Hôm nào cũng vậy, hắn mở mắt chào ngày mới bằng hai tiếng Đ.M.

Ấy là lúc chiếc đồng hồ báo thức réo vang. Hắn bật dậy, mắt nhắm nghiền nhưng vẫn nện một cú chính xác như trời giáng vào chiếc đồng hồ, khiến nó câm bặt. Ngáp một phát tưởng chừng rách cả mồm, hắn rống lên cái âm thanh thân thuộc:

- Đ.M!

Vừa chửi, hắn vừa khó nhọc mở mắt nhìn qua khung cửa sổ. Dĩ nhiên là trời còn tối om, vì mới hai giờ đêm, cái thời điểm mà giấc ngủ sinh học của con người đang ở lúc say sưa nhất. Thậm chí nhiều đôi lúc này còn đương ngơ ngẩn tận cõi "đào nguyên". Thế mà hắn lại phải mò dậy, từ bỏ chiếc chăn êm ái và tấm thân mỡ màng, trắng nhễ nhại của một con bé nào đấy để lao ra chợ bán bán buôn buôn.

Nói vô phép, những đêm mùa hè trời trong gió mát thì tiếng chửi của hắn nghe có phần êm ái hơn, vì hắn chỉ chửi theo một thói quen. Nhưng vào những ngày đông giá, khi mà tiếng bão tuyết hun hút rít lên sau khung cửa sổ, những đám tuyết bay mù mịt đầy trời thì cái tiếng chửi ấy nghe sao mà não nề, ai oán. Nhiều khi hắn cũng tự lên gân lên cốt để ra cái vẻ tráng sĩ một đi không trở về, thì lúc đó hai tiếng "Đ.M" lại mang âm hưởng hùng tráng như một khúc quân hành nhưng được ca lên bởi một đoàn quân thất trận.

Tiếng chuông báo thức buổi đêm chính là cái âm thanh kinh hãi nhất trong một ngày của hắn. Nó đeo đẳng, ám ảnh tâm trí của hắn bao năm naỵ Đến mức vào những ngày nghỉ hiếm hoi, hắn cũng vẫn phấp phỏng chờ cái tiếng chuông quái ác đó cất lên, để rồi bật dậy đập một phát đầy thích thú vào chiếc đồng hồ, chửi một phát rõ sảng khoái. Rồi sau đó hắn say sưa đi vào giấc ngủ như vừa làm xong một việc lớn.

Có những hôm, chửi xong, hắn lại nằm vật xuống giường, bụng bảo dạ: "Năm phút nữa thôi. Chỉ năm phút nữa thôi thì ta sẽ dậy!". Thế nhưng đã hơn một lần cái năm phút của hắn kéo dài thành hẳn vài tiếng; để rồi khi hắn ra đến chợ thì thằng hàng xóm đáng ghét đã đương rung đùi, nhổ nước bọt phì phì ra mấy đầu ngón tay đếm từng xấp tiền dày cộp, mồm xuýt xoa cố để cho hắn nghe thấy: "Mẹ kiếp, gặp khách sộp quá cũng khổ, đếm mỏi tay không hết tiền. Đã thế nó lại không thèm mặc cả, mình hét giá nào cũng muạ Mà này, dễ đến ba bốn thằng khách quen cứ hỏi cậu. Đợi mãi không được, chúng nó phải sang bên tớ đóng hàng. Chả hiểu chúng mua làm quái gì mà đầy cả mấy vu dệch(#1)". Rồi nháy mắt với hắn ra vẻ thương hại. Hắn thấy tức tràn hông, chỉ muốn nhảy vào bóp cổ chết mẹ cái thằng hàng xóm đểu giả này đi, vì thừa biết là nó lỡm mình. Đồ xỏ lá ba quẹ Hắn bực thằng hàng xóm lắm, vì hắn cứ có hàng gì mới có vẻ chạy chạy một chút là ngay hôm sau thằng này cũng có y chang, mà lại bán rẻ hơn để giật khách. Đã nhiều lần hắn cố nghiến răng nuốt cục hận vào trong bụng và rặn ra một thứ giọng êm ái nhất, nhẹ nhàng phân tích cho thằng kia hiểu, là có bán cao cao lên một chút thì so với giá mà bọn Ba Lan bán ra vẫn còn rẻ chán; thì kiểu gì khách cũng phải muạ Chứ tội gì mà mỗi "con" áo khoác ăn được có mấy chục xu, chả quá là đi thu tiền hộ cho chủ hàng. Ấy thế mà thằng đầu đất kia cũng chẳng thèm nghe, vẫn chứng nào tật nấy. Làm cho cái sự dậy sớm thức khuya của hắn nhiều khi bị trả giá quá rẻ rúng. Những lúc ấy, hắn cũng lại chỉ biết gằn giọng chửi thầm trong bụng.

Nghĩa là kiểu gì hắn cũng phải chửi, bởi nếu không thì hắn không thể dậy được vào cái thời điểm giữa đêm quái quỉ ấy. Hắn than thân, trách phận. Chả hiểu ngày xưa cụ Nam Cao cho Chí Phèo chửi đời, chửi giời kiểu gì, chứ còn hắn, hắn chửi thật dõng dạc, đã thế lại còn ngửa hẳn mặt lên dường như muốn để cho cái lão Giời ấy nghe được rõ hơn: "Đ.M. thằng giời!", "Đ.M. đời".

Nhưng khác với anh Chí, hắn không chửi người đẻ ra hắn. Vì nếu anh Chí không biết cái đứa đẻ ra mình là ai, thì hắn còn may mắn hơn anh chán. Nghĩa là hắn biết. Và hắn thương họ. Hắn không ra đời bên cạnh cái lò gạch, mà trong bệnh viện, vào cái đêm bầu trời thủ đô nhằng nhịt đạn pháo phòng không. Không chỉ riêng hắn, mà cả cái thế hệ bọn hắn đều được thành hình trong tiếng bom rơi đạn réo, khi những binh đoàn tế bào sinh sản giống đực xanh lét một màu rau muống lẩy bẩy xông lên trong hồi kèn xung trận với những tiếng "xung phong" dậy đất.

Có một nhà văn nào đó đã viết, rằng nếu anh không nhớ được những điều quan trọng trong đời, thì đầu óc anh hỏng mất rồi. Nếu thế thì có lẽ hắn hỏng thật. Đầu óc hắn luôn mụ mị với chuỗi ngày tháng năm dài đằng đẵng vô vọng, nhàm chán. Ngày ngày nặng nề trôi qua trong tiếng thở dài như một thằng tù kiên nhẫn đếm số ngày còn lại trước thời hạn được trả tự dọ Cuộc sống không còn gì khác ngoài cái vòng kim cô: tiền - hàng, hàng - tiền. Nhiều khi hắn không còn cả khái niệm về thời gian bởi cái kiếp sống lấy đêm làm ngày, lấy ngày làm đêm.

Hắn hỏng thật rồi. Bởi đến mặt vợ và con gái hắn cũng không còn nhớ. Hắn xa hai mẹ con nó đã được gần sáu năm. Sau cái đận về quê hương ăn Tết từ năm 97, hắn lộn lại sang bên này và bị đứt visa một mạch từ hồi đó đến giờ. Sáu năm chỉ được nghe tiếng vợ con qua điện thoại, thi thoảng thì có tấm hình. Hãn hữu lắm, có người quen nào về, hắn nhờ họ quay cho một vài đoạn băng video để nhìn cho đỡ nhớ. Nhìn hai mẹ con nó ôm nhau mà hắn bật khóc. Vợ hắn trong ảnh trông có vẻ già hơn so với lần gặp cuối. Ờ, mà nàng cũng đã băm ba rồi còn gì. Trông nàng khắc khổ, khô héo. Ánh mắt nàng nhìn hắn đắm đuối, tiếc nuối và xem ra có phần tuyệt vọng. Cả một tuổi xuân sắp trôi qua rồi còn gì. "Gái phải hơi giai như thài lài được cứt chó". Đằng này nàng cứ vò võ một mình chừng ấy năm giời chờ hắn. Sáu năm đằng đẵng xa chồng trong cái thời bình này, thử hỏi có đúng là một cực hình không? Ừ, thì ngày xưa thời chiến, vợ chồng phải xa nhau vì Tổ quốc lâm nguy, phải hi sinh hạnh phúc cá nhân? Đã đành! Bây giờ thì vì hạnh phúc cá nhân người ta lại phải xa nhau? Mỉa mai thay! Trách ai khéo nghĩ ra cái tích nàng Tô Thị chờ chồng để cho nó vận, nó ám vào cái số phận của người đàn bà Việt Nam dai dẳng, đeo đẳng lâu như thế? Thương vợ, đã có lần gọi điện thoại, hắn bóng gió nói với nàng, đại ý: mắt không nhìn thấy thì tim không đau. Em cứ liệu đường, liệu nẻo, miễn kheo khéo là được. Mai kia anh về, quyết không dám hoạnh hoẹ, làm tình làm tội gì đâu. Vợ hắn thoạt đầu ngớ ra không hiểu, nhưng sau đó nàng khóc sụt sùi. Hắn cũng nghèn nghẹn cổ. Ừ, làm thằng đàn ông mà phải nói những điều "tháo khoán" ấy cho vợ, thử hỏi ai mà chẳng đau lòng. Nhưng hắn thương nàng quá đỗi. Hơn ai hết, hắn biết vợ mình có sức sống rất mãnh liệt. Thời gian vợ chồng còn bên nhau, ngày nào mà hai vợ chồng hắn chẳng "yêu" nhau, có hôm đôi ba lượt. Vậy mà bây giờ...

Tuy rất thương vợ, nhưng hắn cũng phải có chỗ "đi về", chứ chẳng thể nào làm khác được. Có điều, hắn làm chuyện này cũng kín đáo, nghĩa là theo kiểu bóc bánh trả tiền chứ không cặp bồ. Mặc dù ai đã từng buôn bán ở cái Sân vận động Mười Năm này cũng đều phải công nhận: có đôi, có lứa làm ăn dễ dàng hơn nhiều so với cánh lính phòng không. Thằng đàn ông là cái giỏ, người đàn bà là cái hom. Người ta ai cũng có đôi. Nếu không là vợ chồng thì cũng là bồ bịch. Hắn biết có nhiều cặp làm ăn khấm khá lắm. Vợ chồng đã đành, nhưng có những đôi chỉ cặp với nhau theo kiểu góp gạo thổi cơm chung mà phất lên trông thấy, chuyện ăn chia cũng khá sòng phẳng. Lợi đủ đường! Ban ngày thì cùng nhau thu va thu vén đồng tiền, bát gạo, tối về lại có việc mà làm, vừa vui, vừa dễ ngủ, vừa tránh cho một bộ phận thân thể khỏi mang tiếng là chỉ làm mỗi chức năng xả nước đái. Có đôi, có cặp tiện lắm. Dễ từ khâu lấy hàng. Chỉ cần nháy một cú phôn là hàng được chở đến tận quầy. Chứ bọn độc thân thì có mà nằm mơ cũng không được. Chủ hàng chẳng mấy ai lại tin tưởng những thằng độc thân, giao hàng tiền chậm cho bọn này thì khác nào gửi trứng cho ác. Dưới con mắt của họ, bọn trai độc thân đích thị là những thằng kém tắm, đến kiếm cho bản thân một "nơi" để "đi ra đi vô" cũng không được thì đúng là bất tài rồi còn quái gì nữa. Đã thế ki ốt lại đi thuê, nghĩa là hôm nay nó còn đứng bán hàng, nhưng rất có thể ngày mai nó đã ẵm cả vốn liếng của mình và lặn một mạch không sủi tăm. Bọn này trông mặt mũi thằng nào cũng na na giống con cháu của “Trạng Bùng”. Lũ đấy là cứ phải tiền tươi thóc thật, chứ không lơ tơ mơ được.

Ấy thế mà hắn vượt lên tất cả. Nghĩa là hắn không cặp với ai, nhưng vẫn kiếm đủ tiền mua ki ốt và được nhiều chủ hàng tin cậy.

Hồi đi, hắn định bụng chỉ ba năm, bất quá năm năm thì về. Hai vợ chồng bàn nhau và đi đến quyết định: vợ hắn ở lại hậu phương chăm nuôi đứa con gái mới đầy tháng còn đỏ hon hỏn. Còn hắn sẽ sang Ba Lan cầy sâu cuốc bẫm dăm ba năm rồi về. Kiểu gì sau dăm năm, lúc về hắn cũng có một số dấn vốn kha khá, bán quách cái nhà trong ngõ hẻm, phụ thêm tiền đổi ra mặt phố thì may ra có cơ đổi đời. Chứ cái đồng lương công nhân của hắn cộng với lương giáo viên cấp II của vợ, phải tằn tiện lắm mới đủ sống qua ngày. Biết tính toán và chịu khó, hắn kiếm cũng được. Nhưng ông giờ thật là ác, số tiền hắn kiếm được mỗi năm chỉ là cấp số cộng và có nguy cơ ngày một ít đi, trong khi đó thì giá nhà đất ở Việt Nam lại tăng theo cấp số nhân, mà tăng đến chóng mặt luôn. Ngày hắn đi, chỉ mong kiếm được ba chục ngàn đô là đã tính chuyện mua được quả nhà mặt phố.Nhưng bây giờ giả sử có ba trăm nghìn thì cũng đừng có mà mợ Không hiểu sao một cái đất nước nghèo rớt mồng tơi, nghèo đến mức tâm trạng vọng ngoại rừng rực ở mọi nơi, mọi chỗ, mà giá nhà đất lại cao hơn cả những nước phát triển nhất. Hắn không thể hiểu được, và có lẽ sẽ không bao giờ hiểu được, cũng như rất nhiều điều bí ẩn, khó hiểu khác ở trên quê hương hắn...

* * *

Nhưng sáng nay, trái với thường lệ, hắn bật ngay dậy khi tiếng chuông vừa réo. Nhanh nhẹn như một người lính, chỉ sau ít phút, hắn đã chễm trệ trên taxi, râu ria nhẵn nhụi, thậm chí tóc còn dấp một ít nước lã cho bóng. Gã tài xế quen thuộc cũng lấy làm ngạc nhiên trước vẻ yêu đời của hắn, nháy mắt hỏi:

- Thế nào, hôm qua kiếm được "của lạ" à?

Hắn vui vẻ lắc đầu. Không, đối với một thằng chuyên ăn bánh trả tiền như hắn thì chuyện "của lạ" đâu có gì là khó khăn. Chỉ với 100 zł, là bất kì lúc nào cũng có một bé tươi roi rói (theo cái nghĩa "cũ người mới ta") để mà giải sầu. Nếu như dăm năm trước, bỏ tiền ra thì chỉ có thể mua được một ả râu ngô nào đó để hì hụi trả thù dân tộc, thì bây giờ, với số tiền trên, thậm chí chỉ cần 50 zł, cũng có thể "trâu ta tắm ao ta" - một em Giao chỉ chính hiệu.

Những năm gần đây công việc làm ăn mỗi ngày một khó, nhưng dân Giao chỉ tràn sang ngày một đông. Mật ít, ruồi nhiều, đồng tiền mỗi ngày một khó kiếm. Để tồn tại, người ta phải làm đủ nghề, đủ cách. Để gỡ gạc số tiền đã phải bán nhà bán cửa, hay phải vay nặng lãi để làm lộ phí sang đây, đôi khi người ta không có sự lựa chọn giữa trắng và đen, giữa cái thiện và cái ác. Cái cộng đồng Giao chỉ bên này y hệt như một xã hội Giao chỉ thu nhỏ với đủ thứ tệ nạn.

Nhìn vẻ mặt thắc mắc của chú tài xế quen thuộc, hắn vui vẻ giải thích:

- Tao mới nhận được quyết định cho quyền tạm cư ở Ba Lan một năm.

Vừa nói, hắn vừa móc trong túi ngực ra tờ quyết định cho phép nối lại thẻ tạm cư có thời hạn một năm tại Ba Lan được bọc ngay ngắn trong cái túi nilon.

- Xin chúc mừng!

Gã lái xe hét lên một cách thành thật. Do đã quá quen thuộc với những tấn bi hài kịch mà các ông bà khách khác màu da này gặp phải hàng ngày, gã hiểu ngay cái chân giá trị của mảnh giấy mỏng tang kia, cũng như nguồn cơn của cái sự sung sướng kia. Đó chính là cái quyết định cho phép một thằng dân Giao chỉ được quyền làm người (dù là loại II) trên cái lãnh thổ Ba Lan này. Nghĩa là nó cho phép một thằng dân Giao chỉ được ho, được hắt xì hơi ở ngoài phố, được đi lại tự do mà không lo bị bắt bỏ tù. Nó cho phép một thằng Giao chỉ có cơ hội để làm ăn một cách hợp pháp. Nó cũng là tấm bùa hộ mệnh cho một thằng dân Giao chỉ trước những tên cướp ngày là lũ cảnh sát chuyên mượn cớ kiểm tra giấy tờ tùy thân, nhưng thật ra là để trấn lột.

Khi nhận được tờ quyết định, hắn đã nhảy cẫng, reo lên vì vui sướng. Luật ân xá muôn năm!(#2) Vĩnh biệt nhé từ đây những chuỗi ngày chui lủi như chuột. Đ.M chúng mày, hỡi những thằng cảnh sát khốn nạn chuyên trấn lột của dân Giao chỉ! Từ giờ trở đi, bố mày không phải lẩn tránh, mà có thể hiên ngang đi qua mặt chúng mày, đồ súc vật kia ơi! Hắn muốn gào lên vì sung sướng, nước mắt như chực trào ra. Em yêu ơi, con gái ơi, Tết này nhà mình sum họp rồi!

Hắn mang cái tâm trạng lâng lâng ấy ra chợ. Ôi cái khu chợ mà hắn tưởng đã phát ngấy lên tận cổ từ 8 năm qua, bỗng sao hôm nay nó đáng yêu đến thế.

Hắn âu yếm đảo mắt như rang lạc nhìn quanh.

Vẫn những tiếng rao lạc cả giọng của mấy mụ hàng quà rong mà hôm nay nghe như những làn điệu dân ca của cả ba miền.

Vẫn cái cảnh các chú Giao chỉ ngồi vêu mõm mà chưa mở hàng, đứng tụ tập nhau thành từng đám, vừa rít thuốc lá, vừa văng tục hoặc đồng thanh ồ lên trầm trồ: "Khớ nhẩy!", khi nhìn thấy cái mông cong vút hay cặp chân dài của một con đầm đánh đít đi ngang qua.

Đằng góc kia, ba bốn bác Giao chỉ tâm sự chuyện gia đình, một bác giọng bùi ngùi than thở: "Kiểu này có lẽ phải xuống tỉnh bán hàng mất thôi. Phải xuống tỉnh thì mới mong lấy được vợ Tây!". Một bác khác gật gù: "Ờ, đúng đấy. Thằng Thà mới xuống tỉnh có ba tháng thôi mà đã vớ được con Tây kháu lắm. Hôm trước tớ gặp, thấy cu cậu trông nhanh nhẹn hẳn lên, chứ không còn đù đờ như cái đận năm ngoái. Mặt mũi cũng nhẵn nhụi, đẹp giai ra nhiều rồi!". Giọng một bác khác tinh vi: "Cần chó gì phải xuống tỉnh. Ở Vác này con gái đấy rẫy ra đấy thôi. Cái chính là các ông vừa ngắn tiếng, vừa ngắn chim, nên mới không cưa được. Phải tay tôi ấy à... ". "Tay ông thì làm sao? Đừng có nói phét!", "Mẹ thằng này, láo!" Lập tức, các bác kia xúm vào, gầm lên. Cuối cùng chẳng nghe ai ra ai nữa. Bác "ngắn chim, ngắn tiếng" kia khôn hồn nên lảng ra chỗ khác một cách rất khẩn trương vì biết mình phạm phải một sai lầm chết người: không được phép chê, dù đó là lời chê đúng. Bác ta sực thấy mình quả là dại dột, vì việc chê một thằng đàn ông ngắn... súng thì tội nặng ngang với khi quân, đáng bị tru di tam tộc.

Chưa hết, đằng kia một chú thiếu niên chắc là trêu ghẹo tán tỉnh cô bạn gái một cách hơi sỗ, nên bị ả đuổi. Chú cắm đầu chạy. Ả bạn gái đuổi kịp, vừa phát cho thiếu niên mấy cái vào lưng thùm thụp , vừa mắng xa xả: "Vả cho mấy cái vỡ mõm bây giờ! Đồ nỡm!".

Chỉ nghe cái lối phát âm nhoè nhoè ấy là hắn nhận ngay ra đồng hương của mình. Con gái quê hắn nổi tiếng là đanh đá. Các nàng đanh đá cả khi tỏ tình và làm tình.

"Vả cho cái vỡ mõm bây giờ!" - ấy là một cách nói âu yếm, một cách biểu thị thái độ trìu mến và đồng tình của con gái quê hắn đấy (nó cũng từa tựa như cái câu "em iêu anh" của bọn con gái phố phường). Có nhiều bộ phim nước ngoài đem về chiếu ở sân kho hợp tác xã quê hắn, trên màn ảnh mỗi khi nhân vật hôn nhau (hay quại nhau), họ đều nói: "Ai lớ vìu" ( I love you!), thì ở dưới mấy tay thuyết minh phải lập tức dịch đúng ra ngôn ngữ ở vùng quê hắn cho mọi người đều hiểu: "Vả cho cái vỡ mõm bây giờ"!

Hồi còn nhỏ, mỗi lần đi tán gái làng, hắn và tụi trai chỉ biết nói mỗi câu: "Cho tớ "rờ" cái nào!". Hễ mà nghe thấy các nàng phản ứng bằng câu: "Vả cho cái vỡ mõm bây giờ!", thì bọn hắn yên trí lớn và chỉ còn mỗi việc cho tay vào thật sâu mà khua khoắng. Còn nếu các nàng lì lì không nói không rằng, thì nên rút cho lẹ trước khi cái mặt của thằng trai đã bị vỡ ra làm mấy mảnh mà nó không hề hiểu tại sao.

Thế mà cái thằng ngu kia lại chả hiểu gì nên cắm đầu bỏ chạy. Rõ phí của giời! Đúng là cái đồ... thành thị!

Đại loại là vẫn những cái hình ảnh và âm thanh quen thuộc tưởng chừng đã phát nhàm ra, mà sao hôm nay hắn thấy thân thương biết mấy. Hắn nói cười luôn miệng, kể cả với những người khách chỉ khảo giá hàng và quay đít bỏ đi sau khi đã bới tung đống hàng của hắn lên mà không mua cái gì. Mọi ngày, những dạng khách này sẽ được tống tiễn một cách khẩn trương nhất bằng cái nhìn toàn lòng trắng và sau đó hắn còn hì hục xé giấy đốt vía họ nữa kia. Nhưng hôm nay thì không, hắn luôn cười đến rách miệng ra. Hắn còn ngoái đầu sang thằng hàng xóm định nói một câu chuyện vui, nhưng cửa ki ốt đóng im ỉm. Đã bảy giờ sáng rồi còn gì. Thằng này có bao giờ chịu nghỉ chợ đâu. Hay là vợ nó vỡ ổ. Mấy hôm cuối thấy thị đi lại có vẻ nặng nề lắm rồi. Chốc nữa hắn phải gọi điện hỏi thăm mới được. Chỉ nửa tiếng nữa là hắn cũng dọn hàng vì còn phải đi đăng kí hộ khẩu, rồi đem lên phòng visa nộp cùng quyết định để chờ nhận thẻ. Hắn vui vẻ với cái kế hoạch của mình và lại đưa mắt ngắm giời ngắm đất.

Chợt từ đằng xa, hắn thấy rùng rùng một đám đông cả tây lẫn ta chạy thục mạng. Nhìn lại phía đối diện, cũng lại một đám đông hỗn loạn chạy rùng rùng.

- Kiểm tra!

Giọng một ai đó hét lên thất thanh.

- Kiểm tra!

Mọi người nhất loạt gào lên. Thế là cả khu chợ Ồn lên như ong vỡ tổ. Một cảnh tượng hỗn độn, náo loạn kinh khủng hiện ra. Người ta đạp lên nhau mà chạy hàng. Vợ quát chồng, chồng quát vợ. Ai cũng cố gắng một cách nhanh nhất dọn được đống hàng đang bày cao ngất ngưởng vào trong ki ốt rồi đóng cửa mà chạy. Hắn cũng vậy. Cuống cuồng, nháo nhào, hắn vứt tất cả những gì vớ được từ sạp hàng vào trong ki ốt. Nhưng không kịp nữa rồi, nhanh như cắt, hàng trăm cảnh sát lẫn hải quan mặc đồ đen, vác súng tiểu liên, đeo mặt nạ kín mít, đã đứng chặn trước từng cửa ki ốt. Thêm vào đó cũng phải hàng trăm cảnh sát mật mặc đồ dân sự đóng giả khách mua hàng, lượn chợ từ sáng, bây giờ cũng đang rút thẻ gí vào mặt dân Giao chỉ.

- Hải quan đây. Yêu cầu cho kiểm tra giấy tờ đăng kí kinh doanh và hoá đơn hàng hóa.

Một giọng lạnh như tiền vang lên.

Hắn rụng rời tay chân nhìn cái ki ốt ngồn ngộn đầy hàng lên tới tận nóc. Toàn bộ gia sản, vốn liếng của hắn nằm ở đây.

Đến cái sự có mặt của hắn ở đất này còn chưa được hợp pháp hoá thì còn nói chuyện gì khác. Hắn không có một thứ giấy tờ kinh doanh, hoá đơn nào. Kiểu này chết là cái chắc.

Hắn chợt nhớ đến những chủ hàng. Toàn là những người có giấy tờ hợp pháp, nhiều người còn có cả quốc tịch nữa. Có lẽ phải nhờ họ đứng ra nhận hộ số hàng này về công ti của họ. May ra?

Hắn rút điện thoại bấm số lia lịa. Toàn bận, hoặc tắt máy. Đến khi gọi được cho một vài chủ hàng dạng quen thân, thì: " Chị nhận cho hai đứa cháu rồi. Em tìm người khác đi!", "Không được đâu, công ti của anh cũng đang có vấn đề với sở thuế, nên không giúp gì được cho mày cả"...

Hắn lặng người. Số hàng trong ki ốt trị giá không dưới năm chục ngàn đô.

Xung quanh hắn, quang cảnh cũng hỗn loạn, huyên náo không kém. Tiếng hò hét, quát tháo, chửi tục của đám cảnh sát, tiếng khóc lóc van xin của dân Giao chỉ. Nhiều người đầu tóc rũ rượi, khóc ngất đi.

Động chợ! Động chợ!

Hai từ này người Giao chỉ chính quốc không thể nào hiểu được. Họ có thể hiểu thế nào là "động rừng", "động biển", hay "động đất" là cùng, chứ "động chợ" thì chỉ có con dân Giao chỉ lang thang ở đất đông Âu này mới hiểu mà thôi.

Những ai đã xem phim "Vua sư tử" (Lion King) thì hẳn còn nhớ cảnh động rừng. Từng đoàn thú rừng từ hươu nai, khỉ vượn, ngựa dê, hổ báo, voi gấu... mặt tái mét dẫm đạp lên nhau, chạy hớt hải, bụi mù trời; thì cái cảnh động chợ cũng không kém phần hỗn loạn.

Bát cơm chan đầy nước mắt, bay còn giằng khỏi miệng ta!

Của đau con xót, người ta liều mạng xông vào tẩu tán hàng sau khi đã khóc lóc van xin đủ kiểu mà không được. Những chiếc dùi cui cảnh sát loang loáng vung lên. Tiếng la, hét, chửi tục bằng cả hai thứ tiếng Giao chỉ - Ba Lan vang lên dậy đất.

Sau một hồi quay điện thoại nhờ vả, xin xỏ. Hắn tuyệt vọng. Người rũ ra, mềm nhũn như bún.

Hắn ngồi gục đầu trước cửa ki ốt, mắt nhìn trân trân vào đống hàng của mình đang bị bọn hải quan tịch thu chất đầy có ngọn lên chiếc xe tải. Mắt hắn nhoà đi, có những lúc, hắn như thấy trên thùng chiếc xe tải của cảnh sát, không phải là đống hàng trị giá năm chục ngàn đô, mà là khuôn mặt đau đớn, đầm đìa nước mắt của vợ và con gái đang lăn lộn, vật vã kêu gào.

Hắn gục xuống như một thân chuối bị chém.

... Đêm khuya. Hắn tỉnh dậy, không nhớ là mình về nhà bằng cách nào. Hình như gã taxi quen thuộc thấy hắn nằm vật trước cửa ki ốt như một xác chết, động lòng trắc ẩn dìu hắn lên xe và chở về, lại đưa lên tận phòng.

Hắn mò ra tủ lạnh, lôi chai rượu mạnh ngửa cổ tu ừng ực. Vứt chiếc vỏ chai rỗng, hắn lại đưa chai khác lên môi...

Hắn bò vào trong phòng, thò tay vào túi móc ra tờ quyết định cho phép tạm cư thời hạn một năm trên lãnh thổ Ba Lan. Hắn ngắm nghía tờ quyết định rồi chợt phá lên cười. Nước mắt nước mũi giàn giụa. Hắn móc chiếc bật lửa, châm tờ quyết định cháy đùng đùng.

Hắn chuệnh choạng trèo lên thành cửa sổ và nhìn xuống đường.Thoáng rùng mình khi hình dung ra cái cảnh, chỉ sau ít giây nữa thôi, hắn sẽ biến thành một cái đống nát bét, đỏ lòm, nhoe nhoét. Hắn nhắm nghiền mắt lại và tiến ra phía ngoài khung cửa. Một bước, hai bước...

- Reng, reng, reng!

Tiếng chuông cửa réo lên gióng giả. Hắn bừng tỉnh, mồ hôi vã ra như tắm khi thấy chỉ còn vài cm nữa là bàn chân đã trượt vào khoảng không từ tầng 16. Hắn lẩy bẩy ôm lấy cánh cửa sổ và lập cập tuột xuống.

- Reng, reng, reng!

Tiếng chuông lại ngân lên giục giã.

Ai thế nhỉ? Ai mà lại tìm đến hắn vào cái giờ muộn màng này? Một con điếm ế nào chăng? Hay là lại mấy thằng cảnh sát đói rượu mò lên làm tiền?

Hắn nghiến răng giật mạnh cánh cửa: thằng hàng xóm đáng ghét.

Nó lao vào, nắm tay hắn, giọng bùi ngùi:

- Tớ vừa ở chỗ bà xã trong viện ra, nghe tin cậu bị thu hết hàng nên đến ngaỵ Vợ tớ có quốc tịch, tớ sẽ bảo nó đứng tên giúp cậu tìm cách xin lại số hàng đã bị thụ Từ mai cứ lấy hàng của tớ mà bán. Có gì thì anh em mình cùng nhau chia sẻ, làm lại từ đầu. Đừng buồn! Nghèo thì lâu, giầu thì chóng!

Hắn ngây ra, rồi như sực tỉnh, gào lên:

- Con gì?

- Trai!

Gã hàng xóm quát lạc cả giọng rồi hai thằng ôm chầm lấy nhau mà cười như điên dại.

Đúng lúc ấy, tiếng chuông đồng hồ báo thức lại réo vang!

- Đ.M.!

Ba Lan tháng Một năm 2004

Chú thích:

(1-) Xe kéo, chở hàng

(2-) Đạo luật ân xá cho phép người nước ngoài vào Ba Lan từ năm 1997 có cơ hội được hợp pháp hoá giấy tờ tại Ba Lan

Hết