Tôi có một thằng bạn thân chơi với nhau từ những ngày còn ở Việt Nam cho đến khi sang Tiệp, rồi sang Đức. Gia đình hắn giờ định cư ở H. Năm ngoái, còn trước tết cả chục ngày, hắn đã gọi điện đến chỗ tôi trách móc rồi hẹn hò: - Sang đây năm sáu năm rồi mà tết nào ông cũng voi phục ở nhà.... Như thế là không được đâu. Tết này dứt khoát ông phải đưa bà ấy với bọn nhóc đến nhà tôi đấy. Tôi đang nghỉ thất nghiệp, đã mấy tháng nay ở nhà chỉ có ăn xong rồi nằm dài ra hết xem tivi lại đến ngủ, thỉnh thoảng lắm mới phải hộ tống vợ con đi đâu đó, nói chung là ít có cơ hội ra khỏi nhà nên cũng buồn. Nghe thằng bạn nói thế, tôi chẳng thèm làm cao, ngược lại, còn ra vẻ ân hận, xin lỗi hắn vài câu rồi hứa, tết này, bằng mọi cách thế nào cũng đưa cả nhà đến chỗ hắn chơi vài ngày. Đoạn cuối câu chuyện tôi còn nửa đùa, nửa thật, ỡm ờ, nói: - Chỉ sợ chúng tôi lại ở lì quá, rồi ông có muốn dứt cũng không ra được thôi. Chắc hắn nhớ lại kỷ niệm những ngày còn ở Việt nam của chúng tôi. Có dạo tôi ở chỗ hắn lâu quá, đến nỗi mẹ tôi ngại, phải mang gạo, mang lạc đến đổ vào thùng của nhà hắn... nên sững lại một giây rồi lại oang oang: - Ông cứ nói vớ nói vẩn.... Gì chứ, chẳng lẽ chúng tôi không nuôi nổi nhà ông mươi, mười lăm ngày ư? Tôi vẫn còn cố đùa: - Thế còn sau mười lăm ngày thì sao? Làm hắn lúc đầu phát cáu lên, để về sau phải dàn hòa: - Thì các ông muốn ở đến bao giờ thì ở.... Nhưng thôi! Không nói lung tung nữa. Dứt khoát ông phải đến đấy. Tết nhất, đừng để chúng tôi đợi. Hôm hai mươi lăm tết, tôi cũng bầu đoàn thê tử mua được một suất vé tầu cuối tuần rẻ như cho của ngành hỏa xa Đức, rồi làm một cuộc hành trình dài dằng dặc xấp xỉ cả ngàn cây số, phải hàng chục bận chuyển hết tầu này sang sang tầu khác, đã thế lại còn lạc lên, lạc xuống, nhầm lẫn lung tung, nhưng rút cục, từ sáng tinh sương đến tối mịt, rồi cũng tới được nhà hắn. Chúng tôi hàn huyên hết hơn một ngày cho bõ những nhớ nhung, xa cách. Đến hôm hai mươi bảy thằng bạn bảo: - Tôi với ông đi kiếm cành đào về chơi... Tôi tưởng hắn nói nhầm nên hỏi lại: - Ông bảo sao? Cái gì mà... cành đào? Hắn nói: - Thì cành đào chứ sao? Ở bìa rừng ngoài kia, có loại cây gì ấy, hoa giống hoa đào lắm. Tết năm nào chúng tôi cũng ra chặt về. Tôi không nói gì, xách dao đi theo hắn xuống cầu thang. Hắn chở tôi ở đằng sau xe đạp đi một chặng đường dài khoảng hơn cây số thì đến bìa rừng. Quả nhiên ở đấy chúng tôi thấy có một loại cây gì đó giống như cây đào, tuy có hơi cao, to hơn, nhưng từ gốc đến cành cũng sần sùi, khẳng khuyu, lá cũng thon thon, xanh xanh, và đặc biệt là những nụ hoa mọc chi chít trên cành cũng nho nhỏ, hồng hồng, thì hệt như những nụ hoa đào còn đang e ấp vậy. Tôi và thằng bạn đi từ hết gốc cây này sang gốc cây khác, vừa đi vừa nhìn lên, chọn trong muôn ngàn cành đào còn trên cây ấy ra những cành như ý nhất. Thằng bạn tôi có vẻ sành. Nhiều cành, theo con mắt của tôi thì được lắm rồi, nhưng nghe hắn phân tích ra lại thấy lắm vấn đề. Cành cụp quá, cành xòe quá, cành được thế thì mất hoa hoặc mất lá, cành được cả hoa lẫn lá thì lại mất thế. Phải ít ra là hàng giờ sau thằng bạn tôi mới chọn được một cành, theo hắn là tuyệt vời, đem cắm vào bình đặt ở phòng khách thì hết ý. Tôi định xung phong leo lên cây để chặt cành đào ấy xuống, nhưng thằng bạn thằng bạn không chịu, sợ tôi làm hỏng công trình. Hắn lại không biết trèo.... Thế là cực chẳng đã tôi phải tự nguyện làm cái kiệu để hắn leo lên. Từ ngày sang Tây Đức, thằng bạn tôi mới lên được độc có hơn ba chục ký, nghĩa là bây giờ hắn nặng hơn chín chục, sừng sững, ục ịch như một đô vật. Hắn tập trung gần một tạ thịt ấy lên hai gót giày cỡ bốn ba, bốn tư rồi giận vào hai vai tôi. Xương sống tôi như muốn quằn đi. Tôi loạng choạng xuýt ngã mấy lần, song mãi rồi cũng lấy lại được thăng bằng mà từ từ nâng hắn lên. Thế rồi, tùy từng nhát dao của thằng bạn bập vào từng phía bên này hay bên kia của cành đào mà vai phải hoặc vai trái tôi bị gót giày của hắn nghiến cho những nhát đau điếng. Sau ít nhất là mười phút, rồi thằng bạn tôi cũng hạ được cành đào xuống một cách an toàn, nguyên vẹn. Để thể hiện cho hắn biết phần nào tài năng của mình, tôi phi thân bay lên một cây đào phía trước mặt... và chỉ không đầy một phút sau cũng đốn gọn một cành khác bằng một nhát dao sắc ngọt, cũng chẳng để một cánh lá nào gãy hay một nụ hoa nhỏ nào kịp rụng. Chúng tôi mang hai cành đào về nhà. Thằng bạn tôi bảo, để trong phòng ấm như thế này, chỉ vài ngày là những nụ kia sẽ nở thành hoa đẹp lắm. Nhưng đấy là hắn nói mồm vậy. Còn thực tế, vì hắn kỹ tính quá mà đem cất cành đào vào chỗ kín gió, quá ấm, nên chỉ qua được đêm hai bảy, đến sáng hai mươi tám, có cái nụ nào trên cành, dù là nhỏ nhất, cũng nở toác toạc toàng toang hết, hắn phải đem ra để ngoài cửa sổ cũng không cứu được, đến sáng ba mươi thì nhiều bông hoa đã héo. Còn cành đào của tôi, vì chịu để dưới chân cầu thang, chịu giá rét một tí, vậy mà lại giữ được. Tôi để ý, thấy các nụ hoa mỗi ngày như chẳng to hơn một tí ti nào, lá như bị héo, cành thì đét đèn đẹt, nhưng không hề sốt ruột. Đến tận tối ba mươi, lúc mà thằng bạn chẳng thể làm cách nào khả dĩ cứu vãn nổi cành đào của hắn nữa, đành đem vứt xuống dưới thùng rác, tôi mới mang vào. Lúc cắm vào bình nước, cành đào của tôi trông vẫn chẳng có mấy sức sống. Nhưng chỉ qua một đêm, đến sáng mồng một thì thấy nó đã khác hẳn, lá xanh rờn lên, đúng là tín hiệu của mùa xuân, dù có gượng ép đôi chút, nhưng ai biết đâu đấy, những cánh hoa đào tươi thắm, sáng ngời cũng nở vừa đủ độ.... Đã có kinh nghiệm của thằng bạn, tôi bảo nó để cành đào ngay bên cửa sổ, chỗ hơi lạnh hơn các nơi khác trong nhà, chính vì vậy mà giữ được mấy ngày. Hôm hai mươi tám tết, tôi và thằng bạn hộ tống hai bậc phu nhân và bốn đấng con vừa trai vừa gái vào mấy cửa hàng trong thành phố để các vị sắm tết. Đầu tiên, vợ thằng bạn kéo cả đoàn vào cửa hàng Á Châu. Theo chỗ tôi biết thì vào những ngày bình thường mấy cửa hàng bán thực phẩm của người Tầu, người Việt Nam, Philipin hoặc Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ... chẳng có mấy người vào, hàng hóa cũng chẳng lấy gì phong phú, quanh đi quẩn lại cũng mấy thứ đồ khộ.., lâu lâu không ăn thì háo hức, chứ ăn vào được mấy bữa là ngán đến cổ, nhất là mấy món mỳ tôm, mỳ cua, cứ thấy tiện mà ăn cố, hết một, hai hộp ba mươi hai gói lại không trứng cá, trứng tôm nổi hàng đám trên mặt như bánh đa vừng. Nhưng hôm nay, vì là ngày giáp tết nên khác. Như ở cái cửa hàng của người Tầu này chẳng hạn, người ra, người vào cứ nườm nượp, tuy rằng chỉ có rặt một loại tóc đen, da vàng, mũi tẹt, bởi ngoài ra chẳng một giống tây trắng, tây đen nào chen vào được. Tiếng Việt Nam, tiếng Tầu, tiếng Đức nhí nha nhí nhố, không khí bán mua thật sôi nổi, tấp nập. Khác với những khi khác, những ngày này, người ta chỉ có vào đây cố mua cho bằng được một cái gì đấy để tết nhất có chút gì gợi nhớ hơi hướng của quê hương. Chen chúc trong đám người ấy mãi rồi mấy vợ chồng, cha con chúng tôi cũng mua được mấy cái túi thật to đựng đầy những gạo tám, gạo nếp, miến dong, bánh phở, bún khô, nấm hương, mộc nhĩ, măng tươi, măng khô, hành, tỏi, và đủ thứ gia vị.... Vợ của thằng bạn tôi trước sau không thể nào quên được tập lá dong để gói bánh chưng. Ả chen xấn, chen xổ, kệ đồng hương, đồng khói kêu oai oái, quên khuấy nếp sống văn minh, lịch sự, bổ túc được sau mấy năm, giành bằng được một tập lá dong cuối cùng, mỏng dính độ bốn, năm lá từ trong tay một ông làm ông này cứ thộn mặt ra, không nói được lời nào, cũng chẳng biết phân bua cùng ai. Tôi và thằng bạn chứng kiến từ đầu đến cuối mọi hành động của vợ hắn. Lúc cả bọn đã mang được mấy cái túi ra khỏi cửa hàng, hắn nói với ả: - May, đây là xứ mà chó, trẻ con với đàn bà được tôn trọng. Chứ ở Việt Nam, mua tranh, bán cướp như em thì nó đánh chết. Vợ hắn đáp lại, giọng tỉnh như không: - Chết thì chết tôi cũng phải mua bằng được. Cả năm của người ta có mỗi một cái tết. Chúng tôi lại rồng rắn dẫn nhau vào mấy cửa hàng Đức để các bà vợ mua đầu lợn về làm món giò thủ. Gà, thịt lợn, thịt bò bình thường cũng phải mua, nhưng vì là ngày tết nên số lượng phải tăng gấp mấy lần, sợ khách khứa đột xuất. Rồi cũng phải tính toán để mua thêm hành tây, cần tây, củ cải, xu hào, súp lơ, cà rốt.... Thằng bạn kéo tôi chạy sang quầy rượu, bảo thích loại nào thì cứ nhặt. Phần hắn nhoằng một cái đã thấy xếp đầy một xe những Macten, Uýtsky, Napoleon, Vodka, mấy loại sâmpanh và vài chục hộp bia, mấy két nước ngọt vừa Cocacola, vừa Fanta. - Để uống cho bõ, mấy ngày tết. - Hắn giải thích với tôi vậy. Chứng kiến cảnh nhà thằng bạn chuẩn bị tết nhất, tôi có một nhận xét là tết của mấy gia đình người Việt Nam từ Đông "u chạy sang tỵ nạn bên này có một cái gì đó giông giống nhau. Nghĩa là nhà ai cũng có vài ba cặp bánh chưng, bên trong lót giấy bạc, lá dong xanh chỉ có một lớp mỏng dính bên ngoài để trang trí. Nhà nào cũng có nồi thịt kho đông, thịt kho tầu, cá kho, cá rán, mấy cái giò thủ, hoặc giò mỡ, giò nạc, không tự làm được thì cũng nhờ một ai đấy làm giúp, hoặc cùng lắm thì mua ở ngoài cửa hàng về. Nhà nào cũng có ít ra là một đĩa mứt gừng hoặc mứt cà rốt, những món này đơn giản, dễ làm, nhà nào có bà vợ khéo tay thì có thể làm thêm mấy món mứt khác như như mứt hồng hay mứt dừa.... Trên bàn thờ nhà ai cũng xếp đầy hoa quả, và bánh kẹo. Không phải là mâm ngũ quả nữa, mà là cả một cửa hàng hoa quả thu nhỏ lại, từ dưa hấu, dưa bở, dưa chuột, chanh, bưởi, cam, quýt, đến táo, lê, dứa, xoài, đào, mận, hồng, khế chua, khế ngọt.... Bánh kẹo ít ra cũng phải hơn chục thứ. Đồ uống, bia, rượu, nước ngọt, nước khoáng... cũng vậy. Thuốc lá, cũng phải hàng tút. Thằng bạn tôi cũng hay triết lý lắm, hắn bảo tôi: - Phải mua về mà ăn cho biết mùi tư bản nó như thế nào. Tôi khích thêm: - Với lại để cho bõ những ngày thiếu thốn, đói, khát... ở Việt Nam nữa chứ? Hắn nháy mắt: - Chứ lại còn gì nữa? Nơi mà thằng bạn tôi định cư là hai cái nhà ba tầng ọp ẹp, cũ kỹ ở cuối làng. Hai cái nhà ấy chứa được khoảng ba trăm người, trong đó một nửa là người Việt Nam, số còn lại là Thổ, A Phú Hãn, Libanon, mỗi sắc dân chiếm một ít. Ngay bên cạnh nhà là hai cái trại của người Đức, một chuyên nuôi gà, một nuôi lợn, nên bốn mùa không khí lúc nào cũng thoang thoảng mùi phân, mùi nước giải của mấy giống súc vật ấy. Gần ngày tết Việt Nam, tự nhiên bên trại gà lại có đợt bán gà già. Đấy là những con gà đẻ đã quá tuổi, phải thải ra để thay lứa khác, đáng lẽ ra thì có thể đem mà chôn đi ở đâu đó, thì chẳng hiểu tại sao mấy ông, mấy bà chủ vẫn để bán, giá ba Mark một con. Quân đầu đen nhà ta biết tin ấy, lốc nhốc từng đàn, từng lũ kéo nhau sang. Nhà ít cũng hai ba con, nhà nhiều có khi mua cả chục. Ai cũng hăm hăm, hở hở.... Tết nhất có đĩa lòng gà xào, bát canh miến thì thật giống cảnh Việt nam quá. Bữa trưa hai mươi chín tết, tôi được xơi một bát miến như vậy. Tôi không dám trách các bà vợ, bởi chính mắt tôi đã thấy các vị làm mớ lòng thật kỳ công, đoạn ruột nào cũng xẻ phanh ra, xát muối ba bốn lần rồi xả nước đến trong veo mới thôi.... Vậy mà, chẳng hiểu sao mới cầm bát miến đưa lên, chưa kịp và, kịp húp, một mùi đặc trưng hệt như phân gà đã xộc thẳng vào mũi, hôi không thể nào chịu được, đến cả trứng non, tim, gan cũng bị ám vào như vậy. Sáng ba mươi tết, chưa ngủ dậy, tôi đã nghe có tiếng gõ cửa. Cô bạn hàng xóm của nhà thằng bạn tôi bước vào, áo quần ngủ vẫn còn xộc xệch, vừa che miệng ngáp vừa nói: - Ông xã nhà em liên hệ với trại lợn bên kia, mua được con lợn nửa tạ.... Nhà các bác có đánh đụng thì sang ngay. Thằng bạn tôi hỏi qua vợ hắn một câu rồi đồng ý đánh dụng một phần tám. Hắn ăn sáng qua loa rồi chạy đi, để gần hai tiếng sau mang về một chậu vừa thịt, vừa xương vừa lòng lợn và cả một chai dễ đến gần nửa lít tiết đỏ ngòm. Chúng tôi lại phải xắn tay áo lên lao vào cuộc. Thịt, xương hãy tạm để vào trong tủ lạnh, sẽ tính sau. Mục tiêu chính là mớ lòng lợn, người chạy đi tìm gia vị để làm dồi, người bắc nước luộc, người chuẩn bị hãm tiết canh... hai tiếng sau thì xong bữa. Ai cũng bảo bữa lòng lợn tiết canh này giống hệt ở Việt nam, có điều là được ăn bỗ bã, thoải mái hơn nhiều. Lại được cái anh Vodka Nga giống y như quốc lủi nút lá chuối khô của nhà mình nữa, đi với món lòng lợn này cứ y như là cậu đi với mợ vậy. Cơm no, rượu say rồi tôi với thằng bạn lăn ra ngủ một giấc dài, mãi đến gần tối mới dậy. Còn khoảng hơn một tiếng nữa thì đến giao thừa ở Việt Nam, vợ thằng bạn nhìn hai chúng tôi còn chưa tỉnh sự hẳn, bóng bẩy: - Sao các ông không ngủ thêm tí nữa để đến sang năm mới hẵng dậy. Cả tôi lẫn hắn đều không trả lời ả. Nhìn nhà cửa đã được quét dọn sạch sẽ, bàn ghế, đồ đạc được xắp xếp gọn ghẽ, tươm tất, mấy bà vợ và bọn trẻ con đã quần áo, đầu tóc chải chuốt đâu vào đấy sẵn sàng đón xuân sang, thằng bạn giục tôi: - Ông tắm rửa rồi thay quần áo khác đi. Khách khứa sắp sửa đến đầy nhà bây giờ đấy. Hắn cũng quay sang vợ, hỏi: - Đã chuẩn bị tiền lẻ để mừng tuổi cho trẻ con chưa? Đừng để như năm ngoái, phải khất chúng nó, rõ xấu hổ. Vợ hắn nguýt chồng một cái rõ dài: - Rồi ông ạ! Người ta lại phải đợi ông nhắc ấy? Từ giao thừa trở đi, khách khứa ra vào nhà thằng bạn tôi cứ rầm rập, hết toán này đến toán khác. Đoàn nhà này ngồi chưa ấm chỗ đã thấy đoàn nhà khác gõ cửa vào. Vì hắn nhiều tuổi nhất trong số người Việt Nam ở đây nên được tôn làm già bản. Tết nhất, ai cũng muốn đến chúc nhà già bản trước, ra cái vẻ kính lão đắc thọ. Vợ chồng thằng bạn tôi phân công nhau mà tiếp khách. Đàn ông, con trai, hắn ép bắt uống bằng được một chén rượu, rồi sau đó mới đến chè ta, chè tây, hay cà phê, tùy. Đàn bà, trẻ con thì vợ hắn mời nước ngọt. Bọn trẻ con dứt khoát mỗi đứa phải cầm một cái bánh hoặc quả hồng, quả quít, múi bưởi... sau đó mới được mừng tuổi. Chẳng biết vợ hắn đã chuẩn bị từ khi nào mà tôi thấy ả có một tập dày toàn những tờ mười Mark mới tinh để trong tủ. Đồng loạt, cứ mỗi đứa trẻ theo bố, theo mẹ đến đều được ả rút ra một tờ để mừng. Phải ba bốn giờ sau khách khứa mới thấy van vãn. Thằng bạn đứng lên, bảo tôi: - Thôi đến giờ thì đến lần mình đi chúc tết hàng xóm. Ông đi với tôi tí. Còn các bà ấy và bọn trẻ con thì để đến sáng mai.... Chuẩn bị tinh thần mà uống bia, uống rượu. Trong khu nhà thằng bạn tôi ở này có khoảng gần ba chục hộ gia đình Việt Nam. Tôi với thằng bạn đi hết lượt, nhiều bù ít, chỉ cần ngồi mỗi nhà năm, bảy phút... hai thằng tôi cũng mất đứt hơn ba giờ đồng hồ. Lúc trước thằng bạn tôi ép người ta uống bia, uống rượu thế nào thì bây giờ chúng tôi cũng bị ép lại đúng như thế. Chí ít, chúng tôi cũng phải làm mỗi thằng một chén nhỏ rượu, hoặc một vại bia, chối, không chịu uống thì bị coi là khinh thường chủ nhà. Và thế là, mặc dù đã thỉnh thoảng vẫn phải ghé qua nhà mình để xả bớt nỗi băn khoăn, nhưng với một lượng bia rượu hổ lốn như thế tôi vẫn thấy bụng dạ ấm a, ấm ách, khó chịu, đầu óc cứ ong ong, mắt thì hoa cả lên. Thằng bạn tôi cũng thế, tôi thấy hắn xoa bụng liên tục, rùng mình và ợ những tiếng rất to. Nhà cuối cùng trong khu mà thằng bạn dẫn tôi vào là căn hộ của các chú độc thân. Mấy chú này ở đâu cũng vẫn thuộc loại bẩn thỉu, lôi thôi, bừa bộn nhất hạng. Quả như vậy, vừa mở hé cửa nhà các chú ra, tôi đã thấy một mùi hôi xộc thẳng vào mũi. Đấy là cái mùi của rác rưới lâu ngày không đổ, mùi thức ăn thừa, mùi toilet không được cọ rửa quyện với mùi mắm tôm, nước mắm, mùi lông gà, lòng gà, rồi mùi hôi của những cái tất bẩn trong những đôi giầy vứt lỏng chỏng ở cửa. Thằng bạn tôi trông to lớn vậy mà yếu lính, không chịu nổi cái mùi ấy. Chưa kịp chào hỏi, chúc tụng gì ai hắn đã lao thẳng vào toilet ọe một thôi, một hồi rồi mới ra. Có đến hơn chục chú ngồi quây quần ăn uống quanh một mâm cỗ đặt trên mấy tờ giấy báo trải dưới đất, xương xẩu vứt lỏng chỏng khắp nơi, vỏ chai rượu, chai bia quẳng bề bộn. Nhà chẳng có bàn ghế gì, một chú kéo tay chúng tôi ngồi xuống mâm. Các chú đang ăn thịt chó. Có lẽ vì không đủ bát đĩa nên các chú xơi từ trong xoong xơi ra. Tôi thấy ngoài mấy cái đĩa to đựng món thịt luộc, món dồi chó, mấy cái bát đựng mắm tôm, một cái rá nhựa cáu ghét đã rách đựng bún là hai ba cái xoong to tướng, méo mó, đen nhẻm, cái đựng món dựa mận, cái đựng món xáo chó.... Còn riềng, ớt, lá mơ, lá húng thì để thành đống trên một mảnh báo ngay ở giữa mâm. Một chú ghé răng mở ra hai chai bia đưa cho hai chúng tôi, rồi thay mặt cả bọn: - Năm mới chúc sức khỏe hai ông anh. Mời các ông anh làm mấy miếng thịt chó đi. Ăn mà nhớ đặc sản của quê hương mình. Tôi hỏi một câu cho có chuyện: - Mồng một tết mà đã ăn thịt chó.... Bọn em không kiêng cữ gì à? - Kiêng cữ gì đâu ông anh... - Một chú nói. Tôi lại hỏi tiếp: - Mà bọn em kiếm được chó ở đâu ra vậy? - Thiếu gì, anh...; - Một chú khác: - Bọn em muốn ăn lúc nào là có lúc ấy. Thấy tôi tỏ vẻ chưa hiểu, thằng bạn phải giải thích: - Chúng nó vẫn ăn thường xuyên đấy. Có gì đâu: Cứ xách cái ba lô ra ngoài đường, thấy con chó, con mèo nào chạy rông thì chụp lấy. Tôi hỏi: - Thế không sợ nó kêu à? Một chú cười cười, đưa hai bàn tay lên cổ chú bạn ngồi bên cạnh, vừa làm động tác bóp chặt, vừa đáp: - Còn có mà kêu được chứ. Ông anh? Chúng tôi chơi ở nhà thằng bạn đến tận ngày mồng bảy, mồng tám tết, ngày nào cũng ăn uống say sưa lu bù. Đến ngày mống chín, nghe tôi nói: - Bọn này phải về thôi.... Đi chơi thế là lâu lắm rồi. Thằng bạn tôi bảo: - Về thì về chứ sao. Nhưng ở lại đây nốt hôm nay đã. Tôi hỏi: - Ở thêm một ngày nữa thì làm được cái gì? Hắn bảo: - Thì lại đi ăn tết nữa. Tôi hỏi: - Ở đâu vậy ? Hắn bảo: - Ở chỗ mấy ông Việt Kiều yêu nước. Năm nào nhà tôi cũng có đến bốn năm cái giấy mời đi ăn tết, không của nhà thờ này, nhà thờ kia, thì cũng của chùa hoặc niệm phật đường, hay một tổ chức, hội đoàn người Việt tỵ nạn nào đó.... Nhưng đây là lần đầu tiên nghe tiếng mấy ông Việt kiều yêu nước. Tôi bảo hắn: - Ô kê. Tao ở lại. Xem tết nhất của mấy ông này như thế nào? Buổi tối, thằng bạn xem lại giấy mời, bỏ vào túi xách cái bánh chưng, chiếc giò bì, chai rượu và một ít hoa quả rồi kéo tôi đi. Chúng tôi phải chuyển mấy chặng vừa tầu điện vừa xe Bus, lại phải đi bộ hàng thôi đường nữa, hết hơn một giờ đồng hồ mới đến được chỗ vui tết. Đấy là cái quán ăn be bé, có cái tên hết sức Á Đông, quán Cây Tre, nằm khiêm tốn giữa một phố nhỏ chẳng mấy người qua lại. Một người đàn bà to béo nhưng lùn tịt, có cái mặt lần lẫn những thịt, cặp mắt hùm hụp, không đoán được tuổi, đeo tấm thẻ có dòng chữ Ban Tổ Chức ở ngực ngồi cái bàn cạnh cửa ra vào. Tôi và thằng bạn chào một câu, bà ta cũng chào lại với giọng mũi ngàn ngạt, xong còn chúc thêm: " - Năm mới... chúc hai cậu khỏe mạnh, làm ăn bằng năm bằng mười năm ngoái". Cứ như hai thằng tôi là em trai của bà vậy. Thế nhưng khi chúng tôi vừa dợm chân định bước vào thì bà cũng đứng dậy, lấy tay kéo áo tôi lại, bảo: - ...Ê! Phải mua vé đã chứ..., các cậu. Tôi chưa kịp phản ứng gì thì thằng bạn đã chen vào: - Bà bảo sao? Đi ăn tết mà cũng phải mua vé ư? Bà phải vất vả giải thích: - Chắc là hai cậu chưa xem kỹ giấy mời. Vì tối nay có cả Karaoke, và Disco, nên mới thu vé ủng hộ, mỗi vé có mười Mark. Thằng bạn tôi vừa lục ví moi tiền ra quẳng lên mặt bàn, vừa hỏi bà: - Ủng hộ ai? Ủng hộ cái gì ? Bà không trả lời, im lặng xé hai cái vé để ra mép bàn, cầm lấy tờ hai chục đút vào ngăn kéo rồi quay mặt đi, cứ như không có hai chúng tôi đứng trước mặt vậy. Giấy mời đề bảy giờ rưỡi tối, nhưng tận chín giờ mới thấy thấy kín được nửa số ghế của quán, trong đó có đến một phần tư là người của ban tổ chức, lại có cả mấy ông bà già người Đức nữa. Chúng tôi tự động lấy cà phê ra bàn, vừa uống, vừa ngó ngang, ngó dọc xem có gì lạ lùng không. Chợt người đàn ông ngồi cùng bàn giật giật áo tôi, ra vẻ bí mật, thều thào hỏi: - Hình như là hôm nay có đại diện của sứ quán xuống hay sao ấy? Tôi làm sao mà biết được chuyện ấy nên hỏi lại: - Không hiểu.... Mà đâu cơ? Ông ta đưa mắt hướng về một góc quán. Tôi nhìn theo, và thấy hai người đàn ông mặc com lê đen, mặt lạnh như băng, tóc chải lật về phía sau, ánh mắt sắc như dao hết nhìn người này lại đến người khác. Chưa bao giờ tôi thấy một buổi vui tết mà lại nặng nề như ở đây. Mọi người như ngồi dự một cuộc họp kiểm điểm ai đó. Đầu tiên là một ông thay mặt ban tổ chức chúc tết mọi người, sau đó giới thiệu ông đại diện sứ quán lên nói chuyện. Ông này nói tràng giang đại hải về những thay đổi của đất nước từ ngày có mở cửa, đổi mới.... Và, mặc dù trong phòng chỉ có ba bốn người Đức, mỗi khi nói xong một câu, ông cũng dừng lại đợi dịch xong thật cẩn thận rồi mới chuyển sang câu khác, làm như nội dung bài nói của ông chủ yếu là dành cho mấy vị kia vậy. Thấy vị đại diện như đang giảng một bài chính trị, trong đám thính giả đến ăn tết có nhiều người tỏ vẻ sốt ruột, tức bực, đến đây để vui tết chứ có phải để nghe ông ta thuyết lý đâu. Thằng bạn tôi mọi khi rất hiền, ở nhà vợ nói cái gì cũng gật, vậy mà bây giờ cũng phẫn nộ. Chẳng biết hắn đọc ở báo nào mà lúc ông đại diện vừa ngừng lời, hắn đã đứng lên, hỏi rất to và rất mạch lạc: - Ông cứ nói là ở trong nước bây giờ đã có tự do, dân chủ với nhân quyền. Thế thì tại sao một loạt những người đòi thực hiện nhân quyền với dân chủ, tự do... lại bị nhà nước bắt giam mãi không chịu thả ra. Kể cả mấy ông sư, mấy ông linh mục nữa. Thứ tự do ấy là tự do kiểu gì vậy? Trừ mấy ông, mấy bà trong Ban Tổ Chức là ngồi im, trong số thính giả còn lại, nhiều người vỗ tay tỏ vẻ hưởng ứng, căn phòng như ồn ào hẳn lên. Nhưng ông đại diện không trả lời, cả ông phiên dịch cũng im thin thít làm cho mấy ông bà già người Đức ngạc nhiên cứ há mồm ra hết nhìn người này lại ngó sang người khác chẳng hiểu đầu cua tai nheo như thế nào. Như băng pháo được châm ngòi, nhiều người lại đặt ra những câu hỏi mới, có người hỏi đến mấy câu, về những tệ nạn xã hội, về sự bất tài, ngu dốt, bảo thủ của đám lãnh đạo đảng và nhà nước. Có một bà hỏi về việc cấm pháo: - Ông bảo vì cấm pháo mà tiết kiệm được mấy tỉ đồng.... Nhưng mấy tỉ đồng ấy so với những vụ tham nhũng của vợ chồng mấy ông tướng, mấy ông bộ trưởng, hay sự tham ô, lãng phí, móc ngoặc, hối lộ của mấy ông lãnh đạo nhà máy, mấy bà lãnh đạo công ty... có thấm vào đâu không? Một bà khác, chẳng biết kiếm ở đâu ra mấy mẩu báo Tiền Phong, Pháp Luật, Lao Động... (#1) đã nhầu nát. Bà ta giơ mớ báo về phía bàn chủ tọa, giọng rất đanh đá: - Các ông cứ nói leo lẻo, đảng, nhà nước tài tình với lại sáng suốt.... Thế thì tại sao nay bị thằng này lừa cho vài tỷ, mai lại bị thằng khác lừa cho vài tỉ, rồi lúc này làm thất thoát vài triệu Đô, lúc khác để rò rỉ vài triệu Đê. Tài, giỏi kiểu gì mà lạ đời vậy. Báo chí trong nước chẳng kêu oai oái đây này? Ông đại diện vẫn một mực không trả lời bất kỳ câu hỏi nào, các ông Việt Kiều Yêu Nước cũng vậy. Các ngài đánh bài lảng bằng cách chuyển chương trình sang nói với bà con bỏ bánh trái, bia, rượu... mang theo ra mà ăn uống, rồi sẽ hát Karaoke và nhảy Disco. Nhưng vừa mới như cãi nhau xong còn ai bụng dạ nào để ý đến ăn nhậu, hò hát với nhảy nhót nữa. Chúng tôi ở chơi nhà thằng bạn đến tận hôm rằm tháng giêng mới về. Gần hai chục ngày đi vắng, cái thùng thư nhà tôi đầy phè ra những thư từ, báo chí và các loại quảng cáo. Tôi moi được trong đống giấy má chắc như giò ấy một tờ Bản Tin của sứ quán, chẳng biết do ai nhét vào từ bao giờ. Trong một lúc rất thảnh thơi, trong nhà không còn cái gì để đọc nữa, tôi mới lôi tờ Bản Tin ấy ra xem và đọc được một mẩu tin như thế này: Ngày... Tháng... Năm... Hội Việt Kiều Yêu Nước thành phố H đã tổ chức vui tết cổ truyền cho quí đồng hương trong thành phố và vùng phụ cận. Đặc biệt có một số người Đức cũng đến tham dự. Đồng chí... đại diện sứ quán đến vui tết và nói chuyện với đồng bào. Buổi gặp gỡ đã diễn ra và kết thúc trong không khí đoàn kết, hữu nghị, hào hứng, sôi nổi, thân mật, thông cảm và hiểu biết lẫn nhau. Tôi cũng đưa mẩu tin ấy cho vợ tôi. Nàng liếc mắt xem qua xong vò nhàu tờ Bản Tin, vừa vứt vào sọt rác vừa phán một câu xanh rờn: - Thì chẳng đã hiểu biết lẫn nhau từ bao lâu rồi còn gì. Rõ chuyện! Chú thích: (1-) - Tên một số tờ báo xuất bản trong nước.