Tôi có chuyện của tôi. Phong có chuyện của Phong. Dù bây giờ Phong giàu thật giàu: Phong làm cho Microsoft, chỗ làm có phòng tập thể dục, ăn uống miễn phí, được mua cổ phần của công ty với giá giảm 15%, gặp lúc công ty làm ăn phát đạt, cổ phần lên như diều, Phong trúng mối, mua nhà ở bên bờ hồ Washington Lake thơ mộng. Căn nhà mới toanh, năm phòng ngủ, các cửa sổ kính nhìn xuống mặt hồ. Vậy đó mà lại cô đơn. Không ai có hết những gì họ muốn. Ông trời đã định như vậy. Nên Phong có tiền thì có, mà tình thì tìm hoài không ra! Chuyện cưới hỏi không dứt khoát.

Biết Phong lâu quá, tôi rành sáu câu vọng cổ của Phong. Vẫn một mối tình cũ rích trắc trở vì gia đình Phong không ưa gia đình cô bồ, nghĩa là tôi có hỏi thăm thì cũng chẳng có gì mới mẻ để Phong kể. Phong cũng rành chuyện của tôi: tôi yêu đơn phương, người đàn ông là chồng của bạn tôi. Cũng chẳng giúp nhau được gì. Chuyện mình không xong thì giúp được ai? Nên mỗi lần gọi cho nhau thì thường tránh nói chuyện mình, chỉ nói chuyện bạn bè. Mà chuyện bàn bè lối rày cũng lung tung beng quá đi.

Tin Tuấn và vợ vừa mới ly thân được một tuần được bạn bè truyền miệng. Họ cãi nhau như cơm bữa, bắt đầu cãi ngay từ bữa đi hưởng tuần trăng mật về! Trước khi lấy vợ, Tuấn yêu một cô gái người Tàu Chợ Lớn bốn năm, mà gia đình hai bên đều không chịu. Nhà bên cô ta chạy qua Mỹ còn giữ quan niệm cũ không cho con gái lấy người khác chủng tộc. Bên Tuấn thì chê cô ta xấu, nói mày đẹp trai có bằng cấp mà lại đi thương như vậy làm xấu hổ gia đình (!). Nên khi gặp Vân -gia đình giới thiệu- xinh đẹp, có bằng cấp, nhà lại khá giả, Phong chịu Vân ngay, dù vẫn còn thương người cũ. Đám cưới làm lớn lắm. Thấy họ cũng đẹp đôi và hạnh phúc. Xứng đôi, môn đăng hộ đối, cả chồng lẫn vợ đều làm lương cao, bên ngoài nhìn vào ai lại dám nghĩ là họ không có hạnh phúc. Ai dè, thấy vậy mà không phải vậy.

Tôi cũng vừa nghe qua Bích Trâm kể -cô làm cùng sở với cô vợ của Tuấn. Phong gọi phôn tưởng tôi chưa biết, mới tính kể thì tôi nói đã biết rồi. Tôi hỏi lại Phong:

-Sao còn Phong thì khỏe không?

Tôi chỉ muốn hỏi một câu xã giao bình thường, tối thiểu. Đâu có ngờ là tôi gãi đúng chỗ ngứa của anh chàng. Phong xổ ngaỵ Mệt, mệt quá, ngất ngây luôn, chập chờn hai ba giờ sáng thức dậy hoài. Cứ đi làm rồi trả tiền nhà, chẳng có gì đổi thaỵ 35 tuổi rồi không vợ con, ông bà già cũng đâu có hiểu, cứ thấy tui lương cao là nghĩ tui có đủ rồi. Tiền thì cũng tới một mức nào thôi chứ. Tết nhứt cũng không thích đi đâu, gặp người ta lại hỏi sao không chịu lấy vợ. Ai, ổng bả cũng không chịu, cứ bàn ra. Tui có cảm tưởng là không ai muốn cho tôi có vợ, ổng bả sợ mất con. Chửi con Hương sao gọi khuya, sao gõ cửa mạnh, con gái cao có 5 feet mà mạnh cái gì. Nói mấy bà dì không đàng hoàng, một bà lấy Tây, một bà lấy Mỹ. Thì chuyện của mấy bà dì chớ hơi sức đâu mà nghĩ, hoàn cảnh người ta, ai biết được. Dạo nào chỉ lo đi làm vì chấp nhận, thấy đầu óc khỏe hơn, giờ thấy lủi thủi hoài hết chịu nổi rồi. Mẹ của Hương đã hỏi tui có chịu làm phép rửa tội không. Bên tui, ông bà già sợ tui theo đạo, rồi không ai thờ cúng ổng bả. Như Nga thấy đó, anh Minh là con cả mà lông bông chẳng chịu có vợ con, cái mạng của ổng, ổng còn lo chưa xong nói gì lo cho ai, nên chỉ còn trông chờ ở tui.

Nói tới đây, Phong cười nhẹ bên kia đầu phôn. Tôi tưởng tượng ra nụ cười héo hắt của bạn. Biết là bạn dù ở Mỹ cũng gần 20 năm rồi mà còn sống cho gia đình nhiều quá, chưa tự quyết định đời mình, hạnh phúc trong tay mà còn chờ sự chấp thuận của người thân mới dám hưởng. Hương đẹp, trẻ, học giỏi... và bằng lòng nếu cần sau này đạo ai nấy giữ. Tôi lại nhắc câu tôi từng khuyên:

-Nếu hai bên gia đình khó khăn quá thì đạo ai nấy giữ, Hương cũng bằng lòng vậy, đã ở xứ Mỹ này rồi mà.

-Ổng bả muốn người đạo Phật để thờ cúng ổng bả.

-Thôi! Chuyện hạnh phúc bây giờ không lo, lại đi lo chuyện lúc chết, chết thì biết gì mà lo, để anh có vợ rồi có cháu cho hai cụ bồng vui hơn không... Để bữa nào Nga ghé chơi sẽ khuyên bà cụ.

-Thằng Tuấn đã mon men ướm rồi. Bà cụ trả lời cái phắt, "đã nói không được rồi mà". Mới biết là bả chống dữdội.

-Thì anh tự quyết định đi, 35 tuổi rồi, mình có hạnh phúc, mình mới đem hạnh phúc san sẻ cho kẻ khác được chứ.

-Khổ nỗi là tôi cứ áy náy, cứ đợi sự đồng ý của cha mẹ nên không quyết định được gì.

Lúc cúp phôn Phong chúc tôi ngủ ngon. Tôi cười nói với Phong, cần được như vậy, và cũng chúc Phong ngủ ngon. Nhưng sau đó tôi không ngủ được, cứ lăn qua lăn lại, đổi tới đổi lui mặt gối. Đầu óc cứ nhớ hết chuyện này qua chuyện khác. Thanh và tôi quen nhau ở trong trường, sau ba năm lấy nhau. Ngày lấy chồng, tôi vừa 27 tuổi. Bao nhiêu năm ăn học khổ cực, vừa ra trường một năm, chưa hưởng được gì, thì Thanh lâm trọng bệnh. Chồng mất, tôi làm góa phụ Ở tuổi 29. Tôi vẫn ở vậy từ đó cho tới bây giờ, dù sau này cũng có vài người đeo đuổi mà tôi chưa chịu ai. Tôi chỉ để ý tới ông đồng nghiệp... lại đã có vợ con! Ban ngày làm việc gần ông ta, tôi chỉ biết có ông, nhưng đêm về tôi lại chỉ biết có Thanh, người chồng quá cố. Tôi sống với những kỷ niệm của hai đứa và thấy mình đủ hạnh phúc. Chỉ vài tháng nay đầu óc tôi không được yên ổn cho lắm. Hình như Phong cũng đoán được tâm tình của tôi, nhưng anh nghe chuyện tôi thì nghe, chứ không mấy chú tâm. Anh coi tôi là Dear Abby của anh để anh trút hết những rắc rối tình cảm của mình, mà anh không bao giờ hỏi sao qua 5 năm rồi đời sống tình cảm của tôi vẫn cứ giậm chân một chỗ.

Đêm qua đi lặng lẽ. Tôi đã chợp mắt được một chút vào lúc gần sáng. Tỉnh dậy, mền, nệm, gối chăn lúc này đã ấm áp dễ chịu, tôi không muốn dậy đi làm. Người mệt mỏi như sau một kỳ thị Phải dậy đi làm, tôi khổ sở hết sức. Thanh mất đã lâu mà tôi vẫn nhớ mãi ly cà phê buổi sáng mà anh đã pha chế cho tôi uống trước khi tôi đi làm! Hạnh phúc chỉ cần những ly cà phê nhỏ đó. Rồi một ngày làm việc cũng trôi qua...

Một tuần sau, Phong có chuyện buồn nên lại gọi tôi. Cho biết bà chị đòi ở chung. Chị đòi theo ở. Ông già cứ chửi đòi đuổi ra khỏi nhà hoài. Có tui ở, ổng còn nể chứ tui đi rồi, bả đỡ đòn một mình sao thấu. Bả áy náy, tui nói, đâu phải chị là người đầu tiên chưa chồng ra ở riêng. Cam kết rồi, ở thì ở nhưng mạnh ai nấy sống, không được chêm chỉa, xía vô xía ra, bạn bè tui tới, cấm phê bình. Mình phải lo cho hạnh phúc mình chứ, mình có hạnh phúc thì mới đem hạnh phúc san sẻ cho kẻ khác được (Phong lập lại lời nói của tôi mà xem chừng anh chàng không hay). Hồi tụi nhỏ (em của Phong) còn đi học, mình không dám đi chơi, cảm thấy tội lỗi, tụi nó học cực khổ, chẳng lẽ mình lại đi chơi. Vậy mà hồi đó tụi nó không hiểu còn đi trách cứ, đổ thừa tại có anh ở Mỹ nên dạo ở VN không đi học được. Cha là sĩ quan thời chế độ VNCH, cũng đâu có đi học được.

-Con nít thường ăn nói thiếu suy nghĩ vậy đó.

-Con nít gì! Mình trên 30, thì tụi nó cũng gần 30, già hết rồi. Tại mình lo hết, tụi nó không thấy phải lo, nên cứ vong ơn, ăn cháo đá bát!

Giáng Sinh năm đó Hương đi lấy chồng. Phong gọi điện thoại cho tôi biết. Giọng Phong buồn lắm. Đó là điều dĩ nhiên. Bây giờ Phong mới cảm thấy thật sự đã mất người yêu. Nói ra sợ Phong giận, tôi nghĩ bụng, thôi như vậy cũng hay, Hương sẽ vui với chồng con, Phong sẽ gặp một người nào và mong sẽ không có trở ngại nào nữa để Phong lập gia đình cho rồi. Chứ dây dưa 5 năm trời chẳng đi tới đâu mà cứ làm khổ nhau. Thôi thì không thôi, cưới thì chẳng cưới, tội gì con gái phải khổ như vậy, lại là con gái vừa đẹp, vừa học giỏi như Hương. Phong nói với tôi Phong không giận Hương chút nào, chỉ thấy buồn thật buồn. Tôi đoán có lẽ Phong nghĩ tới hoàn cảnh đơn chiếc của anh nên anh buồn. Hương chắc không buồn nhiều như những người con gái bị ép gả chồng, vì tình cảm giữa hai người đã tới giai đoạn ăn rồi chỉ cãi nhau, đâu còn gì để mà thương với nhớ. Hương chẳng phụ bạc ai. Nhưng tôi biết gì về Hương mà cho là Hương sẽ không thương nhớ. Tôi đâu phải là Hương. Tôi chỉ là dân học ngành khoa học, biết một cộng một là hai.

Được hay không được, dang ra cho người ta lấy chồng. Người lớn thường hay nói như vậy. Phong nghĩ họ nói cũng phải. Nhưng buồn quá. Bữa đám cưới của Hương, Phong theo bạn bè đi nhảy đầm, chàng uống rượu say mềm, may mà có Tiến đưa về. Bạn bè đều biết Phong buồn vì người yêu bỏ đi lấy chồng, nhưng không ai trách Hương và đều đồng ý việc Hương làm. Ai hơi sức đâu mà đợi chờ, đâu có một lý do chính đáng nào đâu mà chờ. Đâu phải chờ cho người yêu học xong có công ăn việc làm. Ở đây, anh chàng không quyết định nổi đời anh chàng, thì chờ làm chi!

Phong giận cha mẹ, anh chị em, mấy tháng trời anh chàng không về nhà cha mẹ. Phong muốn yên tịnh để khóc thương mối tình đã mất. Bà mẹ lo cho con, thỉnh thoảng nhờ Tuấn bạn chàng ghé thăm rồi báo cáo tình hình cho bà biết. Thương con thì có thương, nhưng không bao giờ bà chấp nhận Phong lấy Hương, bà chê gia đình của Hương không xứng với gia đình của bà. Tin Hương đi lấy chồng làm bà thở nhẹ nhõm. Bà nghĩ bây giờ thế nào Phong cũng nghe lời bà mà lấy con Thu, con ông quận trưởng Trường, người cùng quê với vợ chồng bà, làm vợ. Bà thích con bé này hết sức: nó biết chiều chuộng bà, cứ vài ngày là gọi điện thoại thăm hỏi cánh tay của bà dạo này còn nhức mỏi nữa không. Thu có chơi hai chân hụi do bà làm chủ cái. Nước da bánh mật, người hơi đẫy đà, Thu không được đẹp, thua xa nét quí phái của Hương, nhưng cô khéo léo xã giao, buôn bán giỏi. Cô lại hay đi chùa, mẹ Phong sẽ không lo là không có người đưa bà đi chùa! Phong vẫn cứng đầu không chịu.

Một lần Phong gặp Hương ở bữa văn nghệ trường UW. Nàng đi dự với chồng. Nàng không tìm cách tránh mặt ngó lơ gì hết. Nàng nhìn thẳng vào mắt Phong mà không lộ chút xúc động. Phong than phiền với tôi về thái độ tỉnh bơ của Hương.

- Đúng là con gái mau quên, ngày nào thề thốt yêu thương, làm mình tưởng mình là lẽ sống của cô ấy, vậy mà lấy chồng rồi quên hết...

Tôi không đồng ý với Phong. Không mang lại hạnh phúc cho người ta thì cũng phải để người ta hưởng thụ cái hạnh phúc do người khác đem đến chứ.

-Tại Phong không dứt khoát thì thôi, chứ trách cứ gì nữa. Anh là đàn ông mà anh không quyết định được cuộc sống, tương lai của anh, thì con gái nào dám tin tưởng giao phó cuộc đời của họ cho anh. Hương lấy chồng mà có hạnh phúc, tôi cũng mừng cho cô ấy.

-Tui cũng đâu vui gì! Bà già bả khó quá! Tui cũng đâu có đi lấy vợ , mà cũng có đi bồ với ai đâu!

Tưởng than phiền sẽ được tôi thông cảm, ai dè lại bị tôi quạt, nên mấy tháng sau đó Phong trốn biệt không gọi phôn cho tôi nữa. Dạo trước Phong hay gọi tối chủ nhật, để than thở là sáng hôm sau phải đi cày, lại bắt đầu một tuần dài cày bừa. Những tối này ai cũng ở nhà nghỉ ngơi để sáng hôm sau đi làm. Tôi hay giặt rồi xếp áo quần trong lúc vừa coi “60 Minutes”, có khi vừa ngồi ký trả tiền bills. Tiền xe, tiền bảo hiểm, tiền xăng, tiền điện, tiền nước, tiền phôn, tiền nợ thẻ tín dụng, hầm bà lằng... ước gì có ai để chia xẻ -chia ngồi ký những thứ nợ này! Tối nay tôi làm những việc này với nỗi cô đơn ngây ngất. Nhớ Thanh, nhớ những dự định chúng tôi đã phác họa mà chưa thực hiện được. Cả cái tuần trăng mật cũng còn phải hoãn lại. Nhớ Thanh hứa với tôi, chừng anh ra trường có tiền, anh sẽ đưa em đi chơi Âu Châu... Tôi đang nghĩ miên man, bỗng cái phôn chợt vang lớn lên, làm tôi giựt mình. Mai Khanh hấp tấp cho biết:

- Phong than buồn, đòi bán nhà. Anh chàng dạo này bết bát lắm, tóc dài, râu để tới lởm chởm mới cạo. Tao sợ hắn mất giốp nữa đó Nga ơi!

- Chuyện gì dữ vậy?

-Thì người yêu đi lấy chồng, bây giờ thấy mất đâm ra hốt hoảng. Tao thấy hắn dạo này còn hút thuốc nữa!

Khi nghe Phong sống buông thả, tôi bấm bụng làm lành gọi Phong để khuyên anh:

-Phong, anh đừng có nhậu nhẹt nhiều quá không tốt đâu... ảnh hưởng tới sức khỏe rồi công ăn việc làm nữa. Làm gì thì làm chứ giốp mất thì cái nhà cũng bay.

Bên kia phôn, Phong lại khuyên tôi:

-Bà đừng lo cho tui, bà lo cho bà trước đi! Thanh mất đã 5 năm rồi. Bà vẫn còn thương nhớ nó nên bà không dứt khoát với dĩ vãng được. Bà không yêu thương gì cha đồng nghiệp của bà đâu! Bà tự chọn cho bà một mối tình biết sẽ không bao giờ thành đạt được, để mãi mãi bà vẫn là của Thanh. Nhưng Nga ơi, bà còn quá trẻ. Chuyện của tui thì tui tối lắm, nhưng chuyện của bà thì tui lại sáng. Bà không nên sống mãi như thế này được. Life goes on.

Bên này phôn, bỗng nghe Phong nói như vậy, tôi nấc nhẹ lên tiếng khóc như đứa trẻ mủi lòng. Lâu nay tôi cũng mơ hồ nhận biết điều ấy, nhưng với cõi lòng yếu đuối, tôi phủ nhận sự thật một cách tích cực.

-Nga, bà cứ khóc đi! Từ hồi nào tới giờ bà không chịu khóc, nhưng tui biết bà khóc thầm trong lòng, khóc nhiều lần trong những lúc bà nghe chuyện của tui. Khóc đi, bà mới thấy nhẹ người như trút được gánh nặng, chứ bà im lìm lỉm làm tui sơ... Bà tưởng tôi không quan tâm chuyện của bà chứ gì.

Rồi anh cười:

-Nếu như tui hứa... tui làm lại cuộc đời, thì bà cũng phải hứa như vậy, mới là công bằng phải không? Chẳng lẽ trên thế gian này lại không có một người nào để mình thương yêu.

Tôi quẹt nước mắt, cũng cười:

-Có chứ! Của Nga thì đã bỏ Nga ra đi. Còn của Phong, thì chính anh đã đánh mất! Đúng là hai người đàn ông khờ dại nhất trên đời. Thanh thì... ngủ với vợ không ấm sao lại ra Mountain View nằm chi cho lạnh lẽo. Còn Phong, người đẹp đã ở trong vòng tay của mình lại để người khác rước đi mất, ngốc quá đi, Phong ơi!

-Hì hì! Cái dại của tui còn cứu vãn được, còn làm lại được, chứ cái dại của ông Thanh như đi lính ra chiến trường bị cho một phát súng nằm ngay... thì không còn có cơ hội lần thứ hai!

Tôi phì cười, nhớ lại thời đi học, mỗi khi thi cử đầu óc căng thẳng, vì cứ sợ bị gãy lớp, hai ông hay nói, xứ này đi thi bị rớt thì lấy lớp lại, thi lại, chứ có ra mặt trận đâu mà sợ.

Tuần sau, tôi quyết định đổi sở làm, đổi chỗ ở... đi một nơi thật xa, mà nơi ấy chỉ có một bà chị họ của tôi đang ở. Trước đây chị hay gọi phôn khuyên thay đổi không khí đi em, nơi đây thành phố rất thơ mộng, dễ thương, công ăn việc làm cũng dễ tìm.

Gần ngày đi, tôi đến thăm mẹ Thanh lần cuối. Bữa đó, trời vừa mưa đêm trước, cảnh vật còn ướt át dưới bầu trời ảm đạm, xám xịt, mọi thứ đượm một màu buồn bã. Cây cối mọc rậm rạp chĩa nhánh lung tung bao bọc căn nhà cũ kỹ. Sân trước rong rêu đóng xanh nghít. Tôi phải bước chậm cẩn thận vì sợ ngã. Ngày ấy vợ chồng chưa có dịp sơn lại nhà, làm lại mái ngói. Vườn sau, cũng chưa thay lại cái hàng rào. Thanh mới ra trường, còn bận rộn lại tài chánh thì cũng chưa được thong thả nên cứ hẹn lần hẹn lượt. Bây giờ cái hàng rào đã quá mục -tuy chưa ngã hẳn. Chó, mèo hàng xóm cứ chui từ những cái lỗ hổng dưới hàng rào qua bên này... làm bậy, đôi khi còn đuổi nhau phá phách trên đám rau của bà. Tôi ngồi nơi cái bàn nhỏ dùng làm bàn ăn đặt ở bếp, nhìn quanh. Căn nhà tuy nhỏ mà lạnh lẽo quá, vì bà ở một mình. Tôi ái ngại cho bà. Tôi lại nói:

-Con nghĩ mẹ nên bán căn nhà.

-Rồi mẹ đi đâu?

Những lần trước, khi tôi mời bà về ở với tôi cho vui, bà đã khăng khăng không chịu. Huống chi bây giờ tôi lại sắp làm một chuyến đi xạ Bà chỉ thở dài. Tôi biết là tôi cũng không có một giải pháp nào ổn thỏa cho cuộc sống của bà. Kỳ thăm này, tôi ở chơi lâu hơn, ăn một bữa cơm với bà, nói bao nhiêu thứ chuyện. Rồi tới lúc cũng phải ra về. Bà đưa tôi ra cửa, căn dặn nhiều lần, con phải giữ gìn sức khỏe, nhớ mặc thêm áo vào mùa lạnh vì phổi con yếu. Tôi cảm động, bà vẫn lo cho tôi như khi hồi Thanh còn sống. Tôi còn trẻ, tôi lo cho tôi được, còn ai lo cho bà, bà già rồi! Khi tôi ra xe, bà đứng nhìn theo, ánh mắt bịn rịn buồn bã. Nắng cuối tháng mười yếu ớt, vàng vọt. Mùa này, cái nắng đã thành hiếm hoi. Cây lá trên cành đã đổi màu, đỏ vàng, rơi rụng đầy xuống đất. Một cơn gió lạnh làm tôi rùng mình. Tôi biết cũng lâu lắm tôi mới trở lại thành phố này. Cũng lâu lắm tôi mới gặp lại bà. Tôi tự nhủ, con sẽ gọi cho mẹ. Con sẽ gọi mẹ thường xuyên... Dù điều đó sẽ đi ngược lại cái lý do tại sao tôi phải đi xạ Là để quên quá khứ, để làm lại cuộc đời.

Trước khi đi, tôi mở laptop ra, gửi cho Phong một cái điện thư:

"Phong, tui đi xạ Tiểu bang mặt bên kia lận. Tui sẽ bắt đầu lại từ đầu... như anh đã khuyên tui -và tui nghĩ là cho cả anh nữa. Tui chưa có địa chỉ nhất định, cũng không có số phôn... để cho anh. Nhưng anh cứ nhớ cái địa chỉ email này mà nhớ liên lạc với tui nhé! Cho tới ngày nào tui tìm ra được "người ấy", thì tui vẫn còn cần anh... Anh phải nhớ như vậy. Nhớ nhé! Mộng Nga, bạn anh."

Khi chờ ở phi trường, tôi mở địa chỉ Yahoọ Phong đã nhận thư và trả lời lập tức:

"Tui cũng cần bà... cho tới một ngày nào đó tui tìm được "người ấy" của tui. Nhưng sao lại phải giới hạn trong một thời hạn ngắn như vậy... Chưa chắc mình sẽ cần nhau suốt đời, nhưng cứ mong là mình cần nhau suốt đời, phải không Nga, bạn quý? "

Tôi mỉm cười sau khi đọc email của Phong. Tôi biết trong đời sống dù hạnh phúc hay khổ đau thế nào đi nữa tôi cũng còn có Phong là bạn.