Thanh Ngọc, anh còn nhớ Thanh Ngọc ở TCC thời anh Nguyễn Đăng Khoa làm chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam không?
Bao nhiêu năm rồi mà mỗi lần nghe ai nhắc tới tên em, lòng tôi vẫn còn bồi hồi, xao xuyến. Tôi biết bởi vì tôi vẫn còn yêu em và mãi mãi yêu em. Em là mối tình lớn duy nhất trong đời tôi, Thanh Ngọc ơi.
Ngày mới gặp em, tôi đã nghe em giải thích về cái tên của em:
− Ba em thích hoa lan. Hồi đó, ổng thích nhất là loại Thanh Ngọc, nên lấy tên đó đặt cho em. Tên Kim Xuân của bà chị cũng lấy từ gia đình hoa lan. Nhỏ út là Phong Lan. Mấy đứa con gái tụi em giống mẹ cũng mảnh khảnh như lan. Mẹ gốc Thái trắng, có nước da trắng. Tụi em theo mẹ được trắng trẻo luôn!
− Không chừng ông quen bà trong một buổi tìm lan? Hồi ở tù cải tạo, vào rừng đốn củi, anh hay thấy lan, có những nhánh lan thật mỏng manh như sương khói, mọc ở trên thân cây cao, cao quá, chỉ ngắm thôi, mà có khổ công lấy xuống thì cũng đâu làm được gì, hoàn cảnh ở tù đâu có cho phép mình chơi lan. Anh còn nhớ cái niềm sung sướng của một đám bạn tù đang đi thì thấy lan, lan nằm trên cao, phải hên lắm mới nhìn thấy được. Cha mẹ Ơi, bây giờ nghĩ lại thấy tức cười, mừng la tưởng như người yêu lên thăm.
− Ngộ quá hén! Ở đâu mà lại mọc trên thân cao?
− Chắc bụi phấn nhị hương gì đó theo gió thổi đi rồi phát ra nhánh lan. Cũng thuộc loại chùm gửi mà.
− Em nghe nói chơi lan công phu lắm. Như chơi hòn non bộ. Tụi em cũng là lan mà ba em ổng quý lan thật của ổng hơn, đứa nào lạng quạng làm gãy lan là ăn đòn. Lan là một loại hoa. Hoa làm tươi đẹp đời sống. Đám cưới ở Mỹ, họ dùng hoa nhiều lắm. Một bó hoa lan cho cô dâu cũng mất vài trăm, rồi hoa cho phù dâu, cho chú rể, phù rể, bố mẹ anh chị em hai bên, hoa để chưng bàn thờ, để bàn tiếp tân, để bàn đặt bánh. Làm lễ ở nhà thờ thì tiền hoa đủ làm mình chết! Người Mỹ thích hoa, có người muốn khi chết chỉ được phóng điếu hoa thôi.
Thấy em nói năng còn rành tiếng Việt, tôi đùa:
− Em là hoa lan biết nói, lại càng quý hơn chứ!
− Đúng rồi! Em là hoa lan biết nói, mới là quý!
Em thích cái lối so sánh này của tôi. Em cười vui vẻ, “em phải nói lại với ba như vậy.
Em là hoa, tinh khiết như lan. Đẹp như lan.
Còn tôi, tôi đã thành củ rồi! Mà chẳng biết là củ gì. Ở trại cải tạo năm năm, ra tù, vài tháng sau vượt biển, hơn một năm ở trại HongKong, sáu tháng học Anh ngữ ở Phi, rồi cuối cùng qua được tới Mỹ, tôi đã vài năm trên 30 tuổi, còn em, khi tôi mới gặp, thì em vừa tròn 18 tuổi. Em và tôi học chung một lớp toán ở trường đại học cộng đồng- đây là trường chỉ dạy cho chương trình hai năm chuyên môn hay hai năm đầu của chương trình cử nhân bốn năm. Em qua Mỹ đợt 75 lúc em mới có 8 tuổi, rồi tốt nghiệp trung học ở Mỹ nên như phần đông những học trò Mỹ khác, em rất dở toán. Môn toán của tôi thì vốn sẵn có từ VN nên tuy không vào lớp đều mà lúc lấy bài thi tôi vẫn được một trăm là điểm cao nhất. Em nhờ tôi chỉ dẫn. Tôi vui vẻ giúp em. Thế là tôi quen em. Mới đầu em kêu tôi bằng chú. Sau thấy đám sinh viên Việt ở trường gọi tôi là anh thì em cũng bắt chước kêu tôi là anh. Em hồn nhiên nói:
− Kêu như vậy để chú vui. Chứ họ kêu chú là Hoàng...
Em ngập ngừng. Thì tôi cười:
− Là Hoàng Già chứ gì!
Em cũng cười trêu tôi:
− Anh Hoàng, anh già thật đó!
Ngày nào không thấy em, nghe em nói chuyện, là tôi buồn ghê lắm. Tôi làm tutor kèm toán cho sinh viên ở trường nhưng tôi ăn tiền work –study của trường mà lại dành thì giờ kèm cho em nhiều hơn cả. Em mất căn bản toán-không hiểu sao người ta vẫn cho em tốt nghiệp trung học-tôi phải kèm em từ đầu. Có người giải thích cặn kẽ thì em học rất nhanh. Tôi mừng là tôi có cơ hội được gần em nhiều hơn những cậu thanh niên cùng trang lứa với em. Sau này họ còn cố tình kêu tôi là Hoàng Già. Mới đầu, rõ ràng là tôi lớn tuổi hơn bọn họ, nhưng sau đó, chắc chắn cái tên Hoàng Già là được kêu là do từ sự ganh tị nhiều hơn. Các cậu ganh tị với tôi -một người chẳng có gì ngon lành lại được em cho phép thân thiện, đến gần.
Thật ra, tôi cũng có chữ nghĩa và công danh sự nghiệp. Tốt nghiệp cử nhân Luật và là trung úy của QLVNCH. Lại còn trẻ và đẹp trai. Nhưng đó là chuyện của ngày xưa ở VN trước 75, bằng cấp và chức tước đó bây giờ đâu còn chút giá trị nào ở Mỹ. Trẻ thì cũng không còn. Đẹp trai thì cũng hết. Trước khi miền Nam mất vào tay CS và tôi cũng như hàng loạt những quân nhân, công chức đi vào nhà tù cải tạo, thì tôi đã có người yêu là Thu Vân học ở Văn Khoa. Nàng con nhà khá giả. Đẹp nổi tiếng dạo đó. Đến chơi nhà nàng, tôi ít có dịp gặp ông bố của nàng. Mãi sau này tôi mới biết cha nàng là CS nằm vùng. Sau 75, ông lộ gốc tích và ra làm lớn. Tôi thì gốc “Ngụy, có cha và anh em đều dính líu với gốc này. Thì mối tình của chúng tôi làm sao bền được. Đã thế tôi lại đi cải tạo, có ở nhà đâu mà cố giữ lấy mối tình của mình cho được. Rồi không bao lâu Thu Vân bỏ đi lấy chồng là chuyện hiển nhiên. Tôi chỉ buồn. Có lẽ tại tôi đoán biết đoạn kết sẽ phải như thế. Giả mà tôi và nàng có cưới hỏi thì bấy giờ chắc chắn sẽ còn làm khổ cho nhiều người nữa.
Có lần em đã hỏi tôi, anh Hoàng đã yêu ai chưa, người mà mình không thể thiếu trong đời đó mà? Tôi thành thật nói chưa, rồi tôi giải thích thêm. Yêu thì đã yêu, nhưng thiếu người đó thì anh vẫn sống được. Tôi kể về Thu Vân cho em nghe. Nghe xong, em nói em đồng ý là tôi chưa yêu ai thật. Em yêu ai thì em chỉ muốn lúc nào cũng được gần gũi bên người em yêu thôi. Mình là một nửa của người ấy, người ấy là một nửa của mình, khi đã kiếm ra nhau rồi thì hai người làm sao rời xa nhau được, phải không anh?
Em và tôi vào thời điểm này, chưa ai lên tiếng hỏi, mình đã là một nửa của người kia chưa? Tôi và em coi như hợp nhau, cứ thế đi chơi với nhau. Hai năm liền như thế. Tôi chẳng dám nói yêu em. Mà nếu nói được, tôi sẽ nói là tôi thương em, bởi vì cái từ thương sẽ có ý nghĩa hơn là từ yêu.
Qua năm sau, em lên năm thứ ba, đổi qua trường đại học bốn năm. Tôi học chậm, chỉ giỏi được môn toán, Anh Ngữ thì phải bắt đầu từ lớp ESL thì làm sao tôi theo kịp em được. Tuần lễ đầu của niên học, khi tôi lên thăm em ở nội trú, lúc chia tay ra về, em bịn rịn, rồi em nói em yêu tôi bằng tiếng Anh. Tôi hôn em. Em bé nhỏ như em gái tôi, à không, em đáng tuổi con gái của tôi, nếu mà tôi có vợ sớm. Tôi biết quá việc em còn trẻ, mà tôi thì đã quá già, nhưng lúc này tôi chỉ biết là trái tim của tôi cũng đang rung động vì em. Trời lất phất mưa thu, hơi lạnh. Em cứ đứng ru rú bên xe tôi như chưa muốn cho tôi về. Em lại than:
− Học ở dưới community vui hơn!
− Tại trường lớp còn lạ, rồi em sẽ quen, ráng đi!
− Tuần tới anh lại lên thăm em nữa ha?
Tôi gật đầu hứa với em. Chừng đó em mới để tôi đi. Đường xa lộ thênh thang. Vừa lái xe tôi vừa châm điếu thuốc. Không biết tương lai của em và tôi đi về đâu, tôi chưa nghĩ tới. Đêm khuya, tôi ghé chỗ nghỉ chân bên xa lộ để vào lấy ly cà phê đen uống cho tỉnh táo đầu óc. Gió đêm đã lạnh. Tôi lại muốn quầy xe trở lại với em. Nhưng rồi tôi đã không làm thế.
Tôi bắt đầu lui tới nhà em khi cuối tuần hay xách xe lên trường đón em về. Đã có những ánh mắt không bằng lòng từ gia đình em. Em là con gái cưng của ba má em, là lan quý của ba em. Có lần trong một lúc bất ngờ, ba em hỏi tôi, anh thương nó mà anh có nghĩ là anh sẽ lo lắng đời sống của nó như thế nào không? Tôi nghẹn họng vì tôi chưa nghĩ tới chuyện đó. Tôi chỉ biết thương em. Cũng như em chỉ biết thương tôi mà không tính toán hơn thiệt. Em và tôi, chưa ai nghĩ sẽ lo cho nhau như thế nào. Tôi hơn em 15 tuổi, từng tuổi này mà chưa có công danh sự nghiệp gì. Lấy tôi, bây giờ em sẽ khổ. Rồi hai mươi năm sau, em lại càng khổ hơn, vì em sẽ lại bắt đầu săn sóc một ông già! Trong khi đó em đang ở tuổi chín mộng. Như vậy thì bất công cho em quá. Nếu hiện giờ tôi đã có một công danh sự nghiệp, tiền của đầy đủ thì cũng không giúp được gì, tôi vẫn lớn tuổi hơn em nhiều quá. Có người nói khi những người con gái yêu ai lấy ai làm chồng là họ muốn tìm một người cha để họ nương tựa. Nhưng tôi nghĩ tiếc là những người cha già cỡ tôi sẽ chẳng sống lâu đời với họ. Tôi không thể săn sóc em mãi. Tôi sẽ ra đi sớm. Tuổi trẻ tôi đã hao mòn trong cuộc chiến, trong nhà tù cải tạo, trong mớ chữ nghĩa mới nơi xứ người. Tôi có gì để tặng cho em đâu.
Em có nhiều thanh niên theo đuổi. Họ là những người trẻ hơn tôi, tiếng Anh tiếng Mỹ rành hơn tôi, hội nhập vào nếp sống ở đây nhanh hơn tôi. Họ hợp với em hơn tôi.
Gia đình chống đối, thì mình lén lút gặp nhau. Tôi đưa em đi ăn nhà hàng, đưa em đi chơi đảo, sông, hồ. Tôi vẫn giữ cho em sự trong sạch.
Hết chương trình hai năm đại học-tôi đã kéo dài gần ba năm, vì những lớp ESL đã lấy mất của tôi gần hai khóa học- Tôi bỏ học đi làm. Một phần lớn tuổi thấy việc học hành còn lâu quá, một phần vì nhu cầu cần tiền, cho đời sống của tôi bên này và cho gia đình của các anh chị còn lại bên VN.
Trong khi đó thì em học giỏi, con đường học vấn đang đi lên. Hết năm thứ tư, em xin vào trường Medical. Khoảng cách giữa em và tôi càng ngày càng dài. Em vẫn trẻ vẫn xinh, còn tôi càng ngày càng già, tôi dựa vào em để tìm chút tuổi trẻ của mình. Quả thật tôi là người ích kỷ. Đáng lẽ tôi nên buông tha cho em. Tôi dùng dằng giữa lý trí và con tim. Để có được em bên tôi, cuối cùng con tim đã thắng.
Có lần em và tôi cặp kè vào một quán ăn Việt gần trường, nơi này thường là chỗ tụ tập và hẹn hò của các sinh viên VN. Đi bên tôi, em vẫn thích lấy hai tay em ôm chặt lấy cánh tay của tôi. Việc này lại càng làm cho các cậu trẻ tức tối. Có đứa nói khích sau lưng tôi và em:
− Lêu lêu em bé mà đi cặp ông già!
− Người bán than mà đòi mê công chúa!
Tôi xấn tới, thật ra chỉ muốn nhỏ to phải trái với cậu ta, nhưng em lại sợ tôi làm lớn chuyện. Em vội kéo tay tôi quay đi, nói nhỏ:
− Thôi bỏ đi anh!
Tôi buồn, buồn lắm. Em thì vẫn hồn nhiên. Em nói: Em không ngại là anh hơn em nhiều tuổi đâu. Em chỉ biết là em thương anh, anh thương em là đủ. Ai nói gì mặc kệ họ!
Rồi cho đến một ngày tôi đến trường, vào cafeteria tìm em, từ xa đi tới thấy em đang ngồi chung bàn với đám bạn cùng trang lứa với em, em cười giỡn vui vẻ ...Tôi thấy ngay, đó mới chính là thế giới của em. Tôi không nên kéo em vào thế giới già nua của tôi. Sau đó, chưa đến gặp em, tôi đã lặng lẽ bỏ đi. Tôi chia tay với em mà không có cam đảm nói lên lời giã từ sòng phẳng. Cái tuần mà tôi không liên lạc với em là tuần tôi chuẩn bị những việc cần thiết để bỏ qua một tiểu bang khác. Đi như một kẻ chạy trốn. Đi mà không để lại địa chỉ. Không liên lạc về.
Dù chưa lần nào gặp lại, bất chợt đâu đó tôi vẫn được tin về em. Có lần thấy em trong một cuốn video đám cưới của bạn em, trông em già dặn hơn, có cái đẹp sắc sảo hơn, nhưng cũng có chút buồn trên nét mặt, tôi đã muốn bắc phôn gọi em mà rồi tôi dằn lại được. Để rồi chỉ biết thương nhớ em một mình. Nhiều năm sau, tôi nghe em đã ra trường, hành nghề bác sĩ, em lấy chồng, có con, rồi sống không hạnh phúc với chồng, ly dị, thỉnh thoảng tôi cũng nghe qua bạn bè trung gian lời em trách móc tôi. Em nào có hiểu. Tôi thương em. Thương em thật tình. Nhưng không cách nào tôi mang lại hạnh phúc cho em được. Ngày trước cũng như bây giờ.
Em thấy không? Tôi bây giờ vẫn chưa làm được một điều gì đáng kể ngay cả cho mình, chứ đừng nói cho ai. Tôi lại vừa nhận giấy nghỉ việc. Tôi tự an ủi thời buổi khó khăn, cả nước, cả thế giới đều khó khăn, ai sao mình vậy, đừng trách mình nữa. Phải vui vẻ sống, bền chí mài dũa lại cái resumé của mình mà đi xin giốp khác. Trong khi chờ đợi thì cứ ăn tiền thất nghiệp.
Tôi đốt điếu thuốc, đưa lên môi, hít một hơi dài, rồi nhả ra làn khói. Từ dạo xa em, tôi vẫn chưa bỏ được thói quen hút thuốc. Trong những ngày lao động thủa trước, lạnh lẽo khuân gỗ vác củi nơi tù cải tạo, điếu thuốc đã giúp người tôi ấm áp. Tôi hứa với em là tôi sẽ bỏ mà tôi vẫn chưa làm được, vì em thường lo tôi hút nhiều quá thì sẽ không tốt cho cái phổi của tôi, em lo tôi sẽ chết vì bệnh lao. Tôi chưa bỏ được! Em biết được điều này, chắc là sẽ buồn lắm nói tôi không chịu nghe em!
Tôi dừng xe ở một khu ươm bán cây kiểng, bông hoa, tản một vòng, lựa mua một chậu lan. Chỉ là một nhánh lan mỏng manh bé nhỏ chưa ra hoa. Tôi muốn chăm sóc lan cho tới ngày nhìn thấy lan nở hoa, thấy được màu tím của hoa. Dĩ nhiên là tôi còn nhớ Thanh Ngọc. Chỉ có ai vô tình không biết chuyện (của tôi) thì mới hỏi tôi như thế!