Sau bao nhiêu năm xa xứ, Huy có dịp trở về thăm quê hương cùng với người bạn Mỹ. Huy không thấy nôn nả lắm trong chuyến đi này vì cha mẹ chàng đã qua đời khá lâu còn hai người em gái đều định cư tại ngoại quốc: kẻ ở Úc, người ở Pháp. Gia đình vợ cũng chẳng còn ai ở lại bên nhà. Nhưng vì sự yêu cầu tha thiết của chú bác họ hàng, Huy phải về lo thủ tục sang tên căn nhà của ba mẹ chàng trước kia cho người em chú bác để chú ấy chính thức trở thành người lo việc hương hỏa cho gia tộc ở Việt Nam. Chú của chàng viết thư nói rất rõ: "Dù căn nhà ấy, trên thực tế đã giao cho cháu Tiến từ lâu với sự đồng ý của các cháu nhưng Tiến chưa có giấy chủ quyền. Nhà nước truy ra có thể tịch thu bất cứ lúc nào. May mà còn giấy tờ chứng minh cháu đi du học không phải thành phần vượt biên. Cháu rán thu xếp về Việt Nam một chuyến, trước để thăm quê hương xứ sở, bà con thân tộc, sau ký tên vào giấy tờ... Mọi thủ tục đều sẵn sàng cả, chỉ cần cháu có mặt, trước ban nhà đất thôi... "
Thấy Huy còn do dự, Mai khuyến khích chồng:
— Anh nên về kẻo căn phố lầu ấy bị tịch thu thì uổng lắm. Đó là công trình và kỷ niệm của ba mẹ để lại. Chú Tiến là người đàng hoàng, chú xứng đáng lãnh vai trò hương hỏa. Anh lại có dịp đi thăm thầy! Thầy mình chắc yếu lắm rồi!
Sau khi dứt khoát tư tưởng, Huy nói cho Stephen hay. Stephen bây giờ đã là người bạn đạo rất thân thiết của Huy. Chàng ta thích thú lắm khi nghe tin này:
— ƠŒ Việt Nam có nhiều danh lam thắng cảnh lắm! Mấy tuần phép của tôi còn y nguyên. Tại sao tôi không theo anh một chuyến?
Huy hớn hở:
— Thế còn gì hay bằng? Chúng ta sẽ đi thăm những ngôi chùa xưa, những vị sư khả kính...
— Vậy anh định bao giờ đi?
— Đầu tháng 12, có gì trở ngại cho anh không?
Stephen cười ha hả:
— Không có gì ràng buộc thì lúc nào cũng được tự do, phải không?
*
Ngồi trên phi cơ, Huy kín đáo quan sát. Hành khách Việt Nam chiếm gần phân nửa. Người Hoa cũng khá đông, có lẽ vì chuyến này ghé trạm Hồng Kông. Số còn lại là Mỹ và vài sắc dân láng giềng của Việt Nam.
Phía trước Huy là đôi vợ chồng trẻ, người đồng hương. Hai vợ chồng thủ thỉ to nhỏ như đôi chim câu. Chàng đoán đây là cặp vợ chồng mới cưới và người chồng dẫn vợ về ra mắt cha mẹ, họ hàng ở Việt Nam. Trông họ sáng sủa và có học thức nhưng không bị Mỹ hóa trong dáng điệu, cử chỉ; nhứt là cô vợ, nhìn chẳng khác nào một sinh viên Văn khoa ở Sàigòn ngày trước.
Gần đây, Huy nghe nói có phong trào các thanh niên Việt Nam ở Mỹ về nước cưới vợ, lý do là để tìm một cô vợ còn đầy đủ tính chất Việt Nam, không bị mất gốc. Điều đó chứng tỏ phong tục tập quán của người Việt còn giá trị lắm. Nhưng nghĩ kỹ lại Huy thấy những cuộc hôn nhân này vừa có tính cách trao đổi vừa có tính cách phiêu lưu. Một đàng muốn xuất ngoại, đàng kia muốn được vợ hiền biết tùng phục chồng. Trong thời gian ngắn ngủi, hai bên không thể hiểu biết nhau sâu sắc và tình yêu chân thật thường thiếu vắng trong các cuộc săn tìm như vậy. Đến khi cưới nhau xong, nhìn thấy sự thật phũ phàng, "kẻ không chưn đứng, người không môi miếng" thì mọi sự đã rồi. Có dẫn nhau ra tòa ly dị thì sự đổ vỡ bên trong cũng đã là một thiệt thòi lớn. Đó là không nói tới những vụ lường gạt có phương pháp: anh phụ bếp nhà hàng đóng vai kỹ sư, cô gái lăng nhăng giả làm con nhà lành. Nếu "mạt cưa mướp đắng" gặp nhau thì chẳng nói làm chi; chỉ thương cho những người bị lường gạt, đành phải ngậm tăm vì nói ra xấu thiếp hổ chàng... Dù ở đâu cũng vậy, vấn đề là ở bên trong. Một thiếu nữ ham mê vật chất, thích phù phiếm xa hoa, khi ở tại Việt Nam vì chưa có môi trường thỏa mãn những ham muốn nên bề ngoài tưởng như là người hiền thục nhu mì nhưng cái cây dục vọng đó một khi được bứng qua trồng bên đất Mỹ thì chắc chắn là sẽ biến dạng rất nhanh để trở thành một người rất "mốt" và rất "Mỹ".
Huy đang miên man suy nghĩ thì Stephen day sang hỏi nhỏ:
— Anh có thể nói cho tôi nghe về thầy của anh không?
Huy như chợt nhớ ra:
— À há! Tôi sắp dẫn anh đi thăm người mà tôi quên giới thiệu cho anh vài nét về người. Có lẽ vì các tháng nay bận rộn thu xếp mọi thứ nên chúng ta không có thì giờ.
Bổn sư của tôi năm nay đã già lắm, ngoài 80 rồi anh ạ! Thầy là người hoạt động, chẳng bao giờ thích ngồi không. Người thường tìm những nơi vắng vẻ yên tĩnh để tạo dựng cảnh chùa rồi giao cho đệ tử trụ trì; người lại lên đường tìm cuộc đất khác. Người chỉ an trụ trong ba tháng kiết hạ. Trong ba tháng này người giảng dạy Phật pháp cho các đệ tử xuất gia cũng như tại gia. Người dạy rất cặn kẽ và xứng hợp căn cơ nên ai được nghe pháp của người đều cảm thấy lợi lạc. Người nghiêm trì giới luật nên đồ chúng của người đều có đủ cốt cách oai nghi. Năm nay người đã yếu lắm rồi, bước đi phải có người dìu đỡ hai bên, vậy mà anh biết người đang làm gì không?
Stephen lắc đầu, chăm chú chờ đợi. Huy tiếp:
— Người lo trùng tu tái thiết lại các ngôi chùa đã cũ.
— Chuyện ấy có lẽ các vị đệ tử trụ trì của người làm được mà! Thầy già yếu quá phải nên nghỉ ngơi an dưỡng chứ!
Huy gật đầu:
— Chúng tôi ai cũng nghĩ như vậy và có trình bày ý kiến của mình nữa nhưng thầy nói "ngày nào còn ăn bát cơm của đàn na tín thí thì ngày ấy phải còn làm việc".
Chàng trầm ngâm một chút rồi tiếp:
— Tôi thường liên lạc với các đệ tử thân cận của thầy và chúng tôi đã nghiệm ra rằng việc làm của thầy tôi phát xuất từ lòng từ bi rộng lớn. Người nhìn thấy chúng sinh lầm than đói khổ, không việc làm, không đủ cơm ăn áo mặc nên người phát động làm hết công trình này đến công trình khác; việc nào cũng lớn lao, kéo dài cả năm trời. Những công trình qui mô đó, các đệ tử của người khó thể kêu gọi sự đóng góp của Phật tử. Cái đức của thầy tôi lớn lắm, người kêu gọi một tiếng là có biết bao nhiêu người hưởng ứng, Phật tử trong nước cũng như hải ngoại. Nhờ thế mà việc gì cũng xong.
Stephen gật gù:
— Tôi đoán là đầu óc người còn sáng suốt lắm!
— Anh nói đúng! Nhờ sức thiền định mà người còn minh mẫn lắm. Việc gì người sắp xếp cũng chu đáo, giải quyết vấn đề gì cũng hợp lý hợp tình.
Huy im lặng chưa biết nói gì thêm thì cô tiếp viên hàng không đã mang thức ăn chiều đến. Hai người dùng xong, lim dim ngủ.
Huy không ngờ họ hàng tổ chức đón tiếp chàng long trọng như vậy. Đoàn người nhận ra Huy ngay, có lẽ nhờ chàng mặc cái áo giống y bức ảnh mà Huy gửi về cho Tiến vài tháng trước. Máy chụp hình, máy quay phim bám sát lấy chàng. Tánh Huy vốn tếu ngầm, anh tưởng tượng mỗi người cầm một cây cờ nhỏ phe phẩy chào thì chàng sẽ giống một dân biểu quốc hội đi quan sát địa phương. Sau thủ tục chào hỏi và giới thiệu sơ khởi, Huy cùng Stephen được mời ra xe. Thật tình mà nói, Huy chẳng nhận ra được ai cả. Những khuôn mặt trông có vẻ quen quen giờ đã già nua, đổi khác; còn những người đồng trang lứa với Huy lại càng lạ hơn vì ai cũng đã bước vào lứa tuổi trung niên, không còn giữ lại nét trẻ trung vui vẻ của ngày nào. Như Tiến hồi xưa mập ú, trắng trẻo, có biệt danh là Tiến ù, bây giờ ốm nhom, đen thui lại thêm hàng râu mép với đôi kiếng cận dầy, lạ hoắc.
Về đến nhà, cỗ bàn đã sẵn sàng, người đông vầy như đám cưới. Stephen nhìn Huy như thầm hỏi: "Sao linh đình vậy?" Huy chỉ biết lắc đầu. Căn phòng lớn trên lầu dành sẵn cho hai người với hai cái giường chiếc mà từ tấm trải giường đến mền gối đều mới tinh, có cả máy lạnh đang chạy rè rè...
Trong lúc Stephen bị đám nhỏ bu quanh, Huy gọi Tiến vào phòng.
Huy nghiêm mặt, hỏi:
— Sao chú bày vẽ chi lắm thế? Tự nhiên có phải hơn không?
Tiến bối rối:
— Xin anh hiểu cho, ai cũng đón Việt kiều về như thế, thành như cái lệ, em phải theo vì sợ không theo thì thất lễ!
— Việt kiều cũng là người thường, có phải vua chúa gì mà bày ra lắm trò như vậy? Tốn kém vô ích, lại dị vô cùng.
Bây giờ Tiến mới mạnh dạn thưa:
— Cách đây sáu tháng, con của cô Tư về nước. Trước khi về, chú viết những mấy bức thư, dặn gia đình phải làm thế này, thế này... Cô Tư lo đủ cả, chỉ quên mua nước suối cho chú ấy uống thôi mà chú ấy cũng phàn nàn.
Huy cười cười, hỏi đùa:
— Thế chú có mua nước suối cho tôi không?
Hiểu được nhau, hai anh em cùng cất tiếng cười dòn...
Huy biết con cô Tư—cậu Bảo—qua Mỹ sau chàng ba, bốn năm gì đó. Hồi mới qua, cô Tư có viết thư gửi gấm nhờ Huy hướng dẫn giùm. Thấy Bảo lúc đó còn trẻ, mới 20 tuổi, Huy khuyên nên đi học, Bảo không chịu. Cậu vào làm phụ bếp nhà hàng ngay và chỉ một năm sau, điện thoại báo cho Huy hay là cậu vừa mua một chiếc xe mới toanh.
Huy nói:
— Cậu sang thật, chưa bao giờ tôi dám mơ một chiếc xe mới. Chỉ cần xe tôi không hỏng máy dọc đường là được rồi.
Bảo hơi mỉa mai:
— Anh lãnh lương kỹ sư mà, muốn sắm mấy chiếc chẳng đặng!
Mỗi người có một quan niệm sống, Huy không muốn cãi làm gì. Vài năm sau, Bảo lại khoe:
— Bây giờ em lên làm "waiter", nhà hàng này đông khách nên tiền "tip" khá lắm! Em định để dành tiền vài năm thì mua nhà.
Mỗi khi có dịp thăng tiến là mỗi lần Bảo điện thoại về khoe. Đối với Bảo, sự thành công về tài chánh là cái thước đo giá trị con người. Huy ậm ừ cho qua chuyện mỗi lần Bảo khoe khoang nên dần dần cậu ta cũng ít liên lạc...
Thấy Huy có vẻ trầm ngâm, Tiến tiếp:
— Chú Bảo về nước như một ông vua con. Chú mặc đồ côm-lê sang trọng, tay xách cặp samsonite, đeo đồng hồ Rolex, cà rá hột xoàn, dây chuyền... đủ thứ!
— Thế chú ấy có giúp gì cho họ hàng không?
— Dạ, chú cho mỗi gia đình 100, mà cách chú cho y như phát chẩn vậy, thiếu điều phải xếp hàng...
Huy không muốn nghe tiếp "chuyện dài Việt Kiều", chàng bắt sang chuyện khác:
— Còn chú dạo này làm ăn sao? Chắc khá lắm nên nhà có gắn máy lạnh đàng hoàng?
Tự nhiên Tiến đổi giọng, có chút gì ngại ngùng bên trong:
— Thưa anh, phòng này hồi nào tới giờ vẫn để trống, dùng làm chỗ nghỉ ngơi cho bà con ở xa tới trong các ngày giỗ kÿ. Em mới sơn sửa, trang hoàng và gắn máy lạnh, trước để đón tiếp anh, sau nữa...
— Chú cứ nói tiếp!
Tiến cúi đầu, vuốt nhẹ mái tóc. Huy chợt nhận ra đấy là thói quen của Tiến từ nhỏ, mỗi khi sắp sửa nói điều gì khó nói.
— Thưa anh, sẵn dịp có anh về, em xin phép anh để cho thuê căn phòng ấy, em cần tiền tu bổ nhà cửa. Vợ chồng em làm chỉ đủ sống, không có đồng dư thành ra...
Nói đến đây, Tiến lặng thinh. Huy bỗng thấy buồn. Tiến là kỹ sư, vợ là dược sĩ mà đồng lương chẳng đủ vào đâu. Tiến không hề than thở nên Huy tưởng vợ chồng Tiến sống cũng thoải mái, nào ngờ! Cách đây hai mươi mấy năm, nhà nào hơi khang trang một chút cũng ngăn riêng một vài phòng rồi đề bảng "Room for rent" cho Mỹ mướn để kiếm thêm lợi tức chi tiêu, bây giờ thị dọn phòng cho Việt kiều mướn!
Huy trầm giọng, đáp:
— Nhà đã giao cho chú thì chú có trọn quyền quyết định. Tôi chỉ nhắc chú nên chọn người đàng hoàng hãy cho thuê, kÿ nhứt là đừng để người không ra gì, ỷ có tiền bạc rồi bày trò ăn chơi trai gái trong nhà mình. Việc gì cũng có cái lợi cái hại của nó. Đừng để những điều không tốt xảy ra trước mặt các cháu nhỏ trong nhà. Chúng nó hư thì mình ân hận!
Tiến chưa kịp nói gì thì có tiếng chú Ba gọi vọng vào:
— Tiến à, hãy mời anh con ra dùng cơm!
Huy đứng lên cầm lấy cái khăn đã để sẵn, có nhãn hiệu "made in USA" đàng hoàng, chàng bảo Tiến:
— Tôi rửa mặt xong, đi thắp hương các bàn thờ rồi sẽ xuống ngay!
*
Sáng hôm sau, trong lúc Stephen còn say ngủ, Huy cùng Tiến đến văn phòng quận để làm việc với Ban Nhà Đất. Mặc dù Huy ăn mặc rất đơn giản nhưng có vẻ như ai cũng biết Huy mới từ nước ngoài về. Có lẽ do nước da trắng trẻo và thân người đẫy đà của mình—Huy tự bảo thế—Từ các nhân viên đến đồng bào đang ngồi trong phòng chờ đợi ai cũng nhìn chàng với đôi mắt nửa như tò mò nhận xét, nửa như thèm thuồng. Tự nhiên Huy thấy ái ngại trong lòng. Đã mang tiếng tị nạn ở nước ngoài, chối bỏ quê hương mà bây giờ lại được đón tiếp như khách quí. Cái gì đã làm thay đổi cái nhìn của con người?
Tiến và Huy được mời vào văn phòng ngay. Ông trưởng ban cũng trạc tuổi hai người. Ban đầu anh ta còn giữ thái độ nghiêm chỉnh của một cán bộ nhà nước nhưng chỉ năm phút sau, anh ta cười giả lả:
— Chỗ tôi với anh Tiến đây là bạn với nhau, chính tôi đã che chở cho anh ấy trong vấn đề nhà cửa. Chúng tôi đi nhậu với nhau hoài.
Dù kém thông minh đến đâu, Huy cũng biết đó là cách mở đầu cho một cuộc thương lượng. Chàng đưa mắt nhìn Tiến, Tiến vào đề ngay:
— Tôi biết muốn sang tên phải đóng tiền trước bạ, anh cố gắng giúp tôi, tôi không quên ơn.
Anh cán bộ gật đầu:
— Đã bảo tôi với anh là bạn mà! Nhưng số tiền đóng nhiều hay ít là do người định giá. Tôi không có thẩm quyền đó!
Huy nóng lòng:
— Nhưng theo anh ước lượng thì khoảng bao nhiêu? Anh làm việc lâu năm chắc biết rõ.
— Tiêu chuẩn của phố lầu ba tầng ít nhất phải mười cây.
Huy tính nhẩm: 10 cây, hơn 4000 đô! Bằng tiền cất lại một căn nhà. Chàng nhìn xuống đất để dấu vẻ bất mãn trong ánh mắt.
Tiến kiên nhẫn và nhỏ nhẹ:
— Chuyện đó, phần tôi phải lo. Xin cứ cho anh tôi ký tên vào giấy tờ trước vì anh không có nhiều thì giờ.
Anh ta nheo mắt rồi hếch mồm ra cười, để lộ mấy cái răng vàng lấp lánh:
— Tôi biết, được về nước phải đi chơi cho sướng. ƠŒ đây cái gì cũng rẻ chán!
Xong phần thủ tục, Huy thở ra nhẹ nhõm, chàng nôn nóng về nhà vì không muốn để Stephen một mình chẳng có ai trò chuyện. Nhưng vừa bước ra tới sân thì chàng bị một giọng nói quen quen, to ồ ồ gọi giật ngược:
— Ê Huy! Sao lại gặp "you" ở đây?
Huy nhận ra Nhàn ngay. Anh chàng này trước kia theo học chung trường đại học với Huy ở Virginia. Học được hai năm thì anh ta bỏ trường, tuyên bố đi làm để dành tiền hầu có cơ hội làm chủ; tội gì học bốn, năm năm đại học ra rồi đi làm thuê cả đời! Nhưng theo chỗ bạn bè biết được thì anh bị chính phủ ngưng trợ cấp vì kết quả học tập quá kém. Điều đó chắc đúng vì Nhàn dành đa số thì giờ của mình để cua gái hơn là để học hành. Có lẽ anh ta mặc cảm vì hình vóc xấu xí của mình nên lúc nào cũng lo theo đuổi các cô gái, hy vọng được lọt vào mắt xanh của một nàng... Nhưng chẳng hiểu vì có "sao cô đơn" chiếu mệnh hay vì dáng dấp quá cục mịch của anh hoặc vì cái miệng lúc nào cũng khoác lác ba hoa mà các cô đều tránh né. Bẵng đi mười mấy năm không liên lạc, tình cờ lại gặp anh ta nơi này, quả thật trái đất tròn.
Nhàn bây giờ còn mập hơn xưa nữa làm đôi mắt anh ta như híp lại, còn cái bụng thì quá to nên bước đi hai hàng, trông chẳng khác nào con chim cánh cụt thường thấy ngoài bãi biển vùng lạnh.
Huy chưa kịp trả lời thì Nhàn tiếp:
— Tôi đi đăng ký kết hôn!
Và, quay sang người thiếu nữ bên cạnh, anh giới thiệu với giọng đầy kiêu hãnh:
— Đây là anh Huy, bạn học cũ của anh. Và đây, Hồng, vợ tương lai của tôi.
Cô thiếu nữ còn quá trẻ so với Nhàn, sắc vóc cũng thuộc loại khá, cặp mắt to và sáng quắc. Cô cười để lộ hàm răng trắng phau:
— Chào anh!
Bây giờ Huy mới có dịp mở miệng:
— Đây là Tiến, em tôi. Tôi về nước có chút chuyện riêng, cũng xong rồi.
Nhàn mau mắn:
— Tháng sau chúng tôi làm lễ cưới, anh ở lại dự nhé!
Rồi anh kéo Huy ra xa một chút, nói nhỏ, giọng đầy thỏa mãn:
— Quả là cái số anh ạ. Hồi nào kiếm một cô không ra, bây giờ ba bốn chỗ kêu gả con. Tôi chọn cô này. Nếu ham tiền thì tôi ưng đám kia rồi, của hồi môn những 40 ngàn đô! Thanh niên Việt kiều độc thân bây giờ có giá lắm!
Huy nghĩ thầm trong bụng: không tiền thì sắc, không sắc thì danh; đó là thói thường trong thiên hạ! Chàng không muốn kéo dài câu chuyện, bắt tay Nhàn và nói:
— Chúc mừng anh, nhưng rất tiếc, hai tuần nữa tôi phải về.
Nhàn khẩn khoản:
— Nhà bên vợ tôi gần đây, cuối tuần này mời hai anh đến dùng cơm!
Lịch sự, Huy đáp:
— Anh cho địa chỉ, nếu tiện, tôi sẽ đến! Tôi phải đi Đà Lạt ngày mai, chẳng biết về kịp không?
Nghe nói đến Đà Lạt, mắt Nhàn sáng lên; tay anh vừa ghi vội địa chỉ vào giấy, miệng vừa tranh thủ nói:
— Đà Lạt bây giờ là chỗ giải trí lý tưởng. Bốn món ăn chơi thứ nào cũng có, chẳng thua gì Sàigòn mà khí hậu lại mát mẻ, cảnh trí hữu tình.
Huy im lặng quay gót sau khi nhận tờ giấy có ghi địa chỉ. Đi ngang chỗ Hồng đang đứng, chàng khẽ gật đầu chào rồi cùng Tiến ra xe.
Trên đường về, Huy băn khoăn:
— Họ đòi thuế gì cao quá làm sao chú lo nổi?
Tiến thành thật:
— Ông ta nói vậy chứ bên trong đã đồng ý giá cả hết rồi. Đóng thuế ba cây, tiền nước cho ổng một cây, vị chi là bốn.
— Thế chú có đủ chưa?
— Thưa anh, em có sẵn hai cây, còn hai cây kia, hoặc là đi mượn của cô Tư hoặc là bán hết nữ trang của vợ em thì cũng đủ.
— Thôi, nữ trang đó là đồ cưới của chú thím, hãy để dành sau này cưới vợ cho con trai. Tôi không có nhiều tiền nhưng có thể giúp chú hai cây. Chỉ tiếc là tôi không biết trước vụ này nên không chuẩn bị sẵn. Đưa hết cho chú thì tôi không còn tiền giúp bà con nghèo. Sau này nếu có phương tiện, thấy trong thân tộc mình ai gặp cảnh túng bấn, chú hãy thay tôi giúp họ. Tôi ở xa, không biết rõ hoàn cảnh của mỗi người.
Tiến chớp mắt, cảm động:
— Em cám ơn anh!
Huy thẳng thắn:
— Chuyện đáng làm thì tôi làm. Anh em mình với nhau, nói ơn nghĩa mà chi?
*
Buổi chiều hôm đó, Huy mượn chiếc Honda chở Stephen đi một vòng thành phố. Bây giờ chàng mới có dịp quan sát phố phường. Sàigòn bây giờ người đông như kiến. Xe đạp, xe gắn máy chen chúc nhau hết lòng đường làm những chiếc xe hơi thiểu số phải bóp kèn inh ỏi. Bụi và khói mịt mù! Đường phố cũng không khác xưa mấy. Có vài căn phố quá cũ đứng cúi đầu thiểu não, chẳng dám so cùng những dãy nhà mới khang trang.
Giờ tan sở, đứng ở trung tâm Sàigòn, Huy thấy rõ sự mâu thuẫn trong xã hội, một xã hội đề cao lao động và công bằng: "Những công nhân lam lũ với quần bô áo vải thì uể oải gò lưng đạp chiếc xe cũ rích của mình còn những chiếc Honda bóng láng lại chở các thanh niên thiếu nữ ăn vận hợp thời trang, mặt mày hí hửng đi tìm thú vui trên đời."
Huy tự hỏi: "Làm sao tạo được sự công bằng lý tưởng cho xã hội khi mà ai ai cũng chỉ lo đến quyền lợi riêng tư và sự hưởng thụ cá nhân? Cái chiêu bài công bình ấy đã làm tốn biết bao xương máu của nhân loại mà đã làm được gì đâu? Hơn nữa, biệt nghiệp của mỗi người một khác, đâu ai giống ai."
Chàng chở Stephen đến tháp rùa, gửi xe, rồi hai người lững thững đi bộ dưới những hàng cây có lá me bay. Những cây me giờ cũng đã cằn cỗi, lá thưa và xơ xác; chẳng biết vì cây đang thay lá hay cây cỏ vô tình cũng chịu chung cộng nghiệp với đất nước, với con người?
Những con đường ở đây tương đối vắng và còn giữ lại nhiều nét quen thuộc. Huy cảm thấy lòng mình lâng lâng với bao kỷ niệm thời mới lớn. Chàng tâm sự:
— Những đường phố này xưa kia đã từng in dấu những bước chân của Mai và tôi. Nàng học Đại Học Sư Phạm, tôi học trường Khoa Học vậy mà hầu như chiều nào chúng tôi cũng gặp nhau ở đây để cùng sánh vai dạo bước, đôi khi ghé bên đường uống ly nước dừa tươi hay ly nước đá me.
Tự dưng, Huy thấy nhớ Mai và hai con vô cùng. Chẳng biết giờ này bên kia bờ Thái Bình Dương, ba mẹ con đang làm gì? Ngay khi ấy, Huy cũng ý thức được rằng sợi dây luyến ái yêu đương có sức mạnh tuy vô hình nhưng rất bền chắc. Chính nó trói buộc con người khó lìa xa sáu nẻo luân hồi. Nếu không vướng vào vòng tình ái, có lẽ chàng đã được sống cuộc đời thanh cao, thoát tục của người xuất gia.
Stephen tỏ vẻ thông cảm:
— Chắc chị và các cháu cũng đang nhớ anh!
Hai người cùng mỉm cười, im lặng bước đi, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng.
Thấp thoáng ở đàng xa có bóng dáng hai cô thiếu nữ đang đi ngược về phía chàng. Hai người vừa đi vừa trò chuyện trông vui vẻ và tương đắc lắm. Một cô vận đầm, một cô mặc đồ tây; trông giản dị nhưng sang và đúng mốt. Huy bỗng nhận ra rằng bây giờ đường phố thiếu vắng những tà áo dài thướt tha. Đến gần hơn, chàng thấy hai cô còn trẻ lắm, trạc 16, 17 là cùng.
Chợt nhìn thấy Stephen, một cô mở tròn đôi mắt, nhanh nhẩu hỏi bằng tiếng Anh:
— Xin lỗi, ông từ đâu đến? có phải ông là người Mỹ không?
Cô nói tiếng Anh rất trúng giọng và đúng văn phạm.
Stephen vui vẻ đáp:
— Chào cô! Tôi là người Mỹ. Cô khỏe không?
Cô bé cười tươi:
— Tôi cũng thường, cám ơn ông. Tôi có thể nói chuyện với ông trong chốc lát được không? Tôi muốn biết Anh ngữ của tôi như thế nào? Tôi tên là Dung, bạn tôi tên Loan.
Stephen vui vẻ giới thiệu:
— Đây là Huy và tôi là Stephen.
Trong khi Dung tíu tít nói chuyện với Stephen, Loan hỏi Huy:
— Chú là Việt kiều hay là người hướng dẫn du lịch trong nước?
Huy cười mỉm:
— Cô đoán thử xem?
— Chú mập và trắng giống như mới từ nước ngoài về. Nhưng—xin lỗi chú trước, cái này cháu nói thiệt—cách ăn mặc của chú không giống Việt kiều.
— Thế Việt kiều phải ăn mặc ra sao?
Cô bé trả lời rành rọt:
— Nếu không mặc com-lê và đeo kính Ray Ban thì ít ra cũng phải mặt Jean Levi, áo thun Polo đàng hoàng.
Huy thích thú theo dõi:
— Rồi sao nữa?
— Khi nói chuyện thì chen phân nửa tiếng ngoại quốc, phân nửa tiếng Việt.
— Tại sao?
Cô gái nhún vai:
— Họ nói đi lâu ngày quên tiếng Việt gần hết!
Vui câu chuyện, Huy hỏi tới:
— Thế cô có phân biệt Việt kiều từ nước nào về không?
— Dạ có chứ! Việt kiều ở Pháp ăn mặc sang nhất nhưng ít chi tiền; Việt kiều ở Mỹ rải tiền ra để lấy tiếng còn người từ Úc về tương đối khiêm nhượng hơn, họ Ở mức trung bình của hai hạng trên.
Rồi sẵn trớn, cô nói luôn, tỏ ra mình lịch lãm:
— Cháu còn có thể biết được người Việt tại bản xứ, ai sắp đi, ai có tiếp viện và ai là cán bộ "thời đại".
Huy không muốn đi vào khía cạnh này, chàng hỏi lảng sang chuyện khác:
— Thế cô thuộc thành phần nào?
Mắt cô bé sáng ngời vẻ kiêu hãnh:
— Cháu sắp cùng gia đình đi Úc còn Dung đi Mỹ. Vì thế tụi cháu không học trường phổ thông, chỉ học sinh ngữ và toán, lý, hóa do mấy thầy riêng đến nhà dạy.
Huy chợt nhớ mình phải lo mướn xe để đi Đà Lạt thăm thầy vào ngày mai, anh nhìn Stephen, ra hiệu, nói:
— Chúng tôi có công việc phải đi, thôi chào hai cô nhé!
Hai cô bé đồng giơ tay vẫy chào:
— Nice to meet you! Bye bye!
Đi được một khoảng ngắn, Stephen tỏ ý tiếc rẻ, anh nói nhỏ:
— Hồi nãy tôi định mời hai cô ấy đi uống nước hay ăn kem!
Huy lắc đầu:
— Phong tục người Việt chúng tôi hơi khác Mỹ. Người con gái đàng hoàng không bao giờ nhận lời đi ăn uống với đàn ông con trai vừa gặp gỡ ngoài đường.
*
Người tài xế ngừng xe lại trước cổng chùa thuộc vùng ngoại ô thành phố Đà Lạt. Tự nhiên Huy cảm thấy hồi hộp. Núi đồi còn mờ sương nhưng mái chùa đã hiện rõ nét. Ngày xưa, thỉnh thoảng chàng được theo thầy đến đây, những lúc thầy cần tịnh dưỡng. Hai cây tùng thầy trồng phía ngoài cổng tam quan giờ đã lớn quá, đứng sừng sững giữa trời.
Chàng móc túi lấy tiền tặng người tài xế và mời bác vào chùa uống nước nghỉ ngơi.
Bác tài vui vẻ đáp:
— Dạ cám ơn thầy. Hãng xe có trạm nghỉ ngơi gần chợ, tôi đến đấy tiện hơn.
Rồi bác đổi giọng, hơi ấp úng:
— Chẳng biết đến bận về tôi có được chở thầy nữa không? Tôi có việc này muốn nhờ thầy giúp nếu thầy không phiền.
Huy cởi mở:
— Nếu trong khả năng, tôi không ngại gì chẳng giúp bác.
Bác tài cẩn thận mở khóa cái hộc đựng giấy tờ xe, lấy ra một cái bao thơ và nói:
— Không nói dấu gì cậu, hai vợ chồng tôi chỉ có một đứa con gái, nó muốn đi ngoại quốc lắm mà bên nội cũng như bên ngoại đâu có ai ở nước ngoài để bảo lãnh. Tôi nghe nói ở Cali có văn phòng se duyên gì đó, tôi nhờ cậu đưa thư này cho họ, trong ấy có đủ hình ảnh, tên tuổi địa chỉ và lệ phí. Nếu nó gặp duyên may, có anh Việt kiều nào muốn cưới thì đời nó được sung sướng.
Huy ngạc nhiên quá đỗi! Sao lại có những chuyện như vầy nhỉ? Tuy nhiên, vì lòng trắc ẩn, chàng cũng nhận lời:
— Cháu ở tiểu bang khác, không phải ở Cali. Tuy nhiên, cháu sẽ liên lạc giúp bác chuyện này. Nếu không được, cháu sẽ gửi hoàn lại bác.
Chàng nhận phong bì, bỏ vào xách tay rồi cùng Stephen xuống xe. Stephen vốn lịch sự cũng không hỏi han gì.
Hai người vừa vào trong đã gặp ngay vị sư trụ trì đang chờ. Vị này trước kia Huy cũng biết qua, chàng nhận được vì trông không khác xưa mấy, người tu trẻ lâu, chắc vì không phải bận tâm với những chuyện thế gian.
— A Di Đà Phật! Chào hai cậu, tôi là Thiện Hải. Thầy dạy tôi mời hai cậu lên lễ Phật, dùng cháo điểm tâm rồi lên hầu chuyện với thầy.
Stephen bắt chước Huy, chấp hai tay trước ngực, cúi đầu xá nhà sư. Chàng thấy cách chào này thật hay vì biểu lộ được lòng tôn trọng của mình.
Nhà sư cũng chấp tay chào đáp lễ rồi dẫn hai người lên chánh điện. Thầy Thiện Hải nói:
— Chánh điện vừa được nới rộng và sửa sang lại chừng ba tháng nay!
Huy đưa mắt nhìn quanh rồi hỏi:
— Công việc tái thiết ở đây chắc cũng xong rồi, thưa thầy?
Vị sư lắc đầu:
— Xong việc này thì thầy mình bắt sang việc khác ngay. Bây giờ thầy đang cất làng an dưỡng cho người già, nơi khu rừng phía sau.
Nói xong, thầy im lặng cử ba tiếng chuông cho hai người lễ Phật. Khi hai người trở xuống trai đường thì bữa ăn sáng đã dọn sẵn với hai tô cháo trắng còn bốc hơi thơm mùi gạo mới và dĩa dưa cải xào tương. Huy nhớ lại những ngày thọ bát, sau thời công phu sáng, giới tử đều được ăn sáng như thế này. Ngày thường, chúng xuất gia chỉ ăn sáng với cháo và dưa cải—cải do mỗi chùa tự trồng và làm dưa để dành ăn quanh năm—hôm nào có đoàn Bát Quan Trai, thầy dạy xào dưa cải với tương cho cư sĩ dễ ăn.
Sáng nay, vừa mệt vừa đói sau cả đêm ngồi xe lên dốc xuống đèo, hai người ăn thật ngon miệng. Chú tiểu bưng lên thêm hai tô cháo nữa, Stephen mỉm cười thích chí, Huy bắt gặp trong ánh mắt ấy nét trẻ thơ trong sáng vô cùng...
Sau đó, Huy cùng bạn nối gót sư Thiện Hải đến am của Sư Trưởng với những bước nhẹ nhàng thong thả. Huy nhớ lời thầy dạy: khi đi phải giữ im lặng và chú ý vào từng bước chân, bước những bước đi tỉnh thức... Tự nhiên, Huy thấy tỉnh táo lạ thường, đầu óc như mảng trời xanh trong. Thỉnh thoảng, chàng có những phút giây kỳ diệu như vậy nhưng khi vừa ý thức được điều đó thì giây phút ấy không còn nữa. Chàng nghe đâu đây mùi thơm của vỏ cam, vỏ quít khô đang un khói, mùi hương này rất quen thuộc vì mỗi khi đến phụ việc kinh sách với thầy, chàng đều được thở không khí thơm tho dịu dàng này. Mùi hương làm thông cả buồng phổi và ấm cả lồng ngực.
Sư Thiện Hải nhẹ mở cửa, vào trình thầy rồi trở ra, bảo hai người vào. Tim chàng đập mạnh khi được nhìn thấy thầy. Người ngồi trên chiếc ghế mây có cái gối kê sau lưng. Mặt người ốm và đen như bức tượng đồng tạc vị A La Hán thuở xưa. Đôi mắt người vẫn biểu lộ sự tinh anh, cương quyết và uy nghiêm làm cho kẻ đối diện phải nể vì, tùng phục.
Trong lúc chàng còn đứng yên vì xúc động, Stephen đã sụp xuống lễ dưới chân người. Huy sực tỉnh, chàng phủ phục dưới chân sư phụ.
Thầy mỉm cười, hỏi:
— Hai con đi đường có mệt không?
Huy day qua thông dịch cho Stephen rồi trả lời:
— Thưa, nhờ ăn cháo nóng, chúng con đã khỏe.
Stephen thì lắc đầu, cười, rồi nhìn thầy đăm đăm.
Thầy hỏi thăm về cuộc sống của Huy và Mai trên xứ người, về gia đình và sự tu học của hai người.
Huy thưa:
— Bạch thầy, Mai và con đều được chỗ làm tốt, cuộc sống không đến nỗi vất vả. Gia đình chúng con sống rất hạnh phúc, có lẽ nhờ chúng con đều được thấm nhuần giáo lý nhà Phật và biết áp dụng vào đời sống. Tuy nhiên, hạnh phúc đó, nếu so với sự an lạc của người tu thì thật không đáng vào đâu.
— Con đừng so sánh như vậy không nên. Mỗi người có nghiệp duyên, có hoàn cảnh khác nhau. Biết sống và biết tu thì tất nhiên có an lạc, không đợi gì xuất gia.
Biết Huy luôn luôn mang mặc cảm đã không thực hiện được ý định xuất gia của mình thuở nhỏ, nhà sư bắt sang chuyện khác.
— Đây là anh bạn đạo người Mỹ mà con đã giới thiệu với thầy trong thư, phải không? Thầy muốn nói chuyện với cậu ấy, con hãy thông dịch lại.
Huy day sang Stephen:
— Thầy muốn nói chuyện với anh.
Nhà sư nhìn Stephen một lúc rồi hỏi:
— Con nghiên cứu đạo Phật được bao lâu rồi?
— Thưa thầy, hơn hai năm!
Nhà sư nhẹ gật đầu, hỏi tiếp:
— Con hiểu đạo Phật như thế nào?
Stephen thưa:
— Đạo Phật là đạo của từ bi và giác ngộ.
Thầy cười:
— Con đừng nói theo sách vở, hãy nói chỗ tâm đắc của con.
Stephen có vẻ lúng túng, chàng suy nghĩ một hồi lâu rồi nói:
— Người đời chú trọng tới "cái tôi" của mình quá nhiều, mọi suy nghĩ và việc làm đều nhằm mục đích phục vụ cho "cái tôi" của mình trước nhất. Lúc nào mình cũng sẵn sàng binh vực, bảo vệ cho "cái tôi" của mình, dù nó đúng hay sai. Nhưng hiểu cho tới cùng thì "cái tôi" đáng ghét ấy lại là nguyên nhân gây ra sự đau khổ cho mình và cho người. Đạo Phật dạy con người phương pháp sống an vui bằng cách xả bỏ ngã chấp. Càng buông bỏ được bao nhiêu thì hạnh phúc càng lớn bấy nhiêu.
— Vậy theo chỗ con biết, ngã chấp phát xuất từ đâu? Tại sao chúng sanh nào cũng chấp ngã?
Stephen nhanh nhẩu đáp:
— Tại vì vô minh!
Thầy lặng thinh. Thầy biết rằng ai nghiên cứu Phật pháp mà không được hướng dẫn cũng đều bị vướng mắc vào danh từ, thuật ngữ chứ khó thể thâm đạt được lý nghĩa thậm thâm.
Một chập sau, thầy chỉ cái bàn trước mặt, hỏi:
— Cái bàn này do đâu mà có?
— Thưa, do người thợ mộc phối hợp gỗ, đinh, sơn mà có.
— Trước khi những thứ đó họp lại, cái bàn ở đâu?
Stephen thẳng thắn đáp:
— Dạ, nó không ở đâu hết, vì không ai thấy nó cả.
Nhà sư ôn tồn nói:
— Con nên biết, cái chỗ "không ở đâu hết" mà con không thể thấy, không thể nghĩ tới, không thể nói được đó, lại là nguồn gốc chung của mọi sự mọi vật, từ sinh vật hữu hình đến sự vật vô tình, từ hữu vi đến vô vi... Người tu theo đạo Phật luôn luôn tìm cách quay về nguồn cội đó, tìm cách thể nhập vào bản thể chung đó. Khi trở về được rồi thì nhìn muôn sự, muôn vật đều bình đẳng: Phật với chúng sanh không khác, thiện và ác không hai, cho đến cũng không thấy mình đối lập với người, tất cả đều nhứt như bình đẳng. Khi ấy, chẳng những buông bỏ được ngã chấp mà pháp chấp cũng không còn. Đó là phép tu của hàng Đại thừa.
Stephen chăm chú nghe như muốn uống từng lời, nuốt từng tiếng. Chàng cúi đầu lặng yên cho giòng tư tưởng mới tiếp thu ấy thấm sâu vào tâm não.
Cả phòng im lặng đến nỗi Huy nghe được tiếng chim rít rít ngoài sân. Trời đã sáng tỏ, nắng hồng vào tận am tranh.
Một lúc sau, Stephen ngẩng đầu lên, anh hỏi:
— Thưa thầy, làm sao có thể trở về?
— Mỗi pháp môn dạy một cách trở về. Riêng tôi, tôi dạy hàng đệ tử am tường lý Bát Nhã và thực hành thiền định. Hai pháp này hỗ trợ cho nhau. Nếu chuyên cần tu học hai pháp ấy thì có thể buông bỏ được vọng tưởng phân biệt để ngộ nhập tâm Bình Đẳng Vô Phân Biệt, còn gọi là Trí Huệ Bát Nhã, là tánh Giác vốn sẵn có của mỗi người. Tánh này tương ưng cùng bản thể của vũ trụ, vạn hữu.
Stephen đưa mắt nhìn Huy như hội ý rồi ngập ngừng hỏi:
— Thưa thầy, trong thời gian mươi ngày, con có thể học được một phần nào chăng?
Thầy gật đầu:
— Nếu chuyên cần ngày đêm, con có thể học được Tâm Kinh Bát Nhã và phương pháp hành thiền. Sau khi nắm được cái gốc rồi thì sau đó con có thể tự mình chiêm nghiệm và tự mình hành trì.
Stephen đứng lên cung kính đảnh lễ nhà sư và thỉnh cầu:
— Kính xin thầy vui lòng thâu nhận con làm đệ tử và truyền trao cho con pháp tu vi diệu ấy.
Sau khi thầy gật đầu hứa khả, hai người đảnh lễ rồi lui ra.
Họ thong thả bước theo con đường mòn dẫn ra khu rừng vừa mới được khai phá để xây cất làng an dưỡng.
Huy hỏi nhỏ:
— Thế anh định ở đây luôn cho đến ngày về, không đi tham quan nơi nào khác à?
Stephen cười:
— Gặp kho tàng đầy châu ngọc mà còn đi ngao du sơn thủy làm gì cho phí thì giờ!
*
Mai và các con ra đón hai người ở phi trường. Hai đứa nhỏ vừa trông thấy cha đã chạy đến ôm chặt lấy chàng. Huy dang rộng đôi cánh tay ôm con và đưa mắt nhìn vợ, cái nhìn chĩu nặng nhớ thương.
Stephen tiến đến chào Mai và khoe:
— Tôi đã qui y với Sư Trưởng. Pháp danh tôi là Chí Pháp.
Mai cười vui:
— Chúc mừng anh nhé! Từ đây chúng ta trở thành anh em một nhà rồi đó!
Sau khi đưa Stephen về, gia đình Huy có bữa ăn mừng sum họp; bữa ăn dưới những ngọn nến lung linh, trong tổ ấm êm đềm. Huy cảm thấy ấm áp vô cùng và quên hết những mệt nhọc đường xa.
Hai đứa con tíu tít, đứa hỏi chuyện này, đứa hỏi chuyện kia; chàng âu yếm trả lời từng chút một. Sau đó, hai đứa giành phần dọn dẹp, rửa chén cho ba mẹ có thì giờ trò chuyện cùng nhau.
Mai rót cho Huy ly trà nóng, trà mạn sen do thầy biếu mà chàng vừa mang về. Hương trà làm chàng liên tưởng đến những ngày vui thanh tịnh vừa qua.
Mai ân cần han hỏi:
— Chuyến đi rồi có gì vui, có gì buồn, anh nói cho em nghe đi!
Huy uống thêm một ngụm trà, trầm ngâm một chút rồi thong thả nói:
— Vui có, buồn có em à! Để từ từ anh kể lại hết cho em nghe. Anh vui là vì thấy bà con thân tộc đều còn đủ, căn nhà kỷ niệm của ba mẹ được vợ chồng chú Tiến giữ gìn cẩn thận và anh đã giúp Tiến đúng lúc. Càng vui hơn nữa là được gặp lại thầy, được cùng Stephen nghe pháp, có thì giờ rảnh rang để tọa thiền và giúp thầy trong công tác xây dựng.
Huy nói tới đó thì ngồi yên. Mai nóng lòng hỏi tới:
— Còn buồn về việc gì?
— Nhiều nỗi buồn man mác, linh tinh do sự suy nghĩ của mình khác người ta. Có một cái buồn theo anh suốt trên đường về.
Mai nhìn chồng chờ đợi. Huy thấp giọng, kể: — Việt kiều ở Mỹ về nước thường vung tiền ra ăn chơi hoặc là bố thí để khoe khoang. Anh không làm như vậy, một là vì tánh mình xưa nay không phải như thế; phần khác vì số tiền anh đem theo chỉ có giới hạn mà Tiến thì cần tiền ngay để hoàn tất thủ tục sang tên nhà. Anh lại muốn cúng dường thầy số tiền kha khá để góp phần vào công trình lớn mà thầy đang thực hiện; do đó anh không còn tiền để phân phát cho bà con như chú Bảo, con cô Tư đã làm.
Bởi vậy, ngày đón anh thì bao nhiêu người ra phi trường, ồn ào nô nức; ngày anh về, chỉ có gia đình Tiến và chú Ba thôi.
Trước khi lên xe ra phi trường, anh còn nghe hai đứa cháu gái, họ bên ngoại, mỉa mai anh như vầy:
"Việt kiều ở Mỹ về mà kẹo!"
"Coi bộ Ổng hổng biết ăn chơi gì hết trơn mày hé!"
"Ờ! Cù lần thấy mồ!"
"Việt kiềm dỏm!"
Hai đứa nó nói với nhau như thế rồi cười rũ ra, tiếng cười đó làm đau lòng anh biết mấy!
Mai nắm tay chồng an ủi:
— Anh à! ƠŒ đời chẳng phải ai cũng cùng quan niệm sống như mình đâu! Mình chê người này thì cũng có người khác chê lại mình; đó là lẽ thường. Điều quan trọng là trước những lời khen chê mình nên giữ lòng bình thản. Muốn được vậy, mình hãy hiểu người trước khi người hiểu được mình.
Huy nhìn vợ với vẻ cảm phục:
— Anh cám ơn em. Lời khuyên của em rất chí lý. Nếu hiểu biết, mình sẽ dễ dàng tha thứ và thương yêu.
Bỗng nhiên, một tia sáng chợt lóe lên trong đầu. Huy hớn hở nói:
— Em à! có lẽ với hiểu biết và thương yêu, mình sẽ dần dần sống được với tâm hồn bình đẳng vô tư.
Mai đồng ý:
— Em vẫn nghĩ thế! Em nhớ ngày xưa, thầy có dạy rằng: "Hành giả đang tu học cũng như người lái xe, phải luôn luôn chuyên chú nhắm vào mục đích của mình mà tiến tới. Khi nào phiền não, sân hận nổi lên thì nên biết rằng mình đang lạc vào nẻo tối tăm, nguy hiểm, hãy tìm cách quay trở ra con đường chánh. Chỉ con đường rộng rãi thênh thang và đầy ánh sáng mới làm cho mình được an ổn vui vẻ và đưa mình tới nơi chốn bình yên, quê hương đầy hạnh phúc".
— Đúng rồi em ơi! đạo ở ngay trong cuộc sống, chẳng ở đâu xa. Khi mình biết cách chuyển hóa phiền não là mình được hưởng sự an lành ngay. Và chính những ngày tháng an lành hôm nay là nhân tố quyết định cho đời sống mai sau.
Huy cảm thấy những điều thị phi, những ưu phiền chẳng còn quấy động tâm tư. Hạnh phúc đang ở quanh đây, thật đơn giản vô cùng!