một người Jivaro, như những người đang tụ tập trên bờ sông ở làng El Idilio này. Họ đến đây với hi vọng xin được một chút rượu.
Những người da đỏ cười hở hàm răng được mài nhọn hoắt bằng đá cuội dưới sông.
- Còn những thằng kia, nhìn cái gì? Không lúc này thì lúc khác, chúng mày cũng sẽ nếm mùi, những con khỉ kia.
Bác sĩ đe doạ họ. Sung sướng vì có người bắt chuyện, những người Jivaro trả lời.
- Jivaro răng tốt. Jivaro ăn nhiều thịt khỉ.
Đôi khi một bệnh nhân rú lên làm cho cả chim chóc cũng hoảng sợ. Bác sĩ nới gọng kìm ra bằng cách đập bàn tay vào cán.
- Hãy ngồi yên như một thằng đàn ông. Ta biết là ta làm chú mày đau, nhưng ta đã nói rồi, đấy là lỗi của ai? Đừng có làm vẻ gớm ghiếc. Ngồi yên để chứng tỏ cho mọi người biết, chú mày không bị thọt hai hòn dái lên tới cổ.
- Nhưng bác sĩ đã nhổ cả linh hồn nhà em, cho em xin ngụm nước.
Bác sĩ đã nhổ xong răng của bệnh nhân cuối cùng. Ông trút một tiếng thở dài, gói những hàm răng giả không bán được trong cái thảm tím như mầu khăn của giáo chủ. Trong lúc tẩy trùng các dụng cụ, ông nhìn thấy một con thuyền độc mộc của một người Shuars đi qua.
Người thổ dân đứng chống sào ở phía cuối con thuyền mỏng mảnh. Đến ngang tầm tầu Sucre, anh ta chống nó cập vào thân con tầu. Khuôn mặt nhăn nhó cáu kỉnh của thuyền trưởng hiện ra từ trên mạn tàu. Người Shuars vừa hoa chân múa tay giải thích một điều gì đó vừa không ngớt khạc nhổ.
Bác sĩ lau khô các dụng cụ nha khoa, xếp chúng vào một cái cặp da đen, rồi ông cầm chiếc khay đựng những cái răng đã nhổ hất nó xuống dòng nước. Thuyền trưởng và người thổ dân đi ngang qua ông, rảo bước về phía toà thị chính.
- Bắt buộc phải chờ rồi, bác sĩ. Người ta mang đến cho chúng ta xác một thằng gringo 3.
Cái tin mới này không làm cho ông thích thú. Sucre là một con tầu chật chội, đặc biệt trong những chuyến quay về, khi người ta chất đầy tầu chuối xanh và những bao tải cà-phê thô cuối mùa đã thối gần một nửa. Mùa mưa có thể đuổi kịp con tầu, một chuyện có khả năng xẩy ra, do nó đã bị chậm một tuần bởi những hỏng hóc kỹ thuật. Nếu như vậy hàng hoá, hành khách, và cả ê-kíp phải chung nhau một cái mái bạt, không có đủ chỗ để treo võng. Vì thế sự hiện diện của một xác chết càng làm cho chuyến đi mệt mỏi hơn.
Bác sĩ giúp mọi người khuân cái ghế lên tầu, rồi quay xuống bờ sông. Antonio José Bolivar Proano đã đứng chờ sẵn ở đó. Đó là một ông già nhưng thân thể vẫn còn gân guốc, một người hình như chẳng để ý gì về việc mình mang một cái tên nổi tiếng như thế 4.
- Lão vẫn chưa chết à, Antonio José Bolivar?
Ông già làm bộ ngửi hai bên nách của mình trước khi trả lời:
- Người ta có thể nói là chưa. Lão chưa bốc mùi, còn bác sĩ, hôm nay kiếm có khá không?
- Răng của lão thế nào?
- Lão luôn có trong người. Ông già trả lời, thò tay vào túi lôi ra một cái khăn mùi-xoa bạc mầu. Ông giở nó ra và chỉ cho bác sĩ thấy bộ răng giả.
- Tại sao lão không dùng, lão già say khướt kia?
- Lão lắp ngay bây giờ. Lão không ăn, cũng không nói, vậy lắp vào mồm làm gì cho phí của.
Ông già lắp hàm răng vào mồm, nhai khan vài cái, khạc nhổ vung vãi xung quanh rồi chìa cho bác sĩ một chai rượu mạnh Frontera.
- Cám ơn. Hôm nay tôi cũng kiếm được.
- Rõ rồi. Bác sĩ nhổ 26 cái răng cộng với một đống chân răng sâu, nhưng vẫn không phá được kỷ lục của mình.
- Lão ngồi đếm à?
- Đếm vì tình bạn, để còn mừng cho những thành công của bạn bè. Nhưng trước đây vẫn khá hơn đấy, bác sĩ có thấy vậy không? Lúc đó còn có nhiều người khai hoang trẻ. Bác sĩ còn nhớ gã đến từ Manta. Hắn đòi nhổ cả hàm răng để đánh cược?
Bác sĩ Rubincondo Loachamín nghiêng đầu, sắp xếp lại những kỷ niệm, và cuối cùng tìm thấy hình ảnh một gã thanh niên, ăn mặc theo kiểu dân vùng Manta. Gã mặc một bộ cánh trắng, đi chân đất, nhưng lại đeo một cái cựa giầy nhỏ bằng bạc.
Gã đi đến phòng khám cùng một đám thanh niên khoảng chừng 20 người. Tất cả đều có vẻ đang say. Đấy là những người lang thang đi tìm vàng, không có chỗ ở cố định. Người ta gọi họ là những người hành hương vì họ chẳng quan tâm đến việc kiếm vàng bằng cách nào, đãi vàng trên bờ sông, hay trong túi đồng loại.
Gã để rơi mình vào ghế, nhìn bác sĩ với một vẻ ngây ngô.
- Anh muốn gì?
- Ông nhổ cho tôi tất cả hàm răng, từng cái một, rồi để nó lên đây, trên mặt bàn.
- Há mồm ra.
Gã ngoan ngoãn nghe lời. Bác sĩ thấy dù có nhiều răng bị hỏng, nhưng một bên hàm vẫn còn tốt. Một số cái bị sâu, những cái khác còn nguyên vẹn.
- Anh vẫn còn nhiều răng tốt. Nhưng có đủ tiền để trả không?
Gã mất đi vẻ ngây ngô.
- Chuyện như thế này, bác sĩ. Bọn đi cùng này không tin thằng này dũng cảm. Vì thế thằng này cược với chúng sẽ nhổ hết hàm răng của mình, lần lượt từng cái một, và cam đoan không kêu một tiếng. Bọn tôi đã cược với nhau. Bác sĩ giúp thằng này một tay. Thắng cuộc, bác sĩ và thằng này, mỗi người sẽ được một nửa.
- Đến cái răng thứ hai, mày sẽ đái ra quần và sẽ khóc tu tu gọi mẹ. - Có tiếng một ai đó kêu lên trong đám đông, và cả bọn cười rộ lên.
- Tốt nhất là tiếp tục uống rượu và suy nghĩ đi. Đừng có đùa một cách ngu xuẩn như thế. - Bác sĩ nói.
- Đấy, việc nó là như thế. Nếu bác sĩ không giúp thằng này thắng cược, thì anh bạn nhỏ này của hắn sẽ xin bác sĩ cái đầu.
Mắt gã sáng lấp lánh trong khi tay gã vuốt ve chuôi con dao quắm đeo bên người.
Thế thì bắt buộc phải làm thôi. Gã há mồm, để bác sĩ đếm lại số răng. Ông tuyên bố có tất cả 15 cái. Gã đặt lên trên cái khăn bầy răng giả một dẫy 15 cục vàng, mỗi cục cho một răng. Những kẻ tham gia đặt cược thắng hoặc thua bỏ thêm vàng vào đó. Từ cái răng thứ 5 số lượng vàng tăng đáng kể. Gã để cho nhổ 7 cái răng đầu tiên mà không nhúc nhích một bắp thịt. Yên lặng tới mức người ta có thể nghe thấy được tiếng ruồi bay. Đến cái răng thứ 8, máu ra nhiều ngập cả mồm. Gã không nói được, nhưng giơ tay ra hiệu đòi nghỉ.
Gã khạc nhổ nhiều lần, làm máu đọng thành cục trên bục đất. Gã hớp một ngụm rượu lớn, quằn quại trên ghế vì đau đớn, nhưng không hé một lời. Sau lần khạc nhổ cuối cùng, gã giơ tay ra hiệu cho bác sĩ tiếp tục.
Kết thúc cuộc tàn sát, mồm hoàn toàn không còn cái răng nào, mặt sưng vù tới mang tai, gã người Manta thể hiện một thái độ toại nguyện trong lúc chia phần thắng với bác sĩ.
- Đúng thế, - bác sĩ Loachamín hớp một ngụm rượu - đấy là thời kỳ huy hoàng.
Những giọt rượu cất từ mía làm cháy cổ họng làm bác sĩ nhăn mặt trả lại chai rượu.
- Đừng có nhăn nhó như thế. Cái đồ quỷ này giúp người ta tẩy giun trong ruột. - Antonio José Bolivar nói. Rồi lão dừng lại giữa chừng, không thể tiếp lời.
Hai cái thuyền độc mộc tiến lại gần. Trong một chiếc thuyền, nhô ra một cái đầu tóc vàng bất động.

--------------------------------
1Đúng ra, cái giả thiết Luis Sepúlveda được Mỹ đặt tên đường để vinh danh là một giả thuyết tuyệt đối bất khả, vì ông là nhà văn Chile, không định cư tại Mỹ, và chưa hề có ảnh hưởng lớn đặc biệt đến văn hoá và đời sống Mỹ.
2Juan Ginés de Sepúlveda (1494-1573)
3gringo: tiếng lóng ở châu Mỹ La-tinh, để chỉ người da trắng Bắc Mỹ.
4Bolivar là tên người anh hùng Simón Bolívar (1783-1830) của nước Venezuela. Người có công giải phóng Venezuela và nhiều nước ở Nam Mỹ (như Colombia, Peru, Ecuador, Bolivia, Panama) khỏi ách thực dân Tây-ban-nha.