Giới Thiệu

Cuốn tiểu thuyết từng lọt vào chung khảo giải Man Booker của nhà văn Úc Steve Toltz.

Một ký ức tuổi thơ khác thường đầy chấn động của Jasper Dean. Ở đó, có sự thất bại triền miên của người cha, sự vắng mặt bí ẩn của người mẹ và người chú là kẻ phạm tội khét tiếng. Một tiểu thuyết nhiều cung bậc, tràn trề trải nghiệm, từ các xó xỉnh tận cùng đến những đỉnh cao thăng hoa, từ bần cùng tuyệt vọng đến sự thanh thoát cao cả. Tất cả trộn lẫn trong một giọng văn hài hước đến chua chát.

Gia đình tỉnh táo nào cũng giống nhau - nhưng mỗi gia đình điên rồ lại điên rồ theo một cách khác nhau.

Khi hồi tưởng những sự kiện bất thường dẫn đến cái chết ngoạn mục của người bố tên Martin, Jasper Dean đã kể lại chính tuổi thơ đầy rẫy những kế hoạch điên khùng và phát hiện chấn động - về ông chú tội phạm đầy tai tiếng Terry Dean, người mẹ vắng mặt một cách bí ẩn của anh ta, và thất bại triền miên của Martin trong nỗ lực để lại dấu ấn trên cõi đời. Từ rừng rú nước Úc đến Paris phóng túng, từ những cánh rừng của Thái Lan đến các mê cung, nhà thương điên, và hang ổ tội phạm, và từ đỉnh cao của mối tình đầu đến vực sâu của tham vọng bất thành, “Một mảnh trò đời” là một cuộc phiêu lưu khó quên.

Tác giả

Steve Toltz

Steve Toltz là một tiểu thuyết gia người Úc. Anh sinh năm 1972 ở Sydney. Tiểu thuyết đầu tay của Toltz là A fraction of the whole (xuất bản ở Việt Nam dưới tên Một mảnh trò đời) đã đoạt giải Man Booker năm 2008.

Toltz đã từng học tại trường Knox Grammar School, Killara High School và tốt nghiệp trường đại học Newcastle, ở New South Wales vào năm 1994. Vì sự nghiệp văn chương của mình, anh đã từng chuyển đến sống ở Montreal, Vancouver, New York, Barcelona và Paris, với nhiều công việc khác nhau như: quay phim, tiếp thị viễn thông, bảo vệ, thám tử tư, giáo viên tiếng Anh và biên kịch phim. Toltz đã cưới nữ họa sĩ đầy triển vọng mang trong mình hai dòng máu Pháp-Úc Marie Peter Toltz vào năm 2005. Họ sinh được một người con trai vào năm 2012.

Trong một lần trả lời phỏng vấn cho trang The Book Depository, Toltz cho biết với anh, việc khó khăn nhất trong quá trình viết một cuốn sách chính là: chờ đợi cho đến khi khả năng bản thân bắt kịp được tham vọng của mình. Anh đã mất 5 năm để viết tiểu thuyết đầu tay A fraction of the whole.

Khi sáng tác, Steve viết tay liên tục trong hai tiếng đồng hồ và mục tiêu của anh là cố gắng hết mức để mỗi ngày có thể viết càng nhiều những lần hai tiếng càng tốt. Vào buổi tối, nếu như có tinh thần kỉ luật, Toltz sẽ đánh máy lại tất cả những gì mình đã viết vào buổi sáng. Nếu như không có được tinh thần tự giác kỉ luật ấy, mà tình trạng này thường xuyên xảy ra nhiều hơn là có, những bản viết tay sẽ chất chồng, sau đó Toltz phải dành toàn bộ những ngày riêng rẽ chỉ để chuyển thứ mình đã viết lên máy tính. Thường thì chữ viết tay của anh rất khó đọc và anh phải cố gắng để đoán xem mình đã viết gì.

Những lúc không viết, sở thích của Toltz khi rảnh rỗi là: đọc sách, chơi guitar, đi bộ, xem phim…

Những tác giả mà anh yêu thích là: Knut Hamsun, Dostoyevsky, E.M. Cioran, Henry Miller, Raymond Chandler, Roberto Bolano, Celine, Thomas Bernhard. Những tác phẩm mà anh yêu thích phần lớn cũng là những tác phẩm do các tác giả kể trên viết. Tuy nhiên, có một số tác phẩm khác anh yêu thích như: Winsberg, Ohio của Sherwood Anderson; A hero of our time của Lermontov; Revolutionary Road của Richard Yates; Moravagine của Blaise Cendrars.

LỜI TẶNG

“Một mảnh trò đời là tác phẩm hiếm hoi nhất trong những quyển sách dài - tuyệt đối đáng đọc... Câu chuyện bắt đầu ở một vụ nổi loạn trong tù và kết thúc trên máy bay, và không có một chương nào đáng quên ở giữa... Giống như Mark Twain với đường đến một chiếc máy bay Airbus liên lục địa... Quyển sách này chuyển động; nó nhảy chồm lên và lắc lư trong một thế giới có cảm giác như cách xa cả một bán cầu... Thật thâm thúy và mời gọi đến nỗi bạn không còn lựa chọn nào khác ngoài cách bước vào hành trình lạnh tỉnh người của nó.”

Esquire

“Vui nhộn... buồn cười vỡ cả bụng.”

Entertainment Weekly

“Một câu chuyện không chê vào đâu được về tình cha con chứa đầy biến cố, óc hài hước, và những nhân vật gợi nhớ đến phong cách của Charles Dicken và John Irving... Đôi khi, một quyển tiểu thuyết đầu tay đồ sộ, dài ngoằng lại nổi đình nổi đám khi in thành sách, khi mà tham vọng và tính lập dị trong ‘sự đầu tiên’ của nó có thể trở thành những công cụ tiếp thị tốt nhất. Đó là trường hợp của Một mảnh trò đời, một quyển sách hận đời một cách ngang ngạnh và vô cùng hài hước... như Irving, Toltz biến những nhân vật phụ trở thành nổi trội... Anh là một cây bút tuyệt vời, khó chịu... Quyển tiểu thuyết dài này, có thể sống hoặc chết với lối hành văn xuất sắc của nó, có một cấu trúc tinh tế, hấp dẫn... Một mảnh trò đời bay vọt lên như tên lửa.”

Los Angeles Times

“Kết hợp những điểm tham chiếu cao-thấp vui nhộn của Martin Amis thời trẻ với những sáng kiến lập dị, hủy diệt của Chuck Palahniuk.”

Best Life

“Một trong những quyển sách hay nhất mà tôi từng đọc. Một mảnh trò đời còn hay hơn cả The Corrections, và Toltz thành công chỉ với một quyển sách trong khi Franzen phải viết hai quyển mới đưa được The Corrections đến với công chúng. Cứ cho là bạn phải mất cả đời mới viết được quyển tiểu thuyết đầu tay của mình, nhưng Chúa ơi, Một mảnh trò đời làm được những điều mà hầu hết các nhà văn không thể làm được trong một đời người... Một sự khám phá gây nghiện mạnh mẽ vào tâm hồn con người, một trải nghiệm lay động sâu xa được thể hiện hầu như rất chăm chút, và có lẽ là một trong những cuộc phiêu lưu hậu hiện đại sắc sảo nhất và hài hước khó cưỡng lại nhất mà tôi từng có vinh hạnh được đọc... Steve Toltz đã viết nên một kiệt tác, một tác phẩm đầu tay tuyệt vời sẽ còn được nhớ đến rất lâu như một điển hình lớn lao rằng tiểu thuyết có thể hay đến nhường nào. Anh ta khiến bạn hút vào trang sách ngay từ đầu và không thể cưỡng lại cho đến hết.”

Aint’ It Cool News

“Các tiểu thuyết đầu tay thời nay hiếm khi dám nâng tiếng nói lên khỏi tiếng thì thầm tao nhã hoặc tiếng lầm bầm châm biếm. Một mảnh trò đời thì khác, một tiểu thuyết đầu tay hết sức hài hước (...) Đây không hẳn là một quyển sách để đọc mà là một trải nghiệm để đắm mình vào. Sự hỗn loạn rất nhắng của Toltz - một tổng hòa của câu hỏi trừu tượng, những trò đùa thô tục, những biến cố quái đản, và thuốc nổ bằng lời bùng nổ qua những trang sách - xứng đáng một vị trí cạnh A Confederacy of Dunces trong một thể loại có thể được gọi là gây nghiện giới trẻ. Một mảnh trò đời là một dạng truyện kiểu Voltaire-gặp-Vonnegut.”

Wall Street Journal

“Bạt mạng, mệt lử, và chân thật, đúng kiểu của những lời nói dối tuyệt vời nhất.”

New York Observer

“Hoang dại... một cuộc phiêu lưu đầy sáng tạo, say sưa, tinh tế, và rất hóm hỉnh. Đôi khi là sự tập hợp của tất cả những điều ấy cùng một lúc. Sáng tác của Toltz gây kinh ngạc như chính tốc độ thuật truyện của anh trong một quyển sách có vẻ như đã cắt bỏ toàn bộ những phần buồn tẻ... Trên mỗi trang truyện đều hiện diện sự dí dỏm... Jorge Luis Borges rõ ràng có ảnh hưởng đến Toltz. Cũng có một chút John Irving và Tom Robbins trong những nhân vật lập dị và lối dẫn dắt kể chuyện. Một mảnh trò đời còn mang dáng dấp của kiểu triết lý uể oải của Vonnegut. Về mặt kết cấu - và đặc biệt ở đoạn kết - thậm chí có một chút hơi hướm của Tristram Shandy. Hết thảy đều là những nhà văn tuyệt hảo.”

Chicago Sun - Times

“Hãy nắm thật chặt vì bạn sắp bắt đầu một chuyến đi tàn phá của ngôn từ, ở đó mọi việc lướt qua rất nhanh và bạn nên chú ý thật kĩ... Điều thú vị thật sự khi đọc quyển sách này là tốc độ và ngôn ngữ. Điều Toltz đã xuất sắc làm được là trình bày mọi khía cạnh của cuộc sống hiện đại một cách dễ dàng. Anh đã khuấy tung chúng lên và hạ gục chúng với sự dí dỏm sắc bén, sự biến đổi câu cú hợp lý, và một góc nhìn hài hước kinh khủng về mọi thứ thuộc con người.”

Seattle Times

“Một tiểu thuyết đầu tay hài hước vô biên mà bạn nên đi tìm chỗ để ngồi đọc... Có rất nhiều chuyện gây cười trong Một mảnh trò đời - và đồng thời, không cần bàn cãi, có rất nhiều cốt truyện và tốc độ kể truyện của một chú cún con bị rối loạn mất tập trung. Nhưng nó đồng thời cũng có một tấm lòng... Một thành tựu to lớn và sự chào sân của một tài năng hài vĩ đại.”

Sunday Times (Anh)

“Lối hành văn hài hước sinh động... Nó phát ra tín hiệu không thể nhầm lẫn của một quyển sách có thể chứa đựng bí mật cuộc đời.”

Independent (Anh)

“Câu chuyện đời ăm ắp sự kiện, sôi nổi, khôi hài đến phi lý này thể hiện sự thai nghén lâu năm. Hơn nữa, nó vượt trội hơn phần lớn những quyển tiểu thuyết đầu tay vì nó dường như tin tưởng một cách phi thường vào chính nó và đường hướng của nó... Giọng văn sôi sục, chua loét, buồn cười của Toltz mang sức mạnh của một vẻ đẹp trữ tình vỡ vụn... Giữa cơn lốc xoáy chóng mặt của các sự kiện, Toltz không bao giờ rời mắt khỏi một dòng chảy sâu xa chạy xuyên suốt tác phẩm của anh... Đó là cuộc tìm kiếm tinh thần cho phép một cái kết có ảnh hưởng sâu sắc đến cảm xúc người đọc. Vâng, Một mảnh trò đời là một chiếc tàu lượn nhào lộn điên loạn. Nhưng ở đó không chỉ có sự vui nhộn vô nghĩa, mà còn nhiều hơn thế.”

Independent on Sunday (Anh)

“Với những đường nét của chủ nghĩa hiện thực kì diệu và vô vàn sự hóm hỉnh mang tính hận đời, đây là một tiểu thuyết đầu tay thông minh và hài hước.”

Observer (Anh)

“Rất chênh vênh, nhảy từ giai thoại, sang kể lể dài dòng, sang hồi tưởng, như một viên đá lia thia trên mặt ao... Có một phần về một cái mê cung mà bạn có thể hình dung rằng Borges đang viết, phần khác về trò xổ số bất thành khiến tôi nghĩ đến Vonnegut, và một chuyện kể kì lạ, đáng yêu về căn bệnh thời thơ ấu mang âm hưởng của Garcia Marquez. Theo một cách nào đó nó như một truyện Nghìn lẻ một đêm thời hiện đại... Sự không tránh khỏi của thảm họa là điều thật đau lòng... Tuyệt vời.”

Guardian (Anh)

“Một tác phẩm đầu tay dài ngoằng, chóng mặt... Lối dẫn chuyện hài hước và trí tưởng tượng xuất sắc của Steve Toltz nâng đỡ câu chuyện mang tính sử thi... một thành công điên rồ.”

Publishers Weekly

“Những gì buồn cười châm biếm được tìm thấy trong những trang sách bạt mạng của câu chuyện xóc-và-nảy tưng tưng này... Tiểu thuyết đầu tay vui nhộn, thậm thụt, thông minh này cũng to lớn và trập trùng như nước Úc vậy... Toltz đã thêm mắm thêm muối cho nó bằng những suy ngẫm dí dỏm về tự do, tâm hồn, tình yêu, cái chết, và ý nghĩa cuộc sống. Đây là một tác phẩm đầu tay nổi loạn và không thể cưỡng lại.”

Booklist

“Truyện để đọc lúc du lịch hoàn hảo cho hầu như bất kì ai... Cuốn sách này cho phép bạn nô đùa chạy nhảy theo các nhân vật trong một hành trình mang tính sử thi với hai anh em người Úc điên khùng mà dù họ có cuộc sống quá ư hoang dại, suy đồi, bạn vẫn thích họ một cách điên loạn... Sách đầy ắp những nhân vật phong phú, những mô tả, triết lý và sự dí dỏm sắc sảo, bạn sẽ cần thuốc trợ tiêu hóa sau mỗi lần đọc... Steve Toltz thật vui tính, thông minh, có trí tưởng tượng thật tuyệt vời... Tiểu thuyết của anh là một chuyến phiêu lưu toàn thế giới vui nhộn... Hãy từ từ thưởng thức quyển tiểu thuyết này; bạn sẽ không thất vọng.”

Daily Planet (Telluride, CO)

“Một mảnh trò đời thuộc về một phân nhóm bị bỏ lơ: tiểu thuyết nghiêm túc nhưng không chịu làm ra vẻ đứng đắn đàng hoàng. Một truyện dài táo tợn, có cá tính thật đẹp, đặt ra những câu hỏi quan trọng chóng cả mặt về đạo đức, lòng tin, và những lối đi nhỏ tối tăm, không có trên bản đồ của suy nghĩ con người - và Toltz đã xử lý tác phẩm của mình như một nhà lướt sóng bậc thầy cưỡi trên một con sóng khổng lồ...Đó là một câu chuyện điên loạn, với một lực đẩy mạnh... Năng lượng của lối viết có sức lây nhiễm mạnh mẽ... Trái tim của quyển tiểu thuyết này cũng to lớn như trí tuệ của nó... Thật giống như một lợi ích tăng thêm, ở chỗ tuy rằng hận đời một cách hài hước là vậy, Một mảnh trò đời chứng thực sức mạnh của một tình yêu cho dù đó là thứ tình yêu bất đắc dĩ nhất.”

Sunday Business Post (Ireland)

“Chứa đầy cốt truyện, tiểu cốt truyện, tiếp tuyến, hồi tưởng, chuyển hướng, lan man triết lý và những bối cảnh độc đáo... Cuốn sách được tiếp nhiên liệu bằng những ý tưởng tuyệt vời và chuyển động bằng một giọng văn độc đáo, mạnh dạn, và rất ư hài hước.”

The Age (Úc)

“Giống như đường đi của một ngọn nến La Mã phát rồ vì vui sướng... đây là một trận nô đùa dài dòng, thú vị, rất chi quái đản, và lắm lúc buồn cười vỡ bụng, gợi nhớ đến những thiên tiểu thuyết gia đình của John Irving.”

LỜI DỊCH GIẢ

Có thể tóm tắt Một mảnh trò đời như sau: Đó là câu chuyện về những nhân vật bất bình thường sở hữu những ý tưởng điên rồ sống một cuộc đời không giống ai. Câu chuyện diễn ra qua lời kể của hai cha con Martin Dean và Jasper Dean. Người cha Martin luôn có những suy nghĩ khác người, từng vào viện tâm thần và sau đó sống cuộc đời ẩn dật tại một căn nhà giấu trong một cái mê cung. Các dự án điên rồ của ông đã giúp ông được nước Úc tung hê như anh hùng, nhưng cũng chính chúng đã đẩy ông xuống vực sâu, phải trốn chạy khỏi nước Úc. Cậu con trai Jasper, chịu sự dạy dỗ khác người của bố từ bé, phải vật lộn chứng tỏ bản thân để thoát khỏi cái bóng của bố mình, chỉ để nhận ra ông đáng thương hơn cậu tưởng, và cậu cũng yêu ông nhiều hơn cậu tưởng. Gắn kết hai nhân vật ấy là Terry Dean, em trai của Martin, một tên tội phạm khét tiếng của Úc, phạm tội với mục đích duy nhất là làm trong sạch ngành thể thao!

Nhưng sẽ thật hồ đồ nếu đi đến kết luận rằng các nhân vật chính trong Một mảnh trò đời là những người điên. Lập dị, có, nhưng điên thì chưa hẳn. Gia đình nhà Dean bị cười chê bởi họ không suy nghĩ như đám đông, không hành động như đám đông. Nói tóm lại, họ khác với số đông. Sau những gì xảy ra, có vẻ như chính cái số đông cho mình là bình thường mới là những kẻ đầu óc có vấn đề. Đó là số đông mù quáng tung hô những tên tội phạm lên thành anh hùng. Đó là số đông vô cảm hau háu trước các tin tức giật gân, được đáp ứng bằng một bộ phận truyền thông sẵn sàng vào cuộc moi móc chuyện đời tư của người khác. Và khi giá trị giải trí không còn, số đông đó sẽ không ngần ngại tống những kẻ suy nghĩ ngược lại với nó vào tù, hoặc nhà thương điên.

Truyện đặt ra nhiều câu hỏi: Xã hội có thể chấp nhận sự khác biệt của các cá thể trong nó đến mức độ nào? Và mỗi con người có cần gò mình vào khuôn khổ để được chấp nhận, nếu không muốn đứng ngoài cuộc chơi? Câu hỏi đó đã đeo đẳng hai cha con Martin và Jasper suốt cuộc đời. Trong khi người bố quyết định sẽ làm kẻ khác người đến phút chót, thì cậu con trai, trước khi bước vào cuộc phiêu lưu của đời mình, lại lưỡng lự: “... khi bạn là đứa trẻ, để ngăn bạn làm theo số đông, bạn sẽ bị phủ đầu với câu “Nếu mọi người nhảy khỏi cầu, con cũng làm thế ư?” nhưng khi bạn là người lớn và sự khác người bỗng dưng trở thành một cái tội, thì người ta hình như hay nói, “Này. Mọi người đang nhảy khỏi cầu. Sao cậu không làm đi?””

Tác giả Steve Toltz đã đặt những vấn đề đó vào một tác phẩm có thể ví như bữa tiệc thịnh soạn của ý tưởng và ngôn từ. Viết về người tỉnh táo bao giờ cũng dễ, nhưng để viết về những điều khác thường, người viết phải có một trí tưởng tượng cực kì phong phú. Những ý tưởng sáng tạo và cách kể chuyện hài hước khiến câu chuyện lôi cuốn ngay từ đầu. Toltz gây tò mò với những sáng kiến kì dị: lập ra liên minh dân chủ tội ác, xuất bản cẩm nang tội ác cho tội phạm, xây nhà trong mê cung, biến tất cả những người Úc thành triệu phú,... Những suy nghĩ quái chiêu sẽ làm bạn đọc không nhịn được cười: “Anh sẽ ngạc nhiên khi biết nhiều tên trộm đã cởi găng tay ra để ngoáy mũi. Tôi muốn nhấn thật mạnh điều này: Đừng để dấu vân tay lại bất kì đâu! Ngay cả trong mũi của anh!”

Sự sáng tạo về ngôn từ là không có giới hạn trong Một mảnh trò đời. Bạn đọc đôi lúc có thể sẽ mệt mỏi với những câu văn dài lê thê không dấu chấm phẩy, những khái niệm định nghĩa bằng một loạt từ viết dính liền nhau... Nhiều cách dùng từ rất... khó chịu của tác giả đã “làm khó” cho việc chuyển ngữ. Người dịch đã cố gắng chuyển thể thật sát với cách thể hiện trong nguyên tác, mong rằng điều đó không ảnh hưởng đến sự thưởng thức của bạn đọc.

Tựa tiếng Anh của truyện, “A fraction of the whole”, đơn giản có nghĩa “một phần của tổng thể”. Người dịch chọn phương án “Một mảnh trò đời” như một cách thể hiện tinh thần mà nhân vật chính đã suy nghĩ về đời mình: cuộc đời như một trò chơi, có luật lệ, có kẻ thắng người thua, và mỗi người là một phần không thể tách rời của trò chơi đó. Đây có thể chưa phải là tựa đề tốt nhất, cũng như bản dịch có thể còn nhiều sai sót. Người dịch rất hoan nghênh những trao đổi của bạn đọc để việc chuyển ngữ tác phẩm được hoàn thiện hơn.

Cuối cùng, người dịch muốn gửi lời cảm ơn đến DT Books và chị Nguyễn Hồng Dung vì sự tin tưởng, cảm ơn biên tập viên Lê Thị Cẩm đã chăm chút bản dịch.

Còn bây giờ, mời bạn đọc bước vào cuộc phiêu lưu của cha con nhà họ Dean. Hi vọng bạn sẽ tìm thấy nhiều điều bất ngờ và thú vị, như tôi đã tìm thấy.

TP.HCM, ngày 9 tháng 4 năm 2010

THI TRÚC